Khi ông ngoại về đến nhà, áng chừng đã vào lúc thường ngày ăn cơm sáng; trên vai, trên tay đều là hàng mua về. Vừa lên đến đỉnh núi, ông đã gọi cháu, bảo Thúy Thúy đưa đò sang đón. Thúy Thúy thấy bao nhiêu người đều vào thành, đang cuống lên ở trên đò không biết làm sao thì nghe tiếng ông gọi. Em mừng quá, lanh lảnh đáp:
- Ông ơi, ông ơi, cháu đến đây!
Xuống đến bến, ông ngoại lên đò, bỏ những thứ mang trên vai, trên tay xuống đầu đò, rồi vừa giúp cháu kéo đò vừa rụt rè bẽn lẽn cười như đứa trẻ:
- Cháu sốt ruột lắm, phải không nào?
Lẽ ra Thúy Thúy trách ông, nhưng cô bé chỉ đáp:
- Ông ơi, cháu biết ông đứng ở phố bờ sông nài người ta uống rượu, vui quá nhỉ!
Cô bé biết ông ngoại được vào phố chơi thì rất vui; nhưng nói điều đó ra, ông ngoại sẽ càng ngượng nên em không nói gì.
Cô bé nhìn những thứ đặt ở đầu đò thì không thấy bầu rượu, bèn cười giễu:
- Ông ơi, ông hào phóng quá nhỉ, ông đội và khách đi thuyền được mời uống rượu đến mức đưa luôn cả bầu rượu vào bụng!
Ông quản đò cười:
- Đâu có, đâu có! Bầu rượu của ông bị đại ca Thuận Thuận giữ lại rồi. Ông ấy thấy ông mời người ta uống rượu ngay trên phố thì nói: “Này ông quản đò, ông đừng chơi ngông! Như thế là không được. Ông có mở lò rượu đâu mà hoang toàng như thế? Thôi, bỏ cái bầu lại đây, mời tôi uống cạn hết nhé!”. Ông ấy bảo mời tôi uống cạn hết nhé nên ông bỏ bầu lại. Nhưng ông đoán, ông ấy chỉ đùa ông thôi, nhà ấy còn thiếu rượu trắng hay sao? Thúy Thúy, cháu nói...
- Ông ơi, ông tưởng rằng người ta thực sự muốn uống rượu của ông nên mới đùa như thế hay sao?
- Thế thì là thế nào?
- Ông yên tâm đi, nhất định người ta thấy ông mời khách không phải chỗ nên mới giữ bầu rượu của ông lại. Lát nữa thế nào họ cũng đem trả, vậy mà ông còn chưa hiểu à? Thật là...
- ừ, quả là như thế thật!
Nói đến đấy, thuyền đã cập bờ. Thúy Thúy tranh chuyển đồ cho ông nhưng cũng chỉ xách được con cá với cái đẫy hai túi. Tiền trong túi đầy đã tiêu hết nhưng có một gói đường trắng và một gói bánh.
Hai ông cháu vừa chuyển được các thứ mua lên nhà thì bờ bên kia lại có người gọi đò. Ông già bảo cháu trông thịt, cá kẻo mèo rừng tha mất, còn mình giành lấy việc đưa đò. Lát sau có tiếng ông già cùng người đi đò kéo nhau lên nhà. Thì ra người ấy đưa trả bầu rượu. Ông quản đò nói:
- Thúy Thúy, cháu đoán thế mà đúng, quả nhiên người ta đã đem trả bầu rượu đây này!
Thúy Thúy chưa kịp vào bếp thì ông cụ cùng một chàng trai mặt đen đen, vai rộng bước vào nhà. Thúy Thuý và người khách đều cười khi nghe ông cụ nói tiếp. Người khách lại cười với Thúy Thúy. Cô bé dường như hiểu vì sao người ta nhìn mình nên ngượng ngùng đi vào bếp nhóm lửa. Dưới bến đò lại có người gọi, cô bé vội chạy ra cửa, xuống đò, đưa khách qua suối. Tiếp đó lại có người qua suối nữa. Trời tuy mưa nhỏ nhưng khách qua đò thật đông, ba chuyến đò liền một lúc. ở trên đò, Thúy Thúy vừa kéo dây chão vừa nghĩ đến tính khí buồn cười của ông ngoại.
Không hiểu sao Thúy Thúy cảm thấy người khách từ trong thành đưa trả bầu rượu này rất quen. Mắt nhìn rõ là người quen nhưng cô bé không nhớ đã gặp người ấy ở đâu. Vì không cố nghĩ xem đã từng gặp người ta ở đâu nên Thúy Thúy cũng không đoán được thân thế người ấy.
Ông ngoại đứng trên bờ đá gọi:
- Thúy Thúy, cháu lên đây nghỉ rồi còn tiếp khách!
Lẽ ra không có ai gọi đò, Thúy Thúy cũng muốn lên nhà nhóm lửa, nhưng ông ngoại gọi thì em lại không muốn lên nhà nữa.
Khách hỏi ông ngoại có vào thành xem đua thuyền không, ông quản đò nói còn phải trông đò. Hai người lại nói một số chuyện khác, cuối cùng khách mới đi thẳng vào chuyện chính:
- Bác ơi, Thúy Thúy nhà bác lớn thật rồi, càng lớn càng xinh đấy!
Ông quản đò cười, thầm nghĩ: “Cậu em nói y hệt cậu anh, thật là thẳng thắn”, nhưng khi nói thì lại là:
- Na Tống này, vùng này người đáng để cho mọi người khen chỉ có mình cháu, ai cũng bảo cháu đẹp trai. “Con báo trên non, con trĩ bên suối”, đó là lời người ta khen những nét đẹp của cháu đấy!
- Nhưng như thế không được công bằng.
- Rất công bằng đấy chứ! Bác nghe người đi thuyền nói, lần trước cháu áp tải thuyền, thuyền đến bãi Bạch Kê Quan phía dưới Tam Môn thì xảy ra sự cố, cháu đã cứu được ba người trong sóng dữ. Các cháu qua đêm trên bãi sông. Con gái trong thôn ấy biết tin, họ ở ngoài lều của cháu hát suốt đêm, chuyện ấy có thật không?
- Không phải con gái hát suốt đêm mà là sói gào. Nơi ấy nổi tiếng là lắm sói, chúng chỉ rình có dịp là xơi chúng cháu.
Ông quản đò lại cười:
- Khéo thật đấy! Người ta nói thế mà đúng. Sói chỉ thích ăn thịt con gái, trẻ con và thanh niên đẹp trai. Loại xương xẩu già lão như bác, sói chẳng thèm.
Chàng trai nói:
- Bác ơi, bác ở đây đã nhìn hàng mấy vạn lần mặt trời mọc, người ta đều nói miền chúng ta đây phong thủy rất tốt, sản sinh ra người nổi tiếng. Vậy mà không hiểu nguyên nhân gì, đến nay chưa có người xuất sắc nào xuất hiện?
- Cháu nói nơi có phong thủy tốt thì phải có người nổi tiếng phải không? Bác cho rằng người như thế không sinh ra ở một nơi nhỏ bé như chúng ta đây cũng chẳng có gì phải ngại. Chúng ta có các chàng trai thông minh, chính trực, dũng cảm, cần cù lao động là đủ rồi. Mấy cha con nhà cháu cũng đủ làm vẻ vang cho nơi đây.
- Bác ơi, bác nói rất hay, cháu cũng nghĩ như thế. Nơi này không có người xấu mà chỉ có người tốt. Như bác đấy, tuổi tuy già mà cứng cỏi như cây gỗ nam(26), vững chãi bám rễ ở nơi này, vừa ngay thẳng, vừa hào phóng, thật khó có được người như thế!
- Bác già lão rồi, nói làm gì nữa. Nắng, mưa, đường xa gánh nặng, lúc thì ăn uống no nê, lúc thì chịu đói chịu rét, phận mình đã nếm đủ cả, chẳng bao lâu nữa sẽ nằm trong đất giá lạnh nuôi giòi. Những gì có được trên thế gian này là phần của đám thanh niên các cháu. Các cháu hãy làm cho thật tốt, cuộc đời không phụ các cháu thì các cháu cũng chớ phụ cuộc đời.
- Bác ơi, bác cần cù như thế, bọn trẻ chúng cháu xin noi theo, không dám phụ cuộc đời đâu ạ.
Chuyện trò hồi lâu rồi cậu Hai muốn về. Ông quản đò ra cửa gọi Thúy Thúy lên nhà nhóm lửa thổi cơm, ông sẽ thay cô bé trông đò. Thúy Thúy còn dùng dằng chưa muốn lên thì khách đã xuống đò. Khi cô bé toan kéo chão, ông ngoại cố ý ra vẻ trách:
- Thúy Thúy, cháu không lên nhà, lẽ nào bắt ông phải làm nàng dâu nấu cơm hay sao?
Thúy Thúy liếc mắt nhìn khách thấy người ấy đang chằm chằm nhìn mình bèn ngoảnh mặt đi. Khách đứng trên đầu thuyền gợi chuyện:
- Thúy Thúy, ăn cơm xong, em và ông đi xem đua thuyền chứ?
Không trả lời thì không tiện, Thúy Thúy đành đáp:
- Ông ngoại bảo không đi, đi thì không ai trông đò.
- Thế còn em?
- Ông không đi thì em cũng không đi.
- Em cũng phải trông đò à?
- Em cùng ông em trông đò.
- Anh nhờ một người đến trông hộ đò, được không?
“Sầm” một tiếng, đầu đò chạm vào mô đất bên bờ. Đò cập bến rồi, cậu Hai nhảy lên bờ, đứng trên đó nói:
- Thúy Thúy, cảm ơn em... Về đến nhà là anh nhờ người trông đò cho hai ông cháu. Hai ông cháu mau ăn cơm đi, lát nữa tới nhà anh mà xem đua thuyền. Hôm nay người đi xem đông lắm đấy!
Thúy Thúy chưa hiểu ý tốt của người trai trẻ ấy, không hiểu vì sao cứ phải đến nhà anh ta để xem đua thuyền? Cô bé mím miệng cười, đưa đò trở về bờ bên nhà. Khi tới bờ bên ấy, cô bé thấy người khách kia vẫn còn đứng trên núi. Thúy Thúy lên nhà vào bếp nhóm lửa, em vừa bỏ nắm cỏ còn hơi ẩm vào bếp, vừa hỏi ông ngoại đang nhấc thử bầu rượu mà khách vừa trả trên tay:
- Ông ơi, người ấy bảo về đến nhà là nhờ người tới trông đò thay cho ông để hai ông cháu cùng đi xem đua thuyền. Ông có đi không?
- Thế cháu có thích đi không đã?
- Cháu thích hai ông cháu cùng đi. Người ấy tốt thật, hình như cháu có quen anh ấy. Anh ấy là ai thế?
Ông quản đò nghĩ, thế này thì tốt rồi, người ta cũng cảm thấy cháu ta tốt. Rồi ông cười bảo cháu:
- Thúy Thúy, cháu không nhớ hồi trước khi cháu ở trên bến sông, có người doạ cho cá lớn ăn thịt cháu à?
Thúy Thúy biết là ai rồi nhưng vẫn giả vờ chưa biết:
- Anh ấy là ai?
- Là cậu Hai con ông quản bến Thuận Thuận. Cậu ấy biết cháu mà cháu lại không biết cậu ấy! - Ông tợp một hớp rượu rồi thì thầm nói như khen rượu lại như khen ai đó - Tuyệt thật, khéo thật, thật khó có.
Khách qua đò đứng dưới bến lại gọi đò. Miệng ông lão vẫn lẩm bẩm “Tuyệt thật, khéo thật...” trong lúc vội vã xuống đưa đò.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !