Chủ nhật không được coi là “ngày nghỉ ngơi” đối với bà mẹ của một gia đình chuẩn bị tới nhà thờ, nhưng nói thế là mỉa mai lòng mộ đạo. Trở về nhà sau một ngày dành cho nhà thờ, chúng tôi lao vào ăn mừng bởi đã khám phá ra cuộc sống mới huy hoàng. Hồi ở căn hộ cũ, chật chội quá khiến chúng tôi chỉ còn nước kiếm cớ để ra khỏi nhà buổi chiều Chủ nhật. Giờ đây chúng tôi tha hồ mà giãi thẻ đồ đoàn, và cả bản thân mình nữa, trong khắp khu vực của chúng tôi. Tôi thì chợp mắt đôi chút trước lò sưởi phòng khách, trong khi Keri đọc sách trong phòng ngủ và Jenna lặng lẽ chơi trong phòng trẻ. Chúng tôi bớt đi mối gắn kết gia đình, nhưng bù lại, chính là sự tĩnh tại thư thái.
Sáu giờ kém mười lăm, Keri đánh thức tôi, và sau khi tắm rửa, chúng tôi xuống gác tới phòng ăn của Mary. Mùi bít tết và nước xốt và bánh mỳ mới nướng tỏa ra tuyệt diệu. Phòng ăn rất rộng, bài trí theo kiểu Victoria điển hình, nền nhà trải thảm Ba Tư rực rỡ tới gần sát tường, để lộ sàn gỗ cứng bóng loáng bên dưới. Căn phòng bao quanh một cái bàn ăn lớn hình chữ nhật trải vải đăng ten. Một cây đèn chùm pha lê hiệu Strauss thả xuống từ trần nhà ngay chính giữa bàn, lơ lửng bên trên một bình hoa tươi mới cắt. Chỗ bức tường phía Đông là một cái tủ tường được dựng công phu, trưng bày những bộ đồ sứ tuyệt đẹp. Nơi bức tường đối diện là cái lò sưởi, cũng được trạm trổ cầu kỳ như cái lò sưởi phòng khách nhưng bằng gỗ nhẹ hơn. Mặt lò sưởi mở rộng ra tới trần nhà, hộp lò với nền lò được lát đá hoa theo họa tiết trắng-xanh. Ở mỗi bên của lò sưởi là một cái ghế bằng gỗ cây óc chó có lưng tựa khắc theo lối Gô tích và được bọc vải lông có viền.
Mary đón chúng tôi ở cửa và duyên dáng cảm ơn vì đã xuống dùng bữa với bà.
“Tôi rất vui là anh chị đã tới!” Bà nói.
“Chúng tôi phải vui mới phải,” tôi trấn an bà.
“Bà không cần phải bày vẽ như thế,” Keri nói.
Mary là một bà chủ nhà lý tưởng và bà sẽ không bày vẽ nếu không cảm thấy mọi thứ xứng đáng phải như thế.
“Có phiền gì đâu.” Bà nói một cách tự nhiên,
Khung cảnh thật đẹp đẽ không chê vào đâu được. Những cái đĩa sứ được viền vàng 24 ca ra.
“Xin mời ngồi,” bà giục và chỉ cho chúng tôi mấy cái ghế. Chúng tôi ngồi xuống, chờ bà.
“Tôi luôn cầu nguyện trước bữa ăn. Anh chị cầu nguyện cùng tôi nhé?” Bà nói.
Chúng tôi cúi đầu.
“Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ những tặng vật hào phóng Người đã ban cho chúng con trong mùa Giáng sinh thiêng liêng này. Cảm ơn Người vì những người bạn mới. Xin Người hãy ban cho họ những gì họ cần và họ ao ước. Amen.”
Chúng tôi ngẩng lên.
“Cảm ơn bà,” tôi nói.
Mary mở cái giỏ có những ổ bánh mì nóng hổi, tách chúng ra đặt vào đĩa của chúng tôi. Rồi bà rót nước vào ly của chúng tôi và mọi người chuyền nhau những cái đĩa đầy thức ăn.
“Thế chỗ ở của anh chị sao rồi? Anh chị đã dọn hết đồ đến chưa?” Mary hỏi.
“Xong rồi ạ,” Keri đáp.
“Có đủ chỗ trên căn áp mái không? Tôi e rằng trên đó hơi chật.”
“Không, đủ ạ,” tôi trấn an bà. “Chúng tôi không có nhiều đồ đạc.” Tôi xúc một thìa đầy từ đĩa của mình rồi nói thêm, “Trên đó bà có vài thứ thực sự rất đẹp.”
Bà mỉm cười, “Phải rồi. Đó phần lớn là đồ của David. David thích sưu tập. Là doanh nhân, ông ấy đã đi khắp thế giới. Chuyến đi nào ông ấy cũng mua đồ về. Những lúc rảnh ông ấy hay tìm hiểu về nội thất và đồ cổ. Vài năm trước khi chết ông nhà tôi bắt đầu sưu tập Kinh thánh.”
Tôi lúc lắc đầu thú vị.
“Anh có thấy cuốn Kinh thánh đằng kia không?” Bà nói, chỉ về phía một cuốn sách to bọc da nằm đơn độc trên cái bàn sơn mài đen có dán giấy bồi và khảm xà cừ. “Cuốn Kinh thánh đó đã ngoài hai trăm năm mươi tuổi. Đó là một trong những món yêu thích mà David tìm được.” Bà vui vẻ bộc bạch. “Ông ấy mang nó về từ nước Anh. Các nhà sưu tập gọi đó là cuốn Kinh thánh ‘tội lỗi’. Trong lần in đầu tiên, nhà in có lỗi, và trong phần Cuộc di cư họ đã quên mất từ ‘không’ ở điều răn thứ bảy. Thế là thành ra ‘Ngươi được phạm tội ngoại tình’. ”
Keri tủm tỉm, “Thật đáng trách.”
Mary cười to. “Đúng vậy.” Bà nói. “Dùng bữa xong mời anh chị cứ xem tự nhiên. Vua Anh đã phạt nhà in ba trăm bảng vì cái lỗi đó đấy.”
“Một sai lầm đáng giá,” tôi nói.
Bà mỉm cười hóm hỉnh, “Đó là một phiên bản rất phổ biến. Trong phòng khách phía trước có cuốn Kinh thánh của Pháp với cái mà người ta gọi là bức họa rìa trước. Nếu anh xếp mép các trang sách lại thì sẽ thấy một bức màu nước về Chúa Giáng sinh. Đó là một loại nghệ thuật độc đáo nhất của thời kỳ đó. Ở trên gác, trong phòng áp mái có một cái hộp đựng Kinh thánh mà David đã mua để đựng cuốn Kinh thánh này, nhưng tôi thấy cuốn sách đẹp quá nên tôi đã bỏ nó ra.
“Chiếc hộp Giáng sinh,” tôi nói.
Bà có vẻ ngạc nhiên trước việc tôi đã biết cái hộp.
“Phải rồi, có cảnh Đức Chúa Giáng sinh được khắc trên mặt gỗ - cảnh Đức mẹ Madonna và Chúa Hài đồng.”
“Tôi đã thấy rồi. Cái hộp rất đẹp.”
Bà giảng giải, “Nó không phải làm ở Pháp đâu. Tôi nghĩ nó xuất xứ từ Thụy Điển. Những chiếc hộp tinh xảo, đó là một nghệ thuật ở những nước vùng Scandinave. Khi David qua đời, tôi nhận được không ít đề nghị mua lại các cuốn Kinh thánh. Trừ cuốn mà tôi tặng cho nhà thờ, và ba cuốn tôi vẫn đang giữ, tôi đã bán hết những cuốn còn lại. Tôi chỉ không thể chia tay với ba cuốn này. David từng vui sướng biết bao khi có chúng. Đó là những vật báu mà ông ấy thích nhất.”
“Thế cuốn Kinh thánh thứ ba đâu ạ?” Tôi hỏi.
“Tôi để nó trong phòng làm việc nhỏ, để đọc riêng. Tôi chắc sẽ có những nhà sưu tập muốn lấy đầu tôi vì việc đó, nhưng cuốn Kinh thánh đó có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi.” Bà nhìn xuống Jenna.
“Nhưng thôi, về những thứ cũ rích thế là đủ rồi. Hãy kể cho tôi về cô gái ba tuổi ngọt ngào của anh chị đi,” bà nói ấm áp.
Jenna nãy giờ vẫn ngồi yên lặng, thận trọng nếm thức ăn của nó, chẳng ai chú ý tới. Con bé ngẩng lên thẹn thùng.
“Jenna sẽ tròn bốn tuổi vào tháng Một này,” Keri đáp.
“Cháu sắp được bằng nhiều như thế này này,” Jenna hãnh diện nói, xòe bàn tay với một ngón đã quặp vào ra.
“Thật là một tuổi thần tiên!” Mary kêu lên. “Cháu có thích nhà mới của cháu không?”
“Cháu thích cái giường của cháu,” nó đáp tự nhiên.
“Jenna rất sung sướng được thoát khỏi cái nôi,” Keri giải thích. “Ở căn hộ cũ chúng tôi không có chỗ để kê một cái giường. Jenna cảm thấy tuyệt vọng khi phát hiện ra mình là người duy nhất trong lớp học múa vẫn đang ngủ trong một cái nôi.”
Mary mỉm cười thông cảm.
Keri nhớ lại, quay sang tôi, “À nhân chuyện múa, buổi duyệt múa Giáng sinh của Jenna là vào thứ Bảy này. Anh đưa đón con nhé?”
Tôi cau mày, “Anh sợ không được. Thứ Bảy ở cửa hàng bận lắm, bao nhiêu là đám cưới và lễ lạt Giáng sinh trong tháng Mười hai này.”
“Đây là một thời điểm hẳn là quá bận đối với loại hình kinh doanh của anh,” Mary nhận xét.
“Đúng vậy, nhưng đến tháng Một thì lại ế ẩm lắm.” Tôi đáp.
Bà lịch sự gật đầu rồi quay sang Keri. “Được rồi, riêng tôi, tôi rất mừng rằng Jenna thích nơi này. Và nếu chị muốn có ai cùng đi, tôi sẽ rất vui lòng được thế chỗ Richard trong buổi múa duyệt.”
“Chúng tôi rất sẵn lòng,” Keri đáp, còn Jenna mỉm cười.
“Vậy là hẹn nhau rồi nhé.” Bà bảo, “Và...” Bà quay sang Jenna, “Tôi đã làm một ít bánh putding sôcôla Giáng sinh cho cô vũ công nhỏ đây. Cháu có thích ăn một chút không?”
Jenna mỉm cười nôn nóng.
“Hy vọng anh chị không phiền.” Mary quay sang chúng tôi, nói. “Cô bé vẫn chưa ăn xong bữa tối.”
“Tất nhiên là không rồi,” Keri đáp. “Bà thật chu đáo.”
Mary rời bàn ăn rồi quay lại mang theo một cái khay trên có những bát pha lê đựng đầy putding bốc khói. Bà tiếp cho Jenna đầu tiên.
“Ngon thật,” tôi nói, đưa một thìa bánh vào miệng.
“Tất cả đều ngon tuyệt,” Keri nói, “Xin cảm ơn bà.”
Câu chuyện lắng xuống khi chúng tôi ăn món tráng miệng. Jenna là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng.
“Con đã biết vì sao ruồi lại bay vào nhà,” nó đột nhiên tuyên bố.
Chúng tôi nhìn con bé tò mò.
“Cháu biết ư?” Mary hỏi.
Jenna nhìn chúng tôi trang nghiêm. “Chúng bay vào tìm bạn...”
Chúng tôi cố nén cười khi thấy con bé tha thiết.
“.... và người ta đã giết chúng.”
Keri và tôi nhìn nhau rồi phá lên cười.
“Cô bé của tôi, cháu đúng là một nhà tư tưởng tý hon,” Mary bảo. Bà tủm tỉm cười, rồi cúi xuống và ôm Jenna.
“Tôi đề nghị ta uống mừng nào.” Mary nói. Bà nâng cái ly pha lê lên. Theo sau bà, chúng tôi rót rượu hồng vào tới nửa ly và nâng lên.
“Chúc cho tình bạn và một Giáng sinh tuyệt vời.”
“Hay lắm, hay lắm,” Tôi nhấn giọng.
“Chúc một Giáng sinh tuyệt vời,” Keri nhắc lại.
Và phần còn lại của buổi tối trôi qua trong cuộc chuyện trò nhẹ nhõm, điểm xuyết tiếng cười. Khi bữa tối đã xong, chúng tôi nồng nhiệt cảm ơn Mary vì những đồ ăn ngon và mang chén đĩa ra bếp. Mary cứ khăng khăng đòi tự mình rửa lấy nên chúng tôi đành ngần ngại để bà lại với đống bát và trở lên gác, về khu phòng của mình.
“Em có cảm giác như em đã biết bà ấy cả đời rồi.” Keri nói.
“Như là bà mình vậy,” tôi nhận xét.
Jenna cười và lao lên cầu thang trước chúng tôi.
*
* *
Việc sống chung đã diễn ra một cách tự nhiên, cởi mở khiến mọi người đều hài lòng. Tôi và Keri mau chóng nhận ra rằng Mary mong có một gia đình vào ở cùng vì cái không khí “gia đình” hơn là một nhu cầu vật chất. Bà có thể dễ dàng thuê được người phục vụ như từng làm trong quá khứ, và dường như bà bận tâm ghê lắm đến việc sao cho chúng tôi ở đây được dễ chịu, đến nỗi bà liền thuê ngoài làm ngay những việc mà tôi và Keri có thể thấy quá buồn tẻ hay tốn thời gian, trừ phi việc đó khiến mọi người lây nhau cái cảm giác gia đình. Mang cây thông Giáng sinh về nhà là một dịp như vậy. Sau khi tìm được một cây thông to đẹp nhất trong khu, bà lại đặt mua một cây nữa cho chúng tôi. Bà tỏ ra vô cùng sung sướng khi Keri đề nghị rằng tất cả chúng tôi có thể chung vui với một cây thôi. Chúng tôi đã mang cây thông về nhà sau và sau một hồi ồn ào, mùi hương tươi mát của cây thấm vào khắp căn phòng. Vậy nên thật dễ hiểu, căn phòng đã trở thành nơi chúng tôi yêu thích tụ tập sau bữa tối. Chúng tôi thích sự có mặt của Mary cũng như bà thích sự góp mặt của chúng tôi vậy, còn Jenna thì đã nhanh nhảu coi bà như một người bà khác của nó.
*
* *
Có những người sinh ra để làm việc cho người khác. Không phải làm việc một cách vô tâm và nhẫn nhục, mà đúng hơn là, họ làm việc hiệu quả hơn trong khuôn khổ những công việc và bổn phận hàng ngày đã được định ra. Còn có những người sinh ra đã có máu kinh doanh và hứng thú với việc được tự mình quyết định và chấp nhận rủi ro. Thật là xui, tôi lại thuộc về nhóm thứ hai này. Thú thực, cái thiên hướng đó cũng đủ mạnh để mang tôi trở về quê hương, như những dãy phố vừa lạ lẫm vừa thân quen cùng những đỉnh núi tuyết phủ mà tôi đã đem lòng yêu quý. Như tôi đã kể lúc trước, Keri và tôi rời Nam California vì cơ hội mở được một cơ sở cho thuê lễ phục. Dù việc cho thuê đồ lịch sự giờ đây đã trở nên quá đỗi bình thường, nhưng vào thời đó nó còn mới mẻ, chưa ai thử nghiệm nên khiến chúng tôi rất hào hứng. Cơ hội đó đến từ một người bạn, người đã về sống tại một thị trấn nhỏ ở phía Bắc Thành phố South Lake, gọi là Bountiful, để cưới vợ. Đó là khi cậu ta gặp đối tác tương lai của tôi, một thợ may dám nghĩ dám làm. Người này vừa bắt đầu cho thuê những bộ váy cô dâu được may rất khéo, và mau chóng nhận ra nhu cầu rất lớn về trang phục cho những người cặp cùng cô dâu và phù dâu.
Bởi nhu cầu là cha đẻ của lợi nhuận, ông ta bắt đầu cho thuê các loại áo vét để mọi người mặc trong bữa tối và thành công mỹ mãn. Đúng vào thời gian ấy mà bạn tôi, trong lúc cũng đang mặc một cái áo như vậy, và vào một thời điểm mà tôi không hề hay biết, đã có một cuộc thảo luận dài với người cho thuê trang phục về hiện tại và tương lai của công việc kinh doanh này. ấn tượng bởi những kỹ năng marketing của tôi, người chủ đó trực tiếp gọi cho tôi và sau nhiều lần nói chuyện qua điện thoại đường dài, ông ta đề nghị bán cho tôi một phần của cái công ty mới đổi lấy kinh nghiệm và một khoản tiền mặt be bé của tôi, món tiền mà tôi và Keri đã tích cóp được. Cơ hội này là tất cả những gì chúng tôi có thể hy vọng và nó cho thấy những dấu hiệu của một tiền đồ tươi sáng.
Dưới sự hướng dẫn của tôi, chúng tôi mở rộng thị trường bằng cách lập ra các catalogue ảnh lễ phục và gửi chúng tới chỗ các thợ may và hội trường cưới ngoài khu vực trung tâm. Họ trở thành đại lý cho các bộ lễ phục của chúng tôi, họ cho khách hàng thuê lại các bộ lễ phục này và kiếm được kha khá tiền hoa hồng nhờ giao dịch. Giấy tờ sổ sách của cái kiểu kinh doanh mới này thì quá nhiều và phức tạp, nhưng sự thành công của ý tưởng đã ngốn hết thời gian và tôi thấy mình ngày càng rời xa khung cảnh tương đối an nhàn ở nhà. Trong biệt ngữ kinh doanh hiện đại, có một thứ gọi là “chi phí của cơ hội.” Thuật ngữ này dựa trên giả thiết là do tất cả mọi nguồn lực, chủ yếu là thời gian và tiền bạc, luôn có giới hạn, nên gã doanh nhân thành công sẽ cân nhắc mọi thương vụ dựa trên những cơ hội sẽ bị mất đi trong giao dịch làm ăn. Có lẽ nếu nhìn thấy đôi mắt khát khao của con gái đang chăm chú nhìn lại tôi sau cái cân mạ vàng, tôi sẽ cân nhắc lại những ưu tiên của mình. Tôi đã khéo léo biện minh cho sự vắng mặt khỏi nhà là do nhu cầu công việc và tự nhủ một ngày nào đó gia đình mình sẽ đồng tình với sự hy sinh của mình, bằng cách cùng nhau ăn mừng về những thành quả lao động đạt được. Giờ hồi tưởng lại, lẽ ra tôi đã phải nếm những thành quả đó trong cay đắng hơn nhiều.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!