Chiếc Mặt Nạ Thiết Huyền Chương 2

Chương 2
Chap 2

Không hiểu sao, ánh mắt ông ta cứ hút vào gương mặt mợ Mười, đến nổi rót trà tràn ra ngoài mà vẫn không hay biết…

Lúc nhà vãn khách, mợ Mười mới hỏi chồng:

- Anh Bá Nhân lúc này rảnh việc nên hay sang thăm hỏi hai vợ chồng mình nhỉ?

Cậu Mười hơi chau hai hàng lông mày ra vẻ khó chịu, nhưng không muốn vợ trông thấy.

- Ông ta làm anh khó hiểu đấy! Bỗng nhiên thành người tốt bao giờ không biết…

Câu nói của chồng khiến mợ Mười ngạc nhiên, nhưng không dám hỏi. Mợ nghĩ, có thể hai anh em đang hờn giận chi đó nên chồng mới nói thế… Chứ riêng mợ thì… không dám lỡ miệng…

Vào làm dâu nhà giàu cái gì cũng sợ. Những vật dụng linh tinh so ra lúc nào cũng đắt tiền đối với kẻ nghèo. Vì vậy mợ Mười chưa bao giờ buông thả hành động của mình trong căn nhà thật lắm thứ. Cũng may, cậu Mười mồ côi sớm, chỉ có mấy người chị đã gả chồng xa, mấy đứa em nhỏ đi học thì lâu lâu mới về. Như vậy, tuy gọi là mợ Mười, nhưng thật ra là bà chủ của một gia đình với mấy người giúp việc…

Hơn một tháng sống với vai trò mợ Mười, cô gái vùng quê làm quen rất nhanh những sinh hoạt của kẻ trưởng giả. Mợ Mười chưa bao giờ làm chồng thất vọng hay ra vẻ với những người phụ việc bằng vai trò chủ cả của mình. Chính điều này làm cho người ăn kẻ ở rất nể vì một cô gái cùng tầng lớp, nhưng lại gặp may khi lọt vào nhà họ Đỗ…

Ba tháng sau cậu Mười có tin vui. Mợ Mười đã có mang… Và ai cũng tin rằng đó là dòng quý tử…

Cậu Mười tất bật với việc mua sắm khi được tin vui nên cả ngày vẫn chưa thấy về…

Chiều đó mợ Mười ra bàn thờ tổ tiên thắp nhanh như thường lệ. Bỗng nhiên lúc đang đứng, người đàn bà có cảm giác ai đó đứng rất gần mình… gần lắm như thể sắp chạm vào… Giật phắt cả người, nàng quay lại chực la lên thì… thấy Bá Nhân…

Người đàn ông đứng phía sau vừa rút nhanh tay lại… lùi ra một bước…

Mợ Mười nói mà mặt tái đi:

- Anh đến khi nào sao không lên tiếng…

Người đàn bà khôn ngoan vội lớn tiếng gọi:

- Mấy đứa ở sau nhà, mang nước lên cho bác Hai uống… nhanh lên!

Khi con Bé bưng nước đến, mợ Mười nói như ra lệnh:

- Con đứng đó! Khi cần, mợ có việc nhờ…

Sắc mặt Bá Nhân tái xanh khi nhìn vào mợ Mười. Ông ta nói mà đôi mắt gian giảo ngó quanh quất:

- Chú Mười không có nhà sao thím nó? Tôi đến tìm chú ấy có chút việc nhưng xem ra… xem ra…

- Anh ngồi chơi. Anh ấy chắc sắp về rồi đấy.

Bá Nhân hơi lúng túng rồi khước từ ra về…

Lão vừa quay lưng, mợ Mười đưa tay lên ngực thở phào nhẹ nhõm:

- Người gì thật lạ! Vào nhà mà không lên tiếng. Bước chân cứ như ma vậy…

Việc chạm mặt Bá Nhân trong tình huống đáng sợ, mợ Mười không kể với chồng nhưng lại nói với cha ruột mình.

Ông già Tư sống bằng nghề sửa trật và trị bệnh dân gian đã lâu. Nhà có mỗi cô con gái nên ông rất cưng chiều và xem như của báu. Ấy thế mà con gái vẫn xa… Bởi đã lớn thì phải theo chồng…

Ngày còn thanh niên kham khổ, ông Tư lăn lốc tận Nam Vang để rồi học được chút ít tài mọn, mang về xứ trị bệnh giúp đời. Khi gả con gái vào nhà họ Đỗ, ông già mãi băn khoăn trong lòng. Họ Đỗ thì không có gì phải phàn nàn, nhưng… trong họ Đỗ có một người mà ông Tư biết tiếng. Ông biết người này khi còn rất trẻ… lúc trần lưng kiếm cơm tại Nam Vang… Người đó chính là… Đỗ Bá Nhân…

Khi nghe con gái kể lại sự việc, mặt ông già tái đi trong ánh sáng sắp tắt của buổi trời chiều. Không nói không rằng, ông vào nhà lấy ra một vật cho con gái.

- Con đem cái này về… Con đeo một cái. Cái còn lại là cho chồng con…

Mợ Mười định hỏi thì ông già khoát tay:

- Chồng con là người có học. Nói nhiều đôi khi nó không tin, lại cười mình… Cái ông Nhân ấy rất… Con phải cẩn thận giữ mình…

Về đến nhà, mợ Mười mở vật đó ra mới biết là dây “Bùa” dân gian thường đeo cho trẻ nhỏ. Cô con gái bật cười khi nhớ đến sắc mặt người cha. Có thể do quá thương con mà ông già sinh ra nghĩ nhiều, bắt đeo mấy thứ kỳ quái. Thời buổi này… cho chồng, chắc anh ấy cười chê mê tín…

Nghĩ vậy, nhưng mợ Mười vẫn đeo vào cổ sợi dây có cái túi nhỏ xíu hình tam giác rất dễ thương…

Tối hôm đó cậu Mười thấy vật lạ trên cổ vợ liền phì cười:

- Em đeo vật chi mà đẹp thế! Có phải dành cho đứa bé không?

Câu hỏi của chồng khiến mợ Mười mừng rỡ. Nàng nói cho chồng đừng để ý:

- Đúng là cho đứa nhỏ! Anh cũng phải đeo một cái cho bớt khí mãnh, tránh đứa trẻ giật mình…

Thế là để chiều vợ, cậu Mười cũng đeo sợi dây vào cổ…

Sau này khi nhớ lại chuyện cũ, mợ Mười vẫn còn cười mãi cái tính cả lo của cha. Nhưng có một việc mà người con gái không sao giải thích được. Từ ngày đeo sợi dây ấy, không thấy Bá Nhân lãng vãng tới nhà. Có hôm tinh ý quan sát, thấy Bá Nhân cứ nhìn chằm chằm vào ngực khi nàng mặc chiếc áo bầu rộng cổ…

Dù sao cũng hay, tránh được ông anh chồng như kẻ trộm đã thấy vui rồi… Nhưng xem ra lão ta ngày một tức tối điều gì mà có trời mới hiểu…

Năm sau, nàng dâu họ Đỗ sinh con. Đó là một đứa trai bậu bĩnh rất dễ thương…

Cả họ hay tin đều đến chúc mừng, nhưng không thấy Bá Nhân...

Mợ Mười nghĩ bụng: “Như thế mà lại hay! Đứa nhỏ vì vậy không phải giật mình…”

Nhưng đến lúc đứa trẻ hai, rồi ba tuổi, mợ Mười lại thấy lo. Cái ông Bá Nhân bây giờ cứ bám theo đứa nhỏ suốt, với bao nhiêu thứ đồ chơi…

Đến sinh nhật thứ tư của bé Thanh Tâm, Đỗ Bá Nhân đến dự tiệc và tặng cho cháu một chiếc mặt nạ đen với cái miệng cười hoác. Ai nấy nhìn chiếc mặt nạ đều cười vì nét khôi hài của nó. Riêng mợ Mười thì chau mày không hài lòng khi nhìn đứa con chơi đùa với chiếc mặt nạ.

Chiếc mặt nạ màu đen với hai hố mắt to tròn, cái mũi của nhân sư, miệng lại nở nụ cười đầy nét huyền bí. Không hiểu sao mợ Mười thấy khó chịu khi con mình mang chiếc mặt nạ ấy. Nhìn nó thật bất tường, thật giả tạo bởi nụ cười rất khó giải thích. Khi Thanh Tâm đeo chiếc mặt nạ, mợ Mười không hiểu con mình đang nghĩ gì, vui buồn ra sao. Bởi nó bị che phủ bằng nụ cười như mật ngọt, quyến rủ lòng người…

Nàng đem những điều bứt bối nói với chồng.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t120237-chiec-mat-na-thiet-huyen-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận