Chuyện Đời Tôi Chương 11


Chương 11
Đại Phong Ảo

Chúng tôi bắt đầu vượt qua Đại Phong Ảo!

Đại Phong Ảo là tên một ngọn núi. Tên gọi đó đã để lại trong ký ức tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc.

Hồi đó, chúng tôi đã có mặt ở ranh giới Hồ Nam để sửa soạn tiến quân về hướng Quảng Tây. Có mấy con đường lớn có thể đi thoải mái, nhưng lộ trình xa, và quân Nhật có khả năng thọc vào đánh phá từng chặng, rất nguy hiểm. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng bản đồ, đại đội trưởng Tăng chọn phương án vượt qua "Đại Phong Ảo" để đến Quảng Tây.

Quân đội tuy có người dẫn đường nhưng không có kinh nghiệm vượt qua ngọn núi này. Người địa phương cho biết đây là ngọn núi kỳ quái, hoang vu, đầy rắn độc và thú dữ, nói cho cùng, là một ngọn núi chưa từng ai vượt qua.

Nhưng đại đội trưởng Tăng đã quyết định rồi thì không thay đổi nữa. Ông tập trung hết ngựa lại, dẫn đầu đội ngựa đi trước mở đường, bộ binh và khí giới theo sau. Mẹ tôi cũng nhường lại con ngựa đang cưỡi cho một binh sĩ giỏi ngựa đi lên mở đường. Còn tôi, tôi vẫn ngồi trên lưng ngựa cùng đại đội trưởng Tăng, con ngựa đi đầu tiên, tôi thấy kiêu hãnh và phấn khởi hẳn lên, vì không như các em tôi vẫn ngồi khoanh trong thúng. Chẳng những ngồi đàng hoàng, hay chân duỗi thẳng, mà còn là người đi đầu để mở đường nữa chứ!

Nhưng vừa mới lên núi, niềm kiêu hãnh và sự phấn chấn của tôi trong chốc lát đã tan thành mây khói. Núi mọc đầy cỏ dại cao hơn đầu người. Đại đội trưởng Tăng và các kỵ sĩ đều mặc quần dài, chân đi ủng, còn tôi mặc quần cụt, hai chân phơi trần, bị cỏ cứa rớm máu không biết bao nhiêu chỗ, đại đội trưởng Tăng lại lo dẫn đường, không hề để tâm đến cái chuyện vặt vãnh như vậy. Tôi đau đến ứa nước mắt nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, không hé nửa lời, người cưỡi trên lưng ngựa không được rơi nước mắt.

Xuất phát từ tờ mờ sáng, tuy nghe nói đường lên núi chỉ có bảy dặm, mà sao đi mấy giờ liền vẫn chưa leo đến đỉnh. Trời nóng như đổ lửa, mồ hôi đổ nhễ nhại, quân phục các chú bộ đội ướt đẫm. Trên núi đầy đá dăm và gai góc, không có nguồn nước. Nước trong bình tông mọi người đem theo bên mình đều đã uống cạn. Đường núi càng lúc càng gập ghềnh, hiểm trở, có một binh sĩ đã bị ngã vì say nắng... làm xao động cả hàng quân. Lúc bấy giờ, đại đội trưởng Tăng mới hạ lệnh dừng chân nghỉ tạm.

Ông ôm tôi xuống ngựa, mới ngạc nhiên phát hiện những vết thương cào sướt hai giò của tôi. Ông lo lắng hỏi:

- Bị cứa rách thế này sao cháu không nói năng gì cả?

Ông không thể hiểu được rằng, trong con mắt tôi lúc đó, ông chẳng khác nào một vị thần. Tôi làm sao lại có thể rên rỉ bên cạnh "thần" được? Ông gọi y sĩ đến bôi thuốc, rồi lấy bình tông nước đưa tôi uống. Bình tông nước của ông còn đầy ắp, thì ra dọc đường các binh sĩ đều nốc cạn nước chỉ mình ông chưa uống ngụm nào. Tôi uống hai hớp, nghĩ rằng lúc này nước quí hơn tất cả, nên không dám uống nhiều, rồi trả bình tông lại cho ông. Đại đội trưởng Tăng không uống, lại đưa bình tông cho ba, mẹ và hai em trai tôi, mọi người cũng chỉ uống có vài hớp. Ông lại đưa bình tông cho người lính bị say nắng, đến khi bình tông được trả lại thì chẳng còn giọt nước nào!

Đại đội trưởng Tăng, người sĩ quan lạ lùng đó đã để lại trong tôi ấn tượng thật sâu sắc. Sau này những người đàn ông được tôi sùng bái, chính là những mẫu người như đại đội trưởng Tăng. Mãi nhiều năm về sau tôi viết "Sáu Giấc Mộng", trong đó có chương "Lưu vong khúc" chính là viết về ông, người đại đội trưởng tuyệt vời này.

Xin trở lại cuộc hành trình đầy gian khổ.

Càng lên cao, núi càng dốc đứng, lại bị những tảng đá lớn chắn ngang phải vừa bò, vừa trèo, ngựa leo càng vất vả. Binh sĩ không ai kêu khó nhưng đã thấm mệt. Đại đội trưởng Tăng đã xuống ngựa, dắt bộ, trên lưng ngựa chỉ còn lại mình tôi và một ít hành lý. Lúc đó, có một công binh vai mang binh khí, bước đi chênh choạng như sắp ngã, đại đội trưởng Tăng lặng lẽ đến bên người lính nọ, đỡ lấy binh khí, ngoái cổ nhìn lại con ngựa của mình, rồi không hiểu sao ông mang luôn số binh khí đó trên vai.

Xế chiều, chúng tôi đi đến đỉnh núi.

Đứng ở chỗ cao nhất của ngọn núi nhìn xuống, ai nấy đều lặng người giây lát và liền theo đó rộ lên tiếng reo hò vui sướng.

Thì ra, dưới chân núi đã là Quảng Tây. Chỉ có ai từng nhìn thấy "sơn thủy" Quảng Tây, mới hiểu hết ý nghĩa của câu "Quế lâm sơn thủy nhất thiên hạ". Ngọn núi "Đại Phong Ảo" với đất liền thực sự là hai thế giới riêng biệt.

Dưới núi, bao la trải dài những tảng đá hình thù quái dị, dựng thẳng đứng, tảng thì sắc nhọn, tảng thì tròn như quả trứng, lô nhô, ẩn hiện trong thảm cỏ xanh rờn, vừa kỳ dị vừa đẹp mắt. Những binh sĩ reo hò không phải vì phong cảnh "nhất thiên hạ", mà là nước! Đã bao ngày không gặp nước! Mọi người đang khát cháy họng. Thì ra, giữa những tảng đá lớn kia là giòng suối ngoằn nghoèo lượn quanh chân núi, tiếng nước róc rách, rì rào như mời gọi mọi người.

Lúc này, cả quân ngủ như lên cơn điên!

Quên hết kỷ luật quân đội, quên hết nhọc nhằn, vất vả, cả đoàn quân vừa hò reo, vừa lao xuống chân núi. Lần đầu tiên đại đội trưởng Tăng không ràng buộc binh lính thuộc quyền của mình, ông để mặc cho họ lăn ào xuống núi, lao vào dòng nước.

Chẳng hiểu sao, tôi cũng lao xuống dòng nước. Ba, mẹ, Kỳ Lân, em bé trai, cả nhà đều ở dước nước. Chúng tôi tạt nước, té nước, la ré ầm ĩ. Từ khi xa nhà, đây là lần đầu cả nhà cười thỏa thích. Nước sông vừa trong vừa mát, thật dễ chịu, ai nấy đều trầm mình ướt như chuột lột.

Đêm ấy, chúng tôi dựng trại bên dòng suối. Đêm ấy, trời đầy trăng sao, non nước hữu tình. Đêm ấy, tất cả đều rất đẹp, nhưng rồi sau đêm ấy thì sao?

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/50426


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận