Chuyện Đời Tôi Chương 12


Chương 12
Em trai mất tích

Ngày hôm sau, lại bắt đầu hành quân.

Lính của đại đội trưởng Tăng không phải là lính chiến đấu, mà là lính hậu cần, trang bị nặng nề, sức người không lại, người ngựa mệt nhoài qua những con đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Mục tiêu hôm ấy là thành Đông An, thuộc biên giới Quảng Tây, nhưng mới đến Bạch Nha một thị trấn nhỏ cách Đông An còn xa thì ai nấy đều mệt rã rời, phải lê bước một, trời lại tối sầm, mọi người phải mò mẫm mà đi. Thế là, đại đội trưởng Tăng hạ lệnh đóng quân bên ngoài thị trấn.

Để khỏi phiền dân và cũng tránh cho binh sĩ không bị kỷ luật bởi sự cám dỗ vật chất, đại đội trưởng Tăng không cho lính vào nội thành Bạch Nha. Nhớ lại, có một đêm chúng tôi đóng quân trong một thị trấn nhỏ, nửa đêm bị hai phát súng đánh thức, ai nấy tưởng là quân Nhật đuổi theo sát hại. Về sau mới biết đó là hai phát súng do đại đội trưởng Tăng bắn một binh sĩ dưới quyền vì người đó đã bẻ của dân một cây mía, ông phát hiện và bắn ngay tại chỗ. Vì sự việc đó, ba tôi bất mãn sâu sắc, ông kháng nghị với đại đội trưởng Tăng, sao lại coi mạng người rẻ rúng hơn cây mía! Xử phạt như vậy có quá nặng không? Đại đội trưởng Tăng vẫn điềm nhiên nói, nếu không giữ nghiêm kỷ luật, thì binh lính đi đến đâu phá phách đến đó như những đàn châu chấu, sẽ mang lại đại họa cho nhân dân. Thử hỏi bọn Nhật dày xéo nhân dân còn chưa đủ sao, mà lại dung dưỡng cho bộ đội của chúng ta phá phách của dân nữa? Chặt cây mía là việc nhỏ, nhưng đây là kỷ luật, một qui định không được phép vi phạm!

Đại đội trưởng Tăng quả là một con người lạ lùng, hết sức lạ lùng.

Trở lại đêm đóng quân ở Bạch Nha. Chỉ mới loáng các anh nuôi đã nấu xong một nồi cháo vừa nóng vừa thơm, lại mời chúng tôi ăn. Mẹ tôi múc cháo rồi đi gọi các em tôi, nhưng không thấy chúng ở đâu. Mẹ liền gọi to tên từng đứa, nhưng không có đứa nào đáp lại:

- Kỳ Lân ơi, bé oi! Kỳ Lân ơi, bé ơi! Mẹ càng gào, càng hoảng hốt, cuống cuồng. Kỳ Lân ơi, bé ơi! Các con ở đâu? Hai người gánh đồ, người gánh đồ, hai người gánh đồ đâu cả rồi? Các con tôi nữa? Các con ở đâu?...

Ba tôi hoảng loạn, vừa réo gọi, vừa hớt hải chạy tìm khắp nơi nhưng hai em vẫn biệt tăm, đồ lề và người gánh đồ cũng mất dạng.

Cả đoàn quân đều nháo nhác, nghe động, đại đội trưởng Tăng cũng lao tới. Vì đội ngũ hành quân dài quá, hai người gánh đồ thường đi lẫn vào hàng, khi đi trước, lúc tụt sau, đâu phải lúc nào cũng ở trong tầm quan sát của ba mẹ tôi, hơn nữa ba mẹ tôi đã rất tín nhiệm họ, lại có quân đội bảo vệ, không sợ họ làm điều càn quấy. Nhưng bây giờ tất cả, tất cả, từ người gánh, hành lý, đôi thúng là chỗ ngồi của hai em trai tôi đều không thấy nữa!

Ba mẹ tôi như phát điên, đến từng người lính hỏi:

- Có thấy người gánh đồ không? Có thấy các con tôi không?

Đại đội trưởng Tăng lập tức cử hai binh sĩ và toàn đội trinh sát đi lùng sục khắp các ngã đường, nhưng đều về báo là sau khi nhổ trại thì không thấy họ đâu nữa.

Mấy em tôi lạc mất rồi! Ba mẹ tôi như điên như dại.

Đừng có hoảng thế! Hãy bình tĩnh! Đại đội trưởng Tăng trấn tỉnh. Mục tiêu của chúng ta là Đông An nhưng nửa chừng bị dừng lại ở đây, nhất định mấy người ấy đi nhanh đến Đông

An trước, biết đâu họ đang tìm chúng ta ở Đông An! Đừng hốt hoảng, ngày mai chúng ta đi Đông An sớm một chút, bảo đảm sẽ tìm được!

Đại đội trưởng Tăng quả là có sức mạnh lạ thường để trấn an lòng người. Càng nghe, ba mẹ tôi càng thấy có lý, tuy vậy, đứng ngồi không yên, không làm sao chớp mắt được, chỉ mong sao trời mau sáng.

Đêm ấy dài vô tận, ba mẹ và tôi suốt đêm không ngủ, mẹ tôi khóc mãi, cứ trách mình tại sao không trong chừng hai con, còn ba thì không ngớt an ủi me, hai mí mắt cũng đỏ hoe. Tôi nghiến răng, nín lặng, chỉ mong trời mau sáng! Các em tôi nhất định đang ở trong thành Đông An, nhất định ở Đông An!

Trông mãi rồi trời cũng sáng, bộ đội nhổ trại lên đường. Lại đến Đông An.

Vừa vào Đông An, ba mẹ va đại đội trưởng Tăng đều đứng lặng.

Thì ra, Đông An là một thành phố rất lớn, rất đông dân. Nhưng theo chủ trương của trên, thì Đông An được chuẩn bị rút bỏ, cho nên nhân dân trong thành phố được chính phủ sắp đặt cho rút trước toàn bộ. Bây giờ chúng tôi vào thành Đông An không có dân cư, nhà nhà đều đóng cửa. Trong thành toàn là quân đội của chính phủ, các sư đoàn, tiểu đoàn, đại đội đều có. Thành phố trở thành một trại lính lớn. Đã như vậy, biết tìm đâu ra người gánh đồ? Và hai đứa con nít giữa thành phố rộng lớn này.

Đại đội trưởng Tăng cho mấy binh sĩ đi khắp thành Đông An để tìm, nhưng không ai, không một ai tìm thấy người gánh đồ và hai cháu bé.

Ba mẹ tôi đau đớn đến tuyệt vọng. Bình tĩnh vững vàng như đại đội trưởng Tăng cũng đã bắt đầu lo lắng, dao động. Hay là bọn nhỏ còn ở Bạch Nha chăng. Từ núi Đại Phong Ảo đến Bạch Nha đều đi đường nhỏ, nếu như người gánh đó đi đường lớn, hoặc là nghỉ chân giữa đường, thì có thể họ đến Bạch Nha đến Đông An còn có một con đường nào khác, và do vậy có khả năng họ còn nằm ở dọc đường. Đại đội trưởng Tăng vừa giải thích và an ủi chúng tôi xong lập tức cử hai tốp ngựa phân làm hai cánh hướng về Bạch Nha để tìm.

Tốp kỵ binh thứ nhất quay về báo không tìm ra tông tích.

Chúng tôi dồn tất cả hy vọng vào tốp thứ hai. Thời gian chờ đợi hết sức nặng nề. Tốp kỵ binh thứ hai do trung đội trưởng Vương chỉ huy đã quay về báo cáo:

- Chúng tôi không tìm thấy các cháu nhà họ Trần, nhưng lại gặp một toán lính Nhật. Chúng nó bắn chúng tôi, chúng tôi cũng bắn trả rồi quay nhanh về đây báo cáo.

Nghe nói, để bảo tồn thực lực kháng chiến, chính phủ không đánh lẻ tẻ, quân đội phải tuân lệnh rút về các nơi. Đông An không phải là chiến trường, nên các cánh quân đang đồn trú tại đây đều gấp rút lên đường hướng về mục tiêu của mình. Cánh quân hậu cần do đại đội trưởng Tăng phụ trách phải bám theo họ.

Khi nhìn các cánh quân đã rút đi gần hết, đại đội trưởng Tăng không thể do dự được nữa. Ông ra lệnh cho bộ đội của mình lên đường, cúi xuống ôm vội tôi lên ngựa, rồi gọi lớn ba mẹ tôi:

- Ông Trần ơi, tuổi còn trẻ, sợ gì không có con? Mạng người là quí, đi nhanh thôi! Ông vừa nói vừa thúc ngựa đi. Có lẽ ông nghĩ rằng, chỉ cần mang tôi đi, thì ba me tôi đành phải đi theo!

Những ngày ấy, tôi cũng ngồi trên ngựa với đại đội trưởng Tăng, và cũng chính vì cùng đi ngựa theo ông nên tôi không bị mất tích như hai em trai. Chỗ ngồi trên lưng ngựa ông Tăng thì tôi quen quá rồi, không hiểu sao lần này tôi thấy rụng rời cả người khi nhìn thấy bộ tịch đáng thương của be mẹ tôi, hai người đứng ngay bên đường đi như hai khúc gỗ, không động đậy. Lòng tôi đau như xé, tôi không sao ngồi vững trên lưng ngựa đươc. Tôi thét lên:

- Mẹ ơi!

Tôi giẫy giụa nhảy xuống ngựa, trong lúc đại đội trưởng Tăng chưa kịp kéo tôi lại, thì tôi đã tuột khỏi lưng ngựa, quay đầu lại chỉ còn nghe tiếng hí dài của con tuấn mã đang mang đại đội trưởng Tăng vọt nhanh lên trước như một mũi tên bay. Tôi may mắn không bị ngựa dẫm chết, thật là lạ!

Tôi lồm còm bò dậy, lê mình đến bên mẹ.

Mẹ tôi đưa hai tay ôm chặt tôi vào lòng, ba tôi đứng như trời trồng một bên. Ba người cứ đứng vậy như kẻ mất hồn nhìn từng tốp, từng tốp quân chạy vụt qua trước mặt.

Mọi việc xảy ra nhanh quá, đại đội trưởng Tăng đã mất hút, bộ đội đã đi hết, chỉ có đất bụi mịt mù cuốn bay theo gió.

Thành Đông An bề thế là vậy, trong bỗng chốc trở nên trống rỗng. Trong thành chỉ còn lại ba chúng tôi. Bốn bề im lìm như chết. Cửa các nhà mở tung, rương hòm quần áo đồ đạc vứt bừa bãi trên đường phố. Mỗi lần có gió, gió tung lên trời là cây, giấy vụn và cát bụi mịt mù. Nhưng chúng tôi chẳng còn bụng dạ nào để tâm đến cảnh đó, chúng tôi chỉ nghĩ về hai đứa em trai giờ này không biết lưu lạc phương nào!

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/50427


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận