Chương 3 Ông nội và "Lan Chi Đường" Trong ấn tượng của tôi, ông nội là một cụ già rất oai nghiêm, đầy phí phách.
Ông nội tên Trần Mặc Tây, có năm anh em, đều ở Lan Chi Đường là nhà thờ họ thuộc Trấn Tra Giang, huyện Hành Dương.
Ông nội rất có tiếng tăm ở quê nhà, ông từng theo Tôn Trung Sơn, du học Nhật Bản, tham gia Bắc phạt, dấu chân in khắp đông, tây, nam, bắc. Thời trai trẻ, ông nội sống rất phong lưu. Ông có vợ lớn ở quê, lại cưới thêm bà nội ở Nam Kinh. Nghe nói, bà nội tôi không biết gì về chuyện ông nội tôi đã lập gia đình, cho đến khi ông đưa bà về thăm xứ sở, bà mới phát hiện ra chuyện ấy, hóa ra mình không phải là vợ cả. Bà nội tôi nổi cơn lôi đình, kiên quyết không chịu về với ông nội, bèn đưa ba tôi và người bác ruột của tôi đến Bắc Kinh ở. Cũng nhờ đức tính cương quyết của bà nội mà ba tôi mới trưởng thành ở Bắc Kinh, mới gặp mẹ tôi, sanh ra bầy nhóc chúng tôi.
Khi cả nhà chuyển đến Hồ Nam thì bà nội tôi và bà vợ cả của ông tôi đều qua đời. Ông nội lại ở với một bà dì để kết bạn tuổi già. Vì thế, bên cạnh Lan Chi Đường, lại xây một ngôi nhà nhỏ để ông ở với dì. Người nhà họ Trần ở Lan Chi Đường đều gọi ngôi nhà này là Tân Thất. Chúng tôi vừa về đến quê hương, cả Lan Chi Đường xôn xao hẳn lên. Mọi người đổ xô lại thăm ba tôi, người nhà lần đầu tiên về thăm quê, xem nàng dâu mới nói rặt tiếng Bắc Kinh, tò mò xem cặp song sinh chúng tôi và bé Xảo Tam. (Tưởng cũng cần nói thêm, nghe nói bé Tam luôn gặp điều may, được ông nội hết sức chiều chuộng. Tuy túi áo ông nội luôn có tấm hình của nó, mỗi khi rảnh rỗi ông lại lấy ra ngắm, ngắm một hồi lại mỉm cười. Gặp lúc không vui ông cũng lấy ảnh của nó ra ngắm, rồi đắc ý nói: - Có đứa cháu nội thế này thì còn buồn nỗi gì! Thực sự cả nhà chúng tôi đã trở thành khách quí của Lan Chi Đường. Suốt ngày ông nội dắt chúng tôi đi bái kiến khắp nơi, từ các chú, các bác, các cô, các thím. Ông bắt chúng tôi nhất loạt phải lạy. Tôi, Kỳ Lân và bé Tam như ba cái máy, cứ lạy loạn xạ. Tôi cũng không biết trong dòng họ mình sao mà lắm người bề trên đến thế! Mãi về sau tôi mới rõ, ông nội tuy là trưởng tộc họ Trần, nhưng bà vợ chánh không có con trai, chỉ sanh toàn là con gái. Ba tôi là đứa con trai được sinh hạ khi ông nội bốn mươi tuổi, cho nên những người đồng hàng với chúng tôi ở Lan Chi Đường đều lớn hơn chúng tôi. Quan niệm thủa ấu thơ của tôi về Lan Chi Đường rất ngộ nghĩnh, sao mà lắm trại, lắm vườn, lắm sân làm vậy, có lần tôi và các em trai chơi trò trốn tìm, và lục lọi mọi chốn, ba mẹ tìm không ra chúng tôi. Ông tôi nuông chiều ba đứa cháu nội hết chỗ chê. Hồi nhỏ, Kỳ Lân có cái đầu to, tôi và em trai út hay cười trêu nó: Đầu tỏ, đầu to Trời mưa không lo che dù đội nón... Ông nội khen khuôn mặt chữ điền và vành tai to của Kỳ Lân, bảo rằng tương lai của nó có phước. Bé Tam thì rất tinh khôn, miệng có duyên lại hay nói chuyện. Chúng tôi mới về quê, cùng ở chung với ông nội trong Tân Thất, ông nội thường mua bánh kẹo cho chúng tôi ăn, nhưng lại sợ chúng tôi ăn nhiều quá nên đặt hộp bánh trên giá cao, để chúng tôi không chồm tới. Một hôm, ông nội bước vào phát hiện bé Tam xuống nhà bếp lấy trộm đường cát, nó ăn thế nào để đường dính đầy mặt như vừa mọc râu bạc. Chưa đủ, nó còn trèo lên cái ghế cao, đưa tay khèo hộp bánh. Thấy vậy, sợ nó giựt mình té, ông nội không dám la, chỉ đằng hắng một tiếng. Nghe nói, bé Tam ngoái đầu lại thấy ông, chẳng đỏ mặt tía tai tý nào mà còn nói tía lia: - Ông ơi, con trèo lấy bánh cho ông ăn nhen! Nghe vậy, ông nội ưng bụng lắm, càng thương bé Tam hơn. Còn tôi, tôi là cháu nội gái duy nhất của ông (bác tôi cũng chỉ sinh được hai trai, không có con gái), tính tình trầm lặng, lại thường hay đi theo ông đi thăm bạn bè, ở đâu cũng không quậy phá. Do vậy, tuy là con gái, nhưng ông vẫn coi tôi là hạt ngọc trên lòng bàn tay. Chỉ cái bớt trên mặt tôi, ông nội bảo chẳng nhằm nhò gì, chẳng ảnh hưởng gì đến dung nhan cháu gái cưng của ông. Được đoàn tụ với ông nội, cuộc sống hàng ngày của chúng tôi rất thoải mái. Ông có người giúp việc tên là Hoàng Tài Dư, một mực trung thành với ông. Lúc rảnh rỗi, Hoàng Tài Dư hay dẫn chúng tôi dạo chơi trên núi sau nhà, nếu nhớ không nhầm thì tôi thích nhất trò nhặt quả thông trong rừng. Hồi đó tôi cũng chẳng có đồ chơi, ngoài mấy quả thông, lá tre, cỏ đuôi chó... Ở đây chẳng bao lâu, ba theo ông nội đi dạy học ở trường Trung học Nam Hoa, cả mẹ tôi cũng dạy môn quốc văn ở trường này. Thế là, cả nhà năm người với ông nội đều phải dời đến ở trong khu gia đình của trường, nằm trong thung lũng núi Hành Sơn. Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp. Ở Hồ Nam là chặng thời gian tuổi thơ của tôi được sống những ngày hạnh phúc nhất. Trong sâu vườn Lan Chi Đường, tôi được ấm áp trong tình thương của người lớn. Trên ngọn núi sau nhà, tôi nhặt được trái thông và tìm ra cái loại tổ chim. Trong vườn trường Trung học Nam Hoa, tôi biết thả diều và nhận mặt chữ ô vuông... Nhưng, vui chơi với cảnh đẹp thiên nhiên chưa được bao nhiêu, thì khói lửa chiến tranh đã dần dần tràn đến Hồ Nam. Không khí trong trường mỗi ngày một căng thẳng, nụ cười vắng bóng trên khuôn mặt người lớn, thay vào đó là bao nỗi lo âu. Ông nội và ba mẹ lại thường ngồi lại bàn tính chuyện, gương mặt ai nấy đầy vẻ ưu tư. Ấy là năm 1944, chiến tranh Trung Nhật bao trùm cả Trung Quốc. Khi tôi mới bắt đầu hiểu sơ sơ về nhân tình thế thái, thì cũng là lúc tuổi thơ của tôi lại bị ngọn lửa của chiến tranh cuốn đi. Mọi niềm vui thú và hạnh phúc chỉ qua một đêm tan tành ra mây khói. Sau này, những gì xẩy ra ở thời niên thiếu, tôi đều ghi lại trong cuốn sách "Những ngày lưu lạc". Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !