Ta uống vang trong ly cối cơ mà,
Chủ quán! Cứ rót đầy đi
Nếu có tràn thì tràn ở đây thôi, nào vang có mất đi đâu!
Ăn uống càng ngon!
Ronsard (Odes)
Đám của thằng Aztec, cái đám đại bại bị đánh thâm tím cả mình mẩy và bị cắt sạch hết cúc bây giờ như thế nào nhỉ? Thằng Lebrac cóc cần biết, toàn quân của nó cũng thế. Chúng đã đại thắng, bắt được sáu tù binh. Chuyện này từ xửa từ xưa chưa từng có. Trong những chiến công oanh liệt vốn vẫn được kính cẩn giữ gìn và truyền tụng, La Crique cam đoan, không hề có vụ bắt tù binh nào hoành tráng và trận đánh nào phi thường như của chúng. Lebrac có quyền được coi mình là viên thống soái vĩ đại nhất từng chỉ huy quân Longeverne, còn đạo quân của nó là đội xung kích dũng cảm và thiện chiến nhất từ trước đến nay.
Chiến lợi phẩm đầy nhóc: cả đống cúc, dải bện, dây giày, khóa và đủ thứ lỉnh kỉnh khác nữa, vì chúng tịch thu hết mọi thứ giấu trong túi quần, trừ khăn lau mũi. Có những khúc xương lợn nho nhỏ khoét lỗ ở giữa để xỏ hai sợi dây len, khi quay khúc xương phát ra tiếng u u, chúng gọi trò này là “u u”, có bi và dao - hay nói đúng hơn là một thứ trông như lưỡi dao cắm bừa vào cán, có cả những chìa khóa để mở hộp cá mòi, tượng một cha cố bằng chì đau bụng đi chảy trong thế ngồi xổm rất ư là riêng tư và nhiều ống sậy để thụt hạt đậu. Tất cả những thứ quý báu nằm lung tung này dùng làm giàu kho tàng chung hay sẽ được đem ra rút thăm.
Chắc chắn kho tàng đã tăng gấp đôi. Mà ngày kia tới hạn đóng thuế chiến tranh lần thứ hai rồi.
Lebrac nhớ lại ý của nó trước đây. Nếu ta dùng tiền này để liên hoan thì sao?
Nghĩ là làm, nên nó hỏi ngay quân lính để xem thủ kho có thể sẽ thu được bao nhiêu:
“Đứa nào không có xu đóng thuế chiến tranh?”
Cả lũ ngồi im.
“Tụi bay hiểu rõ ý tao chứ? Đứa nào không có xu đóng thuế chiến tranh, giơ tay!”
Không cánh tay nào giơ lên cả. Một sự im lặng thành kính. Có thể như thế được ư? Như thế nghĩa là tất cả bọn chúng đều đã tìm ra phương cách để có được một xu. Những lời khuyên hay ho của chủ tướng đã có kết quả. Nó nồng nhiệt khen ngợi:
“Đấy, thấy chưa, tụi bay đâu có khờ khạo như bay tưởng! Hễ muốn là luôn luôn được. Miễn đừng nhu nhược thôi, mẹ kiếp, chứ trong thế giới này mình vượt qua được hết.
Chỗ này đây,” nó chỉ vào đống chiến lợi phẩm nói tiếp, “ít nhất cũng đáng giá bốn mươi xu. Ấy là vì tụi bay đã dũng cảm kiếm được bằng đôi nắm đấm của mình, chứ mình không cần phải bỏ tiền ra mua.
Ngày mai mình sẽ có bốn mươi lăm xu. Chính vì thế chiều thứ Năm bọn mình sẽ ăn mừng chiến thắng và lễ dựng khung cho ngôi lều.
Tụi bay nghĩ sao?”
“Phải lắm! Hay lắm! Phải lắm! Hoan hô! Hoan hô! Tuyệt!” Bốn mươi(1)_ tiếng nói cất lên, la hét. “Hay lắm! Liên hoan muôn năm, chè chén muôn năm!”
“Bây giờ ta vào trong lều!” chủ tướng ra lệnh. “Tintin, đưa tao cái mũ của mày để tao bỏ chiến lợi phẩm vào. Lát nữa mình để hết vào trong tủ kho tàng.”
Rồi nó quay nhìn về phía bìa rừng phe Velrans.
“Không còn thằng nào ở dưới đó nữa chứ?” nó hỏi.
Camus leo lên cây sồi kiểm tra cho chắc ăn.
“Mày đừng lo!” nó nói sau khi nhìn qua bên đó. “Sau khi bị tẩn một trận thế này thì chúng tan tác như bầy thỏ thôi!”
Trong lều các chiến binh Longever ne gặp lại Boulot, Gambette và Marie. Cô bé sửa soạn ra về. Thương binh Boulot chảy máu nhiều, mũi tím bầm và sưng vù như củ khoai tây; tuy vậy nó không than van mấy mà khoái chí nghĩ tới những chỏm tóc nó đã giật lấy giật để và những cú đấm thôi sơn nó đã phân phát đều cho mọi phía.
Chúng nhất trí khi về làng sẽ kể rằng nó chạy rồi vấp phải một súc gỗ và không kịp lấy tay che mặt.
Tới thứ Năm thì nó sẽ khỏe lại thôi và cùng liên hoan bữa đại tiệc với mọi người, và vì hôm nay nó bị nặng nhất nên sẽ được hưởng phần to khi chia món ngon vật lạ.
Hôm sau, thu tiền xong, Lebrac và Tintin bàn bạc với các chiến hữu nên mua những món gì. Chúng thi nhau đề nghị:
“Sô cô la!”
Tất cả đồng ý mua món này.
“Mình tính toán xem nào,” La Crique nói. “Một phong mười thỏi giá tám xu. Mỗi đứa phải được một miếng to. Nếu ta mua ba phong, vị chi ba mươi thỏi, mỗi đứa sẽ được hơn nửa thỏi. Được đấy,” rồi nó nói thêm sau một lúc tính toán, “mỗi đứa sẽ được hai phần ba thỏi. Tuyệt vời.
Tụi bay ăn sô cô la không hay với bánh mì cũng được. Ba phong tám xu, vị chi là hai mươi bốn xu. Số tiền bốn mươi lăm xu của mình sẽ còn lại hai mươi mốt xu.
Mình nên mua gì với số tiền này?”
“Bánh mật ong!”
“Bánh bích quy!”
“Kẹo!”
“Cá mòi hộp!”
“Mình chỉ có hai mươi mốt xu!” Lebrac nhấn mạnh.
“Mình nên mua cá mòi hộp,” Tintin đề nghị. “Cá mòi ngon tuyệt vời! Ừ, Mắt Cá ngáo, hẳn mày không biết món này là gì đâu. Nghe cho rõ đây này, bồ tèo, đó là cá nấu chín rồi, vứt bỏ đầu đóng vào hộp thiếc, nhưng mà tớ nói cho bồ biết: ngon kinh khủng! Rất tiếc bố mẹ tớ hiếm khi mua vì đắt lắm.
Nhưng có thể mình mua một hộp thôi, tụi bay nghĩ sao? Có hộp được tới mười, mười hai, thậm chí mười ba con. Mình chia nhau.”
“Ừ, món này được đấy!” Gibus em tán thành. “Dầu của nó cũng ngon lắm, tụi bay ạ. Tao khoái dầu cá mòi. Ở nhà tao vẫn hay liếm sạch hộp cá mòi. Khác hẳn dầu trộn xa lát!”
Cả lũ hào hứng tán thành mua một hộp cá mòi giá mười một xu.
Còn lại mười xu.
La Crique thấy nên lưu ý thêm:
“Tốt nhất mình nên mua món gì dễ chia mà một xu mua được nhiều.”
Dĩ nhiên chúng nghĩ ngay tới kẹo, loại viên và loại que cam thảo mà trong giờ học chúng vẫn lật bàn viết lên để che chắn rồi nhai nhai mút mút.
“Được, mình chia ra,” Lebrac quyết định. “Năm xu cho kẹo viên, năm xu cho kẹo que.
Thế là xong. Nhưng bay biết là chưa hết đâu. Mình phải lấy cắp táo với lê trong hầm nhà nữa. Ngoài ra mình sẽ nướng cả khoai tây và Camus sẽ cuốn thuốc lá bằng cây ông lão.”
“Mình cũng cần thức uống nữa,” Gibus anh nói.
“Giá có được vang nhỉ?”
“Hay rượu mạnh?”
“Hay rượu hắc phúc bồn?”
“Hay xi rô?”
“Hay xi rô lựu?”
“Không đơn giản đâu!”
“Tao biết chỗ cất bình rượu mạnh ở nhà tao,” Lebrac nói. “Nếu tao chiết được một chai thì mình tha hồ. Nhưng mà vang? Không hy vọng.”
“Với lại mình không có cốc.”
“Ít ra cũng phải có thứ gì để đựng nước chứ.”
“Mình có nhiều xoong rồi!”
“Nhưng không đủ to.”
“Giá mà mình có được một thùng tô nô nhỏ hay một bình tưới cũ nào đấy!”
“Bình tưới à? Ở cuối hành lang trường có một bình tưới cũ; giá mà mình ‘chôm’ được nó. Tuy nó thủng đáy và đầy bụi nhưng đâu có sao. Mình bịt lỗ bằng nút chai rồi lấy cát đánh cho sạch. Bay thấy sao?”
“Phải đấy,” Lebrac tán thành, “đó là một ý kiến hay. Bốn giờ chiều nay tao có nhiệm vụ quét lớp, khi bưng rác đi đổ tao sẽ đem nó để sau bức tường ở sân. Nhá nhem tối tao sẽ tới lấy rồi giấu tạm trong bọng cây đoạn. Mai mình sẽ lau chùi nó.
Còn chuyện mua sắm, đây là những việc phải làm: tao sẽ mua một phong sô cô la, Gibus anh mua một phong, Tintin mua phong thứ ba. La Crique lo tìm mua hộp cá mòi, Boulot mua kẹo viên, Gambette mua kẹo que cam thảo. Sẽ không có ai nghi ngờ được gì cả. Mình sẽ đem hết đến lều, cùng với táo, khoai và mọi thứ mình có thể kiếm được.
À, tí nữa tao quên: đường! Tụi bay phải cố kiếm đường viên để ăn với rượu mạnh… nếu mình có rượu. Mình sẽ nhúng đường vào rượu rồi nhai.
Lấy đường thì dễ ợt mà, khi bà già quay đi.”
Không đứa nào được quên những lời dặn dò chí lý này. Mỗi chiến sĩ được trao một nhiệm vụ nhất định và sẽ cố hết sức hoàn thành nghiêm túc. Chiều thứ Năm, Lebrac, Camus, Tintin, La Crique và Gibus anh - chúng đến trước - thấy các chiến hữu đi từng đứa riêng hay thành nhóm tới gần với những chiếc túi phồng căng muốn nứt.
Nhưng chính các đầu lĩnh cũng có vài món quà ngạc nhiên cho lũ bạn.
Một ngọn lửa sáng bốc cao hơn một mét tỏa sáng ấm cúng trong căn lều và làm nổi bật những màu sắc rực rỡ của các bức tranh.
Trên chiếc bàn thô sơ trải báo thay vì phủ khăn bày biện gọn gàng đẹp mắt những món ngon đã mua và phía sau - ôi, vui sao! ôi, thành công rực rỡ sao! - Ba chai đầy, ba chai bí mật mà Lebrac và anh em Gibus đã trộm được một cách thiên tài, vươn những cái cổ thon thả.
Một chai đựng rượu mạnh, hai chai kia đựng vang.
Trên một cái giống như bệ đá là chiếc bình tưới đã được lau chùi sạch sẽ đến nỗi thấy rõ những chỗ móp bóng lộn. Từ cái vòi nhô ra của nó sẽ tuôn ra thứ nước trong và ngọt múc từ nguồn suối gần đấy. Những củ khoai lùi dưới tro nóng nổ tí tách.
Thật là một ngày tuyệt vời sao!
Chúng đã thỏa thuận sẽ chia đều mọi thứ, chỉ có bánh mì thì của ai nấy giữ. Thành ra chỉ lát sau cạnh những phong sô cô la và hộp cá mòi đã cao nghệu một đống đường viên được La Crique đếm cẩn thận.
Trên bàn không đủ chỗ chứa hết táo, ít nhất có ba đứa đã mang tới hai quả. Quả thật, đám Longeverne đã làm đâu ra đấy; nhưng chủ tướng của chúng với chai rượu mạnh ăn đứt tất cả.
“Ai cũng có thuốc hút cả đấy nhé,” Camus hứa hẹn rồi vung tay hào phóng chỉ vào một chồng ngay ngắn cọng cây ông lão, được chọn lọc cẩn thận, không mấu, trơn nhẵn, với nhiều lỗ tròn nhỏ đẹp mắt, bảo đảm hút thông.
Một số ngồi lại trong lều, những đứa kia chỉ vào ngó qua. Chúng vào, ra, cười nói, thụi nhẹ vào bụng nhau, đấm lưng nhau, chúc mừng nhau.
“Thế nào, được chứ hả?”
“Mày thấy bọn mình cừ quá, đúng không?”
“Sẽ tha hồ vui!”
Chúng định ngay khi khoai chín sẽ bắt đầu. Camus và Gibus em lo việc nướng khoai, chúng vun tro, cời than, thỉnh thoảng lấy chiếc que nhỏ khều những củ ngon lành này ra rồi lấy đầu ngón tay sờ, bị phỏng, chúng vẩy tay lia lịa, thổi phù phù vào móng tay, rồi thêm củi cho bếp luôn có lửa.
Trong khi đó Lebrac, Tintin, Gibus anh và La Crique, sau khi tính toán xem mỗi đứa được bao nhiêu viên đường và táo, bắt tay vào việc chia đều sô cô la, kẹo viên và kẹo que.
Chúng hồi hộp chờ đợi khi mở hộp cá mòi: cá lớn hay bé? Liệu chia đều cho tất cả được không?
La Crique dùng đầu mũi dao lật lớp cá bên trên rồi đếm: “tám, chín, mười, mười một. Mười một,” nó lặp lại. “Xem nào - ba lần mười một là ba mươi ba, bốn lần mười một là bốn mươi bốn!
Cà chớn thật, tụi mình có bốn mươi lăm đứa, vậy là phải có một đứa nhịn.”
Gibus em đang ngồi xổm trước đống lửa đỏ rực nghe thấy tiếng kêu than này. Bằng một cử chỉ ngắn gọn nó giải quyết khó khăn:
“Thế thì tao sẽ không ăn cá vậy!” nó nói. “Đổi lại bay cho tao cái hộp với dầu để tao liếm; tao thích liếm dầu ngang ăn cá. Chịu không?”
Chịu không ư? Chịu quá chứ lị!
“Tao nghĩ rằng khoai chín rồi đấy,” Camus nói rồi dùng một chạc cây dẻ đã cháy sém quá nửa gạt than hồng ra sau để lấy khoai.
“Nào, xin mời!” Lebrac oang oang ra lệnh.
Rồi nó bước ra cửa lều:
“Thế nào, các tướng không nghe gì sao? Tao nói vào bàn ăn! Nhanh lên! Kỷ luật để đâu? Cần tao treo cờ để mời nữa ư?”
Thế là chúng chen nhau vào lều.
“Ai ngồi chỗ nấy!” chủ tướng ra lệnh. “Chúng ta sẽ chia phần. Trước hết là khoai. Phải ăn món gì ấm trước, vừa tốt, vừa lịch sự. Ở các buổi đại tiệc người ta đều ăn như thế.”
Bốn mươi lăm đứa con trai mạnh khỏe ngồi đúng chỗ thành hàng lối chờ được phân phát, tay cầm bánh mì, chân khép lại, đầu gối gập thành góc vuông như những pho tượng Ai Cập.
Việc phân phát tiến hành lặng lẽ đầy thành kính. Những đứa cuối cùng nhận được phần ăn hớn hở nhìn những củ tròn màu xám với thịt màu trắng nhờ nhờ nghi ngút khói tỏa mùi thơm tốt lành và khỏe khoắn kích thích ngon miệng.
Chúng rạch lớp vỏ, cắn vào đấy để rồi bị phỏng miệng, giật vội lại khiến đôi lúc đánh rơi khoai lên đầu gối, song nhanh tay chụp kịp. Ngon quá là ngon! Chúng cười, chúng nhìn nhau. Chúng lây niềm vui của nhau và chúng huyên thuyên nói.
Thỉnh thoảng một đứa chạy tới chỗ bình tưới uống nước. Nó áp môi như vòi hút vào vòi thiếc, hút một hơi đầy miệng, phồng hai má, nuốt ực hết rồi nấc lên một tiếng trong họng hoặc vừa phá lên cười vừa phun nước thành chùm trong tiếng bông đùa của bạn bè.
“Nó uống! Nó không uống! Cuộc rằng nó uống! Cuộc rằng không!”
Bây giờ đến lượt cá mòi.
La Crique trịnh trọng chia mỗi con làm bốn phần, nó cắt hết sức cẩn thận và chính xác để không phần nào bị nát và lo đi phân phát cho mỗi đứa phần chúng được hưởng. Được Tintin cầm giúp hộp, nó thận trọng dùng dao nâng từng phần đặt trên miếng bánh mì của mỗi đứa. Nó có dáng điệu của một ông linh mục ban bánh thánh cho bổn đạo.
Không đứa nào đụng đến phần cá của mình khi chưa phân chia xong hết. Gibus em, như đã thỏa thuận, được cái hộp với dầu và vài mẩu da cá bập bềnh trong đó.
Miếng cá chẳng lớn gì nhưng ngon! Thế này thì phải thưởng thức đúng điệu. Chúng hỉnh hỉnh mũi ngửi, sờ và liếm miếng cá nằm trên khúc bánh mì, vui mừng vì có được báu vật này, sung sướng vì sắp được nhai và chạnh buồn khi nghĩ nó sẽ nhanh chóng hết veo. Một cái nuốt thôi, thế là xong. Không đứa nào đủ lòng dạ ăn cái ào. Một miếng nhỏ xíu thế kia! Thành ra chúng phải thưởng thức, thưởng thức! Chúng thưởng thức bằng mắt, bằng tay, bằng đầu lưỡi, bằng mũi - nhất là bằng mũi - cho đến khi Gibus em lấy ruột bánh mì thấm, vét, hút sạch “nước xốt” của mình rồi giễu cợt hỏi chẳng lẽ chúng định biến cá thành thánh cốt hay sao. Nếu thế thì chúng chỉ cần đưa những miếng cá này cho cha xứ để ông bỏ vào chung với mấy cái xương thỏ mà ông vẫn đưa cho mấy bà già hôn, rồi bảo họ: “Pát-tê-con!”(1)_.
Bấy giờ chúng mới từ tốn ăn, không kèm bánh mì. Chúng cắn từng miếng nhỏ xíu bằng nhau, mút kiệt nước, hút từng mẩu da vụn, nửa chừng ngừng nhai rồi đẩy miếng cá đã nát thấm đẫm nước bọt xuống dưới lưỡi lần nữa, nghiền lần chót rồi cuối cùng mới ngần ngừ để lọt qua cổ họng.
Món này rồi cũng kết thúc một cách trang nghiêm. Sau đó Mắt Cá ngáo công nhận là ngon quá xá, nhưng chẳng bõ bèn gì!
Kẹo viên chúng giữ làm món tráng miệng, còn kẹo q ue để nhai trên đường về nhà. Thế là chúng còn món táo với sô cô la.
“Mình không uống gì à?” Boulot hỏi.
“Bình tưới sẵn đấy,” Gibus anh bông đùa đáp.
“Lát nữa,” Lebrac nói. “Vang với rượu mạnh để sau chót, khi mình hút thuốc.”
“Nào, mình ăn sô cô la!”
Đứa nào cũng có phần, đứa hai miếng nhỏ, đứa một miếng lớn. Đây là món chính, chúng ăn với bánh mì. Tuy nhiên có vài đứa sành điệu, hẳn thế, ăn bánh mì không trước rồi sô cô la sau.
Những hàm răng cắn và nhai, những đôi mắt long lanh. Bếp lửa, vừa được thêm một bó củi đầy, rọi sáng những cặp má và làm hồng những đôi môi. Chúng trò chuyện râm ran về những trận đánh đã qua, những trận đánh trong tương lai và những thành quả sắp tới. Tay chân chúng bắt đầu cựa quậy và thân thể chúng vặn vẹo.
Tới giờ uống vang ăn táo.
“Mình luân phiên uống từ cái xoong nhỏ,” Camus đề nghị.
Nhưng La Crique khinh thường đáp:
“Không được! Mỗi đứa một cốc riêng!”
Lời tuyên bố đó khiến các thực khách sửng sốt.
“Cốc à? Mày có cốc sao? Mỗi đứa một cốc riêng ư? La Crique, mày điên rồi! Sao được, nhỉ?”
“Tụi bay đúng là ngố,” La Crique giễu. “Phải khôn ngoan mới được! Thế tụi bay mang táo đến cho ai?”
Không đứa nào hiểu La Crique định nói gì.
“Một lũ thộn!” nó đáp không kiêng nể. “Lấy dao rồi làm theo tao này.” Vừa nói nhà phát minh ấy vừa cầm dao khoét vào trong lớp thịt căng cứng của quả táo đỏ au một lỗ hổng rồi cẩn thận lấy ra, biến cái quả xinh xắn kia thành một cái cốc độc đáo.
“Ái chà, đúng thật!” Lebrac kêu lên. “La Crique, mày cừ thật!”
Rồi nó ra lệnh phân phát táo ngay lập tức. Mỗi đứa liền lo khoét cốc cho mình, trong khi La Crique hân hoan vui miệng kể:
“Khi nào khát trong lúc làm việc ngoài đồng tao khoét một quả táo to rồi vắt liền sữa của một cô bò. Thế là tao có ngay một cốc sữa ấm ngon lành.”
Sau khi cả đám khoét cốc xong, Gibus anh và Lebrac mở hai chai vang. Chúng đi chia rượu cho các thực khách. Chai của Gibus anh lớn hơn chia được cho hai mươi ba chiến sĩ, còn chai của chủ tướng chia được cho hai mươi hai đứa. May mà các cốc đều nhỏ và việc phân chia công bằng. Ít ra là như thế, vì không đứa nào phàn nàn cả.
Khi ai nấy có phần hết rồi, Lebrac nâng quả táo đầy vang của nó, chúc ngắn gọn câu khẩu hiệu quen thuộc:
“Bây giờ, các bạn thân mến, xin uống mừng sức khỏe chúng ta, đả đảo bọn Velrans!”
“Mừng sức khỏe mày!”
“Mừng sức khỏe bọn mình!”
“Bọn mình muôn năm!”
“Phe Longeverne muôn năm!”
Chúng cụng những trái táo, chúng huơ cốc, chúng lớn tiếng nhục mạ quân địch và ca ngợi phe Longeverne dũng cảm, mạnh mẽ và anh hùng. Chúng uống, liếm và mút cốc-táo đến tận lớp thịt dưới đáy.
“Bây giờ mình hát một bài đi!” Gibus em đề nghị.
“Phải đấy, nào, Camus! Hát bài của mày đi!”
Camus liền cất tiếng hát:
Không gì đẹp bằng
Người lính pháo thủ trên lưng lạc đà...
“Ngắn quá! Thật tiếc! Bài hát quá hay!”
“Thế thì mình cùng hát bài: Bên nàng tóc vàng của tôi vậy. Ai cũng biết cả. Nào! Một, hai!”
Những giọng hát non nớt gào đến vỡ phổi bài hát cũ:
Trong vườn của bố tôi
Những cây nguyệt quế nở rộ hoa (hai lần)
Mọi chim muông trên thế giới này
Bay tới đây làm tổ
Đúng vậy!
Bên nàng tóc vàng của tôi
Tuyệt vời sao, tuyệt vời sao
Bên nàng tóc vàng của tôi,
Ngủ mới ngon sao!
Mọi chim muông trên thế giới này
Bay tới đây làm tổ, (hai lần)
Chim cút, chim ngói,
Và chim đa đa xinh xắn.
Đúng vậy!
Bên nàng tóc vàng của tôi...
Chim cút, chim ngói
Và chim đa đa xinh xắn (hai lần)
Và chim bồ câu trắng,
Hót suốt ngày đêm,
Đúng vậy!
Bên nàng tóc vàng của tôi...
Và chim bồ câu trắng
Hót suốt ngày đêm (hai lần)
Hót cho những người con gái đẹp
Không có chồng,
Đúng vậy!
Bên nàng tóc vàng của tôi...
Hát xong bài này chúng muốn hát ngay một bài khác. Lần này Tintin lĩnh xướng:
Cậu bé đánh trống từ chiến trận trở về
Cậu từ chiế n trận trở về,
Pan, plan ra-ta-plan...
Nhưng chúng ngừng lại giữa chừng, vì bây giờ, sau khi uống rượu, chúng cần gì khác, hay hơn.
“Camus, hát cho tụi tao nghe bài Madeleine chạy tới La Mã đi!”
“Ồ! Tao chỉ thuộc có hai khúc ngắn trong hai đoạn thôi, chẳng bõ hát. Với lại chẳng đứa nào trong bọn bay thuộc cả. Mỗi khi mấy anh lính mới nhập ngũ thấy người ta mon men tới nghe là họ ngừng hát rồi đuổi người ta đi.”
“Tại bài hát thật nhộn!”
“Không phải, tao cho rằng tại toàn những chuyện bậy bạ!
Nghe nói có trò gì đấy bê bối lắm, trò gì tao cũng không rõ, người ta nhét vào trong đó Madeleine, Estitut và Patéon(1)_, cả một trung đoàn bộ binh súng cắm lưỡi lê với một mớ linh tinh nữa mà tao không nhớ nổi.”
“Mai sau, khi mình nhập ngũ thì mình cũng sẽ được học bài hát này thôi mà,” Gibus em cả quyết để động viên lũ bạn nó kiên nhẫn.
Rồi chúng cố nhớ lại bài Débiez thường hát mỗi khi say:
Xúp hành, nước dùng của nền dân chủ...
Cuối cùng có mấy đứa cố ông ổng chắp nối điệp khúc của bài Kinkin gã săn bắn trộm:
Bởi vì trên thiên đường, hò lơ
Bởi vì trên thiên đường, hò lơ
Bởi vì trên thiên đường
Có giữ chỗ cho kẻ say sưa.
Nhưng rồi chúng thấy chán vì không hát chung nổi. Trong lều im ắng khác thường.
Bấy giờ, để phá tan sự im lặng kia, Boulot liền đề nghị:
“Hay mình chơi trò gì đi?”
“Hay trình diễn ảo thuật?”
“Hay chơi trò ‘chim bay gà bay’?” đứa khác hỏi.
“Vớ vẩn! Đó là trò của con gái. Sao không chơi nhảy dây luôn cho rồi!”
“Thế còn rượu mạnh để làm gì, lạy Chúa!” Lebrac quát.
“Và thuốc lá nữa?” Camus kêu lên.