Frankenstein Chương 15


Chương 15
‘Nếu vậy thì quả là không may thực, nhưng nếu đúng ông vô tội, sao ông không làm cho họ hiểu ra sự thật?’

“Đó, câu chuyện về những con người đáng yêu của tôi trong căn nhà tranh là như thế đó. Nó gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Từ những bộ mặt khác nhau của xã hội lần lượt phơi bày trong câu chuyện, tôi đã biết khâm phục những đức tính của họ, và khinh bỉ những thói xấu của nhân loại.

Thế nhưng tôi hãy còn coi tội lỗi là một điều tà ác xa lạ với mình, bởi trước mắt tôi lúc nào cũng hiển hiện tình cảm khoan dung nhân ái, khơi trong lòng tôi niềm khao khát được đóng một vai trên sân khấu đang diễn ra, triệu tới và phô bày bao phẩm cách đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên để thuật lại những tiến bộ về mặt trí tuệ tôi đạt được, không thể bỏ qua không nhắc một sự kiện xảy ra vào đầu tháng Tám năm ấy.

Một đêm, trong chuyến vào rừng thường lệ, kiếm thức ăn cho mình và kiếm củi cho gia đình đang che chở cho tôi, tôi bắt gặp trên mặt đất một chiếc rương bằng da, trong có vài món quần áo và vài quyển sách. Tôi hớn hở chộp ngay lấy của trời ban này, đem nó về hang ổ của mình. Rất may sách được viết bằng thứ ngôn ngữ tôi đã học được những nét căn bản từ căn nhà tranh, gồm có quyển Thiên đàng đánh mất_, tập Những cuộc đời song hành_ của Plutarch, quyển Nỗi đau của chàng Werther_. Có được kho báu này tôi vui mừng tột bậc, và giờ đây tôi cứ theo mấy cuốn sách này mà học, mà rèn luyện trí não mình, trong khi các bạn tôi bận rộn với công việc hàng ngày.

Khó lòng mô tả để ngài hiểu mấy quyển sách đó đã tác động đến tôi ra sao. Chúng đưa đến cho tôi vô vàn những hình ảnh mới, những tình cảm mới, đôi khi nâng cao tôi lên niềm say sưa hứng khởi, nhưng đa phần đẩy tôi xuống nỗi buồn nản chán chường đến tuyệt vọng. Trong quyển Nỗi đau của chàng Werther, bên cạnh hứng thú từ cốt truyện đơn giản dễ xúc động, còn có bao nhiêu quan điểm được đưa ra tranh cãi, bao nhiêu ánh sáng mới chiếu rọi lên những vấn đề tôi mù mịt từ bấy lâu nay, khiến đối với tôi đó quả là một nguồn vô tận những ngạc nhiên và suy tưởng. Phong thái dịu dàng đầy tình cảm gia đình miêu tả trong đó, kết hợp với những ý tưởng và tình cảm cao cả nhằm vào những điều ở bên ngoài bản thể, thật phù hợp với những gì tôi chứng kiến từ những người che chở tôi, và cả với niềm mong muốn thiết tha cố hữu trong lòng tôi. Nhưng tôi cho rằng Werther là một sinh linh còn thần thánh hơn cả những người tôi đã nhìn thấy hoặc tưởng tượng ra; tính cách anh ta không khoe khoang, nhưng nó để lại ấn tượng sâu lắng. Những suy tư phức tạp về cái chết, về tự sát khiến tôi tràn ngập sửng sốt. Tôi không có ý định đi sâu vào phân tích giá trị của lựa chọn này, tuy nhiên tôi nghiêng về quyết định của nhân vật chính; tôi khóc mãi về sự tự ải của chàng, cho dù chẳng hiểu thực sự vì sao.

Có điều càng đọc, tôi càng vận vào hoàn cảnh và tình cảm riêng của mình. Tôi thấy mình vừa giống vừa khác một cách kỳ lạ với những người trong sách và những người tôi lắng nghe trò chuyện. Tôi đồng cảm với họ, phần nào hiểu họ, nhưng trí óc tôi còn hỗn độn; tôi chẳng phụ thuộc vào ai, chẳng liên quan tới ai. ‘Con đường tôi ra đi luôn mở rộng’_; và sẽ không có ai thương khóc sự diệt vong của tôi. Thân hình tôi xấu xí, dáng vóc tôi quá cỡ. Điều đó có nghĩa gì? Tôi là ai? Là cái gì đây? Tôi từ đâu đến? Sẽ đi về đâu? Những câu hỏi này trở đi trở lại, nhưng tôi không làm sao trả lời được.

Tập Những cuộc đời song hành của Plutarch mà tôi có trong tay nói về những người sáng lập các nước cộng hòa cổ đại. Tác dụng của nó đối với tôi khác hẳn quyển Nỗi đau của chàng Werther. Từ những tưởng tượng của Werther tôi học được sự nản lòng và u ám, ngược lại Plutarch dạy tôi những tư tưởng cao quý; ông nâng tôi lên cao hơn tầm những suy tư khốn khổ của mình, để yêu mến và ngưỡng mộ những anh hùng cổ đại. Nhiều điều tôi đọc được vượt sức hiểu biết và kinh nghiệm của tôi. Tôi hiểu được với ít nhiều bối rối về các vương quốc, đồng quê trải dài, các con sông lớn, các đại dương mênh mông. Nhưng tôi hoàn toàn không nắm được các thị trấn và các tổ hợp đông người. Căn nhà tranh của những người che chở cho tôi là trường học duy nhất để tôi học về bản chất con người từ trước đến giờ; nhưng quyển sách mở ra các khung cảnh hành động mới mẻ và hùng tráng hơn nhiều. Tôi được đọc về những người phụ trách việc công, việc họ cai trị hay tàn sát đồng loại ra sao. Tôi cảm thấy trong lòng rừng rực tình mến mộ đức hạnh, sự ghê tởm đối với tội lỗi, tất nhiên ở mức độ tôi hiểu về những từ ngữ này, vốn bản thân chúng đã vô cùng tương đối, khi tôi gán cho chúng ý nghĩa là riêng sự sung sướng và đau khổ. Từ những cảm nghĩ ấy đương nhiên tôi đi đến ngưỡng mộ những nhà làm luật chuộng hòa bình, Numa, Slon và Lycurgus, đề cao họ hơn Romulus và Theseus. Lối sống đầy tình cha con của những người che chở tôi khiến những ấn tượng trên càng đậm nét trong tâm hồn tôi; có lẽ giả sử lần đầu tiên mình làm quen với nhân loại là do một anh lính trẻ, cháy bỏng niềm mong muốn vinh quang và chém giết, chắc tôi đã thấm nhuần những cảm xúc khác hẳn.

Nhưng Thiên đàng đánh mất lại kích động tôi theo cách khác, đưa đến cho tôi những xúc động sâu sắc hơn nhiều. Tôi đọc nó, cũng như các quyển sách kia, như thể đọc một chuyện có thật. Nó khuấy lên niềm kinh ngạc và hãi hùng đến tận chân tơ kẽ tóc về hình ảnh Đức Chúa trời toàn năng gây chiến với những sinh vật mình sáng tạo ra. Tôi thường liên hệ một số hoàn cảnh với tình cảnh mình khi những điểm tương tự làm tôi kinh ngạc. Cũng như Adam, tôi không có mối dây ràng buộc nào với bất kỳ ai trên đời này, nhưng về mọi mặt khác thì tình trạng hắn khác xa tôi. Hắn được Đức Chúa trời tạo ra thành một sinh vật hoàn hảo, hạnh phúc, giàu có, được Đấng sáng tạo ra mình trông nom chăm chút; được phép chuyện trò và thu thập kiến thức từ những thực thể thượng đẳng; còn tôi một kẻ khốn nạn, cô đơn, vô phương cứu giúp. Đã nhiều lần tôi coi Quỷ vương là một biểu tượng phù hợp hơn cho tình cảnh của tôi; vì giống như anh ta, nhiều lần, trông thấy những người che chở tôi hạnh phúc, niềm ganh tị trong tôi lại trào lên chua xót.

Còn một việc nữa càng củng cố và tăng cường thêm những tình cảm đó. Đến chỗ hang ổ mới này ít lâu, tôi phát hiện ra có giấy tờ gì đó trong túi cái áo tôi lấy từ phòng thí nghiệm của ngài. Ban đầu tôi bỏ mặc nó; nhưng giờ đây đã có thể giải mã được những chữ viết trên đó, tôi bắt đầu nghiên cứu chúng tỉ mỉ: nó là nhật ký suốt bốn tháng trời ngay trước khi tôi được sáng tạo ra. Ngài đã mô tả rất chi tiết từng bước tiến hành trong quá trình làm việc của ngài; đề tài ấy xen lẫn với một số sự kiện gia đình. Đương nhiên ngài có nhớ lại chúng: đây chúng đây. Những gì liên quan đến sự ra đời đáng nguyền rủa của tôi đều được chép lại từng ly từng tí, mọi chi tiết về chuỗi sự kiện ghê tởm đưa đến sản sinh ra tôi phơi ra đó rành rành; mô tả về con người tôi xấu xí, kinh khiếp tỉ mỉ không sót chút nào được ghi cả lại bằng những lời lẽ cho thấy sự ghê hãi của chính ngài, và khiến nỗi ghê hãi của tôi trở thành không bao giờ gột rửa được. Đọc đến đâu tôi phát bệnh lên đến đấy. ‘Căm hờn thay cái ngày ta ra đời!’ tôi kêu lên trong thống khổ. ‘Tên sáng tạo muôn đời phỉ nhổ! Tại sao mi tạo ra ta thành một con quái vật gớm ghiếc đến nỗi chính mi cũng phải quay đi vì kinh tởm? Đức Chúa trời, vì lòng thương xót, đã tạo ra con người đẹp đẽ và quyến rũ, theo như hình ảnh của Người, nhưng hình thể ta chỉ là bản sao bẩn thỉu của bọn mi, thậm chí vì thấp thoáng gợi lại mà càng thêm ghê tởm. Quỷ vương còn có đám tông đồ, đồng bào quỷ sứ, ngưỡng mộ và động viên hắn; ta hoàn toàn cô độc và bị chối bỏ.’

Đó là những suy nghĩ của tôi trong những giờ cô đơn, chán ngán; tuy nhiên ngẫm đi ngẫm lại về các đức tính của mấy người trong căn nhà tranh, bản tính thân thiện và nhân từ của họ, tôi lại tự thuyết phục mình rằng nếu như biết tôi ngưỡng mộ những đức tính của họ như thế, hẳn họ sẽ thương xót tôi, bỏ qua cho hình dạng méo mó của tôi. Chẳng lẽ họ có thể đuổi khỏi cửa một kẻ, dù quái hình quái dạng tới mức nào, đang nài xin họ lòng thương và tình bằng hữu? Tôi quyết định ít nhất cũng đừng nên nản chí, mà chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho một cuộc ra mắt quyết định số phận của tôi. Tôi lui lại việc này tới mấy tháng nữa; bởi sự thành công của cuộc trò chuyện quan trọng tới mức tôi kinh sợ rằng nó có thể bất thành. Hơn nữa tôi thấy mình qua mỗi ngày lại tiến bộ thêm vượt bậc, do đó chưa muốn khởi sự việc này trước khi rèn luyện trí tuệ thêm độ vài tháng nữa.

Trong thời gian đó, nhiều thay đổi xảy ra trong căn nhà tranh. Sự có mặt của Safie truyền hạnh phúc sang những người cư ngụ trong đó, và tôi cũng thấy rằng giờ đây họ sống sung túc hơn nhiều. Felix và Agatha có nhiều thì giờ vui chơi và chuyện trò hơn; có gia nhân giúp họ làm công việc nặng nhọc. Gọi là giàu thì chưa phải, nhưng họ hài lòng và sung sướng; trong lòng họ toàn những tình cảm yên bình và trong trẻo, ngược lại với lòng tôi ngày một bời bời xáo động. Hiểu biết tăng thêm chỉ khiến tôi càng thấy mình rõ ràng chỉ là một kẻ khốn nạn bên rìa xã hội. Tôi vẫn ấp ủ hy vọng, đúng thế, nhưng mỗi lần soi xuống nước hồ hoặc nhìn bóng mình dưới ánh trăng, hình ảnh mờ ảo mong manh và cái bóng chập chờn đến thế cũng đủ khiến mọi hy vọng của tôi lại tan biến hết.

Tôi cố gắng dẹp bỏ nỗi sợ hãi, và trang bị thêm cho mình để đương đầu với thử thách mà tôi quyết định sẽ lao vào trong vài tháng nữa; và thỉnh thoảng còn cho phép tâm hồn mình rời khỏi kiểm soát của lý trí mà lang thang trên những cánh đồng ở Lạc viên, cả gan mơ màng có những sinh vật xinh xắn đáng yêu đồng cảm với mình, xua tan nỗi u ám của tôi, khuôn mặt thiên thần của họ như nở ra những nụ cười an ủi. Nhưng tất cả chỉ là giấc mơ, chẳng có nàng Eve nào làm dịu đi nỗi phiền muộn, chia sẻ cùng tôi mọi suy nghĩ: tôi hoàn toàn trơ trọi. Tôi vẫn nhớ những lời khẩn cầu của Adam với Đấng sáng tạo của anh ta(32)_, nhưng kẻ sáng tạo ra tôi đâu? Hắn đã bỏ tôi; lòng cay đắng vô chừng, tôi nguyền rủa hắn.

Mùa thu cứ thế trôi qua. Tôi ngạc nhiên và buồn khổ thấy lá úa tàn rồi rụng xuống, thiên nhiên lại mang bộ mặt trống vắng ủ ê như lần đầu tôi nhìn thấy khu rừng và mặt trăng xinh đẹp. Nhưng tôi cũng chẳng chú ý nhiều đến thời tiết lạnh lẽo trống trải, cấu tạo cơ thể tôi thích hợp chịu đựng cái lạnh hơn cái nóng. Tuy nhiên hoa nở khắp nơi, bầy chim hay hót, bộ cánh vui tươi của mùa hè vốn là thú vui lớn nhất của tôi; nay chúng không còn nữa, tôi chú ý nhiều hơn tới những người trong nhà. Hạnh phúc của họ chẳng giảm đi chút nào khi mùa hè vắng bóng. Họ cứ yêu nhau, đồng cảm với nhau, và niềm vui của họ từ nhau mà có, chẳng vì thiên tai hoạn nạn xung quanh mà gián đoạn. Càng nhìn ngắm họ nhiều hơn, tôi càng khao khát được họ bảo vệ, đem lòng tử tế đối xử với mình; trái tim tôi càng mong mỏi được những con người đáng yêu này biết tới và yêu thương; tham vọng lớn nhất của tôi là được những ánh mắt dịu dàng trìu mến kia nhìn tới. Tôi không dám nghĩ rằng họ có thể kinh hãi, ghê tởm tôi mà quay đi không nhìn đến. Xưa nay những người nghèo dừng chân ngoài cửa chưa bị họ xua đuổi bao giờ. Phải, tôi đòi hỏi những báu vật lớn hơn chút thức ăn, thức uống hoặc chỗ trú chân nhiều; tôi cần lòng tử tế và tình thông cảm; nhưng tôi không nghĩ mình có gì chưa xứng đáng với những đòi hỏi ấy.

 Mùa đông tới; vòng luân chuyển bốn mùa đã trọn vẹn kể từ lúc tôi mở mắt chào đời. Tới lúc này tôi chỉ tập trung vào một việc duy nhất: nghĩ cách trình diện mình với những người trong nhà. Bao kế hoạch được lật đi lật lại, cuối cùng tôi quyết định sẽ vào nhà trong lúc cụ già ở nhà một mình. Tôi đủ minh mẫn để hiểu rằng hình dạng gớm guốc bất thường của tôi là điều chủ yếu khiến những người trước đây nhìn thấy tôi lấy làm kinh hãi. Giọng nói của tôi, tuy khàn, không báo hiệu điều gì khủng khiếp; vì vậy tôi nghĩ khi các con cụ vắng nhà, tôi có thể chiếm được thiện ý và điều đình với cụ già De Lacey, nhờ cụ, tôi có thể được những người bảo hộ trẻ tuổi kia khoan thứ.

Một hôm, khi ánh mặt trời chiếu trên những chiếc lá đỏ rụng rải rác trên mặt đất và reo rắc tươi vui tuy chưa phải là nắng ấm, Safie, Agatha và Felix rời nhà làm một chuyến đi chơi xa về miền quê để lại cụ già trong căn nhà theo ý muốn cụ. Con cái đi rồi, cụ cầm cây ghita chơi vài khúc nhạc buồn bã nhưng tuyệt hay, hay và buồn hơn mọi điệu tôi đã từng nghe. Lúc đầu nét mặt cụ sáng rực niềm vui, song càng chơi đàn cụ càng trầm tư phiền muộn, cuối cùng, đặt cây đàn sang một bên, cụ ngồi đắm chìm trong suy tưởng.

Tim tôi đập dồn dập, đây chính là giờ khắc thử thách, sẽ khẳng định hy vọng của tôi, hay biến nỗi lo sợ trong tôi thành sự thực. Đầy tớ đã đi chơi chợ phiên vùng lân cận cả. Trong nhà và xung quanh đều tĩnh lặng như tờ: còn cơ hội nào bằng; ấy thế nhưng khi tiến lên thực hiện kế hoạch, hai chân tôi nhũn ra, tôi ngã ngồi xuống đất. Tôi đứng lên lần nữa, huy động hết lòng cương quyết tôi có được trong mình, tôi nhấc bỏ mấy tấm ván đã đặt trước cái chòi để che tôi trú ngụ. Không khí lạnh bên ngoài làm tôi tỉnh táo, và với niềm quyết tâm mới khơi lại, tôi bước tới cửa ra vào.

Tôi gõ cửa. ‘Ai đấy? Xin mời vào,’ cụ già bảo.

Tôi vào nhà. ‘Cụ tha lỗi đã đường đột vào đây,’ tôi nói, ‘tôi là một kẻ du hành hy vọng được nghỉ ngơi đôi chút; cụ sẽ làm ơn rất nhiều cho tôi nếu cho phép tôi ngồi bên lửa sưởi vài phút.’

‘Mời ông vào,’ De Lacey nói, ‘và tôi sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng những gì ông cần thiết; nhưng thật không may, các con tôi đi vắng cả, và bởi tôi mù, tôi sợ mình khó lòng tìm được thức ăn cho ông.’

‘Thưa cụ chủ hiền từ, xin cụ đừng bận tâm, tôi có thức ăn đây rồi, chỉ mong có chút nghỉ ngơi và ấm áp mà thôi.’

Tôi ngồi xuống, và cả hai im lặng. Tôi biết mỗi phút đối với mình đều đáng quý, nhưng phân vân mãi không biết bắt đầu câu chuyện ra sao; vừa lúc cụ già cất tiếng hỏi tôi:

‘Thưa khách lạ, ngôn ngữ ông dùng khiến tôi đoán ông là người đồng hương với tôi – ông là người Pháp phải không?’

‘Không, nhưng tôi được dạy dỗ trong một gia đình người Pháp, nên chỉ biết mỗi một thứ tiếng ấy thôi. Tôi đang trên đường tới yêu cầu sự bảo hộ của vài người bạn, những người tôi thành thật yêu mến và cũng có đôi chút hy vọng được họ thuận tình chiếu cố.’

‘Họ là người Đức ư?’

‘Không, người Pháp. Nhưng thưa cụ ta hãy nói sang đề tài khác. Tôi là một sinh vật bất hạnh bị bỏ rơi, tôi nhìn tứ phía, và cả trái đất này tôi không có ai là bạn. Những con người dễ thương mà tôi tìm đến chưa bao giờ trông thấy tôi và biết rất ít về tôi. Lòng tôi đầy sợ hãi, bởi vì nếu thất bại lần này, suốt đời tôi sẽ là một kẻ bị ruồng bỏ.’

‘Đừng thất vọng ông ạ. Không có bạn bè quả là một điều bất hạnh, nhưng trái tim con người, nếu không bị một lợi ích cá nhân cấp thiết nào dựng lên định kiến, vốn đầy nhân đức và tình huynh đệ thân thương. Vì vậy, hãy cứ hy vọng đi, nhất là nếu như mấy người bạn của ông lại tốt bụng và tử tế, thì càng không việc gì mà phải thất vọng.’

‘Họ tử tế lắm – họ là những con người tuyệt vời nhất trên đời này, nhưng không may, họ có thành kiến với tôi. Tôi có những tính tình tốt đẹp; đời tôi từ xưa đến nay chưa làm hại ai, ở mức độ nào đó còn làm lợi cho người khác; nhưng ác thay một định kiến tai hại đã làm mờ mắt họ, và lẽ ra họ cần nhìn ra một người bạn tốt nhạy cảm, thì lại chỉ thấy một con quái vật đáng ghê tởm.’

‘Nếu vậy thì quả là không may thực, nhưng nếu đúng ông vô tội, sao ông không làm cho họ hiểu ra sự thật?’

‘Tôi sắp làm việc đó đây, và chính đó là nguyên do tôi cảm thấy hãi hùng rợn người đến vậy. Tôi yêu tha thiết những người bạn của tôi; nhiều tháng nay, tôi đã quen chăm sóc họ hàng ngày, mà họ hoàn toàn không biết; nhưng họ tin rằng tôi muốn làm hại họ, và đó chính là thành kiến tôi muốn vượt qua.’

‘Các bạn ông sống ở đâu?’

‘Rất gần đây.’

Cụ già im lặng một lát, sau nói tiếp: ‘Nếu ông tin tưởng mà thổ lộ với tôi tình tiết câu chuyện của ông, biết đâu tôi có thể giác ngộ họ. Tôi mù lòa, không rõ dung mạo ông ra sao, nhưng lời ông nói có cái gì đó thuyết phục tôi ông là người thành thực. Tôi vốn nghèo, lại đang chịu cảnh lưu đày, tuy nhiên nếu giúp ích được cho một con người bằng cách nào đi nữa, đối với tôi không sung sướng nào bằng.’

‘Cụ là con người tuyệt vời! Xin cảm ơn cụ, cũng xin nhận lời cụ giúp. Lòng tử tế của cụ đã đưa tôi từ cát bụi mà lên; tôi tin rằng, nhờ sự giúp đỡ của cụ, tôi sẽ không còn bị đồng loại cụ xua đuổi khỏi xã hội, đoạn tuyệt mọi tình cảm nữa.’

‘Cầu Chúa đừng để điều đó xảy ra! ngay cả nếu như ông là tội nhân mang án đi nữa, bởi cái đó chỉ đưa đến tuyệt vọng và không thể khuyến khích lòng hướng thiện. Tôi cũng là một kẻ không may; tôi và cả gia đình bị buộc tội cho dù hoàn toàn trong trắng; đó, hãy thử nghĩ xem liệu tôi có thấm thía được những cảm giác của ông hay không.’

‘Biết cảm ơn cụ thế nào đây, ân nhân duy nhất, đáng quý nhất của tôi? Lần đầu tiên, từ đôi môi cụ, tôi được nghe người ta nói với tôi những điều tử tế, tôi cảm ơn cụ suốt đời; tình người nơi cụ khiến tôi tin tưởng sẽ thành công trong cuộc gặp mặt tới đây với những người bạn ấy.’

‘Ông có thể cho tôi biết tên và nơi ở của họ không?’

Tôi ngưng lại. Đây là giờ phút quyết định, tôi nghĩ, nó sẽ tước đi vĩnh viễn, hoặc đem hạnh phúc mãi mãi đến cho tôi. Tôi gắng vượt qua mình để có đủ quyết tâm trả lời cụ, nhưng nỗ lực đó đã rút cạn mọi sức lực còn lại của tôi; tôi ngồi sụp xuống chiếc ghế cạnh đó và khóc nức nở. Đúng lúc này tôi nghe tiếng bước chân mấy người trẻ tuổi đi chơi về. Tôi không thể mất đi một phút giây nào nữa; nắm lấy tay cụ già, tôi vội kêu lên: ‘Đã đến lúc rồi – hãy ra tay bảo vệ tôi, cứu tôi! Cụ và gia đình cụ chính là những người bạn tôi tìm. Giờ phút thử thách đã đến, xin cụ đừng bỏ tôi!’

‘Trời ơi!’ cụ già kêu lên, ‘ông là ai vậy?’

Vừa vặn cửa ra vào mở ra, Felix, Agatha và Safie bước vào. Làm sao tả nổi nỗi kinh hoàng đến rụng rời của họ khi nhìn thấy tôi? Agatha ngất đi, Safie không đủ sức tới giúp đỡ bạn mình, nàng bỏ chạy ra ngoài. Còn Felix vọt lên, và bằng một sức mạnh siêu nhiên, dứt tôi ra khỏi cha anh – tôi đang ôm chặt lấy chân ông; trong cơn giận dữ điên cuồng, anh hất tôi ngã lăn trên đất rồi lấy cây gậy vụt tôi tới tấp. Lẽ ra tôi có thể xé anh ta ra từng mảnh như sư tử xé xác sơn dương. Nhưng tim tôi se lại vì một niềm chua xót đớn đau, và tôi kìm lại. Tôi nhìn thấy anh ta sắp sửa trút xuống một đợt đấm đá nữa, thế là, đắm chìm trong đau đớn và thống khổ, tôi rời căn nhà tranh và giữa cơn náo loạn lẻn trở lại hang ổ mình không ai nhìn thấy.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/29491


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận