Jên Erơ Chương 32


Chương 32
Tôi tiếp tục làm các công việc ở trường làng một cách hăng hái và đúng mực.

Lúc đầu, công việc cũng khó nhọc thực, tôi hết sức nỗ lực mà cũng phải mất một thời gian mới có thể hiểu được các em học sinh và bản chất của chúng. Chúng hoàn toàn thất học, năng khiếu không hề được trau dồi, đối với tôi, hình như chúng không hy vọng mở mang trí óc được, và mới thoạt nhìn qua, thì đều ngu độn như nhau, nhưng chẳng bao lâu tôi thấy mình nhầm. Giữa bọn chúng cũng có sự khác biệt như trong đám những trẻ có học, khi tôi đã hiểu biết chúng và chúng cũng hiểu biết tôi rồi, thì sự khác biệt ấy càng thấy rõ. Một khi chúng đã hết ngỡ ngàng về tôi, về ngôn ngữ, nguyên tắc và tác phong của tôi thì tôi nhận thấy một số những đứa bé quê mùa bề ngoài trông như đần độn ấy trở thành những em gái khá tinh khôn. Nhiều đứa còn tỏ ra sốt sắng và đáng yêu nữa, tôi thấy trong bọn chúng khá nhiều gương mẫu về sự lễ độ tự nhiên, về lòng tự trọng bẩm sinh cũng như những khả năng rất trội, những điều ấy đã tranh thủ được lòng cảm phục và thiện chí của tôi. Những em đó sớm thấy thích thú làm chu đáo công việc, giữ gìn thân thể sạch sẽ, học bài đều đặn, tập cử chỉ khoan thai và thói quen ngăn nắp. Sự tiến bộ nhanh chóng của chúng, trong một vài trường hợp, thực sự ngạc nhiên, và tôi có một niềm kiêu hãnh vui sướng, thích đáng về điểm đó, không những thế, tôi còn bắt đầu thấy mến một vài em khá nhất, và chúng cũng mến tôi. Trong đám học sinh của tôi có nhiều con gái nhà tá điền, đã khá lớn, gần thành thiếu nữ cả rồi. Mấy đứa này đã biết đọc, biết viết, và khâu vá được, tôi dạy cho chúng một ít hiểu biết cơ bản về ngữ pháp, địa lý, lịch sử; và một vài mẫu thêu tinh vi hơn. Tôi tìm thấy ở bọn chúng những tính cách đáng yêu - tính ham học, cầu tiến và nhiều buổi tối tôi thích thú ngồi chơi với các em ở nhà các em. Cha mẹ các em - những người nông dân - tiếp đãi tôi rất ân cần. Tôi vui sướng đón nhận tấm lòng chất phác của họ và đáp lại bằng cách tỏ ra vị nể họ, hết sức tôn trọng những tình cảm của họ. Có lẽ họ chưa quen được đối xử như vậy, cho nên họ rất sung sướng và điều đó có lợi cho họ, vì nó nâng cao giá trị của họ lên đối với chính họ mà còn khiến họ gắng tỏ ra xứng đáng với cách đối xử ấy.

Tôi cảm thấy tôi được dân chúng trong vùng yêu mến. Bất cứ khi nào đi ra ngoài, tôi cũng được mọi người chào đón thân mật, với nụ cười niềm nở. Sống giữa tình cảm của một người, dù chỉ là của những người dân lao động, thực giống như "ngồi trong ánh nắng mặt trời, êm đềm, ấm áp", dưới tia nắng, những tình cảm thanh thản đâm chồi nở hoa trong tâm hồn. Trong quãng đời này, lòng tôi thường dào dạt niềm biết ơn hơn là chìm đắm trong tuyệt vọng, tuy nhiên, bạn đọc ạ, để nói hết với bạn, thì giữa cuộc sống bình thản, hữu ích ấy - sau mỗi ngày gắng sức làm việc một cách đáng kính giữa đám học trò, sau mỗi buổi tối ngồi một mình khoan khoái đọc sách hay vẽ - ban đêm, tôi thường lao mình vào những giấc mơ kỳ lạ, những giấc mơ nhiều màu sắc, xáo động, đầy lý tưởng, đầy kích thích và đầy hỗn loạn; những giấc mơ có nhiều cảnh khác thường, nhiều cuộc phiêu lưu nhiều sự nguy hiểm gay go, nhiều chuyện ngẫu nhiên lãng mạn, trong ấy tôi luôn luôn gặp ông Rôchextơ, thường là vào lúc nguy kịch nhất, và rồi cảm giác được ông ôm ấp, được nghe giọng nói của ông, gặp đôi mắt ông, sờ thấy tay ông, má ông, yêu ông và được ông yêu lại, cùng với hy vọng được ở bên ông suốt đời, lại tái hiện với tất cả sức mạnh và nhiệt tình lúc đầu. Rồi tôi tỉnh dậy. Rồi tôi nhớ lại mình đang ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Rồi tôi ngồi dậy trong cái giường không có diềm màn, tôi run rẩy và rùng mình và rồi bóng đêm thăm thẳm và lặng lẽ lại được chứng kiến sự vật vã của cơn tuyệt vọng, lại được nghe thấy tiếng nức nở của lòng đắm đuối. Chín giờ sáng hôm sau, tôi lại lên lớp rất đúng giờ, bình thản, ổn định, sẵn sàng làm tròn mọi bổn phận của ngày hôm ấy.

Rôdamơn Ôlivơ giữ lời hứa đến thăm tôi. Cô hay lại trường vào những buổi cưỡi ngựa đi chơi sáng. Cô thường đi ngựa đến tận trước cửa, có một anh đầy tớ bận chế phục cũng cưỡi ngựa theo sau. Thực khó tưởng tượng được một cái gì tuyệt diệu hơn là hình ảnh cô trong bộ áo đỏ tía, với chiếc mũ nữ kỵ sĩ bằng nhung len, đặt duyên dáng trên những búp tóc dài ve vuốt đôi má và phơ phất rủ xuống vai cô; cứ như thể cô bước vào ngôi nhà quê mùa, và đi qua những hàng học sinh lóa mắt. Thường cô ta hay đến vào giờ ông Riovơ đang giảng bài học hàng ngày về giáo lý. Tôi e rằng tia mắt của cô thiếu nữ ấy có đâm sâu vào trái tim người mục sư trẻ tuổi. Hình như một thứ bản năng nào đó báo cho ông biết cô đã đến, ngay cả khi ông không hề nhìn về phía cửa, nếu cô ta xuất hiện ở đấy, má ông thường vẫn đỏ bừng lên và nét mặt như cẩm thạch của ông, mặc dù cứng cỏi, bỗng thay đổi một cách không sao tả được, và dưới vẻ bình thản ấy, nó biểu hiện một tình cảm nồng nhiệt bị kìm hãm rõ ràng hơn là những thớ thịt rung chuyển trên mặt hoặc một cái nhìn nồng nàn có thể lộ ra.

Cố nhiên cô ta rất hiểu mãnh lực của mình, mà ông cũng chẳng giấu cô ta điều đó, vì không thể nào giấu được. Mặc dù tinh thần khắc kỷ Cơ đốc giáo của ông, khi cô ta bước tới chuyện với ông, mỉm cười tươi tỉnh, vẻ khuyến khích và âu yếm nữa, thì bàn tay ông cứ run lên, và mắt ông bừng cháy. Hình như bằng cái nhìn buồn rầu và kiên quyết ông muốn nói lên điều ông không thốt ra lời: "Tôi yêu cô và tôi biết cô cũng ưng tôi. Không phải vì sợ thất bại mà tôi câm nín. Nếu tôi hiến cô trái tim tôi, tôi tin ràng cô sẽ nhận. Nhưng tôi đã đặt trái tim ấy lên một bàn thờ thiêng liêng rồi, xung quanh lửa đã được chuẩn bị rồi, chẳng bao lâu nữa nó sẽ chỉ còn là một lễ vật hiến tế thôi".

Và rồi cô ta phụng phịu như một đứa trẻ hờn dỗi, một bóng mây tư lự làm dịu vẻ tươi tắn rực rỡ của cô. Cô vội rút tay khỏi bàn tay ông và quay phắt đi trong cơn hờn giận chốc lát, không nhìn thái độ vừa anh hùng vừa khổ não ấy. Khi cô từ giã ông như thế, hẳn là Xanh Jôn muốn từ bỏ hết mọi thứ ở đời để đi theo, để gọi, để giữ người thiếu nữ ấy lại, nhưng ông không chịu hy sinh cõi Thiên đường chân chính, vĩnh cửu, đổi lấy bàn tay của tình yêu. Vả chăng ông cũng không thể trói buộc tất cả những gì thuộc bản chất của ông - kẻ phiêu lưu, kẻ khát vọng, người nghệ sĩ làm giáo sĩ - trong giới hạn của một dục vọng duy nhất, ông không thể, mà cũng không muốn từ bỏ trận địa gian nguy của nhà truyền giáo, đổi lấy những phòng khách và sự yên tĩnh của Vêlơ Hôn. Tôi đã hiểu rất nhiều về ông, do chính ông nói ra, nhân một lần tôi đã dám đi sâu vào tâm tình ông, mặc dù tính ông vốn kín đáo.

Tôi thường có vinh dự được cô Ôlivơ lại thăm tại căn nhà nhỏ bé của tôi. Tôi đã hiểu tính tình cô ta, tính cô chẳng có gì là bí hiểm quanh có, cô ưa đỏm dáng song không phải là người vô tình, hay đòi hỏi, nhưng không phải là ích kỷ. Cô được nuông chiều từ thuở bé, nhưng không quá buông tuồng, tính láu táu nhưng dễ dãi, ưa phù hoa (làm thế nào khác được vì mỗi lần nhìn vào gương cô thấy mình duyên dáng quá), nhưng không điệu bộ, hào phóng, không hay khoe của, hồn nhiên, khá thông minh, vui tươi, hoạt bát, vô tư lự; tóm lại cô đầy sức quyến rũ, ngay cả đối với một người quan sát lạnh lùng thuộc cùng phái nữ như tôi, nhưng cô không được hấp dẫn một cách sâu sắc, cũng không gây được ấn tượng gì mạnh mẽ. Tâm hồn cô thuộc một loại khác hẳn với các cô em của Xanh Jôn. Tuy thế, tôi rất yêu cô, gần giống như yêu bé Ađen, có điểm khác là đối với một đứa bé chính mình trông nom dạy dỗ thì tình cảm của tôi có sâu sắc hơn đối với một thiếu nữ xinh đẹp mới quen.

Cô cũng mến tôi, cô bảo tôi giống Xanh Rivơ (tuy cô nhận rằng "chắc chắn rằng về sắc đẹp, tôi không bén gót ông ấy, dù tôi là một người bé nhỏ khá dễ ưa, nhưng ông ấy thì là một thiên thần"). Dù sao tôi cũng tốt bụng, thông minh, chín chắn, cương quyết giống ông ta. Cô quả quyết là một lusus natuase(1) trong các cô giáo nông thôn, cô nói chắc rằng tiểu sử của tôi trước đây, nếu đước biết thì có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết rất hay.

Một buổi tối, trong lúc lục lọi tủ và ngăn bàn trong gian bếp nhỏ của tôi với cái tính nghịch ngợm trẻ con thường lệ và thói tò mò vô hại, cô tìm thấy hai cuốn sách tiếng Pháp, một tác phẩm cua Sile, một cuốn từ điển và ngữ pháp tiếng Đức, rồi bộ đồ vẽ vài bức phác hoạ của tôi, kể cả một bức chân dung bằng chì của một em bé học trò, xinh đẹp như một thiên sứ, và mấy bức họa phong cảnh thung lũng Mortơn với những cánh đồng hoang chung quanh. Mới đầu cô sửng sốt vì ngạc nhiên, rồi cô thích thú nhảy cỡn lên.

Cô hỏi tôi:

- Có phải cô vẽ những bức tranh kia không? Cô biết tiếng Pháp và tiếng Đức à? Cô thực là tuyệt... thực là một người kỳ lạ! Cô vẽ giỏi hơn cả thầy giáo dạy tôi ở trường tại S... Cô có vui lòng vẽ cho tôi một bức chân dung để tôi khoe ba tôi không?

Tôi đáp: "Rất vui lòng". Và tôi cảm thấy mình rung động một niềm vui sướng của người nghệ sĩ khi có được một kiểu mẫu hoàn hảo và rực rỡ như thế để vẽ. Lúc ấy cô dang vận một chiếc áo màu xanh thẫm, cổ và tay để trần, món trang sức duy nhất của cô là bộ tóc màu hạt dẻ, phất phơ trên vai với tất cả vẻ duyên dáng man rợ của những búp tóc tự nhiên. Tôi lấy một tờ bìa đẹp và cẩn thận vẽ những đường nét ngoài, dự tính sẽ tô màu sau, vì lúc ấy đã muộn, tôi bảo cô hôm khác phải đến ngồi làm mẫu một buổi nữa.

Chẳng biết cô đã nói những gì về tôi với ông bố mà tối hôm sau chính ông Ôlivơ cũng theo con gái sang. Đó là một người đàn ông cao lớn, nét mặt đầy đặn, tuổi trung niên, tóc hoa râm; đứng cạnh cha, cô con gái xinh đẹp trông như một bông hoa mơn mởn bên cạnh ngọn tháp rêu phong, ông có vẻ ít nói, và có lẽ hơi kiêu ngạo, nhưng đối với tôi ông rất nhã nhặn. Bức phác họa chân dung Rôdamơn khiến ông thích lắm, ông bảo tôi vẽ thành một bức họa hoàn hảo, và còn mời tôi chiều hôm sau sang Vêlơ Hôn chơi.

Tôi đến. Đó là một ngôi nhà lớn, đẹp đẽ, chứng tỏ chủ nhân là một người giàu có. Suốt quãng thì giờ tôi ở chơi, Rôdamơn tỏ ra rất vui thích. Cha cô cũng nhã nhặn, và sau bữa trà, trong lúc nói chuyện với tôi, ông bầy tỏ bằng những lời nồng nhiệt sự tán đồng của ông đối với công việc tôi đã làm ở trường Mortơn; ông nói thêm rằng, theo những điều tai nghe mắt thấy, ông chỉ sợ chỗ này không xứng với tôi, và chẳng bao lâu, tôi sẽ bỏ đi nơi khác thích hợp hơn.

- Đúng thế! - Rôdamơn kêu lên, - cô ấy giỏi lắm, đủ tư cách làm một cô giáo trong một gia đình quyền quý, ba ạ.

Tôi nghĩ tôi thích ở đây hơn là ở bất cứ một gia đình quyền quý nào. Ông Ôlivơ nói về ông Rivơ và gia đình Rivơ, với một thái độ kính trọng đặc biệt. Ông bảo đó là một gia đình có tiếng tăm từ lâu đời ở vùng này, tổ tiên nhà ấy khi xưa rất giàu có, có một thời tất cả vùng Mortơn này thuộc về họ, và ngay cả bây giờ, ông vẫn cho rằng con cháu nhà ấy, nếu họ muốn vẫn có thể kết hôn với một người thuộc tầng lớp cao sang nhất, ông nhận rằng thật đáng tiếc một người trẻ tuổi tài năng như thế mà lại dự định đi xa làm nhà truyền giáo, thật là hoài phí cả một cuộc đời quý báu. Xem ý, ông Ôlivơ cũng không phản đối một cuộc hôn nhân giữa Rôdanmơn và Xanh Jôn. Rõ ràng ông coi dòng dõi, tên tuổi và nghề nghiệp tôn quý của chàng mục sư trẻ tuổi cũng đủ bù lại sự nghèo nàn về gia sản.

Ngày mùng năm tháng mười một là một ngày nghỉ. Sau khi giúp tôi lau chùi nhà cửa, con bé giúp việc tôi đã ra về, nó hể hả được tôi cho một đồng penny. Chung quanh tôi chỗ nào cũng bóng lộn, không một vết bẩn, sàn đã cọ sạch, lưới chắn lò sưởi đã đánh sáng, ghế đã lau sạch tinh tươm. Tôi cũng tắm rửa và có cả một buổi chiều muốn làm gì thì làm.

Tôi dịch vài trang sách tiếng Đức mất một giờ, sau đó tôi lấy bảng pha màu, bút vẽ ra, và cắm cúi làm cái công việc thoải mái hơn, tức là hoàn thành bức chân dung cô Rôdamơn. Tôi vẽ xong mặt rồi, chỉ còn phải tô màu nốt nền tranh và bộ áo, cũng phải điểm thêm ít son vào cặp môi mọng cho thêm vài búp tóc mềm mại chỗ này chỗ kia, tô đậm thêm cặp mi chút nữa là xong. Tôi đang mê mãi vẽ cho xong những chi tiết thú vị ấy, thì sau mấy tiếng gõ nhẹ và nhanh, cánh cửa chợt mở ra Xanh Jôn bước vào:

- Tôi lại xem cô dùng ngày nghỉ vào việc gì. Tôi hy vọng rằng cô không tư lự gì chứ? Thế là phải, cô cứ vẽ thì sẽ không thấy cô đơn. Cô xem, tôi vẫn chưa thực sự tin cô đâu, tuy rằng cho đến nay cô đã có thái độ rất đáng phục. Tôi mang lại cho cô một quyển sách để đọc giải trí buổi tối - và ông đặt lên bàn một cuốn sách mới tinh, một tập thơ, một trong những sáng tác chân chính mà công chúng may mắn có thời đó, thời đại hoàng kim của nền văn học hiện đại, thường được thưởng thức. Còn các độc giả của thời chúng ta thì, than ôi! Không được may mắn như vậy. Nhưng hãy cứ vững lòng! Tôi không dừng lại ở đây để lên án hay than vãn. Tôi biết rằng thi ca không chết mà các thiên tài không phải là đã mất hết; Manmơn(1) cũng không thể tác oai tác quái trói buộc thiên tài, hoặc giết thi ca, rồi có ngày cả hai sẽ lại xác nhận sự tồn tại, sự có mặt, sự tự do và sức mạnh của bản thân. Hỡi các vị thiên thần hùng mạnh ngủ yên trên thiên đường! Các vị cười mỉm khi những linh hồn dơ dáy đắc thắng, và những kẻ yếu đuối than khóc trên sự tiêu diệt của tài năng. Thi ca bị hủy diệt chăng? Thiên tài bị xua đuổi chăng? Không, không! Này, hỡi sự Dung tục! Đừng để cho lòng ghen ghét thúc đẩy ngươi nghĩ thế. Không! Chẳng những cả hai vẫn sống, mà vẫn còn thống trị, và tái tạo; và nếu không có ảnh hưởng linh diệu của thiên tài và thi ca lan tràn khắp nơi thì ngươi đã phải sống ở địa ngục rồi, địa ngục sự ti tiện của chính người.

Trong khi tôi say sưa liếc qua những trang xán lạn của cuốn Marmion (vì chính đó là tác phẩm Marmion(1)), ông Xanh Jôn cúi xuống xem bức họa của tôi. Ông chợt giật mình đứng thẳng lên, ông không nói gì cả. Tôi ngửng lên nhìn ông. Ông lảng tránh mắt tôi. Tôi hiểu ý nghĩ của ông, và có thể đọc rõ được trong trái tim ông, lúc ấy tôi cảm thấy bình tĩnh và thản nhiên hơn ông; tạm thời tôi có lợi thế hơn ông. Tôi nảy ra ý muốn giúp ông một việc tốt, nếu có thể được.

Tôi nghĩ thầm: "Với tất cả sự cương quyết và tính tự chủ của ông, ông ta tự ép mình phải chịu một thử thách quá gay go, ông giấu kín mọi tình cảm và đau khổ trong lòng không biểu lộ, không thú nhận, không thổ lộ một điều gì hết. Ta nói chuyện chút ít về cô Rôdamơn đáng yêu, người mà ông nghĩ ông không được lấy, chắc là sẽ có lợi cho ông. Ta sẽ khiến ông phải nói".

Tôi nói trước: "Mời ông ngồi xuống ghế, ông Rivơ". Nhưng ông trả lời rằng phải đi ngay, bao giờ ông cũng trả lời như vậy. Tôi nghĩ thầm: "Được thôi, ông muốn đứng thì cứ đứng. Nhưng ông cũng chẳng đi ngay được đâu, tôi đã quyết định thế. Ít nhất thì sự cô độc cũng sẽ chẳng tốt gì cho ông, cũng như cho tôi. Tôi sẽ thử xem liệu có tìm được nguồn bí ẩn của tâm sự ông không, liệu có khám phá được một kẽ hở trong bộ ngực cẩm thạch kia, để nhỏ vào đó một giọt linh dược của tình thông cảm không".

- Bức chân dung này có giống không? - Tôi hỏi đột ngột.

- Giống à? Giống ai? Tôi chưa xem kỹ.

- Ông xem kỹ rồi, ông Rivơ ạ.

Ông hơi giật mình vì sự đường đột lạ lùng và bất chợt của tôi. Ông nhìn ngơ ngác. Tôi tự nhủ: "Ồ, đã có gì đâu, tôi không chịu bị lừa vì thái độ lãnh đạm của ông đâu. Tôi chuẩn bị để còn đi xa hơn nữa kia". Đoạn tôi nói tiếp:

- Ông đã xem kỹ càng rồi, nhưng ông muốn xem lại thì tôi cũng không ngăn ông đâu.

Rồi tôi đứng dậy đặt bức họa vào tay ông. Ông khen:

- Vẽ khéo lắm, màu sắc dịu dàng, sáng, thực là một bức họa rất đẹp và hoàn chỉnh.

- Vâng, vâng. Những cái đó thì tôi biết rồi. Nhưng ông xem nó có giống không? Giống ai nào?

Hơi ngần ngừ, ông đáp:

- Tôi đoán là cô Ôlivơ.

- Dĩ nhiên rồi, và bây giờ thì, thưa ông, để thưởng ông đã đoán đúng, tôi xin hứa sẽ vẽ cho ông một bức thật cẩn thận giống hệt bức này, miễn là ông bằng lòng nhận món quà biếu này. Tôi không muốn phí thì giờ và công sức vào một tặng phẩm mà ông cho là vô giá trị.

Ông vẫn tiếp tục ngắm bức tranh, càng nhìn, ông càng giữ chặt lấy nó và lại càng có vẻ tha thiết với nó.

Ông lẩm bẩm: "Giống lắm. Cặp mắt vẽ hệt như thật, màu sắc, ánh sáng, vẻ mặt đều hoàn hảo. Tươi lắm!"

- Giá ông có một bức tranh giống thế, thì ông sẽ thích hay là bực mình? Ông hãy cho tôi biết điều đó. Khi nào ông ở Mađagaxca, hay ở Cap, ở Ấn Độ, mà có nó thì nó sẽ là một niềm vui an ủi cho ông không? hay nhìn nó chỉ khiến ông nhớ lại những kỷ niệm bực bội, chán chường?

Ông lén nhìn lên, ngó tôi, ngần ngừ bối rối lại ngắm bức họa.

- Hẳn là tôi muốn có nói, còn như vậy là khôn ngoan hay hợp lý không lại là chuyện khác.

Vì đã biết chắc Rôdamơn quả thực yêu ông, và cha cô xem chừng không phản đối cuộc hôn nhân ấy, nên tôi - người không theo đuổi những mục đích cao xa như Xanh Jôn - trong thâm tâm rất muốn tác thành cho hai người. Tôi nghĩ giá ông được thừa hưởng cái gia tài to lớn của ông Ôlivơ thì ông cũng có thể làm được nhiều điều tốt, chẳng cần phải đi xa tới những vùng nhiệt đới, để cho thiên tài phải mai một, sức lực phải tàn tạ. Tin chắc như vậy, tôi bèn trả lời:

- Cứ như tôi thấy, giá ông lấy phắt ngay "nguyên bản" nhân thể thì khôn ngoan hợp lý hơn cả.

Lúc ấy ông đã ngồi xuống, ông đặt bức họa lên bàn trước mặt, hai tay bưng lấy trán, ông cúi sát vào bức họa, nhìn âu yếm. Tôi nhận thấy bây giờ ông không bực tức hay sửng sốt vì những lời táo bạo của tôi nữa. Tôi còn biết ông cảm thấy một niềm vui thú mới mẻ, một sự dễ chịu không ngờ, khi được nghe người khác thẳng thắn đề cập một vấn đề mà ông vẫn cho là không nên nói tới, khi được nghe bàn đến chuyện ấy một cách tự nhiên. Quả thực những người dè dặt nhiều khi cần được bàn luận thẳng thắn về những tình cảm và đau khổ của họ hơn là những người ưa cởi mở. Dầu sao thì kẻ khắc kỷ có bề ngoài khắc khổ nhất cũng vẫn là con người, và nếu với thiện chí ta dám có táo bạo khuấy động "cái biển im lìm" của tâm hồn họ thì nhiều khi lại là giúp họ một việc rất tốt.

Tôi đứng ngay sau lưng ghế ông, nói:

- Cô ấy yêu ông, tôi biết chắc thế - và thân phụ cô ấy cũng kính trọng ông. Hơn nữa, cô ấy xinh đẹp tuy hơi nông nổi, nhưng trí tuệ của ông cũng đủ cho cả hai người rồi. Ông phải lấy cô ấy mới được.

- Cô ấy có yêu tôi không? - Ông hỏi.

- Chắc chắn rồi, yêu ông hơn bất cứ người nào khác. Cô ấy nhắc đến ông luôn, không có chuyện gì cô thích nói và hay nói tới bằng chuyện ấy.

- Nghe cô nói, thế thì cũng thú đấy, thú lắm. Cô cứ nói độ 15 phút nữa đi - và ông rút ngay đồng hồ ra đặt lên bàn để tính giờ.

- Nhưng nói tiếp để làm gì - tôi hỏi - khi mà có lẽ ông lại đang chuẩn bị một luận điệu phản đối ác liệt, hoặc lại rèn sẵn một dây xiềng để trói buộc trái tim ông?

- Đừng nên tưởng tượng những điều quá đáng như thế. Hãy thử như là tôi đang nhượng bộ, đang mềm lòng, tình yêu của con người trào dâng trong trí tôi như một dòng suối mới phơi ra và êm đềm chảy tràn ngập cái cánh đồng mà tôi đã cẩn thận, đã khổ công vun xới... đã siêng năng gieo hạt giống của những ý đồ tốt đẹp và những ý định hỷ xả. Vậy mà bây giờ nó lại bị ngập trong dòng nước lũ êm ái, ngọt ngào - những mầm non kia chìm dưới nước để rồi bị một thứ thuốc độc thơm tho hủy hoại. Tôi đang trông thấy tôi nằm dài trên ghế đi văng ở phòng khách ở lâu đài Vêlo Hôn, dưới chân cô Rodamơn Ôlivơ, vợ tôi. Nàng đang nói bằng một giọng ngọt ngào, đang nhìn xuống tôi với cặp mắt mà bàn tay khéo léo của cô đã họa lại được giống hệt như thế này, đang cười với tôi bằng đôi môi màu san hô này. Nàng là của tôi... tôi là của nàng. Cuộc đời hiện đại và thế giới phù du này đủ cho tôi rồi. Thôi im nào! Đừng nói gì cả... Tim tôi đang tràn đầy hoan lạc... giác quan tôi đang ngây ngất... Hãy để mặc cho quãng thì giờ tôi đã ấn định êm đềm trôi qua.

Tôi chiều ý ông. Chiếc đồng hồ vẫn kêu tích tắc đều đều, ông thở khẽ và dồn dập. Tôi đứng yên. Mười lăm phút trôi đi, trong sự im lìm ấy, ông bỏ đồng hồ vào túi, đặt bức họa xuống đứng dậy và đến bên lò sưởi, ông nói:

- Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi tôi dành cho mê sảng và ảo ảnh. Tôi đã ngã đầu lên ngực sự cám dỗ và vui lòng để nó tròng lên cổ tôi cái ách kết bằng hoa của nó. Tôi đã nếm chén rượu của nó. Cái gối nóng như lửa đốt; và trong vòng hoa có một con ong, rượu có vị chua cay, nhưng điều nó hứa hẹn thực là vô nghĩa... nó đưa ra toàn những sự giả dối. Tôi trông thấy và hiểu rõ tất cả những cái đó.

Tôi nhìn ông kinh ngạc, ông nói tiếp:

- Có một điều lạ là trong khi tôi yêu Rôdamơn một cách điên cuồng như thế - với tất cả mãnh lực, thực thế đấy, của mối tình say đắm đầu tiên, đối với một con người xinh đẹp, duyên dáng và quyến rũ tuyệt trần - thì đồng thời tôi lại ý thức một cách bình thản, chắc chắn rằng cô ấy không thể là người vợ tốt cho tôi, ấy thì chỉ độ một năm sau là tôi sẽ khám phá ra điều đó, và tiếp theo mười hai tháng hạnh phúc sẽ là mối tiếc hận suốt đời. Tôi biết thế làm.

- Thế thì lạ thực, tôi buột miệng nói.

Ông lại tiếp

- Trong khi một phần nào đó trong con người tôi xúc động mãnh liệt trước vẻ quyến rũ, thì một phần khác lại ý thức một cách thấu đáo về những nhược điểm của cô ta. Đó là những nhược điểm khiến cô ta không thể đồng tình chút nào với những gì tôi đang khao khát, không thể cộng tác chút nào cho những gì tôi dự định thực hiện. Rôdamơn, chịu khổ cực, chịu vất vả, làm một nữ tông đồ ư? Rôdamơn, vợ một nhà truyền giáo ư? Không!

- Nhưng không nhất thiết ông cứ phải là nhà truyền giáo, ông có thể từ bỏ dự định đó.

- Từ bỏ! Sao kia! Thiên chức của tôi? Sự nghiệp lớn lao của tôi? Cái nền móng của tôi đặt trên mặt đất này để xây dựng một tòa lâu đài trên thiên đường? Hy vọng của tôi được kể đến trong số những người đã vượt lên mọi tham vọng để đạt tới cái tham vọng vinh quang nhất là phục vụ đồng loại, là mang sự hiểu biết đến vương quốc của sự ngu tối, đem lại hòa bình thay thế cho chiến tranh, đem tự do thay thế cho nô lệ, đem tôn giáo thay thế cho dị đoan, đem hy vọng lên thiên đường thay thế cho nỗi lo sợ phải xuống địa ngục? Tôi phải từ bỏ điều ấy sao? Nó còn quý báu hơn cả máu trong người tôi, nó là ngôi sao dẫn đường và là vị cứu cánh của đời tôi. 2543

Ngừng một lúc lâu, tôi nói:

- Còn cô Ôlivơ! Nỗi đau buồn và thất vọng của cô ấy không đáng kể đối với ông sao?

- Lúc nào cô Ôlivơ chẳng có những người cầu cạnh, bâu lấy chung quanh, chỉ không đầy một tháng, hình ảnh tôi sẽ phai mờ trong trái tim cô ấy. Cô ấy sẽ quên tôi, và có lẽ sẽ lấy một người nào đó làm cho cô sung sướng hơn tôi nhiều.

- Ông nói thì khá thản nhiên đấy, nhưng trong cuộc đấu tranh này ông cũng bị đau khổ, người ông đang héo hon đi đấy.

- Không phải. Nếu tôi có gầy đi một chút, thì là vì tôi lo lắng cho kế hoạch của tôi, còn chưa ổn định... ngày lên đường của tôi cứ bị hoãn lại mãi. Mới sáng nay, tôi còn nhận được tin là vị mục sư thế chân tôi mà tôi ngóng đợ từ bao lâu, chưa thể đến thay tôi trong vòng ba tháng tới, và ba tháng rất có thể kéo dài thành sáu tháng.

- Mỗi khi cô Ôlivơ bước vào lớp học, ông run lên và đỏ mặt là gì.

Một lần nữa mặt ông lại thoáng lộ vẻ ngạc nhiên, ông không tưởng tượng được lại có một người đàn bà dám nói những câu như thế với một người đàn ông. Riêng tôi, nói những câu chuyện như vậy tôi thấy rất tự nhiên. Tôi không bao giờ tiếp xúc với những tâm hồn mạnh mẽ, kín đáo và tinh tế, dù là đàn ông hay đàn bà, chừng nào tôi chưa vượt được những thành lũy ngoại vi của sự dè dặt theo thói tục, chưa bước qua ngưỡng cửa của tâm tình, và chưa chiếm được một chỗ trong đáy tim sâu kín của họ.

- Cô độc đáo lắm - ông nói - và không nhút nhát chút nào. Tinh thần cô có một cái gì táo bạo, cũng như mắt cô có một cái gì xoi mói. Nhưng cho phép tôi nói quyết với cô rằng cô đã phần nào hiểu lầm những xúc động của tôi. Nó không sâu sắc và mãnh liệt đến như cô tưởng. Cô đã ban cho tôi một sự thông cảm rộng rãi quá mức tôi đáng được hưởng. Khi tôi đỏ mặt và run lên trước mặt cô Ôlivơ, tôi không thương hại mình đâu. Tôi khinh bỉ sự yếu đuối. Tôi biết như thế là hèn kém, đó chỉ là một cơn sốt của xác thịt, chứ không phải, tôi xin nói rõ, một xúc động của tâm hồn. Tâm hồn tôi cố định như một tảng đá ăn sâu dưới đáy một đại dương xáo động. Cô nên hiểu tôi là một người thế nào, một con người lạnh lùng và sắt đá.

Tôi mỉm cười hoài nghi, ông nói tiếp:

- Cô đã đột ngột tấn công buộc tôi phải thổ lộ tâm sự, và bây giờ tôi đã thổ lộ hết cho cô thấy rồi. Lột bỏ cái áo xác thịt mà Cơ đốc giáo che phủ lên những dị dạng của loài người, tôi xuất hiện nguyên hình, chẳng qua chỉ là con người sắt đá đầy tham vọng. Trong mọi tình cảm, chỉ những tình yêu mến tự do là thường xuyên có ảnh hưởng đến tôi. Người hướng đạo của tôi là Lý trí chứ không phải Tình cảm, tham vọng của tôi vô bờ bến, ước nguyện của tôi là làm nhiều hơn, vươn cao hơn những người khác; không bao giờ thỏa mãn. Tôi sùng kính sự kiên trì, tính nhẫn nại, tính cần cù và tài năng, vì chỉ với những phương tiện đó con người mới thực hiện được những mục đích lớn lao, mới vươn lên được tới đỉnh cao. Tôi quan tâm theo dõi công việc cô làm, vì tôi coi cô là một người phụ nữ mẫn cán, ngăn nắp, có nghị lực, chứ không phải vì tôi cảm thông sâu sắc với những gì cô đã trải qua, hoặc những gì hiện còn làm cô đau khổ.

Tôi nói:

- Ông tự mô tả như một nhà triết học tà giáo.

- Không, giữa tôi và các nhà triết học tự nhiên có điểm khác biệt này, tôi có đức tin và tôi tin ở kinh Phúc âm. Cô đã dùng một hình dung từ không đúng. Tôi không phải là một nhà triết học tà giáo, nhưng là một nhà triết học Cơ đốc, một môn đồ trong tông phái Jêxu. Là đệ tử của Jêxu, tôi thừa nhận những học thuyết thuần khiết, nhân từ và bác ái của Người. Tôi cổ vũ cho những học thuyết ấy. Ngay từ khi tôi còn trẻ, tôn giáo đã chinh phục tôi và đã vun xới những đức tính bẩm sinh của tôi như thế này: từ cái mầm mống nhỏ bé, là tình yêu mến tự nhiên, nó đã phát triển thành cái cây sum suê cành lá, là tình bác ái. Từ cái rễ cây hoang dại, xơ xác, là lòng trung thực của con người, nó đã vun xới thành một ý thức đúng đắn về Công lý thiêng liêng. Lòng khao khát đạt tới quyền thế và danh vọng cho tấm hình hài khốn nạn của tôi, nó đã đổi thành lòng khao khát mở rộng vương quốc cho Chúa tể của tôi, đem lại những chiến thắng cho những lá cờ của Thánh giá. Tất cả những điều đó tôi đều nhờ tôn giáo mà có, tôn giáo đã biến những vật liệu thô sơ thành những điều cao cả nhất, đã xén cắt và rèn luyện bản tính cho tốt hơn. Nhưng tôn giáo không rứt bỏ được bản tính, mà sẽ không bao giờ rứt bỏ được cho đến khi "tấm hình hài mỏng manh này được khoác bộ áo bất tử".

Nói xong, ông cầm lấy mũ đặt trên bàn, cạnh bảng pha màu của tôi. Một lần nữa, ông lại nhìn vào bức chân dung.

- Cô ấy đẹp thực - ông lẩm bẩm - thực xứng đáng với cái tên Bông hồng của trần gian!(1)

- Tôi có thể vẽ một bức khác cho ông không?

- Cui bono(2)? Không.

Ông kéo tờ giấy mỏng che bức họa, tờ giấy tôi vẫn thường dùng để tì tay vẽ cho khỏi làm ố mặt tranh. Tôi không thể nói rõ ông chợt nhìn thấy gì trên giấy trắng đó, nhưng có một cái gì đã đập vào mắt ông. Ông chộp lấy tờ giấy, nhìn vào bên lề, đoạn liếc tôi, với cặp mắt lạ lùng khó tả và khó hiểu. Cái nhìn ấy hình như muốn ghi nhận lấy mọi chi tiết về thân hình, mặt mũi và quần áo của tôi, vì cái nhìn của ông lướt khắp người tôi, nhanh và sắc như một tia chớp. Môi ông hé mở như định nói, nhưng rồi ông kìm ngay câu định nói lại, dù là câu gì đi nữa.

- Có chuyện gì thế? - Tôi hỏi.

- Chẳng có gì cả. - Ông trả lời và đặt lại tờ giấy vào chỗ cũ. Tôi thấy ông khéo léo xé một mẩu nhỏ ở bên lề, và cất vào bao tay, rồi vội vã gật đầu chào và đi mất.

- Ô hay! Tôi thốt lên, và dùng ngay một câu ngạn ngữ của địa phương: "Có trời mà hiểu!".

Đến lượt tôi chăm chú nhìn lại tờ giấy, nhưng không thấy gì ngoài mấy vệt bút tôi vạch lên đó để thử màu.

Tôi suy nghĩ về sự bí ẩn ấy trong hai phút, nhưng thấy không sao giải đáp được, và cũng chắc là không có gì quan trọng, nên tôi bỏ qua và rồi cũng quên đi ngay.

 

 



1. Tiếng La tinh: là người phi thường.

1. Vị thần về của cải trong thần thoại của người Siri. Trong kinh thánh, Manmơn là một tên ác quỷ.

1. Anh hùng ca của Walter Scott (1771 - 1832).

1. Bông hồng của trần gian: ý nghĩa của chữ tên Rôdamơn.

2. Chữ La tinh: để làm gì?

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86034


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận