Jên Erơ Chương 33


Chương 33
Ông Xanh Jôn đi khỏi thì tuyết bắt đầu rơi, gió bão quay cuồng suốt đêm.

Ngày hôm sau một cơn gió lạnh cuốn thêm đến những đợt tuyết rơi. Đến lúc chiều tà thì tuyết đã chất đống trong thung lũng, khó lòng mà đi qua được. Tôi đã hạ cánh chớp cửa sổ xuống, chặn một cái nệm nhỏ ở khe cửa để tuyết khỏi tràn vào nhà, nhóm lửa lên và sau gần một tiếng đồng hồ ngồi bên lò sưởi nghe tiếng gió bão gầm thét. Tôi bèn thắp nến, lấy cuốn Macmiơn xuống và bắt đầu đọc:

Bóng chiều ngả đỉnh Norham vời vợi,

Giải trên dòng Tuyt rộng thẳm sâu,

Trên dải son Sơviôt lẻ loi.

Những khối tháp, những vọng lâu bảo vệ.

Những lũy thành bao quanh ngạo nghễ

Trong ánh vàng rực sáng bóng chiều rơi...

Chẳng mấy lúc nhạc điệu thi ca khiến tôi quên cả bão táp.

Bỗng có tiếng động, tôi cho là tiếng gió lay cánh cửa. Không phải, chính là Xanh Jôn từ bên ngoài bão tuyết, từ ngoài đêm tối đang rên rỉ, nhấc then cửa bước vào, và đứng ngay trước mặt tôi. Tấm áo choàng phủ trên thân hình dỏng cao của ông trắng toát như một tảng băng. Tôi gần như kinh hoàng, không ngờ lại có người khách từ dưới thung lũng phủ đầy tuyết đến thăm đêm nay.

- Có tin dữ à? - tôi hỏi. - Chuyện gì xảy ra vậy?

- Không, sao cô dễ hoảng hốt thế! - Ông trả lời, cởi áo choàng ra và treo lên cửa, lặng lẽ đẩy vào khe cửa tấm thảm mà lúc bước vào ông đã làm xô xệch đi. Ông giậm chân để giữ tuyết bám vào giày và nói:

- Tôi đến làm bẩn cái nhà sàn sạch bóng của cô mất, nhưng cô hãy tha lỗi cho tôi một lần nữa - rồi ông bước lại gần ngọn lửa - phải khó nhọc lắm tôi mới đến được đây, tôi dám quyết với cô thế - ông hơ tay vào lửa nói: Có một chỗ bị tuyết ngập đến tận lưng, được cái may là tuyết cũng mềm thôi.

- Nhưng tại sao ông lại đến? - tôi thốt hỏi, không kịp giữ gìn.

- Cô hỏi một người khách đến chơi như vậy chẳng niềm nở chút nào, nhưng vì cô hỏi nên tôi cũng xin trả lời là tôi đến chỉ để nói chuyện với cô một chốc thôi. Tôi đã chán những quyển sách câm lặng và các gian buồng trống rỗng của tôi. Vả lại từ hôm qua, tôi đã cảm thấy háo hức của một người được nghe một nửa câu chuyện, đang nóng lòng nghe nốt.

Ông ngồi xuống. Tôi nhớ lại cử chỉ lạ lùng của ông hôm qua, và thực tình tôi bắt đầu lo hay ông ta loạn óc rồi chăng. Tuy nhiên, nếu ông mất trí thật thì ông sẽ là một người lạnh lùng và thuần tính. Chưa bao giờ tôi thấy khuôn mặt đẹp trai của ông lại giống mặt tượng cẩm thạch như lúc này, khi ông gạt mái tóc đẫm tuyết sang một bên, để ánh lửa chiếu lên vầng trán xanh xao và cặp má cũng chẳng hồng hào gì, trên đó tôi buồn bã nhận thấy có in hằn dấu vết của tư lự và đau khổ. Tôi chờ đợi ông nói lên điều gì mà tôi có thể hiểu được, nhưng bây giờ ông chỉ chống tay vào cằm, mấy ngón tay đặt lên môi, ông đang suy nghĩ. Tôi bàng hoàng nhận thấy bàn tay ông cũng gầy guộc như mặt ông vậy. Một tình thương dạt dào, có lẽ ngoài ý muốn, tràn ngập lòng tôi. Tôi bỗng nói:

- Tôi mong ước Đyana và Mary về sống với ông. Để ông trơ trọi một mình như thế thực đáng ngại quá, mà ông thì chẳng quan tâm gì đến sức khỏe.

- Đâu có thé - ông nói - khi nào cần tôi vẫn tự săn sóc lấy mình. Hiện nay tôi vẫn khỏe, cô thấy tôi có gì là không ổn?

Câu ấy ông nói bằng một giọng hờ hững, thờ ơ, tỏ ra rằng thái độ ân cần của tôi, ít ra theo ý ông, là rất thừa. Tôi yên lặng.

Ông vẫn chậm rãi đưa ngón tay xoa vành môi trên và cặp mắt mơ màng vẫn không rời lò lửa rực cháy. Thấy cần phải nói câu gì đấy cho có chuyện, tôi bèn hỏi ông có bị lạnh vì gió từ cửa phía sau ông thổi vào không?

- Không, không - ông trả lời ngắn ngủi và có vẻ bực mình.

Tôi thầm nghĩ: "Được thôi, nếu ông không muốn nói chuyện thì cứ việc ngồi yên. Tôi sẽ để mặc ông một mình, và trở về với cuốn sách của tôi".

Thế rồi tôi khêu lại ngọn đèn và đọc tiếp tập thơ Macmiơn. Lát sau ông khẽ động đậy, lập tức mắt tôi theo dõi cử chỉ của ông. Ôông chỉ lấy từ trong túi ra một cái ví da, rồi lại tiếp tục trầm mặc suy nghĩ. Có một người khó hiểu như thế ngồi lỳ trước mặt thì cố đọc sách cũng bằng vô ích, mà tôi cũng chẳng thể chịu câm nín mãi trong lúc đang sốt ruột thế này được, tôi phải nói, rồi ông muốn cự tôi thì cự.

- Gần đây ông có được tin gì về Đyana và Mary không?

- Không, kể từ khi được bức thư tôi đưa cô xem tuần trước.

- Công việc ông đang sửa soạn không có gì thay đổi cả chứ? Liệu ông có phải rời Anh quốc sớm hơn ông dự định không?

- Tôi cho rằng không. Tôi đâu có được may mắn như vậy.

Không được kết quả gì tôi bèn thay đổi trận địa. Tôi xoay câu chuyện về nhà trường và các học trò của tôi.

- Mẹ em Rary Gare đã khá rồi, sáng nay Mary đã đi học được, tuần tới tôi lại có thêm bốn cô học trò mới ở dưới xưởng đúc. Nếu không vì mưa tuyết thì hôm nay chúng ta đã đến học rồi.

- Thế à?

- Ông Rivơ trả tiền học cho hai đứa đấy.

- Thật hả?

- Ông ấy định lễ Giáng sinh này sẽ thết cả trường một bữa.

- Tôi biết.

- Ông gợi ý thế phải không?

- Không.

- Thế ai vậy?

- Con gái ông ấy, tôi đoán thế.

- Thực đúng tính cô ấy, cô ấy tốt quá.

- Phải.

Tiếp theo lại là một im lặng trống rỗng, đồng hồ điểm tám tiếng, ông như bừng tỉnh, duỗi chân ra, ngồi thẳng lên và quay lại phía tôi, nói:

- Cô hãy bỏ sách xuống một lát, và lại gần phía cửa đây.

Ngạc nhiên và không biết thế nào, tôi vâng theo lời ông.

- Trước đây nửa giờ tôi có nói đang nóng lòng nghe nốt câu chuyện. Nghĩ lại, tôi thấy vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn nếu tôi đóng vai người kể chuyện và cô sang địa vị người nghe chuyện. Trước khi bắt đầu cũng nên thành thực báo cho cô biết rằng câu chuyện tôi kể đây có lẽ sẽ hơi nhàm tai cô, song những tình tiết đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đôi khi do người khác nói lại có thêm phần mới mẻ. Vả chăng, dù là nhàm hay mới, thì chuyện tôi kể cũng ngắn thôi.

- Hai mươi năm trước đây, một vị mục sư nghèo - cô đừng quan tâm đến tên ông ta vội - yêu một thiếu nữ con một nhà giàu, cô này cũng yêu ông ta và lấy ông mặc dù bị gia đình phản đối; do đó ngay sau khi cưới, gia đình đã từ cô ta. Chưa được hai năm, cặp vợ chồng liều lĩnh ấy đã chết cả, và yên ổn nằm bên nhau dưới cùng một tấm mộ chí. (Tôi đã tới thăm mộ họ, ở một nghĩa địa rộng bao quanh tòa nhà thờ cũ kỹ, xám đen như bồ hóng, tại một thành phố thủ công nghiệp mới phát triển rất mau thuộc quận...). Họ đã để lại một đứa con gái, mà ngay từ khi mới chào đời đã được Tình thương đón nhận vào lòng một cách lạnh lẽo, như đống tuyết tôi bị ngập vào lúc nãy. Tình thương đã mang cô bé không thân thích đó tới một nhà trong họ về đằng mẹ, người này rất giàu, cô bé được một bà mợ nuôi nấng, bà này tên là (bây giờ tôi mới nói tên) bà Rit ở Gatơhet - cô giật mình à, cô nghe thấy có tiếng gì thế? Chắc là có con chuột nào chạy trên kèo nhà ở lớp học bên cạnh thôi, trước khi tôi cho sửa lại thì đây vẫn là kho chứa thóc, mà kho chứa thóc thì bao giờ cũng lắm chuột. - Ta tiếp tục nhé - bà Rít nuôi cô bé mồ côi được mười năm, sống với bà cô bé được sung sướng hay không, tôi không được nghe nói, nhưng cuối thời gian này cô bé được chuyển tới một nơi mà cô cũng biết - vì chính là Trường mồ cô Lôut, nơi cô đã lưu trú một thời gian khá lâu. Hình như ở đó cô ta đã làm việc một cách đáng khen, từ một học sinh, cô ấy trở thành một giáo viên giống như cô vậy - thực tình tôi rất lấy làm lạ thấy chuyện của cô ta có nhiều điểm giống cô - sau đó, cô ấy đi làm cô giáo dạy trẻ ở tư gia, về điểm này số phận của hai người lại giống nhau như hệt. Cô ấy trông nom giáo dục cho con nuôi của một ông Rôchextơ nào đó.

- Ông Rivơ! - Tôi ngắt lời.

- Tôi cũng đoán được cô đang nghĩ gì - ông nói - nhưng cô hãy cứ bình tâm một lát. Tôi sắp kể xong rồi, cô hãy chịu khó nghe cho đến hết, về tính tình ông Rôchextơ, tôi không biết gì hết, ngoài chuyện ông ấy muốn lấy cô giáo, có cưới xin tử tế, nhưng đúng lúc ra trước bàn thờ làm phép cưới, cô ấy mới biết rằng ông này đã có một người vợ, hiện còn sống, tuy bị điên. Sau đó, thái độ của ông ấy ra sao, ông ấy muốn đề nghị thế nào, thì chỉ là chuyện tôi phỏng đoán. Nhưng khi xảy ra một việc khiến cần phải tìm gặp cô giáo, thì lúc ấy người ta mới phát hiện là cô đã đi rồi, chẳng ai biết đi đâu, lúc nào, cách nào. Cô ta bỏ lâu đài Thornơfin ra đi lúc ban đêm; mọi sự tìm kiếm đều không có kết quả. Người ta đã sục sạo khắp vùng, mà không hề thấy tung tích cô ấy. Nhưng phải tìm cho bằng được cô ấy, nên người ta đã đăng tin tìm người trên khắp các báo, chính tôi cũng nhận được một lá thư của một luật sư tên là Bric, báo cho tôi biết những chi tiết mà tôi vừa kể cho cô nghe. Câu chuyện cũng lạ đấy chứ?

Tôi nói:

- Xin ông hãy bảo cho tôi biết điều này - ông đã biết nhiều như thế, nhất định ông có thể nói cho tôi rõ - ông Rôchextơ bây giờ thế nào? Ông ấy ở đâu? Ông đang làm gì? Có được khỏe không?

- Tôi không biết tí gì về những điều liên quan tới ông Rôchextơ. Bức thư không nói gì đến ông ta, chỉ kể lại việc mưu toan trái phép có tính chất lường gạt mà tôi đã nói. Có lẽ cô nên hỏi tên cô giáo và tìm biết sự việc gì xảy ra mà cần phải có mặt cô ta thì hơn.

- Thế không ai đến lâu đài Thornơfin à? Không ai gặp ông Rôchextơ sao?

- Tôi đoán là không.

- Nhưng họ phải viết thư cho ông ấy chứ?

- Cố nhiên.

- Thế ông ấy trả lời thế nào? Ai nhận được thư của ông ấy?

- Ông Bric cho biết rằng thư trả lời không do ông Rochextơ viết, mà do một bà ký tên là Alixơ Fefăc.

Tôi bàng hoàng lạnh toát cả người, nỗi sợ nhất của tôi có lẽ thành sự thực mất. Rất có thể ông đã rời nước Anh, và trong lúc tuyệt vọng lại lao đầu vào những nơi ăn chơi trước kia trên lục địa. Và rồi ở đó liệu ông có tìm được thứ ma túy nào để chữa khỏi cho những nỗi đau khổ của ông, có tìm được một người tình nào hợp với những say mê của ông không?

Tôi không dám trả lời câu hỏi ấy. Ôi, ông chủ tội nghiệp của tôi, người đã một lần gần như là chồng tôi, người tôi thường gọi lả "Eđua thân yêu của em!"

Ông Rivơ nhận xét:

- Ông ta hẳn phải là một người xấu.

Tôi hết sức bênh:

- Ông không biết ông ấy, ông đừng nên phê phán.

- Được lắm - ông thản nhiên trả lời - thực ra tôi còn bận nghĩ những việc khác hơn về ông ta, tôi còn phải kể hết câu chuyện chứ. Cô đã không hỏi tên cô giáo, thì tôi đành tự nói ra vậy... Khoan đã... tên cô ta đây... Xem những điều quan trọng viết ra giấy trắng mực đen bao giờ cũng tốt hơn.

Ông lại rút ví da, lục lọi tìm kiếm, cuối cùng moi trong ví một mẩu giấy xé vội. Nhìn loại giấy và các vệt sơn màu xanh nước biển và màu đỏ thắm, tôi nhận ngay ra là một mảnh xé ở tờ giấy tôi dùng để tỳ tay khi vẽ tranh. Ông đứng lên, giơ mẩu giấy sát vào mắt tôi, và tôi đọc thấy chữ "Jên Erơ" do chính tay tôi viết bằng mực đen, chắc là trong một phút đăng trí.

- Bric viết cho tôi về một cô Jên Erơ - ông nói - các lời đăng báo cũng nói đến một cô Jên Erơ. Tôi lại biết một cô Jên Êliôt. Thú thực là tôi đã ngờ rồi, nhưng mãi đến chiều hôm qua tôi mới biết chắc chắn. Cô nhận tên mình và bỏ "bí danh" đi chứ.

- Vâng, vâng, nhưng ông Bric ở đâu? Có lẽ ông ấy biết điều gì về ông Rôchextơ.

- Ông ta không quan tâm đến ông Rôchextơ. Trong khi ấy cô chỉ lưu ý đến những chi tiết phụ mà lãng quên điểm chính. Sao cô không hỏi ông Bric tìm cô để làm gì, ông ta cần gì về cô?

- Được rồi, ông ta muốn gì?

- Chỉ để báo cho cô biết rằng cậu cô, ông Erơ ở Mađêra đã mất rồi, để lại tất cả gia sản cho cô, và bây giờ thì cô giàu rồi - chỉ có thế thôi, không có gì hơn nữa.

- Vâng! Tôi giàu à?

- Vâng, cô giàu rồi... cô được thừa kế hẳn hoi.

Lại yên lặng.

- Cố nhiên cô phải chứng minh tên tuổi - Xanh Jôn nói tiếp luôn - điều này chẳng có khó khăn gì, rồi cô nhận được gia tài. Tài sản của cô hiện gửi tại ngân hàng nước Anh. Ông Bric hiện giữ chúc thư và các giấy tờ cần thiết.

Thực là một chuyện bất ngờ! Trong một phút từ nghèo khó nhảy lên giàu có thì cũng hay đấy chứ, phải không bạn đọc... hay tuyệt. Nhưng đấy không phải là một chuyện người ta có thể hiểu được ngay, và do đó sung sướng được ngay. Vả chăng, ở đời còn nhiều cái may mắn khác say sưa hơn. Sự may mắn này thì cụ thể, đó là một chuyện của đời sống thực tiễn, không có gì là lý tưởng cả, những gì liên quan đến nó đều cụ thể và bình thản, và những biểu hiện vui mừng cũng vậy. Người ta sẽ không nhảy cỡn lên mà "hoan hô" ầm ĩ, khi nghe thấy mình được hưởng một gia tài, người ta bắt đầu suy nghĩ về trách nhiệm, tính toán công việc. Vài mối lo âu chín chắn nào đó nảy sinh, và đã tự kìm mình, để suy nghĩ về sự may mắn của ta với vầng trán tư lự.

Vả chăng, những chữ "di chúc", "thừa kế" cũng đi liền với những chữ "chết" và "tang lễ", ông cậu mà tôi chỉ được nghe nói tới đã mất rồi, đó là người thân thích độc nhất của tôi, từ khi biết mình có một ông cậu, tôi vẫn ôm ấp hy vọng một ngày kia sẽ được gặp ông, bây giờ thì không bao giờ còn gặp được nữa. Và rồi chỉ có một mình tôi được hưởng số tiền này, nó không đến với tôi cùng một gia đình hân hoan, mà đến với bản thân cô độc lẻ loi của tôi thôi, cố nhiên đây là một điều rất hay, và sống độc lập sẽ là tuyệt diệu... phải, tôi cảm thấy thế... ý nghĩ này làm lòng tôi thỏa mãn.

- Thế là mặt cô sau cùng đã tươi lên rồi - Ông Rivơ nói - tôi cứ tưởng cô bị quỷ Mêđuxa nhìn và biến thành đá - có lẽ bây giờ thì cô sẽ hỏi gia sản được hưởng trị giá bao nhiêu.

- Vâng, tôi được hưởng bao nhiêu?

- Ồ, chả mấy? Một số tiền cỏn con chẳng đáng nói, hình như họ bảo là hai vạn đồng bảng - nhưng sao thế?

- Hai vạn đồng bảng?

Lại một tiếng sét nữa. Tôi đang ước chừng khoảng bốn, năm ngàn bảng. Cái tin ấy làm tôi nghẹt thở mất một lát. Trước kia tôi chưa bao giờ thấy ông Xanh Jôn cười lớn bao giờ, lần này ông bỗng cười phá lên.

- Kìa, - ông nói, - nếu cô phạm tội giết người, mà tôi báo cho cô biết rằng tội của cô bị khám phá, thì hẳn là cô cũng không thể ngơ ngác hơn bây giờ được.

- Đó là một số tiền lớn. - Liệu có nhầm không, ông?

- Chẳng nhầm tí nào cả.

- Hay là ông đọc nhầm con số? có thể là 2000!

- Số tiền viết bằng chữ, không phải bằng số - Hai vạn.

Một lần nữa tôi lại có cảm tưởng như mình vốn là một người có khả năng tiêu hóa bình thường nay bỗng nhiên một mình ngồi vào một bàn tiệc, ê hề đồ ăn thức uống đủ cho một trăm thực khách. Lúc ấy ông Rivơ đứng dậy, khoác áo choàng, ông nói:

- Giá đêm nay không xấu trời như thế này thì tôi bảo già Hanna đến ngủ với cô. Trông cô thiểu não quá, khiến tôi không đang tâm để cô ở lại một mình. Nhưng già Hanna, tội nghiệp bà lão, lại không thể lội tuyết được như tôi; chân bà không dài bằng chân tôi được, thành thử tôi phải để cô ở lại một mình với những lo buồn của cô. Chúc cô ngủ ngon.

Ông đang nhấc then cửa, chợt tôi có một ý nghĩ thoáng qua óc.

- Ông đứng lại một phút đã! - Tôi kêu lên.

- Sao?

- Kể cũng lạ, tại sao ông Bric lại viết thư cho ông về tôi? Sao ông ta lại biết ông, và lại nghĩ rằng một người sống ở nơi hẻo lánh như ông có thể giúp ông ta trong việc tìm kiếm tôi.

- À, tôi là giáo sĩ! - Ông nói, - mà người ta thường tìm hỏi giáo sĩ khi gặp những việc kỳ lạ - ông lại đụng vào then cửa.

- Không phải, ông nói thế tôi chưa thỏa mãn! - Tôi kêu lên, và quả thực, trong câu trả lời vội vã và không sáng sủa của ông, có một cái gì, đáng lẽ làm yên lòng, lại càng kích thích trí tò mò của tôi hơn bao giờ hết.

Tôi nói thêm:

- Thật là một chuyện kỳ lạ. Tôi phải được biết rõ hơn.

- Để lần khác.

- Không. Ngay tối nay!... Ngay tối nay!

Và thấy ông quay ra cửa, tôi bèn đứng chắn lối. Xem chừng ông có vẻ lúng túng.

- Nhất định ông phải nói rõ đầu đuôi cho tôi nghe, rồi tôi mới chịu để ông về.

- Bây giờ thì tôi chưa muốn nói

- Ông sẽ nói!... Ông phải nói?

- Tôi muốn để Đyana hay Mary báo cho cô biết.

Dĩ nhiên những lời từ chối ấy càng làm tôi sốt ruột đến cực độ, tôi cần phải biết ngay, không trì hoãn được, và tôi bảo ông thế.

- Nhưng tôi đã cho cô biết rằng tôi là một người đàn ông sắt đá, khó lay chuyển.

- Và tôi cũng là người phụ nữ sắt đá, không thể từ chối được với tôi.

Ông nói tiếp:

- Vậy thì tôi rất lạnh, không có một sự nóng nảy nào ảnh hưởng được.

- Còn tôi thì nóng bỏng và lửa làm tan băng tuyết. Ánh lửa trong lò đã làm cho tuyết trên áo ông tan, vì thế mà sàn nhà tôi bị ướt như một đường phố lầy lội. Ông Rivơ, nếu ông muốn được tha cái tội lớn đã làm bẩn gạch nhà bếp của tôi thì ông phải cho tôi rõ những điều tôi muốn biết.

- Thôi được, tôi đành nhượng bộ vậy, nếu không phải vì cô nóng nảy, thì là vì cô kiên trì, như hòn đá bị nước nhỏ vào mãi cũng phải mòn. Vả chăng, rồi cũng có ngày cô phải biết, biết ngay bây giờ sau này cũng thế thôi. - Cô tên là Jên Erơ ư?

- Cố nhiên, cái đó đã rõ rồi.

- Có lẽ không biết rằng tôi trùng tên với cô, rằng tên thánh của tôi là Xanh Jên Erơ Rivơ?

- Không, thực tế! Bây giờ tôi mới nhớ ra là đã nhìn thấy chữ E trong những chữ đầu của tên ông, viết ở những quyển sách ông nhiều lần cho tôi mượn, nhưng chưa bao giờ tôi tự xem đó là tên gì. Nhưng thế thì sao?

- Chắc là...

Tôi ngừng lại, tôi chưa dám tin hẳn, lại càng chưa dám nói ra miệng một ý nghĩ vụt đến, thành hình, rồi phút chốc nổi bật lên nhưng rất có thể là sự thực. Các sự việc tự ghép lại với nhau, ăn khớp với nhau, xếp theo trật tự, trước kia chỉ có một mắt xích hỗn độn, bây giờ cả sợi dây chuyền được căng thẳng ra - từng mắt xích hoàn hảo nối lại với nhau chặt chẽ. Do linh tính tôi, đã biết ngay đầu đuôi câu chuyện, trước khi Xanh Jôn nói thêm lời, nhưng tôi không thể đòi hỏi bạn đọc cũng có cái tri giác theo linh tính như vậy, tôi phải nhắc lại lời giải thích của ông ta:

- Mẹ tôi tên là Erơ; bà có hai em trai; một người làm giáo sĩ lấy cô Jên Rit ở Gatơhet, một người là Jôn Erơ, thương nhân, trước ở Funchan, Mađêra, tháng tám mới đây có viết thư báo tin cậu chúng tôi mất, và có nói rằng ông để lại gia tài cho cô con gái mồ côi của người anh làm giáo sĩ, ông không để lại gì cho chúng tôi, vì ông không bao giờ quên được sự bất hòa giữa ông và thân phụ chúng tôi. Ít tuần sau, ông Bric lại viết thư báo tin cô gái được thừa kế gia sản bị mất tích, và hỏi xem chúng tôi có biết tin gì về cô ta không. Tôi đã tìm ra được cô ta, vì nhìn thấy một chữ tên vô tình viết trên một mẩu giấy. Phần sau cô đã rõ rồi.

Rồi ông lại định đi, nhưng tôi đã dựa lưng vào cánh cửa.

- Hãy để tôi nói, cho tôi kịp thở và suy nghĩ một lúc đã. - Tôi ngừng lại; ông vẫn đứng trước mặt tôi, tay cầm mũ vẻ bình thản. Tôi nói tiếp:

- Mẹ ông là chị của cha tôi.

- Phải.

- Thế là cô tôi?

Ông gật đầu.

- Cậu Jôn tôi cũng là cậu Jôn của ông? Ông với Đyana và Mary là con của bà chị ông ta, và tôi là con của ông anh ông ta?

- Chính thế.

- Thế cả ba anh em ông đều là chị em họ với tôi. Nửa phần máu chúng ta đều cùng một nguồn mà ra ư?

- Phải, chúng mình là anh em họ.

Tôi nhìn Xanh Jôn. Hình như tôi đã tìm thấy một người anh, một người anh mà tôi có thể lấy làm tự hào... mà tôi yêu được, và hai người chị, mà ngay khi còn chưa biết là người cùng máu mủ, tôi đã chân thành yêu mến và cảm phục. Hai thiếu nữ mà mới hôm nào, quỳ gối trên nền đất ẩm, ngó qua khung cửa sổ thấp có chấn song hoa của căn nhà bếp ở Mua Haodơ, tôi đã ngắm nhìn với một hứng thú hòa lẫn một cách chua chát với một nỗi tuyệt vọng, lại là những người họ hàng thân thiết của tôi, và người thanh niên trang nghiêm đã tìm thấy tôi gần chết trên ngưỡng cửa, lại là một người thân thích của tôi. Thực là một sự khám phá tuyệt diệu với một kẻ cô độc khốn khổ. Đó là của cải rồi, của cải cho tâm hồn! Một n 34a4 guồn yêu thương chân thực và thuần túy. Đó là một hạnh phúc rực rỡ sáng ngời, đầy kích động, không phải như món quà nặng nề bằng vàng kia, tuy cũng quý giá và đáng hoan nghênh theo một cách riêng, song nó chỉ đem lại cho tôi được một nỗi vui bình thản. Lúc ấy tôi mừng rỡ đột ngột, vỗ tay reo lên, mạch máu tôi đập mạnh, huyết quản tôi rung động.

- Ồ, tôi sung sướng quá! Tôi sung sướng quá!

Xanh Jôn mỉm cười:

- Tôi chẳng đã nói cô hay lưu ý đến những chi tiết phụ mà quên bẵng điểm chính đấy sao? Khi tôi báo cô được hưởng một gia tài thì cô trang nghiêm, thế mà bây giờ, vì một việc chẳng quan trọng gì cô lại mừng cuống lên.

- Anh định nói gì thế? Có thể đối với anh thì không quan trọng thực đấy, anh đã có các em gái, chẳng cần đến một người em họ, nhưng tôi thì chẳng có ai cả, thế mà bây giờ tự nhiên lại có đến ba người thân thích - hay là hai thôi vậy, nếu anh không muốn tính cả mình vào đó - bước vào đời tôi. Tôi phải nhắc lại: tôi sung sướng lắm!

Tôi rảo bước đi lại trong phòng, tôi ngừng lại, gần như nghẹn thở về những ý nghĩ đến nhanh quá, làm tôi không kịp hiểu, không kịp sắp đặt những ý nghĩ về những điều tôi có thể làm, tôi nên làm, và tôi sẽ làm, và cũng không lâu đâu. Tôi nhìn vào bức tường trắng trơn, trông nó giống như một bầu trời đầy sao đang mọc, mỗi ngôi lại sáng lên một dự kiến đầy lý thú. Những người đã cứu sống đời tôi, những người mà tới giờ phút này tôi vẫn chỉ yêu bằng một mối tình suông, thì bây giờ tôi có thể làm điều tốt cho họ. Họ đang chịu một cái ách nặng, tôi có thể cởi bỏ cho họ, họ đang sống trong cảnh chia ba, tôi có thể đoàn tụ họ lại. Cuộc sống độc lập và phong lưu của tôi cũng có thể là của họ. Chúng tôi chẳng phải bốn người ư? Hai vạn đồng bảng mà chia làm bốn phần đều nhau, thì mỗi người được đúng năm ngàn, khá đủ đấy chứ. Như thế mới là công bằng, và mới đảm bảo hạnh phúc chung. Bây giờ sự giàu có không còn đè nặng lên tôi nữa, bây giờ nó không chỉ là một di sản bình thường bằng tiền nong... nó là một di sản bằng đời sống hy vọng và hạnh phúc.

Trong khi những ý tưởng này tấn công ào ạt chiếm lấy tâm trí tôi thì vẻ mặt tôi ra sao, tôi không biết, nhưng liền đó, tôi thấy Rivơ đặt một chiếc ghế sau lưng tôi và nhẹ nhàng bảo tôi cũng ngồi xuống. Anh cũng khuyên tôi nên bình tĩnh lại, tôi không coi vào đâu những lời anh ám chỉ rằng tôi bối rối, quẩn trí, tôi gạt tay anh ra và lại bắt đầu đi đi lại lại.

- Mai anh viết thư cho Đyana và Mary, bảo họ về nhà ngay lập tức - tôi nói. Đyanan vẫn nói là giá hai chị em mỗi người có một ngàn đồng bảng thì đã tự coi là giàu rồi, vậy với năm ngàn bảng, họ sẽ phong lưu lắm.

- Cô hãy bảo chỗ để tôi lấy cho cô một cốc nước - Xanh Jôn nói - Thực tình cô cần phải cố gắng trấn tĩnh mới được.

- Chỉ nói vớ vẩn! Cái gia tài kia sẽ tác động đến anh như thế nào? Liệu nó có giữ được anh ở lại nước Anh khiến anh lấy Ôlivơ, rồi yên trí làm ăn như một người bình thường không?

- Cô nói lảm nhảm rồi, đầu óc cô đang rối loạn. Tôi báo tin cho cô khi đột ngột, thành ra cô bị xúc động quá sức.

- Anh Rivơ! Anh làm tôi bực mình quá lắm, tôi vẫn khá sáng suốt đấy, chính anh hiểu lầm thì có, hoặc anh làm ra vẻ hiểu lầm.

- Có lẽ nếu cô giải thích đầy đủ hơn chút nữa thì tôi hiểu rõ hơn.

- Giải thích! Cô gì mà phải giải thích? Anh cũng thừa biết là số tiền hai vạn bảng ấy, chia cho một cháu trai và ba cháu gái của ông cậu chúng ta, thì mỗi người được năm ngàn bảng không? Điều tôi muốn là anh hãy viết thư cho các cô em gái báo cho họ biết sự may mắn họ được hưởng.

- Cô được hưởng, cô muốn nói thế.

- Tôi đã nói rõ quan niệm của tôi về vấn đề này, tôi không thể quan niệm khác được. Tôi không phải là kẻ ích kỷ một cách tàn nhẫn, bất công một cách mù quáng, hay vô ơn một cách quái gở. Tôi nhất định muốn có một gia đình với những người thân thích. Tôi thích Mua Haodơ và tôi sẽ sống ở Mua Haodơ. Tôi yêu Đyana và Mary, và tôi sẽ gắn bó suốt đời với Đyana và Mary. Có năm ngàn bảng tôi sẽ sung sướng và đủ dùng được việc, nhưng có hai vạn bảng đối với tôi sẽ là một gánh nặng, một mối giày vò; vả chăng, theo lẽ công bằng chứ không phải theo pháp luật, số tiền đó chẳng phải là của mình tôi. Và tôi để lại cho anh và hai chị phần còn lại, đối với tôi hoàn toàn là thừa. Thôi ta cứ thỏa thuận với nhau, quyết định ngay như thế là xong.

- Hành động như thế này là theo cảm tính bồng bột phút đầu. Cô nên để vài ngày suy nghĩ về vấn đề đó thì lời nói của cô mới gọi là chín chắn được.

- Ôi! Nếu anh nghi ngờ sự thành thực của tôi thì dễ lắm, anh có thấy như thế là không công bằng không?

- Tôi có thấy một thứ công lý, nhưng nó trái ngược với thói thường. Vả chăng, toàn bộ gia tài thuộc quyền của cô, ông cậu cô, cậu tôi đã kiếm được nó bằng công sức của ông, ông hoàn toàn tự do, muốn để lại cho cô. Nói cho cùng, theo công lý, cô có thể giữ lấy cả cơ mà. Cô có thể coi nó hoàn toàn là của cô, mà lương tâm không phải thắc mắc gì hết.

- Đối với tôi, - tôi nói, - đó là một vấn đề tình cảm cũng như một vấn đề lương tâm. Tôi phải nhượng bộ tình cảm của tôi, mấy khi tôi có dịp được làm như thế. Dù anh có lý luận, phản đối, làm tôi bực mình sốt một năm ròng đi nữa, cũng không đời nào tôi chịu bỏ niềm sung sướng tuyệt diệu mà tôi đã thoáng cảm thấy, là được đền đáp một phần cái ơn trời bể tôi đã chịu, và giành lấy cho mình những người bạn suốt đời.

Xanh Jôn đáp lại tôi:

- Bây giờ thì cô nghĩ thế vì cô chưa hiểu thế nào là có của, và do đó chưa biết hưởng sự giàu có. Cô chưa hình dung được số tiền hai vạn bảng sẽ khiến cô trở thành quan trọng thế nào, sẽ dành cho cô một địa vị thế nào trong xã hội, sẽ mở cho cô những triển vọng nào, cô chưa thể...

- Còn anh, - tôi ngắt lời, - anh cũng không thể tưởng tượng được là tôi khao khát tình thương yêu giữa anh em chị em với nhau như thế nào. Tôi chưa bao giờ có một gia đình, tôi chưa bao giờ có anh chị em. Bây giờ tôi phải có, tôi muốn có. Anh không khó chịu là phải nhận tôi làm em chứ?

- Jên, tôi sẽ là anh cô, các em tôi sẽ là chị cô, mà khỏi phải đòi cô hy sinh những quyền lợi chính đáng của cô.

- Anh tôi? Phải, mà cách xa nhau hàng nghìn dặm? Chị tôi? Phải, mà phải phục dịch cho những người xa lạ! Tôi thì giàu có, ngồi trên đống vàng không phải do tay tôi kiếm ra, và cũng chẳng đáng được hưởng! Còn các anh chị thì không một đồng xu? Thế thì bình đẳng quá, có tình nghĩa anh em quá, gắn bó thân mật với nhau quá!

- Nhưng, Jên ạ, nhưng khao khát của cô về quan hệ gia đình và hạnh phúc êm ấm có thể giải quyết bằng cách khác, cô có thể lấy chồng.

- Anh lại nói vớ vẩn! Lấy chồng! Tôi không cần lấy chồng và sẽ chẳng bao giờ lấy.

- Cô nói quá đấy. Những lời khẳng định thiếu thận trọng như thế càng chứng tỏ là cô bị kích động mạnh.

- Chẳng có gì là quá lời, tôi hiểu lòng tôi, tôi biết tôi ghét cái ý nghĩ lấy chồng đến mức nào. Sẽ chẳng có ai lấy tôi vì tình yêu đâu, mà tôi chẳng muốn người ta lấy mình vì tiền và tôi cũng chẳng cần một người xa lạ, không hợp tính tình, khác hẳn với tôi. Tôi cần những người thân thuộc, những người mà tôi yêu mến với tình thông cảm. Hãy nhắc lại rằng anh sẽ là anh tôi, khi anh nói ra câu ấy, tôi thấy sung sướng, thỏa lòng. Hãy nhắc lại, nếu anh có thể, hãy nhắc lại thành thực đi.

- Hẳn là tôi có thể nhắc lại được. Tôi biết xưa nay tôi vẫn yêu mến các em tôi, và tôi biết tình cảm ấy dựa trên cơ sở nào, tôi kính trọng đức tính của các cô ấy, cảm phục tài năng của các cô ấy. Cô cũng có đạo đức và tâm hồn. Cô có những sở thích và thói quen giống như Đyana và Mary. Sự có mặt của cô bao giờ cũng làm tôi dễ chịu, trong thời gian gần đây, trò chuyện với cô tôi thấy tôi được một niềm an ủi trong lành. Tôi cảm thấy có thể dễ dàng và tự nhiên dành một chỗ trong trái tim tôi cho cô như một người em gái thứ ba, cô em út của tôi.

- Cảm ơn anh, tối hôm nay thế là đủ cho tôi thỏa lòng rồi. Thôi bây giờ anh nên về đi, vì nếu anh ở lại lâu nữa, có thể anh sẽ làm tôi bực mình vì một sự nghi ngại nào đó.

- Thế còn trường học, cô Erơ? Hẳn là bây giờ phải đóng cửa chứ?

- Không. Tôi sẽ giữ chân cô giáo cho đến khi anh tìm được người thay thế.

Anh mỉm cười tán thành. Chúng tôi bắt tay nhau và anh ra về.

Tôi không cần phải kể lại chi tiết những cuộc đấu tranh này và những lý lẽ tôi dùng để giải quyết vấn đề gia tài theo ý tôi muốn. Việc đó thật là khó khăn, nhưng vì tôi đã nhất quyết và cũng vì các chị họ tôi sau cùng đều nhận thấy rõ tôi thực sự và kiên quyết muốn phân chia đều tài sản, vì trong thâm tâm họ cũng cảm thấy ý định ấy là công bằng, vả chăng vào địa vị của tôi ắt họ đều nhượng bộ và bằng lòng đem việc này ra nhờ trọng tài giải quyết. Chúng tôi chọn ông Ôlivơ và một luật gia có tài phân xử, cả hai người đều đồng ý với tôi, thế là tôi thắng.

Những giấy tờ cần thiết được chuẩn bị. Xanh Jôn, Đyana, Mary và tôi, mỗi người đều hưởng một phần gia tài.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86035


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận