Cậu rất bất ngờ, vui như chưa bao giờ vậy.
- Anh nói thật chứ? - Bán tín bán nghi, Kiêu hỏi.
- Anh nghe người làng nói có người đi bán rau đã nhìn thấy mẹ em ở Đồng Văn, đi cùng một người đàn ông khác.
- Mẹ em có khỏe không?
- Không biết, người ta chỉ nói nhìn thấy mẹ em, rồi có ai đi theo dõi đâu mà biết.
Chỉ nghe nói có người nhìn thấy mẹ, Kiêu đã cuống quýt, cậu quyết định về quê hỏi cho rõ. Cậu nói ngay tức khắc với mẹ nuôi tin đã có chút ít dấu vết về mẹ đẻ, mẹ cũng mừng cho con. Kiêu không biết bà vẽ nét mừng lên mặt mình là bà đang rất lo, lo mất cậu. Bà Hát động viên con về quê hỏi han tin tức về mẹ đẻ. Nó đã mừng đến cuống lên, đủ biết nó khát và nhớ mẹ đẻ đến thế nào.
Trời mưa, Kiêu vẫn tìm cách ra bến ô tô cho bằng được. Cậu mặc áo mưa, trùm kín từ đầu đến chân, ngồi xe ôm, tim phập phồng hồi hộp.
Hồi hộp bắt cậu cứ đứng lên ngồi xuống. Sốt ruột thì cũng phải chờ xe chạy, ô tô có bay được cũng phải mất chút ít thời gian một đoạn đường. Người ngồi bên cạnh rất khó chịu khi Kiêu luôn đứng lên ngồi xuống, quệt cái áo mưa to xù vào ông ta mà cậu ôm trên tay, cậu nói: “Cháu xin lỗi bác”.
Xe dừng lại đúng con đường mà từ đó phải đi hơn một cây số mới về đến làng. Ra khỏi cửa ô tô là cậu lao đi, cắm ổ cắm đầu chạy, thông tin về mẹ bắt cậu chạy, càng nhanh càng tốt, mau chóng xem mẹ thế nào.
Vợ anh Tôn reo lên khi thấy Kiêu, chị mời cậu vào nhà, kéo ghế cho cậu ngồi. Trời tạnh mưa, Kiêu đã đặt chiếc áo cuộn tròn ở đầu hè, hỏi:
- Ai biết thông tin về mẹ em hả chị? Ai đã nhìn thấy mẹ em? - Kiêu hỏi gấp, không để vợ anh Tôn hỏi han trước.
- Bác Đốc nói đã nhìn thấy mẹ em ở Đồng Văn, đi cùng một người đàn ông khác.
Vợ anh Tôn chưa kịp nói thêm gì, Kiêu vụt đứng dậy, đến tìm bác Đốc. Bác Đốc đang nấu cám lợn dưới bếp, bác ồ lên khi thấy Kiêu, cậu ngồi xuống bên cạnh, bếp lửa cháy bập bùng, nồi cám đang sôi, kêu ọc ọc…
- Bác đã nhìn thấy mẹ cháu phải không, hả bác Đốc?
Bác Đốc trả lời:
- Tao nhìn thấy mẹ mày ở Đồng Văn, lúc đó xe tao lao vụt, mẹ mày và người đàn ông đó cũng đi rất nhanh, hình như mẹ mày đã béo hơn trước rất nhiều.
- Thế mẹ cháu đã đi đâu?
Mắt Kiêu hau háu chờ câu trả lời, cậu nóng lòng muốn tìm được mẹ. Mẹ còn sống thì tốt quá, may quá! Nhưng sao mẹ không về tìm cậu nhỉ? Cậu hỏi mình, mẹ về thì chắc chắn phải về làng tìm mình chứ, sao lại đi luôn, mẹ quên mình rồi sao?
Sau đó, cậu hỏi thêm về mẹ, nào là mặc áo gì, tóc dài hay ngắn, đi dép gì, hôm đó là ngày thứ mấy. Khi đã tàm tạm thông tin, cậu quay trở lại nhà anh Tôn, ngỏ ý mượn chị vợ chiếc xe đạp, xuống Đồng Văn tìm mẹ.
Cậu gò lưng đạp, đến mỏi nhừ hai chân, chiếc xe lao vun vút, kêu lọc cọc. Nửa tiếng đồng hồ thì đến nơi. Cậu đứng chỗ nào mà bác Đốc đã nhìn thấy mẹ, dáo dác nhìn xung quanh, đôi mắt hau háu, ước ao mẹ xuất hiện. Cậu thầm thĩ trong bụng, mẹ ơi ở đâu, ra đây đi, mẹ không nhớ Kiêu sao, mẹ quên Kiêu của mẹ rồi sao? Một hồi không thấy mẹ, cậu thấy mấy người đi bộ đang tiến đến liền hỏi có nhìn thấy một người như thế này... Cậu dùng mồm và tay miêu tả hình dáng mẹ, cậu tả rất chi tiết, xong người đó lắc đầu.
Thấy người đi xe đạp, cậu cũng xin nhờ một việc. Người đó dừng lại, Kiêu tả mẹ như ban đầu, người đó lắc đầu, cưỡi lên xe đạp đi tiếp.
Kết quả là cậu tả mười lần, mười lần cậu nhận được cái lắc đầu. Cậu đành dựng xe vào tường, hạ mông xuống đường, chẳng có ai nhìn thấy mẹ cậu, càng không ai biết mẹ cậu ở đâu. Tất cả những người xa lạ đi qua chốn này, đều nhanh chóng bị quên đi như một cái chớp mắt. Như một cơn gió vô danh chẳng có mùi vị, màu sắc, càng tuyệt nhiên không có hứng thú gì với cây cỏ. Trời nhá nhem tối, cậu đạp xe về, cố gắng để đẩy cái xác mình tiến về phía trước. Cẳng chân, cẳng tay muốn rời khỏi cơ thể, nhưng vẫn cố, mỗi cái gò lưng, ấn cái chân vào pê-đan, chiếc xe kêu “cạch” một tiếng. Cậu về nhà anh Tôn, vợ anh đãi cơm rau muống, cá kho và đậu phụ, chị bảo mấy khi có cậu em ở Hà Nội về, tiện thể
Kiêu về thành phố vào sáng hôm sau, lòng hụt hẫng, trống tênh, cậu dặn chị Tôn hễ thấy bóng dáng mẹ cậu thì xin báo ngay. Cậu cũng nhờ một số người một việc như vậy rồi mới đi. Họ đều gật, nói là sẽ giúp.
Đến nhà, cậu uể oải nói với mẹ nuôi là không có kết quả gì. Lẽ ra cậu có thể ở lại vài ngày nhưng còn một môn thi, không thể bỏ. Cái thở dài đánh trượt của Kiêu làm mẹ nuôi rất lo lắng. Bà thấy rõ nét buồn khắc khoải trên mặt con trai, lựa lời an ủi cậu, nói mẹ đẻ sẽ trở về, Kiêu lắc đầu. Ngay cả người nhìn thấy mẹ đẻ đi với một người đàn ông lạ cũng không chắc chắn đó có đích xác là mẹ không.
Kiêu nói với Mẫn Yến chuyện về quê tìm mẹ và nhận lại sự thất vọng thế nào khi cùng nhau đi trên phố. Mẫn Yến kể cho cậu nghe về một ngày kịch liệt bố mẹ cô cãi nhau. Cả hai nhìn nhau cười buồn, rồi thở dài. Cả hai đồng thanh: mỗi người đều có một nỗi khổ, đau quá!
Từ khi quen Mẫn Yến, Kiêu bị hút lại, thấy khó rời nhau quá. Cả hai thích gặp nhau để tâm sự. Kiêu thấy Mẫn Yến xinh xắn, dáng cao dong dỏng, để tóc rất mốt, người phả mùi nước hoa thơm phức. Vì thế muốn gần chăng? Mẫn Yến thấy Kiêu đẹp trai, cao to, nụ cười trắng, đôi mắt rất đàn ông. Vì thế mà muốn chơi chăng?
Kiêu và Mẫn Yến gần nhau thì Hoằng không thể có cơ hội chen vào giữa. Kiêu thấy mình không thích nói chuyện với Hoằng bằng nói với Mẫn Yến. Có thể là sự chủ quan của một người đã thích cô gái ăn chơi hơn kia. Hoằng thấy Kiêu dần dần xa mình, rất buồn, cô đang muốn biết vì sao? Vì sao Kiêu không đến tìm cô nữa, chỉ nói chuyện qua loa lúc gặp ở lớp, còn yên lặng. Kiêu thường đi tìm Mẫn Yến hoặc Mẫn Yến đến tận nhà tìm cậu. Mẫn Yến có đôi mắt xoe tròn đen láy, gọi “Anh Kiêu ơi, anh Kiêu”.
Một hôm Mẫn Hoằng thấy Mẫn Yến đèo Kiêu như có lần cô đã đèo. Cô đứng chết lặng, nhìn hai người đi qua, nói chuyện rôm rả, hai tay Kiêu bấu sát vào eo Yến, rất tự nhiên. Hoằng tức lộn ruột, hụt hẫng, thấy mình đúng là đã nuôi ong tay áo, để con Yến ngang nhiên nẫng mất bạn, cô quyết định: Phải dạy cho con bé một trận.
Nhà Hoằng đối diện nhà Mẫn Yến, cô hay ngóng gió mây và người xe bên ngoài, nên lúc Mẫn Yến về thường thấy. Một lần cô chạy sang gọi, bảo ra chị có việc. Mẫn Yến đi ra, vui vẻ hỏi có chuyện gì.
Hoằng tức giận nói:
- Không ngờ em là người như vậy, em đã cướp bạn của chị.
Mẫn Yến ngơ ngác:
- Em cướp ai của chị? Ô, chị này, sao kém bình tĩnh thế?
- Em đừng giả vờ ngơ ngác thỏ non. Anh Kiêu là bạn chị, chơi với chị từ lâu, hôm đầu tiên chị giới thiệu, chỉ là để cho Kiêu biết chị có một cô em họ là em. Không ngờ… sao em dám làm thế? Sao em làm chị khó nghĩ?
Mẫn Yến hiểu chị gái đang nói gì, chị đang ghen, nhưng chuyện chị Hoằng ghen không làm cô tỏ ra lúng túng, cô đã tự nhận mình rất “thuộc” con trai. Có gì phải lúng túng trong
chuyện này.
- Ô hay! Em cướp của chị làm gì, chị vẫn cứ chơi với anh ấy, còn em chơi hay không là chuyện của em.
- Nhưng không được thân mật như vậy. Thừa nhận là chị không xinh bằng em, cũng không kinh nghiệm như em. Chị khuyên em hãy tránh anh ấy ra. Anh ấy là của chị. Em phải biết điều đó chứ.
Mẫn Yến không vừa:
- Chưa bao giờ anh ấy nói là yêu chị, chị cũng chưa từng nói đã yêu anh ấy, hôm đó em hỏi dò, chị còn không thừa nhận mà.
- Tuy chưa nói ra, nhưng hai người bọn chị đã ngầm hiểu người này dành tình cảm cho người kia rồi, sớm muộn sẽ nói với nhau, chỉ chờ thời điểm thích hợp thôi.
- Ngầm hiểu? Ngầm hiểu hay không thì anh ấy phải biết. Sao anh ấy còn thích đi với em làm gì!
Không ai chịu nhường ai, mỗi lời của Hoằng thốt ra đều bị cô em ngang ngược phủ định, mỗi lời của Mẫn Yến đều hết sức sắc bén và nhanh nhạy. Hoằng bị đuối lý, líu cả lưỡi, mặt mày xa xẩm, cục tức dồn lên cổ họng, kết thúc chuyện này bằng một câu đe dọa: “Em đừng để chị phải điên lên”. Mẫn Yến há mồm, thách thức, ý bảo chị muốn điên lên thì cứ việc.
Hoằng không muốn cho Kiêu biết chuyện cô cảnh cáo Mẫn Yến, cô nghĩ chuyện này mình cô có thể đối phó. Mẫn Yến nghĩ, nếu để đấu lý thì Hoằng không tài nào thắng được, chị ta đang ở thế bất lợi.
Trong gia đình họ mạc hai chị em không phải là những người thích chơi với nhau, nói chung là không thắm thiết. Hoằng cũng có một hoàn cảnh bi đát riêng trong gia đình, nhưng cô không cho phép mình buông thả như Mẫn Yến, càng kịch liệt phản đối chuyện Mẫn Yến sống buông thả, sẵn sàng ngủ với một thằng con trai mà nó thích. Ngày nhỏ hai chị em đã thể hiện là những người không thể chung sống hòa bình trong một ngôi nhà. Khi đó mẹ Mẫn Yến đưa con sang nhà chơi với mẹ Hoằng, lần nào cũng giành nhau đồ chơi, kết cục cuộc tranh nào cũng để lại tiếng khóc.
Ngày bé Mẫn Yến hay khóc bao nhiêu thì khi lớn lên, cô ít khóc bấy nhiêu. Tiếng khóc vơi dần theo số tuổi của cô từng ngày, cho đến khi học năm lớp 9 thì chẳng bao giờ khóc. Trạng thái tình cảm biểu lộ ra khuôn mặt chỉ là vui buồn, tai tái, xa xẩm, nhíu mày… tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt. Khi bị bốn thằng con trai hành hạ một lúc, cô cũng không khóc lấy một tiếng, chỉ giãy giụa, thét lên những câu chửi bới, cho đến khi toàn thân rệu rã không cử động.
Hoằng lại thấy Kiêu và Mẫn Yến đèo nhau trên phố, lần này Mẫn Yến ngang nhiên ôm eo Kiêu, hình ảnh này khiến Hoằng nảy đom đóm mắt, cô quyết tâm đạp xe đuổi theo cho bằng được. Xe của Kiêu đi chậm chạp, chẳng mấy chốc Hoằng đã đuổi kịp, cô đạp mạnh, chặn ngang xe Kiêu.
Hoằng đổ đôi mắt khó hiểu về phía hai người. Kiêu nhìn Hoằng, Mẫn Yến quan sát cử chỉ của cả hai. Ba người trân trân trên phố, sáu con mắt đang hướng về nhau.
- Kiêu, thế này là thế nào?
Câu hỏi của Hoằng khiến Kiêu thực sự khó xử, cậu chưa biết nói sao cho phải thì Mẫn Yến lảnh lót nói trước:
- Em và anh Kiêu đi công viên, em thích xem cá sấu há mồm.
Như vớ được cọc Kiêu nói:
- Phải, mình chở Yến đi xem cá sấu.
Hoằng nén hẳn đôi mắt nảy lửa về phía Yến, đôi mắt đã từng cảnh cáo cô em họ nanh nọc, câng câng ngang nhiên cướp bạn trai của chị.
- Em giỏi lắm, em làm vậy là đúng sao?
Mẫn Yến nhìn chị họ rồi nhìn Kiêu.
- Chả nhẽ em lại sai?
Hoằng không để ý đến Yến nữa, cô quay sang Kiêu.
- Cậu đã hứa gì với tớ, giờ quên rồi sao?
Kiêu thực sự không nhớ mình đã hứa điều gì, cậu lắc:
- Tớ đã hứa gì nào?
Hoằng gật đầu, gật đầu, mím môi:
- Cậu giỏi lắm! Tớ không ngờ cậu lại là con người như vậy.
Khi Hoằng nói xong câu này thì Kiêu và Mẫn Yến đã ngồi lên xe. Kiêu nói “Tớ sẽ nói chuyện với cậu sau nhé” rồi đạp xe đi thẳng.
Hoằng đứng lặng giậm chân, vai áo mỏng run run ngực non phập phồng nức nở.