Chuyến đi này, đã mấy lần chị xa xăm nghĩ về con, mà tất cả chúng đều chẳng được nuôi dạy tử tế. Chị và tình nhân tên Tạ ngồi ăn sáng. Tạ vừa nhận điện thoại của đàn em. Nghe xong, tâm trạng bực bội nên với Mỹ, chẳng mặn mà. Chị hỏi câu nào trả lời câu nấy.
- Anh phải chứng minh cho em thấy rằng, anh có khả năng che chở cho em. Anh thấy đấy, vì anh mà em đã vô trách nhiệm với ba đứa con em, có lỗi với chồng em ở trong tù. Gia đình em đã tan nát, chẳng còn gì nữa. Em và chồng em đã cố gắng làm giàu, cuối cùng chẳng có gì trong tay.
- Hắn đáng bị như vậy mà. Em không muốn vậy sao? Chính em cũng muốn hắn vào tù, chẳng lẽ giờ lại ân hận. Cứ yên tâm. Hứa được là anh làm được.
Người đàn ông nhả từng hồi khói thuốc lên trời. Chiếc áo vắt ngang vai đểnh đoảng. Mỹ ôm lấy cánh tay anh ta, nhũng nhẵng:
- Anh nhớ đấy, do miệng anh nói, em tin. Anh đừng bao giờ tỏ thái độ với em.
- Đừng nói nhiều thế được không? Anh muốn lên đây là để thư giãn chứ không phải để em buộc dây vào cổ anh, bắt anh phải thế này thế nọ. Em không thích thì có thể đi về.
Mỹ sững người, ngây dại. Người đàn ông mà chị hy sinh cả gia đình, tiết hạnh và danh dự để đi theo, đang giội nước sôi vào tim gan chị. Đàn ông bỉ ổi quá, chị nghĩ, giờ là lúc chị thấy ân hận vì mình đã theo người đàn ông này. Kẻ đã tìm cách hạ gục chồng chị, đẩy chồng chị vào tù. “Ôi, nhưng chính mình là người đã tiếp tay cho hắn. Giờ không quay lại được rồi, Giang đã vào tù, còn cách nào nữa đây”. Thôi được, Mỹ nghĩ, cần phải nuốt hận vào trong, đã theo hắn thì không thể to tiếng được, lúc này nên ngậm miệng cho yên chuyện, rồi tìm cách moi của hắn.
- Thôi mà anh - Mỹ nói với Tạ - sao anh cứ nóng nảy với
- Nhưng mà anh không chịu được em nhũng nhẵng.
Mỹ hôn chụt một cái vào má Tạ, lay lay người “thôi mà anh, em xin”. Tạ không nói gì, cắm thêm điếu thuốc nữa vào miệng rồi bảo Mỹ “về Sa Pa thôi”. Đường từ bản Cát Cát về đầy gió và sương. Núi trập trùng bị dồn đuổi lại phía sau. Chiếc xe Minkhơ của gã dân tộc Mèo thuần thục lượn qua những đường cua. Mỹ thấy gió ộc cả vào miệng mình, đắng ngắt.
Về khách sạn Victoria thì thấy Mẫn Yến đã ngồi đấy với một thằng con trai. Chị bất ngờ đến ngỡ ngàng.
- Mẹ, mẹ ơi, con đợi mẹ mỏi nhừ người đây.
- Kìa, sao con lại ở đây? Làm sao biết mẹ ở đây mà tìm - Mỹ ngạc nhiên hỏi con.
- Con biết chứ, mẹ là mẹ của con. Con phải đi tìm mẹ về, con không muốn mẹ đi với người đàn ông đó nữa. Con chơi đủ rồi, từ nay con sẽ ngoan. Mẹ hãy về với con, rồi chúng ta sẽ tìm anh và chị con về. Mẹ đừng đi nữa.
Tạ tiến đến nhìn Kiêu và Mẫn Yến, hất hàm:
- Sao hai đứa nhóc này biết chúng ta ở đây mà tìm đến. Rách việc thật, tống cổ chúng về.
Kiêu nhìn Mỹ, Mỹ nhìn Kiêu. Cậu khẽ chào: “Chào cô, cháu là bạn của Yến”. Mỹ không nói gì thêm, ôm lấy con gái:
- Con về đi, rồi mẹ sẽ về.
Mẫn Yến không chịu:
- Không, con không về. Mẹ phải về cùng con.
Người đàn ông dữ dằn nói:
- Không về, ta bắt sang bán cho bọn Tàu, đừng có trách.
Mẫn Yến bỏ mẹ ra, nhìn thẳng vào người đàn ông:
- Tôi chả sợ ông đâu. Ông là loại người như thế nào, bản thân ông cũng biết. Chính ông đã làm cho gia đình tôi tan nát. Ông cướp vợ của bố tôi, cướp mẹ của tôi. Qua những chuyện mà ông và mẹ tôi đã nói với nhau trên giường của bố tôi, tôi nhận ra rằng, chính ông đã hại bố tôi vào tù. Mẹ tôi đã quá sai lầm khi đi với ông. Không hiểu là mẹ tôi có nhận ra cái xấu xa trong con người
ông không.
Sự phản ứng gay gắt của Mẫn Yến làm Tạ nóng bừng mặt, nổi giận. Tạ hét toáng, vung tay, định tát Mẫn Yến nhưng mẹ cô ngăn lại. Cùng lúc đó, Kiêu đứng lên che cho Yến.
- Ông không được phép làm thế - Kiêu nói.
- Thằng oắt, khôn hồn thì biến - Tạ trợn mắt.
Mỹ nói:
- Anh không được đụng đến con gái em.
Tạ dịu xuống:
- Được, không đụng thì không đụng. Em nghe đây, hãy bảo nó mau chóng về đi, đừng để ảnh hưởng đến việc của anh. Nếu không thì em cứ việc đi cùng nó. - Nói xong, Tạ bỏ vào phòng. Anh ta làm thủ tục trả phòng để đi nơi khác. Mẫn Yến cầu xin mẹ hãy trở về. Cô vừa nói vừa khóc, nước mắt trộn tóc. Mỹ ôm chặt lấy con, bảo:
- Về đi, rồi mẹ về sau.
Chị quay sang nhìn Kiêu:
- Nhờ cháu đưa Yến về, cô sẽ về sau. Cô năn nỉ cháu đấy!
Mẫn Yến giãy nảy:
- Không, không được. Mẹ phải về ngay với con, đó là người đàn ông không tốt. Mẹ về ngay với con đi mẹ. Người đàn ông đó là gì mà khiến mẹ phải khổ như vậy?
- Yến à, mẹ biết là mẹ đã sai, có tội với các con. Hãy về đi, rồi mẹ sẽ về. Mẹ phải giải quyết nốt một số việc.
Tạ thu dọn xong đồ và trả phòng, thanh toán tiền, trao chìa khóa, lấy lại giấy tờ tuỳ thân. Cô lễ tân xinh xắn nở nụ cười tiễn khách. Tạ vừa kịp rọi đôi mắt ngập ngụa dâm dục, xoáy vào phần ngực lộ ra ngơn ngớn trắng của cô, được bọc bởi lần áo mỏng rất dễ cho người khác cảm giác khêu gợi, với màu sắc nuột nà, đầy chất sơn nữ. Anh ta ném cho Mỹ túi đồ, bảo: “Đó, anh đã gom vào, chúng ta đi thôi”. Mỹ cố nán lại chút nữa để khuyên con. Chị đưa cho Kiêu ít tiền, bảo để đi đường. Mẫn Yến không chịu, giữ lấy tay mẹ. Cô không cần tiền, cô cần trái tim, phải, là trái tim mẹ kia. Mẹ cô nhìn người đàn ông kia.
Chiếc xe Minkhơ Tạ gọi đang đợi. Tạ nói: “Nếu em muốn ở lại với con em thì anh đi đây”. Mẫn Yến càng gào lên, tha thiết, nước mắt chưa bao giờ chảy nhiều đến thế. Hàng nọ tiếp hàng kia, giọt lớn đè giọt nhỏ, vô tận.
Mỹ không thể bỏ được người đàn ông kia. Chị thà để con lại còn hơn từ bỏ điều mà mình đeo đuổi bấy lâu. Đó là người đàn ông đã cho chị sung sướng, cho chị sự đê mê và cuồng dại. Nhưng chị cũng bật khóc, trong giây phút này, sự thảm hại diễn ra. Tâm trạng bị giằng xé. Một bên là người tình, một bên là con gái, lựa chọn thế nào? Mỹ bảo con:
- Về đi con, nhé, rồi mẹ sẽ về.
Nói rồi, chị ngồi lên xe, sau người đàn ông đó. Gã xe ôm người Mèo nổ máy. Không thể ngăn cản được mẹ. Không thể làm cho mẹ tỉnh ngộ, dứt ra khỏi người đàn ông đó, Mẫn Yến
khuỵu xuống...
Trở về, tinh thần Mẫn Yến ngày càng rơi vào trạng thái bất ổn. Cô ốm ngặt nghẹo, chìm trong đau đớn. Nhà cô, thậm chí không còn một cái gì để ăn. Đến bữa, nếu cô không đến với Kiêu thì sẽ được bà tìm, gọi về cho ăn. Cú sốc đó cũng nhức nhối như khi bố cô bị bắt. Mẹ là gì thế, không còn một chút tình mẹ con nữa thật sao, vậy mà mình cứ nghĩ tìm thấy mẹ thì mẹ sẽ về với mình, nhưng mẹ đã đi rồi, biết bao giờ...
Kiêu thương Mẫn Yến vô cùng. Chẳng ngờ lại có người mẹ bỏ con. Cùng với ý nghĩ về mẹ Mẫn Yến, cậu nghĩ về mẹ mình. Không, chắc là mẹ không bỏ mình như mẹ Mẫn Yến. Cậu khẳng định với bản thân vậy. Cậu cũng thay đổi, cùng với lối sống buông thả của Mẫn Yến, cậu bị tiêm nhiễm. Sau cơn sốc này cô đau khổ nhiều hơn, cần Kiêu nhiều hơn, cậu bị quay theo guồng quay của cô, hút theo cô, từ đó bỏ bễ, chán nản việc học hành. Lúc này, tư tưởng của cậu không còn hứng thú đến việc học. Tất cả những chuyện đang diễn ra khiến cậu hoài nghi. Vả lại, chính anh Tôn cũng đã nói với Kiêu rằng, học hành ra không có cơ cũng chẳng xin được việc gì mà làm. Mẹ nuôi thì trong trại tâm thần, biết ngày
nào ra?
Quyết định bỏ học ở ngôi trường được cậu nghĩ là “không có tương lai” đó. Cả ngày cậu và Mẫn Yến ở bên nhau. Sống theo kiểu vợ chồng trẻ con, làm tình kiểu trẻ con, khóc theo kiểu trẻ con. Tinh thần cậu suy sụp theo sự suy sụp của Mẫn Yến, quả tim đập theo kiểu quả tim Mẫn Yến đang đập.
Mẫn Yến thích cả ngày đêm cùng Kiêu đi chơi, đến quán hát, sàn nhảy, vũ trường. Nhà đóng cửa lại. Cô cậu thấy mình được tự do. Những người thân cận với bà Hát có đến xem xét tình hình của Kiêu, họ thực sự không đưa ra bất kỳ yêu cầu gì đối với cậu, cũng chẳng ai tị nạnh cậu. Ông bà muốn Mẫn Yến về nhà ở với họ, nhưng Mẫn Yến không chịu. Lời nói của ông bà không tác dụng gì với cô. Nhìn cô tiều tụy, khổ đau, họ chỉ biết thở dài. Mọi chuyện quả là quá sức đối với nó. Họ nghĩ vậy. Cô cháu gái của họ nhuộm tóc vàng hoe, mặc những bộ quần áo sặc sỡ, cũn cỡn ngắn, tỏ ra bất cần trước tất cả.
Không thấy Kiêu đi học, Hoằng đã lên tiếng. Chứng tỏ cô còn tình cảm với Kiêu. Cô biết chuyện này là do Mẫn Yến, vì con bé đó, cậu ta đã đánh đổi cả tương lai của mình. Lời lẽ của Hoằng chẳng thay đổi được gì. Kiêu thực sự sa lầy rồi, đầu óc trơ ra, chỉ còn biết một điều là phục tùng Mẫn Yến.
- Cậu thay đổi nhanh quá, tớ không thể hiểu nổi. Dù sao thì cậu vẫn phải tiếp tục đi học chứ.
Kiêu cười nhạt:
- Học làm gì! Cậu thấy đấy, tớ là kẻ chẳng có tương lai gì cả, có học to đầu lên thì vẫn vậy thôi. Mẹ nuôi đã vào trại, cố gắng chỉ nuôi được tớ bằng tiền tiết kiệm. Biết là mẹ có khỏi được không. Nếu mà mẹ không khỏi được, tớ sẽ phải đi làm thuê.
- Đừng như vậy, cậu còn phải tìm mẹ đẻ. Mẹ nuôi cậu sẽ khỏi thôi, cô ấy sẽ trở về. Cậu hãy đến lớp đi, đừng bỏ giữa chừng.
- Tại sao cậu lại quan tâm quá sâu vào chuyện của tớ thế nhỉ? Thôi đi, hãy để tớ yên. Chào cậu!
Kiêu vùng vằng bỏ đi, khiến cho Hoằng không thể tin nổi, một cậu bé đã từng ngoan Ngoãn, có chí khí như vậy lại thay đổi hoàn toàn, biến thành một con người khác.
- Đành chịu, cậu đã quá si mê con bé đó, để rồi xem, cậu sẽ phải trắng mắt ra thôi - Hoằng nói với cái bóng Kiêu vừa đi khuất.
Chuyện Hoằng tìm gặp Kiêu, Mẫn Yến có biết. Cô khó chịu khi thấy Hoằng làm như vậy, cô nói với Kiêu:
- Anh đừng gặp chị ta nữa. Chị ta nói gì với anh vậy?
- Hoằng muốn anh tiếp tục học. Anh từ chối.
- Anh nói thế nào?
- Thì chỉ bảo không có hứng học nữa. Xong bỏ đi. Anh chỉ muốn làm em vui.
- Thế thì tốt. Anh tốt nhất, quan trọng nhất đối với em, không có anh, có lẽ em “toi” rồi. Buồn chết đi được!
Hai người chuẩn bị cho một cuộc chơi mới ở vũ trường Z. Sự thể này do Mẫn Yến “dẫn dắt” cậu. Cái đầu còn quá non nớt với sa đọa được Yến tiêm nhiễm hết sức thành công. Ngay cả chuyện cậu bỏ học Mẫn Yến cũng góp phần tích cực, cô làm cậu mụ mị. Cậu không muốn đi vũ trường, cô tìm mọi cách để cậu có thể muốn đi. Nơi đó cạm bẫy nhiều, quyến rũ và ham hố chẳng từ bỏ một ai. Kiêu không còn nhiều tiền. Cho đến lúc này, sự lo lắng về tiền đã hiển hiện trên khuôn mặt Kiêu. Mẹ nuôi trao quyền lại cho Kiêu được lĩnh tiền lãi và hầu như cũng nói cậu hoàn toàn không có quyền rút tiền khi bà chưa đồng ý. Và để chứng thực điều đó cậu đã đến hỏi. Người ta nói lại cho cậu điều đó. Trong thời gian này cậu chỉ được hưởng phần tiền lãi.
Đêm đó, Kiêu đổi xe cho một người bạn. Xe của mẹ nuôi để lại là xe nữ rất khó đua. Sau khi dùng “tài mà”, đầu óc lâng lâng, cả bọn hơn chục chiếc xe máy đổ ra đường. Càng đi nhanh thì thấy mình chậm chạp. Kiêu chưa phải là tay đua có đẳng cấp, nên bị bỏ lại phía sau. Cậu nhận được sự chế nhạo của chúng ngay khi chúng quay trở lại. Không chịu được kích động, máu cậu sôi sục. Cậu chỉ tay vào một tên:
- Mày dám, tao sẽ đua với mày.
Thằng kia gật đầu, cười ha hả. Cả bọn cổ vũ hò reo, hét toáng cả một đoạn phố.
- Này - Thằng kia hất hàm - đua thì phải có phần thưởng cho người chiến thắng chứ. Cược gì nào.
Kiêu nhìn sang Mẫn Yến, cô lắc đầu, ra hiệu đừng cá cược. Bởi vì cậu không còn gì đáng giá trên người. Mẫn Yến cũng không còn tiền. Thằng kia nhìn sang Mẫn Yến:
- Mày dám cá cược cô người yêu không? Cô ta cũng
ngon đấy!
Mẫn Yến lắc đầu, bảo Kiêu đừng lấy cô ra làm đồ cá cược. Kiêu bảo: “Mày đừng bậy bạ, không đời nào. Hãy chơi với tao cho xứng đáng mặt thằng đàn ông. Sợ thì đừng hênh hoang!”. “Được rồi, đấu đi”, thằng kia gật.
Kiêu nói với Mẫn Yến:
- Yên tâm. Anh sẽ quay lại sớm.
Hai chiếc xe chuẩn bị cuộc đua, hai xe đi sau làm trọng tài. Mẫn Yến hồi hộp chờ đợi trong sợ hãi. Nhưng sự dứt khoát đến hiên ngang của Kiêu đã cho cô bình tâm lại. Phố, trong không khí dường như trì trệ sau một ngày bở hơi tai mệt mỏi vì lo toan đồng tiền, bát gạo... Giờ chỉ còn thưa thớt bóng người và những ánh đèn yếu ớt trong sương mờ huyền hoặc. Bất kỳ một âm thanh, lạ lùng hay chói gắt đều cảm tưởng sẽ cắt đôi màn đêm ra, xé không gian ra như người ta xé miếng giẻ rách. Tất cả đều tạo sự rùng rợn.
Sau câu hiệu lệnh “chuẩn bị, một, hai, ba”, hai chiếc xe bị vặn ga hết cỡ lao vút, rạch trong không gian hai vệt khói và đường rú sắc ngọt. Trong nháy mắt chúng đã biến mất vào trong đêm tối, chỉ tiếng kêu động cơ là khó bị khuất lấp. Hai tay đua gù lưng xuống, mắt mũi gần như không có tác dụng trong lúc này. Trên đường đua, chiến thắng có lẽ phải dựa vào lòng dũng cảm, sự nhanh nhạy của các cơ quan cảm giác. Sự thuần thục của đối thủ trên đường đua mấy năm qua, cộng thêm cả phần liều lĩnh của thằng oắt khét tiếng ăn chơi khiến ai nghe thấy đều rùng mình, đã chịu thua tinh thần bền bỉ của Kiêu. Ngoài ra, trong cậu sôi lên sự quyết tâm cao độ. Lúc đó chính Mẫn Yến cũng thót tim khi thấy xe cậu vụt lên. Cô biết Kiêu chưa từng đua với ai, chưa từng một lần thử sức, số lần đi xe máy không nhiều, trong người chỉ có ít “tài mà”. Dù sao cũng không thể thắng được tên kia, cô nghĩ chẳng may xảy ra chuyện gì thì nguy.
Nhóm thanh niên ở lại, một vài tên đã chở những cô gái ngồi sau xe đến một quán bar khác tiếp tục ăn chơi. Chỉ năm tên thanh niên ở lại cùng Mẫn Yến đợi. Trong lúc chờ đợi hai người đua xe và hai trọng tài trở về, chúng không chịu được sắc đẹp của Mẫn Yến, dù đã phôi phai chút ít. Khi đó đã “phê” thì dù cô gái trước mặt xấu xí, chúng vẫn muốn giở trò đồi bại. Chúng vật Mẫn Yến ra, xé toạc quần áo, mặc cho cô giãy giụa kêu gào. Một tên bịt miệng, mấy tên kia kéo cô vào góc khuất. Tại đây, cuộc cưỡng hiếp tập thể diễn ra bạo liệt. Trước sức mạnh, nỗi khát thèm của những con thú, cô gái yếu đuối chỉ còn những cái cưỡng lại yếu đuối, rệu rã, rồi từ từ lịm xuống, không còn đủ sức để kêu, để cựa quậy. Trong giây lát đớn đau này, cô nghĩ đến Kiêu. Anh ơi, anh về đi! Những con thú không ngừng xâu xé cô, tranh giành nhau hành hạ cô. Toàn thân đau rát, ê ẩm. Cô thấy mình gần với đất và nước. Rồi từ từ, dòng nước đã ập tới thực sự bất ngờ, cuốn phăng đi tất cả, vạn vật chìm vào cảm giác không trọng lượng, nhẹ bẫng.
Mẫn Yến đã cắn lưỡi. Khi máu từ miệng cô ộc ra, những tên kia dù biết cô không còn cựa quậy, không còn cảm giác, vẫn ra sức ấn vào trong cô, thay nhau từng tên một. No nê, chúng nhìn cô gái, thấy cô không cựa quậy, máu ứ từ trong miệng. Chúng bảo nhau: Chắc nó đã chết. Một trong số bọn chúng bảo: “Thôi, rút nhanh!”
Mấy thằng nhìn nhau, chúng lên xe, nổ máy, biến vào
bóng đêm.
Khi Kiêu tiếp tục xé một vệt dài trong không gian quay trở lại thì không còn ai ở đó. Cậu đứng lại. Lát sau ba người kia cũng về đến nơi. Cảm giác có điều gì bất thường, cậu nhìn xung quanh. Xác Mẫn Yến nằm bải hoải góc xa, Kiêu thả xe ra, lao đến tìm. Trời ơi! Một cái xác nhàu nát, bê bết máu, không mảnh vải trên người. Kiêu thét lên trong đêm, thảm thiết. Cậu choáng váng, ân hận trộn lẫn nỗi đau ê chề. “Do anh cả, anh có tội, Yến ơi”. Nước mắt Kiêu chưa bao giờ rơi nhiều đến thế, chưa bao giờ cậu thảm thiết khóc như vậy. “Là những con chó đó”- cậu mím chặt môi nói. Cậu biết những kẻ nào gây ra chuyện này.
- Lũ chó, tao phải giết hết chúng mày!
Tiếng cậu gầm lên như tiếng gầm của mãnh thú giữa đại ngàn.