Lẽ ra bà đã định vui vẻ với nó, nhưng lúc nó ở bên bà lại chẳng muốn thốt một lời nào. Lòng người mẹ từng mất con, giờ có con nuôi, lại nhưng nhức cảm giác không thể nào cưỡng lại nổi. Ôi con người, cùng với cái ham hố cố hữu của nó, đã chẳng cần giữ chuẩn mực đạo đức hay bất kỳ điều tiếng gì, để thốt ra, bộc lộ cái thèm khát, mà điều đó thể hiện ngay đối với thằng con nuôi. Hôm Kiêu vào, một người bạn của bà ngồi ghế bên kia có chứng kiến việc này. Bà ta là một người “trốn đời bỏ vào trại”, thực ra tình trạng bà không đến mức vậy. Bà biết rằng bà Hát đã tỉnh ngộ, có thể ra khỏi trại ngay sau đó. Tình trạng của bà Hát không đến nỗi phải cắm mình lâu dài trong trại tâm thần này, chỉ là do sự suy nhược của những ý nghĩ, hay sự trầm cảm tức thời. Có phải vì thế mà hợp, chơi được với nhau chăng?
Người đàn bà kia tiến lại ngay sau khi Kiêu bước đi. Bà muốn hỏi tại sao bà Hát lại hờ hững với cậu ta như vậy? Bà Hát đã không ngần ngại nói ra tâm sự của mình, rằng mình vào đây là vì cậu ta. Để mạnh dạn như vậy, phải có thời gian người đàn bà với vài sợi tóc bạc phất phơ trước mặt kia, nói rõ quan điểm của mình trước đó, bắt chuyện trước, thấy hợp hứa sẽ là bạn, là chị em tốt của nhau. Chẳng giời đất nào xui khiến, hai người cùng tháng cùng năm sinh.
Những mệt mỏi đối với bà Hát, cảm như đã quá dư thừa. Bà nghĩ thời gian vào đây, biết đâu là một sự tĩnh tâm để bà có thể nguôi ngoai những ý nghĩ đó: Muốn ăn nằm với thằng con nuôi. Điều mà chưa bao giờ thấy thông dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, vốn thích chọc vào đời tư người khác, thổi phồng thành những sự kiện lạ, câu khách kiếm tiền. Có thể, thời gian vào đây làm bà nguôi ngoai nhưng sẽ là sự thiệt thòi cho cu cậu. Sao hôm trước bà không dặn cậu mỗi tháng hãy vào thăm bà một lần nhỉ, để bà có thể biết được tình hình ăn học của cậu. Không hiểu tại sao lúc đó hàm răng bà cứ sít sịt vào nhau, không muốn mình tỉnh táo lại?
Cùng những lời động viên của bà bạn, bà Hát muốn ra trại. Bà ta bảo: “Bà còn cậu con nuôi đó, muốn nó là chỗ dựa tuổi già sau này thì bà phải ra ngoài, chăm lo cho nó. Hãy quên ý nghĩ kia đi. Bà có thể kiếm người đàn ông khác. Đừng bi quan thế, vô lý lắm, khó hiểu lắm!”. Bà Hát hỏi lại bạn mình, bà ta nói, hoàn cảnh của bà ta khác, đau khổ chồng chéo, không điên cũng muốn điên. Thà biến thành người điên để đỡ đau đớn, khỏi phải chịu sỉ nhục của người đời. Bà ta nhắc lại: “Hát, bà phải ra ngoài, rồi sẽ có dịp chúng ta gặp nhau. Đây là dạng nhà tù tâm trạng, hãy mở lòng mình ra, đừng để cậu bé đó hỏng, ngoài đời nhiều cạm bẫy lắm, nó vượt sao nổi”!
Đúng, nó chỉ là một thằng nhóc. Những điều gây ra cho nó đủ để nó nghĩ ngợi lung tung, chới với mất niềm tin. Giờ một mình sống trong ngôi nhà đó, giữa một xã hội mà nhắm mắt lại, cũng nhìn thấy tai ương rình rập. Con người của thời hiện đại ngày càng trơ lì với những hiện tượng cần huy động cảm xúc, tình người nhất. Con người hiện đại hâm mộ đồng tiền và giàu sang, dư dật và trì trệ. Từ hôm nó đến đây đã hơn một tháng. Bà đếm từng ngày. Bà không thấy nó trở lại. Thời gian như vậy đủ để bà nghĩ về những việc làm vừa qua, những khổ ải, đau đớn diễn tiến. Tai ương ập đến không báo trước, như bất kỳ sự bất thường của thiên nhiên nào, bà đã khuỵu ngã.
Đấu tranh với sự giằng co: Ra hay không, cũng phải mất mấy ngày của bà Hát. Đấu tranh để vào đây khó thế nào, thì khi ra khó gấp đôi. Đó là khi bà bạn nói một câu: “Bà muốn ngồi tù trong trại tâm thần để từng ngày giết con nuôi mình sao?”, bà Hát mới chịu đi đến quyết định cuối cùng: ra ngoài.
Đúng như lời bà bạn, nếu còn lưỡng lự ở trại tâm thần chẳng khác nào giết con từng ngày. Khi trở về nhà cùng với sự an tâm là đã thoát khỏi nơi đó, bà Hát chỉ thấy một sự bung bét. Nhìn chung, ngôi nhà với những đồ đạc chẳng thay đổi mấy, điều bà quan tâm là tâm trạng và bản thân thằng con nuôi kia. Nó gầy gò, mắt trũng sâu hoắm, đang nằm bệt trên giường bừa bộn đồ đạc. Thằng con nuôi thấy mẹ, ngóc đầu dậy chào. Bà mẹ tiên đoán có điều gì đó không ổn khiến nó đầu bù tóc rối và chẳng quan tâm đến điều gì. Kiêu co người lên, chân ở tư thế quỳ, đầu úp vào đống gối, kêu gào:
- Mẹ ơi, con giết chết bạn con rồi. Con đã hại Mẫn Yến rồi, cô bạn con đó.
Bà mẹ sửng sốt:
- Sao? Con giết, con giết hồi nào?
- Con đã giết chết bạn con. Con và Yến đi chơi, con bỏ cô ấy lại đi đua xe. Khi quay lại thì thấy cô ấy đã chết. Yến bị bọn chúng cưỡng hiếp tập thể rồi tự cắn lưỡi mà chết. Tại con cả mẹ ơi.
Đau khổ đã làm Kiêu quên lý do làm sao mẹ ra khỏi đó, càng không nhận ra là mẹ đã bình thường trở lại. Vĩnh viễn chẳng bao giờ ngờ người mẹ này đã vào đó như một sự cải biến tâm hồn, mà lẽ ra không nên vậy. Bà đã nghĩ quẩn, thành ra cả chuỗi ngày hành động luẩn quẩn, sai lệch với thiên chức và nhân cách con người. Tuy nhiên, cũng chẳng ai có nhiều thời gian để phân tích: Đừng nên phạm tội này, tránh xa ham hố kia. Ham hố dục vọng ứ đọng trong con người, có bao giờ dự báo.
- Bạn con chết lâu chưa, giờ ra sao rồi?
- Nửa tháng rồi mẹ ơi, nửa tháng qua con day dứt không ngủ được. Không chơi với con thì cô ấy không chết, con không ham vui thì cô ấy không chết.
- Được rồi, có phải là cái cô hay chào mẹ đó không? Con nói rõ xem nào.
- Hay chào mẹ là Hoằng. Chỉ khi mẹ đi vắng con mới thân với Yến. Chúng con ngày nào cũng đi với nhau. Gia đình cô ấy tan nát, cho nên không còn động lực nào để cho cô bé ấy bình tâm lại. Cô ấy vất vưởng sống, trong khi con lại là kẻ đã tiếp tay, chẳng giúp được gì cho cô ấy bình tâm lại, thoát khỏi con đường sa đọa. Con là thằng hèn phải không mẹ?
Bà Hát ngồi xuống bên cạnh con, cố gắng để tìm hiểu rõ xem chuyện này rút cục là thế nào. Nếu quả đúng như vậy thì sự việc đã trở nên nghiêm trọng.
- Những kẻ cưỡng hiếp bạn con là thế nào? Chúng có bị bắt không?
- Đó là những kẻ đã từng nhảy cùng chúng con ở vũ trường. Chúng đã bị bắt.
- “Nhảy cùng ở vũ trường?” - Bà thốt lên rành rọt. Sao lại như thế được, con bà đã đến vũ trường ư, chính miệng nó nói ra như vậy. Nó đã đến những chỗ đó chơi ư?
- Kiêu - Bà hỏi - con đã đến vũ trường chơi? Mẹ đã nói thế nào, con chẳng nhớ gì sao. Trước khi mẹ vào trại, mẹ đã dặn con dù mẹ đi vắng hay đi đâu thì con cũng phải ngoan ngoãn, trông nom nhà cửa cho mẹ, chịu khó học hành. Con đã làm gì thế?
Kiêu quỳ hẳn lên, nước mắt cứ thế xuôi xuống, tràn ra cổ.
- Con xin lỗi mẹ. Con có tội với mẹ. Con đã vì Mẫn Yến mà bỏ học rồi.
Những lời đó như gáo nước lạnh giội vào tim người mẹ vốn đã ủ ê nỗi buồn, đang run lên vì lạnh. Sự thể ra thế này rồi ư, đúng là không thể tin được. Nhưng nó đã diễn ra, ác nghiệt chưa từng. Nó làm lòng bà tan nát. Nó làm bà chơi vơi đau khổ.
Bà Hát bải hoải đi vào trong, sắp xếp lại những bức tranh và đồ đạc. Xa ngôi nhà giờ trở về, cảm giác hoang tàn như phế tích đã bị lãng quên. Nhìn những bức tranh như nhìn đứa con xa cách lâu ngày, bà không thể dứt mình ra khỏi những suy nghĩ về Kiêu. Nó đã làm bà thực sự thất vọng. Sau rồi, bà nảy ra ý nghĩ khoan dung rằng: nó chỉ là một thằng nhóc. Bà thừa biết, đối với một thằng nhóc những cạm bẫy đã giăng lên rồi, nó rất khó lường để không
Lúc này khi đã cho phép mình bình tâm đôi chút, Kiêu nhận ra mẹ trở về là một điều tốt lành và quá ư bất ngờ. Cậu đang làm bà tan nát, thất vọng, kèm theo những u buồn, sao còn cất được lời nào để thể hiện sự đáng chúc mừng kia. Nhưng cũng không thể không nói đến sự việc này. Cậu bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sao để tỏ lòng xin lỗi mẹ, cho mẹ cảm giác mình đang hoan hô mẹ trở về. Tâm trạng cậu thực sự rối ren, cậu thực sự không thể diễn đạt được. Thế rồi cậu không phải đợi thêm, bà mẹ dường như đang cố tỏ ra nhẹ nhõm đối với những đau khổ vừa rồi, thở hắt một hơi, quay vào nói với cậu con:
- Gia đình cô bạn gái con đó, như thế nào?
- Tang thương lắm mẹ ơi. Bố thì bị bắt vào tù, mẹ theo giai, anh bị nghiện không biết sống chết thế nào, chị gái cũng theo giai lang bạt khắp nơi.
Từng lời rõ ràng của thằng con cất lên, khiến bà mẹ cảm giác nặng nề như bước chân loài cọp, lột tả được hết tình hình của một gia đình mà chẳng cần phải miêu tả lên gân lên cốt, người ta cũng sẽ hiểu được mức độ tan vỡ nó khủng khiếp thế nào, và hệ quả là đứa con gái út ít bé nhỏ kia phải chịu ra sao. Người ta sẵn sàng đổ lỗi cho thời kinh tế thị trường đang từng giây được lên dây cót vận hành với tốc độ tối đa chóng mặt. Và, chẳng cần phải bàn cãi, "cơ chế thực dụng" thời kinh tế thị trường có sức công phá mạnh mẽ đến truyền thống gia đình, tình làng xã, nhân phẩm con người. Mỗi cá thể người như những cỗ máy chỉ biết đến đồng tiền, chỉ tiêu kinh tế, khi mà cánh cửa bao năm bị bưng bít kín cùng với sự ấu trĩ đến khó hiểu thì nay, lại mở tung du nhập tất cả, không chọn lựa mà ào ạt tiếp thu cũng ở dạng ấu trĩ. Những làng hóa phố, củ khoai củ sắn, câu ca dao bồng bế nhau lên phố. Những thất nghiệp, mất đất, bòn rút, tham ô, vơ vét, bệnh tật, đói khát, chính là những đề tài được giới báo chí dày công mổ xẻ cho kín tờ báo, được đặt những hàng tít thật kêu, thật câu khách. Tuy vậy, con người lại chẳng thể dừng lại, chính họ đã tự đặt mình lên lưng con quỷ đó (con quỷ kinh tế và ham hố), không thể dừng lại được và, từng ngày giết chết những thuần chất trong người mình.
Để cho thằng con trai khỏi phải lo lắng nhiều, bà Hát vỗ về một câu: “Con bình tĩnh, tối nay mẹ con mình sẽ nói chuyện nhiều hơn, mẹ đã về đây rồi”. Mẹ là Kiêu nhẹ nhõm hẳn, như người trút khỏi cái xương lớn đang chặn ngang cổ họng.
Cái chết của Mẫn Yến đã lôi được mẹ cô trở về, nhưng phải đến ba ngày sau khi cô chết. Đau đớn đến mấy đi nữa cũng không lấy lại được con. Người đàn bà rũ người như cây dưa héo, kêu gào thảm thiết! Hai bàn tay trắng, sự nhục nhã là cái mà chị nhận lại được sau ngần ấy thời gian bỏ con cái và gia đình. Gã đàn ông khốn kiếp đó đã cho chị hiểu ra tất cả: Rằng đi với gã, chị chỉ nhận được những xỉ vả và đay nghiến.
Với Kiêu, sự tỉnh ngộ đã trở về. Cùng với sự căm giận, lòng cậu dâng lên quyết tâm mà trước đây nó từng âm ỉ, từng giờ từng phút cậu hướng đến, thực hiện, chinh phục. Cậu chưa từng nói với mẹ nuôi mình ước mơ làm công an. Buổi tối, khi không khí vơi bớt căng thẳng, mẹ nuôi đỡ nhìn nhận “ngôi nhà của mình như hoang phế lâu ngày”, hai mẹ con tâm sự. Kiêu nói: Con có mơ ước làm công an và sẽ học để thực hiện ước mơ đó. Điều khiến bà Hát ngạc nhiên không phải là quyết tâm của cậu con mà là bản thân ước mơ kia. Sau đó, khi hỏi ra, bà rõ ràng hơn. Ngoài vốn con nhà công an, với những dự định thiếu thời, sự cưỡng hiếp của đám thanh niên kia gây nên cái chết của Mẫn Yến, cho cậu quyết tâm. Chỉ có thể làm công an như bố mới có cơ hội đấu tranh với tệ nạn xã hội. Bà Hát không thấy cậu con trai nói những lời ra miệng, mà nhìn thực vào sự day dứt trong tâm trạng của cậu, bằng những biểu hiện từ cảm xúc đến ánh mắt. Quyết tâm ôn tập để dự thi Đại học Cảnh sát. Nghĩ thế và bà thấy vui. Dù nói thế nào thì bà Hát có thể tin tưởng được ở bước tiến ấy những chiều hướng tốt. Bà ủng hộ con.
Không ai đo được sự căm phẫn của Kiêu dâng lên ở mức độ nào. Nỗi ân hận trở đi trở lại trong giấc mơ hằng đêm. Cậu nghe thấy tiếng Mẫn Yến kêu cứu, thấy toàn thân cô tan nát, tứa máu. Giấc mơ khác, cậu thấy cô nát bét dưới bụng mấy con thú mặt người. Thế nhưng bạn đọc sẽ chưa thấy hết nỗi đau của Kiêu bộc lộ ra sao, màu sắc thế nào. Chỉ vì cậu muốn giấu nó đi. Càng đau cậu càng muốn giấu nó đi. Cùng thời gian này, cậu gặp Hoằng. Cô vẫn vậy, chỉ đôi mắt là hoang hoải buồn không gì che được. Kiêu ân hận trước Hoằng. Cô cậu ngồi với nhau. Cậu nói rõ điều đó: “Tớ rất hận là đã không nghe lời cậu. Sự thể đã xảy ra vậy rồi, tớ có một dự định khác, phải làm người, một con người thực thụ để bù đắp cho những sai lầm nhất thời tớ đã gây ra”. Trong chớp mắt, Kiêu biến thành một kẻ sa đọa, trong chốc lát Kiêu hoàn hồn trở lại thành cậu bé đầy mơ ước. Hoằng không nghĩ mình có thể giận cậu trong thời gian dài, đúng hơn, cô chưa từng giận cậu. Cô chỉ giận mình không đủ sức để kéo cậu lại bên mình.