Khi Vết Thương Nằm Xuống Chương 7


Chương 7
Con cần phải có một chân trời nếu muốn bay.

Đó là lời khẳng định của bà mẹ nuôi đối với cậu con đáng thương của mình. “Mẹ sẽ tạo dựng vùng trời và chân trời để con bay, vì con là con của mẹ”. Lời hứa đó vang lên như lời thề trong tâm thức cậu. Cậu bám vào đó để hy vọng, để có thể sống tốt hơn. Cậu không muốn quên quá khứ. Quá khứ cho cậu nhớ rằng cậu là ai, cần phải biết sống như thế nào.

Bằng lời khẳng định đó. Mẹ nuôi đã dạy cho Kiêu cách đi xe máy. Đầu tiên là ngồi trên xe, dựng chân chống phụ, điều khiển thử. Từ đề đến phanh. Kiêu là người sáng dạ. Tối hôm sau trên đoạn phố vắng, mẹ nuôi đã để cậu điều khiển còn bà ngồi sau. Kiêu đi rất tốt. Chẳng mấy chốc cậu đã có thể làm chủ chiếc xe. Tuy nhiên, mẹ vẫn dặn Kiêu phải luôn cẩn thận khi ra ngoài phố. Phương tiện ngày càng đông, bao nhiêu con phố mọc lên, mở rộng ra vẫn không đáp ứng đủ. Và để khỏi phải tai nạn thì chỉ có mỗi cách là cẩn thận, xử lý linh hoạt mọi tình huống. Trong bữa ăn, mẹ cũng nói con cần phải được đi học.

- Con đã tốt nghiệp cấp III và có bằng? Xếp loại khá chứ? - Mẹ nuôi hỏi.

- Vâng, loại khá mẹ ạ. Con chưa lấy, nhưng con nghĩ bằng sẽ loại khá.

- Được thế thì tốt. Mấy hôm nữa, con hãy tìm về quê, xin lại cái bằng đó mang lên đây, mẹ sẽ sắp xếp để con được đi học.

Hồi hộp và sung sướng, cậu đã hỏi:

- Học trường nào hả mẹ?

- Con chưa thi nên mẹ chỉ có thể xin cho con vào một trường Trung cấp nghề. Còn muốn học đại học thì con phải thi. Con tự quyết định đi.

Kiêu nói:

- Con học nghề cũng được mà, nhanh ra trường, đi làm để đỡ ăn bám mẹ. Còn nếu...

- Nếu làm sao?

- À, dạ không ạ... con chỉ định rằng nếu con có khả năng thi đại học thì tốt quá. Nhưng có cơ hội và thời gian con sẽ ôn để thi vào đại học.

Cậu định nhắc đến ước mơ làm công an của mình, đến ngôi trường mà cậu từng mong mỏi. Nhưng nhắc điều đó ở đây làm gì. Cậu đang phải sống nhờ, đã quá phiền hà mẹ nuôi rồi. Có thể, ông trời không cho phép cậu theo nghề cha, ông bắt cậu phải chịu những nấc thang đau khổ. Tâm trạng nặng nề này thể hiện sự bi quan của cậu trước tình hình. Ước mơ vẫn là ước mơ. Giờ đây cậu phải xếp ước mơ vào một chỗ.

Mẹ nuôi nghe vậy rất mát lòng mát dạ. Bà giục con ăn nhiều, ăn cho khỏe để có sức học tập. Hãy tìm về nơi con đã ra đi, nếu còn người thân thì hãy nói con đang rất ổn, và sắp được đi học.

Kiêu rất thích ăn những món mẹ nuôi nấu. Nó không giống những món bà vẫn nấu. Nó khác một trời một vực. Dù vậy, cậu không có ý chê những món của bà. Bà chỉ có rau dưa, mà cậu vẫn cao lớn đấy thôi. Ngược lại, cậu rất muốn sống bên bà, rất nhớ. Ngày bà mất, cậu đã đau khổ biết nhường nào. Giá giờ bà còn sống, sẽ rất vui khi thấy cậu có thêm một người mẹ tốt.

Như đã nói, Kiêu coi mẹ nuôi là một thiên thần trong bếp. Mỗi khi bà vào bếp, múa may trên dao thớt và bếp núc, mọi thứ liền được đánh thức và ca vang bài ca của chúng. Bài ca màu sắc, hương vị, trong đó còn có sự nhún nhảy của lửa, của một tâm hồn điệu nghệ am hiểu các món ăn.

- Mẹ hy vọng là con sẽ thích sống bên mẹ, thích ngôi nhà


của mình.

Kiêu đôi chút ngạc nhiên:

- Con biết mà mẹ. Chẳng thứ gì có thể sánh được với tình yêu của mẹ dành cho con trong lúc này. Con rất thích và cảm thấy sung sướng khi sống bên mẹ.

Câu nói này, chắc chắn là cậu đã học được trong phim ảnh. Tâm hồn cậu vốn rất trống trải, tan hoang, chẳng còn một khái niệm nào ngọt ngào tồn tại trong đó. Thế mà lúc này cậu đã thốt ra được lời lẽ ấy chứng tỏ tâm hồn cậu đã được nạp thêm.

Vì điều này nên người mẹ nuôi rất vui mừng. Bà nhìn cậu con nuôi đầy mãn nguyện. Kiêu ngày càng nhận ra bà có nhiều nỗi buồn. Ngày nào, hai mẹ con cũng vui vầy bên nhau. Vì cậu con mà bà bớt thời gian ngồi thất thần bên phông vẽ. Bà muốn có thời gian tâm sự với con trai. Cũng muốn “đôi tay thiên thần” của mình nhún nhảy trong bếp, khơi dậy mùi thơm của món ăn.

Bà Hát đưa Kiêu ra bến xe để cậu về quê, xin lại tấm bằng. Chuyện xin đi học Trung cấp nghề bà đã giải quyết ổn thỏa. Kiêu sẽ trở lại quê hương bản quán của mình mà một năm trước cậu ra đi. Sẽ là một cuộc hồi hương của đứa trẻ tha phương, còn khao khát nhớ về nguồn cội. Bà dặn đi dặn lại con đi hãy cẩn thận. Về thắp hương cho bà, rồi mau chóng trở ra. Đường chỉ khoảng sáu mươi cây số, đã là xa với cậu nhóc. Bến xe nhộn nhịp, vô vàn số phận và những khuôn mặt. Có lẽ, ở những bến xe, hội tụ nhiều khuôn mặt nhất, với đầy đủ những số phận, những cuộc mưu sinh vật lộn. Cho nên, rất thuận tiện cho những ai muốn liệt kê khuôn mặt, đánh giá tình hình của một đất nước. Kiêu ngoan ngoãn vâng, xốc lại túi xách có ít quà biếu người đang giữ bằng của cậu. Ổn định ngồi trên ô tô, cậu không ngừng nghĩ đến chân trời mà mẹ nuôi sẽ bố trí để cậu bay. Cậu muốn hét lên “Tôi đang có chân trời và sắp sửa bay lên”. Tuy nhiên cậu chưa hình dung ra mình sẽ vỗ cánh thế nào, lên được tầm cao bao nhiêu. Cậu sẽ sống sung sướng hay chịu thêm sự thiệt thòi nào. Cậu nghĩ rằng, mình đang là một con cá. Con cá có thể tự do bơi trong dòng nước của nó, nhưng có thể một điều không may xảy đến, cá lên thớt bởi dòng điện con người nhẫn tâm gí xuống nước tiêu diệt chúng. Không, chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều. Hãy cứ để dòng đời dẫn dắt. Có ai bắt được sao trên trời đừng sáng, hay sai khiến được sự lung linh của
vầng trăng.

Lúc này, niềm vui với cậu đang mênh mang.

Ô tô ì ạch gần hai tiếng đồng hồ thì dừng nơi bến đỗ quê nhà. Đi qua một đoạn đường đồng nữa là về đến nhà. Trời đang cuối hạ. Những cánh sen sắp sửa tàn. Ruộng lúa mới cấy hôm nào mơn mởn trong nắng nhẹ và gió thoảng. Lòng Kiêu xênh xang. Nỗi niềm này dành tha thiết với quê hương. Này nắng, này cây, này quê hương và những gì gần gũi. Hôm nay ta trở về đây, ta rất nhớ. Có điều ta chẳng thể làm gì để mọi thứ đẹp hơn. Ta chỉ là ta, một kẻ đã từng khổ và cầu bơ cầu bất, nay dám xin dâng nỗi niềm này, rất nhỏ là ta rất yêu quê. Ở quê, dù có hình ảnh đau khổ về mẹ ta, về người bà tội nghiệp đáng yêu vô vàn của ta, nhưng ta vẫn luôn hướng về. Ta vẫn nhớ đây là nơi chôn nhau cắt rốn. Rồi sẽ có một ngày mẹ ta quay về. Mẹ không chết, thì ắt hẳn sẽ có một ngày quay về tìm ta. Ta có linh cảm như vậy, một cái gì đó được khẳng định là tình mẫu tử. Cùng với tâm trạng này là nỗi sợ hãi. Cậu vẫn còn một mối thù với thằng Rõ. Gia đình nó có đến tính sổ với cậu không? Còn đôi bò của anh Tôn. Cậu đã làm mất gia tài của anh, giờ còn mặt mũi nào nhìn anh nữa. Nghĩ đến con mắt của thằng Rõ, tự nhiên thấy lạnh dọc sống lưng. Cậu nghĩ lại, đã một năm trôi qua, hẳn là sự thể đã lắng xuống. Hận thù rồi cũng phải giải quyết. Hơn nữa, cậu không thể mãi mãi lẩn trốn quê hương không về. Đêm qua là một đêm với nhiều dằn vặt. Thôi phải vui lên, cậu nghĩ, không biết Quê giờ ra sao nhỉ?

Chẳng bao lâu Kiêu đã về đến làng. Cậu mau chóng tìm Quê trước. Lúc này, chắn chắn Quê không đi đâu xa. Ngày đó cô đã nói mình sẽ gắn cả đời với đồng ruộng và những đầm sen vì “giấc mơ đại học của tớ đã bị thiêu rụi”. Gia đình Quê khá giả, bố mẹ cô lại có một chế độ khắc nghiệt đối với con cái. Nhất là chuyện cấm cô chơi với một đứa con như Kiêu. Quê từ bỏ ước mơ làm cô giáo, cô bị gia đình giết chết ước mơ đó, tuyệt nhiên không còn có thể
cựa quậy.

Chơi với Kiêu, Quê chẳng những nhận được sự ngăn trở của bố mẹ mà các bạn cũng nhất loạt dè bỉu. Chuyện còn được thêu dệt và bay về Ban Giám hiệu nhà trường. Thầy hiệu trưởng nói trên loa trong buổi chào cờ tỏ rõ quyết tâm phản đối tình yêu tuổi học trò, loại tình yêu chíp hôi. Thầy thể hiện quan điểm “Yêu tuổi học trò là tình của lũ chíp hôi”. Khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi” dán khắp nơi. Tuy không ai căng cái biển “Cấm học trò yêu” nhưng mọi người vẫn ngầm hiểu là có quy định khắc nghiệt này. Thầy chẳng những nói với học sinh trên bục giảng rằng phải đến khi ra trường thầy mới yêu. Mà đã yêu là tư tưởng cưới luôn, không có sự phản bội, không cần tính toán mất thời gian. Thời gian để học và nghiên cứu. Thời sinh viên thầy cũng dứt khoát không yêu. Thầy còn đem chuyện đó làm bài học kinh nghiệm trên buổi chào cờ, biến nó thành một buổi thuyết giảng về tình yêu và tem mác của những người tham gia yêu. Tất nhiên có rất nhiều tiếng thở dài, kèm theo bề bộn sự phản đối của học sinh. Những tiếng xì xào đó chỉ trời mới rõ, còn với thầy, nó biến thành lời thì thào của gió thôi, để thầy cứ an tâm mà thuyết giảng. Chuyện của Kiêu và Quê được thầy trân trọng dẫn dắt ra đây. Cũng là lời cảnh cáo. Hai cô cậu bịt mặt xấu hổ. Đương nhiên trở nên nổi tiếng, dù hai người vẫn nói mình trong sáng. Quê hận thầy hiệu trưởng. Kiêu cũng vậy. Ý nghĩ trả thù đã từng bốc lên đầu cậu, nhưng nó đã xẹp xuống trước sự phản đối của Quê. Quê dứt khoát được chuyện đó, nếu không hậu quả khó lường. Quê bảo: “Cậu làm vậy, sẽ mất hết tất cả đấy. Còn ảnh hưởng đến cả bà nữa”. Cậu không muốn ai động chạm đến bà, đành nguôi.

 

Kiêu thấy Quê đang mải mê giặt áo quần bên cầu ao, cậu vô cùng sung sướng, tim rung lên rung lên. Ngôi nhà hai tầng quét ve xanh đỏ vắng hoe. Quê ngạc nhiên về sự xuất hiện đường đột của Kiêu lúc này. Chẳng bao lâu giọng nói của cô đã trở nên thảng thốt. Cô nói trong bùi ngùi.

- Cậu đã đi đâu thế hả Kiêu? Chắc là vất vả lắm. Cậu vào nhà uống nước đi nào. Trời ơi, tớ đã không biết cậu đi đâu và nghĩ rằng cậu sẽ không bao giờ về nữa.

- Được rồi, từ từ Kiêu sẽ kể. Có ai ở nhà không?

- Không, mọi người đang ở lò gạch.

Quê bỏ lại những gì đang dở dang để vào với bạn. Kiêu nhìn bạn từ đầu đến chân, thấy bạn gầy hơn, chín chắn hơn sau chừng một năm không gặp.

Kiêu thấy quá ư khó xử, chẳng lẽ không gặp. Ý nghĩ đồng loạt bùng nổ.

- Quê gầy đi nhiều quá, nhưng có phần xinh ra đấy.

- Cậu chỉ đùa thôi. Tớ chẳng gầy đi nhiều lắm đâu, chỉ đen đi thôi. Kiêu về thăm tớ đấy à? Mà cuộc sống của cậu giờ thế nào?

Quê sốt sắng hỏi. Kiêu vui mừng:

- Rất tốt Quê ạ. Giờ tớ đã có một bà mẹ nuôi tuyệt vời. Tớ về đây là để xin lại cái giấy chứng nhận tốt nghiệp gửi anh hàng xóm. Tớ đã nói để mẹ nuôi yên tâm là có bằng trong tay rồi. Tớ sẽ cầm giấy đó đến trường xin bằng. Chẳng biết các thầy có cho không. Cậu lấy bằng chưa?

- Bố tớ lấy hộ rồi. Còn của cậu, chắc người ta không dám giữ đâu. Yên tâm đi.

- Ừ, tớ chẳng ngán. Không đưa, tớ làm ầm lên cho mà xem.

- Cậu vẫn cừ như xưa.

- Là Kiêu mà. À, anh cậu thế nào, chắc còn hận tớ lắm. Mắt của anh ấy hỏng phải không?

- Ờ - Bụng Quê quặn lại, cũng bởi vì điều đó mà gia đình đã chì chiết cô quá thể, vì cô chơi với kẻ láo xược, cõng rắn về cắn gà nhà. Cô tiếp:

- Anh ấy bị hỏng một mắt. Độ đó hận cậu lắm, nếu cậu không trốn đi mà để bố tớ bắt được thì không biết sự thể sẽ thế nào. Giờ cũng nhạt đi rồi, ai cũng độc mồm độc miệng nói cậu đã chết. Giờ thấy cậu, tớ mừng lắm.

- Sao mà chết được - Kiêu cười - tớ còn phải sống để tìm mẹ mà. Tớ bây giờ vi vu lắm, sẽ được đi học, được sống ở thành phố hẳn hoi.

- Ừ, cậu hóa may đấy. Ông trời đã nhìn nhận lại.

- Tớ cũng nghĩ vậy!

- Cuộc sống giờ quá ư nhàm chán, muốn đi đâu đó một thời gian, nhưng bị bố mẹ cấm cung.

Uống cốc nước chè Quê rót, Kiêu tự động rút lui trước, hẹn đến tối sẽ nói chuyện nhiều hơn. Còn cậu phải đi tìm anh Tôn hàng xóm. Hiện anh đang trông nom, cai quản phần đất của bà ngoại để lại. Quê gật đầu.

- Thế cũng được, cậu cứ sang bên đó, tối quay trở lại đây, chúng mình đi dạo. - Quê nói.

- Ừ, Quê dọn dẹp đi nhé, tớ sẽ quay lại. Tớ rất sợ phải gặp mặt bố và anh cậu.

- Cứ bí mật thôi, sẽ chẳng ai để ý đâu. Cậu lấy được bằng là đi luôn à?

- Phải. Tớ sẽ đi luôn, thế nhé.

- Kiêu đi đi.

 

Nhà anh Tôn trống hoác. Anh Tôn đang dọn dẹp chuồng cho lũ lợn. Chúng đến bữa chưa được thỏa cơn đói đang réo ầm ĩ. Lũ con của anh đang ỏm tỏi cửa nhà. Nhìn là biết anh Tôn vất vả thế nào. Anh dừng tay, nhìn từ đầu đến chân cậu em, hỏi han tình hình, sức khỏe và rót nước cho cậu uống. Xong anh xin phép đi “tiếp” lũ lợn trước cho chúng khỏi kêu, rồi sẽ tâm sự sau. Kiêu rất đỗi thông cảm.

Lũ lợn đã được ăn và trả công chủ nhà bằng không khí bình yên. Anh Tôn rửa tay chân, bước ống thấp ống cao, vơ vội đống quần áo giăng ngoài chiếc ghế nhựa ấn vào trong buồng. Cái niêu nhỏ giữa nhà cũng được anh dùng chân gạt gọn vào một bên. “Bừa bộn quá, nhà có con mọn mà”. Anh than với Kiêu vậy, cầu mong thông cảm. Kiêu xua đi “Chẳng sao đâu anh. Khi các cháu lớn là đâu vào đấy thôi mà”. “Chẳng biết tốn bao cơm gạo nữa thì chúng mới lớn”.

Lúc này anh Tôn mới có thời gian để nhìn kỹ cậu em hàng xóm. Tuy không máu mủ gì, nhưng anh nhận được sự ủy thác của bà ngoại Kiêu khi còn sống. Tính tình anh rất đỗi mộc mạc cho nên Kiêu cảm thấy như được về nhà mình. Ngôi nhà tranh ngày đó đã cháy sụm rồi, chỉ còn chút dấu tích hoang sơ ở vườn kia. Cậu nhìn nó, thấp thoáng hình ảnh của mình thời tuổi nhỏ. Lũ con anh rí réo bên cạnh, vừa ngấu nghiến gói kẹo cậu đưa làm quà. Cậu ở nhà anh ăn tối. Anh Tôn bắt con gà làm thịt. Chọn con to nhất cũng được hơn một ký, hơi gầy. Kiêu cầm dao cắt tiết. Vui vẻ thế này là tốt, ăn là ăn cái tấm lòng của nhau.

Bữa cơm rổn rảng với hai vợ chồng anh Tôn và những đứa con. Đã lâu cậu mới được ăn rau dền nấu canh. Mùi vị của rau dền đậm đà chất quê không thể giấu giếm. Nó cho mỗi ai yêu tuổi thơ và có một tuổi thơ những ký ức đẹp. Như là các bạn vậy.

Lúc này, Kiêu thực sự mới được thốt lên nỗi niềm của mình. Câu chuyện đang ở đoạn thân tình. Ngoài kể những chi tiết dẫn dắt cậu ra phố rồi gặp người tốt thế nào, cậu nhắc đến đôi bò. Giọng bùi ngùi:

- Em rất tiếc, ngày đó em chạy trốn, đã để anh chị mất đôi bò.

Anh Tôn gạt đi:

- À, ôi, không hề gì, không hề gì. Không mất mà, không mất. Anh chị đã tìm thấy. Người ta cho xin, chỉ mất tí tiền hậu tạ thôi, em đừng áy náy.

Chị vợ cũng ào ào xoa dịu sự áy náy của Kiêu:

- Chú em đừng lo gì. Xong rồi, đôi bò đó anh chị cũng đã
bán rồi.

- Vậy thì tốt quá! - Kiêu thấy nhẹ bẫng người, như người ta gỡ hòn đá nặng trên vai cậu ra - Em đã rất lo là cả gia tài của anh chị dồn vào đôi bò đó, hú vía.

- Hú vía gì chứ! Nhưng đối với thằng Rõ thì nên đề
phòng đấy.

 

Trăng lên vành vạnh và gió đồng thổi vi vút. Kiêu lò dò đến ngõ nhà Quê, bằng đôi chân đã khỏe mạnh, rắn đanh của mình. Quê đợi từ lâu, tóc gội lá bưởi, chải mượt.

- Đừng to tiếng, anh tớ ở nhà. - Quê nói.

- Quả là tớ có chút sợ đấy, chẳng may anh ta bắt gặp. Dù sao tớ cũng phải xin lỗi Quê về chuyện này. Vì tớ mà cậu thiệt thòi nhiều quá.

- Tớ sinh ra để chịu thiệt thòi mà. Mà không nhắc chuyện buồn nữa. Đi thôi.

Hai người gợi ý sẽ ra bờ sông ngồi. Trên đê, không khí sẽ làm cho lòng cả hai dịu lại và hơn hết là được sống lại cảm giác
ngày xưa.

Kiêu và Quê thấp thểnh bước, có ánh trăng soi đường, có má lúm đồng tiền của Quê lung linh. Hương thơm từ mái tóc Quê phả ra, ngàn ngạt.

- Tớ xin lỗi Quê, vì tớ mà cậu phải chịu nhiều ấm ức. Nếu không, đã có thể thi đại học, chứ chẳng khổ như giờ. - Kiêu nhắc lại chuyện đó.

- Thôi được rồi, đừng nhắc lại nữa. Hãy phấn chấn lên!

Câu nói của Kiêu khiến cô gái đứng lại. Cô không thích bạn mình nói như vậy. Không phải vì cô, cũng chẳng phải vì cậu. Nhưng là vì cả hai. Vì sự hy sinh. Quê hỏi:

- Cậu có hối hận vì chơi với tớ không?

- Quê hỏi gì lạ vậy? Có Quê là bạn, tớ có niềm vui sống trong đời. Nếu không thì bạn biết đấy, tớ chỉ sống trong nỗi cô đơn thôi. Quê vẫn là một người bạn thân, dù đi đâu tớ vẫn nhớ.

- Ừ, phải rồi. Tớ cũng vậy và giờ thì chúng ta phải nghĩ khác thôi. Không khác cũng chẳng được. Tớ đã mang án vào thân rồi.

- Thật bất công cho bạn quá!

Đã đến đoạn đường đê quen thuộc. Nơi đó có cây đề tươi tốt. Trăng chênh chếch trên trời. Hai người ngồi xuống cạnh nhau. Lúc này, ngoài sự run rẩy và hồi hộp của đôi tình yêu cũ, họ còn bị sự ngượng ngùng nuối tiếc chen lẫn. Nếu không là những gì khác ngoài sự tình nguyện, tươi trẻ của hai con tim, thì biết đâu, tình yêu đẹp của họ vẫn đang tiếp diễn, để bớt đi đoạn đường lưu lạc của chàng Kiêu. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra rồi, không theo ý muốn của ai. Ngày đó, chuyện của hai người còn là đề tài rất được chú ý trong trường học. Học sinh trong trường nhìn họ với con mắt xỉa xói, moi móc, khinh bỉ. Nơi nào có bóng dáng họ đi qua, lũ học trò cũng tìm thấy một sự ô trọc.

 

- Quê chẳng ngờ mọi chuyện có thể xảy ra đến buồn nản như vậy. Tớ đã từng nghĩ nếu gia đình cậu không có những chuyện buồn xảy ra thì tình cảnh của hai đứa đã khác.

- Dù muốn thì chúng mình cũng không thể cưỡng lại được mà. Trong mắt mọi người, tớ chỉ là con của một người cha chết vì bọn tội phạm, con của một người mẹ đã bỏ đi.

Quê lấy tay che miệng Kiêu:

- Đừng nói thế. Không bao giờ cậu được phép nghĩ như thế.

- Tớ chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ mất bố, nhưng đã mất hẳn. Còn mẹ thì lúc nào cũng muốn đợi chờ. Tớ tin mẹ còn sống và nhất định sẽ trở về. Bởi tớ cảm nhận được rằng mẹ đang ở xa và rất muốn về tìm con trai. Ngày trước, tớ rất ngại nói đến chuyện riêng tư của gia đình. Giờ có thể nói rõ cho Quê hiểu, nhưng không phải lúc này. Dành dịp khác nhé.

- Được rồi, chỉ cần cậu còn tin tưởng ở tình bạn này, ngoài ra còn chút gọi là tình yêu nữa. Quê sẽ đợi chờ ngày đi làm dâu nhà người. Điều này bố mẹ tớ quyết định. Tớ không có quyền định đoạt đời mình. Thật nản quá.

Kiêu thốt lên:

- Sao lại có thể như vậy được. Giờ là thời nào rồi?

- Tớ biết. Và chắc mọi người cũng biết. Nhưng tất cả lại muốn định đoạt tớ.

- Như vậy càng khổ cho Quê.

- Quê biết, nhưng vẫn phải chấp nhận thôi.

- Không thể như thế được!

 

Không thể như thế được! Vậy thì Kiêu sẽ làm gì để giúp bạn đây? Đưa bạn đi trốn hay dũng cảm đến trước mặt bố mẹ Quê và nói với ông bà ấy rằng tôi sẽ lo liệu được cho con gái ông bà. Hoặc là bằng một cách cực kỳ thông minh nào đó để giải quyết ổn thỏa. Ở khía cạnh của người lớn thì Kiêu còn là một đứa trẻ, hai bàn tay sạch bong không chút tin cậy. Vậy ai dám đặt số phận của con gái họ vào tay một kẻ trắng tay? Không bao giờ.

Hơn một năm trước, khi còn ngồi trên ghế phổ thông, Kiêu đã từng nói như vậy trước mặt bố mẹ của bạn gái “Cháu yêu Quê và sẽ cưới làm vợ. Chúng cháu yêu nhau thực lòng, mong hai bác tác thành”. Họ rõ mười mươi hoàn cảnh của Kiêu, tất nhiên lời thỉnh cầu đó theo họ chỉ đáng nhận sự dè bỉu. Không được chấp nhận, lại còn chịu nhục mạ, Kiêu quay về trong nỗi ê chề, hận đời, gay gắt hận người.

Quê là người phản đối kịch liệt quan điểm của bố mẹ, cũng đả kích thái độ của hai người đối với Kiêu. Cậu không đáng bị đối xử như thế. Rốt cuộc, cha mẹ bắt cô con gái phải lựa chọn hoặc là gia đình, hoặc là người yêu. Kiêu không muốn Quê vì mình mà khổ. Đêm đó, hai người ở bên nhau, nhưng chẳng may có người nhìn thấy. Lời đồn thổi nhanh như tia chớp, làm rùm beng tất cả, khiến cho cô cậu phải tan tác, nản lòng trước cuộc đời. Nhà trường được dịp thuyết giảng trên buổi chào cờ vào thứ hai đầu tuần. Vẫn là đề tài cũ: cảnh cáo đôi nhân tình điếc không sợ súng. Họ dọa sẽ đuổi học cả hai. Nhưng gia đình đã xin được. Ban Giám hiệu bắt cô cậu phải ký vào bản cam kết sẽ không để chuyện tương tự tái phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của nhà trường. Bố mẹ Quê cấm cô không được qua lại với Kiêu. Vì chuyện này mà bà ngoại Kiêu đau đầu. Người ta nói đến tai bà, đúng vào dịp bà lâm bệnh. Bệnh nặng càng nặng. Bà đã không qua khỏi. Kiêu điêu đứng và vật vã sống.

 

Trăng đỗ thẳng trên đầu, tràn vào từng kẽ tóc. Gió rười rượi thổi trườn qua mặt đê. Kiêu thấy hơi lạnh sương đêm đang liếm lên mặt mình. Không ai muốn về, tay họ gần như đang ôm lấy nhau. Do Kiêu chủ động, chỉ Quê khiên cưỡng đẩy ra, đối với sự nhiệt tình của Kiêu, cô không thể cưỡng.

- Kiêu rất nhớ năm tháng học phổ thông.

- Tớ cũng vậy. Chắc chẳng bao giờ tớ có được những ngày tháng đẹp như thế nữa. Giờ thì chúng ta phải về thôi. Muộn rồi. Chúng ta vẫn phải sống. Kiêu hãy sống tốt lên nhé.

Trăng lọt đầy trong mắt Quê. Trăng chảy tràn không gian thơ mộng. Trăng nói lời của trăng, gió nói lời của gió, người tha thiết nhau nói dịu ngọt về nhau. Kiêu thấy rõ. Trăng vô tình làm đẹp Quê lên, bội phần 2301 . Lúc này cậu muốn ôm chặt lấy Quê, thật chặt để đừng xa nhau nữa. Nhưng không, sẽ lại làm khổ cô ấy thôi, cậu nghĩ, cô ấy cần được bình tâm lại, để cố ép mình làm theo những gì ngang trái mà bố mẹ cô đã sắp xếp, phần cậu là phải sống tốt như những điều cô ấy nói.

Hai người đứng lên dẫn nhau về. Trăng soi cho chân họ bước.

 

Hôm sau đó tuy chưa phải là ngày nhập trường nhưng trường đã có người làm việc. Thầy giáo phát bằng là người trong Ban chấp hành Đoàn trường. Ông ta hỏi cuộc sống hiện giờ của Kiêu, chỉ vậy thôi rồi đưa bằng, bảo cậu ký và ra về. Khuôn mặt ông già hơn trước rất nhiều. Ông thầy vui tính nhất trường, rất được học sinh quý, lúc Kiêu về còn chủ động đưa tay ra bắt.

Xong xuôi, hôm sau nữa Kiêu trở lại phố với mẹ nuôi. Cậu thấy một điều mình làm chưa ổn, đó là việc đối xử với Quê. Cô đã chịu nhiều áp lực và thống khổ. Là con gái hẳn khó sống trong hoàn cảnh này. Cậu có lỗi hoàn toàn, tâm trạng day dứt khó tả. Nhưng mãi mãi đó là một điều bất lực, ngoài sức của cậu. Kiêu không thể là một anh hùng để cứu Quê ra khỏi tình trạng này.
Cậu hét lên “Tôi ơi, tôi đã hại người”. Chắc chắn cô sẽ nghe thấy cậu nói.

Mẹ nuôi đang ở nhà. Những người bạn hôm trước lại xuất hiện. Họ làm cho ngôi nhà bả lả tiếng cười. Họ nói nhiều chuyện, ngang nhiên chuyện dạy và học trong nhà trường hiện nay. Chín mươi phần trăm sinh viên chẳng tha thiết nhiều đến chuyện học mà quan tâm đến chuyện khác. Vẫn những bài học cũ, phương pháp cũ. Cả giáo viên và giảng viên đều lười nhác áp dụng phương pháp giảng cũ kỹ là độc diễn một mình, đọc cho học sinh chép rồi kiểm tra những thứ mình đã cho chép đó. Sau là chuyện học sinh mơ màng trong trống rỗng về văn và sử. Lũ học sinh ngu ngơ với lịch sử dân tộc mình. Lũ sinh viên ngơ ngác mơ hồ với dân tộc mình. Một người nói theo thống kê thì ba phần tư số sinh viên đại học chẳng nắm rõ những tư liệu sử học cơ bản nhất. Vậy thì lý do là đâu?

Vấn đề tiêu cực trong thi cử cũng được họ chi tiết thảo luận. Lại dẫn ra những ví dụ cụ thể ở trường hợp, Y, Z…Hóa ra, con người ở môi trường nào cũng có thể tốt xấu. Thời nào cũng có thể có quân tử và tiểu nhân. Mẹ nuôi thở dài về vấn đề dạy và học. Cho nên bà rất vui vì mình đã từ chối lời mời mọc mấy hôm trước. Nhưng bà không muốn động chạm đến mấy bà bạn của mình. Họ đang có công việc của họ, sở thích của họ, cuộc sống và cả ham muốn của họ nữa. Không đủ thu nhập cho cuộc sống thì phải nghĩ ra cách nào đó để có thêm. Tội này không phải lũ sinh viên gây ra nhưng chúng có trách nhiệm phải gánh chịu. Phải bổ đầu chúng ra. Mà chúng phần lớn là con nông dân, cày cục ruộng vườn, mồ hôi nước mắt để chắt chiu cho con cái ra phố học. Thì cũng là một hình thức bóc lột. Và, chẳng phải người nông dân đã bị bóc lột đến máu xương của mình hay sao?

Sau này, Kiêu nhận ra rằng chỉ có đến với mẹ nuôi, những người đàn bà kia mới có cơ hội để xả ra hết bức bối trong mình. Bản thân họ cũng nhận ra điều tồi tệ đang tồn tại trong mình. Nhưng không có cách nào tốt hơn là nên vui vẻ, chẳng lẽ để tẻ nhạt lấn át. Còn mẹ nuôi, cũng chỉ muốn giữ thêm mấy người bạn cho cuộc đời có thêm tiếng nói cười và để rồi có thể rủ nhau đi đâu đó cho vui.

Chẳng lẽ đóng cửa mãi tâm hồn, cho dù đã có con nuôi.

Kiêu có ý đi tìm cô điếm hôm nào. Cô điếm tên Liễu trong công viên nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cô đâu. Tâm trạng mình xao xác, như khi chia tay Quê ra về. Hôm đó ra xe, Kiêu đã không đến tạm biệt Quê. Cậu sợ sẽ gặp lại người thân của cô để rồi sự khó xử lại xảy ra. Đêm trước ngồi dưới trăng, cậu đã chúc cho cô sống tốt. Hãy nhớ lại quá khứ của mình đề lúc nào đau đớn, tủi buồn thì lấy đó là một động lực. Kiêu sau đó hiểu rằng, mình không có quyền nói như vậy. Nhớ hay không là do Quê. Bởi vì cậu đã làm cô khổ và hiện tại chẳng giúp được gì. Với Liễu lúc này, cậu cho phép mình nhớ. Cậu cho phép mình không được ghẻ lạnh với cô. Sự xuất hiện của một đối tượng người như thế không làm cậu khó chịu hay ngạc nhiên. Đối tượng đó tồn tại như nhu cầu tồn tại của con người.

Thời gian không quá chậm chạp. Kiêu không muốn ôn tập lại để có thể dự thi. Muốn dự thi đại học thì phải chờ năm sau. Cho nên cậu quyết định sẽ học nghề, theo sự sắp xếp của mẹ nuôi. Với cậu được đi học là một may mắn vĩ đại.

Trường cậu nhập liên quan nhiều đến công nghệ thông tin và kinh tế. Việc thành lập ngôi trường được nhất trí trên quan điểm và nhu cầu của nền kinh tế đang mở cửa của đất nước. Người được đào tạo trong ngôi trường sẽ là những công nhân lành nghề, được trang bị vốn hiểu biết tối thiểu để điều khiển được máy tính hiện đại. Ngôi trường không quá to nhưng mới mẻ và thoáng sạch. Ngày đầu tiên đến trường là ngày cậu hạnh phúc nhất. Sung sướng như ngày ăn nằm với Quê, như ngày sà vào lòng mẹ nuôi mà cảm ơn, mà khóc, như giấc mơ cậu vẫn hằng mơ về người mẹ đẻ đang lưu lạc. Mẹ nuôi muốn cậu học tốt, hòa nhập cùng bạn bè. Vì thế mẹ dặn rất kỹ trước khi cậu đạp xe đến trường. Lớp toàn con trai, chỉ năm cô gái được mệnh là công chúa trong đám hoàng tử. Các chàng trai quan sát và cho nhận định như vậy.

Kiêu ngồi cạnh một chàng trai. Cậu ta bắt tay và không ngần ngại giới thiệu để làm quen. Hóa ra cùng quê với Kiêu, chỉ khác huyện. Lúc sau hai người đã có thể thoải mái nói chuyện. Kiêu không còn muốn khép mình như trước, cái miệng đã hoạt bát hơn, không im ỉm đóng, và nhất là ý nghĩ đã bắt đầu thông thoáng. “Cuộc sống cần mấy người bạn thân”. Bà ngoại ngày xưa dạy cháu vậy, cậu vẫn nhớ như in.

Một người bay cần có chân trời. Chân trời của Kiêu chưa rõ hình hài, nhưng nó đang ở chiều hướng tích cực. Nó sẽ dần dần mở ra. Cậu sẽ bước vào tương lai tươi sáng đó. Ở đó là nước mát, là thiên đường, là bả lả cười, là hân hoan, là đích đến của ham muốn. “Mình thấy cần phải sống tốt hơn thật. Đúng là phải sống tốt hơn”. Kiêu nghĩ, và quyết tâm bồi bổ cho niềm tin của mình. Cậu không ngừng nghĩ đến bà, đến mẹ. Bà chắc sẽ vui lắm, bà nhỉ, khi thấy cháu được đi học như những bạn bè khác. Rồi cháu sẽ có công ăn việc làm. Mẹ nuôi rất tốt với cháu, đối với cháu như con đẻ! Mẹ nữa, nếu mẹ nghe thấy con nói thì hãy tìm về với con nhé. Con đã dặn anh Tôn rồi, anh có địa chỉ hiện thời của con. Hãy tìm con sớm nhé.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83352


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận