Khi Vết Thương Nằm Xuống Chương 8


Chương 8
Chuyện về anh Tôn vừa buồn cười vừa đáng thương. Nhưng đáng thương nhiều hơn.

Đêm trước khi tạm biệt, Kiêu đã nghe được chuyện anh kể. Nó hấp dẫn hơn bất kể đề tài nào khác cậu thường nghe. Chung quy lại, vẫn là chuyện mưu sinh. Hai anh em sau hồi rượu, đã lôi nhau ra đê ngồi, gần đoạn đê hôm trước cậu cùng Quê ngồi ngắm trăng. Rượu xong ngồi đầu gió cực nguy hiểm, nhưng hai người không để ý đến điều đó. Hai người cho phép mình được khỏe mạnh trước gió đêm và sương, cho phép mình được lãng mạn lần này.

Ôi cuộc sống, khi nâng lên đặt xuống ly rượu, Kiêu đã thốt lên “Sao nhiều nỗi vất vả thế!” Anh Tôn chỉ mỗi động tác là đưa tay lên đầu. Mọi khó khăn đến trong cuộc sống, anh đều đưa tay lên đầu đến nỗi, đôi lúc anh nhầm đầu mình với một mớ rơm.

- Em rất thích và nhớ trăng quê, anh ạ.

- Chú em có tâm hồn hướng nội mà. Nhưng chú đã ra phố


và gặp người mẹ nuôi tốt. Chuột sa chĩnh gạo rồi. Chú em phải
cố gắng.

- Em cũng thấy mình quá may mắn. Không gặp mẹ nuôi, em không biết sống thế nào. Biết đâu em đã là tay sai của thần chết.

Kiêu thở hắt một hơi, nhẹ người.

Anh Tôn đế thêm:

- Quá đúng. Quá may mắn. Còn anh... anh Tôn thở dài. Với người dân ở cái làng Vân Tị này, lên phố như chú em là một ước muốn. Bởi thâm căn cố đế làng làm nông nghiệp, lũy tre bao phủ, hủ tục hoành hành, dốt nát hạ nhục, nô dịch. Người dân suốt đời chổng “phao câu” lên trời làm lụng. Tôn trong làng, cảm thấy quá vất vả, là con tôm cái tép, là hạt bụi. Muốn làm gì đó khác đi cho gia đình nhờ, cho con vợ không biết đẻ thằng con trai nhờ. Nên đang cố tìm đường ra phố làm ăn. Anh ước mơ đổi đời, bóc cái vỏ nghèo nàn ném đi chỗ khác.

Nếu đầy đủ rồi thì anh chẳng muốn xa vợ con làm gì. Sống ở quê lay lắt cơ cực quá. Cái nhà là chỗ chui rúc của ngần ấy mạng mà cũng vá chằng vá đụp. Trưa vắng, ngồi ngâm nga cốc rượu nhạt, nắng mặt trời lọt qua mái, rọi vào chỗ vợ đang ngồi cho con bú. Bầu vú chằng chịt những gân xanh, chẳng biết thằng bé có mút được tí sữa nào. Cay đắng thay thằng đàn ông nghèo - Tôn đứng thẳng người vươn vai.

Im lặng một lát, anh tiếp:

- Lắm lúc anh còn gằn giọng chửi rủa cái thằng nghèo hèn là mình, chẳng có can đảm gì cho mở mày mở mặt dòng họ. Cũng vì cái thói thất học lâu đời nó dìm. Chứ một vài mống đầu đàn vượt được ra ngoài thì cháu con đời sau đâu đến nỗi…Anh bỏ rất nhiều đám, thân thiết lắm mới sai vợ đi thay còn mình viện lý do ốm. Biết rằng trong tiệc rượu, anh em sẽ lại nói này nói nọ. Mà anh thì chẳng muốn cất lời. Thì ra, người “thấp cổ bé họng” như anh ngày càng rụt rè. Phải đi thôi, ra khỏi làng mới đổi đời được!

Hai người ngồi gần nhau hơn. Kiêu thấy trong họng anh toát ra đều những lời tiêu cực. Chẳng lẽ ở quê khó sống như vậy sao? Chẳng lẽ cuộc sống đã hun đúc nên con người gần như cháy nắng và sôi sục nhiệt tâm muốn rời quê hương. Kiêu vỗ vào vai anh Tôn:

- Em ủng hộ anh. Anh hãy cố gắng lên nhé.

- Lời động viên của chú em làm anh rất phấn chấn, anh sẽ cố gắng. Anh phải nói với em là anh đã chuẩn bị để đi và đã đi rồi, nhưng đi nửa đường phải quay về. Anh không có cái may mắn được làm ở Hà Nội, ông trời bắt anh gắn chặt lấy cái mảnh đất nghèo này.

Đoạn này, anh thở dài. Tiếng thở dài của một người đàn ông não nuột đêm trăng. Anh bắt đầu kể về hành trình hôm đó, cái hành trình với chiếc xe khốn nạn, như lịch sử bắt nó phải vậy. Trong anh còn một nỗi tuyệt vọng ngun ngún phun trào, chỉ là anh muốn giấu vợ con. Chả lẽ là chủ gia đình anh lại tỏ ra là người tuyệt vọng nhất?

Anh nói:

- Anh tính toán ít nhất mất hơn một năm, tham khảo bạn bè chân cày tay cuốc vài tháng, rồi đề nghị với vợ. Vợ anh nghe chồng nói chí thú làm ăn vừa mừng vừa lo. Anh đang táo bạo nghĩ và làm, hơn hẳn chồng người khác. Nhưng vốn liếng ở đâu, và ra phố có mệnh hệ gì… Anh bảo:

“Anh sẽ đi chở hàng thuê cho người ta, lúc rỗi thì ra bán hàng thuê cho chú Sướng. Chú ấy bảo anh lên mà lại, bảo lãnh trăm phần trăm chỗ ở. Anh chỉ mất tiền điện nước thôi”.

Vợ anh không khỏi lo lắng khi nghe đến chuyện anh chồng cần phải có phương tiện. Nhưng điều đó được anh thỏa mãn bằng một câu hỏi dấp dính ngọt bùi:

“Nhà có con lợn nhỏ kia rồi, bán đi. Ngần ấy thóc ăn không hết, bán đi một ít. Ông nội cho vay một ít, ông ngoại một ít. Anh dồn vào mua con Simson của chú Cãi, thiếu bao nhiêu chịu. Con đấy còn khỏe, chở hàng tốt. Có vốn anh “lên đời” ngay, u nó đừng lo.

Vợ anh mừng rỡ, nịnh chồng bằng một cái thơm dịu dàng vào đám râu rậm rịt.

Thế rồi nhanh chóng, anh cũng “rước” về nhà được con Simson màu xanh. Loại này được cái khỏe mạnh, sáng sớm đi đường muốn đánh thức nửa làng khỏi cần gọi. Nhưng đó là ngày hạnh phúc nhất của cả hai vợ chồng. Còn hơn ngày cưới. Đám con nheo nhóc của anh cũng khỏi cần ăn dán luôn mình vào con xe này.

Chuẩn bị cho chuyến đi quả là hồi hộp và hết sức chu đáo. Anh quyết đi vào ngày mồng bốn khi đã hoàn thành việc chuẩn bị. Xe cũng đã tập được năm ngày. Chẳng có chuyện kiêng kị gì. Tối đó nằm bên vợ, anh cào cấu để sáng sau đi cho đỡ nhớ, có khi vài tháng sau mới lại về. Vợ chịu đựng, chiều chồng, hy vọng anh làm được điều gì đó để có thể làm cho cuộc sống của mấy mẹ con khác đi một chút, dù là bé nhỏ. Nhưng đêm đó trời không đẹp. Vợ anh lo ngay ngáy. Cả bà Cào mẹ anh cũng lo. Anh thì không. Anh nổi tiếng lì lợm. Ngày thanh niên, anh cùng mấy thằng bạn đi đào những quả mìn còn sót ở đồng Sòi. Quả mìn nổ, một người chết, người nữa mù mắt, còn anh bị thương ở đùi. Chữa khỏi anh lại đi, chẳng màng sống chết. Vậy thì thời tiết xấu chút ít có cản trở gì!

Anh quyết định đi vào sáng đó. Bà mẹ già phóm phém khuyên trời sắp mưa, đừng đi. Anh cáu, gắt: “U thì chỉ lo phỗng, sợ gì”. Bà già im bặt, không nói nữa. Vợ anh đấu dịu: “U chỉ lo cho anh thôi mà”. Anh mềm giọng: “Biết rồi, Con đã quyết”. Thế là anh đi, nhìn lại lũ con, người vợ, ngôi nhà xiêu vẹo. Trong lòng hừng hực khí thế. Chiếc xe nổ phành phành, gân guốc, sau khi anh đạp chân mấy nhát. Tiến!

Xe đôi khi phải trùng trình vì anh bóp phanh, bởi vì cũng gặp khá nhiều người đi đường. Vẫn chưa đến đường quốc lộ. Còn đến sáu cây số đoạn đường xóc nảy óc bong phổi. Chiếc còi đã chẳng thể gắt gỏng được nữa, dẫu cho anh bấm đến trầy ngón tay.

Ra đến đường quốc lộ, thênh thang rộng. Nhưng kèm theo sự thênh thang đó là nỗi lo về cơn mưa đang đuổi nhau trên trời. Mây màu xám xịt. Ý nghĩ miên man khiến anh suýt đâm vào hòn đá giữa đường. Bánh xe trẹo trọ.

Đang đi có vẻ êm, tự nhiên chiếc xe khực khực mấy cái như người sặc nước, rồi khựng lại không chạy. Ô hay, giở chứng à. Mấy ngày vừa rồi chạy thử có sao đâu. Anh nghĩ. Không phải hết xăng. Đã đổ đầy rồi. Chủ cũ bảo đổ đầy bình đi từ nhà lên Hà Nội vẫn còn khối. Thằng bán xe cho mình là em họ xa, chắc nó không lừa đâu. Trông mắt nó chẳng có chút gian xảo nào. Vậy thì sao nhỉ? Anh dắt xe vào lề đường, bỏ cái mũ bảo hiểm kềnh càng nặng nghẹo một bên cổ ra cho thoáng, hùng hục đạp. Nhưng sức mạnh của kẻ bất cần là anh, chẳng sợ ma quỷ nào cũng chỉ đủ làm cho chiếc xe run lên, khục khặc mấy tiếng rồi lại tắt ngóm. Anh lại đặt chân vào cần đạp, dùng hết khả năng để xem nó có chịu nghe lời. Có lẽ đến mười phút thì chiếc xe cũng chỉ run rẩy tội nghiệp, rên lên mấy tiếng như bản chất cũ mèm của nó. Anh thốt ra lời tục tĩu nguyền rủa chiếc xe, rồi an ủi mình bằng cách nhẫn nại và đi tìm hiệu sửa chữa. Lát sau tìm thấy.

Gã thợ đặt mình ở cái võng xếp, bàn tay múp míp xoa xoa vào phần bụng trắng hếu. Gã nhếch mép mỉm cười khi thấy một “Thượng đế” mệt mỏi dắt xe vào. (Trông quê mùa lắm đây). Anh nghĩ gã sẽ cho là mình quê mùa, vì xe cũ, rẻ tiền, chở đồ đạc lỉnh kỉnh. Cũng tại con mụ vợ, cứ tham lam chất cho chồng đủ thứ với những lời dặn dò khó nhớ. Cặp mép của gã chủ hiệu lún phún râu rung rinh.

“Gì hả bác?” Gã chủ hiệu hỏi.

“Anh xem giúp em với, đang đi thì chết máy”.

Anh dựng chân chống, gã chủ hiệu lấy chân đạp cái võng xếp ra một bên bằng bên chân với thao tác chẳng mấy thuần thục. Gã đưa chân vào, đạp thử mấy cái. Không nổ. “Để em thử cho bác” - Gã nói. Rồi gã sờ vào cái bugi.

“Bugi cũ bác ạ”!

Anh giật mình:

“Cũ? Em tôi bảo mới cơ mà?”

Gã sửa xe nhếch mép:

“Thì nó đang ở đây. Em có nói dối đâu.”

Gã lau bugi, nắp vào, lại đạp. Chẳng có kết quả gì. Bằng những động tác nhà nghề, gã nghe tiếng máy xình xịch, rồi bảo: “Cục nổ có vấn đề, để xem sao”. Gã lại hì hụi tháo cốp, kiểm tra cục nổ. Anh day dứt nghĩ về cái miệng kèm theo bộ lưỡi mỏng dính của thằng em họ. Rõ mười mươi bảo xe em đi còn “xịn” lắm, mới thay đều đồ tốt. Mẹ anh nói không sai, thằng mỏng môi có nốt ruồi to tướng án ngữ mép trái chẳng thể tin tưởng được. Anh bắt đầu thấy ân hận. Nhưng sự ân hận sẵn sàng được anh nuốt trôi để nhường tâm tưởng cho chiếc xe. Đã trót mua xe rồi thì phải quý nó, “nuôi” nó, chăm sóc nó nữa. Nếu không nó cứ giở chứng suốt đời thì chỉ có nước khóc mà chết mòn mỏi. Anh vung tay kéo cái võng xếp Duy Lợi ra ghé đít ngồi. Cái ngồi của anh có vẻ thô bạo quá mức cần thiết nên chiếc võng lại run lên. Chiếc võng run lên một lần nữa khi anh nghe gã sửa nói cục nổ của xe đã chết. “Cục nổ toi rồi, thay thôi”. “Vô lý, làm sao toi nhanh thế được, tôi mới đi từ nhà ra đến đây” - Anh tròn mắt.

Gã sửa có vẻ cáu: “Đấy là bác, còn người ta đã đi cả tỉ cây số, nát bét ra rồi”. Anh đành gật. Gã sửa tháo ra lắp vào. Cơn mưa đã đuổi tới nơi và hiện đang trút nước ào ào. Chó chết thật (lại chó chết), anh nhủ thầm. Cả chiếc xe và thời tiết đều phản bội lại sự háo hức của anh, sự mong đợi của vợ và con anh. Họ đều muốn anh đi an toàn sau khi đã tập luyện mất dăm ngày để điều khiển được nó. Là anh còn sáng dạ, có người tập mãi cũng không thể điều khiển được con xe khó tính. Để đi được, anh cũng phải đâm vào đống rơm một lần, bụi phôrô một và ngã ra đường một, sở hữu mấy lần trầy đầu gối và xước cánh tay. Những lặt vặt đó không làm anh sợ. Lũ con thì chắc chắn ở nhà sẽ tự hào nói với chúng bạn là bố chúng đi làm ở tận thành phố. Còn anh to tát hơn sẽ nghĩ ngay đến những đồng tiền để giúp cuộc sống bớt cơ cực. Dù sao thì sự mong đợi đó đang đốc thúc anh. Anh là đàn ông, trụ cột gia đình, chồng một vợ, cha của lũ con.

Gã sửa xe đã thay xong, lau qua bugi, xì khô rồi lắp vào, bảo “Bugi này em lau rồi, đi tạm lúc nào đó phải thay đi, không thì chết dọc đường đấy”. Anh không nói thêm gì, ảo não rút tiền ra trả. Chưa việc gì vào việc gì mà xe đã hỏng, còn đe dọa những hỏng hóc lần sau nữa. Ai mà biết cái đống sắt già nua này còn giở chứng gì nữa.

Cơn mưa có vẻ đã ngớt. Anh thở một hơi thật mạnh kêu gọi can đảm trong mình. Giũ vạt áo mưa vài giọt nước, anh ngồi lên xe. Giậm cần nổ. Chiếc xe khục khặc rồi tắt. Một, hai, ba. Anh dốc toàn sức để vận hành trong cái đạp thứ hai. Chiếc xe đã nghe lời. Bóp côn, vào số, ga nhẹ. Tiến! Nói gì thì nói, cơn mưa vẫn được gọi là đang vận động một cách tích cực. Đồ đạc chắc chẳng ướt nổi đâu. Người vợ đầy thận trọng của anh đã gói chúng bằng tất cả số áo tơi bóng mà trong nhà có. Người anh thì có áo mưa, ướt chút ít, lên tới nơi sẽ thay. Mưa và gió đang xé không gian lao vào mặt kia mà.

Anh lại lao vào một viên đá, bánh xe trẹo trọ, suýt nữa đâm ra lề đường. Hình như mình không được tỉnh táo cho lắm. Anh nghĩ. Cứ có cảm giác mắt bị hoa và đầu óc không tập trung vào việc điều khiển. Qua một đoạn đường khác. Đoạn này làm anh tỉnh hẳn và mắt buộc phải tập trung cao độ vào đường đi. Quá nhiều ổ trâu ổ bò. Đường quốc lộ vẫn thường xuyên có tai nạn. Lý do đường xấu và quá nhiều sự bất cẩn vãi ra. Đường được chắp vá lung tung chẳng ăn nhập gì với nhau, mỗi ngày một ít và chẳng bao giờ ăn nhập với nhau. Thành ra cả một cung đường huyết mạch Nam - Bắc là một sự chắp vá với nhiều vá víu kệch cỡm. Vài người dưới xã anh đã chết trong đêm khi chở rau đi chợ, vì lao vào cát sỏi đánh đống bên đường rồi bị ô tô tông vào. Đoạn đường tiếp theo thì oàm oạp nước. Nhà hai bên đường đã chặn lối thoát của nước và nó đang án ngữ trên đường. Đôi giày mõm ngóe của anh đã ọc ạch nước do vừa bị ngấm vừa bị nhỏ vào. Chẳng mấy chốc, chiếc giày bục chỉ, há mõm. Anh cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình. Sao lại xảy ra lắm chuyện trên đường đi thế cơ chứ. Những chuyện mà anh chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra vào lúc này. Bởi vì những vụn vặt đều đáng coi thường cả. Người ta đi làm đông tây, có sợ gì đâu.

Lại còn nghĩ đến những người trước đây từng đi làm. Họ có tiền mang về, đưa vợ. Cô vợ nào được thế cũng cười tít cả mắt. Họ lại có chút vốn liếng cất đi, mua sắm này nọ trong gia đình. Vớ được người chồng chịu khó thế cũng đáng tự hào. Lại không cờ bạc rượu chè gái gú càng tốt. Những gã đó có từng chịu cảnh như anh không nhỉ? Có người mang xe “ngon” đi, nhưng chẳng ít gã phải dùng loại “kích” hãng Simson như anh đấy chứ? Chắc chắn một điều là xe tốt người ta sẽ an tâm hơn, và sự cố ít khi xảy ra.

Đang say sưa nghe bà nói thì chiếc xe lao đao, chẳng thể giữ được thăng bằng nữa. Anh phanh được, chiếc xe dúi sang một bên. Anh dừng hẳn, tắt máy. Thì ra bánh trước bị xịt hết hơi. Anh hạ chân chống, kiểm tra. Một chiếc đinh con cong queo cắm qua lốp. Chắc chắn xiên thủng cả săm ở trong. Khỉ thật. Anh nguyền rủa chiếc xe khốn nạn, không thương tiếc nữa. Rút chiếc đinh ra, anh dắt xe tìm hiệu sửa.

“Vá xe hả?” Gã hỏi.

“Vâng, phải đinh. Giúp tôi với”.

Mặt anh nặng như bánh đa ngấm nước. Chỉ gã sửa là cười ngấm ngầm vui. Hai lỗ thủng và rất nhiều miếng vá cũ kỹ nữa đã dán lên chiếc săm từ bao giờ. Có miếng đang muốn bục ra. Có nghĩa là phải thay chiếc săm khác. Gã sửa nói.

“Làm sao phải thay, cứ để thế đi được”- cố trì níu. Gã sửa
sốt sắng:

“Hai miếng vá của bác là mười ngàn. Nếu thay chỉ mất ba nhăm ngàn mà lại an toàn. Vá vào cũng được thôi, nhưng bác đi dễ bị bục lắm”!

Gã đưa chiếc săm tội nghiệp cho anh xem. Quả là nó rất tồi tệ. Anh xua tay, gật lấy một cái, rồi thở hắt: “Làm nhanh cho tôi đi”. Gã sửa liền... tăng tốc.

Thay lốp xong, giây phút trả tiền quả là không dễ dàng gì. Nó ngun ngút tiếc nuối. Trời đã ngừng hẳn mưa và đoạn đường lên phố còn dài lắm. Những ba mươi cây số nữa. Ai có thể khẳng định là sẽ chẳng xảy ra chuyện gì nữa. Gã sửa cố bơm hơi vào bánh trước lên chiếc xe cứ xóc nảy lên. Anh cầu xin thần Phật đừng dắt anh đi vào kiếp nạn nào nữa. Cho anh an toàn về phố với ước mơ của rất nhiều người đi theo anh. Có cả niềm tự hào và hãnh diện nữa.

Giây phút nản đã qua đi rồi, anh giữ tay ga đều, huýt điệu sáo bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây. Chiếc xe chạy không tồi, cũng vượt được mấy chiếc xe khác đang rù rì tiến một cách vừa thận trọng vừa hèn nhát. Càng vượt anh càng vít mạnh ga, nó tạo nên một cái thú. Anh thấy mình đang được đua với họ, sảng khoái lắm.

Thực ra, anh chỉ biết phố là sướng, chứ chưa hình dung ra người giàu ở phố người ta sướng thế nào. Ở quê thì ắt khổ rồi, mọi thứ đều tù túng, lạc hậu, chỉ mỗi không khí là trong lành.

Những suy nghĩ miên man đã phản bội anh. Ngay cả chiếc xe tồi tàn cũng chẳng giúp anh đoạn đường cuối, mà nhẫn tâm giáng thêm một đòn chí mạng. Anh thấy chiếc xe loạng choạng rồi đâm sầm vào đuôi một chiếc xe khác, bắn sang lề đường. Một chiếc ô tô lao tới nhưng nhanh chóng láng sang một bên. Anh bắn người vào bụi cây si cạnh quán chè cóc bên đường, chiếc xe thì đã lao xuống vệ, ngun ngún nước. Anh thấy mình đau ê ẩm, lưng nhưng nhức tấy. May mắn là đầu óc không làm sao. Nhưng anh thấy hú vía. Tại sao thế nhỉ? Anh lồm cồm bò dậy, vuỗi tay áo, sờ xuống bên đầu gối tứa máu. Một tảng quần đã bị rách. Ngay chỗ đó, anh thấy buốt tê người. Nhìn đến chiếc xe, nó nằm chỏng chơ, đầu nhô lên, còn bánh trước thì văng sang một bên. Anh hiểu rồi. Chính là cái bánh trước. Nguyên nhân làm sao thì anh chưa biết, nhưng để cái bánh văng ra thì phải là gãy trục. Chó chết! (Lại chó chết).

Nỗi ân hận tủi nhục của anh lên ngùn ngụt trên đầu, máu giần giật chảy. Đã có người khuyên anh đừng ham chiếc xe cũ nát này. Nhưng anh thích nó rẻ, vừa túi tiền. Mà cũng phải đi vay tiền mới mua được. Anh hận mình không nghe vợ, đêm trước chẳng nghỉ dưỡng sức, leo lên bụng bà xã hơi nhiều. Người điều khiển chiếc xe cũ còn chếnh choáng chẳng đủ sức khỏe, huống chi…

Quay về thôi. Chiếc xe này không đi được. Nó không nghe lời anh, giúp anh thực hiện tâm nguyện. Đi trên phố với chiếc xe này không ổn. Và có lẽ chẳng thể lên được đến nơi ấy chứ. Anh cầu mong quay về được an toàn. Có ai chắc chắn giúp anh từ đây sửa xe xong, quay về không còn sự cố mục kích. Dù là ước mơ của anh hơi bị nhiều, nhưng nó vỡ tan mất rồi.

Kiêu lắc đầu:

- Hẳn là cả chị và bà Cào đã rất buồn.

- Em không biết đấy thôi, anh là một người chồng, một người cha, chẳng mang được một niềm vui về cho vợ con, còn làm liên lụy họ... anh đúng là đồ tồi.

Anh Tôn gần như khóc. Kiêu hiểu tâm trạng của anh. “Nhưng thôi anh ạ, anh đừng buồn. Hãy chờ đợi cơ hội khác”. Anh Tôn vỗ vai Kiêu: “Cũng nên như vậy, anh nghe chú thôi”.

Một điều nữa làm Kiêu cảm động. Nếu anh Tôn tìm được đôi bò đó thì đã chẳng đến nỗi nghèo như vậy, có thể bán đi mua một chiếc xe máy cũ, khỏi phải đi vay thêm và bán lợn. Anh chị không muốn cậu khổ sở vì lo lắng nên đã nói dối chuyện này.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83353


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận