Khuôn Mặt Bị Đánh Cắp Chương 2


Chương 2
Chim yến trong lồng

Trên tường phòng chúng tôi chị Soraya gắn một tấm bưu thiếp in hình một bông hồng tuyệt đẹp, màu tía trên đài xanh. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào tấm bưu thiếp kể từ lúc chị Soraya trở dậy để nấu ăn sáng tới giờ. Bình minh ngày thứ Bảy hôm nay, 28 tháng Chín năm 1996, mang mùi hủy diệt. Hôm qua hàng xóm của chúng tôi đã bị kích động. Trong phòng chờ của tòa nhà người ta bàn bạc xem liệu đã có đường dây điện thoại nào hoạt động chưa, và băn khoăn không biết có tin tức gì về những người thân khác chưa. Hôm nay tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là im lặng. Sáng nay cha tôi không chạy bộ nữa. Chắc chắn Taliban không khuyến khích chạy bộ, vả lại chúng tôi còn nhiều điều phải lo lắng. Hôm qua các ngân hàng đóng cửa, thứ Sáu nào cũng vậy, nhưng sáng nay cha vẫn phải đến ngân hàng xem có rút được tiền về dùng cho những ngày sắp tới.  Truyen8.mobi

Mẹ vẫn đang ngủ, mê mệt vì đã dùng thuốc. Cũng không thấy có tiếng nhạc từ phòng anh Daoud. Để không làm mẹ thức giấc, anh tôi chắc đang thì thào nói chuyện với chị Soraya ở trong bếp. Sáng nay họ sẽ không đi làm và tôi cũng không đi học.

Một cảm giác mệt mỏi vô cùng như một nỗi buồn đè nặng lên cả cơ thể tôi, vậy mà tôi không thể khóc. Tôi cũng không trở dậy nổi. Thay vào đó tôi giở bộ sưu tập bưu thiếp của chị tôi ra xem. Một bông hoa tulip đỏ, một bông hoa trắng không tên nào đó xuất xứ từ New Delhi... Cứ sau mỗi chuyến đi chị Soraya lại bổ sung thêm khu vườn hoa giấy của mình. Ở chính Kabul này đã lâu không có hoa - ngoại trừ những bó hoa nhựa nhập từ Đài Loan về.

Làm gì tiếp theo đây? Tôi đã cầu nguyện xong trên tấm chăn cha mang từ Mecca về rồi. Thôi thì tôi đọc bài báo mới nhất mà bạn tôi, Saber, đã đưa tôi để cho vào tờ báo do chúng tôi tự làm. Nhóm chúng tôi vẫn làm tờ báo này khoảng hai năm nay. Mỗi số chỉ có một bản. Nó được chuyền tay khắp cả khu, và cuối cùng trở về với tôi, quăn hết cả góc. Số báo cuối đang nằm trong tủ quần áo của tôi; số báo mới này chỉ mới đang trong khâu chuẩn bị. Nhưng giờ thì viết bài và tìm ảnh về Madonna, thơ ca, thời trang mốt mới hoặc những bộ phim Ấn Độ còn ích lợi gì không? Nếu Taliban kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng, thì chả còn gì đáng đọc trên các tờ báo cả. Báo chí sẽ bị Hồi giáo hóa hoàn toàn hoặc sẽ ngừng hoạt động.

Sáng hôm thứ Năm vừa rồi tôi đã thi xong vòng đầu kỳ thi đầu vào khoa Báo chí. Ngay buổi tối hôm đó, khi Saber và chị gái cậu ấy, Farida, tỏ ra lo lắng không biết liệu tôi đã chuẩn bị đủ cho vòng cuối sẽ diễn ra vào mùa đông năm nay hay chưa, tôi đã nhún vai và nói, “Dễ như kẹo ấy mà.” Truyen8.mobi

“Đề bài vòng một cụ thể là gì?”

“Chúng tớ phải chọn và xử lý một mẩu tin để đăng trên ba phương tiện khác nhau - báo giấy, báo nói và báo hình.”

“Cậu chọn tin gì vậy?”

“Một tin có thật nhé, mặc dù tớ không nhớ nguồn ở đâu: ‘Ngài Bin Laden, một người bạn Saudi của Taliban, đề xuất cấp tài chính để xây dựng các thánh đường Hồi giáo ở Afghanistan.’”

Tôi đã nghe được tin này trên đài phát thanh, tôi không nhớ chính xác là khi nào, nhưng nó đã khiến tôi chú ý. Dù tôi hầu như chẳng biết tí gì về ông Bin Laden này cả, có lẽ ngoại trừ một điều rằng, là một người Saudi, ông ta hẳn phải có nhiều tiền. Tôi đã được điểm khá cao trong vòng một.

Trước khi Saber và chị Farida ra về, Saber trả lại tôi cuốn Bông hoa đỏ cho nỗi sầu của em của nhà văn người Iran Parwiz Ghasi Said mượn của tôi trước đó. Đây là một câu chuyện tình buồn mà tất cả bọn trẻ chúng tôi đều đang đọc và tôi thì thích mê nó.

“Thấy quyển này thế nào?”

Saber nhăn mặt để tỏ ra mình chẳng xúc động gì cả, mặc dù tôi biết tỏng là cậu ấy đang yêu một cô bé sống trong khu. Cậu ấy kể hết cho tôi nghe và tôi kể lại hết cho chị gái cậu ấy. Tôi cũng biết rằng cha mẹ Saber nghĩ cậu ấy còn quá trẻ để tới bàn chuyện với gia đình cô gái kia.

Tôi ép mình phải nghĩ đến những điều sống động, những thứ phù phiếm, cái váy của tôi chẳng hạn, nó đang chờ tôi ở hiệu may và cha đã hứa đi lấy về sớm cho tôi, bất chấp cái nhìn quở trách của mẹ. Mẹ cho là cha quá chiều theo những trò nhõng nhẽo của tôi. Tôi tôn sùng cha và cha cho tôi hầu như mọi thứ mà tôi muốn. Thậm chí anh Daoud khi còn là sinh viên còn nhờ đến tôi khi cần xin cha thứ gì đó. Mỗi lần tôi muốn xin một ít tiền để mua băng cassette hay nhũ móng tay là mẹ lại mắng tôi. “Con nên nghĩ đến ngân quỹ gia đình một chút chứ, Latifa. Đừng có đòi hỏi quá mức.”

Hôm qua mẹ giận điên lên vì tôi vẫn còn nghĩ đến chuyện đi dự tiệc cưới vào một ngày như thế. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến nó. Tôi thậm chí còn chưa được nhìn thấy cái váy đã may xong của mình... Tôi biết như thế là nông nổi, nhưng chỉ là tôi đang nỗ lực sống bình thường như mọi cô gái ở tuổi tôi mà thôi. Đó là cách trì hoãn cảnh giam lỏng chắc chắn sẽ xảy ra với tôi. Với tất cả những cô gái và những người phụ nữ chúng tôi. Truyen8.mobi

Tôi có thể nằm mãi ở đây lặng nhìn bông hoa hồng trong tấm bưu thiếp. Đó là một ý nghĩ đầy ám ảnh, giống như một vật nặng đè trên trán tôi: tôi sẽ không thể đi học đại học được nữa. Tôi đã thi kỳ thi đó chẳng để làm gì. Tôi sẽ bị mắc kẹt trong ngôi nhà này mà sống không có mục đích và không có một kế hoạch nào cho tương lai. Mà trong bao lâu đây? Phải hàng tuần, hàng tháng nữa lực lượng Kháng chiến mới có thể tống cổ lũ tu sĩ tham tàn này đi. Có thể mất hàng năm. Không ai biết Thủ lĩnh Massoud và quân lính của ông đang trú ẩn nơi đâu. Họ đã bị đánh lui, Đài Sharia loan tin như vậy, và chúng tôi sẽ không hay biết gì thêm nữa suốt một thời gian dài.

Bữa ăn sáng đầy u ám. Đài phát thanh Sharia chẳng giống gì Đài phát thanh Kabul. Không có phần tin tức. Chương trình phát thanh sẽ chỉ lại bắt đầu như lúc mười một giờ hôm qua, với các bài ca đạo và những lệnh cấm của các mullah mà thôi.

Tôi ghét buổi sáng hôm nay, bởi nó thật vô nghĩa. Trước đây quả là dễ chịu khi ăn bánh mì nóng và uống trà bỏ đường trong lúc nghe chương trình Payam Sobhgahan trên Đài phát thanh Kabul: tin tức, thơ tiếng Ba Tư và ca nhạc. Khoảng tám giờ, anh Daoud và chị Soraya đi làm và tôi đến lớp. Chỉ còn mẹ ở nhà bầu bạn với con Bingo. Có một số ngày mẹ khám miễn phí cho những phụ nữ quanh vùng có chồng khắt khe đến nỗi không cho họ đến khám bệnh viện với các bác sĩ nam. Đây là lý do mà phần lớn các bác sĩ ở Kabul đều là nữ, nhất là bác sĩ phụ khoa. Truyen8.mobi

Trong lúc chờ Đài Sharia cho chúng tôi cái vinh dự được nghe những chỉ thị của chế độ mới, tầm từ tám đến chín giờ, chúng tôi chỉ có thể nghe nhạc cầu, một bài đọc trích đoạn vài tiết trong kinh Koran và cầu nguyện. Cứ mỗi tiếng anh Daoud lại bật đài một lần, chỉ để xem có gì mới hay không.

Tôi quay về phòng mình trong lúc chị Soraya rửa bát. Cha sẽ đi một vòng kỹ lưỡng quanh khu để lo vài việc vặt, đến ngân hàng và cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra qua những lời xì xào của bạn bè. Mẹ nằm dài trên ghế sofa trong phòng khách. Mẹ đã sắp ngủ thiếp đi, cái nhìn đã lờ đờ. Mẹ thậm chí chả buồn cằn nhằn khi tôi để chị Soraya rửa bát. Sáng nay dường như mẹ chẳng quan tâm đến điều gì cả.

Cha trở về với toàn tin xấu. Các ngân hàng đến giờ vẫn đóng cửa, các cửa hiệu và tất cả các tòa nhà hành chính cũng vậy. Chỉ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ là vẫn đang làm việc. Cha nhìn thấy tivi vỡ nằm ngổn ngang như rác trên các đường phố, dây băng cassette xổ ra vắt lòng thòng trên cây, đu đưa trong gió thu trông như những vòng hoa báo điềm gở. Người dân tràn ra trên các đường phố vẻ chán nản. Các hàng người đứng chờ trước các cửa hiệu mỗi lúc một đông hơn.

Bây giờ cha sẽ đến thánh đường để giao nộp những vũ khí cổ của gia đình, được gói lại trong một mảnh vải. Người cha đáng thương của tôi, vốn cứng rắn là thế, dũng cảm là thế, đáng trọng là thế. Việc này thật hổ thẹn đối với cha. Sáng nay cha không buồn cạo râu, gương mặt tái sạm lại và u buồn. Những sợi râu lún phún khiến cha nom ốm yếu.

Mười một giờ. Đài Sharia lại phát để công bố rằng Thủ tướng của Chính phủ Lâm thời gồm sáu mullah, ra sắc lệnh gồm những điều như sau:

Từ bây giờ trở đi, quốc gia sẽ được điều hành nghiêm ngặt theo luật đạo Hồi. Tất cả các trụ sở sứ quán nước ngoài đều tạm thời đóng cửa. Những sắc lệnh mới theo luật Sharia là:

Bất cứ ai có súng đều phải mang đến giao nộp ở đồn quân sự hoặc ở thánh đường gần nhất;

Đàn bà và con gái không được làm việc ở ngoài; Truyen8.mobi

Tất cả những phụ nữ nào phải ra khỏi nhà đều phải được một mahram(1) hộ tống;

Giao thông công cộng sẽ được phân riêng, có xe buýt riêng cho phụ nữ và nam giới;

Chiểu theo luật Sharia, nam giới phải để râu và xén ria mép;

Nam giới phải đội khăn xếp hoặc pakol trắng trên đầu;

Cấm mặc com-lê và đeo cà vạt. Phải mặc y phục truyền thống của Afghanistan;

Đàn bà và con gái phải mặc burqa;

Cấm mặc quần áo màu sáng bên trong burqa;

Cấm đánh móng chân, móng tay, đánh son và trang điểm;

Tất cả các tín đồ Hồi giáo phải cầu nguyện vào những giờ ấn định dù đang ở chỗ nào.

Những ngày sau đó một tràng sắc lệnh tiếp tục tuôn ra từ Đài phát thanh Sharia, tất cả vẫn theo giọng điệu sặc mùi đe dọa ấy, tất cả vẫn nhân danh luật Sharia.

Cấm không được trưng bày ảnh chụp người và động vật;

Phụ nữ không được bắt taxi nếu không có một mahram hộ tống;

Cấm bác sĩ nam viện cớ khám bệnh để chạm vào người phụ nữ;

Phụ nữ không được đến hiệu may của nam giới; Truyen8.mobi

Phụ nữ trẻ không được chuyện trò với nam giới trẻ. Nếu có, hai người đó sẽ phải kết hôn ngay sau sự vi phạm này;

Các gia đình theo đạo Hồi không được nghe nhạc, kể cả trong lễ cưới;

Cấm các gia đình chụp ảnh hoặc quay phim, kể cả trong lễ cưới;

Phụ nữ đã đính hôn không được đi thẩm mỹ viện; kể cả trong lúc chuẩn bị cho lễ cưới;

Cấm đặt những tên phi Hồi giáo cho trẻ sơ sinh;

Tất cả những tín đồ ngoại đạo Hồi, nghĩa là theo Hindu giáo và Do Thái giáo, phải mặc quần áo màu vàng hoặc đính một mảnh vải vàng. Nhà ở của những người này phải cắm cờ vàng để dễ nhận dạng;

Các thương nhân không được bán rượu;

Cấm các thương nhân bán đồ lót phụ nữ;

Khi cảnh sát đang phạt người vi phạm, không ai được quyền chất vấn hoặc phê bình hành động của cảnh sát;

Tất cả những ai vi phạm các sắc lệnh của luật Sharia đều sẽ bị xử phạt trên quảng trường công cộng.

Lần này đúng là chúng đang giết đàn bà con gái chúng tôi thật rồi. Chúng đang giết chết chúng tôi một cách ngấm ngầm và xảo quyệt. Những luật cấm tồi tệ nhất này, đã áp dụng trên phần lớn đất nước chúng tôi, đang hủy diệt chúng tôi bằng cách đẩy chúng tôi ra bên lề xã hội. Tất thảy phụ nữ, từ già đến trẻ, đều phải chịu cảnh này. Không cho phụ nữ đi làm nghĩa là dịch vụ y tế và công việc hành chính ngừng hoạt động toàn bộ. Các cô gái không được đi học, phụ nữ không được chăm sóc sức khỏe, và không được hít thở không khí trong lành ở bất cứ nơi đâu nữa. Đàn bà hãy về nhà! Hoặc chôn mình trong lớp áo burqa. Tránh xa cặp mắt đàn ông ra. Toàn bộ điều này nghĩa là phủ nhận tuyệt đối quyền cá nhân - một thứ kỳ thị giới tính đáng sợ.

Sự lăng mạ tột cùng đối với người Afghanistan, cả phụ nữ cũng như nam giới, là việc cho ra đời một Bộ mới. Nó có cái tên đến là lố bịch: Bộ Ngăn chặn sự Đồi bại và Nâng cao Đức hạnh - tiếng Afghanistan là AMR Bel Mahrouf.

Tôi trốn trong phòng mình và nhìn chỗ tài sản của mình - sách, quần áo, ảnh, truyện tranh, băng nhạc, băng video và các tấm poster. Và tất nhiên, cả nhũ đánh móng của tôi và son môi của chị Soraya nữa. Chẳng còn làm được gì hết ngoài gói tất cả chúng lại trong hộp giấy và tìm cách giấu trong tủ. Tôi hết úp mặt xuống giường rồi lại nổi điên lên, sau đó bật khóc. Công việc kiểm kê các đồ dùng cá nhân này hình như quá sức chịu đựng của mỗi người trong số ba phụ nữ trong gia đình tôi. Truyen8.mobi

Bất chấp người đang đau yếu, mẹ tôi vẫn trở dậy tự mình gói ghém các đồ dùng bị cấm - những bức ảnh sơ sinh và ảnh cưới trong gia đình, của mẹ và của chị Chakila. Mẹ gỡ xuống bức chân dung tuyệt đẹp của mình do anh mẹ vẽ. Đó là bức tranh vẽ một người phụ nữ đang ở độ xinh đẹp nhất. Khuôn mặt để trần của mẹ sẽ khiến bọn Taliban không chịu nổi.

Trong khi chúng tôi cất những gia tài thời con gái vào trong tủ, mẹ tôi ngụy trang các kỷ vật của chính mình thời sinh viên, thời trẻ, những ngày đầu làm vợ và làm mẹ, rồi giấu chúng sau chạn bếp. Tôi cất hết những bộ váy áo xịn nhất của mình vào trong va li, chỉ bỏ lại quần và đôi giày thể thao màu đen. Chị Soraya cũng làm y như vậy. Bộ đồng phục chiêu đãi viên rất đẹp của chị, những chiếc váy ngắn sáng màu của chị, áo sơ mi, áo thun và giày cao gót, tất cả chỉ qua một đêm đã trở thành không đứng đắn. Khi dọn đồ xong chị tôi đến giúp mẹ xem xét kỹ căn hộ xem có còn đồ cấm nào khác chúng tôi còn bỏ sót không: lịch, poster bóng đá, băng nhạc trong phòng của anh Daoud.

Nước mắt ứ đầy mắt tôi khi tôi quay về đứng giữa căn phòng của chúng tôi, một mình, giữa đống sách còn chưa đóng gói. Tôi cảm thấy choáng váng. Lúc nãy khi bắt mình phải bận rộn, tôi đã tự lừa dối mình bằng ý nghĩ rằng đơn giản là tôi chỉ thu dọn đồ đạc để tạm thời chuyển đi thôi. Giờ thì tôi không thể giả vờ được nữa. Đập vào mắt tôi là bức tranh biếm họa mà năm ngoái tôi đã cắt ra từ một tờ báo. Hai nhà khoa học đang cúi người nhìn chiếc kính hiển vi, họ nhìn những con “Taliban” nào đó đang quằn quại trên bản kính. Vẻ mặt hai người nom rất bối rối. Trong lời ghi bên dưới họ hỏi nhau không biết những con vi khuẩn lạ hoắc họ vừa phát hiện ra này chính xác là gì.

Những con vi khuẩn khủng khiếp, tôi nghĩ. Nguy hiểm và tai hại bởi chúng nhân bản bằng cách gieo truyền một loại bệnh nguy hiểm, phả luồng hơi chết chóc của nó vào tự do của một nửa nhân loại. Mà truyền nhiễm nó thật đơn giản. Tất cả những gì cần làm là để Taliban tuyên bố - với những thế lực hung tàn ủng hộ - rằng chúng là những người duy nhất nắm vững luật Sharia, những luật lệ được đề ra trong kinh Koran. Nhưng thực ra, chúng bóp méo những giáo luật này vì mục đích riêng của mình, không tôn kính gì kinh điển hết. Nhà chúng tôi vốn là một gia đình mộ đạo: cả cha tôi và mẹ tôi đều biết rằng với một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo thì Sharia có ý nghĩa thế nào. Và những răn dạy của luật Sharia không dính dáng gì hết tới những điều mà chúng tôi vừa bị áp đặt lên mình.

Taliban đã cấm tranh ảnh động vật. Rồi chúng sẽ nhanh chóng cấm cả chó và chim đang sống. Tôi đoan chắc điều này. Trên sân hiên phòng khách nhà chúng tôi (mà cha tôi đã biến thành một nhà kính trồng cây để tránh những con mắt soi mói và hiểm ác) có nuôi một con chim hoàng yến trong lồng. Con chim cất tiếng hót rất hay mỗi khi bình minh đến.

Khi từ thánh đường trở về, cha bắt gặp tôi đang khóc trong phòng mình.

“Bình tĩnh đi con, Latifa. Lúc này không ai biết mọi chuyện sẽ thế nào. Chúng ta phải kiên nhẫn thôi con ạ. Những chuyện thế này không kéo dài được lâu đâu, rồi con sẽ thấy.”

“Cha ơi, phải thả con chim hoàng yến ra thôi. Con muốn nó được tự do. Ít nhất thì để cho nó được tự do.” Truyen8.mobi

Việc mở lồng chim giống như một hành động cần thiết - một biểu tượng quan trọng vậy. Tôi nhìn con chim hoàng yến chần chừ một lát trước tự do chưa quen thuộc của mình. Rồi nó vỗ cánh bay lên và biến mất trong bầu trời thu ảm đạm. Nó đang mang theo cả tự do của tôi. Tôi hy vọng rằng cả hai điều ấy sẽ tìm được chốn nương thân ở một thung lũng thanh bình nào đó.

Mọi vật đã đổi thay. Thế giới đảo ngược. Cha tôi vẫn dậy cầu nguyện hàng sáng, nhưng ông không thể chạy bộ được nữa vì Taliban không cho bất cứ ai, ngoài bọn chúng, được chạy ngoài đường phố. Chị Soraya, anh Daoud và tôi ngủ dậy tầm chín hoặc mười giờ gì đó. Tất cả chúng tôi đều mệt mỏi, mặc dù được dậy muộn. Chúng tôi chẳng thèm muốn gì cả. Cha tôi và anh trai tôi bị bắt phải để râu. Hình như cả nhà tôi trông ai cũng bẩn thỉu, mệt mỏi và chán nản. Không ai bật đài nữa, vì trên đài làm gì có tin tức, không âm nhạc, không thơ phú. Chỉ độc tuyên truyền. Và sắc lệnh.

Những ấm nước đang sôi cũng bị cấm. Truyen8.mobi

Cấm cả nuôi chó và nuôi chim.

Thế là tôi đã đoán đúng. Con chim hoàng yến của chúng tôi đã bay đi xa rồi. Chúng tôi, chứ không ai khác nữa, đã quyết định mang lại tự do cho nó. Nhưng giờ đây, chúng tôi phải chia lìa với Bingo, chú chó Afganistan lông trắng, có bộ lông dày đến mức nom nó giống một con gấu nhỏ. Bingo đã ở với tôi từ lâu lắm. Ký ức đầu tiên của tôi về nó là trong bức ảnh màu trong cuốn album mà mẹ tôi đã đem giấu trong bếp. Tôi chừng năm tuổi và mặc một cái váy lửng, áo cổ lọ màu đỏ và đội mũ rơm. Bingo đứng thẳng trên hai chân sau, tì vào người tôi, hai chân trước đặt vào hai tay tôi. Cái mõm dài của nó hướng về phía chị cả tôi, Chakila, như thể đang muốn nói rằng, “Cứu tôi với. Tôi sinh ra để chạy bằng cả bốn chân cơ mà.”

Chúng tôi làm sao mà bỏ rơi Bingo ngoài đường giống như một số chủ chó khác đã làm được. Thay vào đó cha đem Bingo đến chỗ chú tôi. Nhà chú có vườn. Nên Bingo, cậu bé Afghanistan bốn chân hay nổi loạn, ban ngày có thể trốn trong nhà và đi hóng gió vào ban đêm. Tôi biết ở chỗ chú tôi nó sẽ được chăm nom chu đáo.

Cha tôi lại mất sạch một lần nữa. Cha không thể lại gần khu vực có kho vải của mình cho tới mãi ba tuần sau khi quân Taliban đến. Mìn rải khắp nơi. Cha đứng từ đằng xa, nhưng vẫn trông thấy những năm tháng làm việc vất vả của mình đã biến thành một đống gạch vụn.

Cha không hề than phiền để mẹ tôi khỏi phải bận tâm thêm một vấn đề nan giải nữa. Cha sẽ cố gắng làm việc gì đó với một đối tác người Pakistan, sẽ đầu tư những gì còn lại vào một cơ nghiệp mới với hy vọng nó sẽ đem lại chút lợi nhuận. Nhưng sự tình phức tạp hơn thế. Nó không cho cha một công việc để làm hàng ngày và cha sẽ nhớ điều đó lắm. Từ giờ trở đi, ở mức độ nào đó cha cũng là một tù nhân trong căn hộ của chúng tôi - người phải đi chợ và lo chuyện bếp núc, dù công việc này cha vốn không nề hà gì. Cha vẫn luôn nấu ăn, nhất là vào những ngày mẹ phải thường xuyên làm việc ở bệnh viện.

Lúc này râu của cha tôi đã mọc đủ dài để thi thoảng chúng tôi lại đùa cợt cha vì bộ mặt mới hoặc vì độ dài cần thiết cho một bộ râu Taliban đặc biệt. Cha đón nhận những lời đó với vẻ lạnh nhạt pha lẫn căm ghét. “Bộ râu đó là của đám Taliban, chứ không phải của cha,” cha nói.

Về phần mình, anh Daoud và bạn bè anh giờ đã biết cách kiếm được các băng video. Chúng được tuồn đến từ Pakistan qua giới chợ đen đã có từ lâu. Thêm vào đó, trong cửa hàng chú tôi vẫn còn một số. Đây quả là một nghịch lý khôi hài: chúng tôi bị cấm mua máy ghi âm, tivi, băng đài và băng video, trong khi nhiều cửa hàng vẫn có bán những mặt hàng này trong đống hàng hóa của mình. Không ai mua chúng công khai cả. Họ chỉ kiếm được chúng bằng cách nào đó. Dường như đám Taliban đạo đức giả này vẫn cho phép một số hoạt động buôn bán ngầm diễn ra, bởi nếu không, tất cả các cửa hàng ở Kabul sẽ bị phá sản. Truyen8.mobi

Cuộc sống trong nhà tôi giờ đây điểm nhịp bằng những lần đi, về của cha và anh Daoud. Họ mang theo đủ thứ tin tức từ thế giới bên ngoài - từ người bán tạp hóa, người bán rau quả, từ trung tâm thương mại và cả từ thánh đường. Chúng tôi nghe những tin tức này đầy háo hức.

“Người dân Afghanistan đang phẫn nộ trước cái lối diễn dịch Taliban về tôn giáo chúng ta, với những luật lệ lố bịch của chúng. Chúng ta đã là tín đồ Hồi giáo từ trước đến giờ và không ai thấy có gì chung với thứ đạo Hồi của Taliban cả. Chúng bắt mọi người phải dừng lại ở bất cứ chỗ nào trên phố để cầu nguyện. Một người kể với cha là ông ấy đã bị bắt đứng lại năm lần và lần nào cũng phải quỳ. Người ta cũng đồn rằng ở thánh đường, vào thời điểm cần bày tỏ ước nguyện thiết tha nhất đến Đấng Allah, thì nhiều người đã khấn rằng ‘Lạy Đấng Allah, cầu xin Người hãy ngăn chặn bọn Taliban lại.’ Cứ khi nào chúng bắt chúng ta phải cầu nguyện, thì người dân lại cầu nguyện chống lại chúng...”

Những ngày này quả là đường hầm hư vô tối đen vô tận. Phần lớn thời gian tôi nằm dài trong phòng mình đọc sách báo hoặc nhìn lên trần nhà. Hết chạy bộ và đạp xe đi chơi, hết những lớp học tiếng Anh và báo chí. Cơ thể tôi dần nhũn ra cũng như bộ não, lại bổ sung thêm bằng cách tiêu thụ quá nhiều những bộ phim yêu đời của Ấn Độ mà anh Daoud mang về cho tôi. Để Taliban không thể nhìn thấy ánh sáng yếu ớt phát ra từ màn hình, chú tôi đã qua quét sơn đen lên gần hết cửa sổ nhà chúng tôi. Phòng khách nhỏ, phòng ăn trông ra phố, cũng như sân hiên và các phòng ngủ, tất cả giờ đều màu đen. Duy có cửa sổ nhà bếp trông sang phía đối diện là không bị sơn. Qua ô cửa sổ này chúng tôi có thể nhìn thấy thánh đường và trường học, nơi lúc này chỉ còn lại lũ con trai đang ngồi quanh viên mullah nghe ông ta đọc kinh Koran.

Đầu tôi tịnh không một dự định. Thi thoảng tôi lại đi tới đi lui quanh căn hộ giống như một tù nhân đi quanh xà lim của mình. Tôi đi rồi ngồi xuống hết ghế sofa lại ghế băng hoặc ngồi lên thảm. Sau đó tôi đi dọc theo hành lang dẫn xuống bếp rồi trở lại phòng mình. Tôi ngồi, tôi nằm, tôi săm soi hình thêu trên thảm ngày càng tỉ mỉ, tôi bật tivi, rồi lại nằm xuống. Tôi chưa bao giờ nhìn đồ đạc trong nhà chăm chú như thế này. Một mẩu vụn bánh mì trên bàn cũng khiến tôi bận tâm; một con chim ngoài trời cũng thu hút tôi. Mẹ thì xa cách và nằm bẹp suốt; mẹ không còn quan tâm xem Soraya và tôi đang làm gì nữa, vì chúng tôi chẳng làm gì cả. Truyen8.mobi

Đôi khi Saber đến thăm tôi. Thi thoảng mẹ tôi vẫn khám cho một bệnh nhân trùm burqa kín mít. Họ từ trong khu đến và lúc nào cũng tất ta tất tưởi, lúc nào cũng lo lắng. Tôi mở cửa và họ liền biến vào trong phòng khách với mẹ. Chồng của họ chờ ở dưới, bên ngoài tòa nhà.

Vào một ngày cuối đông, tôi mở cửa cho một phụ nữ mặc burqa và nghĩ bà ta là một trong những bệnh nhân bí mật của mẹ. Nhưng bà ta lại hỏi ngay tôi những câu hỏi lạ lùng.

“Cháu là Latifa phải không? Con gái của Alia à? Bạn của Saber?” Vì không rõ bà ta muốn gì, tôi toan đóng cửa lại, nhưng bà ta khăng khăng đòi vào. ”Đúng, đúng, đúng là cháu rồi.”

Đột nhiên bà ta phá ra cười và vén burqa ra. Chỉ lúc đó tôi mới nhận ra chị gái của Saber.

“Farida, là chị à! Chị làm em phát khiếp lên được. Chị làm gì với cái áo này vậy?”

“Chị gái chị đến thăm và chị đã mặc cái áo này vào để trêu chị ấy. Nhưng giờ chị đến đây mua vui cho em. Vì từ giờ chị sẽ lợi dụng nó để đi khắp nơi, đi dạo nữa. Em lại đây thử mặc nó vào xem nào.”

Quả là tôi bị sốc khi nhìn thấy chị Farida ăn mặc như thế này. Dĩ nhiên là tôi đã thấy những chiếc áo burqa trước khi Taliban xâm chiếm thành phố chúng tôi. Một vài bà ở nông thôn đến khám bệnh chỗ mẹ tôi vẫn mặc chúng theo phong tục và theo ý muốn riêng của họ. Tuy nhiên, chúng vẫn còn khá hiếm thấy ở Kabul. Mặt khác, trong suốt thời Nội chiến, rõ ràng những chiếc áo burqa đã khá hữu ích cho những phụ nữ làm công việc đưa tin bí mật. Đôi khi những bộ mặt không phân biệt nổi và những hình dáng phụ nữ vô danh đó cũng giấu bên trong cả những người Kháng chiến.

Khi gặp những thân hình trùm áo thùng thình này trên phố, tôi và đám bạn cùng trường cứ khúc khích cười. Chúng tôi gọi họ là “chai” hoặc “súp-lơ lộn ngược” hoặc “bao đựng đồ”. Khi họ đi thành nhóm, chúng tôi gọi họ là một quân đoàn nhảy dù. Có một câu chuyện cười ngớ ngẩn đã khiến chúng tôi cười như điên. Chuyện này kể rằng có một ông người Nhật trở về nhà sau một chuyến đi đến Afghanistan và kể lại với bạn bè mình rằng đàn ông ở Afghanistan đã vượt xa người Nhật và sống đâu vào đấy. “Tại sao vậy?” Bạn bè hỏi và ông ta trả lời, “Vì họ cầm những cái chai to bự trong tay đi khắp các đường phố!”

Tôi nhìn cái áo này, đống vải dệt của nó thõng xuống đất từ một cái mũ tròn ôm khít phủ kín đầu. Một số loại áo burqa ngắn hơn và dễ mặc hơn. Nhưng điều làm tôi thực sự kinh sợ là một mảnh lưới thêu mắt cáo che trước mắt và mũi.

“Cha em đã mua cho chúng em vài cái, nhưng không dài đến thế này.”

“Chị gái chị thấy nó ở nhà bà cô. Nó cũ rồi. Vả lại cô của chị dáng người cũng cao. Em mặc vào thử xem. Nếu hôm nào em muốn ra đường, em sẽ phải trùm kín hết người đấy.”

Tôi làm như chị bảo để chiều lòng chị, nhưng cũng để xem cảm giác chui vào trong cái áo sẽ như thế nào. Thật là nghẹt thở. Vải dính vào mũi tôi. Tôi vất vả mãi mới chỉnh được phần mắt cáo trước mắt mình.

“Thế nào? Em có nhìn thấy chị không?” chị Farida hỏi. Truyen8.mobi

Tôi có thể nhìn thấy chị Farida với điều kiện tôi phải đứng ngay trước mặt chị. Để quay đầu lại tôi phải túm chặt một ít vải ở bên dưới cằm để những lỗ mắt cáo trước mắt không bị xê dịch. Còn để nhìn được đằng sau tôi phải quay hẳn người lại. Tôi có thể cảm thấy hơi thở của chính mình bên trong cái áo này. Tôi thấy ngột ngạt. Hai bàn chân tôi vướng víu hết vào bên trong lần vải. Tôi sẽ không bao giờ mặc nổi cái áo này. Giờ thì tôi mới hiểu những bước đi cứng nhắc như rô bốt của những “phụ nữ hình chai” kia, hiểu cái nhìn một mực hướng thẳng về phía trước hoặc dán chặt vào một chướng ngại vật nào đó. Giờ tôi mới biết tại sao họ lại ngập ngừng quá lâu trước khi sang đường, tại sao họ lại mất quá nhiều thời gian để leo thang gác đến vậy. Đối với những bóng ma đang lang thang trên các đường phố Kabul này, quả là khủng khiếp mỗi lần phải tránh xe đạp, xe buýt hoặc xe kéo. Muốn chạy thoát khỏi Taliban còn khó khăn hơn. Đây không phải là một chiếc áo. Đây đúng là một cái nhà tù di động.

Nhưng nếu muốn ra khỏi nhà, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài giấu mình trong chiếc áo ấy. Hoặc là thế hoặc cải trang thành con trai, cắt tóc ngắn và để râu. Tức là chẳng có lựa chọn nào cả. Lúc này tôi thấy mình chưa đủ sức chịu đựng nó. Những ô mắt cáo ở vùng mắt chiếc burqa khiến tôi nhớ đến cái lồng nhốt con chim hoàng yến. Và con chim yến, lần này, lại là tôi.

Tôi chui ra khỏi cái áo burqa mà cảm thấy nhục nhã và tức giận. Khuôn mặt tôi là của tôi. Kinh Koran nói rằng phụ nữ có thể trùm khăn áo, nhưng cũng nói rằng vẫn phải nhận ra được họ. Taliban muốn đánh cắp khuôn mặt của tôi, muốn cấm đoán khỏi chúng tôi chính khuôn mặt của mình. Điều này là không thể. Tôi sẽ không cho phép điều này. Tôi sẽ không nhượng bộ. Tôi sẽ không ra ngoài với Farida.

“Em không thể ở nhà cả đời được.”

“Em sợ. Chỉ thế thôi. Em sợ bị vướng vấp trong cái áo đó, sợ bị người ta chú ý đến mình. Sợ bị đánh ở trên phố nếu em để lộ một phân cơ thể mình hay nếu em nhấc cái thứ này ra để hắt hơi. Nếu em có phải chạy trốn, em cũng không tài nào chạy được.” Truyen8.mobi

“Được rồi. Vậy là cái áo này quá dài so với em. Kiếm cái ngắn hơn vậy.”

“Không. Mọi người nói rằng bọn chúng đang bắt cóc các cô gái, để dùng vũ lực bắt họ phải lấy không tên Taliban này thì tên khác làm chồng.”

“Thôi được, chị thì vẫn muốn ra ngoài. Em trai chị sẽ hộ tống chị. Em sẽ không bị nguy hiểm nếu anh trai em đi cùng với em. Hãy bảo anh Daoud đưa em ra ngoài.”

Tôi lắc đầu một cách dứt khoát. Tôi sẽ không đi. Vả lại tôi không muốn thấy bao nhiêu phụ nữ đang nép sát vào tường vì sợ hãi, giấu người theo từng bước đi. Khi đó đi ra ngoài sẽ chỉ khiến tôi thêm chán nản khi quay về nhà. Nếu tôi còn về được đến nhà...

Các chương trình trên Đài phát thanh Sharia muôn ngày như một: từ tám đến chín giờ đọc kinh Koran và những lời cầu nguyện; từ chín đến mười rưỡi là các diễn văn tuyên truyền, công bố các sắc lệnh mới, một số được hát lên như những khúc kinh cầu Ả Rập, như thể điều đó sẽ làm chúng tôi tin rằng chúng thực sự bắt nguồn từ kinh Koran. Sau đó đài ngừng phát cho đến sáu giờ tối, khi có cái gọi là “tin báo tử” của các anh hùng Taliban. Tiếp theo là phần tin tức, chúng luôn giống hệt nhau và luôn tán dương bước tiến của quân Taliban, nhưng không có một lời nào - khỏi phải nói - về bất cứ cuộc giao chiến nào với lực lượng Kháng chiến hoặc về bất cứ làng mạc nào không thể hoặc chưa bị chiếm đóng. Cuối cùng vào lúc chín rưỡi, sau vài đoạn trích kinh nữa, Đài Sharia ngậm miệng. Truyen8.mobi

Đến trưa, ai đó sẽ mở miệng đề nghị, không hào hứng lắm, rằng có lẽ nên làm cái gì đó ăn... Căn hộ giống như một nhà tù hay bệnh viện. Im lặng nặng nề bao trùm lấy tất cả chúng tôi. Vì không một ai làm gì nhiều, nên chúng tôi chẳng có gì nhiều để nói với nhau cả. Không thể sẻ chia những cảm xúc của mình, mỗi người chúng tôi tự khép kín trong nỗi sợ hãi và đau buồn của riêng mình. Bởi vì mọi người đều ở trong hố đen như nhau, nên thật vô nghĩa khi nhắc đi nhắc lại rằng chúng tôi không rõ sẽ ra sao.

Tôi sống vật vờ. Tôi chẳng thiết ăn mặc gì nữa. Đôi khi tôi không thay quần áo ba hay bốn ngày liền, bất kể ngày đêm. Điện thoại hàng xóm không đổ chuông nữa. Đường dây đã bị cắt. Vào ngày đường dây được nối lại, cha tôi lưỡng lự không muốn dùng nó; chúng tôi biết giờ bọn Taliban nghe trộm mọi chuyện, rình mò mọi thứ.

Đôi khi bạn bè của anh Daoud vẫn bí mật đến nhà tôi xem phim. Thi thoảng chị Farida và Saber lại ghé qua thăm tôi. Họ liều hơn chúng tôi. Họ dám ra khỏi nhà. Tôi không đối mặt nổi với việc này. Tôi cảm thấy đối với chúng tôi, hình thức phản kháng duy nhất còn lại là đóng cửa ở nhà và không phải nhìn thấy chúng.

Mãi tới đầu năm 1997, khoảng bốn tháng sau khi Taliban đến, cuối cùng chị Farida cũng thuyết phục được tôi mạo hiểm ra ngoài với chị ấy. Cái cớ chị đưa ra là đi đòi số tạp chí vừa rồi của chúng tôi ở nhà Maryam bạn tôi. Chị đã hỏi lấy nó trước đó mấy hôm.

Tôi thực sự không hiểu tại sao cần phải đi, nhưng chị Farida nằng nặc. “Em phải ra ngoài,” chị nói. “Trông em khiếp lắm, không khỏe, vả lại đó là cách tốt nhất để đối mặt với hiện thực. Nếu em cứ đóng cửa ở trong nhà, em sẽ phát điên mất.”

Tôi biến mất trong lớp áo burqa và nhập hội với chị Farida và Saber, chúng tôi bắt đầu cuộc “dạo chơi” kỳ quái của mình. Đã bốn tháng nay tôi không ra khỏi nhà. Tôi cảm thấy trong người khó ở như vừa ốm dậy, mệt lả và quá yếu để làm một hành động mạo hiểm nào đó. Đường phố trông thật khổng lồ, quá lớn, và tôi cảm thấy lúc nào mình cũng bị nhìn chằm chặp, bị dõi theo bằng những con mắt vô hình. Để không gây chú ý đến mình, chúng tôi chỉ thì thào nói với nhau qua lớp áo. Saber luôn ở bên chúng tôi, gần hơn hình bóng.

Hành trình của chúng tôi đi qua trường cấp ba cũ. Quân Taliban đang đứng gác ở lối vào. Trong sân thể thao gần trường, cây cối khoác những vòng hoa kỳ cục bằng dây băng cassette. Thứ dây dợ này cũng buộc cả vào những cái rổ đựng giày thể thao, vào cả lưới bóng chuyền. Cha tôi đã cho tôi hay điều này, nhưng lúc đó tôi nghĩ đây chỉ là biểu hiện không chính thức của việc Taliban phản đối những thị hiếu “phương Tây” của chúng tôi mà thôi. Hóa ra chúng được treo đi treo lại theo hàng lối, biểu trưng về những gì bị cấm đoán: Cấm hình ảnh. Cấm âm nhạc. Truyen8.mobi

Đi thêm chút nữa chúng tôi nhìn thấy bốn phụ nữ mặc burqa đang đi về phía mình. Đột nhiên một chiếc xe tải của bọn Taliban không rõ từ đâu chạy tới và phanh khựng lại trước mặt họ với một tiếng động khủng khiếp. Bọn Taliban nhảy xuống xe, vung những chiếc roi bằng dây cáp của chúng rồi bắt đầu quất vào người họ mà không nói một lời, không thèm giải thích, bất chấp họ đều mặc áo burqa không thể giản dị hơn được nữa. Đám phụ nữ kêu lên, nhưng không ai đến giúp họ cả. Rồi họ bắt đầu bỏ chạy, vướng vấp trong cái mớ xống áo nặng nề của họ, nhưng đám Taliban vẫn đuổi theo họ, không ngừng quất roi. Tôi nhìn thấy máu nhỏ ra từ giày của những phụ nữ này.

Sững sờ và đờ cả người ra, tôi cảm thấy mình đúng là đang hóa đá. Bọn chúng sắp tiến đến chỗ chúng tôi. Tôi biết điều đó. Chị Farida cầm lấy tay tôi và lắc thật mạnh.

“Chạy thôi. Chúng ta phải chạy. Chạy đi.”

Một tay tôi giữ phần áo burqa trước mặt mình, tay kia nắm lấy chị Farida. Chúng tôi chạy như điên, chạy cho đến khi chúng tôi không thở được nữa. Saber chạy đằng sau chúng tôi, một kiểu bảo vệ đến là buồn cười; cậu ấy biết rằng mình làm sao ngăn được Taliban, nhưng ít ra cũng có cậu ấy ở đấy. Trong lúc chạy, tôi không biết có phải Taliban đang đuổi theo chúng tôi hay không. Tôi nghĩ mình cảm thấy chúng ngay sau lưng và bất cứ lúc nào những cái roi vung lên sẽ quấn lấy tôi và tôi sẽ ngã.

May mà chúng tôi ở cách nhà không bao xa và chưa đầy bốn phút sau cầu thang tòa nhà đã nuốt chửng chúng tôi vào trong. Khi bước vào nhà, tôi không nói được, cũng không thở được. Tôi thổn thức, mất bình tĩnh. Chị Farida đã lấy lại hơi và lẩm bẩm điều gì đó tôi không rõ, nghe như những lời nguyền rủa Taliban. Chị Farida tỏ ra có máu phản kháng hơn tôi nhiều.

Saber ở ngay đằng sau chúng tôi, hiểu chuyện gì đã xảy ra và giải thích cho chị Farida. “Bọn chúng đánh họ vì họ đi giày trắng...”

“Cái gì cơ, giày trắng hả? Nó bị cấm trong sắc lệnh mới nhất chắc?”

“Vì đó là màu cờ của Taliban. Phụ nữ không được phép đi giày trắng. Điều đó có nghĩa là họ đang giẫm đạp lên lá cờ.”

Những sắc lệnh nối tiếp nhau không có một trật tự hay lý lẽ nào. Thế nhưng, đối với tôi chúng dường như đều tuân theo một lôgic chắc chắn và xảo quyệt: tiêu diệt phụ nữ Afghanistan.

Một hôm có một phụ nữ chỉ mặc đúng áo burqa ra đường. Chị ôm chặt cuốn kinh Koran vào ngực. Bọn Taliban đã lấy roi vụt chị. Chị phản đối, “Các ông không có quyền. Hãy xem kinh Koran viết gì xem!” Thì trời ơi, ở cú roi tiếp theo cuốn kinh rơi xuống đất và không kẻ tấn công nào cúi xuống để nhặt nó lên... Thế mà luật dạy rằng không bao giờ được phép đặt kinh Koran dưới đất. Nếu đám Taliban quả thực đã đọc kinh, thì bọn chúng hẳn phải biết điều này. Nhưng bọn chúng chẳng để ý gì đến những nguyên lý truyền thống của tôn giáo chúng tôi. Những sắc lệnh của chúng chỉ là những điều xuyên tạc ngắt ngọn từ thánh kinh mà thôi. Kinh Koran đặc biệt nhấn mạnh rằng có hai trường hợp mà phụ nữ có thể phô bày những bộ phận kín đáo của mình cho nam giới - đó là khi họ ở cùng chồng hoặc ở chỗ bác sĩ. Vừa cấm họ điều trị ở chỗ bác sĩ nam, lại vừa cấm họ không được hành nghề y tế chứng tỏ một mưu toan rõ ràng muốn hủy diệt họ. Truyen8.mobi

Sự trầm cảm sâu sắc đang dần dần nuốt trọn lấy mẹ tôi là một bằng chứng cho cả những đau khổ mà phụ nữ phải hứng chịu lẫn việc Taliban tuyệt đối phủ nhận họ. Mẹ tôi từng là một phụ nữ sống tự nhiên, mang tư tưởng tự do. Mẹ luôn cảm thấy thoải mái ở nhà mình, ở nơi mẹ học tập và làm việc. Kể cả cuộc hôn nhân của mẹ cũng không phải là do sắp đặt. Hồi mẹ học đại học, mẹ mặc váy hoặc mặc quần. Trong suốt thập kỷ 1960, mẹ vẫn hay đi đến rạp chiếu bóng Zainab và thậm chí còn đưa cả các chị em gái đi theo. Suốt thời gian đó phụ nữ Kabul có được quyền lợi của mình. Năm 1975, Năm Phụ nữ của Liên hợp quốc, chính quyền của tổng thống Mohammed Daoud đã ban hành một sắc lệnh dân chủ rằng “Phụ nữ Afghanistan có quyền làm chủ cơ thể mình, có quyền lựa chọn sự nghiệp và người chồng của mình, giống như nam giới Afghanistan.”

Một hiệp hội bênh vực nữ quyền đã hoạt động trong một hoàn cảnh tưởng như bất khả để áp dụng sắc lệnh trên ở các tỉnh và các vùng sâu vùng xa của đất nước. Các chiến sĩ này phải mệt sức đấu tranh với những truyền thống thâm căn cố đế của các bộ lạc. Mẹ đã kể với tôi rằng ở một số vùng nông thôn, những đứa trẻ không biết vâng lời sẽ bị đe dọa gọi “một mụ không trùm khăn”, một mụ yêu tinh thực sự đến. “Nếu chúng mày không ngoan,” họ bảo bọn trẻ, “mụ ta sẽ ăn thịt chúng mày.”

Mẹ được đào tạo nghiệp vụ y tá tại Bệnh viện Mastourat ở Kabul, một bệnh viện của nữ giới. Ở đó mẹ được làm việc với các giáo sư lỗi lạc - Bác sĩ Fatahe Najm, Bác sĩ Nour Ahman Balaiz và Bác sĩ Kerramuddin. Mẹ có mặt trong nhóm bác sĩ đã chăm sóc cho mẹ Vua Zaher. Dưới thời Liên Xô, mẹ làm việc tại một nhà trẻ ở khu chúng tôi, nhờ đó có được cho tôi một chỗ trong nhà trẻ đó. Một hôm, hồi tôi lên bốn, mẹ đã lôi tôi ra khỏi nhà trẻ. Mẹ giận điên lên ấn tôi vào trong xe taxi, rồi đưa tôi về, và bỏ tôi ở nhà một mình rồi lại hối hả ra đi. Nhiều năm sau mẹ mới nói cho tôi hay nguyên do sự giận dữ và vội vã đó của mẹ. Mẹ đã mắng như tát nước vào mặt một cô y tá Liên Xô, vì cô này khi tiêm vắc xin cho trẻ em đã chỉ dùng một ống tiêm chung cho tất cả các cháu, do đó lũ trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh tập thể. Đó là năm 1984 và mẹ tôi biết rõ độ nguy hiểm của cái lối hành nghề kiểu này.

Bị phòng quản lý nhà trẻ gọi lên vào ngay ngày hôm đó, mẹ tôi đã bị kỷ luật thẳng tay.

“Chị không có quyền tranh cãi về những cách thức y tá Liên Xô tiến hành.”

“Kể cả nếu điều đó sai trái về mặt chuyên môn sao? Chị có biết đang bàn đến chuyện gì không thế?”

“Người Liên Xô đang phụ trách việc này. Họ làm gì không liên quan đến chị. Chị phải xin lỗi chị y tá đó. Nếu không thì tôi buộc phải coi chị là một kẻ phản cách mạng.”

“Người đàn bà đó đã phạm phải một tội nghiêm trọng. Cô ta đã gây nguy hiểm đến mạng sống trẻ em Afghanistan. Là một phụ nữ Afghanistan, tôi không thể xin lỗi cô ta. Tôi rất tiếc.”

“Vậy thì tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải chị.”

Mẹ tôi đã cố gắng rút lại hồ sơ chuyên môn của mẹ ở Bộ Y tế, nhưng thật lạ lùng làm sao, nó đã biến mất. Bộ trưởng Nabi Kamyar, để cố vỗ yên mọi chuyện, đã đề xuất để mẹ tôi ghi danh tham gia một kỳ thi tuyển để theo học một khóa đào tạo chuyên khoa do mẹ tôi tự chọn. Mẹ thi rất tốt và năm sau mẹ tôi được cử sang Prague để học chuyên về phụ khoa sáu tháng. Mẹ đạt điểm số xuất sắc nhất khóa học đó. Khi trở về Kabul, mẹ đã đến thẳng Bộ Y tế. Truyen8.mobi

“Tôi cảm ơn ông đã sắp xếp khóa đào tạo này cho tôi. Và bây giờ tôi xin nghỉ việc. Tôi không thể làm việc theo mệnh lệnh của người Liên Xô được.”

Vị bộ trưởng đã thuyết phục được mẹ tôi đến làm việc với ông ta trong Bộ Y tế, trước khi nghỉ việc hẳn - khoảng ba năm sau đó, nhưng chỉ để tiếp tục hành nghề ở nhà. Tức là trước khi bọn Taliban đến.

Tình trạng nghỉ việc này hoàn toàn không phải là biến mẹ tôi thành một người chỉ ru rú xó nhà mà nấu nướng và nuôi dạy cô con gái út. Mẹ chưa từng sùng bái gì công việc quản gia. Còn cha tôi vẫn luôn thoải mái trước lối sống của mẹ. Thậm chí có lúc cha còn thuê hẳn một người nấu ăn để có thêm thời gian cho mẹ tôi theo đuổi sự nghiệp của mình. Truyen8.mobi

Không được làm việc với mẹ thậm chí còn khó chịu hơn cả với chị em tôi. Chị Soraya và tôi đều còn trẻ. Mọi hy vọng vẫn chưa mất hết, như cha luôn nói đi nói lại với chúng tôi. Nhưng đối với vợ mình, người trước mắt cha ngày lại ngày đang rút sâu hơn vào cái sự nghỉ hưu bắt buộc kia, cha lại lo sợ điều xấu nhất.

Khi cha ra ngoài hoặc khi bạn bè đến nhà tôi chơi, họ chỉ điểm lại những cảnh tượng ác mộng, kinh tởm, đáng phẫn nộ. Làm sao người ta lại chấp nhận được rằng có một phụ nữ đã bị cắt lìa các ngón tay ngay giữa ban ngày ban mặt bởi bọn cảnh sát tôn giáo, đơn giản chỉ vì chị ta đánh móng tay chứ? Cha cố gắng ngăn không cho mẹ biết về những chi tiết bạo lực nhất trong các câu chuyện này.

Nhưng không cần phải ra ngoài mới chứng kiến được nỗi kinh hoàng mà chúng tôi đang trải qua.

Vào đầu mùa đông năm 1997, chúng tôi nghe thấy tiếng một phụ nữ kêu la ngoài phố, “Con trai tôi vô tội. Con trai tôi vô tội.”

Nhìn qua cửa sổ tôi nhận ra mẹ của Aimal sống ở lô lân cận. Ba tên Taliban đang lấy báng súng Kalashnikov đánh cậu ấy một cách dã man. Chúng đánh cậu theo đúng trình tự, đặc biệt là đánh vào mạng sườn. Chị Soraya và tôi vội thụt người lại kẻo bị nhìn thấy, nhưng tiếng thét của cậu ấy như cứa vào tâm can chúng tôi.

Sau đó im lặng bao trùm. Đám Taliban đã đi khỏi đó. Ở dưới nhà chỉ còn mình mẹ Aimal đang than khóc, cúi xuống bên thân thể vô tri vô giác của con trai mình. Khi các bác sĩ đến để đưa cậu vào viện thì đã muộn. Aimal đã chết một tiếng đồng hồ rồi.

Anh Daoud tìm hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Aimal đã mời vài người bạn, tất cả chừng 15 đến 17 tuổi, đến nhà để xem một bộ phim bằng đầu máy video của anh, bất chấp những lệnh cấm đang ban hành. Bọn Taliban đã đột kích căn hộ và bắt quả tang sáu người bạn trẻ. Chúng đập vỡ tivi và đầu video, xé ruột băng ra khỏi vỏ băng, trước khi chúng lôi các cậu ra ngoài. Ở đó, chúng tra hỏi cuốn băng video là của ai và Aimal đã thừa nhận là của mình. Để trừng phạt, bọn chúng bắt họ phải đánh lẫn nhau, một hành động mà người Afghanistan coi là hết sức nhục nhã, kể cả đối với những người còn trẻ. Aimal đã đánh không đủ mạnh và một tên trong số chúng đã tiến lại gần cậu ấy.

“Tao cho mày biết cần phải đánh như thế nào.”

Thế là hắn trút xuống người cậu, đầu tiên là những cú đấm, sau đó là khẩu súng trường của hắn. Mẹ anh Aimal đã cố gắng lao người vào đỡ, nhưng một tên Taliban đã đánh mạnh đến nỗi bác ấy bay người vào đống dây thép gai. Tiếp đó, giống như một đám đông đang hăng máu tùng xẻo, tất cả bọn chúng xông vào giơ báng súng trường đánh đập cậu.

Khi quân Taliban tràn vào Kabul, gia đình Aimal thuộc số những người đã tung hoa qua cửa sổ để chào đón chiến thắng của bọn chúng. Sau thảm kịch ấy, mẹ cậu cả ngày chỉ đi xin lỗi mọi người vì đã sai lầm mà hoan nghênh Taliban. Giờ những chuyện này khiến bác ấy phát điên lên. Chẳng đời nào bác ấy hình dung nổi rằng bọn Taliban lại có thể giết chết con trai mình lạnh lùng đến thế ngay trước mặt mình. Bây giờ bác ấy đi nhặt đá cuội ném vào trước xe ôtô của Taliban. Chúng đã bắt bác ấy và dùng roi đánh bác không biết bao nhiêu lần mà kể. Nhưng ngay sau khi được thả ra bác ấy lại tiếp tục ném đá, không biết mệt mỏi. Chúng đánh bác thì cũng có làm sao đâu? Bác ấy không còn gì để mất cả.

Vào tháng Hai năm 1997, tôi ra khỏi nhà lần thứ hai, lần này đi cùng chị Soraya. Mặc dù chính quyền Taliban cấm phụ nữ đi làm, chúng vẫn hứa sẽ trả cho họ tiền lương của vài tháng. Anh Daoud tháp tùng chúng tôi tới trụ sở hãng Hàng không Ariana, cách nhà tôi vài ba cây số. Bên ngoài trời rất lạnh. Chúng tôi kéo chiếc váy đen dài trùm xuống chiếc quần chạy bộ và áo len dài tay sẫm màu. Giày thể thao của chúng tôi màu đen, cả tất cũng vậy. Với chiếc áo burqa màu hạt dẻ được trùm cẩn thận trên đầu mình, về nguyên tắc, chúng tôi sẽ tránh được sự nghi ngờ của Taliban. Truyen8.mobi

Đại lộ chính đã thay đổi rất nhiều kể từ lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó. Các tòa nhà của đài truyền hình và công ty hàng không vẫn đóng cửa và mang vẻ tĩnh lặng đầy sát khí. Bọn chúng dựng lên những phòng nhỏ bằng tôn múi trước cửa các tòa nhà này. Đó là những công-ten-nơ thông thường có trổ một lối vào dành riêng cho phụ nữ. Phụ nữ được đón tiếp ở đây, từng người một, để chúng kiểm tra căn cước và cấp lương cho họ. Qua cửa ra vào tôi nhận thấy có một cái lỗ nhìn. Trong lúc xếp hàng tôi hiểu được nó dùng để làm gì. Một phụ nữ đi qua lối vào để vào trong buồng chứa và sau đó đến đứng trước cái lỗ, chị thò bàn tay cầm giấy tờ của mình qua nó. Một tên Taliban bên ngoài buồng chứa cầm lấy giấy tờ, kiểm tra chúng, rồi, cũng bằng cách đó, chuyển chúng lại cùng với tiền lương của chị.

Những chiếc áo burqa rõ ràng là chưa đủ đối với chúng. Thậm chí bọn chúng còn cần được bảo vệ khỏi những người phụ nữ nhiều hơn nữa. Chúng cần đến những tấm tôn múi để tránh xa khỏi họ. Nhưng chính xác thì chúng sợ cái gì chứ? Có thể chúng tôi bị coi là ô uế, nhưng điều đó có ngăn được chúng đừng giơ tay trần tát phụ nữ và đẩy họ vào đống dây thép gai đâu!

Những phụ nữ đến lĩnh lương ngày hôm đó bắt đầu phản đối. Tại sao lại làm nhục họ bằng cách không cho họ bước vào trong tòa nhà chính chứ? Tại sao lại đón tiếp họ trong các công-ten-nơ bằng tôn múi?

Một trong số những tên Taliban đang ngồi trên mặt đất ở lối vào đứng dậy bắn chỉ thiên một tràng đạn để đe dọa chúng tôi. Về phần tôi thì hắn chắc chắn đã thành công. Nhưng chị Narguesse, bạn đồng nghiệp của chị Soraya, thì mất tự chủ và đột ngột giật chiếc burqa ra và kêu lên.

“Thật nhục nhã cho các người khi đối xử với chúng tôi như thế này!”

Tất cả mọi người xung quanh chết điếng. Chị đã dám làm một cử chỉ chống đối và để lộ ra gương mặt chiêu đãi viên xinh đẹp của chị ngay giữa ban ngày.

Được khuyến khích bởi cơn tức giận của Narguesse, những người khác liền vây quanh tên Taliban kia và la lên giận dữ. Một phút sau, thêm nhiều tên Taliban nữa xuất hiện, thô bạo ấn chúng tôi vào trong buồng chứa và đem Narguesse đi, lúc này đang chống trả như hổ cái.

Khi đã bị nhốt lại, chúng tôi liền lột hết áo burqa ra và la lên với bọn Taliban, “Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây mà không có cô ấy. Hãy trả cô ấy về đây.”

Chúng tôi có chừng khoảng hai mươi người, không hơn. Tôi không biết anh Daoud có chứng kiến cảnh tượng này hay không. Chắc là không. Vì tin rằng những thủ tục lĩnh lương sẽ kéo dài đến vô cùng, chắc là anh ấy đang tản bộ dọc theo đại lộ trong lúc sự huyên náo nổi lên dữ dội trong buồng chứa. Chúng tôi lo sợ cho Narguesse. Tất cả chúng tôi đang nghĩ xem bọn chúng giáng lên chị loại hình phạt gì. Cách gây áp lực duy nhất là cứ ở đây, để trần khuôn mặt, để chúng không dám ném chúng tôi ra ngoài. Đây là một hình thức dọa dẫm khá yếu ớt.

Cuối cùng chị Narguesse cũng quay trở lại. Chị rất kích động và đã mặc lại áo burqa, nhưng chị không nói năng gì. Bọn Taliban quát chúng tôi bắt rời tòa nhà.

Tám người chúng tôi đi về khu Mikrorayan. Trên đường về, Narguesse kể cho chúng tôi nghe chuyện gì đã xảy ra.

Bọn Taliban bắt chị vào trong phòng nhân sự cũ ở tầng trệt.

“Tại sao cô lại cởi burqa ra?” chúng hỏi. “Tại sao cô lại muốn tỏ ra cứng đầu cứng cổ và lăng mạ chúng tôi?”

“Bởi vì các ông không có quyền không cho phụ nữ đi làm. Không có quyền tiếp đón chúng tôi hôm nay trong những buồng chứa kia như lũ chó hoang. Chúng tôi đã cống hiến sức mình cho cái công ty này, đã góp phần vào hoạt động của nó. Và chú f28 ng tôi chẳng bao giờ phải mặc burqa, kể cả trên máy bay lẫn trong công ty.” Truyen8.mobi

“Cô chỉ là đàn bà. Cô không có quyền nói. Cô không có quyền lên tiếng. Cô không có quyền cởi áo burqa ra. Thời các cô đi đó đi đây không mặc burqa đã qua rồi.”

Hai lần nữa chị Narguesse định cởi áo burqa ra thì cả hai lần chúng đều ngăn chị lại.

“Nếu mày cứ tiếp tục như thế, chúng tao sẽ giết mày.”

Thật may cho chị là một trong những tên Taliban đứng gác cái phòng đã vào nói với ông chủ của hắn rằng chúng tôi không chịu rời khỏi đó chừng nào Narguesse chưa trở về. Chúng lưỡng lự chỉ giây lát, sau đó đẩy chị ra.

“Ra đi. Và ngậm miệng lại!”

Chị đã thoát khỏi một hình phạt khắc nghiệt, biết đâu chẳng là cái chết vì đã chống đối theo cách ấy. Vậy thực ra thì vì sao chúng lại thả chị ấy ra? Vì sợ không chống lại nổi cả đám đàn bà ư? Phải, chúng không đông đến như chúng tôi. Cũng có thể là chúng đã nhận được chỉ thị của cấp trên, nhưng chính xác thì chỉ thị ấy là gì?

Narguesse không thể bình tĩnh lại được. Mặt chị đỏ lên vì tức giận. Là bạn thân của chị Soraya, chị Narguesse vốn luôn mạnh mẽ và hết sức độc lập.

“Chúng ta phải phản kháng, phải hành động thôi. Hôm nay chúng ta đã không làm được gì nhiều vì chúng ta không đủ người. Nhưng nếu ngày mai chúng ta có hàng nghìn người, chúng ta sẽ cố gắng đánh đổ được bọn Taliban này.”

Tất cả chúng tôi đều đồng ý với chị, nhưng chống đối như thế nào đây? Tập hợp nhau lại, đúng, nhưng ở đâu? Chúng tôi sẽ đặt gia đình mình vào vòng nguy hiểm. Chúng tôi không có vũ khí, không có quyền tự do lên tiếng, không có báo chí và truyền hình. Chúng tôi có thể hướng đến ai? Làm thế nào có được sự trợ giúp từ bên ngoài nếu tất cả chúng tôi chỉ là những cái bóng vô danh không có tiếng nói?

Đó là sự phản kháng đầu tiên của chúng tôi trong năm tháng trời bị Taliban cai trị. Tôi khiếp sợ. Tôi vẫn còn bị khích động khi anh Daoud đuổi kịp nhóm chúng tôi trên đường về khu Mikrorayan. Truyen8.mobi

Đêm hôm đó, trong căn hộ với những cửa sổ bị sơn đen, chúng tôi ngồi dưới ánh sáng le lói của khí đốt và cuối cùng cũng có chuyện gì đó để kể với mẹ. Nhưng mẹ chúng tôi, xưa kia đầy tinh thần chiến đấu đến thế, chỉ buồn rầu nói khẽ, “Các con thật dũng cảm. Điều này thì mẹ chắc chắn.”

Mẹ đặt bàn tay mệt mỏi lên đầu chúng tôi và tôi biết chắc điều đáng sợ này: mẹ tôi không còn muốn nghe nói về chiến tranh hay phản kháng gì nữa. Mẹ chỉ muốn uống những viên thuốc của mình rồi chìm vào giấc ngủ mê mệt. Bọn Taliban không thể động đến mẹ trong đó được.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25018


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận