Lằn Ranh Sinh Tử Chương 6

Chương 6
Tôi nghĩ đến ánh mắt của ông Sando, ông đã đọc ra chúng tôi nhanh như thế nào. Ngay cả trước khi nhìn thấy mấy cuốn tạp chí, ông ta đã cảm thấy một cái gì khang khác trong cách chúng tôi nhìn ông. Khó có thể tin rằng chúng tôi đã bộc lộ ra tất cả. Nhưng sự thật là thế. Sự thán phục của chúng tôi đối với ông đã lớn thêm; nó đã lan toả rộng ra. Tôi còn nhớ là chúng tôi đã nhảy tránh xa ra khi ông lao về phía cái thùng giấy. Ông bước lùi lại với cái thùng giấy trên cánh tay, như thể đang ôm một thứ gì nguy hiểm, không ổn định và tôi có cái cảm giác kỳ lạ là mình đã xúc phạm. Cái nhìn của ông ta có vẻ như ông đang bị tổn thương hơn là giận dữ, không khác cái nhìn khó chịu bị hiểu lầm mà những cựu quân nhân từ nơi hàng hiên quán rượu nhìn bạn.
Nhưng khi đi trở xuống dưới cầu thang thì ông không còn cái nhìn ấy nữa. Ông chỉ có vẻ mệt mỏi và đứng yên ra đó một lát trong khi con chó liếm liếm hai bàn chân xương xẩu to lớn của ông.
- Chúng tôi không định gây phiền phức cho ông – Loonie nói.
- Ồ, chỉ là chuyện tầm phào ngày xưa ấy mà – Ông lẩm bẩm – Hãy quên đi. Lên xe đi tôi sẽ đưa hai cậu trở về dưới phố.
Cả một dặm dài trên đường về nhà, chúng tôi chẳng trò chuyện gì. Cabin chiếc xe vẫn luôn dễ chịu, nhưng hôm nay nó dường như quá nhỏ đối với ba người chúng tôi. Tôi cảm nhận được sự hung bạo nơi ông Sando và bàn tay to lớn của ông trên cần sang số.
- Nghe tôi nói đây – Cuối cùng ông ta lên tiếng – Eva dữ dằn quá. Đây là thời gian khó chịu cho bà ấy.
Cả Loonie và tôi đều không biết nên nói thế nào.
- Và tôi cũng thường hay vắng nhà – Ông nói.
Chúng tôi đi lang thang trên bờ rìa của cửa sông, nơi lớp vỏ cây tràm rải trắng mặt đường.
- Có phải đó là thuốc không? – Loonie hỏi.
Tôi ngạc nhiên nhìn nó: – Tao có thấy viên thuốc nào đâu.
- Bà ấy uống thuốc mà – Loonie vênh váo – Tao thấy.
Im lặng một lúc lâu.
- Không – Ông Sando nói – Đó thực ra không phải là thuốc.
Tôi ngồi yên lo lắngể Loonie thậm chí cũng chẳng nói gì với tôi.
- Bà ấy luôn luôn cáu kỉnh – Loonie nói – Tôi nghĩ là do thuốc, chỉ có thế thôi.
- Thôi im đi – Tôi suỵt bảo nó – Đây không phải là chuyện của bọn mình.
- Dù sao cũng không phải như các cậu nghĩ đâu – Ông Sando nói.
Loonie nhún vai. Cử chỉ này thật ngang ngạnh, càng nổi bật hơn trong khoảng không chật chội này khiến nó quẹt vào chiếc áo tôi. Nó ngồi ủ rũ trên suốt quãng đường còn lại, và khi đã rõ là nó buồn ngủ thì tính khí nó càng hắc ám hơn. Nó xuống xe bên ngoài quán, lôi chiếc xe đạp của mình ra khỏi thùng xe rồi đạp thẳng đi chẳng nói một lời.
- Mấy tờ tạp chí ấy – Tôi nói với ông Sando – Đã có sẵn ở đó, ai để lên trên mấy tấm ván của chúng tôi.
- Những chuyện quá khứ ấy mà. Đừng bận tâm đến nữa.
Khi ấy tôi rất muốn nói một câu gì đó về mấy tấm hình, chỉ là để tỏ sự khâm phục thôi, nhưng rõ ràng là chuyện ấy sẽ không được hoan nghênh. Có một cái gì đó không ổn định ở ông Sando. Ông ta không dứt khoát như là cha tôi, và do tính tọc mạch, tôi thấy thái độ này của ông khó hiểu một cách đáng lo ngại. Có vẻ như ông ta không nhiều tuổi như vẻ bề ngoài của ông, như là ông chưa yên phận của mình.
- Nói với Loonie đừng quá thắc mắc về chuyện mấy viên thuốc – Ông nói – Đó chỉ là thuốc giảm đau thôi.
- Chúng tôi có thể gởi ván ở một chỗ khác – Tôi đề nghị.
- Đừng. Ở đây mát thật nhỉ.
- Vâng – Tôi nói – không được thuyết phục cho lắm.
- Mà nghe kìa, có tiếng xào xạc của một con sóng trào lên. Đến ngày mốt, nếu nó dậy ở ngoài khơi thì mình đi sớm nhé.
- Đi sớm à?
- Thật sớm. Tôi sẽ đến đón hai cậu. Mình sẽ đi tới một nơi… thật kín đáo.
- Bí mật à?
- Phải – Tôi nghĩ là các cậu sẵn sàng chứ.
Xe leo lên đến chỗ nhà tôi. Tôi leo xuống và lôi chiếc xe đạp ra. Trong khi đạp xe trên con đường gồ ghề vào nhà trong ánh sáng cuối ngày, tôi nghe tiếng chiếc Volkswagen nghiến bánh chạy về phía bờ biển, và tiếng xe vẫn còn văng vẳng qua các lùm cây khi tôi vào đến nhà mình trong bãi gia súc um tùm, với mùi chiên xào toả rộng và tiếng máy rađiô.
Ngày hôm sau, Loonie và tôi có nhiệm vụ phá đổ một nhà kho đằng sau cửa hàng thịt, và trong khi nhổ đinh bằng cây xeo và búa nhổ đinh, tôi cố lôi nó vào câu chuyện của bà Eva và ông Sando. về phần mình, tôi thấy những sự khóc lóc và tranh cãi kia dễ làm xiêu lòng người ta. Ở địa vị tôi thì không ai dám mơ tưởng xa vời đến thế, và điều này vừa gây thích thú vừa gây bối rối. Tôi tò mò muốn biết chuyện gì khiến họ cãi nhau, nhưng tôi không thể làm cho Loonie nghĩ đến điều gì khác hơn là những khuyết điểm của bà Eva. Nó xem toàn bộ chuyện này là một bằng chứng về việc bà ta chẳng qua chỉ là một thứ để cho người ta phỉ nhổ mà thôi. Bà ta là một người gây khó chịu, độc ác, một người Mỹ ngu ngốc, và một con nghiện ma tuý.
- Thuốc giảm đau ư, vô lý.
- Nhưng còn cái chân khập khiễng thì sao? Bà ta đang khổ tâm vì một điều gì đó.
- Phải, bà ấy cứ lải nhải mãi.
- Nhưng mà này – Tôi nói. Mày có để ý thấy là bà ta luôn mặc quần jean không? Bộ mày cho là bên Mỹ người ta vẫn còn bị bại liệt à?
- Ôi trời ơi, ai thèm để ý? Tao muốn bà ta về quách bên ấy đi.
- Bà ấy đâu có gì xấu.
- Mày đã thấy mấy tờ tạp chí ấy đấy. Ông ấy từng là một người nổi tiếng, và nếu không phải vì bà ta thì ông ấy vẫn là như thế. Pikelet ơi, đàn bà làm cho mình thân bại danh liệt.
- Vậy mà tao nghĩ mày đã mê bà ấy đấy chứ – Tôi nói đại.
- Mày thối quá.
Tôi bỏ lửng câu chuyện ở đó và tiếp tục công việc dọn dẹp nhà kho. Tôi biết là mình đang ở trong tư thế nguy hiểm với Loonie, thế nhưng những lời khoác lác của nó khiến tôi phì cười bởi vì tôi đã từng thấy nó nhìn bà Eva – những cái liếc trộm, cái kiểu nó chăm chú nhìn đuôi tóc dày đong đưa và đường cong săn chắc trên ngực bà – nhưng từ hôm bà ta lái xe chở chúng tôi về khi trời mưa, thì sự ghét bỏ của nó lại càng gay gắt. Dường như là sự khinh ghét của nó đối với bà ta khiến cho nó càng thêm tận tuỵ với ông Sando. Vì trong ý nghĩ của Loonie, bà Eva luôn là hòn đá nặng trên cổ vị anh hùng của chúng tôi. Làn da mềm mại và đôi mắt màu xanh người Mỹ của bà dường như khiến cho nó nổi khùng lên. Nó ghét kiểu nói gay gắt và cái miệng méo xẹo của bà. Bà ta gây trở ngại cho nó. Bà luôn đứng giữa nó và ông Sando, bà biết thế và thấy thích thú với điều này.
Bà Eva đã đúng về chuyện ông Sando với chúng tôi. Thùng tạp chí kia nhất định là một thứ gì đó gợi nhắc, là một trong những điều không bao giờ được giải thích thực sự. Sau này tôi tự hỏi phải chăng bà ta làm thế để khiến cho ông thấy những gì đã nảy sinh giữa ông ta và hai đứa con trai chưa bằng nửa tuổi ông, để ông ta dừng lại. Tôi không cho rằng mình đã biết hiệu quả của hành động này đối với ông Sando là như thế nào, hoặc họ đã dàn xếp với nhau như thế nào, giả dụ họ có dàn xếp, nhưng tôi biết rằng những bức hình ấy chỉ khiến chúng tôi thêm sợ ông taể Nhiều năm sau đó, tôi đã có đủ thời gian và lý do để băn khoăn rằng nếu bà ta thực sự có những động lực hay ý tưởng đen tối nào khác thì bà cũng không thừa nhận.
Đến chạng vạng thì Sando mới chạy đến với một chiếc xuồng nhỏ buộc vào chiếc xe của ông. Hôm ấy là ngày thứ bảy đầu tiên của năm mới. Thế là bắt đầu công việc ông gọi là cuộc hẹn của chúng tôi và một nơi bí mật. Theo cách nói đầy kịch tính của ông, chúng tôi là những quí ông đang đi tìm một địa điểm mới, và không đợi ông nói ra một lời, chúng tôi cũng hiểu được rằng chúng tôi giờ đây đã là một hội kín ba người.
Ông lái xe chở chúng tôi đi về hướng tây, băng qua nhiều dặm đường rừng. Ánh sáng ban mai soi rọi chằng chịt trên mặt đường, và khi chúng tôi đến một chiếc cầu nhỏ, xa lạ, thì ông Sando rẽ vào con đường hẻm dẫn tới bên bờ một con lạch sâu. Kinh ngạc, Loonie và tôi làm theo lời chỉ bảo, phụ giúp đẩy xe moóc và chiếc xuồng tới mép nước. Chiếc xuồng chở các thùng nhiên liệu với ba tấm ván lướt dài hơn và hẹp hơn ván của chúng tôi. Khi hai chúng tôi nhìn nhau qua phía trên mạn xuồng, Loonie toét miệng cười với cái môi sứt.
Chúng tôi lội vào trong lạch xuyên qua một truông cây bịt bùng cho đến khi đi tới một cửa sông rộng với hai bên bờ dày đặc cây lớn. Không có lều hay đê ở đây, không có gì cho thấy là có người đã đến đây, và rõ ràng là không có cái gì của vùng này từng được ghi vào sổ sách. Cảnh quan trông thật nguyên sơ.
Ông Sando lên ga chiếc xuồng và đưa chúng tôi phóng qua vùng nước cạn. Khi tôi quay lại nhìn ông ta ở phía đuôi, bám chặt vào tay lái với tóc râu bồng bềnh trong gió, nụ cười của ông có vẻ bí ẩn, thậm chí ranh mãnh.
Đến nơi cửa sông bít kín thì hai bên bờ khép lại thành một ngõ cụt giữa những đụn cát cao, có đường vân, và về phía biển có một rào chắn cao giống như rào chắn ở Mũi đất Sawyer. Khi Sando tắt máy, chúng tôi nghe rì rào tiếng sóng nhưng chưa nhìn thấy được biển.
- Chúng ta đang ở đâu đây? Loonie hỏi.
- Đây là bãi Barney, Sando nói. Ông ta đã với lấy bộ áo lặn của mình. Toàn bộ dải bờ biển này nhô về phía nam xa hơn bất cứ nơi nào khác nên nó đón được tất cả mọi con sóng.
- Vì sao có cái tên này?
- Vì Barney sống ở đây, ông ta nhe răng cười bỡn cợt.
Loonie và tôi cùng nhìn xung quanh. Nơi đây vẫn
chưa thấy dấu hiệu có người sinh sống, không thấy dấu chân trên cát, thậm chí một lối mòn xe chạy trên các ngọn đồi ngoài kia cũng không.
- Chỉ có thể nói như vậy thôi – Ông Sando nói.
- Ông ta sống ở đây à? – Loonie nói với vẻ rẻ rúng.
Ông Sando ngẩng đầu nhìn về phía biển và đứng
thẳng trên chiếc xuồng để mặc áo lặn. Ông ta bước ra ngoài, chúng tôi làm theo ông. Chúng tôi cùng nhau kéo chiếc xuồng lên trên cát rồi ôm lấy mấy tấm ván ông đưa cho và đi theo ông ta leo lên bờ vách của rào chắn, tại đây cuối cùng chúng tôi đã nhìn thấy được toàn bộ chiều dài của cái vịnh.
- Chà, ghê quá nhỉ – Loonie nói.
Tôi nhìn những bức tường sóng trong trẻo màu xanh đang đổ vào trong bãi bi ển trông vắng. Mỗi con sóng va đập vào bờ trên một quãng dài hai trăm mét rồi trải đều về phía đông ngang qua các dải cát thành những
đoạn nhỏ. Tôi không thể tin được là con sóng lại dài đến thế, và có vẻ như đọc được ý nghĩ của tôi, ông Sando giải thích rằng tốt nhất là đi bộ ngược trở lại bờ biển sau mỗi lần cưỡi sóng. Không có một dấu vết nào của con người trên bãi biển, mà chỉ có những con chim bay lượn trên đầu, bọt nước tung tóe và tiếng rào rào của nước tuôn rơi.
- Còn về ông Barney thì sao? – Tôi hỏi với một cái cười không phải chỗ, đoán rằng mình là đầu mối gây ra một câu chuyện đùaể
- Ông ấy không phải lúc nào cũng thèm thịt đâu, ông Sando nói. Câu nói càng làm tăng thêm sự kỳ dị.
Loonie nói: – Đừng có bảo với tôi đó là một con cá mập nhé.
- Ừ. Không phải một con cá mập đâu.
Loonie cười sằng sặc vui vẻ, tôi cũng cười theo với nó.
- Này nhé – Ông Sando nói – Không phải là con cá mập thòng thường đâu, phải nói rõ như thế.
Cái cười nín bặt trong cổ họng chúng tôi.
- Không phải chỉ có lớn mà thôi. Tôi đã đến nơi này nhiều năm rồi, hãy nhìn tôi đây. Mấy ngón tay và ngón chân của tôi đều mang dấu tích cả.
- Nhưng ông đã thấy nó chưa? – Tôi hỏi giọng khàn đặc.
- 0, có chứ. Năm, sáu lần.
- Đó là loại cá mập khát máu nào vậy? – Loonie nôn nóng hỏi.
- Như tôi nói đấy. Không phải loại thống thường đâu.
- Thôi đừng vòng vo nữa, hãy nói thẳng ra đi – Loonie
nói.
- Đó là một thứ chó săn trắng. Con thú săn mồi lớn màu trắng.
- Mẹ kiếp!
- Bây giờ thì cứ văng tục tuỳ thích đi. Cởi đồ ra mà đấu đá đi nhãi con.
Sando và Loonie đứng trân ra đó, trừng trừng nhìn nhau. Không được gọi Loonie bằng cách ấy. Tôi biết là nó sẽ không lùi bước, dù trước một người lớn hay người nhỏ. Tôi bước lùi lại, cảm thấy mình quá ốm yếu, và chờ một chuyện gì đó nổ ra.
- Nó lớn cỡ nào vậy? – Tôi hỏi như muốn tạo ra một chút thay đổi.
- Ô, khoảng mười bốn bộ – Ông Sando nói với đôi chút vui vẻ. Ông vẫn nhìn Loonie với cái nhìn lạnh như thép – Khó nói lắm, Pikelet à. Nó có một cái đầu to dị thường và hàm răng dễ sợ.
- Vậy thì tại sao nó có tên là Barney? – Tôi hỏi, cố tình làm giảm sự căng thẳng.
Ông Sando cười: – Tôi gọi nó như thế là lấy cái tên ông bố của Eva; ông ta cho tôi là đồ vô dụng. Ông bố vợ tôi không ăn thịt tôi, nhưng thỉnh thoảng ông ta nhe răng ra chỉ để nhắc tôi nhớ rằng ai là ông chủ. Barney là thế đấyề Thôi, đi nào, ta hãy chơi khi thuỷ triều đang lên cực đỉnh.
Loonie ném tấm ván của nó xuống: – Vậy mắc mớ gì mà ông đưa bọn tôi đến đây?
- Để làm cho các cậu trưởng thành – Sando nói – Tôi nghĩ các cậu thích như thế. Một cặp chuyên trị sóng lớn như các cậu. Những chàng trai nói là đã từng lướt sóng cao đến tám bộ bên ngoài Mũi đất.
- Chúng tôi làm như thế thật đấy – Loonie nói – Có nhiều người chứng kiến mà.
- Các cậu nói thế. Và có thể các cậu đã làm thế. Nhưng mà, chao ôi, Loonie này. Cậu không thấy sợ ư?
- Đừng nhiều lời nữaễ
- À, mà tôi thấy sợ thật – Tôi lẩm bẩm.
- ít ra, cậu là người trung thực, Pikelet. Nhưng sợ cái gì? Nước trên cát? Một chút nghẹt mũi à? Ngoài Mũi đất ấy có gì đáng sợ hả?
- Cao đến tám bộ đấy – Loonie nói.
Ông Sando chỉ cười khì. Ông xoay người lại khoan thai đi xuống mép nước và lao mình vào trong rãnh sâu cuồn cuộn của vùng nước xoáy. Chúng tôi nhìn theo ông phóng ra tới eo biển sâu thông ra ngoài khoảng trống, ung dung bơi lội, hụp xuống bên dưới những mảng bọt nước và lắc đầu vảy nước.
- Ăn thua gì – Loonie nói – Ông ta làm mình gai mắt.
Tôi nhún vai.
- Ông ta đang coi thường chúng ta đó.
- Có thể – Tôi nói.
- Ông ấy tưởng mình chỉ có ngồi đây như hai đứa con gái thôi à.
Con gái hay không, tôi hoàn toàn sẵn sàng để làm y như thế, nghĩa là ngồi trên bờ này một cách an toàn và ấm áp để nhìn ông Sando liều mạng với con cá mập Barney. Tôi đã nghĩ tới việc phải làm gì nếu như ông ta bị ăn thịt, và xem mình có nhớ cách khởi động chiếc thuyền máy hay không. Điều khiển chiếc Kombi về nhà cũng có đôi chút khó khăn, nhưng tôi hình dung là mình sẽ giải quyết những trở ngại nhỏ lần lượt từng cái một. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ ra điều gì rõ rệt trong đầu thì Loonie đã chộp lấy tấm ván của nó với một tiếng thét nghẹn ngào, tức tối và chạy xuống nước. Một lát sau, khốn khổ và kinh hãi, tôi đuổi theo nó.
Đó là cách chúng tôi lướt sóng lần đầu tiên ở Barney, Loonie đón lấy tất cả ngọn sóng một cách hung hăng, còn tôi thì chỉ biết men theo đằng sau, phập phồng và run rẩy, cho đến khi sự hứng thú của những đợt lướt sóng khiến cho cả hai chúng tôi không còn biết sợ là gì nữa.
Sóng biển ở Barney không lớn lắm nhưng dài và rất đẹp, sóng ở đây có màu xanh tinh khiếtẾ Trông như một hình ảnh trong tờ tạp chí, còn chúng tôi thì ở trong đó. Loonie và tôi ra sức đứa này vượt qua đứa kia, rời bờ thật muộn, rồi nhảy vào trong nước một cách ung dung theo cách học được từ ông Sando, rồi sau đó lao mình vào trong cái hầm lung linh của mỗi đợt sóng. Bên trong những con sóng này, tiếng nói của chúng tôi dội ngược trở lại phía mình, nghe sâu hơn và lớn hơn mọi âm thanh khác, giống hệt tiếng của người lớn. Chúng tôi cảm thấy mình khỏe mạnh hơn và già dặn hơn. Từ trong lòng sâu của các đợt sóng nối tiếp, chúng tôi hiện ra với tiếng reo hò và không còn nghĩ gì đến chuyện con cá mập nữa. Ngày hôm ấy là ngày đánh dấu một giai đoạn trong cuộc đời chúng tôi.
Chúng tôi lướt sóng ở Barney với ông Sando nhiều tháng rồi bí mật này mới bị lộ. Một số người dân Angelus tọc mạch đã theo dõi chúng tôi, nhìn thấy dấu bánh xe và rồi tìm ra chiếc Volkswagen và cái toa moóc đang đậu. Nhưng dù khi họ đã kéo đến thì có nhiều người chỉ ngồi trên bãi mà nhìn chứ không xuống nước. Đặc biệt là sau buổi sáng mùa xuân hôm ấy, khi con cá Barney trồi lên mặt nước giống như một chiếc tàu ngầm, lượn qua bên cạnh Loonie và nhìn nó với một con mắt đen ngòm khủng khiếp trước khi bơi đi ra xa.
- Con mắt ấy – Loonie nói giống như một cái lỗ sâu vũ trụ ghê hồn.
Tôi ao ước được là nó vào lúc ấy và trong câu chuyện xảy ra khi ấy.
Trên đường về nhà sau một ngày đầu tiên ở Barney, mỏi mệt và thích thú, chúng tôi hồi tưởng lại từng đợt sóng buổi sáng hôm ấy, và thấy càng thêm tin tưởng. Chúng tôi cùng đồng ý là Loonie đã đón ngọn sóng ngày hôm ấy. Nó to như một toa tàu. Tôi đang chèo trở ra, ngang qua eo biển thì thấy Loonie đã đứng xuống đất. Ngọn sóng dựng đứng lên, chồm tới phía trước và nuốt chửng lấy nó. Tôi nghe tiếng nó la lên không biết vì vui mừng hay kinh hãi rồi sau đó chỉ thấp thoáng nhìn thấy nó trong khi nó tìm đường đi qua bên dưới lằn gấp cong vòng của khối nước. Trông nó lờ mờ như một bóng ma. Cuối cùng khi nó nhô lên và đi ngang qua chỗ tôi, nó nhìn trở lại con mắt kỳ dị mở to của đợt sóng và chỉ một ngón tay vào đấy.
- Chà, phải chi tao có chiếc máy chụp hình – Nó nói khi chúng tôi ì ạch chạy xe trở về ngang qua khu rừng – Đẹp quáề Phải có một tấm hình.
- Ô – Ông Sando nói – cần gì chụp hình.
- Nhưng chỉ để chứng minh cho mọi người thấy một chuyện như thế.
- Cậu không cần phải chứng minh. Cậu đã ở đó mà.
- Phải, ít ra đã có hai người nhìn thấy đấy.
- Tôi công nhận – Tôi nói.
- Nhưng không phải chuyện của chúng tôi – Ông Sando nói – Mà là chuyện của cậu, cậu và biển cả, cậu và hành tinh.
- Khỉ khô gì, ông ơi – Loonie lầu bầu.
- Không đúng hay sao? – Ông Sando nói với vẻ khoan dung.
- Đúng với ông ấy. Ông đã có vô số hình chụp để chứng minh những gì ông làm, ở bãi biển Honolua ấy. Ngón độc cả.
- Toàn những thứ vặt vãnh – Ông Sando nói – Giấy dán tường thôi mà.
- Ông nói nghe dễ dàng nhỉ.
Ông Sando lặng thinh một lát: – Rồi các cậu sẽ biết, cuối cùng ông nói.
Loonie vỗ vỗ vào ngực nó trong ca bin chiếc xe.
- Biết ư, ông bạn? Tôi đã biết rồi!
Tôi bật cười nhưng ông Sando vẫn điềm nhiên.
- Con trai ơi – ông nói – Rốt cuộc rồi chỉ có cậu và con sóng ấy thôi. Cậu quá bận tâm để lo cho được sống mà chẳng cần để tâm đến ai đang nhìn mình.
- Ông bạn ơi – Loonie nói, cố tỏ ra vẻ can đảm – Tôi không biết ông đang nói thứ tiếng gì vậy.
- Rồi cậu sẽ ra ngoài kia, và suy nghĩ: Tôi sắp chết đây à? Tôi có đáng chết hay không? Tôi có biết là mình sắp làm gì hay không? Tôi có vững vàng không? Hay tôi chỉ.ề. tầm thường thôi?
Tôi nín thở nhìn qua vùng ánh sáng lác đác trong các chòm cây.
- Đó là thứ mà rốt cuộc các cậu sẽ phải đương đầu khi đã từng trải – Ông Sando nói.
- Thấy như thế nào? – Tôi nói khe khẽ.
- Thấy cái gì chứ?
- Khi nào thì chuyện ấy thành nghiêm trọng.
- Các cậu sẽ thấy.
- Tôi muôn nói là giông như là hai mươi bộ ấy – Loonie lúc này ôn tồn nói.
- Được rồi, các cậu vui mừng là đã không có những tấm hình dại dột. Khi làm như thế, khi các cậu hãy còn sống và còn đứng vững, các cậu sẽ có cảm giác rần rần như dòng điện chạy qua. Các cậu thấy mình còn sống, hoàn toàn tỉnh táo và hãy còn nguyên vẹnể Thật giống như là mình đang chạm vào bàn tay của Chúa. Còn những gì khác chỉ là thể thao và giải trí thôi, các bạn ạ. Một ngày nào đó các cậu sẽ trao bàn tay Chúa cho tôi.
Cùng ngồi kề vai trên xe, Loonie và tôi lén lút nhìn nhau. Có một cái gì đó như một lớp học nơi ông Sando, có mùi phấn bảng khi ông giận dữ, nhưng đầu óc tôi suy nghĩ lung tung. Tôi tự đặt ra cho mình những câu hỏi và cảm thấy sự lô-gic ngầm của chúng. Mình có nghiêm túc hay không? Mình có thể làm điều gì một cách dạn dày, hay chỉ là việc thường tình? Tôi dám đem sinh mạng mình ra mà cá cược rằng mặc dù tỏ vẻ khinh đời nhưng Loonie cũng đang làm như tôi. Chúng tôi chưa được biết như thế nào, nhưng chúng tôi sẵn sàng hình dung mình trong một cuộc sống khác, một xã hội khác, một trạng thái mà một đứa trẻ vụng về như chúng tôi không thể dùng lời nào để mô tả. Tâm trí chúng tôi đã sẵn sàng để đáp ứng với điều đó và chúng tôi để lại đằng sau những cái tầm thường.
Đầu năm học mới, quả thật là tôi có rên rỉ nhưng không có ý định bỏ cuộc. Mùa hè năm ấy không còn có sóng nhồi, không còn cơ hội để kiểm tra mình thêm nữa, và công việc hàng ngày càng thêm bận rộn. Trong tuần lễ bắt đầu năm học, tôi lại mò tới những gian chái và những hốc hẻm của thư viện nhà trường ở Angelus. Ở Sawyer không có một thư viện như thế này và loạt sách khác duy nhất mà tôi được đọc là sách ở nhà ông Sando. Trong năm đầu tiên ở trường trung học, tôi xem đọc sách như một kiểu ẩn dật, nhưng trong năm thứ hai này thì nó đã trở thành một niềm thích thú thật sự đối với tôi.
Tôi bắt đầu đọc Jack London bởi vì tôi nhận ra cái tên này trên kệ sách của ông Sando. Rồi sau khi nhìn thấy Gregory Peck ì ạch leo qua boong thượng tầng đuôi tàu trên ti vi, tôi cố đọc cuốn Moby Dick, tuy nhiên, không thể nói là tôi đã đọc được nhiều. Tôi tìm thấy những cuốn sách nói về Mawson, Shackleton và Scottề Tôi đọc những truyện kể về cuộc hành trình phía nam của Amundsen với những gian truân đặc biệt. Tôi cố hình dung ra việc nhà thám hiểm người Na Uy này đã phải ăn thịt chính những con chó đã kéo ông đi đến miền Cực – một điều gì đó nghiệt ngã và phấn chấn đã khiến tôi say mê. Tôi đọc về những người lính biệt kích Anh, về cuộc Kháng chiến của người Pháp, về nhóm đặc nhiệm tháo gỡ bom mìn. Tôi tìm thấy Cousteau cùng những nhà văn thuỷ thủ thời ấy kể lại những cuộc hành trình của người xưa trong các chiếc thuyền bằng da và bằng tre. Tôi đọc về Houdini và những người để cho mình được súng đại bác phóng đi hoặc vượt thác Niagara trong các thùng phuy. Tôi đọc về những cuộc đời chẳng hề bình thường chút nào, về những con người mà trong hoàn cảnh ở nhà có thể bị xem là kỳ dị, liều lĩnh, đầu óc có vấn đề. Khi không thể đọc được hơn mười sáu trang trong cuốn Bảy Trụ cột của Kiến thức thì tôi nghĩ rằng sự thất bại là do ở mình.
Chính từ nơi các kệ sách này mà tôi gặp được một cô gái, cô không chút hỏi han đã quyết định nhận tôi làm bạn trai. Cô là đứa con gái nông dân từ miền đông xa xôi đến và sống trong một nhà trọ đáng sợ. Cũng như tôi, cô đến thư viện là để lẩn tránh, nhưng cô là người rất mê sách. Tên cô là Queenie. Cô xinh đẹp và có mái tóc vàng rơm, với đôi vai nở nang của một tay bơi có hạng, và có rất nhiều điểm đáng yêu, nhưng tôi không chắc là mình có thực sự thích cô vì cô thích mình trước hay không. Dù tôi chẳng làm gì nhiều để khuyến khích một sự quan tâm đầy rắc rối như thế, nhưng tôi phần nào đã quá quen với chuyện này và thậm chí tôi còn mong đợi nữa. Cô chê bai những cuốn sách về các hành động anh hùng của nam giới mà tôi thường đọc, còn tôi thì trêu chọc cô ta thích đọc những câu chuyện về những cô gái tật nguyền vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo nhờ sự cứu giúp của những con vật thông minh một cách khó tin.
Vào giờ ăn trưa, chúng tôi không đi lang thang mà cứ ở riết trong thư viện, và dù chẳng có gì nhiều để nói với nhau nhưng chúng tôi chẳng bao giờ rời xa nhau. Vào học kỳ được một tháng, khi lớp học đã phân định, theo như lề lối thời ấy, rằng Queenie và tôi là một cặp chính thức, thì hai học viên lớp trước chúng tôi đã lớn tiếng thông báo chung cho toàn bộ khu vực văn học người thật việc thật của thư viện biết rằng Queenie Cookson có cặp vú lớn. Vừa nghe thế, cô bé tội nghiệp đã chạy biến vào trong toa-lét, để tôi ngồi lại đó canh chừng cho một cuốn sách nói về Helen Keller. Tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng – do sự nhìn nhận hơn là do xấu hổ – vì những tên nhóc kia dù khá tàn ác nhưng đã nói hoàn toàn đúng về một điều mà tôi đã để ý thấy. Đúng là Queenie Cookson có cặp vú lớn và đây là một tin tức tự nó đã gây bối rối, nhưng còn tôi phải làm gì đây khi nó được loan truyền như thế trong khắp thư viện? Tôi có nên đứng lên bảo vệ danh dự cho cô gái rồi bỏ ra về, hay vùng lên đánh trả một cách vinh quang? Chẳng có cách nào hợp với tôi cả. Tôi chỉ biết ngồi trơ ra đó, mặt đỏ bừng lên, trong khi rõ ràng là Queenie sẽ còn lâu mới trở ra. Ngay khi tôi dẹp qua một bên cuốn sách về Helen Keller và cố gắng bình thản trở lại với những chiến tích của người anh hùng cụt chân Douglas Bader, thì tôi cũng biết là mình đã thất bại trong một cuộc thi mà mình chưa hiểu các luật lệ của nó.
Nguồn: truyen8.mobi/t104225-lan-ranh-sinh-tu-chuong-6.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận