Chương 5 I like play you phải hiểu là tao muốn chơi với mày chứ không phải tao muốn chơi mày. I faack you phải hiểu là tôi gửi cho cô một bản fax...
Họa sĩ đi mà đợi mãi không về, đợi hết ngày hôm ấy, đợi hết đêm hôm ấy, thì tất nhiên câu chuyện của đêm đầu tiên là chỉ xoay quanh gã.
Sang thời mở cửa văn nghệ, giới họa sĩ đang từ chốn ao tù được hướng ra cả một đại dương mà lâu nay chỉ được nghe sóng vỗ ì ầm ngoài xa. Tây ào ào đổ vào ta. Ta cũng nườm nượp đi tham quan giao lưu học hỏi Tây. Tay nào nhanh mắt nhanh tay cộng thêm tí láu cá, học tắt được tí tiếng Anh tiếng Pháp, vừa đủ ngôn ngữ giao dịch chiu chiu là làm ăn với Tây Mỹ được. Họa sĩ cởi mở không có năng khiếu vẽ, chưa bị chìm trong cõi mông lung mơ hồ cho nên lanh ngoại ngữ hơn. I like play you phải hiểu là tao muốn chơi với mày chứ không phải tao muốn chơi mày. I faack you phải hiểu là tôi gửi cho cô một bản fax chứ không phải tôi giao cấu với cô. Có khi vừa học được một câu đầy đủ các thành phần câu, đem ra con vẹt thực hành ngay, giống hệt ông Tây mới học tiếng Việt hỏi một thằng bé đánh giày: xin cháu làm ơn cho tôi biết tôi có thể đi con đường nào để dẫn đến nhà ga?
Nhưng vấn đề không phải là tiếng bồi bất chấp văn phạm, mất giới từ liên từ quán từ mạo từ, thậm chí mất cả chủ cả vị. Vấn đề cũng không phải là cái phát âm bồi ngạo ngược đè lên cả trọng âm như rên như gắt như ngậm kẹo dừa. Vấn đề là nói ngược nói xuôi kiểu gì thằng Tây thằng Mỹ cũng cố hiểu ra được. Đằng này họa sĩ cởi mở lại thuộc diện lanh lẹ sáng ý, thậm chí lại còn sáng tạo ra những tình huống ngữ pháp hợp chủng giữa tiếng Tây với tiếng ta. Thế là kéo ngay được những đối tác quan trọng. Thế là tiếp thị được ngay cho hội họa Việt Nam. Thiết lập được quan hệ đối ngoại rồi thì bắt đầu bài bản tạo nên hiện tượng. Bắt được bốn ông bạn vẽ khá, định thành lập một nhóm lấy tên là Gang of Four. Bọn Bốn Tên. Lập tức không thích cái tên. Có vẻ giống Tàu thế nào. Nhà lý luận bèn phải cùng đứng vào cho đủ năm người, thành nhóm Ngũ Hổ, nghe oai. Một tay trong nhóm mưu toan đưa thêm thằng em vào thành nhóm sáu người. Nhà lý luận dứt khoát không chịu. Ngũ Hổ số đẹp, nghe lại oai, chứ sáu người có mà thành nhóm Lục Súc Tranh Công.
Các nhóm văn nghệ sĩ bao giờ cũng cần kẻ có đầu. Nghệ sĩ thì đầu óc vắt kiệt hết vào tác phẩm rồi, cái đầu giơ ra với đời chỉ còn là bã đậu tương. May mà có những người như họa sĩ cởi mở, thiếu năng khiếu hội họa nên mới còn cái đầu để mà đứng đầu cho cả nhóm. Thiếu năng khiếu nên mới có lý luận. Gã tung ra các bài báo phát tán tuyên ngôn của nhóm Ngũ Hổ, trình bày khuynh hướng phong cách sáng tác của từng người. Gã đưa dịch in các tờ rơi tờ gấp rải vào các sứ quán các cơ quan đại diện các công ty liên doanh. Tưng bừng. Công chúng thời đổi mới cũng trở nên rộng lượng dễ dãi. Tây ba lô đi đầy Bờ Hồ, thấy những cái triển lãm hay hay ghé vào xem, lại được một ông có lý luận có tí tiếng Tây nói năng hoạt bát tao muốn chơi mày. Thì chơi. Vui. Khá tiền mua những cái tranh dăm bảy trăm đô vài ba nghìn đô. Ít tiền mua loại tranh xúvơnia đôi ba chục đô. Kiểu gì cũng bán được. Bán được thì được tiếng thơm rằng tranh vẽ ra chỉ chuyên bán cho Tây.
Đến lúc ấy thì nhà lý luận cũng tức khí lên mà vẽ. Gà tức nhau tiếng gáy. Mình không vẽ thì chỉ dành chỗ cho bốn thằng còn lại gặt hết. Mình là cái đầu mà không vẽ thì cũng mang tiếng cho cả nhóm. Thế là mang toan mang sơn ra bôi. Hình họa yếu thì nguệch ngoạc đôi ba nét rồi bết màu đè lên che đỡ. Màu yếu thì bôi trát tung ném lổn nhổn sần sùi, sử dụng màu không ra bài bản tạo ấn tượng phá cách. Đám Âu Mỹ đầu óc thực dân rất thích những trò man di quái đản bản xứ. Thích như trẻ con da trắng thích búp bê xấu mắt trắng da đen. Những cái mọi mọi man man trong hội họa được chúng tán thưởng mua về như một kỷ niệm với chốn ngồi xổm ăn bún ốc mắm tôm trên miệng cống. Thế là nhà lý luận đã chính thức trở thành họa sĩ. Họa sĩ cởi mở gắn liền tên tuổi với thời mở cửa.
Nhóm Ngũ Hổ bắt đầu có đối tác nước ngoài. Đôi ba ông bà Tây chán ghét lối sống tiêu thụ phương Tây bắt đầu tìm sang phương Đông. Một vài kẻ còn mò đến tận nhà họa sĩ. Thấy họa sĩ cởi hết mở hết trồng cây chuối hột. Họ cũng cởi hết mở hết trồng chuối theo. Đến với nhau xuất phát từ tình yêu hội họa. Bền chặt với nhau nhờ tình yêu yôga văn minh phương Đông. Gã mở lớp yôga chỉ có dạy cho Tây, lại chỉ có dạy cho Tây nào có thể làm ăn hội họa. Bên kia bà mẹ lảo đảo gõ mõ. Bên này dăm ba cây chuối trồng ngược, chuối da trắng chèn giữa chuối da vàng. Sau đó mới dẫn đến việc ủy ban phường xộc đến tra vấn chuyện tà giáo.
Tây nó thích văn minh phương Đông. Truyền tai truyền miệng nhau. Thế là hội họa của nhóm lại thêm một đề tài. Vẽ hình Đức Phật ngồi bắt ấn tòa sen trên kia, thiếu nữ phương Đông tênh hênh ngủ ngày nằm chõng ở dưới này. Vẽ hoa sen. Vẽ họa tiết âm dương. Vẽ thời trang thương nhớ đồng quê, gầu nước đèn dầu tường đất. Vẽ thế được một lúc thì tự thấy tranh mình có chiều sâu triết học, có cảm xúc nguồn cội quê hương. Nhóm Ngũ Hổ, hổ thì vẽ Phật, hổ thì vẽ cõi hỗn mang, hổ này vẽ hai chiều hai cõi âm dương, hổ kia vẽ đồng quê lặn lội bùn lầy, vẽ ánh sáng khúc xạ theo kiểu trang trí sân khấu điện ảnh. Hổ nào vẽ gì là do đầu sỏ phân công. Đầu sỏ tinh, biết đứa nào mạnh cái gì, biết phân bổ chỉ tiêu để đa dạng phong cách cho nhóm. Đầu sỏ lại còn biết hòa nhịp với hội họa thế giới. Thế giới bây giờ người ta không chỉ giới hạn ở vẽ mà còn mở rộng hội họa ra thành nghệ thuật thị giác, nghệ thuật của mắt nhìn. Thậm chí là nghe nhìn, phối hợp mắt nhìn tai nghe. Cả nhóm làm hội họa sắp đặt. Cả nhóm làm hội họa biểu diễn. Bày mấy cái chậu nhựa trên vỉa hè. Treo lủng lẳng trên mỗi chậu một cái nón. Rồi cầm vòi nước tưới lên nón cho rơi mưa xuống chậu. Thế là hoàn chỉnh một tác phẩm. Ngũ Hổ cởi hết mở hết, đóng độc cái khố ngồi thế kiết già trong công viên. Bảo một thằng Tây đối tác đi qua từng vị cởi mở, lấy cái gậy gõ lên từng cái đầu trọc. Gõ một cái thì cái đầu trọc lại kêu cốc một cái kêu boong một cái. Thế là được một sô. Dăm bảy sô sắp đặt và biểu diễn đều báo cho Tây cho ta đến xem. Cả giới hội họa lẫn dân ngoại đạo. Mê man. Tấm tắc khen lúng búng chê. Lây lan ngược trở lại nhóm Ngũ Hổ. Chính chủ thể sáng tạo cũng mê man với tác phẩm của mình.
Nhưng nhà lý luận thì không thể mê man. Gã làm đầu sỏ cái nhóm này, gã có vai trò thức tỉnh. Đánh thức tất cả lũ mê muội dậy. Ghé tai bốn thành viên mà rằng sắp đặt với biểu diễn thực ra là một cố gắng đương đại. Khái niệm đương đại đồng nghĩa với suy đồi. Đó chỉ là một nỗ lực giật tung xiềng xích mở hướng ra không gian. Diễn thì thằng diễn viên kịch diễn viên điện ảnh nó bài bản hơn đứt. Sắp đặt thì thằng kiến trúc nó xử lý với không gian giỏi hơn nhiều, thậm chí thằng tiệc cung đình nó sắp đặt món ăn còn đẹp hơn nhiều. Nói tóm, đó chưa phải là hội họa mà chỉ là cận hội họa. Đó là viên gạch lát đường. Đứa nào muốn suốt đời chỉ làm viên gạch lát đường cho lũ nhãi ranh sinh sau đẻ muộn giẫm lên bước qua mà đi tới thành công thì bảo? Chả đứa nào muốn. Đứa nào cũng chỉ nghe nhà lý luận nói đến đấy thì nản. Thôi thì nghỉ. Nghỉ luôn. Từ nay không có sắp đặt với biểu diễn gì nữa.
Nhưng thức tỉnh không phải là để dậm chân đứng lại. Đầu sỏ kiên trì dạy dỗ lũ nghệ sĩ có ăn có lớn mà không bao giờ trưởng thành. Installation và performance không hề là mục đích của hội họa, nhưng lại là phương tiện. Người ta không nên vứt bỏ bất cứ một phương tiện có lợi nào. Lợi. Chim chết vì mồi người chết vì lợi. Nhưng người cũng sống vì lợi. Chỉ cắm mặt vào vẽ mà không ai biết không ai mua là không lợi. Vẽ mà hút người ta đến là lợi. Quăng quật mọi thứ linh tinh ra thành sắp đặt, vẽ mặt bôi hề nhảy nhót hú hét leo cột mỡ thành ra biểu diễn. Sắp đặt và diễn là để thu hút. Người ta thấy là lạ ngô ngố ghê ghê kinh kinh, người ta xúm lại xem. Cái ú ớ khờ khạo vớ vẩn lại làm cho người ta thinh thích nhơ nhớ. Tên tuổi ta được lưu vào bộ nhớ của công chúng. Từ đó công chúng đến đâu cũng để ý tìm tên tuổi ta. Từ đó công chúng mới xem tranh ta mua tranh ta. Đến đó mới là mục đích. Đến đó thì trò sắp đặt biểu diễn mới sinh lợi. Lợi. Đích cuối cùng.
Bài học rút ra: cứ mê man say sưa sắp đặt biểu diễn đi nhưng đừng quên vẽ tranh đừng quên nặn tượng. Trò vè ầm ĩ là để đánh động để gây chú ý để tiếp thị cho tranh tượng của ta. Đứa nào mê một lần mà mê luôn, bỏ hẳn vẽ, đứa ấy thân bại danh liệt chìm ngay vào vũng bùn rồ dại lãng quên.
Tỉnh ngộ. Cái bọn lơ mơ mà tỉnh ngộ thì thành cú thành cáo. Cái tính cú cáo hiển hiện trên màu tranh thị dân, lồ lộ trong ý tứ tranh tân gia trang trí trưởng giả. Có bọn mới phất về kinh tế thì cũng có bọn giàu xổi về văn hóa. Bọn này có đầy cả khu vực Đông Nam Á, cả vùng châu Á mới vươn mình dậy. Vùng Âu Mỹ phát triển lại càng dễ kiếm bọn trưởng giả văn hóa này. Các gelơri tranh châu Á được mở ra để nhắm tới bọn này. Nó mua tranh dăm bảy nghìn đô coi như tiêu vặt, vài ba chục nghìn đô coi như đầu tư nhỏ, treo đâu đó trong phòng, bỏ đâu đó vào kho chục năm. Một lúc nào đó bán lại. Không bán lại được thì coi như một món nhỏ thất thoát.
Đầu sỏ bắt được một mối gelơri ở Hồng Kông sẵn sàng nhận tranh Việt Nam. Lối ra lớn đầu tiên. Hẹn ông Hồng Kông gốc Tàu đến đánh chén ăn nhậu với cả nhóm ký hợp đồng. Đặt phòng riêng nhà hàng xịn. Trên tường nhà hàng có sẵn mấy bức tranh mặt ai nhìn vào cũng phải nhăn. Để cho ông Hồng Kông nhăn mặt mà hiểu đời vẫn có thứ hội họa ghê tởm như vậy. Để càng tôn lên tài năng đích thực của anh em ngồi đây. Ông Hồng Kông đến. Trắng lốp béo phốp. Đầu sỏ kiêm luôn thông ngôn cho cả nhóm. Chiu chíu tặc tặc như tiểu liên tắc cú một hồi là hiểu nhau. Ông Hồng Kông định giở hợp đồng ra ký thì đầu sỏ đứng lên xông ra phòng ngoài xin thêm ớt. Nhà hàng xịn mà cả lũ tiếp viên không đứa nào đứng trông xem khách thiếu gì cần gì. Đầu sỏ gọi thêm ớt xong rồi thì nhìn qua cửa kính thấy một gã chủ gelơri Sài Gòn đang loay hoay xách túi bước lên tắc xi. Quên luôn bọn người đang nhậu thiếu ớt. Quên ngay. Gã chạy ra ngoài hỏi han gã kia đôi câu. Ô mày đấy à. Tao ra sân bay về Sài Gòn làm cái sắp đặt cho lũ bạn, bọn này cũng không có đầu luôn, mày viết giúp tao cái lời giới thiệu đi, bay với tao luôn, lên máy bay ngồi mà viết.
Chưa bao giờ xảy ra chuyện như vậy. Bạn nhậu của ta đứng dậy đi gọi ớt rồi biến luôn. Biến mất tăm. Không có điện thoại di động để mà liên lạc. Bỏ lại bên bàn nhậu bốn họa sĩ bơ vơ không một chữ tiếng Tàu tiếng Anh. Một ông Hồng Kông đầu lúc lắc như bò đội nón không một chữ tiếng Việt. Không ai biết tiếng của ai mà vẫn rôm rả. Tao nói tiếng của tao mày nói tiếng của mày. Chả có gì khác ngoài chuyện món ăn. Ngon không? Chỉ tay vào đĩa thịt chó. Hồng Kông hiểu ngay. Ô gút gút. Bốn ông Việt Nam rộ theo gút gút. Đấy hiểu nhau rồi, dễ thế. Hồng Kông khen thêm một tiếng ngon đilisớt. Nó bảo sốt sốt cái gì? Thịt chó không chấm sốt, đồ ngu. Cứ thế mà không thông ngôn không đầu sỏ vẫn vui.
Nhưng rồi Hồng Kông không thể chờ mãi. Hồng Kông rút bản hợp đồng ra, rút bút ra bảo một gã ký. Xai xai. Tay chỉ chính xác vào chỗ cần ký. Cả bốn gã đều ngớ cả ra. Nó bảo sai sai cái gì. Hợp đồng sai thì bố đứa nào dám ký. Thôi thì mày ký đi. Điên à, nhỡ nó ghi tao nợ nó triệu đô tao cũng ký à. Còn tao không sợ triệu đô nhưng cái hợp đồng dài ngoằng nội dung Việt gian phản động diễn biến hòa bình thì sao. Thôi đợi họa sĩ cởi mở về. Mà lão biến đâu nhanh thế nhỉ.
Nửa tháng sau đầu sỏ mới trở về. Suốt chiều dài lịch sử của nhóm Ngũ Hổ thỉnh thoảng gã lại có những cú mất tích giữa ban ngày như vậy. Sau nửa tháng một tháng trở lại cứ như bỏ bàn nhậu ra ngoài năm phút rồi trở lại nhậu tiếp. Nhậu với nhau thôi, Hồng Kông thì đã về Hồng Kông mất rồi. Cả bọn tiếc ngẩn ngơ. Nhưng ngay sau đó xảy ra khủng hoảng kinh tế châu Á. Tay Hồng Kông phá sản vỡ nợ chuồn đi đâu mất. Bao nhiêu họa sĩ trót gửi tranh vào gelơri của lão, mệnh giá tranh hàng chục nghìn đô, chịu không còn cách nào đòi lại được. Tiếng kêu rên than khóc còn vọng đến giờ.
Đầu sỏ đắc ý. Cú mất tích vô tình của gã cứu được cả nhóm. Mất cái hợp đồng ngoại quốc như tái ông mất ngựa. Mất mà không phải là mất. Mất lại là được. Trong chiều dài lịch sử của Ngũ Hổ, gã ký được nhiều hợp đồng bán tranh bày tranh ở nước ngoài. Ngày khai trương phòng tranh Xinhgapo, Malayxia, Pháp, Mỹ vân vân, gã đưa nhóm sang sắp đặt biểu diễn gây kinh động để thu hút khách. Nhóm của gã được coi thành công nhất thời mở cửa. Đầu sỏ cũng từ nhà lý luận vô danh mà thành họa sĩ cởi mở có danh.