Lần đầu tiên gặp anh Mạnh, đó là một người đàn ông trên 50 tuổi cao lớn. Chị Oanh giới thiệu anh với tôi. Ngồi bên cạnh anh Mạnh là anh Cường cùng công tác với anh Mạnh. Anh Cường nói chuyện với tôi khá lâu, trong câu chuyện tôi cảm nhận được tình cảm của anh Cường và sự đồng cảm sâu sắc của anh đối với công tác tìm mộ liệt sĩ.
Anh Mạnh nói oang oang:
- Cô ơi! Em đã đi tìm Bố em nhiều lần lắm rồi mà chưa tìm ra. Có bệnh thì phải vái tứ phương, nhiều thày nhiều bà phán quá làm em loạn cả đầu, giờ chẳng biết đi đâu nữa chỉ biết nhờ cô thôi đấy, cô giúp gia đình em với.
Nghe anh nói đã thấy đầy chất lính.
Chị Oanh bảo:
- Trường hợp của chú Mạnh, cô nhất định phải tìm giúp chú ấy đấy. Chú ấy là con trai duy nhất của liệt sỹ đấy. Tôi nói với các anh chị chuẩn bị cho một số giấy tờ của liệt sĩ thì anh Mạnh đưa cho tôi một loạt giấy tờ liên quan đến bố anh. Hóa ra do anh Cường cũng có người anh trai là liệt sĩ nên các anh khá rõ về đường đi nước bước trước khi tìm liệt sĩ cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì. Xem xong hồ sơ về liệt sỹ, tôi tư vấn thêm cho anh Mạnh, hẹn ngày đến văn phòng áp vong mời hương hồn bố anh về để gặp. Sau cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận được sự đồng cảm, tình thương của chị Oanh và anh Cường đối với anh Mạnh - người con trai liệt sĩ.
Rồi ngày áp vong cũng đến. Anh Mạnh cũng như bao gia đình khác tới văn phòng làm lễ áp vong. Vong hồn liệt sĩ về nhập vào người cháu trai nhưng chỉ khóc rồi đi mất, không nói điều gì.
Một chút thôi, thông qua vong hồn liệt sĩ tôi biết vợ liệt sĩ còn sống nhưng đã đi tái giá. Có điều gì vướng mắc ở chỗ này? Tôi trộm nghĩ có thể là vợ của liệt sĩ không tới dự buổi cầu hồn này nên liệt sĩ không nói.
Tôi đã thấy nản. Song tôi cảm nhận được sự quyết tâm của con trai và con dâu của liệt sĩ, họ thất vọng khi không áp được vong nhưng ánh mắt hi vọng vào tôi của họ mà tôi đọc được làm cho tôi cứ thấy khổ sở và tội nghiệp cho họ. Tôi khuyên họ tiếp tục áp vong lần tiếp theo và không quên dặn anh con trai nhớ đưa mẹ anh đi dự buổi cầu vong lần tới.
Thời gian xoáy tôi vào công việc, tôi vẫn chưa sắp được lịch áp vong cho gia đình anh Mạnh lần tới. Chị Oanh lại gọi điện giục tôi về việc của nhà anh Mạnh, chị hỏi hay tôi mời liệt sĩ về gặp có được không. Vâng! em sẽ nhớ! Tôi xuề xòa.
Ngay tối hôm đó, trước khi vào việc tiếp xúc với các vong hồn liệt sĩ, tôi lưu tâm trường hợp liệt sĩ của nhà anh Mạnh. Mở tập hồ sơ, bố anh Mạnh không có ảnh để cho tôi nhận diện.
Tôi bắt đầu mời liệt sĩ về để tiếp cận. Mãi cũng không thấy liệt sĩ xuất hiện, tôi cố gắng chờ đợi, thời gian cứ chậm trãi trôi qua. Căng thẳng lẫn chờ đợi khiến người tôi mệt mỏỉ, thất vọng vì đêm nay không làm được việc gì tôi bỏ vào phòng ngủ. Vậy mà nằm mãi tôi thể chẳng ngủ được, thay vào đó nằm nghĩ ngợi linh tinh. Tự nhiên, tôi thấy sợ phát run lên vì một mình nằm vong vóng ở cái văn phòng giữa cánh đồng, bốn bề vắng lặng như chùa bà Đanh thế này.
Tôi vùng dậy, ra phòng làm việc định bụng bật thêm điện lên cho sáng để đỡ sợ, thì đập vào mắt tôi là một người đàn ông cao nhưng gầy, nhất là khuôn mặt, ánh mắt sắc lẹm, lông mày khá rậm, tuổi trạc 27, 28…
Tôi run rẩy cuống cà kê:
- Dạ… dạ… thưa chú là… chú là…
- Tôi chưa được về nước đâu, vẫn ở chỗ chôn lần đầu đấy, xương cốt còn ít lắm, khó tìm…
Tôi bủn rủn hết cả người. Tiếng người âm vang lạnh lùng, giọng nói gần như quát lại thêm phần nghiêm nghị. Họng tôi cứng lại, quýnh quáng chẳng nói được câu nào, đồng thời người kia cũng biến mất…
Thế là chẳng kịp hỏi thêm được gì hồn vía tôi tự nhiên bay hết lên chín tầng mây. Tôi chạy vào phòng ngủ, lại chạy ra phòng làm việc, nhà tắm, ngoài sân điện bật vung lên.
Ôi sợ quá! Thỉnh thoảng lại có liệt sĩ xuất hiện kiểu này sợ chết đi được… Đã nhiều năm tôi vẫn quen với cảnh một mình gặp gỡ các vong giữa đêm để được nghe người âm tâm sự, nhưng đêm nay sao cái sợ ở đâu lại kéo đến tràn ngập trong con người tôi đến thế này?
Có những khi mải mê tiếp cận với người âm trong đêm để có thông tin tìm hài cốt, những câu chuyện li kì, dí dỏm người âm kể cho tôi nghe khiến tôi quên hết thực tại. Tôi quên mất tôi là con người đang sống ở trần gian. Một lần tôi tiếp cận với một liệt sĩ còn rất trẻ, anh nói khi anh hi sinh tuổi tròn 18, nhìn mắt anh ngân ngấn lệ tôi thương quá nên nói đùa cho anh đỡ buồn.
- Anh đẹp trai thế kia, các cô gái hồi đó nhìn thấy anh đã say anh như cù rồi anh nhỉ?
- Nghĩa là sao? (anh tròn mắt hỏi tôi) như chợt hiểu ý anh tiếp lời:
- Anh chưa yêu ai, yêu có thích không?
Anh chờ câu trả lời của tôi nhưng lúc ấy tôi bí từ không biết nói với anh thế nào, có lẽ nhìn tôi đang ngố ngọng trước câu anh hỏi, mặc dù tôi đã trở thành bà nội mà không trả lời được câu hỏi của anh lên anh bò lăn ra cười, tôi nhìn anh cười mà không sao nín cười được nên cũng khanh khách cười theo và hét lên.
- Anh ơi, đừng cười em nữa, em xấu hổ lắm, em không biết tả yêu.
Sau tiếng cười nói một mình của tôi khi đó giữa đêm, mọi người trong nhà thức giấc hết, họ chạy lại phòng tôi làm việc ngơ ngác nhìn, họ ngỡ tôi bị khùng.
Còn tôi tới khi nhìn thấy mọi người mới giật mình trở về thực tại. Vì mặc cảm với khả năng lập dị này nên tôi thường sống một mình nhiều hơn. Mà sao cuộc đời tôi lại gắn cái với công việc chẳng giống ai thế này… Tủi phận, thương thân, nước mắt tôi lại đầm đìa ướt gối.
Tôi chẳng giống ai, cũng chẳng ai giống tôi. Chồng con bạn bè người thân cứ thấy mình như xa lạ, Tôi tự biết được mình là người như thế nào nên cố gắng sống cách biệt để khỏi ảnh hưởng tới người khác. Măc dù mọi người thân vẫn yêu thương tôi, tôn trọng tôi, nhưng tôi vẫn quá mặc cảm với chinh công việc và con người của chính tôi. Nhiều khi tôi trộm nghĩ hay phải chăng kiếp trước tôi là con nợ của nhân gian? Kiếp này con người tôi mới sống trong tình trạng nửa nọ nửa kia thế này…
Ngày ngày đầy ắp là công việc, việc này chưa xong việc kia đã tới. Việc nhà anh Mạnh phải áp vong lại lần nữa chứ biết sao đây. Tôi đành nhắn chị Oanh nhắc anh chăm thắp hương để vong hồn bố anh về gặp để còn xin đi tìm mộ.
Ánh mắt, gương mặt của liệt sĩ ám ảnh tôi…
Một ngày của tháng 11/2009, trước khi đi công tác Quảng Ninh, tôi điện cho chị Oanh vì lúc đó tôi chẳng nhớ nổi tên anh Mạnh nữa, tôi nhắc chuẩn bị cho tôi một số người để tối hôm sau tôi tranh thủ đến nhà áp vong liệt sĩ luôn.
Chiều hôm đó sau khi xong việc, tôi đến nhà chị Oanh. Buổi tối, tôi và chị Oanh cùng sang nhà anh Mạnh. Tôi lên thẳng phòng thờ khấn vong liệt sĩ để trình bày việc tôi đến nhà. Bất chợt, tôi nhìn thấy hai người âm về. Một người tôi nhận ra là liệt sĩ, lúc ẩn lúc hiện họ nói chuyện với nhau, nghe qua câu chuyện, tôi biết người kia là chị gái của liệt sĩ. Tôi hỏi anh Mạnh, anh xác nhận thông tin, tôi mừng quá nói gia đình anh tập trung ngồi vào phòng nhanh lên để tôi còn mời liệt sĩ về nhập vào một ai đó. Kết quả vong liệt sĩ nhập vào cháu gái ở quê mới ra khóc ầm ầm. Sau đó đòi uống rượu rồi hút thuốc. Liệt sỹ nói chuyện, đủ các thứ chuyện… đến khi anh Mạnh nhắc đến mẹ anh tức là vợ của liệt sĩ thì liệt sĩ mắng té tát không cho nhắc đến cái con người “bạc tình bạc nghĩa”. Tóm lại là liệt sĩ nói vợ mình không ra làm sao cả.
Tôi bắt đầu thấy bực mình nghĩ ông liệt sĩ này sao lại hẹp hòi thế, sao ông lại vẫn còn ghen ghét đến mức quá tệ như thế được. Liệt sĩ đã hy sinh lâu lắm rồi, khi đó người vợ còn rất trẻ sao ông không thông cảm khi vợ đi bước nữa. Vì không muốn gia đình và liệt sĩ lạc đề, tôi chen vào hỏi liệt sĩ về phần mộ. Mặc dù liệt sĩ đã chỉ chỗ nằm đằng trước, đằng sau, phải, trái có những cái gì và hy sinh như thế nào nhưng vì tôi muốn chắc chắn lên hỏi rất kĩ khu vực hi sinh. Liệt sĩ nói đi nói lại với tôi chỗ liệt sĩ nằm nhưng liệt sĩ cứ chắc như đinh một câu ở chỗ đó có suối nhưng không có cá, tôi hỏi mãi địa danh hi sinh liệt sĩ nổi cáu.
- Đã bảo hy sinh ở cánh đồng Chum mà hỏi làm gì lắm thế!
Tôi bắt bẻ liệt sĩ vì trong trích lục ghi liệt sĩ hy sinh ở Xiêng Khoảng, liệt sĩ đã quát ầm ầm khiến mọi người sợ rúm, liệt sĩ bảo tôi:
- Tôi không việc gì phải báo cáo với cô là tôi nằm ở chỗ nào, đầu cô còn xanh lắm, tôi nói với con trai tôi, Cánh đồng Chum là chỗ bố nằm…
Rồi liệt sĩ quay về phía anh Mạnh.
- Con ơi, Mạnh ơi con nghe bố nhé cứ đi rồi bố sẽ chỉ cho, không phải tìm bố đâu sẽ có người tìm bố, con không được nói đưa bố về, khi bố về sẽ có cờ dong trống rước, chính phủ hai nước đưa đón bố về nghi lễ hoành tráng ấy chứ. Con hứa với bố, con sẽ đi vào lúc nào, phải đi đấy nhé, đi rồi bố chỉ cho…
Nghe đến thế tôi tức quá, liệt sĩ nói thế này thì tìm làm sao được, con cái đi tìm hết cả hơi bao nhiêu năm trời, thầy bà tam tứ phen còn chẳng thấy mộ. Vậy mà ông liệt sĩ về cứ nói thánh tướng thế này thì tìm làm sao được, đã thế còn cứ bảo con đi…
Dù rất cáu trong lòng nhưng cố nhịn hạ giọng nịnh liệt sĩ, thì người ta vẫn nói chiều như chiều vong mà, công việc bắt buộc tôi phải có tính nhẫn nại, nhưng lần này liệt sĩ coi như không có tôi cứ hò hét con cháu đi tìm, tôi nháy anh Mạnh thay đổi chiến thuật.
Anh Mạnh vào nịnh hỏi lại bố nơi ông hy sinh và trường hợp hy sinh của ông thì ngoắt một cái, giọng ông ráo hoảnh:
- Thì sang đó ở đơn vị buồn nên buổi tối bố đi vào bản chơi nên bị phỉ nó bắn bị thương chạy rồi chết, có người Lào phát hiện chôn cất bó tăng đắp mộ bố to lắm sang là thấy, đã bảo là việc gì phải tìm.
Tôi lại lăn vào hỏi.
- Bác đi cùng ai, bác bị bắn phải có người biết chứ, thế đơn vị không có kỉ luật à? Thời chiến làm sao mà vào bản chơi được, bác toàn nói dối, hay là bác không muốn về thì thôi vậy…
Rồi tôi hạ giọng:
- Cháu nói cho bác nghe này, bác đừng có lừa cháu. Thứ nhất người Lào mà chôn bác thì bộ đội qui tập bác từ lâu rồi. Thứ hai người Lào không bao giờ đắp mộ cả, bác đang nói dối. Nếu bác không muốn cho tìm thì anh Mạnh cũng thôi luôn, đi tìm làm sao được, nghe lời bác mà đi như thế thì chỉ có mà về không thôi, bác nói như thế này ai mà tin được, mà tin bác thì có mà chết. Cháu có nhiều kinh nghiệm xương máu lắm rồi, thôi cháu chán nghe bác nói linh tinh lắm rồi, mời bác về âm cho…
Liệt sĩ quát um lên và bảo tôi không có quyền đuổi liệt sĩ vì đây là nhà của con của liệt sĩ chứ không phải nhà của tôi, rồi bảo tôi là loại trẻ ranh, không thèm nói với tôi nữa. Tức quá đi mất! Tôi lôi tay anh Mạnh ra không cho nói chuyện với liệt sĩ nữa. Anh Mạnh theo tôi đi ra nhưng liệt sĩ lao vào anh Mạnh kéo lại gào lên thảm thiết:
- Mạnh ơi! Mạnh ơi! con nghe bố đừng bỏ bố con ơi, con đừng nghe người ta, nghe bố đi con ơi đừng bỏ bố con ơi…Mạnh ơi…
Tôi kéo anh Mạnh theo, đẩy anh xuống cầu thang một cách quyết liệt rồi tôi quay lại cho vong xuất hẳn khỏi người cháu gái.
Tôi ái ngại nhìn người cháu gái trở lại trạng thái ban đầu sau một hồi gào thét, tóc tai rũ rượi.
Tối hôm ấy khi về nhà chị Oanh, tôi và chị bàn luận trường hợp bố anh Mạnh rất lâu. Cả hai chị em chỉ biết đưa ra những câu hỏi bỏ ngỏ.
Phải rất khuya tôi mới đi nằm nhưng tôi không sao chợp mắt được. Nghĩ lại chuyện áp vong tối nay, tôi tức ông liệt sĩ này đến phát điên lên. Lần gọi này cũng không có mặt vợ liệt sĩ. Rất may liệt sĩ về nhập vào người cháu gái, liệt sĩ nhập về khá lâu. Theo lời liệt sĩ thì người vợ của bác là con người vô tình vô nghĩa và còn nhiều lời lẽ rất nặng nề mà tôi cảm thấy ông thành kiến quá. Tôi thúc anh Mạnh hỏi thật kĩ về trường hợp hi sinh, nơi hi sinh cũng như đặc điểm ở nơi có mộ để đi tìm đưa về. Như hiểu được ý nghĩ của tôi vậy mà liệt sĩ nói với con mình việc đi tìm hài cốt của liệt sĩ dễ như thể đi lấy mộ về vậy. Tại sao liệt sĩ không chịu hiểu cho tôi đi “tìm mộ” khác với đi “lấy mộ” rất nhiều. Nếu như tìm dễ dàng như liệt sĩ nói thì từ trước tới nay người ta sẽ dùng câu nhà ngoại cảm đi lấy mộ chứ chẳng ai lại còn phải nói nhà ngoại cảm đi tìm mộ, từ “lấy” và từ “tìm” khác nhau một trời một vực mà thưa liệt sĩ, tại sao liệt sĩ cứ làm khó cho tôi và gia đình đến như thế này. Vẫn biết rằng công việc gọi vong liệt sĩ lên để hỏi thông tin đi tìm mộ đã cho tôi những bài học đắt giá. Thông thường mỗi gia đình gọi vong linh lên tôi không can thiệp vào việc của họ, tôi chỉ dám hướng dẫn thân nhân cách tiếp xúc và lấy thông tin để phục vụ cho việc tìm hài cốt. Chỉ khi nào tôi thấy thông tin không ổn, tôi mới vào cuộc để hỏi liệt sĩ. Tất nhiên tôi đã hỏi là phải nói tới từ “chuyên nghiệp” và các câu hỏi của tôi luôn luôn mang tính “lập luận”, vì thế cuộc nói chuyện của tôi và liệt sĩ thành ra căng thẳng như thể cãi nhau, nhiều khi cả hai cùng đánh thừng đánh chão, có những lúc tôi như người cãi vã với liệt sĩ, song tôi vẫn phải “Nịnh như nịnh vong”. Cuộc gọi vong tuy thành công là gọi được vong về để gia đình gặp gỡ, nhưng thông tin của vong đưa ra không đủ niềm tin cho việc tìm mộ, ôi những người âm, họ khó hiểu!
Chẳng còn hiểu nổi người âm ra làm sao nữa.
Liệt sĩ này là người ích kỉ, đã hi sinh rồi thì phải thông cảm cho phụ nữ chứ! Ai lại vẫn còn ghen kinh khủng đến thế. Liệt sĩ nói vợ khiếp quá đi mất, nghĩ lại những lời liệt sĩ nói vừa thấy sợ lại vừa thấy tức. Ai lại gọi người đã từng là vợ mình là “Cái con mẹ ấy” bao giờ.
Tôi cũng chẳng hiểu liệt sĩ nghĩ sao mà cứ luôn mồm “Con không phải đưa bố về, con cứ tìm được là bố có nhà nước lo, bố là người nhà nước, bố hi sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, bố về là nhà nước đưa rước bố về chứ không cần con đưa bố về, cả hai nước Việt - Lào tiễn đưa và tiếp đón bố về trong nghi lễ long trọng lẫn tưng bừng ấy chứ. Bố về là phải hoành tráng ấy chứ làm sao con phải đưa bố về…”
Bằng ấy câu của liệt sĩ cứ văng vẳng bên tai tôi, chẳng biết ông liệt sĩ này có hiểu được nỗi nhọc nhằn vất vả của những người đi truy tìm cũng như qui tập liệt sĩ hay không mà liệt sĩ nói cứ nhẹ như lông hồng thế không biết.
Như anh Mạnh nói thì khu vực chôn cất liệt sĩ ngày xưa, bây giờ là cánh rừng hoang vắng rậm rạp, chỗ liệt sĩ nằm sau này bị bom chà đi đánh lại, đội qui tập đã đến tọa độ đó đào bới mãi không thấy gì, không chắc có còn hài cốt của liệt sĩ hay bom bỏ bay hết cả rồi nên liệt sĩ nói thế. Chỉ mỗi việc tìm kiếm thông tin của liệt sĩ mà gia đình anh Mạnh đã phải đi nhờ hết thầy nọ, cô kia, vậy mà cho tới giờ vẫn chưa có nguồn thông tin nào đáng tin cậy để làm cơ sở lên đường đi tìm liệt sĩ… Việc đi tìm liệt sĩ đâu có phải một bước tới ngay, tìm cái thấy ngay.
Không biết liệt sĩ có hiểu cho lòng tôi, liệt sĩ có thấu hiểu được nỗi lòng của người thân khi đi tìm không thấy mộ, người ta sẽ sụp đổ tinh thần, vì khi đó người thân của liệt sĩ quá kì vọng vào các nhà ngoại cảm.
Bài học về tìm mộ liệt sĩ Quang Minh ở Camphuchia tôi vẫn còn nhớ, vẫn biết lỗi không phải do tôi nhưng cũng chính tại anh Quang Minh nhập về bắt anh Lê Thái Thọ phải đi tìm ngay. Anh Minh nói tìm dễ quá tới mức tôi có góp ý thế nào anh Thái Thọ cũng không chịu nghe, anh bảo anh phải đón bằng được bạn anh về…Để rồi đến khi anh đi không tìm thấy hài cốt anh Quang Minh lại kéo theo cả một hệ lụy, anh Thái Thọ cứ đáu đáu một điều “Chị ơi bằng mọi giá phải tìm được bạn tôi, mong chị giúp đỡ, tôi thật sự không biết trông chờ vào đâu nữa”. Nghe anh nói lòng tôi đắng chát, tôi thì biết làm sao bây giờ, có phải người liệt sĩ nào tôi cũng tìm được hài cốt đâu?
Ôi, các liệt sĩ kính mến, khi người thân có nguyện vọng đi tìm hài cốt của liệt sĩ bằng con đường tâm linh ngoại cảm thì các thân nhân liệt sĩ đến nhờ các nhà ngoại cảm tìm mộ trong đó có tôi, khi muốn tìm liệt sĩ, người thân của liệt sĩ trông chờ tất cả vào tôi. Còn tôi kì vọng vào những cuộc giao tiếp với liệt sĩ mà bây giờ liệt sĩ nói như thể đánh đố tôi thế này thì tôi biết làm sao… Băn khoăn, tôi gọi điện nói chuyện với chú Đinh Trần. Chú bảo Cánh đồng Chum là một khu vực thuộc tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Nghe chú nói tôi hơi giật mình. Liệt sĩ đã chỉ dẫn đúng, nhưng vì tôi không thuộc địa danh cho rằng liệt sĩ nói sai lên liệt sĩ bực tức chăng? Tôi bỗng thấy sờ sợ….
Một đêm tôi mời liệt sỹ về. Tôi trình bày lí do mời liệt sĩ. Tôi xin lỗi liệt sĩ về những hành động thật không phải của tôi đối với liệt sĩ ở lần gọi trước và xin phép lần này được hỏi chuyện. Liệt sĩ đồng ý.
Thông qua lời kể của liệt sĩ, tôi chắp nối lại nội dung như sau: Liệt sĩ sinh ra trong một gia đình có 7 chị em, 2 trai 5 gái, có một chị gái chết khi còn bé. Liệt sĩ là con trai út, trước khi đi bộ đội, liệt sĩ có yêu một người cùng làng nhưng không lấy được nhau vì gia đình bắt cưới người khác. Người vợ này sinh được một người con trai là anh Mạnh. Vợ liệt sĩ lấy chồng có thêm 5 người con nữa. Người yêu của liệt sĩ cũng đã có gia đình và đang ở xa. Liệt sĩ nói phần mộ hài cốt còn ít khó tìm, nếu quyết tâm cao thì mới lấy được còn không thì không chắc…
Tất cả bấy nhiêu là những thông tin cần thiết giúp cho tôi “truyền thông” cho cõi sống này… Ngay hôm sau tôi gọi cho anh Mạnh và kể cho anh Mạnh nghe về những thông tin tôi nắm bắt được qua vong hồn liệt sỹ. Anh xác nhận thông tin và hồ hởi :
- Đúng bố em rồi cô ơi. Đúng rồi! Đúng rồi! Thế thì chắc chắn lần này em sẽ tìm được bố em cô ạ
Nghe anh nói mà tôi băn khoăn, vì thông thường liệt sĩ sẽ hướng dẫn kĩ cho tôi đường đi nước bước để tôi còn biết cách hướng dẫn người nhà tìm mộ.Còn bố anh cứ lững lờ, hờ hững đến khó hiểu. Anh Mạnh nói nhất định đi tìm bố nhưng tôi giao kèo phải có tôi đi cùng, bởi ai mà biết được cuộc tìm kiếm sẽ diễn ra như thế nào? Phải công nhận anh Mạnh có quyết tâm rất cao, chứ tôi thì chùn bước. Tôi băn khoăn gọi điện tâm sự với chị Oanh. Chị đồng tình với ý kiến của tôi và tôi nhờ chị làm công tác tư tưởng cho anh Mạnh. Hơn ai hết tôi hiểu tâm lí của người đi tìm mộ. Người ta có thể quá kì vọng vào nhà ngoại cảm, nhưng đến khi đi không tìm được mộ họ sẽ bị thất vọng, đau đớn và đổ vỡ trong lòng, vết thương tinh thần ấy khó mà hàn gắn kịp. Tôi không muốn đau thương chồng chất lại chồng chất đau thương.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !