Một Thế Giới Khác Chương 3


Chương 3
Sức mạnh yêu thương

Vào tháng 12/2009, khi tôi đang đi công tác Trà Vinh, một đêm vong hồn bố anh Mạnh về gặp tôi, ông nhắc lại cái hẹn tìm ông đã đến ngày. Tôi gọi điện cho anh Mạnh và mặc cả:

- Nếu anh còn nhờ em tìm bố anh thì anh nhất định phải chờ em về để em đi cùng. Anh không được tự đi, xa xôi khó khăn như thế không tìm thấy là khổ lắm đấy.

Nhưng sáng ngày 29/12/2009, tôi vừa đi công tác về đến văn phòng, nghe điện anh thông báo anh đang ở trên đất Lào. Tôi không còn dám nói câu gì, tôi hiểu lúc này niềm hi vọng duy nhất của anh là tôi, bởi ai đó đi tìm mộ thông qua ngoại cảm đều đặt một niềm tin to lớn vào nhà ngoại cảm mà họ đang nhờ cậy. Dù có lo lắng vì anh đã không làm theo ý kiến của tôi thì tôi cũng phải cố bình tĩnh động viên anh yên tâm, ngày mai tôi sẽ hướng dẫn cho anh tìm hài cốt bố anh. Nhưng thực sự sau cuộc điện thoại, áp lực tâm lý đè chặt lấy tôi. Đêm 29/12/2009, tôi chẳng dám nghĩ đến nghỉ ngơi sau chuyến công tác dài. Tôi chủ động mời liệt sĩ về trong hồi hộp lo âu. Rất may liệt sĩ đã xuất hiện, khi nghe tôi thưa chuyện con trai ông đang ở Xiêng Khoảng thì liệt sĩ bảo tôi:

- Được! Tôi sẽ đi để chỉ cho nó.

- Bác đi đâu ạ? Bác phải ở đây với cháu chứ?

Nghe tôi nói liệt sĩ cười. Ôi nụ cười là mười thang thuốc bổ giành cho tôi lúc này. Tôi dỗ dành :

- Bác ơi! Bác đừng đi, bác phải ở đây với con chứ, mai sẽ tìm được hài cốt của bác, bác ơi bác muốn dùng thứ gì con dâng cúng bác. Liệt sĩ nhắc tôi sáng mai cúng cho liệt sĩ cái bánh đa vừng nướng, rượu, trà... thuốc lá… bánh kẹo, cái gì thì… tùy tâm.

Sáng sớm hôm sau, Anh Hải đã sắm một cái lễ thật tươm tất và không quên cái bánh đa vừng thơm phức cúng liệt sĩ. Khoảng 9 giờ, anh Mạnh gọi điện cho tôi. Tôi bắt đầu công việc chỉ dẫn cho anh. Hình ảnh nơi anh tìm kiếm hiện ngay trước mắt, vậy mà dù tôi chỉ dẫn ra các đặc điểm nơi anh đang đứng rất chính xác, nhưng còn phần quan trọng nhất tôi lại quá loay hoay không căn được nơi nằm của bố anh nằm chính xác ở chỗ nào trong cái khoảng hình ảnh tôi đang thấy có cả anh và mấy người nữa cùng hài cốt liệt sĩ. Quả là quá lúng túng bởi tôi biết cái mình thấy không lột tả hết bằng lời được, ngôn ngữ hạn hẹp thì phải, có thể tôi sẽ thất bại chăng?

Đang không biết xoay sở ra sao thì liệt sĩ xuất hiện. Tôi mừng hơn vớ được kim cương đá quí. Tôi van nài, cầu cứu ông, nhưng ông lạnh lùng nói:

- Thằng này vô tâm không khéo thành người bất hiếu, nó đi tìm bố nó có thèm mời ai lấy một điếu thuốc chén rượu. Bố nó là bộ đội thì phải có đồng đội chứ… Kém lắm! Kém lắm…

Dùng hết sức bình sinh tôi cố nhìn thật kĩ nơi anh Mạnh và đội qui tập đang hiện hữu. Tôi chỉ thấy có mấy nén hương đang cháy dở… Kinh nghiệm cho tôi biết là không thể tìm được mộ bố anh nếu anh làm những việc mà ông chưa vừa ý. Tôi nhắc anh dừng cuộc tìm kiếm, hãy ra khỏi rừng chuẩn bị cho tươm tất bánh kẹo thuốc chè cho các liệt sĩ liên hoan với nhau và không quên nhắc anh thắp hương cho đồng đội của liệt sĩ đang nằm ở đội qui tập. Tại văn phòng, tôi nhắc Anh Hải đi sắm ngay một mâm lễ cúng các liệt sĩ. Ngày hôm sau anh Mạnh điện về cho tôi. Tôi bắt đầu vào việc. Hình ảnh nơi anh đứng đưa về khá rõ cho tôi hướng dẫn chi tiết. Liệt sĩ cũng xuất hiện, nét mặt ông tươi tỉnh. Lúc này, tôi nhìn rất rõ ông có đôi môi rất dày. Khi hướng dẫn từ xa qua điện thoại cho thân nhân liệt sĩ tìm hài cốt, điều tất yếu trong công việc là tôi phải định lượng được khoảng cách các vật chuẩn đặc biệt làm mốc để hướng dẫn cho thân nhân tìm mộ. Cái cây tôi lấy để làm chuẩn nhìn rất quen mà tôi không tài nào nhớ ra tên gọi của nó là cây gì để nói cho anh Mạnh nhận diện. Tôi cố vắt óc nhớ xem cái cây ấy nó được gọi chính xác là cây gì mà sao tôi đầu óc tôi lúc này lại mụ mị đến thế… Như hiểu được tôi, liệt sĩ cất tiếng hát :

- Con gà cục tác… lá chanh, con lợn ủn ỉn mua… hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng…. giềng…

Mừng quá tôi hét vào máy :

- Anh tìm đi ở đó có một khóm giềng duy nhất, cái bụi cây mà ở Việt Nam người ta lấy củ ăn với thịt chó ấy, anh tìm xem có cái cây em nói không? Sau một hồi chỉ dẫn anh Mạnh và đội qui tập đã tìm được phần mộ của bố anh. Liệt sĩ mừng lắm. Lúc này, tôi thấy ông vui vô cùng. Ông nói với tôi là cứ bình tĩnh, hôm nay ông sẽ hướng dẫn cho con trai tìm thêm cả đồng đội cùng nằm với ông và cứ thế ông dạy tôi. Tôi lại hướng dẫn anh Mạnh sau mỗi lần anh gọi cho tôi và thêm một bất ngờ sau khi tìm được hài cốt của ông, trong lần ông hướng dẫn tiếp sau xuất hiện thêm hai người bộ đội đến cùng nhưng ở phía xa tôi hơn, họ im lặng tôi nhìn thấy họ còn rất trẻ, trẻ lắm… Ngày hôm đó ở bên Lào, anh Mạnh cùng đội qui tập đã tìm được cả thảy được 3 mộ liệt sĩ. Ở văn phòng tại Việt Nam, tôi sung sướng quá cũng nhảy tưng tưng. Nhưng nước mắt lại cứ trào ra.Thấy tôi giống trẻ con, liệt sĩ cười bảo:

- Vui quá hóa khóc hẳn, cám ơn chị tôi về…

Tôi cố níu kéo các liệt sĩ ở lại với tôi. Tôi xin họ kể cho tôi nghe tại sao cả ba người lại xuất hiện ở đây và tôi hỏi hai người liệt sĩ đi cùng kia nhưng cả hai chẳng ai nói chuyện với tôi. Cả hai người đều hiền lắm còn liệt sĩ nhà anh Mạnh thì chỉ nhìn tôi cười chẳng nói gì. Kệ cho tôi ríu ran thưa gửi, tôi ngờ ngợ cách cười của ông không phải ông cười vì ông vui đã tìm được hài cốt mà có lẽ ông buồn cười cái tính của tôi. Không biết liệt sĩ có nghĩ là tôi cũng đang rất vui khi con trai liệt sĩ cùng đội qui tập đã tìm thấy mộ, mà còn tìm thêm được 2 liệt sĩ nữa nên tôi đang vui lắm hay liệt sĩ lại đánh giá tôi là một con người có tính cách dở hơi. Phải nói rằng liệt sĩ đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất từ khi mời vong liệt sĩ lên cho đến khi tìm được mộ. Liệt sĩ đã làm cho tôi vừa tức, vừa buồn cười vừa sợ. Sau này khi đã tìm được liệt sĩ Lương Xuân Tách, vì điều kiện công tác của cả hai người nên tôi và anh Mạnh không có dịp gặp nhau trực tiếp nhưng anh vẫn dành thời gian liên lạc điện thoại với tôi. Anh kể lại cho tôi nghe khi ở bên Lào tôi đã hướng dẫn như thế nào để cho anh tìm được mộ, nghe anh kể lại tôi có cảm giác như anh đang kể về một ai đó, chứ không phải là chính mình.

Công việc đã giúp tôi nhận ra mỗi lần tiếp xúc được với một liệt sĩ là một cuộc đời, là một câu chuyện. Tìm mộ liệt sĩ là cả một sự dẫn dắt con người trần thế tới kho tàng văn hóa tâm linh huyền bí nhưng cực kì hấp dẫn. Bởi vậy công việc này càng ngày càng thêm thôi thúc tôi khám phá một thế giới mới, thế giới cuộc đời thứ hai của con người đang tồn tại.

Trở về đất mẹ.

Thường thì việc tìm mộ sẽ dừng lại đây. Họa hoằn lắm cũng có liệt sĩ khi tìm được hài cốt mang về quê an táng, tôi có điều kiện đến gia đình dự lễ. Hơn mười năm tìm hài cốt liệt sĩ có lẽ tôi có vinh dự được dự ngày lễ an táng các liệt sĩ chỉ có thể điểm trên đầu ngón tay. Tôi vinh hạnh được gia đình anh Mạnh mời sang Lào đón bố anh cùng các liệt sĩ về nước trong đợt này. Tôi rất vui vì biết rằng chỉ mấy ngày nữa thôi tôi sẽ được đi đến địa danh Cánh đồng Chum nổi tiếng thời chống Mỹ, khám phá là sở thích bất tận của tôi. Tháng cuối năm, trời vừa mưa vừa rét. Mấy hôm nay trời lại mưa tầm tã. Anh Mạnh đến văn phòng đón tôi đi. Nhìn chiếc xe ô tô gầm thấp của anh, tôi ái ngại hỏi anh liệu chiếc xe này có sang tới Lào được không? Anh bảo lần trước anh đã đi bằng con xe này. Tôi lên xe ngồi cùng cô gái khá trẻ, anh không giới thiệu nên tôi cũng không tiện hỏi. Xe chạy qua văn phòng một đoạn, tôi nghe cái ào thì đã nhìn thấy liệt sĩ ngồi ở giữa nghế của tôi và cô gái kia. Tôi khẽ nép người sát vào cánh cửa nhường chỗ cho bác. Cô gái kêu lạnh và cứ dịch ra xa tôi. Vô tình hai chị em tạo ra một khoảng trống giữa băng ghế đủ cho một người ngồi. Tôi cố trấn tĩnh nhưng bắt đầu thấy run. Tôi cố lờ liệt sĩ đi vì tôi không biết phải làm thế nào khi mà trên xe còn hai người nữa. Nếu ứng xử không đúng lúc, đúng chỗ gia đình anh Mạnh lại cho tôi là “Điên”.

Anh Mạnh mở đĩa có bài hát thời chiến ra nghe. Qua trò chuyện, tôi mới biết cô gái tên là Tình là em gái của vợ anh Mạnh. Anh kể cho chị em tôi nghe tuổi thơ nhọc nhằn của anh, những kỉ niệm về người bố liệt sĩ, về bà nội, về quê hương anh, về những chuyến đi tìm bố đằng đẵng mà anh đã trải qua. Đoạn đường cứ dài thêm theo câu chuyện anh kể. Thỉnh thoảng anh lại thay đĩa hát các bài khác nhau để bố anh nghe. Tình cảm của anh đối với người bố đã khuất thấm dần sang tôi. Tôi chạnh lòng nghĩ về cuộc đời mình và người bố đẻ của tôi. Hơn ai hết lúc này đây, tôi thèm muốn cái tình cảm của anh dành cho bố mình. Tôi ước ao giá như người bố đẻ của tôi cũng là liệt sĩ thì hạnh phúc cho tôi biết nhường nào? Anh hỏi tôi về thế giới bên kia nhiều lắm, tôi chỉ biết chia sẻ với anh trong sự hiểu biết của tôi. Tôi kể cho anh nghe cuộc đời của tôi, về cội nguồn của cuộc đời và hành trình truy tìm gốc tích người bố đẻ để mà sau mười năm cất công tìm kiếm, tôi đã phải sống như thế nào khi mà tôi phải tìm một trong bốn ông bố kia, ai là bố của tôi, cuối cùng tôi phải nhờ vào giám định ADN để có một kết luận chính thức. Cả một đoạn đường trường trên nghìn cây số đi với nhau, phải đến hàng trăm lần anh Mạnh ao ước…Anh ước những năm tháng trong chiến trận bom rơi máy chảy, bố anh kịp có thêm đứa con nữa để lại trên đời này ở bên Lào, anh sẽ bảo lãnh đưa về sống ở Việt Nam…

Tôi bảo anh là nhà văn hay sao mà mộng ra chuyện ấy? có lẽ anh suy diễn câu nói của bố anh lúc nhập vong “ bố đi bản chơi bị thương rồi chết”. Tôi nhắc anh cẩn thận với những suy nghĩ của mình. Xe đi hai ngày mới tới Xiêng Khoảng một đoạn đường dài đã giúp anh em tôi hiểu về nhau hơn. Đường đi càng ngày càng như leo lên cao. Giữa trưa nắng gay nắng gắt, ông mặt trời như chúc xuống ngang đầu. Tôi nao nao hình dung ra 40 năm trước bố anh và những người lính cụ Hồ đi bộ ròng rã biết bao nhiêu tháng trời mới sang đến đất Lào. Ngồi trên xe nhìn con đường ngoằn nghèo hun hút càng khiến cho tôi khâm phục những con người anh hùng năm xưa. Xe đến Xiêng Khoảng cũng là lúc ông mặt trời xuống núi. Chiều tà chạng vạng nơi đây khiến lòng người trống vắng quạnh hiu đến lạ thường. Cảm giác tha hương đè nặng lên tôi, lòng tôi bỗng dâng trào tình yêu quê hương mãnh liệt. Ôi sao nhớ Việt Nam yêu thương tới cồn cào. Cảm giác lo sợ không quay về Việt Nam được xâm chiếm lòng tôi…

Anh Mạnh đi xe thẳng vào trong đội qui tập, anh em trong đội ào ra đón. Chúng tôi xuống nhà quàn thắp hương các liệt sĩ. Hương hoa nghi ngút trên bàn quàn. Tất cả có hơn một trăm liệt sĩ. Tôi thương quá, nước mắt chỉ trực trào ra. Chúng tôi lần lượt thắp hương, tôi chắp tay khấn thầm:

- Dạ thưa các bác, các chú liệt sĩ! Cháu tên là Nguyễn Ngọc Hoài, hôm nay đứng trước nơi thờ hài cốt các bác, các chú, cháu thắp nén nhang xin phép các bác, các chú cho phép cháu được dự ngày lễ truy điệu và được cùng mọi người rước đón các bác các chú về Việt Nam quê hương mình… Người tôi như muốn đờ ra. Ôi nhiều liệt sĩ quá mọi người quanh tôi nói cười ồn ào…

Mùi máu tươi tanh nồng xộc vào mũi, tôi thì thầm với Tình:

- Tình… Tình em có thấy gì không? Có ngửi thấy gì không?

Tình hoảng hốt hít hít :

- Có, có mùi máu, mùi máu chị ạ.

Rồi ngơ ngác.

- Ở đâu thế nhỉ, mùi máu tươi…

Tôi bấu Tình kéo ra khỏi nhà quàn. Tình cứ liến thoắng hỏi tôi tại sao tôi biết có mùi máu. Tình phán đoán hay bộ đội làm thịt lợn. Tôi nhắc Tình chạy lại chỗ cũ ngửi lại, nó chạy lại thật rồi chạy ra “Không thấy mùi gì nữa chị ạ”. Tôi cười trêu “ Đặt tên em là gì, sắp thành trạng hít chưa”. Cả hai chị em cùng cười.

Đội qui tập mời chúng tôi nghỉ lại doanh trại nhưng do hôm nay đội cũng tiếp nhiều khách nên chúng tôi xin phép ra ngoài nghỉ. Anh Mạnh đưa chúng tôi đến nhà anh Cảnh là Việt kiều. Nghe anh Mạnh giới thiệu, anh Cảnh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại nhìn từ chân lên đầu, anh bảo:

- Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài đây à, nhìn như người bình thường thôi nhỉ?

Nghe anh nói thế tôi chỉ cười. Anh Cảnh hỏi tôi chuyện hôm trước tìm bố anh Mạnh ở Việt Nam tôi đã “nhìn” thấy tất cả mọi thứ tại hiện trường nơi các anh đang có mặt cách tôi hàng ngàn km như thế nào? Anh bảo :

- Cảnh nhìn chị Ngọc Hoài cũng bình thường như mọi người Việt mình thôi nhỉ, sao chị giỏi thế, có phải trong người chị có “Phi” không? (phi nghĩa là ma).

Rồi những thắc mắc của anh về lần tìm bố anh Mạnh đưa ra thành một loạt câu hỏi để hỏi tôi. Tôi chỉ cười trừ vì không biết giải thích với anh như thế nào. Chợt nhớ ra chúng tôi cần phải nghỉ ngơi, anh Cảnh lật đật đi tìm nhà nghỉ cho chúng tôi nhưng chỗ nào cũng hết phòng, cuối cùng cũng tìm được một nhà nghỉ của người Lào. Nằm xuống giường người tôi như rệu rã. Hai ngày đi xe người đau như dần. Tôi cảm thấy sức khỏe của mình sa sút trông thấy. Tôi nhớ ngày nào đi Khe Sanh bị lạc trong rừng cả một ngày trời, phải đi không biết bao nhiêu là đường đất. Muỗi thì như vãi trấu, ve rừng già kêu inh tai nhức óc, vắt thì nhiều không biết đâu mà kể. Một con cắn được vào kẽ chân máu chảy ra, 7, 8 con khác bò lên chồng chất, châu đầu nhau vào vết cắn trước hút máu. Tôi phải nhảy xuống khe nước gỡ vắt, chao ơi vắt nhiều kinh khủng, nó trơn và dai như cao su, tôi cứ lôi dài người nó ra nhưng miệng nó vẫn cắn chặt vào kẽ chân thành thử không dứt con vắt ra khỏi chân được. Thật kinh khủng ! Cứ nghĩ lại chuyện vắt ở Trường sơn tôi lại muốn ói hết cả lòng phèo của tôi ra ngoài. Vậy mà ngày hôm sau chân và đùi đau như vỡ ra mà vẫn hăng vào rừng… sao lúc ấy mình khỏe thế. Bây giờ ngồi xe có hai ngày mà tôi đã thấy mình muốn nhắm mắt tắt hơi…. rồi, già rồi nên vốn sức khỏe cũng sa sút nhanh thật.

Đang vừa nghĩ vừa lơ mơ ngủ thì tôi thấy bố anh Mạnh xuất hiện. Tôi mừng quá nhưng lặng thinh vì ngại Tình sợ hoặc cho tôi là kẻ lập dị. Liệt sĩ nhìn tôi với cái nhìn trìu mến thân thương, ông nhẹ nhàng bảo tôi:

- Cảm ơn chị Hoài lắm, không gì quí bằng đâu. Thôi nghỉ cho đỡ mệt, bác vui quá, vui quá…

Rồi bác khóc, bác lại cười vì bác vui, bác vui vì sắp được cùng đồng đội trở về quê hương, bác khóc vì bác thương anh Mạnh. Bác bảo anh Mạnh khổ lắm, khổ từ khi còn trong bụng mẹ. Con người ta thiếu cha còn có mẹ, còn anh thiếu tất. Mẹ còn đấy mà cả đời chẳng bao giờ nhìn tới đứa con của mình…

Tôi bần thần rồi lơ mơ hiểu phần nào lời bác nói. Thương bác, giận mình đã không hiểu gì về người khác lại hay nói càn, chợt nghĩ thế nào tối nay bác cũng sang phòng anh Mạnh, băn khoăn tôi gọi với sang Tình:

- Không biết bên phòng anh Mạnh có biết buông màn cho bố anh ấy về nằm ngủ cùng không, hay em sang bên đó nhắc anh đi.

Tình ngần ngại vì đã quá khuya, tôi cũng ngại, mắt nó thao láo:

- Chị nhìn thấy gì?, bố anh Mạnh ở đây à?

Tôi biết nó sợ lên đánh trống lảng:

- Chả nhìn thấy cái gì sất cả, thì người ta đi tìm mộ vẫn hay làm thế, thôi ngủ đi em. Ngủ đi mai con đi thăm thú nơi này nữa chứ.

Chẳng thể nào chìm vào giấc ngủ, thấy thương bác quá, càng nghĩ lời bác kể càng thấy thương. Tôi trách mình hành xử quá không phải với bác trong lần áp vong trước. Bác ơi! cháu ngàn vạn lần xin lỗi bác, cháu hiểu giờ đây bác đã cởi lòng cho cháu biết những bí mật của bác mà câu chuyện này chỉ có người thân kiểm chứng. Bác ơi! Cõi giới bên kia bác có biết phải khó khăn lắm bác cháu mình mới có thể bày tỏ được với nhau. Cháu cảm ơn anh Mạnh nếu không có sự quyết tâm tìm bố của anh thì làm sao cháu có duyên được đến tận nơi bác ngã xuống. Được nghe bác dốc lòng trò chuyện. Cháu biết bác quí cháu, cháu xin cảm ơn bác rất nhiều, nếu như bác không kể cho cháu nghe về bác thì cháu làm sao mà biết được, người về cõi thiên thu và câu chuyện về một con người chìm mãi trong hư vô...

Sáng sớm hôm sau anh Mạnh sang phòng tôi lập cập kể lại:

- Cô ơi, đúng là đêm qua bố em về với em, chưa bao giờ em thấy hiện tượng như thế cả. Em đang nằm ngủ thì giật mình tỉnh giấc mở mắt em nhìn thấy một người đàn ông còn rất trẻ chỉ khoảng 26, 27 tuổi thôi nhìn em trìu mến lắm, cứ như thể canh cho em ngủ. Em nhổm dậy thì người đó biến mất thế là em thức luôn tới sáng ngồi hút thuốc lào vặt mong trời sáng quá. Đúng là bố em cô ạ, chưa bao giờ em thấy thế cả cô ơi…

Tôi hỏi anh:

- Thế anh có nhìn rõ không? Có đúng bố anh không!

- Em có nhớ nổi mặt mũi bố em thế nào đâu cô. Lúc bố em đi em còn bé quá không hình dung ra bố như thế nào. Anh sụt sùi.

Tình há mồm nghe anh Mạnh kể rồi hết nhìn tôi lại nhìn anh Mạnh nó bảo:

- Eo ơi! Chị nói dối em, thôi tối nay em nằm chung với chị chứ em sợ lắm.

Anh Mạnh giục chị em tôi đi ăn sáng nhanh rồi còn vào đội thắp hương cho bố và các liệt sĩ. Xong việc anh đưa tôi đi thăm Cánh đồng Chum. Thị xã Xiêng Khoảng hoang sơ nghèo nàn, dấu tích chiến tranh còn vương khắp nơi, một số nhà dân của thị xã phía trước cửa nhà họ xếp đầy vỏ đạn, vỏ bom, bình tông, mũ sắt để cho khách du lịch xem miễn phí. Buổi chiều dự lễ truy điệu, các sư người Lào đến đọc kinh. Cả ngày hôm đó, tôi thấy vong bố anh Mạnh xuất hiện bên chúng tôi liên tục. Anh Mạnh vui lắm, tất cả tình cảm của anh giành cho bố dồn nén trong mấy chục năm qua mà hôm nay tôi là người chứng kiến. Sáng hôm sau, đoàn phải đi từ 2, 3 giờ sáng cho kịp thời gian về Nghệ An, đoàn xe của chính phủ hai nước kéo dài nối đuôi nhau. Người tiễn kẻ đón diễn ra tưng bừng hai bên đường người dân đổ ra đông nghẹt cờ hoa vẫy chào lẫn trong sương mù. Cảm nhận hạnh phúc chứa chan, tôi cùng các liệt sĩ tạm biệt Xiêng Khoảng trở về Việt Nam.

Cửa khẩu Nặm Cắn hiện ra. Biên giới Việt Lào là đây, bánh xe vượt qua trạm chở các liệt sĩ về với đất mẹ. Hai bên đường cán bộ nhân dân và các em học sinh nhiệt liệt chào đón các liệt sỹ trở về trong niềm hạnh phúc hân hoan. 118 liệt sỹ được đưa về nghĩa trang tỉnh Nghệ An. Chỉ có duy nhất một liệt sĩ được gia đình nhận đó bố anh Mạnh. Còn lại những liệt sĩ đã có danh tính còn phải truy lại thông tin để tìm người nhà. Các liệt sĩ chưa biết tên đành phải tìm nhiều cách để có thể trả lại tên cho các liệt sĩ, công việc này còn dài… chiến tranh mà biết làm sao được. Tôi ngậm ngùi thưa với các liệt sĩ rằng công việc tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ mà tôi đang làm đã giúp tôi hiểu biết nhiều hơn. Mỗi một gia đình là một hoàn cảnh, mỗi lần tìm mộ là cả câu chuyện dài. Nhà nước ta vẫn đêm ngày tìm các anh qui tập về nghĩa trang liệt sĩ. Các đội qui tập liệt sĩ quanh năm ngày tháng lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, hải đảo xa xôi, đi cả ra nước ngoài lặn lội trong gian khổ để tìm kiếm hài cốt các anh qui tập về đất mẹ. Đi tìm mộ là gian nan, là vất vả, có khi còn cả có sự hy sinh tính mạng. Đất nước chiến tranh, dân tộc Việt Nam chịu bao đau thương mất mát. Dù chiến tranh đã qua đi từ thế kỉ trước nhưng con người Việt Nam vẫn tiếp tục phải gánh chịu đau thương và cả sự hi sinh to lớn do chiến tranh để lại, trong đó có việc tìm mộ liệt sĩ. Nhưng không phải tất cả những chuyến đi tìm cũng mang lại được kết quả. Chúng ta có thể đi tìm mộ thất lạc bằng rất nhiều cách khác nhau. Qua những đội qui tập liệt sĩ trải dài khắp đất nước. Cũng có thể tìm từ giấy báo tử, từ đồng đội hoặc các cựu chiến binh, các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội bằng cách đưa thông tin và truy cập các trang website. Đi tìm mộ liệt sĩ từ trích lục hồ sơ gốc của liệt sĩ để biết liệt sĩ đang ở đâu, rồi tìm đến Ban chính sách các quân khu. Cũng có thể tìm từ các phương pháp tâm linh như gặp lại linh hồn người quá cố hoặc tìm qua các nhà ngoại cảm tìm mộ, họ sẽ vẽ sơ đồ phần mộ liệt sĩ chỉ dẫn cho tìm mộ từ xa bằng điện thoại cho mỗi gia đình. Nhà ngoại cảm phải chỉnh đi chỉnh lại thông tin cùng với gia đình để tìm mộ…

Công việc tìm mộ thật gian nan, vất vả kể sao cho xiết. Nhìn vào các nghĩa trang liệt sĩ mà tôi kính nể và khâm phục những tập thể, những cá nhân đã và đang góp sức đưa các anh về. Anh Mạnh làm thủ tục xin phép đưa bố về quê an táng, mọi người cũng tiễn đưa ông lên xe. Chị vợ anh Mạnh vào chờ đón bố ở cửa khẩu Nậm Cắn. Do vậy khi đi ra Bắc đoàn tôi có hai xe. Xe chạy được một lát anh Mạnh phát hiện có một con vật màu trắng nhìn giống con ve sầu, nó đậu ngay ở máy lạnh của xe, ngay phía ghế đặt hài cốt liệt sĩ. Nó nằm im giống chết rồi. Mọi người sợ hãi hỏi tôi rồi lại nghi ngờ nó nằm đó lạnh quá nên chết cứng, tôi bảo không sao đâu, nó chẳng chết đâu mà lo, bao giờ về tới nhà nó sẽ bay, anh Mạnh hỏi:

- Bố em hóa thân thành con vật đó hả cô?

Không phải, tôi quả quyết và giải thích cho anh hiểu là người âm có thể điều khiển được con vật, bố anh đã điều khiển con vật này để chứng minh cho anh thấy sự tồn tại của bố chứ không phải bố hóa thân thành con vật đó. Chốc chốc anh lại quay sang bên hài cốt bố nói chuyện:

- Bố ơi, bố thích nghe bài hát nào để con mở, đây toàn bài hát thời bố đây này…

- Bố ơi trưa này bố ăn gì…Bố ơi con cố gắng đi thật êm…

- Bố ơi con đưa bố đi một vòng quanh thị xã Thái bình, bố nhé…

Rồi anh lo lắng:

- Không biết thời tiết này lúc đưa bố về tới nhà, trời có thương mà nắng lên không chứ mưa dầm dề lo quá cô ơi…

Tôi biết anh đang sung sướng, anh đang rất hạnh phúc, chẳng ngòi bút nào tả hết được tình cảm của người con xa bố mấy chục năm trời. Đường càng về gần tới nhà thì bác lại xuất hiện bên tôi nhiều hơn.

Bác bảo:

- Thằng này nó có tính cẩn thận giống bác, đừng lo lắng nhiều lúc về đưa bác ra nghĩa trang là trời sẽ nắng, còn việc này chẳng cần thày bà làm gì cho mệt. Bác lo tất chỉ cần cháu giúp cho bác đến khi mồ yên mả đẹp là được. Vợ chồng anh Mạnh thì lo không nhờ được thày tính giờ tính ngày cho bác, họ cứ nghĩ gi gỉ gì gi cái gì tôi cũng biết nên quay sang nhờ tôi. Tôi bảo tôi không biết làm việc ấy, nhưng bác lại bảo cứ nhận lời với anh Mạnh đi chứ bác có lời nhờ tôi trước rồi. Một cổ ba tròng, tôi chẳng hiểu ra làm sao, chỉ thấy sợ là sợ. Tôi không biết cái việc gõ mõ khua chiêng, tôi làm sai việc này thì tôi là người mang tội với cả người sống lẫn người chết, mà cãi bác thì tôi không dám vì tôi bị bác ấy làm cho sợ mất hết vía rồi, đã thế trên đường đi thỉnh thoảng anh Manh lại quát tướng lên khi Tình hoặc vợ anh ấy làm gì khiến anh Mạnh không vừa lòng. Xe về đến gần nhà thì lúc này cái con vật nằm im như chết cứng bắt đầu ngọ nguậy, rồi nó bò từ từ trên mặt dàn máy, rồi nó bay sang người anh Mạnh đậu lại, nó lại bò và rồi nó bay đi lúc nào không ai thấy…

Tôi thì lo lắng chẳng hiểu sẽ phải tiến hành các việc tiếp theo như thế nào, cho nên tôi phải chăm chú nghe lời bác dạy tôi đến đâu tôi lại nhắc mọi người làm đến đó, cho tới khi khách bắt đầu đến chia vui, phải nói đúng là chia vui vì liệt sĩ đã trở về. Cả thảy đi về một tuần ròng, anh Mạnh không thay lái, tất cả chúng tôi ngủ rất ít, một đoạn đường trường đi về ngang tầm với đi dọc Việt Nam, tôi mệt bã bời chui vào phòng riêng ngủ tít…

Chị Oanh lay gọi lơ mơ b95 nghe mấy câu:

- Em ơi, dậy sang nhà chị đi, bên này có việc bận thế này em sang chị tắm táp cơm nước cho khỏe, thích ăn gì chị nấu cho nào…

Tôi mơ mơ, tỉnh tỉnh, mệt quá chìm vào giấc ngủ mồm đứt quãng mấy câu:

- Chị ơi liệt sĩ này thiêng lắm…, em sợ, bỏ đây mà sang nhà chị, bác ấy đập cho thì….chết, để xong việc đã chị nhé…

Rồi lại… thiếp đi… Đã cơn buồn ngủ cũng là lúc tới việc của tôi, thế là cái việc của các “thầy” tôi đã làm tuốt tuột trơn tru như một nhà nghề. Sau buổi lễ tiễn đưa liệt sĩ về nơi an nghỉ vĩnh hằng, khi mọi người ra về hết mình tôi ở lại nghĩa trang với bác, ngồi bên mộ tôi thầm khấn:

- Thưa bác, giờ này mồ yên mả đẹp rồi cháu xin phép bác ra về. Thời gian qua bác đã cho cháu hiểu biết nhiều hơn, cháu xin lỗi vì đã hiểu sai về con người bác, giờ cháu mới hiểu phần nào nỗi buồn của bác ngày xưa, xin bác tha lỗi cho cháu. Âm dương cách biệt còn nhiều việc cháu không hiểu, không biết vì vậy trong cả quá trình tìm kiếm và đưa bác về, cháu có làm những việc gì chưa phải, không đúng xin bác tha lỗi và bỏ qua cho cháu.

Bác vui vẻ:

- Bác rất vui, tất cả đẹp tốt rồi, bác cảm ơn cháu.

Rồi đột nhiên bác bảo tôi:

- Bác nhận con làm con gái, chỉ có con gái mới lo được cho bố như vậy, con gái bố, cho từ nay anh con có con là em gái. Tôi quá đỗi bất ngờ vì từ trước tới nay, tôi đi tìm mộ nhưng chưa thấy người âm nào nói với tôi như thế, tôi cảm ơn và khước từ lời đề nghị của bác thì bác bảo:

- Nhất định! Con là con gái yêu quí của bố.

Lúc về nhà anh Mạnh, tôi không nói gì tới chuyện bố anh đề nghị, nói thật tôi cũng chẳng dám làm con bác ấy. Sợ chết đi được, hai bố con nhà bác ấy cứ tính cách như hùm như hổ, có chuyện gì cứ quát loạn cả lên, hơn nữa nếu tôi nói ra chuyện này thì gia đình anh Mạnh sẽ nghĩ thế nào về tôi? Mọi người biết chuyện sẽ nghĩ thế nào về tôi và gia đình anh Mạnh?

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/36431


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận