Miền Đất Ấy Chương 2


Chương 2
Miền đất ấy chối bỏ tôi

Ông già đã khép lại cánh cửa cổng, không hề ngoái lại phía sau.

Nhưng ông đã không thể tránh được một cái giật mình, cú giật nảy cuối cùng: cơn ớn lạnh đã khiến chân ông bủn rủn, mềm oặt, như thể chúng không muốn đi khỏi đó. Ông tự nhủ: - Những người đàn bà mới hạnh phúc làm sao. Họ
biết khóc.

Ba bãi chăn thả, một ngôi nhà, một cánh đồng sắn, một đàn súc vật và một con chó. Một người vợ và mười hai đứa con. Cơn ớn lạnh ở gần cánh cửa cổng là một lời vĩnh biệt với tất cả những thứ đó. Ông đã từng là một người đàn ông, kể từ đây ông sẽ chẳng là gì cả. Ông chẳng còn gì nữa.

 

- Những người đàn bà thật đáng nguyền rủa. Họ chỉ nghĩ đến những điều hư ảo hão huyền trên đời này. Họ chỉ gây tội lỗi và hủy hoại đàn ông


mà thôi.

Đôi chân ông không muốn rời khỏi đó, song ông phải đi. Ông phải ra được đường phố kia và ông sẽ bắt một chuyến xe tải đi về Feira de Santana, rời khỏi nơi này mãi mãi.

- Tất cả đều do lỗi của cô ta. – Ông tự nhủ. – Do cái tật sính sống ở thành phố và muốn nhét lũ con vào trường học. Như thể trường học sẽ khiến cho cái bụng chúng đầy lên được ấy.

Nếu như ông ngoái lại phía sau, thì ông ắt sẽ nhìn thấy một thân cây rất cao, gần cửa ra vào, tỏa bóng sum sê che hết phần hiên nhà – cây mà ông, vợ ông và đứa con đầu lòng của ông đã trồng từ ngày nọ.

Đứa con trai ấy đã biến khỏi cuộc đời này, chống lại ý nguyện của ông, để không bao giờ trở về nữa. Thực ra mà nói, nó vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên. Nhưng do con mụ ngu ngốc kia đã thúc đẩy nó. Do cứ làm mình làm mẩy, do khoác lác triền miên liên tục, mụ đã khiến cho trí óc của những người quanh mụ rối cả lên, túm tụm lại để đưa ra lời khuyên cho nó, hỏi, hỏi và hỏi. Và chính vì thế mà cuối cùng ông rút cục đã nhượng bộ, như thể ông đành phải đứng khoanh tay tham dự vào nỗi bất hạnh của chính mình, một cách không thể xoay chuyển lại được nữa. Con trai ông hình như đã xấu hổ vì ông, bởi nó đã không trả lời những lá thư của ông, hay chính xác hơn là những lời nhắn mà theo đề nghị của ông, vợ ông đã viết vào cùng những lá thư của bà, cứ chiểu theo cảnh ông, một ông lão già nua, chỉ biết ký mỗi cái tên của mình vào những ngày bầu cử, điều này chẳng có gì phải xấu hổ hết, mọi người ở đây ai cũng thế: vào lúc mà người ta đã học cách bỏ phiếu, thì chẳng cần phải biết hơn thế nữa. Chữ viết của ông thì khác, loại chữ đó, ông rất tự hào vì đã vẽ nó rất đúng: những đường nét màu son trên đất đã được cày lật lên, đẹp và mềm mại, nồng hậu suốt năm, vào lúc mà đấng Chúa Trời gửi mưa đến cả năm liền. Ngòi bút tuyệt vời nhất trên đời, đó là cái cán cuốc.

Không, ông không hề muốn đến Feira de Santana tí nào hết. Vợ và những đứa con còn lại của ông cứ việc tự xoay xở. Một người đàn ông vẫn còn là đàn ông thì không chấp nhận những gì còn lại. Ông sẽ ra đi, vâng, nhưng là để đi São Paulo hay Parana, những vùng đất màu mỡ, nơi mà chắc chắn ông sẽ lại tìm được một cánh đồng cho chính mình để làm việc cho mình thôi, như thể ông đã là chủ nhân của mảnh đất ấy vậy.

Đó, chính đó mới là bức thông điệp mà ông muốn nhắn gửi đến cho con trai, cứ thường xuyên lải nhải, lúc nào cũng chẳng thèm trả lời. Đúng là có một lần, trong một lá thư viết cho mẹ, Nelo đã viết: “Mẹ hãy nói với bố rằng ở đây, cuộc sống rất khắc nghiệt đối với một người đã luống tuổi. Bố sẽ không quen được đâu. São Paulo không phải là những gì như bố mẹ ở nhà vẫn nghĩ đâu. Vì tình yêu của Chúa, hãy làm cho bố quên cái ý nghĩ
này đi”.

 

Câu trả lời ấy đã chẳng có tác dụng gì và ông già ngỡ là mình đã hiểu tại làm sao mà con trai ông không bao giờ đề cập tiếp đến chuyện đó nữa, cũng không bao giờ thèm bớt chút thời giờ trả lời những lời nhắn khác: - “Nó không muốn mình đến đó, sống giữa những lời lẽ xã giao nghi lễ của nó. Ta hả, ta gốc gác nhà quê và ta không có những mánh khóe mà nó có. Chỉ vậy thôi."

Ông thức giấc vào đúng giờ như thường lệ, sớm hơn nhiều so với tia nắng đầu tiên của mặt trời rọi đến.

Nhưng, khác với những ngày trước, ông không vội vàng ra khỏi giường. Ông tung chiếc chăn dính dấp, miếng rẻ rách ghê tởm mà một kẻ nào khác sẽ được thừa kế - ai đó mà có một người vợ tẩn mẩn tỉ mỉ, có khả năng giặt rũ, vò chiếc chăn nhiều lần cho đến lúc trút sạch toàn bộ các chất bẩn, và người ấy sau đấy sẽ lại phủ lên mình mà không thấy ghê. Ông cũng sẽ để lại chiếc giường và cái đệm. Nhưng con rận và những ước mơ. Niềm vui thú và sự đớn đau. Những con vật nhỏ tí ti sẽ truyền máu của ông sang máu của những đứa cháu gọi ông bằng bác (ông sẽ để lại hết cho em trai ông), nhưng một con vật tí ti thì không nói được. Không một ai sẽ biết được những gì diễn ra trong đời ông. Chỉ có Chúa và chính ông biết chính xác, và chính đấng Chúa đã cho ông mười hai đứa con ngay trên chiếc đệm này – lũ con trai và lũ con gái chui ra khỏi bụng một người đàn bà rồi rơi vào một cái chậu của Tindole, mụ da đen, mụ say khướt, mụ quỷ sứ, mụ lắm điều toàn bộ dịch vụ của mụ được thanh toán bằng những ca đậu đen. Mười hai sợi dây rốn đã được chôn trong vườn. Mười hai lần ông đã tung chừng mươi quả pháo. Niềm vui của ông nổ tung trong gió, thông báo có thêm thành viên mới. Bình thản trong bóng tối, ông già không nghe thấy ngày đang đến dần ở bên ngoài. Ông cố lắng nghe cuộc sống diễn ra trong ngôi nhà. Ông chẳng nghe thấy gì cả. Ông gọi:

- Nelo, Noemia, Gesito, Tonho, Adelaide. Dậy thôi nào, các con. Chúng ta sẽ đọc kinh cầu nguyện thôi.

 

Bàn tay ông lần sờ dò dẫm khoảng không bên cạnh mình, xưa kia có một cơ thể vẫn chiếm vị trí đó. Giờ tay ông chỉ tìm thấy một chiếc chăn nhàu nhĩ và hôi hám. Dẫu vậy, ông vẫn không sao trở về thực tế được, ông vẫn chưa ra khỏi giấc mơ của của ông.

Kyrie eleison

Kyrie eleison

Kyrie eleison

Thôi đi nào. Hẳn sẽ là một sự phạm thánh nếu cứ tiếp tục. Bài kinh cầu nguyện này đã được sáng tác không phải chỉ để một người đàn ông duy nhất đọc nó. Phải có những lời đáp lại. Một giọng gợi lên và một giọng khác trả lời. Ít nhất là phải có hai giọng. Nhưng càng có nhiều giọng thì lời cầu nguyện càng rắn rỏi hơn bên tai của đấng Tối Cao. Ông cất tiếng gọi các con một lần nữa. Lại hoàn toàn vô vọng như tiếp tục cầu nguyện vậy. Bực mình, ông lớn tiếng lên, tìm lại chất giọng của một ông bố ngày xưa:

- Có chuyện gì xảy ra trong ngôi nhà này vậy hả? Nào các con, dậy đi thôi.

 

Ông vùng dậy và đi khắp các phòng trống không, chẳng có giường, chẳng có gì hết. Ông bước vào bếp và đốt lửa. Ông có ý tưởng pha cho mình một tách cà phê. Bỏ qua ý nghĩ đó. Ông tưới nước lên than hồng, tắt lửa. Bởi vì ông sẽ đi, cà phê thì có ích gì, một ngọn lửa cháy ư? Ông ra khỏi hiên nhà. Bình minh đang xuất hiện phía chân trời xa xa, tạo màu vàng rực. Ông sẽ giữ mãi trong mình những buổi sáng này, ông sẽ đem theo trong mắt ông và trong tâm hồn ông buổi ban mai của tất cả những ngày này, những lời hứa về cuộc sống mới mà chúng mãi mãi để lại ngày cùn nhụt nhàm chán sau lưng. Ông lần bước xuống tận con suối. Cởi bỏ áo quần. Cơ thể trần như nhộng của ông in bóng trên làn nước trong vắt, trước phản chiếu màu xanh lục của những cái bóng lùm cỏ kê mọc kề những dòng nước. Ông ngồi chồm hỗm và đụng vào nước, để xem liệu có lạnh quá không. Bằng đầu những ngón tay ướt của mình, ông làm dấu thánh. Ông đã luôn luôn làm dấu thánh trước khi bước xuống nước, đó là một thói quen cổ xưa. Sợ bị chết đuối. Sợ rắn. Khuôn mặt ông giãn nở ra, hiện giờ thì ông đứng lom khom, đầu cúi về phía trước. – Hôm nay là thứ sáu, vẫn còn hai ngày nữa. - Ông nói trong lúc mân mê gãi chòm râu. Ông sẽ chỉ làm điều ấy vào chủ nhật thôi. Cha của ông cũng vậy, ông nội của ông cũng thế. Cạo râu, chỉ làm tám ngày một lần thôi. Vợ ông cự nự thì cũng chẳng khác đi được. Có lần bà phả vào mặt ông một câu ác độc ghê gớm: - Ê này, người ơi, đây không phải là vùng đất hoang hóa đâu nhé. Hãy đi cạo bộ râu của ông đi.

Một người đàn ông nông dân vẫn còn tráng kiện, dẫu mái tóc đã bạc trắng, đó là hình ảnh ông nhìn thấy mình trong làn nước. Sự phản chiếu một khuôn mặt phương phi, hệt như một chiếc bánh đa. Tóc ông vốn đen và trơn truội, ông xuất xứ từ dòng da trắng. Một trong đám con gái của ông đã bỏ nhà trốn theo một gã tóc xoăn, một đứa con gái mất nết, trái luân thường đạo lý. Chúa Trời đã sinh ra người da trắng là để dành cho người da trắng, da đen dành cho người da đen. Trắng đi với Đen, thật không hợp cho lắm. Vẫn còn tốt số là đám cháu ngoại ông thì có những mái tóc tốt. Theo những gì người ta nói với ông, thì chúng được thừa hưởng gien của mẹ chứ không phải của bố. Ông lội xuống, đi trong lòng suối, những đám bọt sủi lên dọc theo hai chân ông và trồi lên tận mặt nước. Con gái ông bỏ trốn không gì khác mà chỉ vì nó biết ông phản đối chúng. Ai không đi vào con đường sáng thì ắt chỉ đi vào con đường tối. Nó đã bỏ trốn theo một gã da đen, gã đã đưa nó đi bằng ngựa, vào cái ngày mà con gà trống đã gáy nhầm giờ. Điều phi lý và bất tín đã vượt lên trên trần gian này. Vô ích thôi khi thả đàn chó ra để đuổi theo chúng. Khi mọi người tìm thấy con gái ông, thì nó đã đi xa rồi. Sau một thời gian không lâu nó mang bầu. Những lời khuyên chẳng ai thèm nghe cả. Nhưng sau đó thì hãy đi mà xem liệu nỗi bất hạnh ấy có điều chỉnh hay sửa chữa được không. Ông nhào mình xuống nước. Hai cánh tay ông mang màu sắc của đất: rõ ràng là một người nông dân miền bắc rồi. Dưới nước ông nhớ lại cái ngày ông đã dạy cho thằng con trai đầu lòng bơi như thế nào. Ông đã lấy một thân cây mulugnu và nói: - Hãy bám vào đây đi, bằng cả hai tay nhé. Còn bây giờ thì đẩy đi. Cây mulugnu luôn nổi bồng bềnh trên mặt nước, nó không bao giờ chìm đâu. Khua chân đi. Như thế, tốt lắm. - Đó là lần đầu tiên ông chường toàn bộ thân hình ra trước con trai mình. – Kinh, bố có đầy lông kìa. - Thằng nhỏ len lén liếc trộm ông, vẻ bối rối gượng gạo. – Khi nào lớn, thì con cũng sẽ như vậy thôi. - Buổi tối, ông đã nghe con trai nói với các em nó: - Bố ấy mà, bố có một cái xúc xích rất to nhé và đầy lông bám xung quanh. Anh đã nhìn thấy đấy. - Mẹ chúng thì càu nhàu: chồng mình thật chả ra làm sao, hành xử kém. – Anh có thấu không hả? Anh lẽ ra không nên để trần như vậy trước mặt con. - Ông đã xin lỗi. Ông không muốn quần áo bị bẩn, bị nhớp nhúa dính bùn của suối. Mẹ bọn nhỏ đã nện cho thằng bé một trận. Cô ấy nói nếu nó mà còn tiếp tục bép xép về chuyện đó, thì nó sẽ nhận thêm một trận đòn nữa. Đấy là một người đàn bà không có tình thương gì hết: cô ta đánh lũ trẻ đến mức chúng trầy da rách thịt. Hai vợ chồng ông thường xuyên cãi nhau vì chuyện này. Ông không chấp nhận sự trừng phạt kiểu đó. Là một người cha, ông có niềm tự hào: ông sẽ chết mà chưa bao giờ đánh bất kỳ đứa con nào cả. Chỉ cần ông lớn tiếng một chút thôi, bọn chúng đã cúi đầu ăn năn về việc bậy bạ mà chúng đã làm. Và cách giáo dục tốt ấy đã có ích gì đây chứ? Lũ con đã lớn lên
cho đến tận ngày chúng ra đi, bám chặt váy mẹ chúng, đã quên đi những vết roi từng hằn trên da thịt chúng.

Hiện giờ ông già bơi những sải bình an. Một khi cơ thể quen dần, nước trở nên thật tuyệt. Ông chẳng cần đi đâu nữa hết. Ông những muốn sống suốt phần đời còn lại của mình trong nước. Có lẽ ông sẽ ở lại đó thật nếu như con chó không bất thình lình xuất hiện, không nhảy xuống nước và cũng bắt đầu bơi hệt như một con người vậy, từ mé này đến mé kia con suối. Thế là kết thúc khoảnh khắc cô đơn diệu vợi. Ông sẽ làm gì với kẻ quấy rầy này đây? Cây. Đúng rồi, ông sẽ để mặc con chó bị cột vào thân cây kia. Em trai của ông, ờ, gã này sau đó chỉ việc đến thả nó ra thôi mà. – Chỉ có điều, cái thằng đạo đức giả ấy, nó có thể để mặc cho con vật chết dần chết mòn trong đau đớn, vì đói, vì khát. Gã em này không hề có chút tình cảm gì đối với người khác, với các con vật lại càng không. Không, việc này không ổn đâu. Đó là con chó thứ hai trong đời ông. Ông đã buộc phải giết con đầu tiên, nó đã bị một con chó dại khác cắn. Khi nghe thấy những tiếng súng nổ, đám con ông đã khóc nức nở đến xé lòng. Làm sao có thể làm khác được? Con chó ấy sẽ khiến cho bệnh dại lan tràn đi và mọi chuyện sẽ tồi hơn lên. Cũng giết luôn con này ư? Ông không còn súng nữa rồi. Ông đã bán khẩu súng ấy vào hôm thứ hai tuần trước ở chợ rồi. Ông sẽ đến sống trong một thành phố và trong các thành phố thì làm gì có chim. Vĩnh biệt nhé, những con chim cút và loài tinamous. Với một cái gậy ư, ông sẽ không thể làm được đâu. Ông sẽ không đủ sức. Nhà vẫn còn chút thuốc trừ sâu Tatou trong kho. Đấy là một thứ rất tốt. Ông nhìn con chó và tự nhủ: - Tất cả mọi sinh linh trên đời đều có một ngày đáng ghi nhớ của mình. Ngày đáng ghi nhớ của mày sẽ là hôm nay đấy. Ông thấu rõ con vật kia đang lo lắng, nó hình như hiểu được sự đe dọa đang rình rập nó. Nhưng có lẽ còn vì chuyện khác nữa. Khi ra khỏi nước, con chó đã rất bình thản, nó sục sạo trong cỏ. Lúc này nó sủa váng và cuống cuồng chạy đi chạy lại gần một bụi cây mà hình như nó muốn tiến đến gần song nó làm điều ngược lại. Ông già quyết định đến gần để xem đó là cái gì. Đấy là một con rắn lục mang bành ra dữ tợn, sẵn sàng lăng mình và mổ ngay. Ông vội lao xuống nước và rất nhanh, bơi theo hướng ngược lại để sang bờ suối phía bên kia, ông đã quên thuốc trừ sâu Tatou. Chắc chắn hơn cả là cho con chó ăn bột nghiền trong cối xay gió, để mặc cánh cửa khép đó, chẳng vội gì, từ từ đi ra, băng khỏi ngưỡng cửa và lẻn theo con đường ra phố. Đấy đó chính là cách mà ông sẽ tiến hành. Chỉ thế thôi.

Lão già của vùng Sertão, ông chẳng có chút gì của một kẻ mạnh cả. Nhưng như vậy cũng không phải là hèn yếu đâu.

Ông vẫn còn đủ khả năng để lấy một thân cây sucupira, chỉ trong vài giờ đã biến nó thành một cái trục xe và có thể sử dụng nó suốt đời. Và khi một chiếc xe bò đi qua, chủ xe vừa đi vừa hát, thì ông biết rằng ở một nơi nào đó người ta đang lan truyền danh tiếng thợ mộc bậc thầy của ông.

Thật đấy, đó là một người hùng.

Ông xuất thân từ tầng lớp chăn bò và không hề sợ serra-goela(1), giống hệt như João da Cruz, người chăn bò đầu tiên, không hề sợ rừng rú lẫn hổ báo, khi Junco vẫn còn chưa ra đời. João da Cruz là ông tổ của vùng đất này. Người đã đi từ vùng Simão Dias đến tận các con đập ở Sergipe, bị nạn hạn hán xua đuổi. Dắt theo sau lưng ông là người vợ và một lũ con thơ, tất cả đều đã lả đi vì đói. Và chính tại đây, ở khu Junco thuộc Fora này, ông đã tìm thấy bột mì và nơi trú ngụ - nơi ông được nghỉ ngơi sau hàng trăm dặm mà ông đã phải lê bước mà đi. Thời kỳ đó, trong vùng vẫn chưa có gì cả, ngoài một ấp trại mênh mông thuộc sở hữu của nam tước de Geremoabo, một người đàn ông có làn da mịn, sống ở thành phố. João trước tiên bắt đầu bằng việc khiến cho cơn đói dịu lại, rồi dần dần tiến hành giết chết lũ hổ báo và nếu như ông đã không giết chết vị nam tước kia, thì đấy là bởi người này không bao giờ dám chường mặt ra.

Đó là một người hùng bởi ông là một thành viên của dòng họ Cruz. Nhưng ông không thể tiến về hướng trước mặt mình. Ông hẳn đã nhìn, bình thản và cô độc, ngôi nhà của nhạc phụ ông. Tồi tệ hơn ông hẳn đã nghe được giọng nói của ông ấy: - Chừng nào mà tao còn sống đây, tao sẽ không bao giờ bán một tấc đất của mình đâu.

Ông ta đã giữ lời.

- Đó là những người đàn bà bất hạnh. Lũ
ngu đần.

 

Suy nghĩ của ông lại quay về vợ ông.

- “Một mồi lửa đã cháy trong cơ thể em.” – Bà nói với ông.

Đấy là sự tiết lộ một điều huyền bí và cũng là đoạn kết cho một sự đau buồn sầu não. Đêm đó – nhiều tháng sau lễ thành hôn của họ (ông 22 tuổi, bà 17), cuối cùng ông đã biết được điều bí mật trong sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, chuyện tại sao lại có những áo quần mới, khăn voan và dải guirlande – chiếc khăn voan trùm mà ông đã nổi ham muốn được xé nát ra và vấy máu lên đó, trong cơn tấn công hoang dã của loài thú bất kham và vụng về. Đấy là khởi đầu của một sự thấu hiểu nhau – một cái gì đó mà ông biết rồi sẽ xảy đến với con người, cũng hệt như với súc vật, nhưng ông lại hoàn toàn mù tịt về “cái thế nào” của chuyện ấy, của cái việc đơn giản mà ông đã không bao giờ cảm nhận được. Bây giờ mi là một người đàn ông rồi – ông chắc có thể tự nói với chính mình như thế. – Và khi trở thành một người đàn ông, thì mi sinh ra một người đàn ông con – ông hẳn có thể nói thêm, nếu như ông đã biết trước điều mà ông sẽ khám phá ra chín tháng
sau đó.

Bà ấy thì có vẻ như đã biết những gì mà ông không biết, như thể bà được sinh ra với sự hiểu biết đó rồi, và chính tại đây lại nảy sinh một điều huyền bí khác mà ông không sao hiểu nổi.

- Những người đàn bà thì đều là con điếm từ lúc mới được sinh ra. Phải cầm căng cương giữ
họ thôi.

Ngày hôm ấy ông đã khám phá ra một thứ tình cảm mới mẻ trong đời ông, một cái gì đó giống như điều mà người ta gọi là ghen tuông.

- Tất cả mọi bất hạnh trên đời đã bắt đầu vào ngày mà những người đàn bà cắt ngắn tay áo và nâng cao váy để trưng ra làn da thịt của mình. Tai vạ của loài người, đó là tội lỗi – đó chính là điều mà ông đang nghiền ngẫm lúc này, trong lúc đi trên đường, chậm rãi, uể oải, không ý chí, và khi ông gọi lại lũ con gái của mình, tất cả đều đã lạc đường thất hướng trong các thành phố, xa hẳn ông. Ông tự nhủ rằng mình không thể nhìn sang bất kỳ hướng nào nữa.

Một mặt ông hẳn sẽ thăm lại ngôi nhà bị bỏ hoang của cha mẹ ông, và ông ắt sẽ lại bị choán ngập trước những tiếc nuối. Họ đã qua đời cả rồi, họ đang an nghỉ trên thiên đàng, ở nơi chuộc tội hay ở địa ngục.

Mặt khác, ông chắc sẽ gặp bộ mặt của em trai ông, người đã là ông chủ của các vựa đất thừa kế của cha mẹ và của khu đất mà ông đã nhượng lại cho hắn.

- Số tiền mà ông đã nhận được ấy thì chỉ đủ để nói lên rằng ông đã không cho không mảnh đất của mình thôi – vợ ông đã nói với ông như thế. – Ông ơi, ông là con vật vĩ đại nhất mà trần gian này chưa bao giờ có.

Ông nhớ lại ngày hôm đó, khi ông từ Feira de Santana trở về đem theo tin: những người ở nhà băng quấy rầy ông, họ sẽ lấy hết của ông mọi thứ. Phải lựa chọn giữa nhà băng và em trai, thì ông muốn bán gia sản của mình cho em trai ông hơn. Như vậy, ông sẽ thanh toán hết những nợ nần cho nhà băng và sẽ còn lại chút tiền cho mình để mở một cửa hàng thương mại nho nhỏ ở Feira de Santana.

- Ông nghĩ sẽ làm được gì với số tiền còm ấy, hả ông chồng ngốc nghếch của tôi? – Vợ ông có lý, sau này ông mới hiểu ra, nhưng đây không phải là lúc để tố cáo lẫn nhau. Chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Ông chỉ còn phải quay lại quê nhà để trao đất đai và ký giấy bán thôi. Hôm đó ông chỉ uống một tách cà phê, không muốn ăn gì cả. Ông ra ngoài, một mình lững thững lê những bước chân, đi lẩn quất trên những con phố của cái thành phố mà ông vẫn chưa thông thuộc gì, với lý do là đi tìm việc làm. Có thể cả ở nơi đây người ta có lẽ cũng đã nghe thấy danh tiếng về nghề thợ mộc bậc thầy của ông và ở đây ông cũng có thể sẽ xoay xở được. Song tất cả đều khác biệt. Ông chẳng quen biết ai hết, không phải trong những con phố, mà trong những mái nhà này ông cũng chẳng tìm thấy một người bạn trong đám bạn đồng hành của ông đâu. Ông đã rút lại ý tưởng đó ngay từ quán rượu đầu tiên, nơi ông bước vào, gọi một ly cachaça và bắt đầu nói chuyện với những khách hàng. Không, công việc thợ mộc hả, chẳng ai biết sẽ tìm thấy ở nơi nào, tất cả những người có mặt ở đây thì đều làm việc trong các xưởng sửa chữa ô tô và các trạm xăng. Ông tiếp tục uống, không ăn gì, không ra khỏi chỗ. Buổi tối, ông trở về nhà mình, vợ ông càu nhàu về giờ giấc. Ông đã nhảy xổ vào bà, như thể ông sẽ thanh toán bà vậy, như thể thời khắc chờ đợi từ bấy lâu trong cuộc đời ông rút cục đã tới. Nhưng một đứa trong đám con trai ông đã xen vào. Nó giữ chặt cánh tay ông với một sức mạnh khủng khiếp – một sức mạnh mà ông có lẽ chẳng bao giờ ngỡ rằng thằng nhỏ ấy lại có khả năng vậy – nó đã nói với ông:

- Thôi nào, ông già, đi. Nếu ông là một người đàn ông thì hãy đánh mẹ đi.

Ông đã cụp mắt xuống và buông thõng hai cánh tay, không hề tìm cách phản ứng. Ông đã không đủ dũng cảm để mở lời hay để làm bất kỳ điều gì - ấy thế mà ông biết là chỉ bằng một cú hích ông ắt có thể lẳng thằng ranh con còn thò lò mũi xanh này ngã huỵch xuống đất ngay.

 

Câu chuyện ở nhà băng đã là một áp-phe tồi tệ nhất trong những rắc rối mà ông gặp phải. Dẫu rằng nhạc phụ của ông, trước khi chết ít lâu, vào lúc chấp nhận yêu cầu bảo lãnh những hối phiếu cho ông, thì đã báo trước cho ông biết: - Cậu chàng ơi, nhà băng ấy mà, đó là gã chuyên phản bội đó. Nhà băng, nó biến người đàn ông thành một kẻ nô lệ, giống hệt như trò chơi xổ số và đồ uống vậy. Con trai ạ, hãy nghĩ cặn kẽ mọi điều đi đã. Con bây giờ là người đi mượn tiền, là người sẽ xùy tiền trả lãi xuất, toàn bộ là để thanh toán công nhật. Thế nếu như chẳng may mà mùa thu hoạch không thuận lợi thì sao hả? Những kẻ kia sẽ lấy của con tuốt tuột đó, con trai ạ.

Ông đã kiên nhẫn chờ nhạc phụ mình làm tất cả những gì nhà băng đòi hỏi. Nhưng ông già ấy đã không đồng ý, ông ấy chẳng làm gì cho con cái của chính ông ấy, vậy thì tại sao ông lại làm một nghĩa cử cho thằng con rể chứ?

Em trai ông đã đẩy bánh xe quay, có thể nói nó ắt đã linh cảm được tất cả những gì sẽ xảy đến, từ suốt thời gian nó mơ tưởng mua vựa đất của ông. Thực ra, nếu vợ ông không bắt đầu câu chuyện đến sống ở thành phố và nếu như các con ông vẫn ở lại nhà, thì ông hẳn đã không cần thuê những người làm công nhật, và thế sẽ không cần tiền của cái nhà băng khốn kiếp ấy.

- Đó chính là lỗi của mụ ấy. – Ông lại bắt đầu suy nghĩ, trong lúc nhớ lại chuyến du lịch đầu tiên mà họ đã đi cùng nhau, đến thăm một thành phố.

Họ đến đấy để giữ trọn lời hứa rằng sẽ đến nhà thờ Notre Dame de Candeias, cùng với chuyến hành hương hàng năm trên một chiếc xe tải có thành chắn và phủ bạt.

Chàng ngồi đằng sau, nàng ngồi trong ca bin.

Chuyện diễn ra đã khiến ông không hài lòng chút nào.

 

Ông đã nghe kể không ít chuyện về những tay tài xế xe tải. Những câu chuyện xì-căng-đan, những gã đàn ông vô liêm sỉ.

Lũ này luôn thích bọn đàn bà leo lên ca bin của chúng, để rồi sau đó cố gắng kiếm cớ sàm sỡ họ trong suốt chuyến đi.

Mỗi lần chúng vào số thay đổi vận tốc, thì chúng lại lợi dụng luồn tay mình vào giữa hai đùi người đàn bà.

Sau đó thì chúng tán tỉnh, ve vãn.

Chúng kể cho họ  nghe những câu chuyện nhố nhăng bẩn thỉu.

Chúng sờ mó họ.

Chúng làm nhiều thứ. Hàng tá thứ.

Sau chuyến du lịch, ông đã chỉ nói đến mỗi chuyện ấy trong suốt một tháng liền.

Ông muốn biết tất cả những gì chúng kể cho nhau nghe, ông muốn biết liệu vợ ông có cự lại gã lái xe không.

Lần đầu tiên, bà nói rằng đó là một người đàn ông tử tế.

 

Lần thứ hai bà nói rằng hắn rất nhộn.

Lần thứ ba, bà nói rằng do lúc nào cũng buộc phải lái xe, hết ngày này đến ngày khác liên tục, nên người tài xế rất cần được nói chuyện để khuây khỏa và tỉnh ngủ.

Lần thứ tư, bà nói rằng chồng mình chỉ là một gã thô thiển, ngu đần và không hiểu biết
gì hết.

Lần thứ năm, ông coi bà là một con điếm.

Bắt đầu từ đấy, họ đã chỉ dành thời gian còn lại để cãi nhau.

Cho đến một ngày bà nói với ông rằng bà sẽ ra đi, rằng bà sẽ từ bỏ tất tật. Bà quay về nhà bố mẹ đẻ của mình.

Khi ấy, thằng con trai lớn nhất đã bám lấy chân mẹ và nói:

- Mẹ ơi, đừng làm thế.

- Chẳng gì có thể ngăn được mẹ đâu, - bà quờ tay lên đầu con trai, rồi cả hai đều khóc. – Hãy đi với mẹ. Mẹ không thể chịu đựng được nữa rồi.

 

- Khi đến đó, họ sẽ gây chuyện đau đớn cho chúng ta, tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ. Mẹ hãy ở lại đây đi, vì tình yêu của Chúa. - Đứa
trẻ nói.

- Bố yêu con lắm. - Bà nói. - Ông sẽ không làm con đau đâu.

- Nhưng còn những người khác. Tất cả bọn người đó. Sẽ không ổn đâu mẹ. Không giống nhau đâu mẹ ơi.

Đứa trẻ khi ấy mới lên tám tuổi. Bất thình lình nó thôi khóc:

- Con biết là sẽ không giống nhau. Còn tệ hơn nữa là khác.

- Nếu mẹ ở lại, thì sẽ chỉ vì mình con thôi đấy. - Cả bà cũng thôi khóc, bà nhìn con trai trong lúc tự hỏi: - Làm sao mà thằng con vắt mũi chưa sạch quỷ quái thế, chỉ vừa rời khỏi đám tã lót của bà mà đã có thể cất lên được những lời nói như
thế chứ?

- Mẹ sẽ ở lại là vì con. - Bà nhắc lại.

 

- Và vì cả những đứa khác nữa mẹ à. Chúng con cả thảy là năm anh em mà.

- Vì con và vì những đứa khác, đúng thế.

- Và vì cả bố nữa.

- Và vì cả bố của con nữa.

Vào chính lúc ấy thì ông, lão già, đã về đến hiên nhà. Ông nói:

- Tôi hả, tôi đếch cần, cô đi được thì cứ đi.

Bà lại bắt đầu khóc toáng.

- Không đâu bố ơi. Mẹ ở lại là vì tất cả chúng ta. - Đứa trẻ nói.

Thằng lỏi này cứ như là đồng minh với ma quỷ vậy, ông đôi khi nghĩ vậy. Nó giống mẹ nó hơn. Nó đã biết một cách chắc chắn rằng nó không phải được sinh ra từ miệng một người đàn bà, giống như ông đã cố gắng khiến cho nó tin
như thế.

Nhưng tức thời lúc ấy, vào chính lúc ấy, thì ông đã chẳng nghĩ đến cái gì hết.

- Tôi ra đồng sắn đây. - Ông gióng giả nói, như thể ông không muốn cãi cọ nữa, như thể ông là một người đàn ông đang làm lành, điều mà ông vốn như thế, ông đã luôn luôn như thế, và ông muốn được như thế.

- Để làm gì hả bố? – Đứa trẻ hỏi.

- Bố đi kiếm những mầm sắn.

- Tại sao hả bố?

- Lát nữa thì con sẽ biết.

 

Người ta nói vào giờ sắp chết, con người ta nhìn một cách rõ ràng nhất, như thể ngay trước mắt mình, toàn bộ cuộc đời mà ta đã trải qua, kể từ khi chào đời.

Ông già đang nghĩ tới chính điều ấy.

Bởi vì ông nhớ tất cả, cứ như thể mọi chuyện đang diễn ra vào lúc này.

Mọi thứ hình như đã mang một ý nghĩa khác khi ông trên đường đi ra cánh đồng sắn, để kiếm những mầm non. Con tim khắc khổ và chai cứng của ông đã hơi chùng lại – để chắc chắn rằng ông muốn đến gần vợ mình và xin lỗi, bảo vợ hãy ở lại, họ đã có với nhau năm mặt con, sẽ còn có vô khối những đứa khác nữa, giống hệt như các cụ kỵ, tổ tiên và cha mẹ. Chúa sẽ khiến chúng lớn lên, khỏe mạnh an toàn. Chúa sẽ cho chúng những cánh tay khỏe mạnh để cày bừa đất đai.

Và chính đứa trẻ đã khiến ông bật ra được tất cả những nghĩ suy ấy.

Vài ngày trước, nó, thằng nhỏ, đã vơ về vài nhánh ngọn cứng, thêm vài mẩu gỗ và mẩu dây thép, nó đã cầy cục đóng một cỗ máy nho nhỏ, một cái máy giống như một cái bẫy lồng, và thằng bé đã thực sự tin đó là một cái bẫy. Sung sướng, tự hào, nó đã chỉ cho bố xem sự sáng tạo của mình. – Nhưng không có chim hoàng yến để làm mồi nhử. Chúng thậm chí còn chẳng thèm lại gần. - Thằng bé nói, rồi chỉ lên xà ngang hiên nhà, nơi đặt chiếc bẫy, cánh cửa bẫy lồng mở toang vô vọng, trong đầy những hạt ngô chất thành đống mà gió đã khiến chúng bay tản mạn.

- Đúng thật, thằng nhỏ này đã khiến mình mủi lòng biết bao. - Và đột nhiên ông già như tìm lại được hương vị của cái lồng chim và cái lồng bẫy chim còn mới tinh mà nó đã đóng được, hân hoan vui sướng. Nó đã mượn được một con chim hoàng yến làm mồi nhử và nhờ đó mà đã bắt được một con khác, một con hoàng yến xinh xắn, vàng óng, hay hót, đẹp như tranh. Thằng bé cứ suốt ngày nằm trên võng đung đưa ngắm con hoàng yến đó. Đấy là thời kỳ đầy hạnh phúc. Không còn cãi cọ nữa. Mà chỉ có những cuộc trò chuyện thực sự, trong gia đình, chuyện về con hoàng yến với các em nó, chúng hát, tự do, vắt vẻo trên sườn cao
mái nhà.

Vậy những chuyện này đã diễn ra cách đây bao năm rồi nhỉ? Ông già đào sâu trong ký ức, nhưng ông không sao định vị chính xác ngày tháng. Ông nhớ lại điều gì đấy mơ hồ, những thứ diễn ra trong thời kỳ đó, ví dụ như những cuộc trò chuyện vui vẻ trước lò cối xay gió nghiền bột, rực rỡ, lung linh do ánh sáng tóe ra từ lớp than hồng hừng hực: năm xảy ra cuộc nội chiến trên khắp thế giới, đâu đâu cũng có chiến tranh, chiến tranh hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả những vùng xa xôi, ví như ở cái nước Nhật Bản đầy sương mù, mặt trời biến mất sau khi đã nấp sau dãy núi xa nhất mà ông có thể nhìn thấy từ hiên nhà  mình, vào giờ đọc kinh tối. Chính ở nơi đó, đất nước Nhật Bản ấy, thế giới đang tiến đến ngày tận thế – đất nước Nhật Bản ấy mới thật kỳ cục, trời ở đó tối thì ở đây lại là ban ngày. Chính người bạn làm ăn của ông, tên là Artur, chủ chiếc xe tải, đã giải thích cho ông nghe toàn bộ những chuyện này. – Miễn sao cuộc nội chiến ấy cứ ở tại chỗ nơi nó đang diễn ra thôi, rất xa nơi đây. – Ông đã nói, trong lúc cho thêm củi vào miệng lò. – Năm nay sẽ chẳng ai thiếu bột mì hết.

Trong nhà kia, những người đàn bà và trẻ con đang nạo sắn, một người thợ làm công nhật điều khiển con lăn, đó là một công nhân có đôi bàn tay thuần thục, họ sẽ có rất nhiều bột mịn, thứ bột tốt nhất mà ta có thể tìm được. – Đúng thế đấy ông già ạ, miễn sao cứ tiếp tục như vậy. Người ta kể rằng toàn thể thế giới đang kết thúc rồi. Và  rằng ở bất kỳ nơi nào cũng tin cuộc chiến tranh ấy, nó thậm chí sẽ đến tận Brésil và rằng đó sẽ là cuộc chiến tệ hại nhất trong mọi cuộc chiến. Chúa tránh cho chúng con một cuộc nội chiến. Đó là cuộc chiến tranh thảm khốc nhất.

Ông đã đếm trên đầu những ngón tay mình từ một đến mười, mỗi ngón tay có giá trị mười năm, và ông đã đếm đúng đến tuổi của mình. Ông sáu mươi tuổi. Có một thứ trên đời mà ông ắt sẽ chẳng bao giờ quên, đó là ngày sinh của ông: ngày Đầu năm của năm 1912. Không dài không ngắn, là cuộc đời mà ông đã sống. Cha của ông đã trụ đến những chín mươi tuổi có lẻ, nhạc phụ ông vượt quá một trăm, già nua rệu rạo như ông ấy khi về già mà vẫn bay bổng khắp đó đây trên lưng một con lừa, chọc tức mọi người trên những cánh đồng và tại sao? –Vì một đốc tờ ở Alagoinhas đã cấm ông cưỡi ngựa. Ông tự nhủ rằng con lừa thì thấp hơn ngựa, nếu chẳng may mà ngã thì cũng bớt đau hơn. Ông chẳng bao giờ bị ngã cả. Ông chết trên chiếc giường của mình.

 

- Vậy thế giới này là gì đây, nơi mà con trai không tôn trọng cha, vợ không tôn trọng chồng hả? – Câu hỏi muôn thuở mãi mãi kẹt ngang cổ họng ông. Liệu ông có chết đi mà vẫn không có được câu trả lời không? Những con chữ không thoát ra khỏi cổ họng thì không biểu lộ được, cũng giống hệt như những quả trứng ung. Không một người đàn ông nào trên trái đất này có thể giải thích cho ông biết tại sao ông lại cảm nhận được cái vị nước thối này trong miệng mỗi khi ông ngẫm nghĩ về vấn đề đó. Mười hai đứa con trên đời – vì cái gì chứ? Ông luôn mong điều tốt đẹp nhất cho mỗi đứa, ông không ngừng nghĩ đến từng đứa, vào bất kỳ lúc nào. Và phần thưởng là cái gì đây? Sự bỏ rơi. Nỗi cô độc.

Không. Ông sẽ không nhìn lại phía sau. Ông sẽ nhìn thấy những bãi chăn thả hoang hóa, những bông hoa héo quắt của đám cây sương rồng vô dụng, cây sisal(1) đang xuống cấp đến độ hoang tàn. Kể từ đây, tất cả đều có thể gói gọn bằng một tàn lửa của khoảnh nương rẫy cuối cùng, ông thậm chí còn có thể sẽ ném những mồi lửa khắp nơi trước khi ra đi, mong cho tất cả đều cháy hết, hệt như ông đã đốt hết tiền bạc của mình vào cánh đồng này, mà nó thậm chí còn không cho ông bất kỳ cái gì cả, dù chỉ để tết một sợi dây chão để treo cổ. Chắc chắn là ông đang bị mất trí rồi, hoặc khi đó chính ông đang bị nhượng bộ trước cám dỗ của quỷ thần chăng? Nhạc phụ ông, vốn là người sành sỏi, đã luôn luôn nói rằng hai cái nút nơ thì tốt hơn là một cái. – Con trai ạ, câu chuyện về cây sợi gai này, còn rất mới mẻ. Hãy mở mắt ra đi, con trai. Đó có thể là thứ khiến không ít người bị thân tàn sản bại đâu. - Ông vẫn còn nghe thấy giọng nói đầy cẩn trọng, lời khuyên mà ông đã không muốn nghe theo. Bởi người đàn ông ấy là một sinh vật nghĩ rằng nó đang suy nghĩ, thế nên ông ta có thể làm mọi chuyện mà chỉ nghe theo sự chỉ dẫn của chính ý chí và ý nguyện của ông ta mà thôi.

Sự thể là có một lần, ông đã thử trồng một vườn thuốc lá và đã thành công. Năm đó được mùa. Ông vẫn còn tiền để sửa chữa làm mới
toàn bộ ngôi nhà mà theo năm tháng, nó luôn
luôn khiến ánh mắt của những người qua đường bất ngờ. Người ta ngả mũ trước người đàn ông giàu có đang ở đó. Ông thậm chí còn dựng hẳn một lan can bên hiên nhà và quét ve những cánh cửa nhà và cửa sổ màu xanh. Ông đã gỡ bỏ những phiến đá cổ lỗ trên nền nhà và thay vào đó là những viên gạch hoa mới tinh, tất cả đều giống hệt như các gia đình điền chủ giàu có. Ông đã mua quần áo mới, cho chính ông, cho vợ và các con ông, người nào người ấy đều có thứ để thay đổi. Ngay từ năm ấy người ta đã nói với ông rằng thuốc lá là một thứ mới, rằng ông sẽ phá sản đến đồng xu cuối cùng khi trồng trọt kinh doanh loại cây này, thuốc lá đòi hỏi rất nhiều công sức nhưng rốt cục chẳng đem lại lợi nhuận gì. Phiền nhiễu vô dụng. Ông đã đưa cả vợ lẫn con vào công việc, tiêu ít và thu nhập nhiều. Tiền vào hàng loạt, không ngớt. Ông đã tự nhủ rằng với cây sợi gai thì ông chắc sẽ có cùng cơ may mắn, thậm chí là làm một mình và buộc phải thuê một đội quân làm công nhật. Ông chỉ còn nghĩ đến lúc sẽ chất đầy xe tải của Artur, người bạn làm ăn của ông, với những tàu lá màu mỡ mập mạp thu hoạch trên thửa ruộng của ông, để chở đến những xưởng sản xuất của nhà nước, nằm không xa Nova Soure. Và khi những cỗ máy trao lại cho ông thay những tàu lá trước đây là những chuỗi dài, dài bất tận những sợi dây chão, và lúc ấy chúng lại kịp được xếp lên những xe tải khác rong ruổi trên những con đường chở tới thủ đô, ông quyết định dạy cho vợ mình một bài học: chính đất đai trên cánh đồng mới khiến bụng các người đầy lên được, chứ không phải là thành phố đâu. Và tất cả ắt sẽ diễn ra hệt như dự tính nếu như ông đã không tiêu tiền của nhà băng trước khi chặt cây sợi gai. Chúng ở ngay trước mắt ông, những cây thùa khổng lồ, giống hệt như những tàu lá dứa mọng nước, những chiếc lá cuồng nhiệt, sum suê, chúng đang đợi ông chủ mới thâu đủ lượng nhân công cần thiết để thu hoạch. Tất cả chỉ là vấn đề tiền, ông biết thế. Nhưng nhạc phụ ông vừa qua đời và ông không thể tìm được ai để bảo lãnh sự chuyển nhượng những hối phiếu ở nhà băng. Quả thực là xấu hổ, là ô nhục. Các gã đó đã quay lại, lần này chúng chạy trên những chiếc xe hơi Volkswagen và ngoài ra còn trên những chiếc xe jeep, hệt như lần đầu tiên chúng đến. Và chúng đã đem theo một tin buồn: đã đến thời hạn thanh toán nợ. – Xin hãy đợi cho ít bữa nữa, thưa các ông. Tôi lúc này hơi kẹt tiền.

Họ đã chẳng muốn biết gì hết, họ đã không thèm tính đến việc ông là một người đàn ông trung thực. Một người đàn ông mà chắc sẽ không bao giờ quên thanh toán những khoản anh ta còn nợ. Họ nên kiên nhẫn một chút chứ.

- Nhà băng không đợi đâu. Kỳ hạn đến, thì nó  đã đến.

Toàn bộ chuyện diễn ra cạnh gốc cây me, ở giữa chợ. Đám đông nhìn thấy và chờ đợi. Các gã nhà băng nói rằng họ có thể ra hạn những hối phiếu nếu như ông tìm được một người bảo lãnh khác. Ai đây? Tất cả các bạn làm ăn của ông thì đều đang bị phá sản hoặc bị nghẽn ở nhà băng, với những khoản nợ của chính họ. Ông cúi gục đầu, trán nhăn lại, một ham muốn bất tận sao cho đất nứt ra ngay tại đây, ngay dưới chân ông để ông ngụp sâu xuống lòng đất, trong sự vô vọng bất tận của loài người. Ông đã nghĩ đến em trai mình, người thân thuộc giàu có duy nhất trong gia đình. Nhưng đứa em này đang đứng đây, cả nó cũng có mặt, đã nhìn và nghe thấy hết rồi, nếu nó mà muốn giúp thì nó đã đề nghị được giúp ông. Giữa đám náo nhiệt ấy, một tiếng kêu vang lên thông báo điều mà không ai chờ đợi, khiến đám đông trở nên hừng hực, tiếng ồn ào tăng lên: họ đang bắt giữ ông chủ. Hãy đến xem đi. Ông chủ bị bắt
giữ rồi.

Không. Ông không thể nhìn sang trái lẫn sang phải được. Ông sẽ nhìn thấy bộ mặt của sự ô nhục, bêu xấu, nỗi ô nhục mà ông sẽ không bao giờ quên được.

 

- Này, chú, chú hiểu không hả? Bọn này không muốn đợi thêm. Tôi phải làm gì bây giờ?

- Giải pháp tối ưu, đó là bán vườn cây của anh đi. - Em trai ông nói.

- Bán ư, cứ vậy mà bán à, không nghĩ suy gì ư?

- Đó là giải pháp.

- Nhưng bán cho ai? Kiểu bán chác như thế này thì phải có thời gian.

- Tôi sẽ mua. - Em trai ông nói.

- Thế nếu như tôi không muốn bán thì sao?

- Nhà băng sẽ tịch thu tài sản của anh, để rồi bán lại cho người khác. - Em trai ông đưa mắt nhìn đám nhân viên nhà băng, như thể nó thuộc phe
họ vậy.

- Thế thì bán. Tất cả là của chú đó. Thứ hai tuần sau, chúng ta sẽ tính toán. - Lần này ông già nói với các người của ngân hàng. – Xong rồi, quyết định rồi.

Máu cùng máu ông, da thịt cùng da thịt ông. Hoài thai cùng một bụng. Bụng đàn bà. Ban phước lành cho hoa đã đậu trái của bà. Một người em nẫng sạch những gì ông đang có và trên hết, còn vỗ lưng ông, như thể nó đang giúp ông vậy. Ngày hôm đó họ đi về cùng nhau trên cùng một con đường, vừa đi vừa trò chuyện phiếm. Đúng hơn là em trai ông nói. Còn ông chỉ lầm lũi bước đi. Ông có ba câu đang vướng trong cổ họng: kiêu hãnh, lợi lộc, bội bạc. Ba điều bất hạnh hội tụ trong cùng một con người, mà con người đó đang đi cạnh ông. – Thôi nào, nói gì đi chứ. Anh muốn bao nhiêu cho trang trại của anh? – Ông già không nghe thấy tiếng người kia nói, ông đang nghĩ đến những điều xa ngái kia, có thể là đến một thứ trật tự mà vũ trụ chắc đã phục tùng nó và có lẽ không một ai có thể bẻ gãy được. Đấng Tối Cao đã sinh ra đất, nước và muối, mặt trời và mặt trăng, súc vật và con người – và con người thì đâu đâu cũng là anh em, nhưng anh em ruột thịt là thứ anh em thân thiết hơn, bởi họ được ra đời từ sự đau đớn của cùng một người đàn bà. – Nào, anh nói đi, anh muốn trang trại của anh bao nhiêu? – Gió và mưa có một ông chủ, cùng một ông chủ như loài người, đức Chúa cai quản Hòa bình, Công lí và Hòa hợp. Một ông chủ không bao giờ đẩy ai ra khỏi nhà. – Nào, nói gì đi. Anh muốn cái trang trại của anh bao nhiêu? - Chính lúc ấy thì ông già đã mở miệng, như thể ông vừa quay lại với thế giới này, thực tế và đầy
dối lừa.

- Chẳng bao nhiêu cả. - Ông nói.

- Chẳng bao nhiêu là thế nào?

- Chẳng lấy gì cả. Không lấy gì hết.

- Anh đang đùa đấy à, hả anh trai? – Người em trai của ông nói.

- Không lấy gì hết, tôi đã nói với chú rồi và nếu chú muốn bao nhiêu lần thì tôi sẽ nhắc lại chừng ấy lần. Không cần lấy gì hết.

Ngày hôm sau, ông đã bình tĩnh lại, để nghe những khoản tiền mà em trai ông đưa ra, để chấp nhận, để nuốt vào một sự sắp đặt mà ông trả hết số tiền lãi – ăn năn vì chúng.

Rất nhiều bãi chăn thả, chẳng mấy sự vui vẻ.

Thời gian đã chứng tỏ rằng Antonio Conselheiro, thần chết và thần phá hoại, biết được điều ông nói. Liệu đó có phải là đoạn kết không? Liệu ông có chắc chắn về những gì ông nhìn thấy không, đây này, ngay trước mặt ông? Những ngôi nhà đóng kín, những thửa đất bị bỏ hoang. Kể từ đây, ông chủ thực sự của tất cả chính là loài  cỏ gà, chúng mọc lan tràn, nhiều vô kể giữa những hàng cây sương rồng bao trùm những lá xanh và quả khô héo, do thiếu nhân công sử dụng những cây dao quắm. Thế những nhân công lao động này đang ở đâu? Trong những chuyến ô tô buýt, trên những cỗ xe tải. Đang xuống miền xuôi. Về hướng miền nam Alagoihnas, miền nam Feira de Santana, miền nam thành phố Bahia, miền nam Itabuna và Ilhéus, miền nam São Paulo-Parana, miền nam Marilia, miền nam Londrina, về hướng miền nam của Brésil. Điều may mắn nằm ở miền nam kìa, nơi tất cả mọi người đều đổ về, nơi mà cả ông nữa, cũng sẽ đi đến đó. Một lần, khi ở Feira de Santana, ông đột nhiên bị tắc nghẽn trong nhà ga, suốt cả một ngày liền, dòng người đi đi lại lại không ngừng, người vào, kẻ ra, hệt như một tổ kiến sôi sục. Ông cứ đứng đó, đầu óc choáng váng: - Ở đây, thậm chí còn chưa phải là bắt đầu của miền nam mà đã như thế này, vậy hãy hình dung xem phần còn lại sẽ như thế nào.

- Miền nam, kết thúc ở Paraguay. - Một người chú của vợ ông đã kể cho ông nghe, người rút cục đã quay trở lại Junco, đi dạo, sao bao năm phiêu bạt mà không ai biết liệu ông ấy đã chết hay còn sống. – Tôi hả, tôi biết rõ bởi tôi đã đến đó rồi. Tôi biết tất cả nơi ấy, từng tấc đất một.

Chắc không một ai dám phát biểu rằng người đàn ông ấy xưa kia đã từng là một người nông dân đâu. Ông nói rất thông thái về thế giới phiêu bạt của ông, và để mọi người hiểu ngầm rằng đằng sau mỗi lời nói của ông đều có trải nghiệm cụ thể của một người đàn ông đã đi đây đó rất nhiều. Ông không kể những gì ông đã nghe thấy, mà kể những điều ông đã tận mắt chứng kiến. Thông thái cả trong cách ăn mặc: trang phục ông mặc hàng ngày, thì ở đây người ta chỉ mặc một lần trong đời, vào ngày cưới. Và trên hết, có vết chém ngay ở đầu, một đường ngôi sắc nét giữa mái tóc, chắc chắn là kết quả của một nhát dao, như để chứng minh sự xác thực của các sự kiện. Vết chém khiến ta nghĩ đến một kiểu cắt tóc của một mái đầu trọc và mặc dù được che giấu hết sức kỹ lưỡng dưới một chiếc mũ vải lịch lãm, ta vẫn có thể nhận ra mỗi khi ông gãi đầu do mồ hôi chảy rịn trong mớ tóc còn lại của ông. Đúng thế, tất cả chuyện đó đều có một dấu ấn của sự thật. Người đàn ông này đã để lại một mẩu da thịt mình trên quãng đường phiêu bạt, ông có được sự hiểu biết của một người đã từng trải qua nhiều thử thách, trên nhiều vùng đất khác nhau. Mọi người thấu hiểu chứ. Thế đấy, một con người bình thường của Junco mà đã từng sống ở mãi Paraguay đấy. Điều ấy là một sự tiến bộ, mọi người nói. Khó tin lắm. Con trai Nelo của ông chắc chắn là nó đã đi xa hơn thế nhiều, vào giờ này. Chắc chắn nó còn biết những con đường khác, xa hơn hẳn cái miền nam mà ông kia nói tới, đúng thế, nó, con trai của ông, nó còn trẻ hơn
rất nhiều và còn cả gan dữ dội hơn nhiều.
Không, không thể có chuyện miền nam kết thúc ở Paraguay được.

- Vậy chứ nó thế nào, cái vùng đất mà ông đã sống ở đó ấy, hả ông Caboco?

- Tuyệt vời. - Người đàn ông kia đáp lại. – Điều phiền nhiễu, đó là muỗi, chúng không để cho ai ngủ ngon cả.

- Thế người ta trồng gì ở đấy, ở đất nước Paraguay ấy?

- Người ta trồng tuốt tuột. Nhưng tôi thì tôi không trồng gì cả. Công chuyện làm ăn của tôi hả, đó là mua hàng hóa rồi về bán lại ở São Paulo.

- Nhưng đấy là thứ áp-phe mà Nego de Roseno, ông chủ cửa hàng bách hóa, đã làm ở
đây mà.

- Có điều là hàng hóa ở đó đem lại nhiều tiền hơn nhiều.

Người đàn ông đã-đi-nhiều, lôi từ túi mình ra một cái hộp nhỏ, có thể ông ta muốn chứng minh cho ông già thấy rằng hàng hóa của ông ta không thể đem ra so sánh với thứ hàng hóa của ông chủ cái cửa hàng bách hóa tồi tàn vô danh tiểu tốt kia. Ông ta nói rằng cái thứ này, người ta gọi là cinéma. Để giải thích. Ông già đã ngỡ cái hộp ấy giống như cái ống nhòm vậy.

- Xem này, đó là São Paulo đấy.

- Đức mẹ Marie. - Ông chưa bao giờ nhìn thấy những tòa nhà cao nhường ấy, một thành phố quá đỗi mênh mông. Phản ứng đầu tiên của ông là sợ. Tất cả những chuyện này khiến đầu ông vỡ tung ra mất. Người đàn ông động vào cái hộp, thay đổi hình ảnh.

- Cầu Vượt Trà đó, còn đây là Ibirapuera, thung lũng Anhagabau, Ngân hàng nhà nước, Quảng trường Lớn, Pacaembu.

Những cái tên xa lạ, khác biệt. Con người, thức ăn, thời tiết cũng rất khác.

- Thời tiết rất lạnh và mọi người ăn rất nhiều. Chính vì thế mà tôi trở nên to béo như thế
này đấy.

Trên những vùng đất đó, chẳng có gì giống như sự nghèo nàn ở Junco cả, ông ta tiếp tục giải thích. Có nhiều người đến từ khắp nơi, còn tiền thì nhiều vô kể. Hồi đầu, ông ta đã làm việc như một thợ nề trong một ngôi nhà, vào giờ ăn, người ta luôn gọi ông và thường nói: - Không phải cái ấy đâu, 64c2 mình đi búp chứ? – Không phải cái ấy đâu, có nghĩa là: “trưa rồi”. Đi búp, có nghĩa là: “mình đi ăn thôi”.

- Thế còn những người kia, họ hiểu cách nói của chúng ta chứ, thưa ông Caboco?

- Có những người hơi chậm hiểu một chút, nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng hiểu hết.

Khi nói về São Paulo, người đàn ông phồng miệng, làm ra vẻ còn quan trọng hơn nữa. Ở đó, bất kỳ ai cũng có thể vừa là thợ nề, vừa là một quý ông, cứ chiểu theo vào cuối ngày, họ tắm rửa, thay quần áo mới, và không ai biết gì về cuộc sống của ai cả.

- Những chuyện này rất thú vị, thưa ông Caboco. Chắc chắn hệt như ông nói rồi. Nhưng dời bỏ vùng đất tốt cổ xưa ở đây mà ra đi thì đối với tôi là... không thể có chuyện tôi dời bỏ đi được đâu.

 

- Nếu tôi mà là anh thì tôi sẽ thử đấy. Ở đây, anh có một mình, trong cái mẩu đất con con trên thế giới này. Anh nên đi để gặp con trai anh.

Chớ có nói với tôi chuyện dời đi, ông đã nghĩ thế khi nhớ lại tính xấu của con trai ông, sự thiếu tôn trọng của nó. Về tiền bạc thì nó chỉ gửi về cho mẹ, đấy là còn chưa kể đến việc hình như nó đã thôi gửi rồi. Còn những lời nhắn của ông thì sao chứ? Nó đã không đọc chúng, cứ như thể một người cha thì chẳng có giá trị gì hết. Nhưng ông đã không thể ngăn mình đặt câu hỏi. Gã tồi này, mặc dù ông hận thằng con trai, vẫn quay về vò xé con tim ông.

- Ở đó, ông đã gặp nó chứ?

- Gặp tận mặt hả? Cũng đã khá lâu rồi.

Ít nhất đã mười năm nay không ai đem đến cho ông bất kỳ tin tức gì về con trai ông. Hiện giờ nó như thế nào rồi nhỉ? Ông thậm chí còn không có tấm ảnh nào, để ngắm nó, để chiêm ngưỡng nó. Sẽ không bao giờ ông quên được một người họ hàng xa đã đến và kể: - Con trai anh là một gã tốt đấy. Hắn không bao giờ quên hắn là một người có nguồn gốc Bahia. Tôi đã ngủ một đêm tại nhà hắn, hai chúng tôi đã ngủ chung giường, lộn đầu đuôi, hệt như vẫn làm thời hoa niên ấy.

– Thế sự thể là như thế nào? – Ông già hỏi, mỗi lần ông gặp người họ hàng xa này. Đó là một câu chuyện khiến ông tràn ngập niềm vui và
kiêu hãnh.

- Nó sống tốt chứ, hả ông Caboco? Nó chắc phải giàu lắm rồi.

Người đàn ông kia đã đắn đo. Như một kiểu thù ghét, câu chuyện được kể nghe khá tồi và khi giải thích lại còn tồi hơn.

- Hãy nói cho tôi biết đi. Tôi rất ngứa ngáy chân tay muốn biết. – Ông già cố nài, không thể có chuyện một ai đó trở về từ São Paulo mà lại không biết gì về Nelo cả, con trai Nelo của ông, một gã bạo gan nhường ấy. Thằng con trai ấy đã bỏ đi, ngược ý ông, nhưng nó đã thành công, như mọi người từ khắp nơi khắp chốn vẫn nói.

 

- Hãy kể cho tôi nghe tuốt tuột đi, thưa ông Caboco. Đừng có im lặng mãi thế, trong khi tôi
lại đang chết dần chết mòn chờ nghe ông nói chuyện đó.

- Tôi chỉ gặp con trai anh có một lần duy nhất thôi. Như tôi đã nói với anh, lần ấy cũng cách đây lâu lắm rồi.

Những tin xấu ư? Ông đã nghĩ tới bệnh tật, cái chết, sự khốn cùng. Những điều tốt lành thì không ai lại chỉ giữ chúng cho riêng mình thôi, người ta sẽ nói ra ngay. Cái ông Caboco này sẽ không để ông sống trong nghi ngờ chứ.

- Đúng thế, một lần, ở São Miguel Paulista. - Người kia bắt đầu kể một cách bình thản, chậm rãi, đắn đo từng từ. – Trong một quán bar, để cho sự kiện thật chính xác, Nelo đang đứng ở quầy. Nó đã vô cùng vui khi gặp tôi. Vui thực sự. (Cặp mắt của ông già hình như còn sáng lấp lánh hơn cả hồi nãy, như thể chúng có thể soi sáng cả một con đường. Ông đang tự hỏi liệu ông có cùng sự hài lòng như thế vào cái ngày mà hai cha con ông sẽ gặp lại nhau không. Điều gì đến thì ắt phải đến, nhưng ông sẽ không thể chết mà không được chứng kiến cái ngày đó). Nhưng Nelo đã uống quá nhiều, nó nói với chất giọng lè nhè. - Người đàn ông tên là Caboco tiếp tục nói một cách bình tĩnh, không vội vàng, như thể câu chuyện chẳng khiến ông quan tâm gì hết. Ông không muốn thiếu tôn trọng trước người đàn ông là chồng của đứa cháu gái ông, nổi tiếng và được tất cả mọi người đánh giá là một người đàn ông trung thực, tốt tính. Chính vì thế mà ông kể. Song những gì mà ông sắp kể ra đây thì cũng là một sự xúc phạm. Chính vì thế nên ông nói chậm rãi. – Uống rượu, đó là nỗi bất hạnh của loài người, Ông chủ ạ, hãy cho phép tôi được nói với anh điều ấy, và chứng kiến một người đàn ông say bét nhè là điều không khiến tôi vui vẻ gì. Nhất là người đó lại có dây mơ rễ má với gia đình tôi. - Hoàn toàn đồng ý thôi, ông già đồng ý với ý kiến của người đàn ông kia, nhưng, - và cái lễ mừng mà Nelo dành cho ông, khi ông gặp nó, nói thế nào cho đúng đây nhỉ? – Ôi, nó đã uống quá nhiều, như tôi đã nói với anh. - Người đàn ông tên Caboco nói tiếp. – Nó đã gây một trận om sòm không thể tưởng tượng nổi, một màn xiếc thực sự. Ông trẻ ơi, hắn đã kêu lên gọi tôi. Hãy kể chút ít cho cháu nghe về người đàn ông mà nghe nói là người gia đình cháu đó, ở Bahia ấy. Người đàn ông mà Nelo muốn tôi nói cho nó biết là thuộc gia đình ta ở Bahia, chính ông chủ quán bar, một gã người Bồ Đào Nha luôn càu nhàu và có tính cà khịa, không thích trò chuyện cho  lắm. Ông trẻ ơi, Nelo lại một lần nữa kêu lên, hắn không muốn bán chịu cho cháu một ly cachaça. Đấy là một lời thóa mạ, đúng không? Ông chủ quán bar có vẻ không thích những tiếng kêu của Nelo, tôi đã sợ sự ồn ào tăng lên. Không phải là tôi sợ chuyện đánh lộn. Hồi còn trẻ, không biết bao nhiêu lần tôi tham gia vào những trận đánh lộn rồi, và tôi cũng chẳng hối hận đâu. Thế nên tôi đã thanh toán ly cachaça mà Nelo muốn uống chịu, bởi tôi không phải là một thằng đàn ông bỏ rơi một người thân trong gia đình trong cảnh cùng quẫn, nhất là khi người họ hàng này đang sống xa quê hương bản quán. Đấy là lần duy nhất tôi gặp nó, Ông chủ ạ. Bất hạnh của người đàn ông, tôi nhắc lại, đó là rượu.

- Vâng, thưa ông Caboco. Nhưng thi thoảng nhấm nháp chút ít thì mọi người ai nấy đều uống mà, và điều đó thậm chí còn tốt đó. À này, tôi có một chai cachaça, đây này. Ông có muốn vào nếm thử chút không?

- Lạy Chúa phù hộ cho tôi. - Người đàn ông nói. – Tôi đã uống quá nhiều rồi. Hiện giờ thì tôi không đụng đến một giọt. Tôi đã gia nhập vào nhà thờ dành cho những người tân giáo.

- Sao cơ, thưa ông Caboco? Đó quả là một tin mới đấy!

Sau này ông già chắc phải tự nhủ: nếu ta mà biết những chuyện này trước, thì ta hẳn đã chẳng mất thời gian làm gì. Câu chuyện là thành viên tân giáo, đấy đâu phải là luật định của đấng Tối Cao.

Người đàn ông ấy đã bị quỷ dữ cám dỗ rồi, không biết tại sao mình lại không nghi ngờ ngay từ đầu chứ. Theo ý ta thì người theo phái nào chung quy cũng thế thôi.

 

Cũng vậy mà. Theo phái Tái giáng sinh, theo đảng Cộng sản và theo đảng U.D.N.(1) – Bác Ascendino hẳn sẽ nói thế, nếu như bác ấy vẫn còn sống, bác là người cuối cùng của những người sùng đạo. Những tiếc nuối muôn thuở của mái đầu bạc luôn được bảo vệ che nắng tránh mưa bằng một chiếc mũ casquet màu trắng của chức thiếu tá. Bác đã chết hệt như bác đã sống: bằng cầu nguyện. Linh hồn chim, tim trẻ thơ. Bác đã ra đi như một vị thánh, trinh trắng và không tì vết. Bác có đôi tay khéo léo, đôi tay đã đóng ra những tủ góc tường, những hòm đựng thánh tích, những cây đèn nến, và những dải sam gắn trên tóc các bé gái. Lúc này ông đang vui thú trên thiên đàng, trong khi đó thì ở dưới gầm trời này, tất cả đang kết thúc. – Nếu như  những hoài niệm mà giết được người, ông khốt Dino ạ, thì tôi hẳn đã ở trên thiên đàng, bên cạnh bác rồi, đang rền vang đoạn điệp khúc của những lời cầu nguyện của bác, giữa tất cả các thần tiên trên đời này. Trời có màu xanh, phải không bác Ascendino? Ở trên đó vẫn luôn luôn có
mưa chứ?

Kỷ niệm, thử thách, kỳ vọng.

- Tất cả những người theo đảng U.D.N là những kẻ trơ tráo mặt dày. Tất cả những kẻ theo đảng U.D.N rồi sẽ kết thúc trong các vực thẳm địa ngục thôi. – Bác Ascendino không bước vào nhà nào có treo bức chân dung Juracy Magalhães trên tường, bác không chấp nhận cà phê lẫn sự giúp đỡ đến từ người nào mà đã ra nhập với bọn người của con người có nụ cười châm biếm ấy. Chỉ cần nhìn hàm răng của Juracy trên ảnh ông ta thôi, đã thấy khuôn mặt đạo đức giả, nụ cười báng bổ nghịch đạo. Với ông ta, đất nước này sẽ lụi tàn thôi, đó là một sự đe dọa đối với dân Thiên chúa giáo, người đàn ông ấy được một lũ người ủng hộ, đám này đã giả tảng như tin vào Chúa Trời, nhưng Chúa biết là phía nào thì có những con chiên trung thành của Người và phía nào thì chỉ toàn lũ phạm tội. – Hãy bỏ phiếu cho PSD đi. -  Bác đã vào hết nhà này đến nhà khác kêu gào và đi đầu đoàn diễu hành cuồng tín của bác, vừa đi vừa gào vang bài kinh cầu nguyện và kinh Đức bà Maria. Các bậc thánh thần chắc sẽ phải bảo vệ đất chống lại những kẻ
phản bội.

Bầu trời đầy hoa. Những bông hoa của tháng Maria. Sau cái chết thì cuộc sống là một tháng năm vĩnh cửu. Những bông hoa của bầu trời: hồng, loa kèn và nhài. Tất cả những loài hoa tồn tại trên đời luôn luôn nở. Nạn hạn hán sẽ không bao giờ lên tới tận trên đó đâu. Đàn lợn nước và lũ téjus(1) chạy tản mát khi ông già uể oải bước qua, chúng nấp trong các bụi cây macambira. Ông già cầu nguyện. Và bỗng nhiên ông nghe thấy một cái gì đó khác, ngoài những tiếng động do bước
chân ông tạo ra. Ông nghe thấy giọng nói của chính mình:

Trên trời cao, trên trời cao

Tôi sẽ ở cùng với mẹ

Trên trời cao, trên trời cao

Tôi sẽ hát cùng với mẹ.

Nelo, Niemia, Juduth, Gesito, Tonio, Adelaide – ông lại bắt đầu gọi các con, ngay trên đường đi, như thể bất thình lình thời gian bỗng chạy ngược lại và bất thình lình trời không phải là đang gần giữa trưa (mặt trời đã lên rất cao rồi), mà là vào lúc sáng sớm và rằng ông đang tỉnh giấc giữa tiếng reo hò vui vẻ của lũ gà trống và lũ chim vây quanh ngôi nhà tĩnh lặng, tối mờ. Ông bao giờ cũng là người đầu tiên thức dậy. Và khi ông mở mắt ra, thì vẫn còn nán lại để nghe tiếng thở của những đứa con còn đang ngủ vùi. Thường xuyên ông đợi thêm một chút trước khi gọi chúng, bị một thứ tình cảm thương xót lũ con choán lấy. Giấc ngủ vào buổi sáng sớm là tốt hơn cả, ngon hơn cả.

 

- Nelo, Noemia, Judith, Gesito, Tonio, Adelaide. - Ông lại tiếp tục gọi chúng, bởi lần đầu tiên, ông đã không nghe thấy tiếng trả lời, bọn nhỏ này cứ lề mề mãi mới dậy được. – Nào, dậy đi. Đến giờ đọc kinh cầu nguyện rồi.

Kyrie eleison

Kyrie eleison

Kyrie eleison

Kỳ lạ thật. Ngày hôm nay có chuyện gì xảy ra với lũ trẻ nhỉ? Chỉ có con chó là đáp lại tiếng gọi của ông. Nó chạy hùng hục đến và gầm gừ như một con chó điên vậy, khiến cho bụi bay mù vào đám thực vật bên kia hàng rào, tuyệt vọng. – Về nhà đi. - Ông già lẳng cho một hòn đá, hòn đá sượt qua hai tai con chó. Nó gục đầu xuống, có thể nói nó hiểu điều ấy muốn nói gì. Nhưng nó không chịu quay lại. Bây giờ nó tiến lên từ từ: nó đang rất gần ông chủ của nó, hít hà hơi của ông. Nó vẫn gầm gừ như muốn phàn nàn, một lời than vãn dễ hiểu. – Quay về với chủ mới của mày đi. – Ông già cố nhấn thêm, với một mẩu gỗ trên tay. Dựa trên hai chân sau, con chó làm dáng, đầu ngúc ngoắc và đung đưa hai chân trước, cứ như nó muốn hôn ông vậy. Có thể nói nó như một con người, ông già thầm nghĩ. Nó chỉ không nói được thôi. – Thôi được, nếu mày muốn thì đến đây, nào. – Ông nói với con chó, trong lúc ném mẩu gỗ xuống đất. – Nhưng mày sẽ vất vả gấp đôi đấy. Lần đi và lần về. Họ đã nói với tao là tốt hơn không nên dẫn chó đi theo. - Ông có lẽ đã có thể nói thêm: - Thế đấy, mọi thứ diễn ra mới kỳ cục làm sao. Chính những người mà ta cứ nghĩ là sẽ bỏ rơi bạn thì họ lại không rời bạn. - Và nữa: - Cuối cùng thì chính con này lại chứng tỏ là đứa tốt nhất trong đám con
của tôi.

 

Ông đã tới con phố trong tâm trạng tinh thần đó và ông bước vào quán rượu, cảm thấy bối rối, cùng một con chó mệt mỏi, kiệt sức, mũi thở phì phò theo sau.

- Tôi đã đến muộn rồi hả?

 

- Đâu có, thưa Ông chủ. Ông đã đến quá sớm. Chúng tôi vẫn còn đang chất đồ ở xưởng thuộc da mà. - Người tài xế xe tải đáp.

- Vậy đây sẽ là chuyến đi thăm xưởng của
tôi vậy.

Ông vẫn chưa ăn gì. Nhưng ông từ chối lời mời ăn trưa của Artur, người bạn làm ăn của ông. Ông không đói, ông chẳng có gì phải vội vàng và cũng chẳng có gì để làm cả. Ông đi một vòng quanh quảng trường vắng tanh, gõ từng cánh cửa nhà, miệng kêu: - Tôi đi đây, thị tộc ơi. Tôi đến chào tạm biệt các người. Không có ai để mà tạm biệt. Phần lớn những ngôi nhà này là của những người trồng trọt, họ ở xa và chỉ đến đây vào những ngày có lễ mi-xa hoặc có công có việc gì đó. Quảng trường. Yên tĩnh, thanh bình, uể oải, như nó vẫn thế. Một nhà thờ và một cây thánh giá. Chẳng có gì khác nữa. Lát nữa sẽ ồn ào lên do tiếng gầm rú của xe tải, những khuôn mặt ló ra từ các ô cửa sổ. Tiếc nuối cho những kẻ ra đi, những kẻ ham muốn ra đi. Tối nay, sau khi tắt đèn, những con sói hình người sẽ hiện ra, những con la-cha-xứ(1), những bóng ma, từ khắp nơi đổ đến. Các thành phố thì sáng rực, tràn đầy nhựa sống. Các  thành phố lớn thì không có ma.

- Khi nào thì chúng ta tổ chức một buổi khiêu vũ nữa, hả Ông chủ?

- Tất cả những trò đó đã kết thúc rồi. – Ông trả lời và phá lên cười, chất cachaça đã tiếp thêm cho ông chút nghị lực. – Nhưng anh vẫn luôn có thể tìm ra cho chúng tôi một tay chơi accodéon và hai kiều nữ tóc đen mà, chúng ta sẽ khiêu vũ trước khi chiếc xe tải chuyển bánh.

 

Chính trong nhà thờ này ông đã tổ chức hôn lễ, ông đã rửa nước thánh cho tất cả các con mình, và các con của những người khác, của những người bạn làm ăn, chắc chắn phải có đến hơn trăm đứa.

Sẽ chẳng còn gì giống như trước đây nữa. Nơi này sẽ không bao giờ còn là nơi rừng rú hoang dã mà đám thợ chăn bò (con, cháu, chắt của João da Cruz) đã tìm thấy và đã phá rừng khai khẩn. (“Không, thưa Ông chủ. Đấy là đàn súc vật ạ. Những con vật đi kiếm nước uống, ở bên dưới kia có một cái hồ. Đám thợ chăn bò đi theo tiếng nhạc”). Đồng ý. Nhưng là một người họ Cruz, người đầu tiên dựng lên ngôi nhà đầu tiên, dựng lên bàn thờ và cây thánh giá. Nơi đây hẳn sẽ không bao giờ được gọi là Hồ của chim Hòa bình và Bãi chăn thả của đá nữa. Chẳng có hồ, lẫn bãi chăn thả, lẫn phiến đá kỳ diệu. Đây không còn là một nơi để tụ tập nữa. Nhìn lại phía sau, chỉ tổ mất thời gian thôi.

Ông già đã uống, nói chuyện phiếm, hát, nhảy. Ông kể tất cả những chuyện đã xảy ra và lại tiếp tục xảy ra nữa. Chiếc xe tải dừng lại trước cửa quán rượu đúng vào giờ mà chuông nhà thờ điểm sáu tiếng báo đến giờ niệm kinh chiều tối. Ông làm dấu thánh, ngả mũ. Rồi ông nhảy ngay lên thùng xe.

- Hãy vào ca bin với tôi đi, thưa Ông chủ. Ở đó êm hơn. - Người tài xế nói.

- Cám ơn nhiều. Nhưng tôi thích ngồi ở phía sau hơn. Như vậy tôi sẽ nhìn rõ tất cả những bãi chăn thả hơn.

- Trong ca bin thì tiện nghi hơn ạ. Ông chủ đến đây đi.

- Không mà. Rồi có lúc anh sẽ gặp một cô gái tóc đen xinh đẹp trên đường đấy. Ai mà biết
trước được.

- Thế còn con chó, thưa Ông chủ? Nó ở lại đây à?

Đúng rồi, còn con chó? Con vật đã lại xuất hiện đây rồi, đang khua khoắng bốn cẳng cào đất và miệng rên hừ hừ than vãn.

- Hãy đưa nó cho tớ, cậu nhỏ. Tớ đem nó theo.

Đúng thế, ông sẽ đem theo con chó mà vợ ông đã không còn muốn nó hiện diện ở Feira de Santana nữa. Kệ xác bà ấy.

 

Những khuôn mặt già nua cuối cùng cũng ló ra, những cánh tay đưa lên thay cho một lời giã biệt mà có thể sẽ là lần cuối cùng.

- Đi mạnh nhé, mong Chúa luôn chỉ lối đưa đường cho anh.

Các giọng nói cứ chới với, chấp chới, ra đi cùng với ông, tựa như những vệt dài lết bết sau lưng ông.

- Tôi đi đây, thị tộc nhé. Ha, ha, ha!

Ông khua khua cánh tay và đập lòng bàn tay lên đống hàng hóa.

- Đi nào, con ngựa tốt của ta.

Ông bắt đầu hát.

Thế giới mới ơi vĩnh biệt nhé

Vĩnh biệt người yêu dấu của ta

Ta sẽ bán đi lũ bò

Để tới Feira de Santana

 Đáp lại niềm vui của ông là tiếng còi của chiếc xe tải, chuyển bánh chầm chậm. Rồi nó băng qua đoạn đường ngang khu chợ, tiến đến con phố phía dưới và con đường đầy bụi của Serinha. Nhưng giọng của ông già còn khỏe hơn. Tiếng vang vượt khỏi các ngôi nhà, lan đầy khu quảng trường. Sau đó nó tản dần và tắt hẳn trong đám bụi, về hướng mặt trời, lúc này cũng đang tàn dần.

   - Ha, ha, ha! – Ông kêu lên trên con đường nhỏ chật hẹp, trong lúc cố tránh những cành cây cứ ùa đến quất lên thành xe. – Hê, con bò tót
của ta.



1. Serra-goela : Nghĩa là cưa-cổ. Là loài cây gai ở Sertão, lá cây có khía có thể cứa đứt cổ một người cưỡi ngựa.

1. Cây thùa sợi.

1. Người ủng hộ đảng U.D.N, Juracy Magalhães là một trong những người sáng lập.

1. Giống như tắc kè.

1. Theo sự tín ngưỡng dân gian, người tình của các cha xứ, bị biến thành những con la, buổi đêm thường ra khỏi nơi ẩn nấp để quấy quả người sống.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87369


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận