Năm Ấy Gặp Được Anh Chương 1

Chương 1
Buổi bắt đầu

Cái năm tôi quen anh là năm đầu tiên trung học cơ sở.

Tôi của khi đó là một nữ sinh chưa dậy thì, vóc người nhỏ thó ngồi ở phía trên, thành tích bình bình cũng chẳng có gì đáng chú ý.

Anh lại ngồi ở hàng cuối, một phần vì cao hơn các bạn cùng lớp nhưng nhiều hơn là vì chân trái, do di chứng của bệnh bại liệt, nó cong cong mà cứng ngắc, anh phải chống nạng mỗi khi đến lớp. Để anh có thể ra vào dễ dàng hơn và tránh đi cặp mắt tò mò của mọi người, cô giáo mới xếp anh ngồi sau. Tuy tính cách anh rất lạnh lùng, chẳng chơi thân với ai, nhưng mọi người ai cũng biết. Ngoài điểm nhận dạng đặc biệt, còn vì anh luôn là học sinh đứng đầu lớp- Kỷ Thế Phàm. Chỉ có điều mỗi khi phụ huynh học sinh hay giáo viên đứng lớp nhắc đến anh đều mang vẻ mặt xót xa.

Tan học ra khỏi lớp, tôi đi về phía bên phải, anh đi về phía bên trái. Ba năm trung học cơ sở chúng tôi giống như hai đường thẳng song song không bao giờ giao nhau. Trong ấn tượng của tôi, hình như chúng tôi chưa từng nói chuyện.

(2) Bạn học nam và bạn học nữ

Lên trung học phổ thông chúng tôi vẫn là bạn cùng lớp. Anh ở lại trường này vì nhà gần, còn tôi là vì không thi đỗ trường trọng điểm của tỉnh. Sau khi bước vào thời kỳ trưởng thành, cuộc sống của tôi lẳng lặng xuất hiện biến hóa. Bắt đầu có nam sinh kín đáo gửi thư cho tôi, tìm cớ chạm mặt trên đường tan học, mọi người bắt đầu tranh luận giữa tôi và một hoa khôi khác của trường ai đẹp hơn. Thậm chí một hôm, đột nhiên tôi phát hiện mình đã ngồi ở hàng trước mặt anh, tự tôi cũng buồn bực không hiểu mình đã thành ra dáng vẻ này từ khi nào?

Chúng tôi bắt đầu nói chuyện trong phạm vi bài vở. Tôi dốt đặc Vật lý, anh lại cực kỳ có thiên bẩm, chỉ ba câu đã giải thích rõ ràng. Trong khi những đề bài tương tự mà nhờ các nam sinh khác, họ ba hoa nửa ngày cũng không ra vấn đề, cuối cùng tôi vẫn phải trực tiếp đi hỏi anh. Tôi ngửa mặt lên trời thở dài, cùng một thầy dạy mà học sinh chênh lệch nhiều như thế, tôi có thể lí giải vẻ mặt nuối tiếc xót xa của phụ huynh và thầy cô dành cho anh.

Học kỳ hai lớp mười một, nhà tôi chuyển đi nơi khác. Tôi bắt đầu đạp xe đến trường. Lúc đi học hay ra về, tôi rất thường hay nhìn thấy bóng dáng anh. Anh rất cao, chân bên phải khỏe khoắn càng làm nổi chân trái dị dạng, anh chống nạng đi rất chậm nhưng vẫn đứng thẳng vững vàng. Có khi tôi sẽ cất tiếng chào khi đi qua anh, có khi giả vờ như không nhìn thấy. Nhưng tôi chưa từng xuống xe đi cùng anh. Cho tới một ngày.

Như thường lệ tôi đang chuẩn bị về nhà, chợt thấy bánh xe xẹp lép. Chuyện như vậy cũng thường xảy ra, quanh trường cũng có mấy hàng sửa xe. Ra khỏi cổng mới phát hiện ra vấn đề lớn: hôm nay cổng trường vắng ngắt, quang quẻ bất ngờ. Mấy quầy sửa xe đó vậy mà biến mất sạch, vào đúng thời điểm tôi cần đến họ. Tôi bất lực đứng giữa đường, làm gì bây giờ... Đúng lúc ấy tôi nhìn thấy anh. Chẳng có gì vui, bây giờ cái tôi cần là hoàng tử cưỡi xe đạp cơ. Tôi nghĩ anh sẽ theo vỉa hè đi ngang qua hoặc giả vờ không thấy, không ngờ anh chủ động dừng lại: "Xe thủng lốp à?" Tôi không lên tiếng, chỉ chán nản nhìn anh.

"Nhà tôi cách đây không xa, nếu cậu không ngại phiền thì dắt xe đi, tôi có thể sửa giúp cậu."

"Cậu biết sửa xe?" Tôi giật mình nhìn anh chằm chằm.

"Miễn phí. Nhưng nếu cậu ngại thì thôi." Nếu như đây là nói đùa thì mặt anh cũng quá nghiêm túc rồi.

"Sao có thể... Cảm ơn cậu nhé." Tôi vội vàng nở một nụ cười lấy lòng.

Tôi dắt xe đi bên cạnh anh, điều chỉnh bước chân theo tiết tấu của anh. Dọc đường anh không nói lời nào cũng chẳng có biểu cảm gì, tôi nghĩ mãi xem nên nói gì, cuối cùng chỉ nói nhảm: "Nhà mình dọn đi, bằng không nhất định không gặp được cậu, trước đây mình ra cổng trường đều rẽ phải." Anh không tiếp lời, tiếp tục đi đường của anh, tôi trợn mắt đằng sau rồi bước vội hai bước bám theo...

Nhà anh thật đúng là hang sâu ngõ hẻm, rẽ trái rẽ phải rẽ đến choáng váng đầu óc.

"Nhà cậu ở đâu vậy?"

"Nhiều ngõ thế."

"Trời ơi mình bị choáng rồi."

"Còn phải rẽ mấy lần nữa?"

"Thôi rồi, mình sẽ không về được."

"Lát nữa cậu phải đưa mình ra nhé, không mình sẽ lạc đường."

Tôi đang liến thoắng liên mồm, đột nhiên anh dừng lại, làm tôi giật cả mình.

"Đến rồi."

"A", không thể nào, chính là căn nhà mái bằng cũ nát có đến bảy tám bậc thang này?

Khiến tôi giật mình không phải là nó cũ hay nó nát, mà là những bậc thang bên ngoài.

"Cậu đứng đây đợi nhé, tôi sẽ mang dụng cụ xuống sửa cho."

Sự thật chứng minh là tôi lo hão, cách anh đi lên cầu thang tuy không nhanh nhẹn gì nhưng chính xác là thành thạo. Nghĩ lại, nhiều năm sống ở đây rồi, nhắm mắt cũng đi được.

Đang lúc tôi nghĩ trên giời dưới biển, anh đã trở lại, còn mang theo chiếc ghế đẩu nho nhỏ.

Anh không ngẩng đầu lên, vừa lau tay vừa nói: "Xong rồi, bây giờ tôi đưa cậu ra ngoài."

Sau khi rẽ n lần, chúng tôi rốt cục cũng trở ra đường cái, tôi thở ra thật dài.

"Bây giờ cậu biết đường về nhà rồi chứ."

"Ừ." Tôi có chút mất mát nhìn con đường rộng lớn.

"Mai gặp lại." Anh xoay người trở vào trong ngõ nhỏ. Con người này, đúng là không dài dòng lan man.

Tôi nhìn tấm lưng anh, đầu tiên có chút sững sờ, sau lại tức giận. Sao lại không mời tôi vào nhà ngồi một lúc chứ, dù sao chúng tôi cũng là bạn học năm năm rồi cơ đấy.

Từ đó về sau, số lần tôi quay đầu lại trong lớp tăng đột biến, tôi tích cực hỏi chuyện anh, anh chỉ hỏi gì đáp nấy, không hỏi câm tịt, cuối cùng biến thành bạn cùng bàn anh tám chuyện cùng tôi. Anh không hứng thú với hầu hết đề tài của chúng tôi, chúng tôi tám chuyện ca sỹ diễn viên những ca khúc thịnh hành- anh cứ như không nghe thấy, tú lơ khơ cờ tướng cờ vây- anh không có biểu cảm, bóng đá bóng chuyền bóng bàn- thỉnh thoảng nhăn mày. Tôi hỏi anh có biết Lưu Đức Hoa- ngôi sao tôi thích nhất không, anh lắc đầu, tôi rất muốn chết.

"Đồng chí à, thành tích học tập có tốt đến đâu cũng chả có ích gì, phải phát triển mọi mặt đức trí thể!" Tôi thành khẩn khuyên. Anh còn chẳng buồn ngẩng đầu. Tôi nhận thua.

Thời trung học lẫn lộn giữa màu hồng và xám. Màu xám, là vì áp lực khổng lồ, màu hồng, là vì mọi người bắt đầu biết rung động, tràn đầy tò mò với người khác phái. Trong lớp lác đác có người yêu sớm, các bạn học sôi nổi truyền tai, giáo viên bắt đầu lặng lẽ tìm mấy học sinh trao đổi, dĩ nhiên đều chỉ là mưa rơi thoáng qua không còn dấu vết dưới những bài kiểm tra, thi thử, khảo sát chất lượng... Thời giờ trôi như lật sách, nghỉ hè và nghỉ đông như cách gọi khác của thời điểm đi học thêm. Chỉ có một ngoại lệ: Kỷ Thế Phàm từ trước tới nay chưa tham gia bất cứ lớp học thêm nào, điều kỳ lạ là thầy cô hình như cũng không yêu cầu anh phải tham gia. Lại một lần nữa tôi ngửa mặt lên trời, bao giờ tôi mới được đối xử như vậy? Tôi mà không đi học chắc sẽ bị xử chết bởi ánh mắt của bố mẹ. Có lúc tôi cũng tự hỏi không biết thời gian nghỉ anh làm gì?

Lại là trên đường tan học, tôi gọi anh từ đằng sau "Kỷ Thế Phàm". Anh hơi ngạc nhiên nhìn tôi: "Cậu không đạp xe? Xe lại hỏng rồi à?" Anh thế mà chủ động đặt câu hỏi kia đấy, hơn nữa còn tận hai câu, đáng giận hơn tôi thấy rất vui sướng. Tôi có chút bi ai phát hiện, tiếp xúc với anh thời gian dài, tôi có khuynh hướng chịu ngược.

"Mất rồi, mình bắt đầu đi xe buýt." Tôi bật nói dối mà mặt không đỏ tim không nhảy. Thật ra em xe của tôi đang ngoan ngoãn nằm ở nhà, chỉ là sáng nay tôi dậy muộn nên bố lái xe đưa đến trường.

Anh khôi phục lại vẻ mặt xin mọi người cách xa ngàn dặm, tiếp tục bước đi. Tôi từ từ theo sau. Đột nhiên anh dừng lại: "Tôi đi chậm, cậu phải đuổi theo xe buýt, cậu đi trước đi."

"Mình..." Nghẹn chết mất, may đầu óc tôi phản ứng nhanh da mặt cũng dày: “Có mấy bài mình không hiểu lắm, cậu giúp mình được không? Về nhà cậu đi, nhà mình xa quá."

Anh cũng không hề nghĩ ngợi: "Không còn sớm nữa, sáng mai cậu hỏi vẫn kịp mà."

"Mình không làm được sẽ trằn trọc suy nghĩ cả đêm mất." Tôi giãy giụa.

Anh liếc nhìn tôi: "Cậu kém vật lý như thế sao không chọn học ban xã hội mà lại chọn ban tự nhiên?"

Hỏi đúng trọng điểm.

"Đấy là bố mẹ mình chọn, bảo học vật lý tương lai có thể làm nhiều công việc. Hơn nữa họ nói không phải mình không học được mà là thiếu nghiêm túc, có tâm lý sợ khó. Mình không học được thật đấy chứ."

"Mình biết, cậu cũng nghĩ mình rất kém cỏi." Tôi ủ rũ cúi đầu, giả vờ cũng không làm được vẻ mặt này, nói đến vật lý thì tôi đang hăng hái đến đâu cũng lập tức biến thành ủ rũ.

Anh không lên tiếng.

"Còn cậu, thành tích của cậu tốt thế, tương lai cậu muốn làm gì?"

"Chưa nghĩ đến. Tôi chỉ muốn cố gắng sống mà thôi." Tôi không khỏi ngẩng đầu nhìn anh. Dĩ nhiên tôi không hiểu thế nào là cố gắng sống, tôi chỉ biết cố gắng học, phiền não lớn nhất trong đời tôi chính là điểm số, những thứ khác? Không có. Rất nhiều năm về sau, mỗi lần nhớ lại những lời này tôi đều thấy đau lòng, bởi cuối cùng tôi cũng hiểu rõ cuộc sống của anh khó khăn đến thế nào. Cố gắng sống- ba chữ này thấm đầy những cay đắng ngọt bùi.

(3) Nhà Thế Phàm.

Dĩ nhiên, lần đầu tôi đến nhà anh đã có chút khái niệm về ba chữ này. Ngoài đơn sơ, tôi không nghĩ ra bất cứ từ gì khác để hình dung nhà của anh. Hai gian phòng, phòng ngoài là của bà nội anh, một chiếc giường, một chiếc bàn vuông bốn ghế đẩu, trên mặt đất bề bộn những bao bì, keo dính, món đồ điện duy nhất là chiếc tivi đen trắng. Trong phòng anh rất thiếu ánh sáng, âm u ẩm ướt, cũng rất nhỏ, đại khái chỉ bằng nửa phòng tôi, một chiếc giường, một tủ sách, một chiếc ghế dài, nhưng trên giường và trong chiếc hòm dưới giường toàn là sách. Bố mẹ anh khuất núi sớm, để lại anh và bà nội nương tựa lẫn nhau, điều đó chúng tôi đều biết. Nhưng đến bây giờ tôi mới biết rằng bà anh bị đục thủy tinh thể mấy năm nay, mắt không còn tốt tai cũng không tinh, tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do anh lo liệu.

Dĩ nhiên tôi biết tại sao hôm nay anh đột nhiên nổi lòng từ bi, chủ động cho tôi đến nhà, giúp tôi ôn tập bài vở. Mỗi lần phát bài kiểm tra Vật lý là tôi chộp lấy như ăn cướp, không cho bất kỳ ai xem (bao gồm cả bạn cùng bàn). Hôm nay “may mắn” thế nào lại không chộp trúng, bài thi rơi xuống đất, láng giềng xung quanh mắt tinh hẳn là đều thấy được điểm 50 to tướng. Lúc ấy thật muốn chết quách cho xong, quá mất mặt. Ông Trời hẳn là tốt với tôi lắm nên tan học lập tức bồi thường cho tôi, lại vinh hạnh được mời đến nhà anh.

Chắc do lần đầu anh đưa bạn học về nhà, bà nội rất nhiệt tình, cứ đến gần tôi là vừa nhìn vừa sờ, còn khen: "Cô bé con nhà ai đây, chỉ nhìn đã thấy thương."

Tôi rất đắc ý: "Bà ơi, cháu tên là Phương Khả Nghi."

"Tiểu Phàm không kể cho bà nghe chuyện trường lớp, nhưng thằng bé này từ nhỏ đến giờ vẫn không thích nói chuyện."

"Kỷ Thế Phàm nổi tiếng lắm bà ạ, giáo viên trong trường rồi còn nhiều phụ huynh đều biết bạn ấy, bạn ấy là học sinh giỏi mà."

"Ai, nó lúc nào cũng hiểu chuyện, không cho bà bận tâm bất cứ việc gì. Mấy năm nay thân thể bà cũng kém rồi, chẳng giúp được việc gì còn thêm gánh nặng cho nó."

"Bà nuôi bạn ấy lớn, bạn ấy chăm sóc cho bà không phải là đương nhiên sao ạ, nếu không chẳng phải vong ơn phụ nghĩa, hí hí."

Anh trừng tôi một cái: "Còn không nhanh làm lại bài thi của cậu, lề mề quá."

Tôi gục xuống bàn, vừa gặm bút vừa nhìn lén anh tất bật. Quả thật anh bề bộn nhiều việc, vừa về nhà phải thu dọn đồ đạc, có lẽ sợ tôi thấy bừa bộn quá, sau đó ngồi xuống giảng bài cho tôi, trong khi tôi khổ não suy tư lại vội vàng tận dụng thời gian đun nước, vo gạo nấu cơm, giặt giũ rửa rau, ra ra vào vào giống như một chiếc máy được lập trình tự động.

Tôi nhìn anh, nhìn căn phòng này, đột nhiên thấy chua xót trong lòng.

Anh gõ xuống bàn: "Cậu đang nghĩ bài tập hay đang ngẩn người?"

"Mình... cả hai."

"Cậu biết vấn đề của cậu là ở đâu không? Cứ cầm đề vật lý lên là cậu lại có vẻ mặt như thế. Cậu đừng nghĩ là khó, tôi không biết làm, tôi không thể học môn này, cái này gọi là ám thị tâm lý, cậu có biết không. Nếu cậu cứ nghĩ như thế thì vĩnh viễn cũng không học được môn này đâu."

Giọng điệu này thật là giống bố tôi, tôi cười: "Có cậu dạy, bây giờ mình rất có lòng tin, thật đấy. Nhưng cậu đừng mặc kệ mình nhé, nếu mình không đỗ đại học, bố mẹ sẽ giết mình. Cậu cố gắng một chút, có khi mình lại đỗ vào cùng trường đại học với cậu thì sao, ờ, thế bọn mình lại là bạn học, kỳ diệu chưa, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học " tôi xòe ngón tay đếm: “kỳ diệu chưa."

Anh không hơi đâu trả lời, cũng không để ý nước bọt của tôi đang bắn tung tóe, ngồi xuống bắt đầu giảng bài.

Tối đó tôi ăn cơm ở nhà anh. Bà nội vừa mời là tôi nhận lời ngay. Dĩ nhiên không phải lần đầu tôi đến nhà bạn ăn cơm, nhưng thường tôi cũng phải khách sáo từ chối đôi câu. Nhưng trước mặt anh tôi không dám thế, tôi sợ khách sáo một tí, anh lại coi là thật tiễn khách luôn, tôi không định mạo hiểm, mặt dày thì mặt dày vậy.

Anh làm ba món, rau xào, cần tây và một bát trứng gà chưng. Từ bé tôi đã không thích ăn trứng, nhưng cũng có thể anh hiểu lầm là tôi ngại nên chủ động lấy thìa xúc cho tôi, tôi ngoan ngoãn nhận lấy không dám nói không ăn. Cuối cùng phần lớn trứng gà đều cho tôi và bà nội, anh chỉ ăn chút xíu. Xem ra bát trứng này là cố ý thêm món ăn, giữa cái thời mọi người đều ăn thịt đến phát ngấy, anh và bà nội lại tiết kiệm khổ sở như thế, trong khoảng thời gian ngắn lòng tôi thật là ngũ vị tạp trần, bội phục, cảm động, xót xa, đồng cảm, đau lòng?....

Cơm nước xong tôi khăng khăng đòi rửa bát, anh không đồng ý, nói sợ tôi đập vỡ hết bát nhà anh, đuổi tôi khỏi bếp. Trước mặt anh tôi luôn cảm thấy mình rất thất bại, thấy mình thật ngu xuẩn, chẳng biết làm gì, việc gì cũng không giúp được, chỉ biết há mồm ăn cơm, đúng là sâu gạo. Buổi tối khi chúng tôi ra khỏi con ngõ nhỏ, tôi nghiêm túc ngẩng đầu nhìn anh "Kỷ Thế Phàm, có một chuyện nhất định mình phải nói cho cậu biết."

"Hả?"

"Cậu nấu ăn ngon lắm, ngon hơn cả mẹ mình nấu, thật đấy."

Anh cười, rất dịu dàng, đứng ở đầu ngõ, làn gió đêm ấm áp lay động tà váy của tôi, tôi chợt cảm thấy giờ khắc này tốt đẹp biết bao, dù chỉ cứ vậy mà đứng ở đây, cảm giác thoải mái không nói nên lời.

Đêm đó tôi nằm trên giường, khoảng thời gian tốt đẹp ấy cứ trở đi trở lại trong đầu....

Từ đó về sau, chúng tôi thường "tình cờ gặp" trên đường, tôi lại tán nhảm về mấy người và chuyện thú vị trong lớp, anh chỉ lặng lẽ nghe không phản ứng gì nhiều. Dẫu vậy tôi đã thấy rất thỏa mãn, tôi rất sợ anh dừng lại nói với tôi: "Cậu đi trước đi", đó mới là thảm nhất. Đương nhiên cũng có lúc sẽ chạm mặt mấy bạn học nam nhiệt tình: "Phương Khả Nghi, thuận đường cậu có muốn mình chở cậu về không?" "Không cần, trạm xe buýt trước mặt kia rồi, đèo nhau nguy hiểm lắm." Tôi rất lo anh sẽ bảo tôi đi, cũng may anh không nói gì. Các bạn học cũng thấy lạ bởi trước nay anh không phải là người dễ gần, nhưng tôi càng ngày càng thích nói chuyện với anh, tan học cũng thấy chúng tôi đi cùng nhau. Nhưng không có bất kỳ lời đồn đại nào về chúng tôi, có lẽ mọi người đều cho rằng tôi tìm anh vì bài vở, thái độ của anh đối với tôi cũng không có gì thay đổi, gặp nhau trên đường cũng là chuyện bình thường, mấu chốt là không ai biết- việc tôi đến nhà anh học.

Chỉ có tôi tự biết càng lúc mình càng muốn thân thiết với anh, cũng không hiểu tại sao, chẳng lẽ chỉ bởi anh khác biệt như thế? Tôi khẩn khoản xin đến nhà anh học hai buổi, anh chỉ đồng ý một, mỗi thứ sáu, vì hôm đó tan học tương đối sớm. Tôi thật hết cách với anh, những người khác đều chiều ý tôi, chỉ có anh là ngược lại. Thôi một buổi thì một buổi vậy.

Những lần sau đến nhà anh, từ câu chuyện cà kê của bà nội, tôi cũng hiểu được đại khái cuộc sống của anh. Thu nhập chủ yếu của anh và bà nội là: tiền cho thuê phòng + tiền trợ cấp cha mẹ mất + làm công lặt vặt. Căn phòng cách vách cho hai anh em lên thành phố làm công: A Cường và A Lan. Vào sáng sớm A Lan mở hàng bán đồ ăn sáng với Thế Phàm, ban ngày cô bán nước hoa quả ở chợ, về nhà có thể mua hộ đồ ăn cho Thế Phàm, buổi tối lại cùng Thế Phàm chuẩn bị cho ngày hôm sau, Thế Phàm giúp cô ghi chép sổ sách. A Cường làm ca ba ở một xưởng nhỏ, cũng nhận công việc đóng gói về cho Thế Phàm và bà nội. Thế Phàm đặc biệt hứng thú với điện tử, còn hay giúp người ta sửa đài tivi gì đó. Nếu mắt bà nội còn tốt sẽ thấy tôi thường giật mình đến mức rơi cằm, một ngày anh ngủ bao nhiêu tiếng chứ? Không phải anh nên học bài ư? Thời gian của anh quý giá như vậy, vẫn dành một buổi ôn tập cho tôi?

Tôi đứng ngồi không yên, vì thế lượn vòng qua núi lượn quanh qua ruộng một lúc mới lắp bắp hỏi có phải tôi nên trả một chút học phí và tiền cơm. Anh từ chối phắt, mặt lạnh như băng. Không dám tiếp tục nhiều lời, nhưng tôi lại muốn làm chút gì đỡ cho anh, nhặt rau nấu cơm chẳng hạn, nhưng đến phòng bếp anh còn không cho tôi vào (nói thật vào tôi cũng không biết mình có thể làm gì). Nhiều nhất tôi chỉ có thể giúp bà nội tìm vài món đồ và trò chuyện với bà mà thôi.

Nguồn: truyen8.mobi/t125129-nam-ay-gap-duoc-anh-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận