Một người đàn ông béo tròn ra mở cửa ngay sau tiếng chuông đầu tiên.
- Ông là Olivier Fourmis?
- Tôi đây, có chuyện gì vậy?
Méliès chìa ra tấm thẻ có ba sọc màu khác nhau.
- Cảnh sát đây. Đội trưởng Méliès. Tôi có thể vào hỏi ông vài câu được không?
Người đàn ông làm giáo viên tiểu học này là người mang họ “Fourmis” cuối cùng trong danh bạ điện thoại.
Méliès cho ông ta xem ảnh các nạn nhân và hỏi ông ta có nhận ra họ không.
- Không, người đàn ông ngạc nhiên đáp.
Viên đội trưởng hỏi ông ta làm gì vào thời điểm diễn ra các vụ án mạng. Ông Olivier Fourmis có đầy đủ nhân chứng cũng như bằng chứng ngoại phạm. Lúc nào ông chẳng ở trường, không thì cũng ở nhà cùng cả gia đình. Chẳng có gì dễ chứng minh hơn.
Bà Hélène Fourmis xuất hiện, trên người choàng chiếc áo choàng tắm in hình những con bướm. Thế là trong đầu viên điều tra nảy ra ý tưởng:
- Ông có dùng thuốc diệt côn trùng không thưa ông Fourmis?
- Dĩ nhiên là không rồi. Hồi còn nhỏ, tôi thường bị những kẻ ngu ngốc đối xử như “con kiến bẩn thỉu”. Dần dần, tôi cảm thấy mình trở nên gắn bó với loài côn trùng thường bị người ta thẳng chân giẫm nát ấy. Do đó, trong nhà này không có thuốc diệt côn trùng cũng như trong nhà một ông Pendu(1)_ nào đấy không có dây thừng vậy, nếu anh hiểu ý tôi.
Đúng lúc ấy, Ophélie Fourmis xuất hiện và nép mình vào người bố. Cô bé đeo cặp kính dày cộm ra dáng một học sinh chuyên đứng đầu lớp.
- Đây là con gái tôi, vị giáo viên tiểu học nói. Nó đã phản ứng bằng cách nuôi một tổ kiến trong phòng ngủ. Cho chú xem đi con yêu.
Ophélie dẫn Méliès đến chỗ một cái bể cá lớn, nom giống cái bể cá của Laetitia Wells. Trong đó có đầy côn trùng và phía trên là một cái nóc hình nón đan từ các cành cây nhỏ.
- Chú cứ tưởng bán tổ kiến là việc bị cấm, viên đội trưởng nói.
Cô bé phản đối:
- Nhưng cháu có mua nó đâu. Cháu tìm nó ở trong rừng đấy chứ. Chỉ cần đào sâu là đủ để kiến chúa không chạy mất.
Ông Olivier Fourmis rất tự hào về cô nhóc của mình.
- Con bé muốn khi lớn hơn sẽ trở thành nhà sinh học.
- Thứ lỗi cho tôi, tôi chưa có con nên không biết rằng kiến hiện đang là “trò chơi” hợp mốt.
- Đây không phải trò chơi. Kiến trở nên hợp mốt bởi xã hội chúng ta ngày càng sống giống chúng. Và có lẽ, khi nhìn ngắm chúng, một đứa trẻ sẽ cảm thấy dễ hiểu thế giới của riêng mình hơn. Thế thôi. Ông đã từng chăm chú quan sát một cái bể cá đựng đầy kiến suốt nhiều phút bao giờ chưa thưa ông cảnh sát?
- À chưa. Nhìn chung tôi không để ý đến sự hiện diện của chúng...
Jacques Méliès thầm nhủ không biết liệu có phải chính ông ta đã thu hút toàn bộ những kẻ điên mê cuồng kiến hay chính những kẻ này đang thực sự hợp thành một xã hội ngày càng phát triển.
- Chú ấy là ai ạ? Ophélie Fourmis hỏi.
- Đội trưởng cảnh sát.
- Đội trưởng cảnh sát là gì ạ?
112. TRẬN ĐÁNH CỦA ĐÁM MÂY NHỎ
Đám mây tầng tích chậm rãi bắn ra từng nhúm một.
Thoạt tiên, lũ ong thuộc Đô thị vàng không phân biệt được cái thứ bắn ra từ một lỗ thủng của đám mây xám ấy, mà dường như với chúng đó là những con ruồi khổng lồ ồn ã.
Rồi ngay sau đó, lũ ong Askoleên hiểu ra.
Đó không phải là những con ruồi khổng lồ! Không, không phải...
Đó là đám bọ cánh cứng. Không phải loại bọ cánh cứng bất kỳ nào như bọ da hay bọ hung mà là bọ tê giác.
Theo cách nhìn của Dante, đó là những con vật khổng lồ ồn ã có sừng phủ đầy các khẩu pháo nhỏ sống động, luôn sẵn sàng nhả đạn.
Làm thế nào bọn kiến thuần hóa được những con vật khổng lồ này và thuyết phục được chúng đánh nhau với loài ong nhỉ? bầy ong tự hỏi.
Chúng chưa kịp tự hỏi thêm thì trong thoáng chốc, khoảng hai mươi con bọ tê giác đã phủ bóng lên chúng. Rồi lũ bọ tê giác lao vào chúng để lũ kiến pháo binh đỏ hung bắn.
Đội hình chữ V của bầy ong giờ đang biến thành đội hình chữ W và thậm chí là thành đội hình XYZ. Bầy ong bỏ chạy tán loạn.
Chúng hoàn toàn bị bất ngờ. Mỗi con bọ tê giác chở bốn hoặc năm con kiến pháo binh. Lũ kiến pháo binh này dìm bầy ong dưới hàng loạt đạn axit formic xối xả.
Bầy ong sững lại rồi tiếp tục chiến đấu. Chúng rút ngòi ra.
Đội hình hàng chấm tập hợp! một con ong Askoleên ra lệnh. Tấn công lũ bọ tê giác!
Hàng bọ tê giác bay thứ hai không hiệu quả bằng hàng thứ nhất. Bầy ong né bằng cách luồn xuống bụng chúng, rồi lại bay lên tìm cổ họng chúng và dùng ngòi đâm hết sức vào đó. Giờ đến lượt lũ bọ tê giác và lũ kiến vụng về cưỡi chúng bị hạ, ngã bổ nhào xuống.
Một mệnh lệnh được phát đi:
Tấn công! Tiến lên!
Một trận mưa ngòi ong trút xuống.
Loài ong được trời phú cho một cái ngòi hình lao móc. Nếu cái ngòi đó còn cắm trong thịt nạn nhân, con ong sẽ trút hết tuyến nọc độc của nó và tìm cách thoát ra rồi chết. Lớp vỏ ngoài ở loài kiến không giữ cái ngòi lại, trái ngược với lớp vỏ ngoài ở loài bọ hung.
Những phút tiếp theo, nhiều con bọ tê giác bị rơi nhưng chúng vẫn bám chặt đội hình bay hình thoi và kiên quyết đương đầu với đội quân hình chữ V của những con ong sát thủ cuối cùng.
Các khối hình học do đàn kiến lính tạo nên tan ra. Đoàn quân hình thoi Myrmécéen biến thành nhiều hình thoi nhỏ hơn và dày đặc hơn. Đội hình tam giác của bầy ong mở ra thành hình vành khăn.
Trận chiến diễn ra theo phương thẳng đứng, trên khoảng một trăm tầng chiến trường chồng đống lên nhau. Trông hệt như ván cờ được chơi trên một trăm bàn cờ xếp song song.
Càng lại gần, cảnh tượng càng ly kỳ. Đại hạm đội Bel-o-kan sáng lấp lánh. Bầy ong lợi dụng các dòng khí nóng để bay lên và lao đến tiếp cận đám bọ hung bình thản. Nom chúng giống như một đội tàu nhỏ tấn công những con tàu lớn.
Hàng tràng axit formic nồng độ 60% sôi lên sùng sục như những dàn pháo chất lỏng. Những chiếc cánh bị cháy bốc khói. Như những mũi tên nhỏ, lũ ong trúng đạn gắng tận dụng đà bay để đâm vào lớp vỏ của đám bọ hung.
Khi các ngòi ong sáp lại gần, đoàn kiến pháo binh vốn chưa nhắm được chúng bèn dùng càng ở hàm dưới bẻ gãy ngòi chúng.
Đây là một hành động mạo hiểm. Bởi thường thì ngòi ong sẽ trôi đi và cắm vào miệng. Con kiến có thể chết gần như ngay lập tức.
Hương mật ong cháy bay phảng phất.
Bầy ong không còn nọc nữa. Xơ ranh của chúng không thể truyền đi chất độc chết người. Đám kiến pháo binh cũng chẳng còn axit. Các họng phun chất lỏng của chúng đã trở nên vô dụng. Và cuộc chiến chuyển sang giai đoạn đối đầu giữa các hàm dưới trần trụi và các ngòi khô cứng. Kẻ nhanh nhạy nhất sẽ giành phần thắng!
Thi thoảng đám bọ tê giác đâm xuyên được vài con ong bằng sừng trước trán. Một con bọ tê giác đặc biệt khéo léo đã áp dụng kỹ thuật sau: nó dùng má dồn lũ ong rồi dùng sừng đâm xuyên táo. Bốn con ong chiến binh bất hạnh bị xiên trên cái đầu nhọn này nom hệt như một xiên quả màu vàng sọc đen.
103 phát hiện ra một con ong đang đấu kiếm với con số 9. Nó bèn dùng hàm dưới bên phải đâm vào lưng con ong. Ở côn trùng, không có chuyện cú đánh kiểu này kiểu kia bị cấm đoán. Mọi thứ đều được phép khi chúng còn sống.
Rồi con số 9, vốn chỉ còn lại một mình trên con bọ tê giác, đâm sầm vào đám ong lộn xộn đang sắp xếp đội hình chiến đấu. Tức thì đám ong ấy chĩa hết ngòi về phía nó. Những cái ngòi chìa ra phía trước khiến vài con kiến lùi bước, nhưng con số 9 cưỡi trên lưng con bọ tê giác của mình lao nhanh tới nỗi không gì cản nổi bước nó. Sừng con bọ tê giác va mạnh vào hàng ngũ những ngòi ong. Đám ong lộn xộn trở nên tan tác.
103 đứng trên hai chân sau dùng hàm dưới đấu kiếm với ngòi của hai con ong hiếu chiến. Nhưng con bọ tê giác nó cưỡi bị mất độ cao. Xung quanh sừng trán của con bọ tê giác có những chiếc móc màu đen dựng thành hình cái lao nên càng lúc nó càng khó giữ thăng bằng.
Con vật đang kiệt sức. Nó tiếp tục mất độ cao. Khắp cơ thể nó chảy máu. Giờ nó ở sát rạt đám cây thu hải đường.
103 tiếp đất trong tình trạng thảm hại.
Bầy ong vẫn ở phía trên nó, nhưng một đội quân kiến pháo-bộ binh đã nhanh chóng đến giải tán chúng.
Giờ 103 có việc khác hết sức quan trọng phải làm.
Phía trên đám chiến binh hỗn độn, bầy ong đang biểu diễn vũ điệu hình số tám để thông báo tình hình chiến trận.
Chúng tôi cần quân tiếp viện.
Thế là quân tiếp viện cất cánh rời tổ.
Các phi đội mới gồm toàn ong non (phần lớn là hai mươi hoặc ba mươi ngày tuổi) nhưng hết sức táo bạo.
Sau một tiếng đồng hồ, quân đội Bel-o-kan mất mười hai trên ba mươi bọ tê giác và một trăm hai mươi trên ba trăm kiến pháo binh tham gia trận đánh.
Bên phía Askoleên, trong số bảy trăm con ong vội vã lao vào đám mây nhỏ, bốn trăm chiến binh đã thiệt mạng. Những con ong sống sót rơi vào tình trạng hoang mang. Nên đánh đến cùng hay quay về bảo vệ tổ? Chúng chọn giải pháp thứ hai.
Khi bay đến Tổ ong vàng, đàn bọ tê giác cùng kiến pháo binh Bel-o-kan cảm thấy nơi đó vắng vẻ một cách kỳ lạ. Con số 9 dẫn đầu. Đám kiến đỏ hung đánh hơi thấy có bẫy nên chúng ngập ngừng trước ngưỡng cửa.
113. BÁCH KHOA TOÀN THƯ
TÌNH ĐOÀN KẾT: Tình đoàn kết thường nảy sinh từ nỗi
đau chứ không phải từ niềm vui. Người ta cảm thấy gần gụi với người đã chia sẻ cùng mình một thời điểm khắc nghiệt hơn là với người đã chia sẻ cùng mình một sự kiện sung sướng.
Bất hạnh là nguồn gốc của tình đoàn kết và sự hòa hợp, trong khi hạnh phúc thường gây chia rẽ. Vì sao ư? Vì trong một chiến thắng tập thể, ai cũng cảm thấy mình bị thiệt so với công trạng mình bỏ ra. Ai cũng tưởng mình là tác giả duy nhất của thành công chung.
Bao nhiêu gia đình bị chia rẽ khi thời khắc thừa kế đến?
Bao nhiêu băng nhạc rock and roll còn gắn bó với nhau... tới tận lúc thành công? Bao nhiêu phong trào chính trị tan vỡ khi quyền lực được thiết lập?
Hơn nữa, theo nguyên từ, từ “cảm thông” xuất phát từ sun pathein, nghĩa là “đồng cam cộng khổ”. Tương tự, từ “lòng trắc ẩn” bắt nguồn từ tiếng La tinh cum patior, vốn cũng có nghĩa là “đồng cam cộng khổ”.
Chính khi nghĩ đến nỗi thống khổ mà những người tử vì đạo của dân tộc mình phải trải qua mà trong thoáng chốc người ta có thể dứt bỏ cái tôi khó chịu.
Chính khi nhớ về một nỗi đau dai dẳng từng cùng nếm trải mà người ta càng trở nên gắn kết và mạnh mẽ.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.
114. TRONG TỔ ONG
Con số 9 bước xuống khỏi con bọ tê giác và dùng râu đánh hơi. Những con kiến khác cũng hạ cánh quanh nó. Tập trung nhanh chóng.
Đội hình đặc công bộ binh nguy hiểm.
Tạo thành đội quân hình vuông kín đặc, chúng tiến vào tổ địch. Bên trong, đám bọ tê giác bay không còn hữu dụng nữa. Lũ kiến quẳng cho đám bọ ít vỏ cây để chúng vừa gặm vừa kiên nhẫn đợi ngoài ngưỡng cửa.
Quân Bel-o-kan có cảm giác đang xâm phạm một thánh đường. Chưa con vật nào không phải là ong từng đặt chân đến chốn này. Tường thành bằng sáp như muốn dính chặt lấy lũ kiến. Chúng cẩn trọng dấn bước.
Các vách ngăn với những hình thù hoàn hảo ánh lên vàng rực. Mật ong lấp lánh dưới vài tia nắng lọt được vào trong. Các mảng sáp được hàn bằng keo ong, thứ keo đo đỏ mà loài ong thường lấy từ vảy mầm cây dẻ và cây liễu.
Không được động đến bất cứ thứ gì! con số 9 phát lệnh.
Nhưng quá muộn rồi. Lũ kiến bị mật ong thu hút và muốn nếm thử đã sa lầy ngay tức khắc. Không thể kéo được chúng ra mà không lún sâu vào đống cát bầy nhầy đó.
Đám kiến pháo binh vốn còn dự trữ chút ít axit bước lùi lại để có thể bắn nhanh vào tất cả những gì bỗng thình lình xuất hiện.
Không khí dậy lên mùi đường và mùi mai phục.
Không được động đến bất cứ thứ gì!
Chúng đánh hơi thấy sự hiện diện của đám ong thợ và ong lính Askoleên ẩn mình trong các tầng sáp và sẵn sàng nhảy bổ vào chúng ngay khi mệnh lệnh được đưa ra.
Những con kiến thập tự chinh đi đến một ô cửa tám cạnh, nom giống như tâm của một lò phản ứng hạt nhân. Có điều các thanh chắn uranium được thay bằng những công dân tương lai của Tổ ong vàng. Ở đó có tám trăm lỗ chứa đầy trứng, một nghìn hai trăm lỗ chứa đầy ấu trùng, hai nghìn năm trăm lỗ chứa đầy nhộng trắng. Khu vực trung tâm gồm có sáu lỗ lớn hơn cả. Đây là nơi ấu trùng ong công chúa hữu tính trưởng thành.
Kiến trúc tổ ong khiến lũ kiến choáng ngợp. Kiến trúc ấy chứng tỏ một nền văn minh đã đạt đến độ hoàn thiện. Ở các đô thị kiến, chẳng có gì đáng để học hỏi với những hành lang lộn xộn, xây được chăng hay chớ theo quy luật bỏ càng ít công càng tốt. Phải chăng loài kiến kém thông minh và tinh tế hơn loài ong? Người ta có thể nghĩ như vậy, nhất là khi xét đến kích cỡ bộ não ong, vốn lớn hơn nhiều so với não kiến. Tuy nhiên, các nghiên cứu sinh học do kiến chúa Chli-pou-ni tiến hành lại cho thấy trí thông minh không chỉ phụ thuộc vào kích cỡ não bộ. Ở loài kiến, các phần có cuống trên cơ thể, vốn chỉ tồn tại trong hệ thống não bộ phức tạp của côn trùng, lại lớn hơn rất nhiều.
Đoàn quân Bel-o-kan tiếp tục bước đi và phát hiện ra một kho báu: một phòng chứa đầy thực phẩm. Ở đó có mười cân mật ong, nặng gấp hai mươi lần trọng lượng của toàn bộ cư dân trong tổ. Đám kiến đỏ hung tranh luận, râu chúng khoắng tít cả lên.
Rõ ràng đây là một cuộc phiêu lưu quá mạo hiểm. Chúng quay lại và tiến ra cửa.
Tấn công lũ nhát gan! Đánh tan bọn đột nhập kia chừng nào chúng vẫn còn bị vây giữa các bức tường của chúng ta, một con ong phát lệnh.
Thế là từ khắp nơi, từ khắp các lỗ tám cạnh, những con ong chiến binh Askoleên lao ra.
Lũ kiến chìm trong những cú chích tẩm độc. Thậm chí bầy ong còn chẳng có vinh dự giao tranh với những con kiến bị sa lầy.
Tuy nhiên con số 9 và các thành viên cốt cán trong đội biệt kích lại thoát được khỏi tổ ong. Chúng nhảy lên lưng lũ bọ tê giác và bay đi trong khi một đàn ong Askoleên vừa đuổi theo chúng vừa tỏa ra những mùi chiến thắng.
Thế nhưng, lúc Đô thị vàng đã sẵn sàng ăn mừng thành công, một tiếng gãy thê lương vang lên. Trần Đô thị vàng sụp xuống và kiến, hàng trăm con kiến bất ngờ xuất hiện trong tổ ong.
103 đã xây dựng một chiến lược hoàn hảo. Trong khi bầy ong mải đuổi theo đại hạm đội Myrmécéen, 103 trèo lên một cái cây và tung ra hàng nghìn con kiến Bel-o-kan nhằm tấn công Đô thị vàng không còn ong lính bảo vệ.
Chú ý không được làm hỏng mọi thứ. Chỉ được gây thiệt hại ở mức tối thiểu. Tốt nhất là bắt các ấu trùng làm con tin! 103 vừa ra lệnh vừa nhắm bắn đội cận vệ của ong chúa Zaha-haer-scha.
Trong vòng vài giây, các ấu trùng hữu tính thảy đều bị lũ kiến chiến binh còng cổ. Đô thị vàng đầu hàng. Tổ Askoleên buông vũ khí, chịu thất bại.
Ong chúa đã hiểu mọi chuyện. Cuộc đột nhập của đội biệt kích chẳng qua chỉ là chiêu đánh lạc hướng. Trong lúc ấy, lũ kiến không cưỡi bọ tê giác đâm thủng mái tổ ong, mở ra mặt trận thứ hai còn nguy hiểm hơn cả mặt trận thứ nhất.
Trận đánh của “Đám Mây Nhỏ Màu Xám” đã giành phần thắng như vậy đấy, nó đánh dấu sự kiện loài kiến chinh phục thành công không gian thứ ba trong vùng.
Giờ các ngươi muốn gì? ong chúa hỏi. Giết tất cả chúng ta ư?
Con số 9 trả lời rằng kiến đỏ hung không bao giờ nhắm đến mục đích như thế. Kẻ thù duy nhất của chúng là các Ngón Tay. Chỉ các Ngón Tay mới là mục đích của cuộc thập tự chinh. Kiến Bel-o-kan chẳng có gì để chống lại loài ong cả. Đơn giản là chúng cần nọc ong để giết chết các Ngón Tay.
Hẳn các Ngón Tay phải quan trọng lắm mới khiến các ngươi bỏ nhiều công sức như vậy, Zaha-haer-scha phát đi lời khẳng định.
103 cũng yêu cầu được cung cấp thêm một đội quân ong phụ sức. Ong chúa đồng thuận. Ong chúa đề xuất một phi đội tinh nhuệ chuyên bảo vệ các Bông Hoa. Ngay lập tức, ba trăm con ong vo ve cánh. 103 nhận ra chúng. Đó là những con ong lính Askoleên từng gây nhiều thiệt hại nhất cho quân Bel-o-kan.
Đội quân thập tự chinh còn yêu cầu Tổ ong vàng cho chúng ngủ qua đêm và cấp mật ong dự trữ cho chúng ăn trên đường.
Ong chúa Askoleên hỏi:
Tại sao các ngươi lại ra sức tấn công các Ngón Tay như vậy?
Con số 9 giải thích rằng các Ngón Tay sử dụng lửa. Do đó chúng là mối nguy hiểm đối với muôn loài. Xưa kia côn trùng từng có thỏa ước: đoàn kết chống lại những kẻ sử dụng lửa. Đã đến lúc áp dụng thỏa ước này.
Nói đến đó, con số 9 nhận thấy con số 23 bay ra từ một lỗ tổ ong.
Cô làm gì ở đây vậy? con số 9 vừa hỏi vừa giương râu lên.
Tôi vừa làm một vòng thăm quan tổ, con 23 lơ đãng trả lời. Hai con kiến này vốn không ưa gì nhau lắm nên chuyện đó chỉ khiến tình hình tồi tệ đi.
103 phải tách chúng ra và hỏi con 24 đâu.
Con 24 bị lạc trong tổ ong lúc diễn ra cuộc tấn công cuối cùng. Nó đã xông trận, nó chạy đuổi theo một con ong và... và giờ nó cũng không biết mình đang ở đâu nữa. Những tầng sáp nối tiếp nhau khiến nó cảm thấy hết sức bất ổn. Nhưng không vì thế mà nó buông cái vỏ kén bướm. Nó đi qua một dãy lỗ tổ ong và hy vọng gặp được các thành viên còn lại trong đội quân thập tự chinh trước sáng ngày hôm sau.
115. TRONG GA ĐIỆN NGẦM NÓNG ẨM
Jacques Méliès cảm thấy ngột ngạt trên toa tàu chật ních. Lúc tàu rẽ, anh bị xô chúi vào bụng một người phụ nữ. Một giọng khàn khàn quở trách anh:
- Anh không thể chú ý một chút sao?
Thoạt tiên anh nhận ra giai điệu của ngôn từ. Rồi ngay sau đó, thoát khỏi mọi thứ mùi hôi hám, anh giải mã được bức thông điệp êm dịu tỏa hương. Cam becgamot, hương bài, quýt, galoxit, gỗ đàn hương, thêm chút xạ dê rừng vùng núi Pyrénées nữa. Mùi hương ấy như muốn nói:
Tôi là Laetitia Wells.
Và đó chính là cô ấy, đôi mắt màu tím hoa cà đang hướng về phía anh bằng những tia nhìn hoang dại.
Quả thực, cô đang nhìn anh chằm chằm, vẻ hết sức hung dữ. Các cánh cửa mở ra. Hai mươi chín con người bước xuống, ba mươi lăm con người bước lên. Còn chật chội hơn cả lúc trước nữa, ai cũng cảm nhận được hơi thở của những người xung quanh.
Càng lúc cô càng nhìn anh dữ dội hơn, hệt như một con rắn hổ mang bành sẵn sàng ăn tươi nuốt sống một con chồn đèn, còn anh ngất ngây tới độ không nhìn đi đâu khác được.
Cô ấy vô tội. Anh đã hành động quá mau lẹ. Trước đây họ còn cùng trao đổi ý kiến. Thậm chí họ còn cảm thông với nhau. Cô pha cả hydromen cho anh. Anh thổ lộ với cô nỗi sợ loài sói, còn cô thổ lộ với anh nỗi sợ loài người. Anh tiếc những khoảnh khắc thân mật đó quá, những khoảnh khắc đã đi tong hết cả chỉ bởi sai lầm của anh. Anh sẽ phân trần. Cô hẳn sẽ tha thứ cho anh.
- Cô Wells, tôi muốn nói với cô rằng tôi...
Cô lợi dụng lúc tàu dừng lại để lách đi giữa đám đông rồi biến mất.
Cô bước đi căng thẳng trong các hành lang ga điện ngầm. Cô gần như bỏ chạy để ra khỏi cái nơi bẩn thỉu này càng nhanh càng tốt. Cô cảm thấy những ánh mắt tục tĩu đang vây dồn mình. Và để kết thúc, giờ lại có thêm đội trưởng Méliès đi cùng tuyến với cô nữa chứ!
Hành lang tối thui. Đường hầm ẩm ướt. Cái mê cung này được mấy ngọn đèn nê ông nhợt nhạt chiếu sáng.
- Này búp bê! Đi dạo không?
Ba cái bóng đầy vẻ đầu trộm đuôi cướp bước tới. Ba gã du thủ du thực mặc áo bu dông bằng vinil, trong đó có một gã cách đây vài ngày đã bắt chuyện với cô. Cô rảo bước, nhưng những gã kia theo kịp, nền đất vang lên tiếng bốt đế sắt của chúng.
- Một mình thôi hả cô em? Không muốn tâm sự chút xíu sao?
Cô dừng khựng lại, mắt cô ánh lên từ “tránh ra”. Lần trước cách này có hiệu quả. Nhưng hôm nay nó chẳng tác dụng gì tới những kẻ đần độn này.
- Đôi mắt xinh đẹp kia là của chúng mày à? một tên cao lớn râu ria xồm xoàm hỏi.
- Không, đấy là mắt cho thuê, một trong số hai tên còn lại trả lời.
Những tràng cười thô bỉ. Những tiếng đấm lưng thùm thụp. Tên râu ria rút ra một con dao găm.
Đột nhiên cô mất hết tự tin và vì cô lại rơi vào vị thế nạn nhân, ba gã kia bèn chộp ngay lấy vị thế những tên kẻ cướp. Cô muốn chạy trốn nhưng ba gã du thủ du thực cùng chắn hết lối đi. Một trong ba gã kéo tay cô rồi bẻ quặt ra sau lưng.
Cô rên rỉ.
Hành lang được chiếu sáng, và không hề vắng vẻ. Nhưng những người nhìn thấy ba gã này đều rảo bước, cúi đầu và vờ như không hiểu gì. Dễ bị đâm lắm chứ...
Laetitia hoảng sợ. Không vũ khí quen thuộc nào của cô phát huy tác dụng trước lũ người bỉ ổi này. Tên râu ria xồm xoàm, tên hói đầu, tên đô con, hẳn cả ba đều phải có một người mẹ vừa mỉm cười vừa đan cho chúng những đồ sơ sinh màu xanh lơ chứ.
Những đôi mắt kẻ cướp lóe lên còn mọi người tiếp tục diễu qua xung quanh, bước nhanh hơn khi đi qua nhóm bốn người này.
- Các người muốn gì, tiền ư? Laetitia ấp úng.
- Tiền của mày bọn tao sẽ lấy sau. Giờ bọn tao chỉ quan tâm đến mày thôi, tên hói đầu nhếch mép cười.
Tên râu ria xồm xoàm đã cởi từng cái cúc trên áo vest của cô, bằng mũi dao găm nhọn hoắt.
Cô vùng vẫy.
Nhưng bất lực. Lúc ấy là bốn giờ chiều. Ai đó phải phản ứng đi chứ, ai đó phải đánh động đi chứ!
Tên râu ria xồm xoàm huýt sao khi nhìn thấy ngực cô.
- Hơi nhỏ một chút, nhưng vẫn rất đẹp, chúng mày có thấy thế không?
- Bọn châu Á đều thế cả mà. Bọn nó đứa nào trông cũng như thiếu nữ ấy. Chẳng lấp đầy nổi bàn tay một người đàn ông đích thực.
Laetitia Wells chống chọi để không bị ngất đi. Cô đang trong cơn khủng hoảng căm thù nhân loại cực độ. Những bàn tay đàn ông - bẩn thỉu - lướt trên người cô, sờ soạng cô, tìm cách hãm hại cô. Cô sợ hãi tới nỗi không thể nôn mửa được nữa. Cô ở đó, bị kẹt bẫy, bị cầm tù, không sao thoát khỏi những kẻ hành hạ mình. Cô chỉ kịp nghe thấy “Dừng lại, cảnh sát đây”.
Con dao dừng phắt công việc nó đang làm lại.
Một người đàn ông, khẩu súng lục lăm lăm, chìa ra tấm thẻ ba sọc màu.
- Mẹ kiếp bọn cớm! Chuồn thôi chúng mày. Còn mày, con đĩ, lần khác sẽ biết tay bọn tao.
Chúng lấy đà chạy.
- Đứng im tại chỗ! viên cảnh sát kêu lên.
- Thế đấy, tên hói nói. Cứ bắn bọn ông đi rồi bọn ông kiện cho.
Jacques Méliès hạ khẩu súng lục xuống, bọn kẻ cướp chuồn đi.
Laetitia chậm rãi lấy lại hơi thở. Vậy là xong. Cô đã được cứu.
- Cô ổn chứ? Chúng không quá tàn bạo với cô chứ?
Cô lắc đầu ra hiệu từ chối nói. Dần dần cô lấy lại được tinh thần. Hết sức tự nhiên, anh ôm cô vào lòng và trấn an cô:
- Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Cũng hết sức tự nhiên, cô ôm siết lấy anh. Cô cảm thấy nhẹ nhõm. Chưa bao giờ cô nghĩ rằng một ngày nào đó mình lại hạnh phúc đến vậy khi thấy đội trưởng Méliès đột ngột xuất hiện.
Cô nhìn anh chăm chú bằng đôi mắt màu tím hoa cà, đại dương mênh mông trong mắt cô đã trở nên bình lặng. Không còn thấy ánh nhìn của loài hổ nữa, chỉ còn những đợt sóng lăn tăn khẽ gợn trong gió nhẹ.
Jacques Méliès nhặt đống cúc áo vest của cô lên.
- Tôi nghĩ mình phải cảm ơn anh, cô nói.
- Không cần đâu. Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ đơn giản là muốn được trò chuyện với cô.
- Về vấn đề gì cơ?
- Về các vụ ám sát những nhà hóa học vốn khiến cả hai ta bận tâm. Tôi đã thật ngốc nghếch. Tôi cần sự giúp đỡ của cô. Tôi... luôn cần sự giúp đỡ của cô.
Cô ngập ngừng. Nhưng trong hoàn cảnh này, làm sao mà tránh được chuyện về nhà cô uống một chầu hydromen khác?
Hết chương 115. Mời các bạn đón đọc chương 116!