Người Đi Bỏ Mặc Câu Thề Truyện ngắn 14


Truyện ngắn 14
Người về lang lòi

Khi cuộc đấu giá đang đến hồi gay cấn thì Đinh Đình Bình - con nhà mõ - cưỡi xe mẹc-xì-đéc lùi lụ về. Sở dĩ biết con nhà mõ bởi ông ấy mang theo cả ảnh mẹ. Và vóc người hao hao nửa giống mõ, nửa giống cụ bá, còn khuôn mặt thì cứ như cắt của thầy lý mà đắp vào. Con cháu cụ bá, thầy lý nhìn ông Bình phần lo, phần mừng. Chuyện các cụ tòm tem với vợ nhà mõ cả làng, cả tổng biết nhưng cấm có ai dám hé răng. Con cháu coi chuyện các cụ cắc cùm cum là một nỗi nhục của dòng họ nên cứ muốn lờ đi. Khi vợ mõ bỏ đi rồi mõ chết, các cụ chết, chuyện cũng theo đó mà lắng dần. Cứ tưởng bà ấy đã chết dấp chết dúi ở xó xỉnh nào, ai ngờ còn tòi ra một thằng mõ con(Hay lý con, bá con?) nay lại cưỡi cái xe giá trị bằng cả đàn trâu của làng Lòi cộng lại. Chuyện xưa bị bới lên, cái nhục xưa lại cồm cộm trong mắt. Nhưng kể ra có một người anh em giàu có như thế trong nhà thì cũng thích thật. Có tiền là có quyền, xưa nay đời là thế. Biết đâu ông ấy lại ra tranh cử khóa tới, lại nối cái dõi, cái dòng đứng trên đầu thiên hạ như các cụ xưa! Còn mấy ông quan xã tiệt không muốn miếng đất rơi vào tay ông Bình. Làng Lòi mà bị con nhà mõ ngồi trên đầu thì nhục lắm. Không gì thì cũng là làng văn hóa, làng có truyền thống, làng đói truyền kiếp mấy mươi đời. Gay quá, quan xã rối trí không biết tính sao. Cho nó ở lại đất làng Lòi rồi nó cho cả làng ăn cám à?! Nhưng không bán cho ông Bình cũng không được, đổi mới rồi, bình đẳng rồi, hồ sơ người ta lại hợp lệ, giá đỉnh tót vời không ai theo kịp. Biết làm sao bây giờ? Hoãn đi tính lại mãi, cuối cùng mảnh đất xéo cũng về tay ông Bình. Có mảnh đất xéo, ngay lập tức ông Bình xây lên đó ngôi biệt thự kiểu Pháp. Ông hỏi thăm cả tháng trời mới tìm ra tung tích ngôi nhà tranh của vợ chồng mõ ngày xưa- ngôi nhà đó giờ người ta đang làm chuồng trâu- ông đến trả một khoản tiền, xin về, cho sửa sang lại, rồi chồng lên trên ngôi biệt thự mới xây, trông xa như Tây đội nón cời. Thế là ông đã thực hiện được lời trăng trối của mẹ. Người mẹ mà khi trốn đi đã thề không bao giờ trở về làng, nhưng trước khi chết mắt lại cứ đau đáu nhìn về hướng Nam, bà muốn được về nằm trên mảnh đất xéo cùng với người xưa. Người mà một năm ngắn ngủi chồng vợ đã cho bà hạnh phúc làm mẹ.

 

*

*    *

 

 Mảnh đất xéo nằm cạnh ngã ba cuối làng Lòi vốn trước đây là vườn nhà mõ. Mõ chết, chính quyền đã đôi lần cấp cho dân nhưng không ai chịu nhận. Ai lại đi ở thừa đất mõ! Chính vì vậy mấy chục năm nay vẫn là bãi đất hoang. Công dụng duy nhất của nó là giúp người làng Lòi sáng sáng làm cái việc khoái tỷ chỉ đứng sau chức quận công. Nó thực sự có giá từ ngày con đường dẫn lên đồi Sung được mở rộng và hai con đường bao quanh hồ Sướng được nâng cấp. Nghe nói đây là cái chóp khu tam giác kinh tế mở của tỉnh. Sở dĩ biết nó có giá vì vừa rồi xã thông báo bán đấu giá. Hồ sơ tới tấp gửi về. Xe cộ dập dìu bươm bướm. Người đâu mà như kiến cỏ vậy không biết? Toàn những mặt phốp pháp, mài mại trắng, nhùn nhũn béo cứ như là cua lột. Tiệt không có một hồ sơ nào của người làng Lòi! Nghĩ kỹ cũng đúng thôi, tiền một đống, dân quê lấy đâu ra. Khi mảnh đất xéo có giá, không ít người tiếng bấc chì: " Gớm! Vợ chồng nhà mõ cố thêm thời gian nữa có phải đổi đời không. Bán một góc vườn, có tiền vợ nhà mõ trưng diện vào có khác chi bà hoàng!" Cũng có người úi sùi: "Làm sao sống được với lũ lĩ chúng nó mà chờ đến ngày thành ông hoàng bà chúa. Đúng là giàu có số... Nhưng nói đi nói lại cứ thấy thương thương vợ con nhà mõ. Không biết phiêu dạt đi đâu. Đúng là kiếp hồng nhan... "Nói xong họ thở dài, tiếng thở buồn như cuộc đời vợ chồng mõ...

 

*

*    *

 

Đêm lênh láng trăng trầm mặc ngôi làng cổ, điểm nhịp rạc rời tiếng mõ rao. Người không mừ hử đã đành, đến chó cũng đã quá quen với tiếng rao đêm của mõ nên không thèm sủa đấu đều. Chắc mõ cũng biết tiếng rao của mình lọt thỏm vào một vùng tối xa xăm nào đó nhưng vẫn cứ rao. Nghề mà, không rao còn biết làm gì? Kể từ ngày có vợ, mõ chuyên trị phải đi rao đêm. Một vòng, hai vòng rồi ba vòng làng. Bao giờ cũng vậy, đến trước ngõ nhà mình tiếng của mõ cố vóng lên nghe nghèn nghẹn như có nước, mắt mõ hấp háy chờ ngọn đèn dầu trong nhà được khêu cao. Đó là tín hiệu mõ được nghỉ chập rao đêm. Thường sớm cũng phải cuối canh hai đèn mới rạng. Cũng có khi khuya hơn, mõ không còn chỗ về đành lê lết đôi chân và tiếng rao rạc rời ra đình làng ngủ.

Đêm kéo trăng tà về ngàn, sương ướt lạnh tanh dùi mõ. Đã ba vòng làng Lòi mà đèn chưa khêu. Trong lòng mõ nghe nóng lạ. Mõ nhớ tới ánh mắt mụ vợ nhìn mình hồi chiều khi thấy cụ bá thấp thoáng sau rào dâm bụt. Đôi mắt nâu buồn như mắt chó già nhìn mõ khẩn cầu. Cũng chính đôi mắt đó mà mõ đã cho mụ ở lại nhà mình. Hay đó là cơ duyên cho mõ có cặp có đôi? Mõ vốn mồ côi từ nhỏ, gia sản cha mẹ để lại chỉ có cái mõ tre với tiếng rao truyền đời. Khi tiếng rao của mõ vỡ như bù bể, mõ cũng chạy rông khắp làng tìm bạn. Nhưng khốn khổ, đến đâu người ta cũng xỉ mũi đuổi như đuổi tà. Thậm chí những nhà có con gái xấu thậm, xấu tệ, cầm chắc phải đắp cái cồn cao để ngồi, vậy mà khi mõ tìm đến người ta cũng cho chó rượt. Càng lớn mõ càng thấm cái thân phận mình. Trời bắt làm phận mõ sao không tước nốt đi cái bản năng giống nòi?!

 Nhưng đêm đó mụ đã đến, mụ ngước đôi mắt chó già van xin mõ cho vào nhà. Chưa kịp ngồi xuống mé chõng, mụ đã chăm chăm nhìn như muốn nuốt chửng nắm xôi hồi chiều mõ lấy ngoài đình về chưa kịp ăn. Thương tình mõ cầm nắm xôi dúi tận tay mụ. Mụ ngỡ ngàng như muốn đẩy trả. Tự nhiên thấy bực mình, mõ xẵng: " Hốc đi! Cho đó!" Không đợi mõ nói tiếng thứ hai. Đôi mắt chó già lóe lên những tia sướng. Mụ đưa cả hai tay nhét nắm xôi vào mồm, hai má đang hóp bỗng phồng lên, trệu trạo như khỉ ăn chuối. Rồi hai nhấp một nhém, mụ vươn cổ ngỗng mà nuốt. Bỗng mặt mụ đỏ gay, nưng nấc, nưng nấc. Mụ nghẹn! Mõ cuống cuồng ra vại vục một gàu nang nước mưa đưa vào. Khi mụ chúi đầu uống, mõ vỗ vỗ lên lưng mụ nhìm nhịp như gõ mõ rao. Khi nắm xôi đã bịt tiếng gào của dạ dày. Mụ bỗng quỳ sụp xuống lạy mõ như tế sao. Xúc động quá! Cuộc đời mõ từ nhỏ đến lớn đã được ai trọng vọng như thế này đâu? Cả đời mõ chỉ lạy ba tằng bảy lớp người làng Lòi chứ đã có ai lạy mõ đâu! Mụ vừa lạy vừa kể trong nước mắt. Châng lâng trong sung sướng nhưng dần rồi mõ cũng hiểu ra: Mụ là người miệt trên bị cha mẹ ép gả khi ngực mới chon hỏn nhỏn chụm cau. Vợ chồng ăn ở được mấy năm mà chưa có con. Chồng mụ là thằng nghiện phiện, của nả cha mẹ cho đều được hắn đổi thành phiện đút vào nỏ điếu. Khi mọi thứ trong nhà lần lượt đội nón, mang tơi ra đi, hắn ngó quanh quất chỉ còn lại con chó choai mụ mới ôm từ bên ngoại về, hắn dụ rồi hắn vồ. Con chó ẳng lên một tiếng, quay lai đớp cho hắn một miếng vào tay rồi xông thẳng ra rừng. Hắn nhìn mụ như quân thù quân hằn. Rồi hắn bán mụ vào bản trong. Nửa đường mụ trốn... Bây giờ mụ muốn ở lại, làm trâu, làm ngựa, làm chó cho mõ cũng được. Mụ tin người miệt dưới ít nghiện phiện, dù sướng khổ còn là người. Chứ đàn ông miệt trên là quỷ cả. Ngày thì ngủ, tối phiện phê dai như đỉa đói, vần vũ mụ suốt đêm, sống không nổi mà chết cũng không xong.

Mõ có đàn bà trong nhà, còn ai đi rao? Thế mà sáng mai cả làng đều biết. Chiều tối hôm sau thầy lý và trương tuần mò đến nhà mõ. Thầy đưa cặp mắt lươn ươn ướt nhìn như bóc cái yếm nâu người đàn bà. Rồi thầy đằng hắng rõ oai:

- Mõ à! To gan thật. Muốn làm Việt Minh phỏng?

Mới nghe có thế, mặt mõ đã xanh như đít nhái, đầu gối và răng thi nhau va cầm cập. Mãi sau mới ú ớ được mấy tiếng:

- Bẩm thầy... người ta lỡ ... lỡ độ đường...

- Gớm nhỉ! Thôi, to quyền rồi, dám cho người lạ lưu làng rồi. Thế khỏi làm mõ nữa nhé...!

 Nghe đến đó, mõ sụm xuống vái lấy vái để thầy lý:

- Con lạy thầy! Thầy đừng bắt con phải chết. Không có cơm thừa canh cặn các thầy con biết sống bằng gì... Con xin thầy... con lỡ... thầy dạy gì con nghe... thầy đừng bắt con bỏ nghề...

Để cho mõ nói đến rã bọt mép rồi thầy lý mới đuổi anh trương tuần ra, thầy kéo tai mõ nói nhỏ. Không biết thầy lý dạy gì mà mặt mõ khi thì nhăn nhúm, khi nghệt như mặt ngỗng ỉa và cuối cùng thì gật lấy gật để. Những tối sau thấy thầy lý hay cụ bá đến là mõ cun cút đi rao đêm. Rồi thành lệ, tuần mấy lần, không thầy lý thì cụ bá cứ vậy thay nhau. Thường thầy lý đến mõ còn có thể được về sớm. Còn cụ bá, đã già lại còn nghiện phiện. Những đêm cụ đến mõ thường phải ngủ ngoài đình.

Ánh mắt của mụ vợ lúc chiều lại nhòi nhói trong mõ. Khi thấy cụ bá rẽ vào mụ đã hốt hoảng thực sự, mụ như muốn van xin mõ đừng đi. Đứa con trong bụng hình như cũng chung nỗi sợ với mẹ nên chòi chòi, đạp đạp làm cho chiếc áo cánh nâu cứ cồm cộm trồi thụt bất an. Mấy bữa nay mụ lại ốm! Mõ cũng muốn nhìn lại, an ủi mụ vài câu mà không mở miệng được. Khi mõ đang chần chừ thì cụ bá e hèm một tiếng rõ to. Mõ vơ vội cái mõ tre rồi lủi thủi đi ra ngõ, không dám ngoái đầu lại. Rèm trập, nhà yên...

Mõ rao thêm một vòng nữa mà đèn vẫn chưa rạng đành lết ra đình. Lạ! Hôm nay ổ rơm sao nhiều rệp vậy không biết? Cứ ợ hắc cả mũi. Và rận nữa chứ, đua nhau lỗm ngổm bò như cua. Mõ nằm trằn trọc qua lại, thỉnh thoảng thuận tay dí chết vài con rệp cho bõ buồn. Giấc ngủ vẫn không đến, thế mới đau, muốn ngủ cho quên đi cái sự đời mà cũng không ngủ được. Mõ chong mắt chòng chọc đợi sáng. Trống điểm canh năm chưa dứt hồi mõ đã vùng dậy chạy ngay về nhà. Trong nhà vẫn tối thui, mõ rón rén như kẻ trộm. Im ắng lạ, chỉ có tiếng muỗi thả diều. Rón rén mò vào giường vợ, giường lạnh tanh. Mõ vội vã lật tấm chiếu manh như sợ vợ đang chơi trò trốn tìm. Vẫn không thấy, chỉ nghe quanh quất đâu đây mùi mồ hôi phiện khen khét, hăng hắc như mùi hổ. Mõ rùng mình, một luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Nỗi sợ như từ tiền kiếp làm cho chân tay mõ bải hoải. Mõ nhìn lên kèo nhà, chiếc tay nải của vợ không còn ở đó. Căn nhà bỗng hoang lạnh lạ. Mõ thấy nghẹt thở. Mõ vùng chạy ra ngoài. Những bước chân vô định đưa mõ đến nhà cụ bá. Giật mình, mõ đứng sựng lại trước hai cánh cổng sừng sững, im ỉm, ướt sương. Đón mõ, đàn chó eo óc sủa. Lầm lũi mõ lết lại ra đình, mái đình cong như một dấu hỏi giữa trời. Mõ cũng chôn chân, cúi đầu làm thành một dấu hỏi mọc lên từ đất.

Trước thui thủi đã tưởng yên phận mõ, bỗng đâu người đàn bà đó đến cho mõ biết mùi chồng vợ rồi lại quấy quá ra đi. Mõ muốn tìm lại thời bình yên cũ mà không được nữa. Bão tố đã đổ lên căn nhà và cuộc đời mõ. Khổ khó chịu, sướng mau quen!

 Một chiều chạng vạng, không thể ngồi gặm nỗi cô đơn, mõ cũng quày quả đi tìm. Từ đó làng Lòi vắng tiếng mõ rao. Mõ đi đến đâu và thấy những gì, mõ có gặp được vợ con hay không không ai biết. Làng chỉ thấy cũng một chiều chạng vạng, mõ tả tơi lê về. Mõ không đi rao nữa. Cụ bá, thầy lý... hết khuyên rồi doạ, mõ nhất quyết không rao, chỉ đăm đắm ngồi nhìn ra ngõ bằng đôi mắt buồn như mắt chó già. Và đôi mắt đó khi thấy cụ bá, thầy lý đi ngang qua lại lóe lên những tia man dại của loài sói. Không ít lần gặp đôi mắt ấy cụ bá đã vã mồ hôi hột. Rồi lại chiều chạng vạng, đích thân cụ bá cầm một cút rượu với tô cháo lòng đến tận nhà mõ. Mới đến ngõ cụ đã xởi lởi:

- Gớm! Làng lâu không có tiếng rao của anh cứ thấy thiêu thiếu lạ. Anh nghỉ chúng tôi như mất chân, mất tay... Nhưng anh đã quyết chúng tôi cũng không ép. Hôm nay bên nhà làm thịt con lợn, mang tô cháo qua, mình uống chia tay nhau vậy.

Mõ lại nghe phảng phất mùi mồ hôi hổ. Nỗi sợ tiền kiếp trào về nhưng đôi mắt mõ thì lại ánh lên những tia nhìn của sói. Cụ bá cố không để tay run khẽ khàng rót rượu mời mõ! Mõ lừ mắt nhìn lại cái sự lạ đời! Rồi không thèm cầm lấy cái chung cụ bá đưa, mõ với tay giật cút rượu trên tay cụ bá ngửa cổ tu một hơi cạn sạch. Mặt cụ bá thất sắc nhưng cố vớt vát nhệch một cái cười:

- Kìa uống suông vậy thì say chết- cụ nói- Anh ăn vào miếng cháo.

Mõ nhìn tô cháo rồi lại nhìn cụ bá một lần nữa. Cũng không nói không rằng lại ngửa cổ... Trong lúc tô cháo đang che kín mặt mõ thì cụ bá lỉnh ra vườn sau chuồn mất, phảng phất trên mặt cụ nụ cười hiểm. Cái sự lạ không bao giờ là cái sự thường! Đây là lần đầu tiên mõ được cụ bá mời và cũng là lần đầu tiên mõ không phải húp rượu thừa, canh cặn. Lần đầu và cũng là lần cuối!

Mõ ho, thổ huyết gần tháng thì chết. Con chó già của hàng xóm thường sang dọn vệ sinh mỗi lần mõ thổ cũng đi theo. Thịt chó thậm ngon nhưng thiếu mất món dồi, bởi khi làm họ thấy lòng chó mọc lông nhiều quá. Ngạc nhiên nhìn kỹ mới biết không phải lông mà là những sợi tóc cắt ngắn găm đầy thành ruột. Ruột mõ chắc cũng thế này đây?Ôi! Tô cháo cường hào! Thương cho con chó chết oan!

 

*

*    *

 

Hình như người làng Lòi quá lo xa. Về làng đã mấy tháng có thấy ông Bình trả thù ai đâu, cũng không thấy ông có ý định ra tranh chức tranh quyền để ngồi trên đầu, trên cổ người làng Lòi. Chỉ thấy ông sáng sáng trong bộ quần áo lụa mỡ gà cầm vòi nước tưới hoa, chiều chiều lên sân thượng ngồi dưới hiên ngôi nhà tranh dõi mắt nhìn về những dãy núi xa xa. Bờ rào nhà ông cao lắm, nhưng thỉnh thoảng lại có mấy con gà của hàng xóm bay sang. Vào được nhưng lạ chúng không thể bay về. Vì thế, chập tối nào cũng vậy, cứ có dăm ba người hàng xóm xin vào vườn nhà ông tìm gà. Thế là chào nhau, là bắt chuyện, là làm quen, rồi trưa mời vống qua hàng rào sang uống nước chè xanh. Nhà cậu Suy- con cả cụ bá- với cậu Thoái- con cả cụ lý ở xa nên chẳng có gà qué gì nhảy sang cả. Họ tìm cách làm quen khác. Trưa rằm, cả hai người đều xách chai rượu với thẻ hương đến nhà ông Bình. Gặp chủ nhà nơi cổng, cậu Suy khúm núm:" Xin phép ông cho chúng tôi thắp kính cụ nén hương... mộ cụ trước đây không có ai hương khói nên rằm, mùng một nào chúng tôi cũng đến. Dù gì thì trước các cụ cũng là chỗ thân tình, cùng làm việc với nhau". Ông Bình không nói gì, chỉ nhệch một cái cười.

 

*

*    *

 

Chính những chiều ngồi trên sân thượng ngắm cò về núi, ông Bình đã phát hiện ra nhiều vốn quý đặc sắc của làng Lòi. Nói đúng hơn là chỉ còn làng Lòi giữ được. Đó là rặng tre đằng ngà liu riu ngủ trong tiếng sáo diều những trưa hè. Tiếng râm ran gọi mời chè xanh. Những ngôi nhà cổ rũ buồn dưới mái tranh màu khói. Con đường đất nện quẩn lá tre vàng dẫn vào đình mái cong rêu ngói. Những người dân trên vai vác cày chìa vôi, nắng mưa độc chiếc áo tơi cung cúc theo trâu ra đồng và hồ Sung nguyên sơ hình bát giác ở giữa có cồn Lục trông như đảo hoang, đồi Sướng tròn mâm xôi trên đỉnh tỏa rợp bóng đa già. Xa xanh là dãy Ba Mụ mờ ảo có thác Tiên Tắm quanh năm nước xõa bạc đầu... Vốn quý của làng! Càng cổ, càng nguyên sơ, càng nhiều tập tục xưa, càng nghèo, càng quý! Làng Lòi đúng là của quý. Trong khi cả nước đang như một công trường hết đào-đập-xây rồi lại xây-đập-đào thì ở đây vẫn tịch mịch và thanh bình lạ. Thanh bình như một sự lãng quên! Trong đầu ông hình thành ý tưởng biến làng Lòi thành làng du lịch sinh thái.

 

*

*    *

 

Ngôi biệt thự trên mảnh đất xéo được trưng lên cái bảng lớn:"CTy TNHH du lịch sinh thái làng Lòi." Và tất nhiên ông Bình là giám đốc, còn nhân viên các ban bệ đều là người làng cả. Ông muốn làm một điều gì đó cho quê cha, miền quê mà chỉ đến khi cha mẹ về với tiên tổ ông mới được về. Ông muốn lấp đầy cái hố sâu định kiến từ bấy lâu nay. Ông muốn đánh một hồi trống đại cho làng Lòi thức dậy, muốn mở rộng cánh cổng làng Lòi cho người dân mở mắt ra nhòm thiên hạ mà đổi đời. Nhưng hình như không phải mọi việc đều thuận theo sự tính toán của con người.

 Đầu tiên ông chạy ngược xuôi đệ trình xin thành lập công ty, kế đến đi từng nhà ký kết hợp đồng. Tất nhiên là dân làng hồ hởi lắm. Thế là một vài ngôi nhà ngói mới lợp được đền bù, dỡ bỏ, thay vào đó là những mái nhà tranh rũ buồn. Hồ Sướng được cắt tỉa cỏ dả, thả mấy đôi vịt sắt xuống cho khách đạp ra cồn Lục mà tình tự. Trên đồi Sung một khách sạn cao tầng mọc lên.

 Khỏi phải nói nỗi vui mừng của cậu Thoái và cậu Suy khi được ông Bình gọi đến. Hai cặp mắt họ nhìn ông Bình hấp háy như mắt chó chờ cơm. Họ ngồi nuốt từng lời ông Bình nói. Rồi không cần đọc lại bản hợp đồng, hấp tấp ký ngay. Ngu sao không ký? Nhà vẫn nhà mình mà tháng còn được hơn những triệu bạc! Ngay ngày hôm sau cậu Thoái và cậu Suy mời thợ mộc về tháo bàn thờ gia tiên ra, thốn nhỏ cho vừa với gian chái bếp rồi chuyển các bậc tiền bối xuống đó ngồi. Bảy đời nhà cụ bá và năm đời nhà thầy lý thật là ấm cúng khi tụ cả trên hai cái bàn thờ nhỏ tin hin như bệ miếu làng. Mặt cụ bá trong ảnh tóp như trái dừa khô nhưng trên mép vẫn nhệch một nụ cười hiểm cố hữu. Năm gian nhà lim của cậu Suy, bảy gian nhà sến của cậu Thoái được thưng thổ thành những buồng ngủ thật khéo, chỗ bàn thờ gia tiên giờ đặt vừa vặn cái sập gỗ gọ lên nước bóng loáng mà ngày xưa các cụ vẫn thường nằm. Rồi tam quan, cửa võng, phòng loan... đều được phục chế lại đâu vào đó. Hai đứa con gái lớn nhà cậu Suy cùng vợ và con gái cậu Thoái lên tỉnh may gấp mấy cái yếm đào. Con gái chưa đến tuổi dậy thì, yếm đào ngực độn thế mà trông cũng bắt mắt gớm. Quả các cụ nhà ta ngày xưa khêu gợi phết!

Nhờ tài tiếp thị nên bây giờ khách ta, khách tây đông như kiến cỏ đổ về làng Lòi. Nghêu, sò, ốc, hến, cong cóc, ếch nhái, cò diệc, ba ba, thuồng luồng... đều nhảy cả lên bàn đặc sản. Đặc biệt là món cá mát bắt từ sông Ngàn Phố kho nghệ là cứ phải tính bằng tiền đô. Biết là nó ngon nhưng thử hỏi dân làng Lòi liệu mấy ai đã được ăn cá mát? Xưa chỉ đủ cung phụng cho các chức dịch, còn sau này dành để đãi khách quý hay mang ra tận phố huyện bán cho nhà giàu. Cân cá mát bằng mấy chục cân thóc, dân ai dám ăn!

Chỉ mấy năm kinh doanh vốn tự có, làng Lòi đã có vẻ điệu đàng, thị thành hơn xưa. Mấy năm cái ngành công nghiệp không khói đã đưa vào nhà người dân làng Lòi những chiếc xe có khói. Thương cho đàn chó mấy ngày đầu chưa quen phán đoán, ra đường làng lớ nga lớ ngớ, gặp xe máy hốt hoảng không lao vào bụi mà lao thẳng vào bánh trước. Thế là người ôm xe, xe ôm chó, cả ba ôm nhau chơi trò trốn tìm trong bụi mây, bụi chuối, có khi chơi trò chuột nước dưới ao làng.

Hốt bạc nhiều nhất trong làng có lẽ là nhà cậu Suy và nhà cậu Thoái. Ai chả có nhu cầu ăn và ngủ. Về du lịch sinh thái mà ngủ khách sạn tiện nghi trên đồi Sung thì chẳng qua ở nhà. Thế là có sự đổi ngôi. Khách du lịch thì ngủ nhà tranh, người dân làng Lòi có tiền muốn nếm mùi phố thị thì lên khách sạn trên đồi Sung, ở đó cái gì cũng có. Chỉ thương mấy cu cậu chỉ quen hưởng cái sung sướng sau chức quận công giờ phải ngồi xí bệt mặt nhăn nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Tốn cả cuộn giấy mà vẫn không sạch. Chẳng bù cho lá chuối với rơm rạ vườn nhà, nhất là vớ được chú vịt con mới nở thì tuyệt, mềm lại ấm! Mấy cậu than thở! Lại nữa. Có ai rao đâu, thế mà những vợ chồng hiếm muộn đều biết, sở dĩ cụ bá với thầy lý lắm con là nhờ vợ chồng vật nhau trên tấm phản ngựa lên nước giờ đang kê nơi gian thờ hai nhà. Thế là ùn ùn kéo đến. Lũ lượt sắp hàng. Huỳnh huỵch mỗi đêm. Đông nhất là những đêm trăng tròn, suất chiến được tính bằng phút, lâu hay mau là tùy theo túi tiền nhiều hay ít. Không những cho thuê phòng ngủ. Khách muốn làm cụ bá, thầy lý thì chỉ cần trả thêm một khoản tiền là được toại ý. Cũng khăn đóng, áo the với hèo mây. Cũng có quyền quát nạt con cháu trong nhà chạy quắn đít. Cũng có bà cả, bà hai nắn bóp phục dịch. Cậu Suy, cậu Thoái tóc đã ngả màu tro cũng cứ cun cút, dạ dạ, vâng vâng chạy đi chạy lại điếu đóm, xưng với khách cung kính một thầy hai thầy, một u hai u. Kể cũng hay, mấy đứa cháu sinh sau đẻ muộn chưa hề biết mặt các cụ giờ được hình dung qua khuôn mặt của khách du lịch thập phương. Không ít lần chúng ôm bụng cười như nắc nẻ khi mấy ông tây xúng xính trong chiếc áo the quá cỡ, những bà đầm bận yếm đào để lộ cả tấm lưng phì nhiêu trắng như tảng mỡ, những tiếng quát lác ngọng nghịu phường chèo. Không biết khi còn sống, cụ bá, thầy lý có nghĩ được rằng một ngày nào đó con cháu đưa cả các cụ ra mà kinh doanh?!

Cậu Suy bây giờ ra dáng cụ bá lắm rồi. Trước thì cà xơi cả cuống, nhút húp cả cặn. Còn giờ bữa ăn của cậu- giống như cụ bá xưa- đằng nào cũng phải có đĩa cá mát kho nghệ bắt từ sông Ngàn Phố vào lúc chín giờ sáng. Giờ đó cũng là giờ tắm sông của cậu. Ăn cơm cá mát, tắm nác (nước) nửa buổi cho những múi thịt của cậu ngày càng nổi rõ hơn sau lần áo the. Chiếc khăn đóng trên đầu trông như cái vòng kim cô, thỉnh thoảng gió lùa áo the phất phơ bụng mỡ trông thật chướng mắt. Hình như khăn đóng áo the chỉ hợp với những người vóc hạc mình mai?! Còn mợ Suy cứ nây nẩy sau lần yếm đào, nhúng nha nhúng nhính trông thật trêu ngươi. Kể ra móng chân mợ không sơn cũng được, bởi từ lâu nó đã ngà ngà màu phèn trông cũng ấn tượng lắm. Nhưng mợ phải sơn, mợ muốn giũa, muốn che cái màu ngà ngà đó. Bởi mợ không muốn mỗi lần nhìn xuống nó lại nhắc mợ nhớ những ngày khốn khó, căm căm rét cấy lúa đồng sâu. Dạo này mợ lại năng đi chùa và lần nào cũng vậy, bận về mợ đều ghé nhà ông Bình đến trưa trờ, trưa trật mới về nhà mình. Những lúc đó mặt mợ phởn phơ lắm. Không biết cái phởn phơ mợ đem từ chùa hay từ nhà ông Bình về?! Chỉ biết đến ngày mà chưa đi chùa được là người mợ cứ thấy thiêu thiếu, bứt rứt nhơ nhớ cái lịch duyệt thị thành ở ông Bình.

Khác với cậu Suy. Cậu Thoái lâu không phải lội ruộng cày sâu chân cẳng cứ thấy cuồng, nên chiều nào cũng vậy, cậu thường đánh cái quần soóc lửng xuống hồ Sướng đạp vịt. Cậu đạp cũng hăng lắm, nhất là những khi có cô Loan-con cậu Suy- ngồi bên. Khi gần bờ vịt còn cân lắm, nhưng khi bơi vào vùng mịt mùng sương khói hay neo lại bên cồn Lục thì nó nghiêng hẳn sang một bên, từ đó phát ra những quầng sóng dập dìu, dập dìu lan trên hồ Sướng rồi đua đuổi nhau chạy trở lại bờ. Dân làng Lòi cũng không quá ngứa mắt về những cảnh như thế. Cái gì cũng vậy, cứ lặp đi lặp lại mãi thành quen. Chỉ có cô Loan không thể quen được với những lần lên bệnh viện huyện. Người cứ xanh rớt, vú chưa kịp lớn đã thõng thưỡn thẹo sau cái yếm đào.

Lại đến ngày cuối tháng. Mợ Suy hăm hở lên chùa. Mợ cũng lạy, cũng cầu nhưng mợ vội lắm. Mợ lòng thành nhưng đang vội nên mợ làm quấy quá cho xong để về. Đường về mợ cứ phơi phới. Khi thấy thấp thoáng xa xa ngôi biệt thự đội túp lều tranh giống như người mặc com-lê đội nón cời, bỗng dưng trống ngực mợ rộn ràng, hình như hai má mợ bừng đỏ, người mợ như đang bay là là trên mặt đất. Nhưng vừa đến ngõ cô người ở nhà f11 ông Bình giội ngay một gáo nước lạnh vào cái lò lửa đang ngùn ngụt trong lòng mợ; " Ông Bình lên tỉnh, chắc ngày mai mới về." Mợ buồn! Quãng đường về có bao xa mà chân mợ như đeo đá. Mợ hận ông Bình đi mà không nói lại một câu, làm mất công mợ chuẩn bị cả mấy ngày, làm cho mợ hồi hộp như gái tơ lần đầu mặc yếm. Mợ lẩn thẩn đếm bước về nhà. Nhưng cái lò lửa rạo rực trong người mợ vẫn chưa tắt ngúm, về đến ngõ nó lại được nhen lên khi mợ nghĩ giờ này chắc cậu đã đi tắm sông về. Mợ chạy ngay vào nhà trong, không thấy cậu đâu. Mợ chạy ra giếng, người làm công đang nhăn mũi chà tấm ga giường. Mợ hổn hển hỏi: " Cậu đâu?!" Bị hỏi bất ngờ, người làm công ấm ớ. Điên tiết mợ gắt: "Thế con Lan đâu?!" Nghe đến đó người làm công lại càng cuống hơn, mắt len lét liếc lên gian giữa nơi kê tấm phản ngựa cụ bá thường nằm. Lập tức như hổ cái mất con, mợ xông thẳng lên, vớ ngay cái chày giã gạo dộng thình thình như phá thành. Cửa gỗ vỡ toang, cậu nồng nỗng lồm cồm bò dậy, cậu cố với cái áo the che bụng mỡ. Còn cô Lan-người làm công- tóc tai rũ rượi vơ vội tấm ga giường quấn lên người xúng xa xúng xính. Mợ giơ cao chày, cậu thất kinh lắp bắp: "Cậu xin... cậu lỡ mợ... cậu lỡ mợ... cậu xin mợ...". Vừa lúc đó có một đoàn khách tây vào ngõ. Họ muốn về ngôi làng cổ tìm hiều nét văn hóa Việt. Chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh vợ chồng nhà cậu Suy. Một người hỏi: "Họ đang làm gì đấy?!". " Họ diễn lại một tích tuồng cổ."- người phiên dịch trả lời. Nghe vậy, mọi người trong đoàn đều mở sổ lấy giấy bút ra ghi.

 

*

*    *

 

Theo thói quen, chiều ông Bình lại leo lên sân thượng. Ông dõi tầm mắt về phía xa xa. Trống trải quá, đã lâu lắm rồi, không còn những cánh cò nhàn tản vỗ vào ráng chiều. Khổ! Ai cũng thích món cò xáo măng! Ông nhìn lên khách sạn cao tầng trên đồi Sung và chợt giật mình, sao nó giống cái Linh-ga chổng vào trời? Hồ Sướng vẫn dập dình những quầng sóng luyến ái đua đuổi nhau chạy vào bờ. Bỗng mắt ông sáng rỡ lên khi thấy chấp chới trên cách đồng trơ cuống rạ những cánh cò trắng bay về phía ông. Ông nhìn như ngây dại. Nhưng sao thế này, những con cò càng lại gần càng thấy to quá cỡ, ông dụi mắt, thấy dưới đàn cò là lốc nhốc một bầy con nít. Dẫn đầu là thằng cháu đích tôn nhà cụ bá, sau nó có cả mấy thằng ranh mắt xanh mũi lõ. Trên tay mỗi đứa cầm một sợi dây. Không phải là cò, chúng đang rồng rắn dong những quả bong bóng to quá cỡ màu trắng đục, chúng vừa chạy vừa reo hò vui lắm. Ông thở dài. Ngày mai phải cho người sửa lại hệ thống xử lý phế thải của những đêm chiến . Phải sửa thôi, sửa nhiều thứ lắm, để như thế này mãi thì nguy.

 

TH

04-2005

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/88901


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận