Người Của Giang Hồ Chương 3


Chương 3
Lâm Huê Hồ

Đầu húi cua, khuôn mặt gầy và khắc khổ luôn chau lại như kẻ đang lo chạy gạo từng bữa, trông tướng mạo Lâm Huê Hồ chẳng khác nào một anh đạp xích lô đông con vất vả. Bà Huỳnh Hương – vợ Lâm – trông bề ngoài cũng chẳng sang trọng gì hơn. Nhưng bất chấp những nét bần tướng mà số phận áp đặt, Lâm Huê Hồ vẫn là một tỉ phú lừng danh khắp Sài Gòn – Chợ Lớn trước ngày giải phóng, một vua ngân hàng, vua của các vua, trùm chủ nợ của các tỉ phú khét tiếng khác. Độc đáo hơn, được tôn xưng là “vua ngân hàng” nhưng Lâm chưa bao giờ nắm trong tay một ngân hàng nào cả.

Thực ra, nếu có ai nhìn tấm áo sờn bạc, dáng điệu lam lũ của vợ chồng Lâm để đánh đồng họ với những tay ve chai đồng nát thì cũng chưa hẳn đã là sai lầm, bởi đó đích thực là khúc dạo đầu cơ cực của cuộc đời Lâm.

Sinh năm 1923, tại thị trấn Chin Can, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, hơn 20 năm sau sang sinh sống tại Chợ Lớn, Lâm Huê Hồ cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Cái nghèo đẩy bạt Lâm Huê Hồ ra khỏi quê hương. Đến khi lấy vợ, Lâm Huê Hồ thậm chí cũng không biết cha mẹ đẻ – ông Lâm Sa và bà Pho Thị ở Trung Hoa lục địa còn sống hay đã chết để báo tin. Huỳnh Hương còn khổ hơn, mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Lập luận của Lâm Huê Hồ khi đến với nghề ve chai đồng nát quả là đơn giản:

- Bán bất cứ thứ gì người ta muốn mua, và mua bất cứ thứ gì người ta muốn bán.

Cần mẫn, tằn tiện, sau vài ba năm Lâm đã có một số vốn nho nhỏ. Anh ta quyết định chuyển sang mở tiệm tạp hóa. Chủ trương mới của Lâm là buôn một triệu tiền gạo để có một triệu mốt thì khó nhưng mua chai dầu một đồng đem bán hai đồng thì dễ. Hơn thế nữa, hàng tạp hóa quay đồng vốn nhanh và chẳng bao giờ sợ tồn ế hay bị lỗ. Tiền lời từ tiệm này, Lâm gom góp lại mở thêm tiệm khác để tận thu khách hàng. Đến khoảng năm 1958, Lâm Huê Hồ đã có trong tay một mạng lưới tạp hóa phủ khắp Chợ Lớn. Nhưng vốn kín kẽ, không bao giờ Lâm tiết lộ với ai con số cụ thể mà mình đang nắm.

Khi cuộc sống đã khá phong lưu, Lâm vẫn tiếp tục làm một người mua phế liệu, có điều làm chủ thầu chứ không còn làm vai gánh. Tất cả những thứ vứt đi, Lâm đều mua tất. Anh ta nuôi một đội quân chuyên phân loại, sàng lọc và tân trang phế liệu. Không ít món đồ bỏ, sau khi tân trang Lâm đã bán lại được với tỉ lệ một vốn bốn… chục lời.

Cú làm ăn lớn đầu tiên của Lâm diễn ra vào tháng 7.1956. Tình cờ, Lâm quen biết Ba Phát, một thợ sửa xe đạp ở Thủ Thiêm và được người này dẫn mối đến trung úy Nguyễn Thúc Phụng – Chỉ huy trưởng Hải đoàn 24 (Hải quân) đóng tại Cát Lái. Hải đoàn 24 có một số quân dụng khá lớn đang định thanh lý. Ban đầu, nhìn dáng dấp cò con của Lâm, Phụng ngần ngừ. Với một phong bì khá dày chìa ra đúng lúc, Lâm đã khiến viên trung úy tươi nét mặt, đồng ý bán cho Lâm 30 tấn sắt, 300 kg nhôm và 50 kg đồng phế liệu với giá 40.000 đồng tương đương với giá một chiếc xe hơi loại tốt, giao tiền tận tay ngay lúc nhận hàng. Lâm thuê ba xe tải loại 6 tấn đến chở về kho. Kết quả của chuyến làm ăn: lỗ chổng vó! Chạy đến Thủ Đức, đoàn xe bị nhân viên Nha Quan thuế chặn lại và tịch thu toàn bộ vì không có giấy tờ hợp lệ. Sau hơn 10 ngày bị Bộ Quốc phòng ngụy điều tra, Lâm đành chịu mất thêm 100.000 đồng đóng phạt mới tránh được ngồi tù.

Tuy lỗ nặng nhưng Lâm Huê Hồ không nản lòng. Trong đầu óc nhanh nhạy của Lâm, một hướng làm ăn mới rất béo bở đã mở ra. Giao hết công việc điều hành kinh doanh tạp hóa cho vợ, Lâm Huê Hồ bỏ ra gần ba tháng trời ròng rã đi điều tra chi tiết mọi ngõ ngách của nghề thầu phế liệu quân đội, làm quen, đãi đằng khắp các mối quan chức từ nhân viên quan thuế đến sĩ quan các đơn vị đồn trú có nguồn hàng. Để qua được khâu giấy tờ, Lâm quyết định rủ thêm một vài dân biểu, tướng tá hoặc quan chức các nha, ty hùn hạp. “Tiền bạc, ngộ lo tất” – Lời hứa của Lâm nhanh chóng nhận lại sự đồng ý cộng tác mà anh ta đang chờ đợi.

 

Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trước năm 1975.

Tuy vậy, suốt 4 năm liền sau đó, Lâm Huê Hồ vẫn không vội vã. Anh ta chỉ thu mua phế liệu dân dụng, còn phế liệu quân dụng Lâm tự biết rằng chưa đến lúc. Cẩn thận, nhưng Lâm Huê Hồ vẫn bị thêm hai lần ra tòa đóng phạt nữa, vì tội gian thuế và nhập hàng trái phép. Cũng không đáng là bao, vì lúc này tài khoản của Lâm tại ngân hàng BFC đã lên đến hai triệu đồng, đó là chưa kể hai ngôi nhà ở đường Trần Thanh Cần và Trần Chánh Chiếu cùng với một số xe hơi, xe tải khác trị giá hơn 2 triệu đồng nữa. Lẽ tất nhiên, tên tuổi Lâm Huê Hồ được xếp vào hàng triệu phú.

* * *

Tháng 8.1961, Hãng tàu kéo SATAV đăng báo thanh lý tàu Algol vì đã quá hạn sử dụng. Lúc này, tiềm lực của Lâm Huê Hồ đã khá mạnh, ông ta quyết định dự thầu và trúng thầu. Nhưng dự định đưa tàu Algol về cảng Ba Son sửa chữa tân trang của Lâm Huê Hồ không thực hiện được. Sau khi điều tra về Lâm, Nha An ninh quân đội ngụy đã làm công văn gửi các nha, ty khác đề nghị bãi bỏ quyền trúng thầu của Lâm, vì lo ngại ông ta sẽ tiếp tục phạm pháp. Công văn do đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội ký ngày 29.8.1961, có đoạn: “Nha tôi e rằng nếu đứng chủ một chiếc tàu, y có thể sẽ tái phạm và sẽ buôn hàng quốc cấm trong tương lai”.

Không cam chịu từ bỏ món lợi béo bở, Lâm Huê Hồ một mặt tìm người đứng tên khác để tái thầu, một mặt tìm cách tẩy trắng các tiền sự trong hồ sơ cá nhân. Cho rằng lót tay 100.000 đồng để được giảm giá bán một triệu đồng thì ngu mới không làm, Lâm đã không tiếc tiền đổ ra lo lót. Cuối cùng, chủ thầu Algol không chỉ mang tên mình Lâm mà còn có nhiều sĩ quan cấp tá, nhà buôn khác cũng đứng chung, với mục đích mua tàu để khai thác phế liệu. Mặt khác, hồ sơ về Lâm cũng dễ coi hơn, vì “tuy từng vi phạm tội gian lận thuế thương vụ và Quốc phòng nhưng đương sự đã điều đình với Nha Thuế vụ và Quan thuế đóng phạt đầy đủ”. Do đó, việc Lâm mua tàu làm phế liệu đã được chứng nhận là “không trở ngại về phương diện chính trị”. Cuối cùng, con tàu nằm gọn trong tay Lâm, tuy phần lãi có ít hơn vì phải chia năm xẻ bảy. Thừa thắng xông lên, Lâm Huê Hồ mua luôn một hơi sáu chiếc tàu, cũng của hãng SATAV. Tất nhiên, Lâm chẳng dại gì đem phá chúng ra lấy sắt vụn. Đó chỉ là lý do để được hưởng giá mua ưu đãi. Sau đó Lâm đã huy động vốn, biến 6 con tàu này thành tàu thủy chở hàng. Sợ rằng nếu tự mình khai thác các con tàu thì khó tránh khỏi tội gian lận thương mại, Lâm đem bán chúng ngay với giá khá dễ chịu, nhưng số tiền thu lại vẫn rất khổng lồ. Các vụ mua bán ấy đều né, không sử dụng cái tên Lâm Huê Hồ.

Với số lưng vốn đã đến bạc tỉ, Lâm tiếp tục vươn tay sang thầu phế liệu cho ngành hỏa xa. Gần như toàn bộ đầu máy, toa xe, đường ray và tà vẹt chế tạo từ thời Pháp được thanh lý đều lọt vào tay Lâm. Có lúc, ông ta mua nguyên cả đoàn tàu với giá phế liệu. Nhờ “lại quả” rất hậu hĩnh, Lâm được khá đông nhân viên, quan chức ngành hỏa xa tiếp tay làm ăn trong nhiều năm liên tục. Để có sắt vụn bán cho Lâm hưởng hoa hồng, nhiều đoạn đường sắt còn tốt, nhiều toa xe chưa đến tuổi thanh lý đã bị đám quan chức hỏa xa phao lên bị Việt cộng đặt mìn, bị du kích phá hỏng, cần thay thế và gọi Lâm Huê Hồ cho xe tải tới chở.

Khoảng năm 1963-1964, số lượng vụ việc Việt cộng đặt mìn phá ngành hỏa xa đột ngột tăng vọt khiến An ninh Quân đội ngụy đâm nghi, phải mở cuộc điều tra. Trong khi đó, cùng với nhà thầu Du Khê, ngày 22.12.1964, Lâm Huê Hồ lại trúng thầu toàn bộ phế liệu ngành này. Do vậy, đầu năm 1965, cả hai bị kiểm tra kho bãi phế liệu và điều tra. Rất khôn ngoan, phế liệu mua đến đâu, Lâm bán lại ngay cho các hãng chế biến sắt thép của Lý Long Thân, Hoàng Kim Quy đến đó nên chẳng có dấu vết gì lưu lại để kết tội ông ta. Riêng Du Khê chậm chạp hơn, cả năm 1965 phải liên tục vác chiếu hầu tòa.

Cũng với thủ đoạn như vậy, Lâm Huê Hồ tiếp tục thầu phế liệu cho ngành quân đội, trong đó đồng là loại phế liệu được Lâm quan tâm nhất vì có giá cao hơn cả. Hỗ trợ cho Lâm tích cực nhất để trúng các mối thầu là Vĩnh Lộc – một tướng trẻ đang lên.

Khi Vĩnh Lộc được bổ lên làm Tư lệnh vùng II chiến thuật trấn giữ miền Cao nguyên, tin tức về chiến sự vùng này bỗng nhiên tăng vọt. Pháo binh ngụy ở các căn cứ Đắc Tô, Tân Cảnh, thị xã Kontum được lệnh nã đạn liên hồi kỳ trận vào các tọa độ “nghi có địch quân xuất hiện” ngày một nhiều để “ngăn chặn tầm xa”. Địch quân tổn thất ít hay nhiều e khó thống kê, nhưng số lượng xe tải do Lâm Huê Hồ gửi lên chở vỏ đạn về Sài Gòn thì tăng lên thấy rõ. Tuy nhiên, chuyện xảy ra ở các vùng chiến sự ác liệt quá xa tầm với của cảnh sát và quan thuế nên Lâm Huê Hồ hoàn toàn vô sự, tha hồ đẩy nhanh tốc độ làm giàu lên chóng mặt, mau chóng trở thành một đại tỉ phú khét tiếng của Sài Gòn – Chợ Lớn.

Dù vậy, ngành kinh doanh sắt thép, phế liệu, đặc biệt là phế liệu quân đội, Lâm Huê Hồ vẫn chưa chiếm cứ được ngai vàng để độc quyền khai thác. Nguồn lợi của ngành này quá lớn nên rất nhiều kẻ có máu mặt, trong đó có cả vua vải sợi Lý Long Thân, vua kẽm gai kiêm thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy… cũng xắn tay áo nhảy vào chia phần. Không ít lần, mối hàng của Lâm Huê Hồ đã bị ông nghị Hoàng Kim Quy mượn tay chính quyền và quân đội nẫng mất. Biết mình yếu thế, Lâm Huê Hồ đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Cao thủ hơn, để “dĩ hòa vi quí”, Lâm còn sẵn sàng đứng ra làm nhà cung cấp nguyên liệu sắt cho hãng dây thép gai của Hoàng Kim Quy. Sự nhún mình của Lâm đã khiến đôi bên cùng có lợi, tránh được một cuộc chiến khốc liệt suýt xảy ra giữa hai ông vua trên cùng “vương quốc” phế liệu.

* * *

Gần như một thứ tập quán, giới làm ăn Hoa Kiều rất ngại dây dưa với chính quyền, cảnh sát. Những tài xì thẩu làm ăn lớn, có máu mặt cũng ít khi mở trương mục hay vay tiền của các ngân hàng tại Việt Nam. Lý do: tài khoản của họ tại ngân hàng dễ bị phong tỏa khi việc kinh doanh có vấn đề trục trặc. Vay tiền ngân hàng lại phải khai báo tài sản, trình luận chứng kinh doanh… vốn là điều tối kỵ, lỡ có thua lỗ, tài sản dễ bị tịch biên như chơi. Vì vậy, họ chỉ chủ yếu vay mượn qua lại trong cộng đồng, lãi suất dễ chịu hơn, lại đỡ khâu giấy tờ phiền phức. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể tìm ra người có tiền cho vay, còn khi có tiền nhàn rỗi họ cũng chưa chắc đã dám cho vay vì sợ khó đòi. Phát hiện ra điều đó, trong tay lại đang có bạc tỉ, Lâm Huê Hồ quyết định nhảy vào ngành kinh doanh tín dụng, nhưng không mở ngân hàng.

Chính sự nhún nhường trong các vụ áp phe lớn nhỏ trước đây đã tạo cho Lâm uy tín cần thiết để kinh doanh tín dụng. Khi vay tiền của ai, Lâm thường đáo nợ rất đúng hẹn. Ngoài tiền lãi thỏa thuận, Lâm còn giữ mối bằng những khoản lại quả khá hậu hĩnh. Ngược lại, khi có người nhờ vả, Lâm cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi hay đặt điều kiện gì quá đáng. Vì vậy, cả người cần vay tiền lẫn người có tiền dư đều thích tìm đến Lâm. Tại trụ sở của ngân hàng không đăng ký đặt tại 70 Trần Chánh Chiếu và 12 Trần Thanh Cần của Lâm, khách ra vào nườm nượp mỗi ngày. Thủ tục vay rất đơn giản. Khách chỉ cần ký xác nhận vào một cuốn sổ ghi nợ do các thư ký của Lâm đưa tới và cam đoan ngày trả là xong, có thể đếm tiền ra về. Hầu hết cộng đồng người Hoa, từ tiểu thương buôn bán nhỏ cần dăm chục ngàn đồng đến các đại gia cần vài trăm triệu cho một cú áp phe nóng khi tìm đến Lâm bao giờ họ cũng được đáp ứng đầy đủ. Tất nhiên, lãi suất của Lâm luôn thấp hơn lãi vay ngân hàng và tùy đối tượng. Người buôn bán cỏn con, vay ít, Lâm lấy lãi suất thấp, có khi giúp không lãi. Ngược lại, ai cần giật nóng, số lượng lớn, lãi cũng lớn, lên đến 2 – 3% mỗi tháng. Nhưng muốn vay của Lâm dứt khoát phải là những người quen biết của ông ta, nếu không phải có sự giới thiệu bảo lãnh của một người quen biết có máu mặt nào đó. Kể cả các vua như Lý Long Thân, La Thành Nghệ, Trần Thành, Mã Hỷ cũng đều từng là con nợ của Lâm. Tất nhiên, với những người uy tín như Trần Thành – Bang trưởng Chợ Lớn thì lãi suất chỉ tượng trưng độ 1 – 2%, thậm chí có lúc Lâm không lấy lãi. Chính nhờ sự biết điều như vậy nên dù điều kiện dễ dãi, Lâm cũng không bao giờ bị trốn nợ. Chính các con nợ sẽ đi đòi nợ giúp, dù Lâm không nhờ. Khách lỡ thua lỗ hoặc chưa có tiền, họ chỉ việc nhờ một ông bang trưởng nào đó nói với Lâm một câu, sau đó thêm một chữ ký xác nhận tiếp tục vay là đủ, chẳng bao giờ sợ bị xiết nợ hay phải cầm cố cho Lâm cả. Khách đông, lượng tiền mặt của Lâm ở mỗi trụ sở không lúc nào hụt dưới con số 200 triệu.

Để có tiền cho vay, ngoài số vốn có sẵn, Lâm còn được sự hỗ trợ tích cực của Mã Tuyên và Trang Trinh Nghi (Trang Tôn) hai vua rửa tiền của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín trong việc huy động vốn nhàn rỗi. Thay nhau làm mại bản và hoa vụ kinh lý cho ngân hàng này, Mã và Trang là người chịu trách nhiệm điều tra tài sản, gọi vốn từ cộng đồng Hoa kiều cho Việt Nam Thương Tín nên họ nắm rất chắc danh sách và khả năng của những doanh nhân người Hoa có tiền dư nhưng không muốn gửi ngân hàng. Bằng nhiều con đường, tất cả số tiền đó đều chảy vào quỹ tín dụng của Lâm Huê Hồ, được Lâm phát tán cho vay lấy lãi. Lâm trở thành một ông vua thực sự, điều tiết gần như toàn bộ thị trường tiền tệ của người Hoa Chợ Lớn – Sài Gòn. Vậy là người Hoa vay của người Hoa, Lâm Huê Hồ hưởng lãi. Có người tháng trước cho Lâm vay, tháng sau cần tiền lại tìm đến Lâm ký nợ. Lâm vẫn tươi cười, luôn nhã nhặn, nụ cười vẫn khắc khổ và lam lũ, sẵn sàng chiều hết mọi yêu cầu của khách. Không ít người đã tự vay tiền của chính mình, bằng cách ném tiền vào túi phải của Lâm và móc nó ra từ túi trái. Tất nhiên, có một ít “bạc lẻ” đã được rải ra, lót thành con đường tín dụng giữa hai túi áo của họ Lâm.

Dù là chủ nợ của hầu hết các vua, song Lâm vẫn ít giao du hình thức, ít dính líu đến các cuộc tiếp tân tranh cãi chính trị hay thời thế. Nguyên tắc bảo mật cho khách hàng do Lâm đề ra đồng thời cũng bảo mật luôn cho chính tài sản của ông ta. Cũng chính vì dính líu công nợ chằng chịt với nhiều thế lực tai to mặt lớn nên quỹ tín dụng của Lâm tuyệt đối an toàn. Không một đại gia nào dám nghĩ đến việc hạ bệ Lâm Huê Hồ vì ngại phải đụng chạm đến các ông bang trưởng, nghị sĩ, các vua đủ mọi ngành nghề. Tài sản của Lâm cứ thế không ngừng phình lên. Những năm 1970, quyền lực của Lâm được khắp Sài Gòn – Chợ Lớn nể vì qua câu so sánh: “Trần Thành, Lý Long Thân có tiếng, Lâm Huê Hồ có miếng”.

* * *

Cuối cùng, chỉ có Lâm Huê Hồ mới hạ bệ được Lâm Huê Hồ.

Sau năm 1975, các vua không ngai vội vã tẩu tán tài sản và vượt biên. Toàn bộ tiền bạc, tài sản đều bị họ bán tống bán tháo để mua vàng. Lâm cũng thế, nhưng không chỉ mua vàng cho riêng mình, Lâm còn tổ chức và đứng đầu một đường dây đại qui mô nhận tiền mua vàng và chuyển sang nước ngoài giúp các đại gia, tỉ phú khác. Lâm phụ trách khâu huy động nguồn tiền, Mã Tuyên mua vàng, Trần Thanh Hà và Trang Trinh Nghi lo việc chuyển vàng lậu sang Hồng Kông. Hoạt động ráo riết của họ khiến giá vàng ở miền Nam tăng với tốc độ chóng mặt, tạo nên cả một quốc nạn chảy máu vàng trầm trọng. Khi đánh hơi được những hoạt động phi pháp ấy sẽ bị bại lộ và trừng trị, Lâm Huê Hồ cùng đồng bọn quyết định đóng thuyền vượt biên. Nhưng cơ quan An ninh cách mạng đã nhanh hơn họ. Ngày 10.9.1975, khi Lâm và đồng bọn đang tập trung tại nhà ông ta ở đường Trần Thanh Cần chuẩn bị xuống tàu thì công an ập vào. Khám nhà, công an thu được hơn 400 lượng vàng giấu trong giẻ rách nhét trên xà nhà và các khuôn gạch thông gió. Lâm cùng toàn bộ bảy kẻ đồng phạm, trong đó có Mã Tuyên, Trần Thanh Hà, Trang Trinh Nghi, Đào Tắc Kinh (vua xăng dầu)… bị bắt. Tiếp tục khám kho của Lâm tại 190 Nguyễn Biểu và 203 Dương Công Trừng, công an tiếp tục thu được mỗi nơi hàng trăm gói giẻ rách quấn vàng bên trong.

Huyền thoại về “vua ngân hàng không có ngân hàng” sụp đổ và kết thúc.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/44990


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận