Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 16

Chương 16
Phú đi công tác xa mà không hẹn ngày về, cũng không để lại địa chỉ!

Phải chăng vì anh giận vợ đã không rộng lượng với em mình? Một bữa nọ, sau khi cô Sinh mới ra ở riêng chưa bao lâu, ngồi ăn cơm, Phú bảo chỏng lỏn:

 

- Từ mai, mẹ con cô Sinh sẽ sang ở đây một thời gian!

- Sao lại thế? Vừa ở riêng tốt thế, sao lại còn sang đây?- Mai Du hỏi lại chồng, vừa lo lắng, vừa hoảng hốt.

- Có người mua nhà trả giá hời, cô ấy muốn bán để kiếm lời. - Chồng Mai Du cắt nghĩa, anh nói như rạ chém xuống đá!

- Anh và mẹ quyết định rồi? Sao không bảo cô ấy nói với em một tiếng, cho biết có chị, có em?

- Cô ấy có thể nói với tôi một trăm tiếng chứ nhất định không chịu nói với cô một tiếng!

- Thế thì làm sao có thể ở chung trong một nhà? Ngày trước xảy ra những chuyện gì, anh biết rồi. Tưởng đã tử tế, biết điều hơn thì còn có thể trở lại, đằng này, cô ấy nhất định không chịu nói với chị dâu một tiếng, không cần biết có em trong cái nhà này thì tránh sao khỏi đụng độ? Rồi những chuyện nhục nhã như ngày trước lại vẫn có thể xảy ra: nào ăn cắp gạo, nào đổ nước vào bếp dầu...?

- Nhà này là của con trai tao. Thằng Phú đi nước ngoài về, bán cái xe máy một ngàn rưỡi bạc để mua mới có cái nhà này. Nhà mày là nhà tranh vách đất ở bên Lăng Hoàng Cao Khải kia. Mày đừng có mà giữ, đừng có mà cậy thế! Nhà con trai tao cũng là nhà của tao, tao muốn cho đứa nào ở thì cho. Giừ tao đang sống thì hắn mới sang ở đây. Tao mà chết rồi thì hắn cũng không thèm bước chân vào cửa nhà mày!

Bà mẹ chồng vừa chì chiết vừa cắt nghĩa ngọn ngành với con dâu như vậy. Phú muốn được việc mà không có cách nào thuyết phục vợ, cũng nói liều:

- Không phải bàn cãi nhiều! Ai có hộ khẩu ở đây thì


ở đây!

- Nếu anh đưa cái lý hộ khẩu ra mà quyết định, nếu cô ấy không nói được với vợ anh một lời mà anh vẫn cho cô ấy sang ở đây, thì nhất định em sẽ đưa cả ba đứa con đi nơi khác, sẽ dắt díu chúng nó đến nhà bà Kiều, đến họ hàng nhà anh ở nhờ!

- Chỉ hình thức, hình thức!

Phú lủng bủng mắng lại vợ rồi thọc đũa vào mâm cơm, bỏ đi. Và lẽ tất nhiên, những ngày sau đó anh vẫn không thể bảo được cô em bất trị nói với chị dâu một tiếng. Phú thấy căng thẳng nặng nề mỗi khi về đến nhà: Một bên là vợ, một bên mẹ với em gái! Phú muốn đi thật xa, để thoát khỏi ba người đàn bà trong nhà! Trái hẳn với lần trước, chuyến đi công tác Sài Gòn thứ hai này của Phú vừa đột ngột, vừa khó chịu. Anh không hẹn ngày về, cũng không một lời dặn dò. Người vợ tội nghiệp lẽo đẽo tiễn chồng, hai cái bóng dệch dạc đi trên sân ga...!

Trở về, Mai Du liên tiếp viết thư cho chồng, hàng ngày, tựa hồ như viết nhật ký.

"Anh!

Dẫu đã biết rằng thư anh đến sẽ chả có gì tốt lành, vậy mà em vẫn mong. Từ chiều, nghe tin thư anh đã đến, quả thật em vô cùng bồn chồn (chả là bọn nhỏ âm mưu giấu mẹ để đưa lại cho mẹ một niềm vui bất ngờ) nhưng mà em rất mừng và yên tâm.

Gần đây nghe thời sự, biết tình hình trong đó còn lộn xộn, không thấy tin anh, em cứ không dứt ra được cái ý nghĩ: hay là có điều gì không may xảy ra cho chính em? Rồi em lại vẩn vơ nghĩ đến cái gọi là "số phận của em" nó thế.

Nói vậy là muốn cảm ơn anh vì anh đã gửi thư về cho mẹ con em đỡ lo.

Bây giờ thì em có thể viết gì cho anh nhỉ, bởi vì anh "bận lắm" mà. Anh có thèm đọc không? Và anh có một chút thì giờ nào dành đọc thư em không?

Dẫu thế nào đi chăng nữa thì em vẫn viết, vì đã có địa chỉ của anh rồi đây. Còn anh đọc hay không, anh tin lòng em chân thật hay cho rằng giả dối thì cũng tùy anh tất cả. Anh có quyền với nó, vì đây chính là thư em gửi cho chồng em mà. Nhưng xin anh chớ bảo em đừng viết và chớ có trách em viết dài, bởi lẽ đã lâu lắm rồi, có bao giờ em được trò chuyện với anh đâu!

Đây nhé, ví như cái lần xảy ra câu chuyện với cô Sinh dạo nọ, cô ấy xỉa xói cả cái ăn, cái mặc của em, em bị nghi là ăn cắp gạo, bị vu đổ nước vào dầu... Tủi nhục lắm chứ! Em buồn lắm chứ! Một sự xúc phạm đến thế! Không chịu được, em bỏ đi vài ngày. Nhưng anh đã nói gì với em nào? Mặc! Đi thì đi! Rồi chị Hân sang ông bà ngoại gọi em về, chứ anh có an ủi em một lời nào? Mà em thì chờ đợi, và sẵn sàng trở về để lại chịu đựng tất cả, nếu được một lời an ủi của anh. Chẳng có lời nào cả, song nghĩ thương anh lang thang, thương chú Thọ không có chỗ ăn uống, đi lại cho tươm tất một chút, em đã trở về với trách nhiệm chủ nhà và tấm lòng người vợ. Và rồi, tối hôm đó em đến bên giường anh, khi đêm đã khuya rồi, con cái và mọi người đã ngủ cả, em bảo anh: "Làm thế nào chứ anh? Phải tích cực tìm nhà riêng cho cô ấy đi chứ!". Đó là lời em tâm sự, em năn nỉ, em bàn riêng với chồng em. Thế mà anh đã thét toáng lên: "Để cho người ta yên! Không phải một ngày hai ngày mà tìm được nhà!". Tiếng thét nổi lên giữa cái đêm khuya vắng lặng ấy nghe sao mà khủng khiếp! Tiếp theo đó là cái giường xếp đổ sập và cái màn rách toang vì đôi bàn chân của anh. Em vội chạy đi. Và cô Sinh vừa bò lên thang gác vừa lu loa: "Nó giết tôi rồi, bây giờ nó giết anh tôi! Trời ơi! Nó giết cả nhà tôi!". Thế đấy, em đã im lặng, nhưng mà em uất ức vì bị vu oan. Em thật cay đắng, không hiểu nổi vì sao anh lại có phản ứng kiểu như thế? Anh khổ tâm quá ư? Anh giận em không biết anh khổ, anh "khó xử", nên anh tùm lum vậy ư? Mà nào em có trách móc chì chiết gì anh cho cam. Em có hề xúi giục anh trách mắng hay xua đuổi gì cô ấy? Em chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở anh tích cực tạo điều kiện để có cuộc sống riêng ra cho khỏi va chạm mà thôi. Anh đã thương mình mà quá giận em chăng? Vả như vậy thì nào anh có biết thương em đâu. Anh có biết chăng em phải chịu đựng với cô ấy như vậy là quá đáng? Em làm sao chịu mãi được? Vậy mà anh đã phản ứng với em, cũng thật là quá đáng, khiến cho hôm sau hàng xóm hỏi: "Hôm qua anh ấy đánh chị à?". Thế đấy. Chỉ mới để cho hàng xóm lầm tưởng rằng anh đánh em, cũng đã đủ nhục lắm rồi, chưa nói là bị chồng đánh thật đâu nhá. Quả thật, tình cảm giữa chúng ta thật sự rạn nứt phải tính là từ đó. Trước thì cũng như người ta nói: "Bát đũa còn có khi xô" là sự thường, và còn có thể nói: chuyện bà, chuyện cô Sinh là tàn dư của xã hội cũ, là khách quan. Giờ thì chính là chuyện giữa hai người chúng mình, của anh và của em. Nếu anh không thét lên dữ dội, nếu anh không đạp giường, đạp màn thì chuyện xảy ra dạo đó lại vẫn chỉ là chuyện phụ giữa chị dâu em chồng như bao lần khác mà thôi, và tất nhiên em sẽ đủ sức chịu đựng dẫu có một nghìn lần hơn bị xúc phạm, nếu đêm ấy anh bình tâm bảo lại với em một lời rằng: "Anh biết em phải chịu đựng như vậy là quá đáng, anh cũng khổ tâm, nhưng anh chưa có cách nào giải quyết, anh đang tích cực tìm nhà riêng cho nó mà chưa tìm được". Thế có phải hơn không anh?

Quả thật từ đó em giận anh nhiều lắm. Và mỗi lần nghĩ đến cái đêm đó thật khủng khiếp như là ác mộng! Còn cái màn rách ấy, nhìn thấy nó, sờ vào nó là đủ rùng mình như động vào một vật đáng kinh tởm. Nói thật với anh, cái tâm lý của em như vậy. Cho nên chả bao giờ em có thể động đến cái màn ấy nữa đâu, chưa nói là đem vá lại.

Thế đấy anh à. Nhưng rồi dần dần nghĩ lại, em hiểu rằng anh lúc ấy là anh khác. Còn anh của em là anh trong những phút gần gũi yêu thương, anh trong những lời thư chân tình khi xa vắng dạo nọ, anh trong ánh mắt nhìn vui vui với con với vợ, dẫu chỉ rất hiếm hoi. Cho nên dần dần em quên đi cái đêm đen của dĩ vãng ấy để làm sáng dậy mãi mãi một tình yêu gắn bó đối với chồng.

Nhưng chả bao lâu, một chuyện khác lại xảy đến. Chuyện gì nhỉ? À, chuyện ăn bún chả muộn chứ có gì lớn lao đâu. Bởi nghĩ tới chồng con, em bày trò cải thiện. Lại muốn vui trong sự đầm ấm của gia đình. Thế mà ăn muộn một tí anh đã quát: "Minh! Bẻ cho ba quả chuối! Đói quá đi rồi!". Thế là anh đã châm ngòi để cho bà bắt đầu: "... Nó giam hãm... Tao không thèm... Thà ăn riêng còn hơn...". Bà nói gì thì nói, em chả trách bà. Em chỉ trách anh: Tại sao anh chả hiểu là chính anh đã châm ngòi?

Nếu như khi ấy vì em vụng về chậm trễ, hay là vì mải làm mà quên, để anh bị đói thì sao anh không lấy tình chồng mà nhắc em một câu: "Kiếm cái gì ăn tạm đi, anh đói lắm rồi. Bún chả làm lâu, để ăn bữa trưa". Như thế có hơn không anh? Tất nhiên lúc đó em sẽ rất sung sướng bóc mời tận miệng anh vài quả chuối hay là chạy mua vội cho anh ăn tạm mấy hào xôi.

Chắc hẳn rằng chưa bao giờ anh nghĩ em cũng đòi hỏi ở anh những lời nói ngọt ngào hay ít ra cũng mong ở anh một chút lòng thông cảm, mà đó là mong mỏi, là yêu cầu chính đáng của em thôi. Hay là anh nghĩ rằng chỉ có người đàn ông mới có quyền đòi hỏi vợ mình một sự dịu dàng?

Phải đấy anh ơi! Dẫu em chưa thực sự là một người vợ dịu dàng như chính lòng em mong muốn thì em vẫn mong được sống cùng một người chồng biết yêu thương, tình cảm với vợ kia mà! Anh cho rằng em đòi hỏi vậy là quá đáng và anh lạnh lùng tuyên bố rằng: "Tôi chỉ như vậy thôi", "Tôi không thể khác được", hỏi em không buồn, không giận anh sao?    lên

Vậy rồi anh bỏ đi, lang thang cơm hàng cháo chợ, một tuần, hai tuần rồi ba tuần. Cho đến khi bà về ăn ở nhà (cũng may hôm đó em "vờ ốm") anh mới chịu về ăn ở nhà!

Thế đấy! Nếu anh nghĩ đến trách nhiệm một người chồng đối với việc vun vén hạnh phúc gia đình thì sao anh nỡ làm như vậy? Em đã nghĩ rằng ở đây không có một "chữ hiếu" nào, một sự "khó xử" hay một tâm lý "sợ bà" nào cả chỉ có là anh không còn thương vợ, không có sự thông cảm, không có sự chung tình mới có thể như vậy thôi! Và rồi thật buồn cười, hàng ngày ta vẫn gặp nhau đó mà anh đã gửi bốn chục đồng cho các con qua tay bà! Thế nghĩa là anh làm tròn trách nhiệm của người cha? Như thế là anh đã quyết định ăn riêng và dứt tình chồng vợ? Có phải thế không nào?

Đó là điều sứt mẻ thứ hai, đáng kể. Trong lần này, cho đến bây giờ em vẫn chưa thể hiểu em sai ở chỗ nào? Phải chăng chỉ là em bày trò mà làm chậm trễ để anh đói, và nhất là để cho bà ngay từ bữa bún chả ấy đã không thèm ăn nhà?!...

Anh ơi! Em đã viết như chưa bao giờ được viết. Viết bao giờ hết những chuyện như thế này đây? Hết chuyện này rồi chuyện khác, giận lành lành giận, nối tiếp nhau như một chu kỳ đáng nguyền rủa mà không thể nào tránh
được vậy.

Rồi "chiến tranh lạnh" cũng kéo dài hàng tháng, gần giống như bây giờ đây, chỉ vì chuyện mấy cái nan giường! Thật quá lạ lùng đối với em! Thật không thể nào hiểu nổi đấy! Tại sao có mấy cái nan giường đơn giản thế, nhỏ mọn thế mà anh đùng đùng quát mắng, vứt ném xuống và dằn dỗi em: "Ai có sáng kiến về lấy mấy cái nan giường đưa sang làm cửa cho ông bà ngoại?". Nếu anh bảo rằng "xấu hổ với bà nội", thì nào lúc đó em có thấy bà nói một câu nào đâu. Mà nếu anh thầm hiểu ý bà thì sao anh không ngầm ngăn chặn để tránh điều tai họa cho vợ? Chỉ cần anh đưa mắt ra hiệu em đừng lấy những cái đó trước mặt bà là em đủ hiểu, hay là anh tìm cách cho em biết rằng những việc như thế để chính anh làm thì hơn, anh đưa sang thì hơn. Như thế tình chúng ta có phải hạnh phúc không nào?

Quả thật như anh nói "cho đến bây giờ em vẫn chưa hiểu hết tính nết của anh" đó. Quả thật cho đến bây giờ em vẫn không cắt nghĩa nổi tại sao chuyện mấy cái nan giường có thể làm anh phản ứng như vậy? Mà em đã hỏi anh, nhờ anh một cách nhẹ nhàng, chứ đâu phải sai bảo hay tự quyền tự ý mang của nhà về bên ngoại cho cam?

Có phải chăng đối với em, đã không còn tình nghĩa yêu thương cho nên lúc nào anh cũng sẵn sàng phẫn nộ? Cũng như một lần em ốm mà anh đã phẫn nộ mắng nhiếc, vừa đây là sự mở đầu cho giai đoạn "máu lửa" vừa qua.

Cũng đã biết phận rồi, chả dám nhõng nhẽo nũng nịu gì anh đâu, nhưng mà hôm đó em mệt từ ở trường. Đã mệt thì vui sao được? Còn muốn nói cười sao được? Gắng gượng một chút rồi em đi nằm. Em rét và muốn nhờ anh đắp hộ cái chăn (chả lẽ em lại nhờ mẹ, nhờ ai khác khi chính có chồng em đang ngồi đấy - có anh), thế mà sao anh nổi cáu: "Muốn gì thì nói. Không có lối ngồi lì lì rồi lên nằm chềnh ềnh ra đấy. Đẹp gớm nhỉ? Chả ra cái thá
gì hết!".

Thế đấy! Anh có nhớ rằng chính anh đã nói em như vậy không? Anh có nghĩ rằng như vậy là anh đã xúc phạm không kém phần quá đáng đối với em không? Anh mắng em trong khi em ốm, mà có lẽ cả đời em mới ốm sơ sơ như vậy có một vài lần. Sao anh nỡ mắng em? Hay anh cho rằng em nhõng nhẽo làm phiền anh không phải lối nên đáng phỉ báng cho bõ ghét? Anh ra oai với vợ trước mặt bà? Hay anh cho rằng em ốm giả vờ để muốn sinh sự gì đây? Ôi! Cứ cái kiểu "đa nghi Tào Tháo" vậy thì còn chi là tình chồng? Lại trước mặt mẹ và các con! Em có thể nghĩ thế nào tốt đẹp hơn về anh?

Đúng là đối với em, lúc nào anh cũng có thể phẫn nộ. Anh chẳng còn yêu thương em. Vậy thì anh đã yêu ai? Phải chăng em là cái trở ngại đang làm vướng cản lối anh đi mà bao giờ anh cũng cảm thấy thật là gai mắt, thật là khó chịu? Chưa có thể phát quang nó đi được nên anh cứ bực dọc tức tối vậy sao?

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà có những khi em mê thấy chính người mình yêu đang tìm cách "xóa hộ khẩu" của mình!

Lẽ tất nhiên anh không bao giờ như thế và em vẫn còn sờ sờ ra đây. Nhưng mà cay đắng thật! Khi điều đó là hiện thực chứ không phải là mộng tưởng quái gở thì giữa chúng ta sao chẳng hóa địch thù?

Nhưng em không tin như thế, và không bao giờ muốn thế. Em còn hy vọng, còn tin tưởng, còn mong mỏi tốt đẹp hơn trong tình cảm vợ chồng nên em đã nói ra cái ý đòi hỏi một tình chồng thông cảm và yêu thương với em trong cái bữa tối hôm đó. Nhưng anh lại đã phẫn nộ rồi! Em muốn anh hỏi em một tiếng "mệt à?" hay bảo con "mời mẹ lên ăn cơm". Anh lại quát: "Cô không phải là bố tôi mà tôi phải mời, phải hỏi. Tôi chỉ có thế thôi".

Ôi! Một người chồng thì có thể như vậy ư? Có quyền như vậy ư? Em muốn anh nói nho nhỏ kẻo hàng xóm nghe họ cười, anh lại bảo: "Đạp cho nữa, chứ không phải chỉ nói to!". Không giữ được mình nữa, em bảo: "Đàn ông mà cứ hành hung quát tháo, đòi đánh vợ là... sa đọa". Ừ, em dùng chữ này sai. Vừa buột miệng ra em đã hiểu là sai rồi, nhưng đã lỡ, chưa biết làm sao được thì bàn tay anh đã chịt lấy cổ vợ anh rồi! Và em đã phản ứng để tự vệ vì không cam chịu nhục, không muốn mang cái mặt sưng vù vì chồng đánh mà lên lớp. Chỉ cốt thế mà thôi. Nhưng thấy anh ngồi gục xuống rũ rượi thì em đâm ân hận, và thấy anh áo xống phong phanh bỏ đi thì em hoảng, em lo thật sự! Em đi tìm anh và tim em thót lại từng giây cho đến khi anh trở về.

Anh có tin là không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ lúc đó em đã lo, đã hoảng, đã ân hận vì một lời nói ngu ngốc và sự phản ứng không cần thiết của mình không? Sự thật đó anh à. Giận đó mà em lại thương anh ngay rồi đó. Vậy mà chính lúc em đang dằn vặt với chính lòng mình như vậy thì anh vẫn nghĩ rằng trong chuyện này anh đúng mười mươi phải không nào? Anh cứ kể mãi, nhắc mãi hai tiếng mà em đã trót lỡ dùng sai đó chăng? Nếu vậy thì em chân thành xin anh hãy rộng lòng tha thứ cho em một lần.

Sao anh lại cho rằng "đó là cao điểm của ý nghĩ và tình cảm của em đối với anh?". Không phải thế đâu anh à. Nếu đúng thế thì chả hóa ra em là một con điên mà anh cũng đã yêu, đã quý để có chung ba đứa con vậy ư? Xin anh hãy coi rằng em lúc đó không phải là em và chỉ lúc đó mà thôi. Người ta nói rằng "giận mất khôn" mà anh!

Còn biết làm thế nào hơn được đây? Một lần nữa em xin lỗi anh về hai tiếng đó! Anh có sẵn lòng tha thứ cho em không, anh? Có lẽ nào anh cứ mãi mãi để bụng đến nỗi không thể còn được một tình yêu với em, trái lại, em thì có thể quên đi hết để lại vẫn nhớ lắm thương nhiều người mà em "giận thì giận, yêu còn yêu", đến nỗi phải xót xa, giày vò, khắc khoải thế này đây!

26-27/4/77

...!

Thật khổ cho l òng em! Muốn đề lên đấy ba chữ "Anh thân yêu" mà không dám. Cũng như bao lần nhìn ngắm chồng cho đã nhớ nhưng chỉ nhìn trộm mà thôi! Anh có biết không, đã bao nhiêu lần em thầm trách anh "không có giác quan thứ sáu", bởi vì chưa bao giờ em nhận thấy anh linh cảm biết rằng em đang lặng nhìn anh khi anh ngủ!

Không biết được số phận những bức thư này của em sẽ ra sao, nó sẽ đưa đến cho anh một mối cảm thông sâu xa hay là một lòng căm giận khinh ghét! Nhưng mà em vẫn viết và xin anh cứ để cho em được viết vì chưa có bao giờ em được nói anh nghe về những ý nghĩ của em.

Cũng có khi em nghĩ, mười hai năm đi lấy chồng mà cuộc sống hạnh phúc sung sướng trong tình yêu thương hồn nhiên của em thật là ít ỏi, nhất là từ sau cái "sự kiện ở huyện H" đáng nguyền rủa ấy! Có chăng nó cũng chỉ thản hoặc và tan biến đi nhanh chóng như những tia sáng chớp lóe lên rồi vụt tắt ngấm giữa những đêm đen dông tố phũ phàng mà thôi. Từ ấy, từ cái tháng 3 -1966 tai ương chướng họa ấy và nhất nữa là từ ngày em về sống chung với anh, với mẹ trong một căn nhà, cả với cô Sinh nữa, em cũng đã thử tính xem em đã mất gì, được gì?

Nói được thì rõ ràng em đã được ba đứa con nhờ anh. Ba đứa con rất ngoan, thông minh, xinh xắn yêu quý biết chừng nào! Em phải cảm ơn anh, vì hầu như tất cả những nét tinh túy nhất của anh đã gửi vào ba đứa con của chúng ta, làm nên niềm tự hào, sung sướng thật sự cho lòng em. Chính các con là sợi dây thiêng liêng ràng buộc gắn bó chặt chẽ em không phải chỉ với anh, với gia đình ta mà còn với cả cuộc sống. Yêu các con, em càng thấy mình phải sống và có ích cho đời hơn. Cái được đó không có gì sánh nổi, mặc dầu em đã mất nhiều lắm, mà trước hết là mất một tâm hồn tươi trẻ và rất hồn nhiên của em! Trước kia, em sống thoải mái, tự nhiên, cởi mở lắm kia, nào phải đâu cứ chìm ngập trong những chuỗi ưu tư phiền muộn nặng nề thế này! Nào phải đắn đo, dè dặt bởi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ gây nên sự hiểu lầm của người khác! Trước kia, em chỉ có nụ cười rạng rỡ của hạnh phúc trong tình yêu và cuộc sống, giờ thì, anh biết đấy, em chỉ có những giọt nước mắt đắng cay rơi đẫm gối và nặng trĩu trong lòng em!

Thứ hai, em mất gì? Đấy là em mất danh dự, mất uy tín. Trước kia, ở đây cũng như ở Kim Liên, ở Thái Hà Ấp và ở cả huyện H. nữa, nếu không có những xung đột đã xảy ra với cô Sinh, với mẹ thì người ta nhìn em bằng cặp mắt yêu mến, và nghe em nói với một lòng vị nể, kính phục là đằng khác. Có xung đột rồi thì tránh sao khỏi sự nghi ngờ? Dẫu người ta có tốt đến đâu cũng chẳng thể nào hiểu vấn đề cho thật rõ rành ra được. Em đã tự thấy điều đó để thấy rằng mình không đủ trọng lượng trong lời mình nói, việc mình làm nữa rồi. Vừa đây, em xin từ cái chức tổ trưởng phụ nữ khu phố cũng là vì thế. Mặc dầu người ta cứ ấn mình làm và người ta nói rằng "cô ấy đáo để thật", hay là "chính nghe bà cụ nói, bà cụ kể, cũng đủ hiểu bà cụ khó tính lắm". Bà cụ đã nói những gì? Trong cuộc họp này không có bà cụ thì người ta nói vậy. Song ít ra thì người ta cũng đã hiểu đúng: nhà mình không hòa thuận, không hạnh phúc. Vậy thì em còn có thể nói ai nghe về chữ hạnh phúc, bình đẳng trong gia đình, về vấn đề xây dựng gia đình văn hóa mới, về quan hệ mẹ chồng con dâu... trong trách nhiệm một người tổ trưởng phụ nữ?

Thế đấy anh. Ai đã làm em mất uy tín với hàng xóm? Ai đã làm em mất danh dự để người nghe có thể tưởng rằng chính em cũng có thể là đứa "ăn cắp gạo" hay độc ác đến có thể "đổ nước vào dầu" để làm hại em chồng? Người ta dẫu không tin cả mười phần thì chắc cũng tin một hai! Thế đấy! Lại còn chuyện ngồi lê mách lẻo, bày đặt chuyện làm quà để "vạch áo cho người xem lưng"! Chả thế, trong cuộc họp hôm nay, để thuyết phục em "giữ chức", những bà con mà em cho là tốt bụng, đứng đắn ở đây đã kịch liệt phê phán cái thói đời "rỗi rãi ở nhà cứ tụm ba tụm bảy tán chuyện người khác làm mất đoàn kết!".

Rời huyện H, trong bao nhiêu kỷ niệm đẹp của em cũng có những kỷ niệm chua xót, đau lòng: một cuộc va chạm đến nảy lửa với cô Sinh và... một cái thai non!
Đấy không đáng buồn sao? Đấy không là điều mất mát
của em sao?

Nhưng lúc ấy dầu chưa có được con thì em vẫn còn một thứ rất đáng quý để cho em có đủ sức mạnh mà vượt qua tất cả những chông gai của cuộc đời. Đó chính là tình yêu của anh. Hẳn anh còn nhớ anh đã viết gì trong thư gửi cho em sau "cơn thử lửa" đầu tiên ấy và cả những thư sau. Rồi anh còn có đủ can đảm để ra đi tìm em hàng trăm cây số bằng xe đạp, mặc dầu em đã không dám để anh đi cùng. Đến khi em phải gánh chịu nỗi đau của người mẹ sẩy mất đứa con đầu lòng thì, dẫu anh vụng về không biết cân
cho em một thang thuốc bắc, em vẫn hiểu rằng anh rất thương em.

Vậy nhưng, từ khi em về trên này, em yếu vì mới sẩy, em ốm vì động thai, cho đến ngay khi vừa sinh nở cu Quang có vài tháng... chuyện buồn cứ liên tiếp xảy ra hoài! Nào cái chuyện em ở trên Phúc Thọ đạp xe về mà hay nằm, nào chuyện "cái xoong thì cất mà con gà của cô Sinh ngoài bếp thì không sợ mất", "trứng khôn hơn vịt", "có mất cũng không đến lượt cô sắm! Câm mồm đi!"... Và từ đó đã có bao ngày tháng im lặng kéo dài! Ra đi cùng nhau một đoạn đường mà đầu anh không bao giờ ngoái lại. Chuyển nhà sang khu Lăng Hoàng Cao Khải, anh ở riêng một phòng, v.v. và v.v....

Quả thật là đến nay, cứ như thế, dần dần... em mất hết! Còn đâu nữa những tình cảm yêu thương trong cái thuở ban đầu? Còn đâu nữa tình anh? Hàng ngày dẫu vẫn sống chung một căn nhà đấy, mà đã "nhạt hơn nước ốc, đắng ngang bồ hòn" thì em hiểu rằng em đã mất chồng rồi! Em mất anh! Sự thật là em đã mất anh! Mà ngay cả trong thư vừa đây của anh cũng đã khẳng định rằng: em mất hết! Mất hết rồi!

Anh bảo "số phận của em" thế ư? Trời ơi! Sao đời lại buộc em vào một số phận cay nghiệt làm vậy? Trời ơi! Sao em có chồng mà lại cũng như không? Em bảo rằng em chẳng được hạnh phúc thì sai ở chỗ nào? Em bảo rằng "em đã l m" anh lại không hiểu cho em được sao?

Lầm là trước đây em những tưởng chúng mình có học thức, có đức hạnh cả, lại có một chuỗi kỷ niệm của tình bạn yêu mến giận hờn không phải ai cũng có. Chúng ta hiểu nhau rồi, tình chúng ta sẽ đẹp, và rất đẹp. Vậy mà đến giờ ta vẫn chưa hiểu nhau!

Trước đây, hình ảnh cô em chồng cứ lẽo đẽo dắt xe đạp theo suốt mấy dãy phố ở Vinh cho anh chị dốc bầu tâm sự trong cái đêm 1-9-60 ấy, em cứ ngỡ rằng cô em chồng của em ngoan. Trước đây, qua những lời thư sai nhiều lỗi chính tả mà rất tình cảm của mẹ gửi cho em (con dâu tương lai) và qua lần gặp mẹ đầu tiên ấy, khi em dè dặt hỏi: "Mẹ ơi! Con thì không nói chứ anh Phú ra đi giữa mồng một tết, mẹ có kiêng không?", em được nghe mẹ dịu dàng: "Kiêng gì. Việc đi thì cứ phải đi chứ! Kiêng gì", và
em cứ ngỡ rằng mẹ cũng dễ tính và không nặng đầu óc phong kiến.

Như vậy đó, và em tin rằng em sẽ sung sướng, gia đình ta sẽ hạnh phúc. Vậy mà bây giờ thì sao? Anh ơi! Em có nói "lầm" thì điều đó có nghĩa là sự thật đã khác quá với điều em dự đoán mà thôi. Trước đây, đi lấy chồng, có ngờ đâu bây giờ chồng em bảo: "Anh chỉ còn là người bạn tốt của em thôi!". Có ngờ đâu chỉ chưa đầy một năm sau ngày cưới, cô em chồng ngoan ngoãn của em lại xỉa vào chị dâu trước mặt mẹ và anh mình cùng bao người xa lạ mà nói rằng "mày đã cướp hạnh phúc của gia đình tao", "mày làm cho nhà tao tan nát...". Ngày ấy, sau buổi cưới, anh nói với em một câu đầy yêu thương là: "Tội nghiệp vợ tôi, từ đầu đến chân đều là của đi mượn!". Em sung sướng và tự hào chứ không một chút mủi lòng, vì anh thương em và vì bản tính em trong sạch, không đòi hỏi anh sắm cưới. Em thương anh như chính thương mình. Cũng như, cầm món quà cưới duy nhất của mẹ gửi ra là cái vỏ chăn hoa, em cảm động và nghĩ thương mẹ nghèo, vì mẹ chỉ có một mình! Vậy mà bây giờ mẹ bảo: "Tao không mất xu nào cưới hỏi mày". Thì ra mẹ khinh em, em quá dễ dãi không thách cưới thách hỏi, thì mẹ khinh em!? Cũng như em có ngờ đâu cái tết năm 64 ấy, em về quê chồng chưa cưới một ngày cho biết, vượt qua mọi dư luận có thể có của xã hội mà về theo tiếng gọi của trái tim anh, để rồi mười ba năm sau - mẹ chồng em lại bảo: "Mày là đồ đị (đĩ)" "Mày không là đồ đị mà mày rúc l... về trong Yên Lý để quyến rũ con tau, rồi 6 tháng sau mày giục con tau cưới, mày không là đồ đị à?".

Thế đấy anh! Những sự như thế làm sao em có thể ngờ được? Mà nếu như em đã ngờ, đã biết trước vậy thì em... đâu dám! Anh ơi!

Đối với bà, em vẫn kính vẫn trọng và vẫn thương, song bà quá ghét bỏ mà không chấp nhận hay không muốn hiểu cho em mà thôi! Tình thương của em đối với bà cũng chân thật, tự nhiên vô cùng. Lẽ tất nhiên là em cũng đòi hỏi và cầu mong được bà thương lại, hay ít ra là cũng muốn bà thực tình vun vén cho hạnh phúc nhà mình. Không được như thế thì em buồn, em giận và em trách. Thế thôi. Đối với bà, lỗi của em có chăng chỉ là ở chỗ em vụng về chân thật quá, không biết khéo léo xun xoe nịnh bợ. Nhưng theo em, sống chân thật mới là đáng quý, mới là khó, chứ giả tạo thì chán vạn người biết giả tạo, hơn em. Chỉ có điều là em hay thanh minh, hay lý giải để mong bà biết lẽ phải trái. Nhưng nếu như anh đã bảo: "Bà già rồi, bà nói gì cũng được, bà muốn gì cũng chiều! Tranh phải trái với bà là sai!" thì đúng là em đã sai! Không biết cam phận, không chịu nhẫn nhục để tạo nên một cái vỏ bọc cho ra vẻ gia đình êm đềm hạnh phúc, cũng là sai?

Vâng, em sai. Và có gọi là "hỗn" thì mức độ của chữ "hỗn" với mẹ chồng, ở em, chỉ có là như thế. Vâng, giá như ai nói gì mặc ai, em cứ nín lặng mãi mãi thì có lẽ anh
thỏa mãn?

Nhưng sức chịu đựng của em cũng chỉ là có hạn. Mà có lẽ anh cũng nên thấy em đã chịu đựng quá nhiều rồi. Chưa hiểu điều đó thì quả là anh chẳng có một chút tình thương em chứ chưa nói rằng yêu.

Giá thử em hiểu được anh thông cảm và thương em nhiều trong cái cảnh sống này, như trong bức thư anh viết về sau cái "sự kiện huyện H" ấy thì có lẽ em sẽ đủ sức để mà nín lặng chịu đựng, như hồi ấy em đã nín lặng chẳng hề nói một lời nào.

Giá thử anh hiểu rằng bà đối xử với em là quá đáng, cô ấy hỗn với em là quá đáng thì chắc em cũng chẳng cần tranh phải trái mà làm gì. Nhưng mà sau mỗi lần va chạm giữa ba người đàn bà trong nhà thì khoảng cách giữa chồng em với em lại xa thêm một quãng! Anh nghe bà và cô ấy nói riết, nói mãi rồi anh cũng tin, anh cũng nghĩ xấu về em, anh trở nên lạnh nhạt với em! Và em hiểu vì thế mà dần dần mình mất hạnh phúc! Bà và cô Sinh đã thường xuyên đào khoét mãi cái hố sâu ngăn cách giữa em với bà và giữa em với anh! Rồi đến một lúc chính anh cũng đã tự tay cầm xẻng mà góp phần đào cho hố đó sâu thêm nữa!

 

Em nói thế là vì, trước những cuộc xung đột giữa những người đàn bà trong gia đình, nếu anh - người đàn ông, anh im lặng thì còn là dễ hiểu (vì anh "khó xử"). Nhưng đằng này anh đã nói thêm gì?

Cô Sinh nói: "Mày là đồ khố rách áo ôm, mày ở nhà tranh vách đất mà giờ mày ăn diện như thế kia! Mày ở nhà cao cửa rộng mà không biết ơn nhà chồng? Nhà này anh tao bán xe máy một nghìn rưỡi bạc mua cái nhà này mới có..."! Anh chả dám bảo nó: "Nhà của anh cũng là của chị, của vợ cũng là của chồng" thì thôi, đằng này anh lại bảo: "Nhà của nhà nước. Ai có hộ khẩu ở đây thì ở đây". Đó cũng là tiêu cực rồi. Anh nói như vậy là điều không đúng lẽ phải rồi! Bởi nó đang lấy thế anh trai có tiền mua nhà thì nó cậy quyền với em vậy chứ em có nói rằng nó không được ở nhà này đâu, em chỉ bảo "cô ấy phải nói với em một tiếng cho biết có chị, có em mới trở lại ở chung được, để tránh xảy ra điều này tiếng nọ như ngày trước đã xảy ra", chứ nào có phải em cậy quyền cậy thế gì đâu mà anh đưa hộ khẩu ra?

Mẹ nói em: "Giáo ăn mày" tò mò xem thư anh chị Thiệu gửi cho bà, bà nói em xúi con mình đánh con cô Sinh... anh cho là đúng sao? Bà nói em "rúc l... về Yên Lý" quyến rũ anh, cũng đúng sao? Bà nói em "dạy con đánh địa chủ thì đừng ăn nằm với địa chủ" cũng đúng sao?

Đáng lẽ anh có thể lấy tình người con mà ngăn mẹ đừng nói bậy, thì anh lại bảo rằng: "Bà nói làm sao lại được?". Thế nghĩa là thế nào? Phải chăng anh công nhận bà nói đúng? Anh cho rằng bà nói như vậy với em là chưa đủ? Hay là anh nói như vậy để chặn đứng, không cho em được quyền thanh minh? Anh sợ em tranh phải trái với bà? Thật là anh chỉ có một chữ "hiếu" mù quáng đến không còn biết sai biết đúng! Anh không hề bảo vệ em một chút nào gọi là! Thậm chí cả đối với trẻ con! Cái Lâm nó bảo: "Mẹ anh nấu thì em không ăn". Thế là anh vội vàng chữa lại: "Không, bà nấu đấy, không phải bác Mai Du nấu đâu"! Khi em cho nó một cái gì, nó lắc đầu không lấy thì anh vội bảo: "Của bà đấy, của bác Phú cho đấy, không phải của bác Mai Du cho đâu!".

Trời ơi! Anh không dám phân phải trái với bà, cũng không dám phân phải trái với cô Sinh, và bây giờ thì đối với bọn nhỏ đó anh cũng không còn dám cho chúng nó hiểu thế nào là đạo nghĩa, thế nào là phải trái nữa ư? Vậy thì em nên hiểu vai trò của anh trong cái gia đình này như
thế nào?

Tất nhiên anh bao giờ cũng là rường cột đáng tin cậy của em. Anh mãi mãi là người chủ lớn trong cái gia đình này (nếu như không nói người chủ danh dự là mẹ). Song, phải chăng người đàn ông trong gia đình chỉ là người chủ theo cái nghĩa là có thể tự quyền quyết đoán mọi việc mà không cần nghĩ tới vợ? Nhớ cái hôm anh về nói chuyện "cô Sinh sắp bán nhà và sẽ sang ở đây một thời gian". Em không phản ứng, song chỉ có một yêu cầu: "Cô ấy nói với em một lời cho biết có chị có em trong cái nhà này".
Vậy mà anh quát em: "Người đâu không rộng lượng, chỉ hình thức!".

Anh cứ day đi day lại mãi rằng em đòi quyền bình đẳng với anh! Và anh khẳng định: "Trong nhà người đàn ông có quyền tự quyết, không có chuyện bàn bạc gì cả, không có vợ chồng bình đẳng gì cả", "trên ra trên, dưới ra dưới rõ ràng!'.

Anh ơi! Cũng có lúc trong yêu thương người ta đưa nhau thay bậc đổi ngôi một chút có sao nào? Mà ở đây em chỉ muốn nói, muốn đòi cái quyền được làm vợ anh thôi! Vậy mà anh đã không cho!

Trời ơi! Em mất hết cả rồi! Và giờ đây em cũng đã mất cả anh! Đau xót và buồn bã! Nhục nhã và tủi hổ! Thương cho con mình và ngượng với cả mọi người! Sứt mẻ quá lắm thật! Tổn thất nặng nề thật! Khó mà hàn gắn lại thật!

Nhưng mà nghĩ đến các con, và sự thực lòng em vẫn yêu anh, nên cũng như em đã nói, em thấy chúng ta có trách nhiệm phải tự hàn gắn lại và tin rằng hàn gắn được.

 

Song, nếu anh nhất định không chịu chấp nhận thiện ý của em! Nếu như anh cố tình dứt khoát đánh ở đây một dấu chấm hết không hề thương tiếc thì...

Anh ơi! Anh đừng nghĩ rằng chúng ta có thể sống với nhau trong một căn nhà mà anh chỉ là người khách trọ, hay nói cho đẹp đi chăng nữa "anh là người bạn tốt của em". Không thể thế đâu anh ơi! Vì em chẳng là đá mà anh cũng không phải là tượng gỗ kia mà. Dẫu đã tàn héo em vẫn có một tâm hồn, một trái tim. Như anh đã biết đấy, em sống nặng về tình cảm mà. Em có thể nhịn ăn để nhìn chồng con ăn ngon. Em có thể đừng ngủ để ngắm chồng con mình ngủ. Chắc anh đang cười em: "Chỉ lãng mạn vớ vẩn, không thực tế tí nào". Thì đã chả có lần em chịu nhịn ăn lên thẳng bệnh viện rồi đi dạy bổ túc văn hóa để được nhìn anh chịu ăn đó sao? Và nếu anh đã tin và hiểu rằng em sống nặng về tình cảm thì ít ra anh hãy cứ có một chút tự hào về chỗ "lãng mạn và không thực tế" của em đó chứ?

Vậy nếu quả thật anh không thể nào thấy có thể sống với em trong một tình yêu vợ chồng chân thực nữa thì... có lẽ nào? Có lẽ nào em lại cúi sát đất mà cầu xin anh, hay nói cách khác là cứ buộc chặt số phận anh vào cuộc đời tàn tạ của mình?

Không anh ơi! Em không bao giờ như vậy để làm khổ phần đời còn lại của anh. Trái lại, em cũng biết hy sinh và em sẵn sàng... để cho chồng em có được sự thoải mái trong hạnh phúc, nếu như anh muốn.

Anh không còn tin yêu em nữa mà anh bảo em rằng "nghĩ một cách sống như thế nào cho tốt nhất", thì bây giờ em sẽ xin phép anh cho em... được hoàn toàn sống riêng ra với các con.

Sự thật là... Em phải thú nhận với anh một sự thật là: em không còn đủ nghị lực để chịu đựng một cuộc sống như vừa qua nữa rồi!

Không bao giờ, mãi mãi sẽ không bao giờ em có thể sống chung với anh trong một căn nhà, dẫu anh là người bạn tốt đến n lần tốt, chứ anh không phải là chồng yêu thương của em!

Sự thật là vừa qua, nếu anh không đi công tác, nghĩa là nếu chúng ta không có điều kiện để xa nhau một thời gian thì có lẽ em hóa điên lên mất! Thật là may chúng ta được xa nhau một thời gian, cái điều em đang tưởng cố tìm cách thực hiện mà chưa thực hiện được.

Còn bây giờ, anh thử đoán xem nào, em có mong anh chóng về không? Nếu cứ thả lòng ra theo tình cảm tự nhiên của nhớ thương và hy vọng, nếu tin rằng anh đã hiểu em rồi thì em mong chắp cánh mà bay tới bên anh để được anh dần dần đền đáp lại cho em những mất mát. Song nếu cho rằng anh vẫn thế, vẫn thờ ơ, hờ hững và không một chút thiện ý thì nói thật... em rất sợ anh về! Thà ta xa nhau còn hơn, chứ sum họp theo kiểu ấy thì sống làm sao cho được?

Em vẫn muốn anh là "bạn đời của em" chứ không phải là "người bạn tốt" chịu gắng gượng sống chung với em trong một căn nhà cho đến hết cuộc đời. Nếu như thế, em sống riêng với các con thôi còn sung sướng gấp vạn lần sống cay đắng bên anh.

Vậy thì còn trói buộc chân anh làm gì?

 

*

*       *

 

Gửi những bức thư ấy đi, nghĩa là từ khi được trò chuyện với chồng, được nói hết mọi nỗi niềm suy tư và bộc bạch tình cảm với chồng, Mai Du thấy lòng mình vợi nhẹ đi rất nhiều. Và cô hy vọng. Cũng từ đó không bao giờ Mai Du nhắc lại chuyện cũ nữa. Những bức thư tiếp theo cô viết cho chồng đều sáng láng, tươi tắn, vui vẻ, lạc quan. Cô hồn nhiên khoe với chồng về một giờ hội giảng thành công, mong anh đọc thấy mấy bài trên báo Nhân Dân, báo Hà Nội Mới mà cô vừa tập tạnh theo chồng để viết. Cô ước ao được chồng hỗ trợ để cô thực hiện dần những dự định mới mẻ cho tương lai, đặng có thể thỏa nguyện khát vọng của cả hai người từ xưa mà anh từng nhắc nhở: "Mai Du tập viết đi, biết đâu mai ngày cả hai đứa mình cùng có tên trên một tác phẩm văn học nào đó có ích cho đời chăng!". Lòng Mai Du vui vui. Cho nên tất cả mọi trắc trở gian nan ở nhà cô đều vượt qua nhẹ nhàng. Chuyện cô Sinh bị tai nạn, và ngay cả chuyện thằng con cả bước lên cái ghế lệch chân ở nhà bạn, bị ngã đến rạn cả xương cùi tay, Mai Du cũng không muốn kể để khỏi bận lòng chồng. Cô chỉ báo thoáng qua cho anh biết.

Cuối năm học, Sở Giáo dục cử một đoàn về kiểm tra tổ Văn - tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa đầu tiên và duy nhất của trường do Mai Du làm tổ trưởng, công việc càng thêm bận. Sở đã khẳng định vai trò và tác dụng của tổ Văn trong trường với bao nhiêu thành tích đáng ghi nhận cả về bề sâu lẫn bề nổi: nào chất lượng sinh hoạt chuyên môn cao với những buổi trao đổi giáo án, sinh hoạt chuyên đề, dự giờ thăm lớp,... nào phong trào Hội giảng, Kiểm tra dân chủ, thi đua dạy tốt, học tập trường bạn... Lại còn tổ chức những hoạt động khác nữa của tổ Văn, như tổ chức cho học sinh phát thanh, diễn kịch, sáng tác, bình thơ, ngoại khóa văn học... mà Mai Du là một con chim đầu đàn. Cùng với vinh dự của tổ, của trường, Mai Du đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua năm ấy.

Nhưng tất cả những niềm vui ấy Mai Du chưa vội kể cho chồng. Bởi cô nhận thấy những bức thư của chồng cô gửi về vừa đây, nghĩa là sau khi đã đọc những lời thư "nói hết" và rất tâm huyết của cô, vẫn tiết kiệm lời như những bức điện tín! Anh chỉ thông báo một vài điều thật cần thiết và hỏi thăm tình hình sức khỏe của mọi người. Hình như anh vẫn cố tình giữ một ranh giới phân cách và chưa hết cái giọng dằn vặt bực bội! Thì Mai Du lại cảm thấy là mình chưa nói hết. Và cô lại muốn nhân cơ hội Phú đang ở xa mà tiếp tục trò chuyện cùng chồng... May ra sẽ tốt hơn, nếu như lúc nào đó anh ấy bình tĩnh đọc lại và chân thành ngẫm nghĩ, còn như "tình hình" có xấu thì cũng xấu đến như thế là cùng rồi!

Nguồn: truyen8.mobi/t88949-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-16.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận