Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 17

Chương 17
Nhận những lá thư đầu của Mai Du, thoạt tiên, Phú nổi giận.

Anh viết lại cho vợ mấy dòng rất "tiết kiệm lời" mà vẫn không giấu được vẻ bực bội, dằn dỗi. Anh muốn uống bia, uống rượu thật say rồi lăn ra ngủ cho quên hết sự đời. Ngoài giờ làm việc, Phú muốn la cà cùng với chúng bạn tới thâu đêm, để khỏi cần nghĩ đến gia đình, vợ con. Nhưng rồi, cái tin cô Sinh bị tai nạn xe cộ và thằng con cả bị ngã phải bó bột ấy đến, như gáo nước lạnh giội vào đầu làm cho Phú tỉnh lại. Mặc dầu Mai Du chỉ nói thoáng qua như báo một tin lành: "Cô Sinh đã đi làm và thằng con đã đi học", nhưng Phú thì hình dung ra tất cả: anh mường tượng rõ cảnh nhà mình những ngày ấy lấn bấn như thế nào? Một mình Mai Du phải đương đầu cáng đáng tất cả mọi việc, Mai Du đã phải bận bịu cơ cực đến thế nào? Vừa thầm thương vợ, anh vừa xót xa ân hận. Phú lại giở những lá thư của Mai Du, vuốt vuốt cho phẳng phiu, xếp theo thứ tự rồi đọc lại. Ngoài trời, một cơn mưa đầu mùa ập tới bất chợt. Phú đứng lên khép cánh cửa sổ đầu giường, lòng buồn man mác! Từ ngày ra đi, đêm nay, cái cảm giác nhớ nhà cứ trào lên trong anh! Phú nằm vắt tay qua trán, miên man nghĩ ngợi. Những lời thư của Mai Du - chính những lời những chữ mà lúc nóng giận Phú đã vội vã hấp tấp gạch dưới đến nhòe nhoẹt ấy, giờ đây đọc lại anh lại cảm thấy rằng Mai Du nói đúng. "Ừ, lẽ ra mình phải như thế, như thế..." và dường như càng bình tĩnh đọc lại những lời thư vợ viết, càng thấm thía với những tình cảm chân thành và đầy thiện chí của Mai Du, Phú thực sự đã trở lạ i con người của chính mình, con người tình nghĩa, giàu lòng yêu thương vợ khi xưa. Anh như đã thừa nhận: mình thật quá bất lực trước mẹ và cô Sinh để làm khổ Mai Du. Anh dằn vặt, tự trách thái độ của mình lâu nay đối với Mai Du thật là không phải! Rồi, anh mong chóng hoàn thành công việc để trở về. Những lá thư sau cuối của Mai Du may vừa kịp đến trước khi Phú lên tàu ra. Những lá thư thẳng thắn, nói rất thật như "thuốc đắng dã tật" ấy của Mai Du chẳng những không làm Phú mất lòng mà trái lại, anh đã nghĩ rằng chính mình phải thay đổi, mình cũng cần có thiện chí, mình cần xác định đúng vị trí của mình trong gia đình để cho các mối quan hệ được cải thiện. Lên tàu rồi, Phú vẫn nghĩ miên man... Hiểu tình Mai Du vốn chu đáo và độ lượng, Phú thầm biết ơn vợ đã thay mình lo mọi chuyện. Bất giác, anh nhớ lại rất rõ rành một lời thư mà anh đã viết cho Mai Du khi xưa, sau cái "sự kiện huyện H" nhục nhã và đáng xấu hổ mà cô em chồng bất trị đã đổ lên đầu chị dâu: "Anh cảm ơn em đã nhẫn nhục chịu đựng một cơn thử lửa ác liệt quá đáng đến như vậy. Anh cảm ơn em về tất cả những gì tốt đẹp em đã làm cho gia đình anh!".

Mai Du cùng các con hồ hởi đón Phú về. Bà Thiệu cũng đã ra. Cuộc sống gia đình như đã trở lại bình thường. Tuy Phú không hề nói một lời xin lỗi vợ, cũng không hỏi han gì về chuyện cửa, chuyện nhà, và Mai Du cũng giữ ý tứ chẳng hề trò chuyện với chồng khi có mẹ, nhưng cả nhà đã quây quần đông đủ bên mâm cơm mỗi chiều, cái giường xếp không còn bị lôi xuống gian dưới và người cha đã quan tâm hơn đến chuyện học hành của các con. Mai Du vui và tin tưởng dần dần rồi sẽ tốt đẹp hơn nữa. Phải có thời gian. Phải kiên trì chờ đợi một thời gian. Mai Du nghĩ vậy.

Nhưng mới chưa đầy nửa tháng thì một đêm khuya, nghe tiếng gõ cửa rất mạnh cùng với tiếng gọi lạc giọng:

- Chị Mai Du! Chị Mai Du!

- Ai đấy? Chú Lãm à? Vào đây! Về bao giờ vậy?

Mặt Lãm thất sắc, mồ hôi nhễ nhại, hoảng hốt nói không thành tiếng:

- Nhà em?... Chị ơi!... Nhà em?...

- Cô ấy làm sao? Chú đã về bên nhà chưa?

- Chưa!

Phú đã nhảy xuống cầu thang. Lãm vừa như mếu máo, vừa dúi vào tay Phú một bức điện khẩn: "Vợ chết! Ra ngay!". Phú bực dọc quát:

- Hừ! Cái cô này lại giở trò khỉ gì đây?

- Trời ơi! Thế mà cơ quan em cử mấy người ra viếng! Mai họ lên tàu, em vội đi nhờ xe tải trước. Cơ quan cũng đã nhờ người về quê báo cho bố mẹ em ra!

- Chú phải ra ngay chợ Mơ điện khẩn về, nói đã hồi tỉnh rồi. Để họ ra đến nơi thì ê mặt cả! Bây giờ là 2 giờ sáng, đi nhanh may ra còn kịp!

Tối hôm sau, sắp đi dạy Bổ túc văn hóa, Mai Du thấy vợ chồng Lãm sang. Cô vừa bước xuống chân cầu thang


thì Lãm đã đứng lên ấp úng, trước mặt cả bà và anh Phú ngồi đó:

 

- Bác Mai Du ạ. Vợ chồng em xin bác cho nhà em với các cháu trở sang ở đây với bác một thời gian.

- Sao vậy? Độc lập tự do tốt quá rồi còn gì?

- Dạ. Không dám giấu bác, có người mua nhà giá hời, mà người ta bắt mai phải giao nhà, tốt ngày, người ta mới chồng tiền.

- Vậy mà cô ấy không chịu nói với tôi được một lời, phải đánh điện khẩn kêu chú ra nói giùm?

Mai Du hỏi Lãm, nhưng tâm trí cô thì đang nhớ lại thái độ của Phú mấy tháng trước về việc này.

- Dạ... Nhà em... Xin bác đại xá cho!

- Tôi chỉ còn 5 phút. Phải đi dạy Bổ túc văn hóa. Sang đây cũng được. Nhưng tôi giao hẹn: nếu có điều gì xảy ra nữa thì trước là cô Sinh, sau là chú, bà và anh Phú phải chịu hoàn toàn trách nhiệm! Đừng nói là "tại anh tại ả, tại cả đôi bên!". Không bao giờ là tại tôi hết. Cứ ở riêng ra thì chẳng làm sao hết. Bây giờ buộc lòng phải ở chung thì cơm ai người ấy ăn, việc ai người ấy làm, đừng có mà như hồi trước!

- Dạ, nhà em cũng phải khôn hơn, biết điều hơn!
Xin bác...

Mai Du dắt xe ra đi. Vài tiếng sau trở về đã thấy mấy đứa trẻ và đồ đạc lỉnh kỉnh nhà cô Sinh dọn sang ngổn ngang. Chỉ còn hai vợ chồng cô ấy ngủ lại trông nhà, chờ mai sớm bàn giao cho chủ mới.

Thế là những ngày thoải mái, nhẹ nhõm ngắn ngủi của Mai Du đã qua rồi! Mai Du cũng thầm mong rằng đời đã dạy cho cô em chồng khôn hơn ít nhiều.

Được một tuần yên ổn. Lãm trở về Vinh. Còn Mai Du thì hết sức tránh né cô Sinh để khỏi bị đụng độ. Sinh vẫn không có nổi một lời chào hỏi đối với chị dâu, nên mỗi bận Sinh về, mọi sinh hoạt của Mai Du: soạn, chấm bài, dạy các con... đều trên gác hết. Phú mua cái ti-vi đen trắng để ở phòng dưới, cả Phú và Mai Du đều ý tứ không chuyện trò, bữa cơm lại thành ra tẻ ngắt. Phú không muốn Sinh lặp lại chuyện ghen tị trước kia, không muốn bà mẹ và cô em phải "nhức tai gai mắt" khi thấy vợ chồng anh vui vẻ thuận hòa, thành thử dần dà, những tiếng "anh", tiếng "em" giữa họ cũng biến mất, những nụ cười cũng tắt dần. Khi cần nói với vợ, Phú chỉ nói trống không - những câu không có chủ ngữ, cứ như sai bảo các con vậy.

Cuộc sống chung với mẹ, với em gái làm cho Phú co mình lại. Mọi dự định tốt đẹp của Phú ngày trở về, những tưởng có thể làm lại từ đầu để bù đắp cho Mai Du, chưa đủ thời gian để thực hiện thì anh đã lại phải đối phó, để đứng giữa ba người đàn bà, để tỏ ra không thiên lệch với vợ. Thậm chí, trước mặt mẹ, lắm khi Phú lại còn cố tình tỏ ra hách dịch hơn, bề trên hơn, gia trưởng hơn với vợ tí nữa cho mẹ anh hài lòng, kẻo rồi bà lại chì chiết rằng anh không biết dạy vợ.

 

Thoạt đầu, những cố gắng đối phó ấy của Phú như chỉ là bề ngoài, chỉ là giả tạo. Nhưng lâu dần quen nết đi, thói hờ hững đã thành nếp và Phú lại trở lại y nguyên là một người khách trọ: Phú không mảy may quan tâm đỡ đần vợ bất cứ việc gì. Đi dạy tiết cuối về muộn, Mai Du tay năm tay mười công nọ việc kia, Phú mặc kệ! Anh ngồi đọc báo cho đến khi bát cơm được xới ra. Mai Du xếp hàng mua dầu mua gạo ì ạch chở về, Phú cũng kệ. "Mình làm, bà càng nói nhiều", Phú nghĩ vậy và anh cứ để mặc vợ loay hoay đưa dầu, gạo và xe đạp vào. Mai Du u buồn vì thấy mình bất hạnh, thiệt thòi, vì mình đã cố gắng nhiều mà mọi mối quan hệ trong gia đình vẫn chưa được cải thiện! Còn Phú thì thấy cảnh nhà sao mà phức tạp, chật chội, căng thẳng, nặng nề đến vậy! Anh lại tìm tới cách giải thoát bằng những chuyến đi công tác xa.

Lần này Phú đi Hải Phòng viết bài, Mai Du cũng chỉ nghe Phú nói chung chung có vậy. Cô chuẩn bị mấy thứ bỏ vào túi du lịch cho chồng lên đường. Phú đi một tuần rồi hai tuần. Viết xong bài rồi vẫn chưa về. Anh nấn ná chờ dự đám cưới người chị họ. Trong bữa tiệc cưới ồn ào xô bồ nơi phố Cảng ấy, Phú nhận "chân" chụp ảnh. Cậu em họ của cô dâu nâng ống kính lia khắp phòng. Bỗng ống kính anh dừng lại giây lâu trên một bộ ngực đẫy đà, phốp pháp, đầy sức sống! Phú đang điều chỉnh ống kính để lấy nét. Ả đàn bà phây phây, mặt bự phấn, có đôi môi son dày đỏ chót dễ dàng nhận ra mình đang là đối tượng để ghi hình của anh chàng "phó nháy" trắng trẻo măng tơ kia. Ả kiểu cách cúi đầu chào và nhếch mép nở một nụ cười khêu gợi. Nụ cười như có ma lực khiến Phú giây lát ngây người thẫn thờ!

Cô dâu thấy vậy cười cười, liền kéo tay hai người lại gần đon đả: "Xin hân hạnh giới thiệu để hai người làm quen nhau. Đây là Phú, em họ mình, nhà báo, ở Hà Nội. Còn đây là Thanh Quý, bạn thân của chị, giáo viên trường Trung cấp thương nghiệp Hải Phòng".

Từ phút đó, hai người sánh vai nhau ríu rít chuyện trò, không rời nhau nửa bước. Sau đám cưới, vợ chồng Phượng đi chơi tuần trăng mật ở Đồ Sơn, họ rủ cô bạn thân và cậu em họ cùng đi. Lúc ăn uống, lúc dạo chơi, lúc tắm biển... bốn người luôn ở bên nhau. Một buổi tối, cùng ngồi hóng gió biển mát rượi và ăn cua bể luộc, đang lúc vui vẻ hứng chí, Phượng vô ý buông một câu nói đùa: "Giá hai người này làm với nhau một đôi thì mới phải! Phú - Quý, sao mà khéo thế!". Cả bốn người cùng cười. Phú - Quý đưa mắt liếc nhau ăn ý, tưởng chừng như hai người đã thành một đôi thật đẹp! Giây phút, cả hai đều quên khuấy rằng anh đã làm cha của ba đứa con trai, còn ả thì cũng đã là mẹ của một đứa con gái lên bốn, quên khuấy rằng ngay giữa Thủ đô, mỗi người họ đều đang có một gia đình! Phú đã tìm thấy ở Quý cái mới, cái lạ, cái hấp dẫn của nhựa sống tràn trề mà Mai Du vợ anh đã không còn có, không thể có! Còn Quý thì nhẩm tính: giá như mình có thể đánh đổi đức ông chồng khờ khạo và khô như ngói của mình để lấy anh chàng "phó nháy" lém lỉnh và đầy ch ất nghệ sĩ này!

Từ sau lần đó, thỉnh thoảng, vài ba tháng, Phú lại có một chuyến đi công tác Hải Phòng, và nhà chị Phượng lẽ tất nhiên đã trở thành điểm hẹn. Đến khi chị Phượng nhận ra: "Con bạn yêu quái này sẽ làm hỏng cậu em mình mất!" thì đã muộn rồi. Chị ra sức níu kéo cho hạnh phúc gia đình cậu em khỏi tuột khỏi tầm tay mình, chị bảo thẳng với Thanh Quý: "Một bên bạn, một bên em. Mày mà làm gia đình nó tan vỡ thì tao không tha mày đâu đấy!". Nhưng Thanh Quý đã xin chuyển về dạy ở trường Trung cấp thương nghiệp Hà Nội để "hợp lý hóa gia đình", thật ra là để vừa được gần Phú lại vừa thoát ra ngoài vòng kiểm soát ngặt nghèo của chị Phượng.

Nguồn: truyen8.mobi/t88950-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-17.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận