Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 18

Chương 18
Hàng ngày Phú đi làm thông tầm.

Mai Du lại cẩn thận treo lên ghi đông xe đạp của chồng một cặp lồng cơm. Thoạt đầu, Mai Du thấy nhiều bữa Phú quên ăn trưa. Cái cặp lồng mỗi bận anh mang về vẫn y nguyên, nguội ngắt! Đến một ngày, Phú bảo: "Không phải đưa cơm đi nữa đâu!". Mai Du những tưởng chồng cô quá mải việc, hay là không có bếp hâm cơm cho nóng nên không buồn ăn!
Cô tìm đến một nhà ăn tập thể gần cơ quan, tính chuyện mua phiếu ăn trưa cho chồng. Nhưng Phú không chịu. Mai Du lo ngại rằng Phú cứ bỏ cơm trưa sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe!

Mai Du đâu có ngờ, trong một căn hộ ở tầng 3 khu tập thể nọ, ngay giữa trung tâm thành phố, có một người đàn bà gần như bữa trưa nào cũng sắm sửa thức ngon vật lạ chờ Phú về ăn cùng. Giữa lúc thực phẩm khan hiếm, Mai Du cũng như bao người khác phải xếp hàng cả buổi mới mua nổi một cân đậu phụ, nửa lít nước chấm, vài ba lạng thịt với một cân cá đồng tiền, thì trong cái tủ lạnh nhà Thanh Quý lúc nào cũng đầy ắp những thức ăn tươi sống quý hiếm: nào tôm, mực, cá chim, cá thu, nào tim, bầu dục, thăn bò, thăn lợn... Chả là Thanh Quý dạy ở trường Thương nghiệp, có "chân rết" ở hầu hết các cửa hàng thực phẩm cao cấp của thành phố. Thanh Quý "mua" chàng trai trẻ bằng những thứ đó, ra sức lôi kéo Phú ra khỏi vòng tay của Mai Du bằng những thứ đó!

Được một buổi chiều không có tiết cuối, Mai Du ghé vào chợ, định bụng về làm bữa ăn tươi đón chồng. Vừa đặt chân tới nhà, cô nghe mấy đứa con bảo:

- Mẹ ơi! Ba đi rồi. Ba không ăn cơm ở nhà!

- Ba đi đâu mà vội vậy? Sao không ăn cơm rồi


hẵng đi?

- Bố nó đi trông con hộ cô Quý, cho cô ấy về quê - Bà Thiệu cắt nghĩa.

- Sao lại thế được? Nhà cô ấy ở đâu? Chồng cô ấy ở đâu? Lẽ nào cô ấy không có bà con, không có bạn gái
để nhờ?

- Nhờ ai mà chả được. Tối nay cô ấy lên tàu rồi. - Bà nội bênh con trai.

- Nhờ một người bạn trai đi trông con? Vô lý hết sức! Mà ai biết được cô ấy về quê hay không về quê? Về ngay hôm nay hay là mai, kia mới về?

- Chỉ được cái ghen bóng, ghen gió! - Bà mẹ mắng con dâu - Ruột như ruột tép! Ngày trước, trong quê tao, bà Nhường bà ấy còn đi hỏi vợ hai cho chồng. Cả làng ai cũng khen bà ấy thật là tốt bụng.

Mai Du lẳng lặng soạn bữa cơm tối cho mấy bà cháu ăn, lòng rối như tơ vò! Nhưng không thể bỏ buổi dạy Bổ túc văn hóa, cô cố gắng bình tâm đi đến trường. Tan buổi học thì cũng đã hết chương trình truyền hình! Đường phố vắng vẻ, và gió hun hút lạnh! Cô đạp xe đi trong đêm, những muốn ngược lên nhà bác sĩ Giảng - anh họ Phú.

- Em lên tìm anh muộn vậy? Nhà có ai ốm chăng?

- Dạ. Chỉ có em "ốm" thôi! Em muốn nhờ anh giúp em: Nhà em đi trông con cho cô Quý để cô ấy về quê. Anh là anh của anh Phú, em xin anh cho biết: như vậy có được không? Có hợp đạo lý không?

- Không được! Không được! - Chị Giảng khẳng định - Ai lại nhờ đàn ông đi trông con?

- Thanh Quý là bạn thân của chị Phượng. Vậy thì chắc hẳn anh biết nhà cô ấy ở đâu? Chồng cô ấy ở đâu? Cô ấy không còn ai để nhờ sao?

- Nó ly dị chồng rồi, vừa ra tòa mấy tháng trước. Ờ mà sao nó không bảo mấy đứa con gái nhà anh trông giùm nhỉ? Cái Lai nhà anh vẫn đến nhà cô ấy luôn.

- Anh ơi! Xin anh giúp em, ngăn chặn một điều gì có thể xảy ra... Anh gọi anh ấy về hộ em.

- Ừ, để mai anh bảo chú ấy về.

- Mai thì nhỡ khi muộn anh à. Anh đi ngay bây giờ với em đi. Anh đưa em đến nhà cô Quý đi!

Anh Giảng nhận rõ trách nhiệm của mình - người anh họ - phải giúp cho gia đình chú em bảo toàn hạnh phúc, không ngăn chặn tai họa lúc này thì còn lúc nào? Nghĩ vậy, anh đưa Mai Du đi. Nhưng khi đến chân cầu thang khu tập thể, anh Giảng chợt thấy ngần ngại. Anh bảo Mai Du đứng trông xe đạp để anh lên tìm cậu em. Mai Du hiểu ý, năn nỉ:

 

- Anh cho em lên cùng. Em không làm gì ồn ào đâu. Anh cứ yên tâm. Không cho em lên, em lại sinh ra nghi ngờ anh mất thôi!

Anh Giảng và Mai Du đẩy xe đạp lên cầu thang, lần đến một căn hộ:

- Đây, nhà cô ấy đây!

Cửa khóa! Mai Du nhận ra có một nhà hàng xóm còn đỏ đèn! Cô cẩn thận hỏi thăm:

- Đúng nhà cô Quý đó. Vừa nãy thấy một bác đeo kính dẫn con bé đi chơi rồi.

Anh Giảng thầm reo trong lòng: "May quá!". Cả hai anh em lại dắt xe lần từng bậc cầu thang đi xuống.

Ngày hôm sau, hôm sau nữa, Phú vẫn không về nhà. Bởi Thanh Quý đã dặn: "Thức ăn mọi thứ em để trong tủ lạnh. Hai bác cháu ăn. Chủ nhật, anh cho nó đi công viên. Hàng ngày, 7 giờ rưỡi sáng, anh nhớ cho nó đi mẫu giáo. Đừng quên đón nó nhé. Tối, anh nhắc nó đi tè không thì nó đái dầm đấy. Cố gắng giúp em nhé. Chúc hai bác cháu vui vẻ. Thứ tư em về".

Sáng thứ hai, Mai Du sốt ruột gọi điện đến cơ quan anh Giảng năn nỉ:

- Anh ơi! Anh ấy vẫn chưa về! Xin anh giúp em!

- Ờ, để chiều tan sở, anh rủ chú ấy đi uống rượu, anh sẽ khuyên nó về. Em cứ yên tâm đi. Anh đảm bảo tối nay chồng em sẽ về nhà với mẹ con em. Để mấy đứa nhà anh trông con bé cho!

Mai Du biết ơn và tin tưởng ở anh Giảng. Cô lặng lẽ đợi chờ.

Nhưng tối hôm đó Phú vẫn không về. "Về thì chả hóa ra là mình sợ vợ? Vì cô ấy mách lẻo với anh Giảng mà phải về?". Phú muốn tỏ ra mình"cứng cỏi", cho đáng mặt đàn ông, tự đi khắc tự về, không hạ thấp mình mà hành động theo yêu cầu của vợ! Khi cái Lai nhà anh Giảng đã khóa cửa nhà cô Quý lại, đón con bé đi rồi, Phú nghĩ vậy. Chần chừ giây lát rồi anh thủng thẳng đạp xe đến nhà một người bạn trai cũng ở trong khu tập thể đó, ngủ nhờ.

Sự tác động của bố con anh Giảng quả có ích cho Mai Du lắm. Khi Thanh Quý đến đón con về, anh Giảng kể hết mọi chuyện rồi chốt lại một câu nghiêm khắc như ra lệnh: "Quý phải đến nhà Mai Du, nói một lời cho phải nhẽ, không thì cô ấy thắc mắc đấy!".

Tối đó, khi Mai Du đang chăm chút ba đứa con học bài trên gian gác thì Phú đưa Thanh Quý lên cầu thang. Phải đến khi Thanh Quý cất tiếng chào, Mai Du mới ngẩng đầu lên.

- Chị Mai Du à! Em có chút quà quê mang đến biếu bà và chị. Tiện thể muốn thưa chuyện để chị thông cảm: mấy hôm vừa rồi em về quê, có nhờ anh Phú đến trông nhà và đưa con bé con nhà em đi học.

Mai Du định hỏi chồng: "Thế anh Phú đã đưa được ba đứa con của anh đi học ngày nào chưa?", nhưng cô lại hỏi Thanh Quý:

- Thế cô có biết mấy ngày qua cô đã làm cho gia đình tôi căng thẳng, xáo trộn đến thế nào không? Cô không có bà con họ hàng, không có một người bạn gái để nhờ à? Sao không nhờ mấy đứa con gái nhà anh Giảng? Hừ! Mà giả thử cô chỉ tín nhiệm chồng tôi trong việc trông nhà và giữ con cho cô thì ít ra cô cũng phải nói với vợ anh ấy một lời chứ, để tôi còn biết rằng cô Thanh Quý là người như thế nào, nhà cửa ở nơi đâu, mới đủ tin tưởng mà để chồng đi thâu ngày thâu đêm được chứ!

- Em có đến nhưng chị chưa về, em xin phép bà.

- Bà thì bà muốn con trai mình năm thê bảy thiếp kia. Chả là bà đã khen người nào trong quê tốt bụng đi hỏi vợ hai cho chồng đó mà!

- Chị thông cảm. Tối đó em vội ra tàu ngay và sáng nay mới về!

Thanh Quý lần đầu tiên tiếp xúc với Mai Du chắc cũng thấy chờn. Nhưng Phú nghe anh Giảng kể mọi chuyện thì giận vợ vô cùng. Chuyện nhà chuyện cửa mà cứ đi nói với "thiên hạ", cứ vạch áo cho người xem lưng, thật ghét hết chỗ nói! Để "trả đũa" vợ, Phú càng hững hờ, lặng lẽ như một cái bóng, đi về cơm nước thất thường! Anh sinh ra nghiện rượu và nghiện thuốc lá nặng! Hút thuốc đến cháy cả tay, vàng khè cả răng! Mỗi buổi Phú về khuya, hơi rượu bốc lên nồng nặc.

Càng giận vợ, Phú càng làm già. Ngày tết, anh chở mấy đứa con đến trước cổng nhà ông bà ngoại cho chúng nó vào, còn mình thì đạp xe đi thẳng. Cụ Kiều, một người họ hàng cao tuổi và gần gũi nhất của Phú ra Hà Nội chữa bệnh. Biết chuyện Phú, cụ bảo thằng cháu bướng bỉnh: "Ông ngần này tuổi đầu rồi, ông bảo cháu nhé: Phải giữ cho phải đạo cháu ạ, ngày Tết, con rể phải đi tết bố mẹ vợ. Ngày thường thì năng lui tới thăm nom..." - Phú không dám cãi lời ông nhưng trong bụng thì hằn học: "Lại là cô ấy đến mách lẻo với ông rồi!".

Ông bà ngoại không thấy con rể đến cũng chẳng để bụng: "Ôi! Có câu nệ gì. Bận thì lúc khác đến, cũng như anh ấy đi công tác". Nhưng nghĩ đến tình cảnh đứa con gái lớn, ông bà bảo với Mai Du:

- Hay là để ba, mẹ gọi Phú sang, hỏi nó?

- Không ạ. Ba mẹ cứ mặc kệ, coi như không biết gì.

- Mặc kệ sao được? Cứ để kéo dài mãi thế sao?

- Anh ấy rất sợ và rất ghét chuyện nhà đưa ra người ngoài. Nếu anh ấy sang, ba mẹ và mọi người cứ đối xử tốt với anh ấy, niềm nở với anh ấy, coi như không có chuyện gì xảy ra! Để rồi dần dần con liệu. Chạm tự ái, làm anh ấy xấu hổ thì càng gay go hơn đấy.

 

Ngày này sang tháng khác, Mai Du vẫn chưa biết
nên liệu cách nào thì Phú đã ra đi. Lần này anh bảo đi Căm-pu-chia, chưa biết bao giờ mới về.

Mai Du lại lao vào công việc hàng ngày. Cơm nước, giặt giũ, nuôi mẹ và nuôi con, soạn giáo án, chấm bài, bồi dưỡng học sinh khá, phụ đạo học sinh kém... Mai Du tranh thủ thời gian hướng dẫn cặn kẽ hai đứa con lớn học bài, và phân công hai thằng anh thay nhau kèm cặp thằng em. Lê Huy càng lớn càng giống bố, giống đặc biệt là đôi mắt, ai cũng bảo "thằng út có đôi mắt đẹp mà cũng lẳng lắm đây!". Nó lại cẩn thận, tỉ mỉ, khéo tay, suốt ngày cắt, vẽ, khắc, nặn... Năng khiếu mỹ thuật của n ó xuất hiện sớm và có khi còn nổi trội hơn cả hai anh. Cô hiệu trưởng cấp I gần như năm nào cũng đích thân chở Huy đi dự những kỳ thi năng khiếu của quận, bởi năm nào cậu học trò nhỏ của cô cũng mang về cho trường những giải thưởng xuất sắc. Nhờ có hai anh gương mẫu và dẫn dắt em nghiêm khắc, thằng Huy bao giờ cũng cố để không bị rớt xuống loại khá. Mai Du thương đứa con út sinh ra trong thời buổi sơ tán loạn lạc, không có lấy một hộp sữa bò, chỉ nuôi bộ bằng tí nước cháo, lại còn chàm lở, sài đẹn! May mà qua đốt rồi nó cũng chịu ăn chịu chơi, lớn lên trông cũng phổng phao. Nhìn nó ngồi học chăm chỉ, say mê bên cạnh các anh, người mẹ chợt nhớ lại một câu nói đầy uất hận của thằng con năm năm trước, khi nó vừa chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa nhà trường. Nó bảo: "Về sau, già như bà, con cũng không bao giờ đi học nữa!". Một câu nói đã khiến cho Mai Du lo lắng khôn nguôi! Chả là Mai Du xin cho con đi học trước tuổi, cũng như với thằng anh. Nhưng lần này, cô giáo vỡ lòng Lệ Mỹ bằng mặt mà không bằng lòng. Cô ta nhận với Mai Du: "Được, được. Vừa là đồng nghiệp, vừa hàng xóm thân thích, chị cứ yên tâm, em sẽ cho cháu vào". Thằng Huy hớn hở mang túi dết đi học vỡ lòng. Được hơn một tháng, cô giáo mới hết nghỉ đẻ, đến nhận lớp, điểm danh không thấy có tên Lê Huy, bảo thằng bé đi về giữa những tiếng "ồ, ề" chế diễu và mấy mươi cặp mắt châm chọc của chúng bạn! Mới có sáu tuổi đầu, thằng bé ấm ức ra khỏi trường, muốn khóc mà không khóc nổi! Về tới nhà, mặt nó tím tái, đanh lại, nói một câu hậm hực. Mai Du lo lắng không biết còn có thể đưa thằng con trở lại ghế nhà trường nữa không đây? Cô hiểu tâm lý của con: nó không bước vào lớp vỡ lòng được nữa, và càng không thể để đến năm sau mới lại học vỡ lòng, khi các bạn của nó đã lên lớp 1. Nghĩ vậy, người mẹ ra sức kèm cặp, dạy cho con học vỡ lòng. Thằng Huy vừa sáng dạ vừa chăm chỉ, ham học ở nhà để khỏi phải đến lớp vỡ lòng, và nó quyết năm sau thi đỗ vào lớp một để lại cùng được đi học với thằng Hải bên cạnh nhà. Mẹ con Mai Du đã toại nguyện. Thằng Huy học giỏi và cứ đều đều mỗi năm lên một lớp. Bây giờ thì nó đã chững chạc đường hoàng là một cậu học sinh lớp 4 của trường chuyên. Nó đang vui vẻ và say sưa học bài bên cạnh hai anh. Quang và Minh thì vừa như hai anh em sinh đôi vừa như hai người bạn chí thân chí thiết, ăn mặc, học hành, đi đứng, chơi nhởi... lúc nào cũng có nhau. Cả hai anh em vừa nhận phần thưởng học sinh giỏi của toàn quận ở lớp 7 (lớp cuối cấp 2 phổ thông). Mai Du yên tâm về các con.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t88951-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-18.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận