Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 19

Chương 19
Được bầu làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường, Mai Du không nỡ từ chối và cô thấy không có lý do để từ chối.

Nhưng công việc của một Chủ tịch công đoàn cơ sở trong cái thời buổi bao cấp đã hút đi của Mai Du biết bao sức lực và thời gian. Ngoài việc động viên thi đua dạy tốt, theo dõi giờ công ngày công đảm bảo kỷ luật lao động và xây dựng các"tổ ấm" công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn còn phải quan tâm thực sự đến việc cải thiện đời sống cho anh chị em đoàn viên. Trong hoàn cảnh lương thực, thực phẩm khan hiếm, chế độ cung cấp theo tem phiếu quá ít ỏi, mà lương giáo viên thì ba cọc ba đồng, làm thế nào để cho mỗi gia đình giáo viên có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập? Làm thế nào cho mỗi anh chị em có thêm được một cân cá, một cân đường, mấy cân gạo là điều luôn luôn canh cánh trong lòng Mai Du! Nhà trường mở các lớp dạy nghề, công đoàn tổ chức những ca sản xuất "tự cứu" cho công đoàn viên, tổ "Đời sống" thu hút nhiều thành viên tích cực để lo mọi chuyện cơm áo gạo tiền cho anh em. Thêm vào đó, quan hệ kết nghĩa giữa nhà trường với các nhà máy, xí nghiệp được mở rộng: giáo viên tới các cơ sở sản xuất dạy Bổ túc văn hóa, còn các nhà máy, xí nghiệp thì bán rẻ cho nhà trường những sản phẩm phế thừa, những vải vóc tiết kiệm. Trong cuộc sống nghèo khó chật vật bấy giờ, mọi người biết lo cho nhau, biết tìm thấy niềm vui cho mình khi làm được điều có ích cho người khác, mà không mảy may so đo tính toán.

Gần Tết, mẹ con cô Sinh đưa nhau về quê nội. Bà Thiệu cũng tiện thể, the o con gái để về Vinh ăn tết với mấy đứa cháu ngoại nhà chị cả Thiệu. Mai Du theo lệ thường hàng năm, soạn bữa cỗ, mời tất cả bà con họ hàng bên nội đến cúng tất niên:

- Chồng đi vắng, mẹ chồng cũng đi vắng, chỉ có mấy mẹ con ở nhà, bày vẽ làm gì nhiều thế cháu?

- Dạ. Cháu cũng chả có gì mấy đâu ạ. Chỉ sơ qua gọi là, để mời các ông bà, cô chú cúng tổ tiên.

- Lần sau, chú ấy mà đi vắng thì ta chỉ đến thắp hương thôi. Ba mươi tết, nhà nào cúng nhà ấy.

- Dạ. Nhà cháu là tộc trưởng. Lệ thường đã cúng họ ở đây rồi. Nhà cháu đi vắng thì đã có thằng cháu Quang, trưởng nam, thay bố cháu ạ.

Mọi người cười nói, vừa ăn cỗ vừa khen:

- Chị giáo chu tất với họ hàng bên nội quá.

- Mai Du nấu ngon nhỉ, ăn rất vừa miệng!

Khi bà con đã lục tục ra về gần hết thì thằng Quang cứ ôm đầu gối, nhăn nhó kêu:

- Mẹ ơi, con đau chân!

- Con đau chỗ nào? Đưa mẹ xem!

Bác Giảng là người dắt xe ra về cuối cùng, vội dựng xe đạp bảo thằng cháu: "À à, cháu Quang kéo quần lên cho bác xem nào!".

Bác sĩ Giảng thấy đầu gối thằng bé đã tấy đỏ lên, bảo với Mai Du:

- Mẹ giáo à! Em có kiêng không?

- Anh định nói đưa cháu đi bệnh viện bây giờ ạ?

- Ừ, 30 Tết, nếu em không kiêng thì cho cháu đi bệnh viện ngay. Cháu bị thấp khớp đấy!

- Dạ, em nhờ bác, bác cho cháu đi khám hộ em.

- Đến Mai Hương nhé. Ngày Tết, có anh, "viện nhà" vẫn dễ dàng hơn.

Mai Du dặn dò hai đứa con nhỏ rồi khóa cửa, chở thằng con lớn theo bác sĩ Giảng vào bệnh viện. Bà bác sĩ Thu, chủ nhiệm khoa Nhi nhiệt tình khám ngay cho cháu. Bà hỏi Mai Du:

- Chị có kiêng không?

- Dạ không ạ.

- Kiêng thì để ra tết, mồng 2 cho cháu vào viện. Không kiêng thì nhập viện ngay!

- Dạ, xin nhờ bác giúp em chữa cho cháu, sớm ngày nào hay ngày ấy.

- Đúng rồi. Để muộn dễ bị thấp tim, khó chữa lắm.

Mai Du làm thủ tục cho con nằm viện, lòng bồn chồn lo lắng: "Còn hai đứa nhỏ ở nhà! Nồi niêu mâm bát còn vất bừa cả đấy!'. Cô nhờ anh Giảng thưa với bác sĩ chủ nhiệm:

- Chị làm ơn cho cô ấy đưa con về sắp xếp nhà cửa, sáng sớm mai lại vào.

- Sáng mồng 1 Tết vào viện? - Bà bác sĩ hỏi Mai Du.

- Dạ, mồng 1 em cũng cho cháu vào, để cháu được chữa chạy sớm ạ. Em nhờ chị!

- Sáng mai tôi cũng ở đây. Chị cứ yên tâm.

Được bà bác sĩ chủ nhiệm tự tay chích và phát một liều thuốc cho thằng con, Mai Du rất cảm kích. Cô đưa Quang về, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ đạc xong, cho các con đón giao thừa. Tiếng pháo nổ và chương trình ca nhạc trên truyền hình vui vui khiến bốn mẹ con đỡ thấy lạnh lùng trống trải. Sáng mồng 1 Tết, cái đầu gối của thằng Quang càng sưng to hơn. Nhìn thấy con đau đớn không đặt nổi chân xuống đất, Mai Du vội thắp mấy nén hương lên mâm cơm cúng trên bàn thờ rồi cõng con đi bệnh viện.


Hai thằng em với cả những túi to túi nhỏ lếch thếch theo mẹ và anh.

Bốn mẹ con Mai Du "ăn tết" trong bệnh viện. Nói cho đúng hơn là cả bốn mẹ con cô chẳng ai còn nghĩ đến cái Tết. Bác sĩ Thu nói là nói vậy, chứ thực ra thằng Quang đã bắt đầu bị thấp tim rồi. Nó cảm thấy khó thở quá! Hai ống chân to như hai bắp chuối, khắp mình mẩy cứ nhức nhối ê ẩm, động vào da thịt chỗ nào cũng đau đớn không chịu được! Người mẹ kiên nhẫn dỗ dành, chăm chút con từng thìa cháo, từng giọt thuốc! Phải khéo léo, nhẹ nhàng lắm mới có thể giúp con xoay trở mình được đôi chút! Bệnh viện ngày tết còn vắng. Vả lại nhìn thấy tình cảnh nhà Mai Du như thế, không ai nỡ đuổi mấy đứa con nhỏ của cô về. Bác sĩ Giảng mượn thêm cho mấy mẹ con một cái màn để hai thằng em ngủ riêng ra.

Phú chưa hết thời hạn công tác, nhưng không hiểu vì sao tự dưng anh cứ thấy trong lòng bồn chồn! Làm một chuyến "tranh thủ" anh ào về. Đêm mồng 5 tết tới nhà, anh thấy sao nhà im lìm, vắng ngắt? Hỏi ra mới biết cả bốn mẹ con cô giáo đều đang ở trong bệnh viện. Phú hoảng hốt, tức tốc tìm vào vợ con.

- Ba về! Ba về! - Minh và Huy reo lên, còn thằng Quang thì cố hết sức để nâng cái đầu dậy, miệng nở một nụ cười méo mó và đôi môi khô se bật ra một tiếng kêu se sẽ: "Ba!". Chỉ thế thôi, người cha cũng đủ hiểu mẹ con Mai Du đã mong ngóng anh biết chừng nào! Phú đứng lặng, thần người ra giây lát, rồi anh nhẹ nhàng đặt lên trán đứa con đang bệnh nặng một cái hôn âu yếm.

Khuya, Phú bảo Minh và Huy: "Hết nghỉ Tết rồi, các con về nhà với ba, mai còn đi học!". Mai Du thầm cảm ơn chồng đã về đúng lúc mà cô đang cần tới anh nhất.

Hàng ngày đã có Phú trông nom hai đứa con ở nhà, Mai Du yên tâm ở hẳn với thằng Quang trên bệnh viện. Chiều chiều, cô động viên con ở lại với các cô bác bệnh nhân trong phòng để cho mẹ đi dạy học. Mai Du chưa hề bỏ một tiết dạy nào, thành thử ở trường vẫn không ai hay biết rằng con cô đang ốm nặng. Nhưng rồi mấy đứa học trò gái trong lớp Mai Du chủ nhiệm đã tinh ý nhận thấy cô giáo cứ từ bệnh viện đến trường rồi lại từ trường vào bệnh viện. Khi biết con cô đang nằm viện, chúng thay nhau đi sớm về muộn để giúp cô chăm em.

Người mẹ gửi giấy xin phép thầy giáo chủ nhiệm lớp 7 A cho thằng Quang nghỉ ốm, nhưng các thầy cô giáo bộ môn của lớp 7A thì hầu như không phân biệt được hai anh em sinh đôi, thành thử cứ nhìn mặt thằng em gọi đọc bài mà lại ghi điểm vào sổ cho thằng anh. Vài hôm lên bệnh viện thăm anh một lần, cu Minh lại khoe:

- Mẹ ơi! Hôm nay con cho anh Quang 10 điểm Sử.

- Mẹ ơi! Hôm qua con cho anh Quang 9 điểm Sinh....

Hàng ngày, Minh đưa vở của anh nhờ các bạn chép bài giúp. Khi làm kiểm tra ở lớp, Minh làm cả cho anh. Điểm chấm vở, điểm bài làm của Lê Quang, rốt cục cũng đầy đủ cả. Bọn học trò trai lớp 7A gần như ngày nào cũng cử mấy đứa đến thăm Quang. Gặp khi bạn khỏe, chúng nó còn xúm nhau lại bên Quang trao đổi bài. Thằng Quang nằm viện mà có khi chúng bạn lại đến nhờ hướng dẫn làm văn, làm báo hay là viết một cái biên bản họp lớp.

Bốn mươi lăm ngày trong bệnh viện, người mẹ hết bế, hết cõng lại nhẹ nhàng giúp con lần từng bước tập đi. Thứ thuốc khớp vào người, lâu dần,như có chất giữ nước, khiến mặt thằng bé cứ bự ra như phù thũng! Mai Du lo lắng cho sự học hành dở dang của con, và không biết đến bao giờ nó mới phục hồi được sức khỏe! Nhưng thằng con vốn thông minh đã không phụ lòng thương của mẹ, sau khi ra viện, nó chẳng những đuổi kịp các bạn mà còn giữ vững danh hiệu "Học sinh giỏi". Cuối năm đó, cả hai anh em Quang - Minh đều đạt đủ tiêu chuẩn lên thẳng cấp 3.

Nguồn: truyen8.mobi/t91401-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-19.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận