Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 21

Chương 21
Từ ngày Phú đi Cam-pu-chia về, lại có thêm cái bằng trường Nguyễn Ái Quốc, thành thử được đề bạt lên làm cán bộ quản lý, thay một ông già vừa mới về hưu.

Ngày trước, cơ quan phòng ốc chật chội, cửa ngỏ trống troáng, thành thử ông già và cô thư ký - hai bác cháu ngồi chung một phòng. Bây giờ, một anh "sếp" còn trẻ hơn hớn, tóc đen nháy với một ả trợ lý của "sếp" môi son má phấn, mười móng tay sơn đỏ chót, cũng ngồi chung một phòng. Chỉ khác là phòng của cơ quan bây giờ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, lại có cả điều hòa nhiệt độ, cửa cấm có bao giờ dám để mở!

 

Mai Du đưa thằng con út đi bệnh viện nhổ răng. Trưa về, cô hỏi nó: "Con có mệt thì ta vào chỗ ba, cho con nghỉ một chút. Tiện thể kiếm ít nước cho con súc miệng!". Thằng bé phồng cái bông trong miệng, khẽ gật đầu. Hai mẹ con đi lên cầu thang. Đến cái phòng có điều hòa nhiệt độ, người mẹ ý tứ đứng cách ra một quãng, để cho thằng con gõ cửa. Một người đàn bà dong dỏng, ăn vận chải chuốt bước nhanh ra, lướt qua trước mặt Mai Du, đầu cúi gầm và hai mắt nhìn xuống như đang muốn đếm từng ô gạch hoa trên hành lang! Từ hành lang đối diện bật lên nhiều tiếng cười của phụ nữ. Rồi một cô nửa đùa nửa thật nói vọng sang: "Chị Mai Du hiền lành thật! Đối mặt với tình địch mà không nói gì!". Mai Du vờ như không nghe. Cô theo chân thằng con vào trong phòng. Phú ngồi bên bàn xa-lông, mặt đỏ nhừ, không mấy tự nhiên, vừa gượng cười vừa đưa tay sửa sửa lại cái áo sơ mi hơi xộc xệch! Rõ là họ đã ngồ i nán lại với nhau, mặc dù bữa cơm trưa đã xong từ lâu.

Thì bữa cơm trưa nào mà họ chả ăn chung với nhau. Khi hai cặp lồng cơm đều đã được hâm nóng, và phòng điều hòa nhiệt độ đã đóng cửa lại, thì trong cái cặp lồng của anh chàng, dầu vợ đã gửi theo cả tình thương yêu chồng trong một vài món ăn ngon lành nào đó cũng trở nên vô nghĩa khi trước mặt, ngay cạnh anh ta, là một bàn tay đàn bà chăm nom vỗ về, gắp bỏ, tiếp thêm những thức ăn nóng sốt quý hiếm! Có gì lạ! Đó là mánh khóe muôn thuở của những ả đàn bà chê chồng đang muốn mồi chài mấy anh chàng vốn thích chiều chuộng mà đời sống vật chất của gia đình anh ta chưa khá giả nên không mấy được chiều chuộng!

Phòng của Phú khá sang trọng. Ngoài mấy cái bát đũa và hai cặp lồng không, vứt vội dưới chân bàn xa-lông, còn thì được sắp xếp một cách khá ngăn nắp và trang trí rất kiểu cách: Nhác trông, người ta khó nghĩ tới đây là một phòng làm việc, mà ắt có ngay cái cảm tưởng như đang đứng trước căn phòng hạnh phúc của một đôi vợ chồng son! Hay ít ra cũng dễ dàng nhận biết đây là nơi ở khá lý tưởng của hai con người khác giới. Bởi vì, trên hai cái bàn làm việc kê gần nhau đều có hai lọ hoa hồng tươi, mỗi lọ chỉ có một bông, còn ngậm sương trên cánh. Vải đăng ten làm diềm cửa cũng toàn một màu hồng! Trên tường treo một chiếc gương to hình trái tim! Còn chiếc móc áo ở góc phòng thì đang treo đủ cả nón, mũ, áo vét nam, áo khoác nữ, dây lưng, cà vạt, khăn san...!

Dừng chân giây lát, uống xong cốc nước ngọt chồng đưa mời, Mai Du bảo con: "Huy ơi! Con đỡ mệt rồi thì ta đi về đi, để cho ba còn nghỉ trưa!". Phú tiễn vợ con ra đến đầu cầu thang:

- Con chào ba!

- Anh vào nghỉ đi, em về!

Đáp lại lời chào của vợ con, Phú chỉ khẽ gật đầu rồi quay nhanh trở vào, hệt như một thủ trưởng!

Lẽ tất nhiên, cuộc chạm trán vô tình hôm nay đã giúp Mai Du kết hợp lời mách bảo của Thanh Quý với câu nói vừa như cảnh tỉnh vừa như bông đùa của cô bạn gái nào đó trên cơ quan Phú! Cô hiểu rằng đúng là đã có vấn đề mới rồi! Làm thế nào bây giờ đây?

 

*

*        *

 

Giữa bữa cơm tối đang lặng lẽ, Mai Du hỏi chồng:

- Cho Quang và Minh luyện thi khối gì đây anh?

- Muốn khối gì thì khối!

- Em hỏi nghiêm túc đấy. Bởi vì luyện thi khối nào nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con cái. Rồi cả một đời sau này, chúng nó sẽ làm gì? Sẽ sống bằng nghề nghiệp gì?

- Cứ lo cho đỗ tốt nghiệp đi cái đã, rồi muốn thi vào trường đại học nào thì thi.

- Bây giờ, con người ta học thêm cả. Con mình mà không học thêm thì không chen chân vào đại học được đâu.

- Học thêm! Học thêm! Sao ở trường các cô không dạy cho tử tế, lại bắt con người ta phải đi học thêm?

- Ở trường cấp 3 chỉ dạy kiến thức phổ thông. Ai giỏi mới lên đại học được, mà người có luyện thi chắc chắn là giỏi hơn người không được luyện rồi.

- Ngày trước, tụi mình đâu có luyện thi, đâu cần học thêm mà cũng vào đại học cả?

- Mỗi thời một khác mà anh. So làm sao được với ngày trước!

- Thôi, đừng có lý sự. Muốn làm sao thì làm.

- Thật ra thì hai đứa đã học thêm môn toán từ năm ngoái rồi, không thì chả chắc đã đạt học sinh giỏi. Nhưng mà lên lớp 11 thì ai cũng cho con chọn khối, luyện thi, tức là chọn ngành chọn nghề từ lớp 11 mới kịp.

- Muốn chọn gì thì chọn. Rồi đừng có mà nay tiền, mai tiền!

Biết hoàn cảnh của chị, dì Mai Liên gửi thư về, nửa đùa nửa thật động viên: "Chị cứ cho hai cháu học thêm mới hy vọng vào đại học được. Tội đâu có Liên Xô chịu!". Rồi khi cái bàn là, khi cái quạt điện, dì Mai Liên gửi về viện trợ, "Để chị cấp học phí cho Quang Minh học thêm". Mẹ con Mai Du thấm thía tình cảm chị em ruột rà, bảo nhau phải vào được đại học mới xứng đáng với sự quan tâm của mọi người. Nhưng hai đứa còn nhỏ quá, người mẹ một mình không đủ sức đưa đón hai đứa đi về đêm hôm ở hai nơi khác được. Thôi thì cho học chung một khối, hai anh em quản nhau, Mai Du nghĩ, rồi cô chạy tìm trường, gửi hai đứa cùng vào luyện thi khối Đ. Một buổi tối, thằng Quang đang chở em đi học thêm, vừa rẽ trái thì quệt ngay vào xe đạp một gã thanh niên to lớn. Gã này đứng lại sừng sộ, tay đã túm chặt lấy ghi đông xe đạp của Quang Minh. Người mẹ vẫn lo con chưa thuộc đường, đi đằng sau quan sát, vừa may kịp tới:

- Tôi là mẹ cháu, tôi xin lỗi anh. Hai cháu còn nhỏ, đi chưa vững, tôi đang phải kèm đây.

Người mẹ nhũn nhặn đấu dịu, hai đứa con mới được yên. Thế rồi đêm nào các con đi học thì người mẹ lo lắng trông ngóng cho đến giờ để đi đón con. Gặp khi mưa dầm gió bấc bất chợt, cô không quên mang theo cho các con những tấm nilông và mũ, nón.

Mai Du cũng không hề quên, mỗi tháng một lần, đúng giờ đúng ngày, chở thằng Quang đến bệnh viện Bạch Mai tiêm phòng thấp. Nhìn cái mũi kim tiêm to như cái tăm, sy lanh như ống tiêm thú y, nhìn cô y tá bơm vào mông thằng Quang thứ thuốc kháng sinh đặc quánh như sữa, người mẹ đau nỗi đau của con. Thế này mà phải kéo dài những năm năm trời, phải lên đến năm thứ 3 đại học mới tiêm xong, rõ khổ con quá.

 

*

*      *

 

Đêm mùa đông, Mai Du đi dạy Bổ túc văn hóa. Thấy cái áo khoác vi-ni-lông của chồng còn treo trên mắc, cô mặc luôn vào người cho đỡ lạnh. Áo này thì có thể mặc lên lớp được, Mai Du nghĩ, rồi cô đang xót xa: "Hôm nay anh ấy không mặc thêm áo khoác, về khuya e rét lắm đây" thì tay chạm phải một mẩu giấy nhỏ trong túi áo chồng. Hóa ra là một đôi vé xem phim ở tận cái rạp Dân Chủ xa lơ xa lắc! Vé đề ngày 17 tháng 11, tức là từ năm hôm trước. Đúng cái hôm mưa rét mà Phú đã về rất khuya. Vừa dựng xe vào nhà thì anh ấy không còn biết gì nữa, nằm vật xuống giường các con, hơi rượu phả ra nồng nặc! Thấy Phú không động cựa được, mặt mày tái xám và đôi bàn chân lạnh ngắt, bà cụ hoảng hốt giục con dâu: "Mau đưa bố nó đi bệnh viện!". Cả mấy đứa con cũng lo lắng cuống quýt. Nhưng Mai Du đã có kinh nghiệm rồi: chỉ là anh ấy say rượu! Vào viện như mấy lần trước bị người ta mắng nhiếc, đến khổ: "Nốc cho lắm vào, ăn chơi phè phỡn cho lắm vào mà làm khổ vợ khổ con! Chị cứ về đi. Để tụi tôi móc cho hắn nôn ra, sáng mai vào mà đưa hắn về!". Rồi họ bảo với nhau, vẻ bực bội: "Có mấy ca thập tử nhất sinh đây này. Say rượu mà cũng đưa vào đây, rách việc!". Khi mấy người áo trắng nói tới câu đó thì anh ấy vừa mới nôn xong, đã tỉnh rồi, nghe được chắc là xấu hổ! Cho nên không kịp đợi đến sáng, không kịp chờ con mang thêm quần áo mũ giày dép vào, anh ấy đã vọt ra khỏi giường, đòi đi về! Bây giờ Mai Du đã học được cách chữa cho người say rượu. Cô thò tay sâu vào cổ họng chồng, móc cho anh ta nôn thốc ra, rồi lấy dầu xoa ấm khắp mình mẩy chân tay và cho uống một cốc nước chanh. Phú đã tỉnh, kéo một giấc ngủ đến tận sáng, lại dậy đi làm như bình thường, như thể đêm qua không hề có chuyện gì xảy ra! Mai Du cũng không gặng hỏi. Nhưng đến hôm nay nhặt được đôi vé xem phim trong túi áo chồng thì tự Mai Du đã tìm được câu trả lời. Dĩ nhiên, cô cũng dễ dàng cắt nghĩa là chồng cô đã đi với ai và tại sao họ lại phải tìm đến một cái rạp xa xôi trong cái đêm mưa gió làm vậy!

Mai Du cố trấn tĩnh để đi dạy Bổ túc văn hóa. Trên đường về, cô nghĩ ngợi miên man. Phải làm như thế nào đây? Mình phải bộc lộ một thái độ như thế nào đây để vừa ngăn chặn sự phát triển cái xấu lại vừa níu kéo được chồng? Kéo về thì mới khó, chứ nếu mình tỏ ra bực bội, cáu kỉnh thì chỉ càng đẩy anh ấy đi xa hơn mà thôi.

Khi chồng con đã yên giấc ngủ, Mai Du viết một phong thư, cặp cả hai cái cuống vé ấy, bỏ vào túi áo khoác của chồng, chiếc áo mà cô tin chắc rằng mai đi làm anh ấy sẽ mặc.

Phú đang ngồi một mình trong phòng làm việc. Anh vô tình chạm tay vào túi áo khoác: có cái gì cồm cộm khác thường? Một phong thư của Mai Du. Vừa thoáng thấy đôi cuống vé cặp trong đó, Phú đã hiểu cơ sự rồi! Chưa đọc Phú cũng có thể hình dung ra những lời chì chiết đay nghiến của vợ! Anh vò bức thư định đốt đi, song lại tò mò muốn biết cô ấy đã biết được gì và đã có thái độ như thế nào? Vuốt bức thư ra, Phú chỉ thấy một bài thơ mà nhan đề là một câu hỏi cực lớn:

ANH CÓ PHẢI LÀ CHỒN G EM NỮA KHÔNG?

Em muốn anh là bông hoa tươi

Cho đời em thêm đẹp

Em muốn anh là trụ thép,

Cho em dựa, em nương

Em muốn anh là vầng trăng

Cho em khỏi bị chìm trong bóng tối.

Em muốn anh đi thẳng đường ngay lối

Cho em sát kề vai.

Em muốn anh là ánh nắng ban mai,

Cho hồn em đơm hoa kết trái.

Em muốn anh là người cầm lái,

Cho thuyền em vượt mọi phong ba.

Em muốn anh tỏa ấm tình nhà,

Cho em được mặn mà hôm sớm!

 

*

*      *


Nhưng anh chỉ là cái bóng

Lặng im không một tiếng người!

Ở anh chẳng có ngọt bùi

Mà chỉ lắm lời cay đắng!

Anh chẳng hề là ánh sáng,

Mà là đêm vắng mênh mông!

Với em anh chỉ lạnh lùng,

Hơn giữa trời đông tháng giá!

Sao anh nỡ làm sóng cả

Cho em phải ngã tay chèo?

Anh là ghềnh đá cheo leo,

Bắt em vượt đèo, vượt thác!

Sao anh nỡ gây tội ác?

Giết em! Dầu chẳng súng gươm!

Sao anh chẳng muốn làm chồng

Mà chỉ làm ông khách trọ?

Anh chẳng biết em đau khổ,

Còn gây sóng gió dập vùi?

Anh chẳng thích em hát cười

Mà mong em rơi nước mắt?

Em xe tình ta bền chặt

Thì anh nỡ cắt làm đôi!

Em xây tổ ấm yên vui

Anh đi tìm nơi khác đậu!


 

*

 

Áo ngắn thì em nối gấu

Sách nát em đóng thêm lề

Đã yêu anh

Vạn sự em chẳng nề

Một trăm chỗ lệch

Em đã cố kê cho bằng!

 

*

 

Nhưng anh ơi

Anh còn có phải là chồng?

Cho bõ công em chịu đựng

Mười bảy năm ròng rứa anh?

                      22-11-1982

 

Phú chậm rãi đọc lại bài thơ lần thứ hai, nghiền ngẫm từng câu một, rồi cẩn thận gấp bức thư của vợ bỏ vào túi áo ngực. Khi Hải đi công vụ về đã thấy Phú gục đầu ngồi lặng im trên ghế, đầu lọc thuốc lá gần đầy một đĩa gạt tàn!

- Anh Phú! Anh Phú! Anh làm sao vậy? Anh ốm à? Anh Phú!

Phú không trả lời, chỉ khẽ lắc đầu, đưa tay gạt nhẹ tay Hải rồi uể oải bước ra khỏi phòng. Bữa trưa, Hải hâm lại hai cặp lồng cơm, vội chạy đi mua thêm bát canh và ít thức ăn nóng, chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy Phú về ăn cùng.

 

*

*       *

 

Phú đưa cả gia đình ăn giỗ một người bà con bên nội. Thằng Út bảo:"Ba à, con ở nhà với mẹ, mai con nhiều bài lắm". Hai mẹ con vừa ăn cơm tối xong đã thấy một gã đàn ông lạ mặt hầm hầm bước vào nhà:

- Anh hỏi ai ạ?

- Đây có phải là nhà anh Phú? Lê Phú?

- Vâng ạ. Nhưng nhà tôi không có nhà.

- Sáng mai anh ta đi Sài Gòn?

- Vâng ạ. Anh cần gửi gì chăng? Hay là anh cần
nhắn gì...?

- Nhắn gì à? Hừ! Tôi cần... hỏi tội hắn!

Thằng Út hoảng hốt ôm lấy mẹ trong khi Mai Du cố trấn tĩnh đọc mấy hàng chữ trên khoảng trắng của một tờ "Tin nhanh" anh ta vừa chìa ra trước mặt cô. Đúng là nét chữ và chữ ký của Phú. Mặt Mai Du biến sắc! Cô bàng hoàng không ngờ cơ sự đã đến nỗi như vậy, tai chỉ còn nghe loáng thoáng mấy lời anh kia vừa thốt ra đầy vẻ đe dọa, hằn học:

- Tôi là chồng của cô Hải. Nói cho chị biết, tôi đã không thể giữ được vợ tôi, chị cố mà giữ lấy chồng chị! Tôi đã quẫn trí lắm rồi! Nếu hắn k hông giữ lời cam kết thì thì...

Người lạ mặt vừa nói vừa giật tờ "Tin nhanh" trong tay Mai Du.

- Anh cho tôi xin...

- Không được!

Anh ta hầm hầm bước ra và tự tay kéo cánh cổng sắt đóng sập lại sau lưng mình. Mai Du chỉ còn kịp nói với theo hai tiếng "cám ơn" mong có thể làm anh ta nguôi nguôi.

Gần sáng, Phú lên ô tô ra sân bay. Chẳng biết Phú có muốn hay không, Mai Du cứ theo lên xe tiễn chồng. Ngồi một mình ở ghế sau, cô lựa cơ kéo khóa cái túi hành lý của chồng, cẩn thận đặt vào giữa quyển sổ tay của Phú một bức thư tâm huyết! Không muốn "quá mù ra mưa", không muốn nói chuyện trực tiếp để người nghe phải xấu hổ ngại ngùng, lại cũng muốn yên lòng người trước lúc đi xa, Mai Du mượn bút thay lời, hy vọng chồng cô có thể đọc thấy khi ngồi một mình, khỏi ngượng ngập.

Trên máy bay, Phú cần tìm một địa chỉ. Mở quyển sổ tay, anh thấy ngay thư của vợ, một bức thư khá dài, kín cả bốn mặt của một tờ giấy học trò.

Nguồn: truyen8.mobi/t91404-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-21.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận