Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 22

Chương 22
Trở về nhà, Mai Du mất ăn mất ngủ bởi hình ảnh người đàn ông "quẫn trí" và những dòng cam kết nọ cứ lởn vởn trong đầu.

Mai Du cảm thấy mình bị tổn thương nặng nề, không thể chịu nổi nữa. Cô viết ngay một cái đơn, xin ly hôn, bảo rằng cô sẽ nuôi con tất cả, không cần lấy một thứ đồ đạc gì, nhưng "hễ ai lấy vợ lấy chồng trước thì phải ra khỏi căn nhà hiện ở". Lá thư đơn phương vừa được bỏ vào thùng thư trước cửa Tòa án thì Mai Du ân hận. Có thể là bản thân mình sẽ dễ chịu hơn, nhưng còn các con? Vậy là chúng nó sẽ mất cha!? Chúng nó sẽ bị thiệt thòi! Mình vẫn tự bảo rằng mình rất thương con và rất biết hy sinh kia mà! Cô nhớ đến bức thư mình đã gửi. Chính là mình đã muốn níu kéo người cha lại cho các con, vì các con. Kéo lại mới khó chứ đẩy đi thì còn nói làm gì? Càng nghĩ, Mai Du càng nhận rõ việc làm của mình sao mà nông nổi, bồng bột quá vậy! Băn khoăn day dứt mãi rồi cũng nghĩ ra một cách sửa sai: cô ngồi xuống bên bậc thềm, chờ đợi hàng giờ, cho đến khi có người ra mở thùng thư: "Làm ơn cho tôi xin lại". Mai Du nói, vẻ ngượng ngùng mà quả quyết. "Đơn li hôn?". Anh nhân viên Tòa án cười cười, rồi cổ vũ: "Tự hòa giải thì còn gì bằng!".

Mai Du muốn tự mình hòa giải và cũng tin tưởng ở chính mình: đã bao nhiêu lần gay go căng thẳng, bao nhiêu lần đã tưởng sợi dây tình cảm chồng vợ giữa hai người phải đứt phựt rồi, vậy mà tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác, rồi vẫn tồn tại đến bây giờ. Có cái gì níu kéo mình? Nhiều người cũng đã hỏi mình: "sao không b ỏ quách cho nhẹ?". Các em và bạn bè cũ của mình thì bảo: "Hai người có một lịch sử tình bạn đẹp như thế, nên thơ nên nhạc như thế, không dứt được nhau đâu mà!". Ngày trước thì đúng là như thế. Ban đầu Mai Du sống vì tình yêu! Chính là tình yêu của Phú đã cho cô sức mạnh để vượt qua tất cả mọi khó khăn chướng ngại. Rồi sau đó thì Mai Du sống bằng kỷ niệm: những ký ức của thuở thiếu thời đã giúp cô cảm thông sâu sắc với chồng, cô hiểu rằng Phú thật là khó xử, Phú chỉ là một nạn nhân đáng thương trong cái bi kịch gia đình của anh thôi! Chính vậy mà đã có những khi Mai Du tưởng như có thể quên đi tất cả để làm lại từ đầu với một niềm tin, một tình yêu! Nhưng mà bây giờ, khi sợi tơ tình căng đến mức tưởng như không chịu đựng nổi nữa thì sức níu kéo Mai Du chính là các con rất thương yêu của cô. Ngồi xem vở kịch "Lá sầu riêng" trên truyền hình, Mai Du khóc cho thân phận người mẹ: ngày trước vì con mà đi không dứt, về sau thì vì con mà cam phận làm kiếp tôi đòi. Âu cũng chính là cô đang xót thương cho chính cái thân phận của mình. Người ta một đứa con còn đi chưa dứt, mình thì những ba đứa kia! Phải làm như thế nào đây? Với Phú, Mai Du tin rằng anh ấy không đến nỗi nào, có lẽ chỉ tại ngoại cảnh? Có lẽ chỉ tại "lửa gần rơm" đó thôi! Vậy thì mình phải giúp anh ấy thế nào đây? Hay ta lại mượn ngoại cảnh để tác động trở lại? Có nên chăng? Mai Du những thầm mong ai đó có thể giúp mình.

Như một người sắp chết đuối đang cố tìm một chỗ bấu víu, Mai Du viết cho chị Phượng một bức thư. Bức thư đánh máy, không có tên người gửi, không một lời xưng hô. Đó chỉ là một bài thơ của ai đó như đang linh cảm thấy cuộc đời mình sắp hết.

Chị Phượng viết lại ngay cho Mai Du. Chị bảo: "Vừa nhận thư Phú thì bài thơ này đến, biết ngay là của em. Phải chăng hai người cùng viết cho chị một ngày! Gần như cùng một lúc, cả Phú và Mai Du đều nghĩ về chị và đều gửi đến chị một nỗi niềm riêng tây của mình. Mai Du ơi! Theo thuyết duy tâm bảo thì đó là một sự đồng cảm! Vậy là giữa Mai Du và Phú vẫn có một sợi dây vô hình gắn bó với nhau, nối hai người lại với nhau. Bởi thế chị tin rằng rồi hai em sẽ đoàn tụ hạnh phúc, hậu vận của hai em sẽ vui vẻ, tốt đẹp. Chị cũng sẽ viết thư ngay cho Phú và cũng sẽ nói như thế. Em hãy cố gắng thêm nữa và kiên trì chờ đợi, để rồi xem lời chị nói hôm nay có nghiệm không nghe!...".

Sự cổ vũ của người chị họ giúp Mai Du tỉnh táo hơn chút nữa. Cô mạnh dạn tìm đến gặp thủ trưởng của anh Phú. Biết ông già đang bận chuẩn bị cho một chuyến công tác xa, Mai Du vào đề ngay và chỉ nói một câu rất ngắn gọn: "Thưa bác, nhà cháu còn trẻ tuổi, nhanh nhẹn, chắc không nhất thiết phải có thư ký riêng? Vậy thì, tuần sau bác về, xin bác đổi cô Hải sang công tác khác, kẻo hai người ngồi chung một phòng như thế, "lửa gần rơm", chẳng may cháu phải mất chồng mà bác mất cán bộ". Vợ Phú chỉ nói như thế, nhưng ông già hiểu rõ và thực hiện lời hứa: mấy tháng sau, Phú trở về thì cô thư ký của anh đã được điều sang một bộ phận khác từ lâu rồi.

Thoạt đầu Phú cũng có phần ngỡ ngàng. Anh đoán già đoán non rằng hẳn là do sự tác động của "cô ấy"! Rồi anh giận vợ lại đã đem chuyện nhà ra cho người ngoài! Bao nhiêu tháng ngày xa cách nghĩ ngợi, nhất là sau khi nhận thư của chị Phượng, Phú đã tưởng chuyến này về có thể làm hòa với vợ cho cuộc sống gia đình êm ả hơn, nhưng mà bây giờ thì anh lại cáu kỉnh bực bội, và lại vẫn hờ hững, lạnh lùng như một cái bóng mỗi khi đi về. Mai Du hiểu rằng đó chỉ là một cú "sốc" nhẹ của chồng mình, chỉ là một gợn sóng nhỏ, một phản ứng tức thời và chỉ nhất thời mà thôi. Khi đã gạt được rơm ra xa mồi lửa rồi thì có sợ gì hỏa hoạn. Mai Du nghĩ, và cô lại cẩn thận bỏ vào túi áo vét tông của chồng một bức thư tâm tình - Vẫn là một câu hỏi lớn của cả đời mình, cô hy vọng từ rày anh ấy sẽ cho cô lời giải đáp thỏa đáng.

Gửi bài thơ vào túi áo của chồng rồi, cũng như những lần trước, Mai Du cứ băn khoăn mãi, không biết Phú sẽ nghĩ thế nào? Liệu anh ấy có cảm thông cho những nỗi niềm của mình không?

Nguồn: truyen8.mobi/t91406-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-22.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận