Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 23

Chương 23
Cả ba đứa con đang bước vào mùa ôn thi. Chúng đều tự giác thức rất khuya và dậy sớm.

Người mẹ khi soạn, chấm bài, khi thì đọc sách, may vá... để thức cùng các con. Đêm đêm, Mai Du đưa đến cho từng đứa con cốc nước đường, bát mì sợi, vài quả chuối hay chén hột đậu xanh... Bồi dưỡng cho con học thi chỉ đơn sơ ít ỏi có vậy thôi, nhưng cả ba anh em Quang, Minh và Huy đều thấm thía sâu sắc những tình cảm yêu thương và công lao to lớn của mẹ, bảo nhau phải hết sức cố gắng để cho mẹ vui lòng.

Khi người cha đi công tác về thì cả hai anh em Quang, Minh đều đã tốt nghiệp phổ thông và vào được Đại học, út Huy cũng được lên thẳng cấp 3. Phú phấn khởi tổ chức một bữa liên hoan nhẹ, mời cả bà con thân thích nội ngoại và các thầy cô giáo chủ nhiệm của các con đến dự. Trước tất cả mọi người và cả trước mặt mẹ mình, lần đầu tiên Phú tán dương vợ, lần đầu tiên anh không kiềm chế được niềm vui. Anh bảo:

- Tất cả kết quả có được hôm nay là nhờ công của mẹ các cháu!

- Phải nói trước hết là "nhờ gien của ba" - Mai Du chữa lại. Mọi người vui vẻ cổ vũ. Chưa có bao giờ Mai Du cảm thấy xúc động và sung sướng như hôm ấy.

Mỗi khi có bạn bè khách khứa đến chơi nhà, Phú vui vẻ giới thiệu vợ: "Đây là thủ trưởng của tôi", hoặc "Đây là tiểu đội trưởng của tôi, còn tôi chỉ là tiểu đội phó thôi!". Dần dần, Phú bỏ thuốc lá, tuyệt đối không hút một điếu nà o nữa. Nhiều người phần quý mến anh, phần muốn thử nghị lực của người đang bỏ thuốc, đưa biếu cả tút "ba số", Phú chỉ lắc đầu cười, nói một lời đầy tự tin và tự hào: "Cám ơn, tôi không hút thuốc!". Còn về rượu, Phú cũng chỉ uống rất điều độ. Những lần liên hoan, tiệc tùng ở cơ quan, chúng bạn cũng muốn chuốc rượu mua vui, thi nhau uống. Mọi người đua nhau nâng cốc: "Cạn chén! Một trăm phần trăm!", riêng Phú vẫn từ tốn bảo: "Tôi thua!" hoặc là "Xin nhường phần thắng cho các bạn trẻ". Ai cũng nhận thấy Phú có nhiều thay đổi. Ai cũng khen: "Anh Phú dạo này trẻ ra, béo ra!".

 

 

*

*      *

 

Cô Sinh được phân phối nửa căn hộ, ra ở riêng. Lãm ba lần bảy lượt về bàn với vợ: "Mấy mẹ con về quê ở với ông bà nội và thầy mẹ nhé". Sinh không nghe. Lãm lại bảo: "Hay là về Vinh với anh? Cả gia đình sum họp?". Sinh vẫn không chịu: "Về làm sao được! Không có hộ khẩu còn ào ra, không có nhà, ở nhờ ở đậu còn chẳng về nữa là bây giờ, có nhà, lại có cả hộ khẩu rồi, dại gì mà bỏ? Có biết cái nhà, cái hộ khẩu ở Hà Nội giá trị như thế nào không? Về nhà quê chả chân lấm tay bùn thì cũng ăn nước giếng, thắp đèn dầu! Về trong Vinh thì chỉ có hứng gió Lào với cát bụi! Để cho các con chúng nó chết khổ chết sở à?". Đó là cái lý của cô ấy! Lãm thấy không thể nào thuyết phục cô ấy được. Còn anh? Từ sau khi nhận giấy báo tử của cả hai thằng em, và rồi đứa em gái út cũng đi lấy chồng, thì Lãm đã tự xác định trách nhiệm của mình rất nặng nề với gia đình. Mình không thể để ông bà, cha mẹ, bốn người già ở lại để ra Hà Nội với vợ con! Thôi thì chỉ còn một cách... Nghĩ đi nghĩ lại, tháng này sang tháng khác, cuối cùng, Lãm viết đơn xin li hôn. Đó là một lá đơn đơn phương, bởi vì Sinh nhất định không chịu ký. "Ký để cho anh ta tha hồ thoải mái mà cặp bồ, mà lấy vợ à?", Sinh nghĩ vậy. Lâu rồi, Tòa án sơ thẩm cấp quận cũng xử theo yêu cầu của người chồng. Nhưng, Sinh vẫn kháng cáo.

Là phụ nữ, Mai Du dễ dàng cảm thông với nỗi mất mát của người vợ mất chồng, và những đứa trẻ sẽ phải mất cha, cô muốn giúp đỡ và bênh vực cho Sinh. Mai Du đưa Sinh đến gặp anh Trịnh Hùng Duân và một vài người khác nữa trong ngành Tòa án, với mong muốn tìm mọi cách để cứu cho Sinh khỏi cảnh li hôn.

Khi Tòa án Thành phố tổ chức phiên tòa xử lại, những tưởng có thể giúp cho vợ chồng Lãm - Sinh hòa giải, Tòa hỏi cô Sinh:

- Nếu Tòa bác đơn li hôn của anh Trần Lãm, hòa giải hai người thì chị có về sống chung với chồng để gia đình đoàn tụ không?

- Không ạ.

- Vậy nếu Tòa xử li hôn thì chị có ý kiến như thế nào về con cái?

- Để cho bố chúng nó nuôi cả ba đứa. Tôi đã nuôi chúng nó từ nhỏ đến giờ rồi, bây giờ tôi sắp về mất sức, ốm yếu, lương thấp, tôi không nuôi nổi đứa nào nữa cả.

- Ý kiến anh thế nào? - Tòa hỏi Lãm.

- Tôi đồng ý nuôi cả ba đứa con tôi.

- Thế còn nhà cửa, tài sản?- Tòa lại hỏi người chồng.

 

- Nhà cửa thì cô ấy - mẹ các cháu - cứ ở, tài sản cô ấy cứ dùng, không có gì phải phân chia cả.

Phiên tòa kết thúc: y như Tòa sơ thẩm đã xử, cho hai người li hôn. Một tuần sau, Lãm đem theo vài ba người bà con ra Hà Nội đón ba đứa con về. Mấy lần đến nhà, anh đều bị người vợ khước từ không chịu mở cửa cho vào và thậm chí nhất định không cho một đứa con nào mở cửa cho bố. Ăn chực nằm chờ mãi ngoài quán xá, rồi Lãm cũng nản lòng. Anh trở về quê. Lâu dần cũng không tính đến chuyện ra đón các con về nữa.

Sinh những tưởng đưa ra điều kiện "để bố nuôi cả ba đứa con" Lãm sẽ không dám nhận, bởi vậy anh ta sẽ phải mang một gánh nặng còn mong gì lấy vợ, mà li hôn! Nhưng nếu bây giờ thực hiện bản án, nghĩa là để cho anh ta đón con về trong ấy, thì các con sẽ khổ mà mình thì sẽ mất tất cả! Nghĩ vậy, Sinh cương quyết giữ các con lại. Bản án li hôn không có một điều ràng buộc nào với Lãm về kinh tế. Vậy nên dần dà Sinh nhận thức được chính mình là người thiệt thòi! Trái lại, Lãm thì được hoàn toàn giải phóng, tha hồ mà nhởn nhơ, lại cả không phải đóng góp nuôi con một đồng nào! Tính toán mãi rồi Sinh cũng nghĩ ra một cách: thỉnh thoảng, một năm vài lần, cô đáp tàu hỏa vào cơ quan chồng đòi can thiệp. Ở cơ quan đó hiện Lãm đang làm "sếp". Mỗi lần Sinh vào, Lãm chỉ lẳng lặng dúi vào tay người vợ cũ vài ba trăm ngàn và bảo: "Tôi chỉ còn ngần này, cô cầm tạm!". Thế là người vợ lại lên tàu quay trở ra, tuyệt nhiên không hề báo cho bố của mấy đứa trẻ biết mảy may điều gì có liên quan đến các con! Bà con thân thích của Sinh vẫn bảo: "Tôi như cô thì tôi thèm lem vào! Đòi tiền hắn làm cái quái gì? Lặn lội mấy trăm cây số được bao nhiêu ấy? Hừ! Chẳng bằng vứt tàu vứt xe!". Thì Sinh trả lời: "Vẫn biết thế, nhưng không bắt hắn nhả ra ít nhiều thì trong bụng mình cứ tức anh ách! Chẳng phải chừng ấy mà sống được, nhưng mà đòi cho bõ ghét!".

Quả thật người đàn bà này không nhận rõ được vai trò của chồng trong gia đình. Năm thì mười họa, anh ta về cũng được, không về cũng được. Bởi vì cô đang có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là mẹ và anh trai cô. Đã từ lâu, thực sự là anh Phú của cô đã thay thế Lãm mà lo toan mọi việc, vì chồng cô ấy ở xa, và hơn nữa là vì, để cho mẹ anh vừa lòng. Bây giờ, khi Sinh - Lãm đã li hôn, thì chính Phú đã xác định cho mình là càng phải thay thế Lãm giúp đỡ mẹ con cô ấy. Phú nhớ lại ngày trước, khi biết Lãm tính chuyện đưa vợ con về trong khu Bốn mà Sinh không ưng thuận, chị Thiệu đã viết thư ra bàn với em trai: "Chúng mình là anh là chị, phải bảo ban cái Sinh chồng đâu vợ con đó mới là hạnh phúc. Nhà cửa hộ khẩu Hà Nội sao bằng được sự sum họp đoàn tụ? Xưa nay lẽ đời, ai chả xuất giá tòng phu? Với lị, nó là dâu cả, bây giờ hai chú em hy sinh, nó là dâu duy nhất trong gia đình, thì nó phải về để lo toan cho các ông bà già mới là phải đạo. Chị em mình nên lấy tình máu mủ ruột rà mà khuyên giải cho nó cặn kẽ. Còn nếu như nó không nghe, sau này hậu quả thế nào, nó phải gánh chịu!". Phú biết chị Thiệu nói đúng, nhưng mà Phú không dám bàn với cô Sinh về trong ấy đoàn tụ với chồng, bởi anh sợ cả bà mẹ và cô ấy sẽ nghĩ rằng Phú không muốn cưu mang em, chỉ chờ cơ hội để đuổi nó ra khỏi nhà. Bây giờ thì anh thấy rõ ràng trong chuyện li hôn của em gái có phần trách nhiệm của mình. Mình đã không bảo ban nó, bây giờ mình không thay chồng nó mà gánh vác thì còn ai vào đây nữa? Một người đàn bà nghễnh ngãng, dốt nát và ba đứa con gái. Gia đình không có người đàn ông khác nào nhà không có cái cột trụ, mẹ con nó còn biết nhờ cậy vào ai nữa đây. Ban đầu, không bảo cô em gái trở về sum họp với chồng là anh những tưởng đơn đơn phương thì người ta không giải quyết. Về sau anh lại hy vọng có vợ mình tác động với những người thân quen, may ra Sinh không bị li hôn. Giờ cơ sự đã đến nước này, không muốn cũng không được! Thế là Phú lại càng ra sức cưu mang gia đình em gái, từ công lớn đến việc nhỏ trong nhà cô ta. Suốt ngày cô ấy í ới gọi: "Bác Phú ơi! Em nhờ bác...", "Anh Phú ơi! Anh giúp em...". Biết rằng một mình cô ấy nuôi sao nổi ba đứa con, mà mình thì cũng không "mang cọc cho rêu" xuể được, anh tìm cách cùng với vợ xoay xở cho đứa con lớn của Sinh đi lao động ở nước ngoài. Mọi chuyện tiền nong, giấy tờ, "phong bì" chạy vạy Phú lo hết. Mấy đứa con lớn của anh thì đi lo mua sắm, đóng gói đóng hòm, giúp cái Lâm chuẩn bị hành lý để xuất ngoại. Ba bố con ông bác thuê xe tiễn đứa con gái lớn của nhà cô em sang tận sân bay Nội Bài. Khi đã giúp đứa cháu làm xong mọi thủ tục và tiễn nó ra cửa nhà ga, cả ba bố con Phú đứng nhìn theo lưu luyến, xúc động, những mong con bé ngoái lại một lần để đưa tay vẫy vẫy. Thế nhưng, cái Lâm chỉ mải miết cúi đầu bước ra máy bay, không một chút đoái hoài đến ông bác và các anh. Ba bố con chỉ còn cách lắc đầu chán nản mà lên xe quay trở về: "Thật không hiểu nổi con bé này!".

Mai Du nhẩm tính: ba năm nữa, út Huy học hết phổ thông thì mình cũng chẳng cần phải chăm nom kèm cặp các con nữa, mình có thể đi lao động ở nước ngoài để lo kinh tế giúp gia đình. Làm gì chứ, một đội trưởng lao động thì chắc chắn mình làm được. Dầu chẳng biết buôn bán như người ta, mình có thể dành dụm đồng lương rồi kiếm thêm việc làm ngoài giờ để tháng tháng gửi về cho gia đình ít nhiều. Nghĩ vậy, Mai Du xin đi học một lớp tiếng Đức ở một trung tâm ngoại ngữ lớn của thành phố.

 

Đêm nào cũng vậy, soạn cơm tối xong cho cả nhà là chị dắt xe ra đi. Đã quen nhiều năm nay vậy rồi, Mai Du vẫn đi dạy Bổ túc văn hóa buổi tối. Nhưng kỳ thực từ năm học này, chỉ còn dạy vào những tối ngày chẵn, còn ngày lẻ, chị dành đến lớp tiếng Đức. Mặc trời mưa trời rét, chị cần mẫn chăm chỉ không bỏ một buổi nào. Tranh thủ mọi giờ trống ở trường và những đêm khuya khoắt, khi chồn g con đã ngủ cả rồi, Mai Du cẩn thận làm hết mọi bài tập. Thầy giáo tiếng Đức vẫn nghĩ bụng: chị học viên lớn tuổi này không biết học tiếng Đức để làm gì mà say mê và nghiêm túc đến vậy? Ngần ấy tuổi rồi, mắt chẳng bao giờ rời cái kính lão, chẳng nhẽ chị lại còn định đi "Đội trưởng"? Phải thừa nhận rằng tất cả những bài viết của chị đều khá đúng ngữ pháp và những bài dịch của chị đều rất trôi chảy, hợp văn phạm. Mấy lần thầy định trò chuyện ngoài giờ một chút cho biết thêm đôi nét đời thường của người học trò đặc biệt này. Nhưng Mai Du không bao giờ tới lớp sớm một phút và trống tan trường thì chị cũng là người nhanh chân nhất ra khỏi phòng. Đối thoại vài câu trong giờ học, thầy cũng chỉ biết chị là một nhà giáo, và chị bảo: "Học để biết ít nhất một ngoại ngữ, cho hợp với thời đại".

Học sáu tháng, Mai Du đã lấy được bằng A tiếng Đức, và tiếp tục học lên lớp B, vậy mà ở nhà, ở trường chẳng hề ai hay biết gì. Bởi vì chị cố giữ gìn không để ai nhìn thấy và nghe thấy chị học tiếng Đức. Thế nhưng đêm nay, sau khi đã viết xong bài luận văn "Tự giới thiệu về mình", sau khi đã cố dùng hết những lời hay ý đẹp để nói về chồng, về con, Mai Du rụt rè đưa bài luận văn vào giường và bảo chồng: "Anh xem rồi chữa giúp cho em". Phú đang nằm đọc báo, anh thật hết sức ngỡ ngàng: cô ấy học tiếng Đức từ bao giờ nhỉ? Đúng đây là chữ của cô ấy mà! Nhưng tính Phú vẫn vậy, anh chẳng hề hỏi vợ học tiếng Đức bao giờ và học để làm gì, chỉ lẳng lặng đọc kỹ bài viết của Mai Du rồi cầm bút cẩn thận chữa lại mấy lỗi:

- Nói như thế này hay hơn - Anh bảo vợ.

- Anh đọc mẫu cho em nghe một đoạn. Em rất ít được tập đọc.

Phú đọc một đoạn, Mai Du vui vẻ ước giá như ngày nào mình cũng được chồng dạy cho học tiếng Đức thì chẳng mấy mà giỏi.

Thế rồi những buổi sau, sau nữa, thay vì trước đây, khi không dám nói thành lời, Mai Du trò chuyện với chồng bằng những bài thơ, những lá thư tâm tình, thì nay chị viết những bài tập ngắn bằng tiếng Đức để nói chuyện riêng với chồng, để tiếp tục bộc bạch nỗi lòng "em yêu anh". Phú đọc, với cái thế của một "gia sư", để chữa lỗi, nhưng thầm hiểu ý vợ, anh cũng thấy có cái gì đó hay hay. Một buổi tối, Phú có giấy mời đi xem biểu diễn báo cáo vở Ô-pê-ra Spác-tác. Đạo diễn người Đức thủ vai chính trong buổi biểu diễn này. Khi vở kịch kết thúc, lần đầu tiên trong đời Phú cùng vợ lên sân khấu tặng hoa. Mai Du nói một câu chúc mừng bằng tiếng Đức. Anh bạn Đức khoái chí cười rất to và ôm chặt lấy Mai Du. Chị ngượng ngùng đỏ mặt, trong khi Phú rất đỗi vui vẻ thích thú. Đêm Nô-en năm ấy, cơ quan Phú muốn đưa vợ chồng anh chuyên gia người Đức đến một gia đình Việt Nam. Phú mời về nhà mình. Đang lúc trò chuyện rôm rả, anh bảo vợ: "Nói vài câu tiếng Đức cho họ vui đi!". Mai Du liền nhập cuộc. Mấy câu thăm hỏi chuyện trò bằng tiếng Đức của một người đàn bà bình thường trong căn nhà nhỏ đơn sơ làm cho cuộc họp mặt đặc biệt này thêm sôi nổi. Mai Du sung sướng nhận ra rằng chẳng những khách vui vẻ mà chính chồng chị đang rất thú vị.

Mấy tháng sau, Mai Du nhận bằng B tiếng Đức, và thế là chị có đủ điều kiện cuối cùng để nộp hồ sơ đi lao động hợp tác quốc tế. Nhờ sự hỗ trợ của chồng, Mai Du nói và viết tiếng Đức kha khá, cô thi "Đội trưởng" chẳng khó


khăn gì.

Có một tờ giấy báo của Cục Hợp tác quốc tế gửi về trường, bảo Mai Du chuẩn bị làm hộ chiếu để có thể kịp chuyến cuối cùng đi Đức vào 30-8-1989. Mới nhìn cái phong bì, các đồng nghiệp của Mai Du ở trường cũng đã hiểu ra mọi nhẽ. Thế là chỉ mấy ngày sau, ông Hiệu trưởng trường Mai Du tơi tới nhận được đơn của giáo viên Văn xin chuyển về "để thế chân chị Mai Du".

Đối với Mai Du, quyết định đi hay ở là cả một vấn đề thật nan giải. Một bước ngoặt mới của cuộc đời sẽ mở ra, tốt đẹp, hay là một sự sai lầm nghiêm trọng để phải ân hận mà không còn cơ may cứu vãn là ở quyết định sai, đúng của ngày hôm nay đây. Mai Du tính phải nghiêm túc bàn bạc vấn đề này với cả nhà. Một bữa cơm tối đang vui vẻ, chị dè dặt nói với chồng:

- Anh bảo em có nên làm một chuyến Đội trưởng lao động ở Đức?

- Tùy. Thích thì cứ đi.

- Nhưng mà em hỏi ý kiến anh. Anh có thích em đi không? Em chẳng buôn bán làm giàu được như người ta đâu nhưng dành dụm tiền lương chắc cũng được ít nhiều gửi về.

- Chỉ có thằng đàn ông nào điên mới thích vợ đi lao động ở nước ngoài.

Phú nói ngủng ngoẳng, và Mai Du hiểu ý chồng không bằng lòng.

Vừa khi nghe mấy thằng con nói xen vào:

- Chúng con cũng sắp ra trường, sẽ có việc làm, mẹ không phải lo về kinh tế nữa đâu.

 

- Nhà ta có những bốn đàn ông, ai lại để phụ nữ làm kinh tế? Mà tuổi mẹ, không chịu nổi chế độ lao động ở một đất nước công nghiệp như vậy đâu!

- Thế thì uổng phí mấy năm học tiếng Đức à? - Người mẹ nói.

- Biết đâu sau này ba có dịp đi thường trú, đưa phu nhân theo cùng.

Câu nói đùa của thằng út làm cả nhà cười vui và cũng tựa hồ như một cái dấu chấm hết để cắt đứt đề tài này. Nhưng người đàn bà mơ hồ nhớ lại động cơ học tiếng Đức lúc ban đầu của mình chính là có ý như vậy: trong sự bức bối của cuộc sống chung đụng này, bao nhiêu tình cảm gia đình bị dồn nén, ức chế. Chỉ có mình đi lao động, anh ấy đi thường trú, gặp nhau và chung sống ở nước ngoài may ra mới có cơ hội để thấy hết được tình chồng, để được đền bù lại những mất mát thiếu thốn mà mình đã gánh chịu suốt mấy mươi năm ròng nay. Bạn bè, đồng nghiệp của Mai Du ở trường chia ra làm hai ý kiến: ngư ời bảo đi, người bảo đừng. Và chị hiểu ra một sự thật: nếu mình xách va li lên đường thì dầu có trục trặc gì cũng không thể nào trở lại bục giảng ở trường này được nữa. Bọn học trò lớp hệ B mà Mai Du đang chủ nhiệm thì năn nỉ: "Chúng em chỉ còn một năm nữa ra trường, cô nỡ bỏ chúng em hay sao?". Mai Du nghĩ ngợi lung lắm, nhất là trước những lời bàn của cha mẹ và anh chị em mình. "Hạnh phúc vừa níu kéo được trong tay, phải củng cố cho vững chứ! Khoảng cách thời gian và không gian biết đâu sẽ là trở ngại, làm hạnh phúc lung lay"?".

Mai Du đang thực sự dao động thì nhận được giấy báo điểm của thằng Huy: Không có điểm toán! Tại sao hè? Ít ra cũng phải có điểm 0, điểm 1 gì chứ? Tại sao chỗ điểm toán lại bỏ trống? Máy tính điện tử bị nhảy số ư? Hay là bị mất bài? Phú lại đang đi công tác. Mai Du lo lắng phán đoán mọi nhẽ, không biết cùng ai chia sẻ. Chị thương thằng con út sao sự học của nó lại lận đận quá vậy? Ngày trước bé tí xíu, mới cắp sách đến trường đã bị một cú "sốc" nặng rồi, thằng bé uất ức hậm hực mãi. Bây giờ lại xảy ra sự cố này, làm sao mà nó chịu đựng nổi đây?

Từ trường, mang giấy báo điểm về, chị nhẹ nhàng động viên thằng con:

- Có thể bị nhảy số hay là bị lẫn bài thôi! Con hãy bình tĩnh nhớ lại đi! Con có thể mô tả được bài làm của con không?

- Được mẹ ạ. Con nhớ rõ từng trang con đã làm như thế nào.

Người mẹ nhớ lại trạng thái tâm lý của thằng con hôm đi thi về. Bài năng khiếu thì nó phấn khởi lắm, bài toán trông bộ cũng vui vẻ, chỉ có hôm thi lý, nó có vẻ không hài lòng với mình. Chị tin ở con và phác một quyết định: hai mẹ con hai xe đạp, cầm giấy báo điểm phóng vào trường Đại học Kiến trúc.

Chuyện thi cử của thằng con hết ngày này sang ngày khác cứ hút đi bao sức lực và thời gian của người mẹ. Mai Du không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đi lao động hợp tác quốc tế nữa. Chị giúp con làm đơn làm từ, đưa con đi gặp phòng giáo vụ, phòng đào tạo, chị cổ vũ thằng con mô tả tường tận bài làm của nó cho các thầy giáo, cho ban giám hiệu. Và, chờ đợi. Thì đây rồi, một hôm như bao hôm nào, Mai Du thấp thỏm đạp xe vào trường Đại học Kiến trúc, chị đã thấy tên con mình trong bản danh sách bổ sung. Thật là may! Thật là vui.

Phú đi đến đâu cũng nhận được những lời chúc mừng đầy nhiệt tình. Ở cơ quan, ở xóm phố, gặp bạn bè, ai cũng bảo anh:

- Có ba đứa con vào đại học cả, thật là tuyệt!

- Người ta bảo "tam nam bất phú" nhưng anh chị thì rất giàu! Giàu tiền bạc cũng không quý bằng giàu tri thức!

- Chao ôi! Sao mà khéo dạy! Con trai mà đều nên người cả. Nhà khác thì chết khổ chết sở, mấy thằng con trai nó phá cho tan cửa nát nhà.

Phú vừa sung sướng vừa ngượng ngùng. Anh chống chế:

- Tôi chẳng có công gì đâu. Nhờ mẹ các cháu cả.

 

Một người gật gật đầu tán đồng:

- Ừ, lấy vợ nhà giáo, chăm dạy con tốt nhất.

- Thế nhân viên làm ngày 8 tiếng như bọn em thì không ai rước sao? - Một cô bạn pha trò làm mọi người cười ồ, trong khi một cô khác nghiêm trang bảo:

- Nhà giáo thì cũng tùy. Có người thôi!

Nguồn: truyen8.mobi/t91408-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-23.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận