Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 2

Chương 2
Vừa bước chân xuống bục giảng, chưa về tới phòng Hội đồng Nhà trường, Mai Du đã thấy một nhóm người đứng tuổi đứng trên hành lang nhìn mình cười cười.

Rồi, bắt chước giọng thơ ngây của các trẻ mẫu giáo, gần như đồng thanh, cả nhóm cùng cất tiếng:

- Chúng em chào cô ạ!

Mai Du đáp lại bằng một nụ cười ngỡ ngàng:

- Các em là...?

- Dạ, chúng em là học sinh huyện H, lớp 10B cô chủ nhiệm.

- Chà! Hơn một phần tư thế kỷ rồi còn gì? Sao biết cô ở đây?

- Nghe nói cô về Hà Nội, chúng em tìm cô mãi.


Lần này, sắp hội trường, bọn em bảo nhau phải tìm cô bằng được.

- Chúng em đã chia nhau đến rất nhiều trường ở nội thành, may mà...

Nhìn người đối diện với mình có một cánh tay màu chì, không tự nhiên, Mai Du ái ngại hỏi:

- Em là... Lại Thế Sung? Em bị thương hồi nào?

- Dạ, ngày ấy đi bộ đội rồi vào chiến trường B. Năm 68 em bị thương ở...

Lời anh học trò thương binh bị chìm đi trong những câu hỏi dồn dập của chúng bạn:

- Ồ, cô vẫn còn nhớ cậu Sung?

- Cô còn nhớ tên em không ạ?

- Cô gọi tên em đi!

Mai Du lần lượt gọi đúng tên từng người. Những người học trò đã làm mẹ, làm cha, thậm chí đã làm ông, làm bà bỗng dưng cảm thấy mình bé lại, sung sướng ngây thơ như trẻ nhỏ khi cô giáo gọi đúng tên mình. Đến một người đứng sau cùng, anh nói đùa:

- Em thì cô chịu rồi. Cô không nhận ra em, đúng không ạ?

- Có chứ! Có chứ! Cô nhận ra chứ. Em là... học sinh huyện H.

Mọi người vỗ tay cười vui. Lớp trưởng Sung cắt nghĩa:

- Cậu ấy học sau bọn em một khóa. Cô không biết là phải. Nhưng đã là học sinh cấp 3 huyện H ngày ấy, hầu như đều biết cô.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ mà thú vị làm Mai Du xúc động mãi. Hôm sau, họ đón cô giáo đến nhà một người bạn. Từng đôi, từng đôi đã tới đủ. Lớp trưởng Lại Thế Sung mang theo cả con gái út:

- Chào bà đi con!

Có người nhắc đứa cháu gái. Mai Du vui với tiếng chào là lạ, đưa mình lên chức "bà". Một người bảo Lại Thế Sung:

- Lớp trưởng! Làm nhiệm vụ đi!

Sung đứng lên lễ phép như một người học trò, thong thả giới thiệu các bạn, từng cặp vợ chồng, rồi kết luận:

- Lớp 10B chúng em ngày ấy, bây giờ ở Hà Nội có chừng đây người. Em điểm danh đủ cả rồi ạ.

- Đúng là lớp trưởng!

Mọi người lại cười vui vẻ, rồi lần lượt kể cho cô giáo nghe về gia cảnh và công việc của từng người. Họ đua nhau nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc của cái tuổi học trò ở cấp 3 huyện H, những mẩu chuyện về cô giáo và về lớp 10B của mình. Họ kể về chiến công của những người bạn đã gửi một phần xương máu trên chiến trường hoặc đã ra đi vĩnh viễn! Mai Du lặng đi, nước mắt rơi dài trên má. Đoạn, chị nghẹn ngào lấy ra một quyển sổ dày, bìa đỏ, bảo mọi người ghi rõ địa chỉ, tên tuổi của từng người trong gia đình, và ghi cả về các bạn. Đám học trò chuyền tay nhau. Có người còn tìm được một vài cái ảnh của vợ con, dán vào. Có người cố ghi vội mấy dòng tâm sự. Một anh đưa tặng cô giáo "tấm ảnh lịch sử" của lớp (vừa in lại) - tấm ảnh cô trò chụp ngày ra trường 25 năm trước; đã từng nằm trong hành trang ra trận của người chiến sĩ và trở thành di vật thiêng liêng cuối cùng của người học trò liệt sĩ Phạm Anh Tung!

Mai Du đang nâng niu tấm ảnh, xúc động nhận mặt từng người xem những ai còn ai mất, thì cả đám học trò tóc đã ngả hai màu ấy đứng lên, khẩn khoản mời cô ra xe. Họ tổ chức một bữa liên hoan đặc sản tận nhà hàng trên Phủ Tây Hồ và chụp ảnh để kỷ niệm ngày đầu sum họp, ngày đầu tìm lại được cô giáo. Mãi đến xế chiều, cả đoàn người mới lại nối nhau cùng đưa cô giáo về tận nhà.

Khi chỉ còn một mình, Mai Du thầm nghĩ: "Cái ngày ấy mình đi Đức thì làm sao có được niềm vui lớn này!".

Đến ngày Nhà giáo Việt Nam "20-11" đường vào nhà cô Mai Du vẫn rộn rã bước chân học trò, song đặc biệt năm nay, học trò cũ ở cấp 3 huyện H. đến với cô khá đông. Họ đi cùng một tốp, mang theo cả vợ con. Họ gửi ô tô, xe máy tận ngoài đường cái lớn. Quà tặng cô giáo Mai Du của những người học trò tóc đã muối tiêu này thật đặc biệt: đó là mấy bài báo viết về cô và một băng ghi âm. Tác giả của cuốn băng nói: "Bài này đã đọc trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ngày... Chúng em xin kính tặng cô và xin đề nghị cô mở cho các bạn cùng nghe". Tiếng người phát thanh êm ái, nhè nhẹ đọc bài "Tìm lại cô giáo", đưa người nghe trở về với những kỷ niệm đẹp của cô trò lớp 10B trường cấp 3 huyện H. gần 30 năm trước. Cả cô và trò, chủ và khách rưng rưng xúc động! Rồi tất cả lại ngồi chơi vui vẻ, chuyện trò râm ran, có cả chồng cô giáo cùng dự. Một anh học trò dè dặt ghé tai cô giáo hỏi nhỏ:

- Thưa cô... chú... có phải là người ngày xưa không?

Mai Du nói với chồng:

- Kìa anh! Cậu ấy hỏi "chú có phải là người ngày xưa không?".

Phú cười vui vẻ và trả lời thay vợ:

- Là người mà lớp trưởng giới thiệu với các cậu: "Đây là khách của cô giáo" đấy.

Tất cả vỗ tay cười vui.

Nguồn: truyen8.mobi/t91414-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận