Tôi đã mất nhiều bệnh nhân khi đang mổ cho họ. Người ta không thể hoàn toàn thanh thản mà thoát khỏi kiểu thất bại này. Nhưng thường thì thử thách không chỉ dừng ở đó: tôi còn phải thông báo tin khủng khiếp ấy cho những người thân của người quá cố, những người đang nín thở trong phòng chờ. Và trong phần đời còn lại của mình, tôi sẽ nhớ ánh mắt âu lo của họ khi tôi từ khu phẫu thuật bước ra. Ánh mắt ấy vừa dữ dội lại vừa xa xăm, chất chứa cả hy vọng lẫn sợ hãi, lúc nào cũng vậy, nó mênh mông và sâu thẳm như sự im lặng đi kèm với nó. Vào đúng khoảnh khắc ấy, tôi thường mất niềm tin vào chính mình. Tôi sợ những lời nói của tôi, sợ cú sốc mà những lời ấy gợi nên. Tôi tự hỏi các bậc cha mẹ đón nhận chuyện đó thế nào, họ sẽ nghĩ tới điều gì đầu tiên khi họ hiểu rằng điều kỳ diệu không xảy đến.
Hôm nay, chính tôi là người phải đón nhận. Tôi ngỡ bầu trời sụp trên đầu mình khi người ta kéo tấm ga phủ những gì còn sót của cơ thể Sihem ra. Thế nhưng, thật ngược đời, tôi chẳng nghĩ tới điều gì cả.
Đổ mình vào một chiếc ghế bành, tôi vẫn không nghĩ đến điều gì. Đầu óc tôi còn hơn cả trống rỗng. Tôi không biết mình đang ở văn phòng của mình hay đang ở văn phòng của ai khác. Tôi thấy những tấm bằng treo trên tường, những tấm rèm bên cửa sổ, những bóng người đi tới đi lui trong hành lang, nhưng như thể mọi thứ đang diễn ra ở một thế giới song song với thế giới mà người ta đã loại thải tôi không một lời báo trước cũng không một cử chỉ nhỏ níu giữ.Truyen8.mobi
Tôi thấy mình như bị bệnh, bị ảo giác, bị cạn kiệt sức sống.
Tôi chỉ còn là một kẻ đau buồn khủng khiếp co quắp dưới tấm áo khoác nặng nề, không rõ liệu có đang ý thức được nỗi đau giáng xuống đầu mình hay đã bị nỗi đau đó hủy hoại.
Một cô y tá mang cho tôi cốc nước và khẽ nhón chân rút lui. Naveed không ngồi lại lâu với tôi. Người của anh đến tìm anh. Anh lặng lẽ theo họ, mặt cúi gằm. Ilan Ros quay lại trực. Hắn không lại gần tôi lấy một lần để động viên tôi. Chỉ một lúc khá lâu sau tôi mới nhận ra mình chỉ có một mình trong phòng. Mười phút sau khi tôi ghé qua nhà xác thì Ezra Benhaêm đến. Ông ở trong trạng thái suy sụp nặng và lảo đảo vì mệt. Ông ôm tôi trong vòng tay và siết chặt. Như có cái gì đó chặn họng, ông không nói được một lời với tôi. Rồi Ros đến gọi ông ra ngoài. Tôi thấy họ tranh luận trong hành lang. Ros thì thầm gì đó bên tai ông và Ezra càng lúc càng lắc đầu một cách khó khăn. Ông phải đứng dựa vào tường để khỏi bị ngã, và tôi không trông thấy ông nữa.
Tôi nghe thấy tiếng ô tô trong sân, tiếng cửa xe đóng sập lại. Ngay sau đó, những tiếng bước chân vang lên trong các hành lang, kèm theo những tiếng rên rỉ khe khẽ và những tiếng càu nhàu. Hai cô y tá vội vã đi qua, tay đẩy chiếc xe chở một người nom như cái bóng ma. Tiếng giày khua rộn tầng gác, vang lên trong hành lang, tiến lại gần; hai người đàn ông có vẻ mặt khắc nghiệt dừng lại trước mặt tôi. Một trong hai người, người thấp bé và trán hói, tách ra khỏi nhóm. Đó là người đàn ông có dáng vẻ thô bạo và đề nghị tôi nhận dạng cái xác.
- Tôi là đại úy Moshé.
Naveed Ronnen đi cùng ông ta, đứng sau ông ta hai bước chân. Trông anh bạn Naveed của tôi không có vẻ gì thân thiện cả. Dường như anh đang bối rối, xa cách. Mặc cho hàm cấp cao của mình, anh bỗng trở thành một kẻ mờ nhạt.
Viên đại úy chìa ra một tờ giấy.
- Chúng tôi có lệnh khám xét, bác sĩ Jaafari ạ.
- Khám xét ư?...
- Ông nghe rõ rồi đấy. Xin ông đi theo chúng tôi về nhà riêng.
Tôi cố lục tìm điều gì đó trong ánh mắt Naveed; nhưng anh bạn tôi nhìn xuống đất. Tôi quay về phía viên đại úy.
- Tại sao lại là nhà tôi?
Viên đại úy gấp tờ giấy lại làm tư và nhét nó vào túi trong áo vest của mình.
- Theo những chi tiết ban đầu của cuộc điều tra, các mảnh rời trên cơ thể vợ ông có những vết thương đặc trưng của những kẻ đánh bom cảm tử Hồi giáo cực đoan.
Tôi nghe rõ từng từ trong câu nói của viên chỉ huy, nhưng không thể hiểu được chút nào. Có cái gì đó choán lấy tâm trí tôi, giống như một cái vỏ sò đột ngột khép lại trước một mối nguy hiểm bên ngoài.
Naveed là người giải thích cho tôi:
- Không phải một quả bom, mà là một vụ khủng bố liều chết. Mọi chi tiết đều khiến người ta tin rằng người tự làm nổ mình ở nhà hàng ấy là vợ cậu, Amine ạ.
Đất sụp xuống dưới chân tôi. Thế nhưng, tôi không biến mất. Do tuyệt vọng. Hoặc do buông xuôi. Tôi từ chối nghe thêm bất kỳ lời nào. Tôi không còn nhận ra thế giới mình đang sống nữa.Truyen8.mobi
Những người dậy sớm vội vã đi về phía các nhà ga và các trạm chờ xe buýt. Tel-Aviv cũng thức tỉnh, ngoan cường hơn bao giờ hết. Dù những thiệt hại có lớn đến đâu, thì cũng không một tai biến nào có thể khiến Trái đất ngừng quay được.
Ngồi giữa hai người đàn ông to lớn trên ghế sau ô tô cảnh sát, tôi nhìn ngắm những tòa nhà lần lượt hiện ra, những cửa sổ sáng đèn mà ở đó chốc chốc lại thấp thoáng những hình nhân rối bóng. Tiếng một chiếc xe cam nhông kêu ro ro vang lên khắp phố nghe như tiếng gầm của một con quái vật đầu sư tử đang ngái ngủ bị làm phiền và rồi, sự im lặng đến đờ đẫn của những buổi sáng lao động miệt mài lại trở lại. Một kẻ say mèm đang hoa chân múa tay giữa quảng trường, hẳn là để cố giũ những con rận đang hút máu ông ta. Tại một cột đèn giao thông, hai nhân viên bảo an đang canh chừng nguy hiểm, mắt trước mắt sau, nom như những con tắc kè hoa.
Trên xe, chúng tôi im lặng. Người lái xe ngồi dính với cái vô lăng của mình. Vai ông ta rộng và gáy ông ta ngắn đến nỗi người ta cứ ngỡ nó bị một cái chày lèn xuống. Chỉ có đúng một lần, ánh mắt ông ta lướt nhìn tôi trong kính chiếu hậu, khiến tôi lạnh toát sống lưng... “Theo những chi tiết ban đầu của cuộc điều tra, các mảnh rời trên cơ thể vợ ông có những vết thương đặc trưng của những kẻ đánh bom cảm tử Hồi giáo cực đoan.” Tôi cảm giác như những tiết lộ này sẽ ám ảnh tôi đến hết đời. Chúng len lỏi trong tâm trí tôi, lúc đầu còn chậm rãi, sau đó, như ngấm dần sự quá khích, chúng lao vào tôi và bủa vây tứ phía. Giọng viên chỉ huy vẫn vang lên, uy quyền và rành mạch, tuyệt đối ý thức được tính nghiêm trọng cực độ trong những lời tuyên bố của mình: “Người phụ nữ tự làm nổ mình... kẻ đánh bom cảm tử... đó là vợ ông...” Giọng nói ấy trỗi dậy, khiến tôi buồn nôn; nó ào lên như một đợt sóng tối tăm, dìm ngập những suy nghĩ của tôi, đánh tan nỗi hoài nghi của tôi trước khi đột ngột rút đi, mang theo nó những mảng đời trọn vẹn của tôi. Khi thấy rõ nỗi đớn đau của tôi, nó lại trỗi dậy từ những con sóng ngầm, ù ù, sùi bọt, ụp lên tôi như thể điên cuồng giận dữ trước nỗi bối rối của tôi, nó đang tìm cách rút từng sợi tế bào của tôi đến lúc tôi nát vụn...
Viên cảnh sát ngồi phía bên trái tôi hạ cửa kính xuống. Một loạt những luồng gió lạnh táp vào mặt tôi. Mùi biển thổi qua gợi đến mùi trứng thối.
Đêm mới đang chuẩn bị tàn mà rạng đông đã ngấp nghé bên các cửa ô thành phố. Qua những khe hở của các tòa nhà, có thể thấy một vệt hằn lên như mưng mủ đang xé toang đường chân trời. Một đêm hỗn loạn đang lùi dần, một đêm mất mát và bàng hoàng, đầy ứ những giấc mơ chết chóc và những nỗi bất an. Trên cái nền trời không một dấu vết lãng mạn nào trụ nổi, không có lấy một đám mây để làm dịu đi vệt hằn chói chang vừa xuất hiện ấy. Ánh sáng của nó như muốn biến thành Thần khải thôi sưởi ấm tâm hồn tôi.
Khu phố tôi ở lạnh lùng đón tiếp tôi. Một chiếc xe chở tù nhân đỗ trước cửa biệt thự của tôi. Các nhân viên cảnh sát người đứng đầu này người đứng đầu kia gác cổng nhà tôi. Một chiếc xe khác, đỗ chờm lên vỉa hè, để đèn báo ưu tiên xanh đỏ quay tít mù. Một vài đầu mẩu thuốc lá lóe sáng trong bóng tối, nom giống như những đầu mụn sắp bật mủ.Truyen8.mobi
Họ đưa tôi xuống xe.
Tôi đẩy cổng, bước vào khu vườn, đi lên bậc tam cấp, mở cửa nhà. Tôi vẫn nhận thức được, nhưng cũng mong mình tỉnh táo hẳn.
Biết rõ những gì cần làm, đám cảnh sát ùa vào tiền sảnh rồi tản sang các phòng khác để khám xét.
Đại úy Moshé chỉ về phía chiếc tràng kỷ trong phòng khách.
- Chúng ta nói chuyện riêng một lúc, chỉ tôi và ông được không?
Ông ta dẫn tôi đến chiếc ghế, cử chỉ lịch sự nhưng rất kiên quyết. Ông ta cố tỏ ra xứng tầm với những quyền hạn của mình, rất quan tâm đến vai trò chỉ huy của mình, nhưng thái độ khúm núm của ông ta lại thiếu độ tin cậy. Đó chỉ là một con thú săn mồi an tâm với chiến thuật của mình bởi giờ đây con mồi của nó đã bị cô lập. Hơi giống như mèo vờn chuột, ông ta nhâm nhi niềm thích thú ấy rồi mới bước đến bàn.
- Mời ông ngồi.
Ông ta rút một điếu thuốc trong hộp ra, khẽ đập nó vào móng tay mình rồi đưa lên khóe miệng. Sau khi bật lửa châm thuốc, ông ta nhả khói về hướng tôi.
- Tôi hy vọng ông không phiền nếu tôi hút thuốc chứ?
Ông ta rít thêm hai ba hơi nữa, nhìn theo những cuộn khói tròn cho đến khi chúng tan mất trên trần nhà.
- Cô ta khiến ông kinh ngạc, không đúng sao?
- Gì kia?
- Xin ông thứ lỗi, tôi nghĩ ông vẫn bị sốc.
Ánh mắt ông ta lướt qua những bức tranh treo trên tường, dò xét những góc tường, sượt nhẹ qua những tấm rèm quý phái, dừng lại đây đó một lát, rồi quay lại dồn ép tôi.
- Làm sao người ta có thể cưỡng nổi sự xa xỉ thế này nhỉ?
- Gì kia?
- Tôi lỡ lời, - ông ta vừa nói vừa phe phẩy điếu thuốc như để xin lỗi... - Tôi đang cố để hiểu, nhưng có những điều không bao giờ tôi hiểu nổi. Thật phi lý, thật ngu ngốc... Theo ý ông, liệu có cơ may nào để ngăn chặn cô ta không?... Ông chắc phải biết rõ cái mẹo vặt của cô ta chứ?
- Ông đang nói với tôi về chuyện gì thế?
- Nhưng tôi đang nói rất rõ ràng... Đừng nhìn tôi như thế. Ông không định bảo tôi phải tin là ông không biết gì chứ?
- Ông đang nói với tôi về chuyện gì vậy?
- Về vợ ông, bác sĩ ạ, về những gì cô ta vừa phạm phải.
- Đó không phải là cô ấy. Đó không thể là cô ấy.
- Thế tại sao lại không phải là cô ta?
Tôi không trả lời, chỉ đưa hai tay lên ôm đầu để lấy lại tinh thần. Ông ta giữ tay tôi lại; tay kia nâng cằm tôi lên để nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Ông theo đạo chứ, bác sĩ?
- Không.
- Còn vợ ông?
- Không.
Ông ta chau mày:
- Không ư?
- Cô ấy không cầu nguyện, nếu đó là cái mà ông gọi là theo đạo.
- Lạ thật...
Ông ta ngồi ghé lên thành chiếc ghế bành trước mặt tôi, chân bắt tréo, khuỷu tay tì lên một bên đùi và tựa cằm điệu đà giữa ngón cái và ngón trỏ, mắt nheo lại vì khói thuốc.
Đôi mắt màu lục của ông ta nhìn chăm chăm vào mắt tôi.
- Cô ta không cầu nguyện ư?
- Không.
- Không theo tuần lễ chay ramadan ư?
- Có chứ.
- À!...
Ông ta vuốt sống mũi, vẫn không rời mắt khỏi tôi.
- Nói tóm lại, một tín đồ nổi loạn... Để tung hỏa mù và âm thầm chiến đấu ở đâu đó. Chắc chắn cô ta từng tham gia một tổ chức từ thiện hay mấy cái tổ chức kiểu này; đó là những vỏ bọc lý tưởng, rất dễ rút lui khi gặp chuyện. Nhưng đằng sau cái vẻ tự nguyện ấy lúc nào cũng có một phi vụ béo bở; ở đó lũ láu cá thì có tiền, còn bọn khốn khổ thì có một góc bé nhỏ chốn thiên đường. Tôi biết tỏng ấy chứ; đó là nghề của tôi mà. Tôi thật uổng công khi cho rằng mình đã hiểu thấu sự ngu si của con người, nhưng giờ tôi mới nhận ra mình chỉ đang nắm được cái bề nổi của nó...Truyen8.mobi
Ông ta phả khói thuốc vào mặt tôi.
- Cô ta cảm mến quân al-Aqsa, đúng không? Mà không, không phải quân al-Aqsa. Người ta kể rằng bọn chúng không ưu ái gì các vụ khủng bố cảm tử. Còn với tôi, hết thảy lũ giòi bọ này đều như nhau cả. Dù có thuộc Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo hay Hamas thì chúng đều là một lũ thoái hóa sẵn sàng làm mọi thứ để khiến người ta phải nhắc đến.
- Vợ tôi chẳng liên quan gì đến những người đó cả. Đây là một sự hiểu lầm tai hại.
- Thật lạ, thưa bác sĩ. Đó chính xác là những gì người thân của những kẻ điên rồ này vẫn nói khi người ta đến gặp họ sau vụ khủng bố. Tất cả bọn họ đều tỏ vẻ ngờ nghệch như ông vậy, tuyệt đối không hiểu các sự kiện vừa xảy ra. Liệu đó là một quy tắc chung để kéo dài thời gian hay là một cách cố tình miệt thị người khác?
- Ông đi sai hướng rồi, đại úy ạ.
Ông ta trấn tĩnh tôi bằng một động tác tay rồi lại dồn ép tôi tiếp.
- Sáng qua cô ta thế nào lúc ông chia tay cô ta để đi làm?
- Vợ tôi đến Kafr Kanna, đến nhà bà cô ấy, cách đây ba ngày.
- Vậy ông không gặp cô ta ba ngày vừa qua sao?
- Không.
- Nhưng ông phải nói chuyện với cô ta qua điện thoại chứ.
- Không. Cô ấy để quên máy cầm tay ở nhà còn nhà bà cô ấy thì không có điện thoại.
- Bà của cô ta tên là gì? ông ta vừa hỏi vừa rút ra một cuốn sổ tay từ túi trong áo vest.
- Hanane Sheddad.
Viên đại úy ghi chép.
- Ông không đi cùng cô ta đến Kafr Kanna à?
- Không, cô ấy đi một mình. Sáng thứ Tư tôi đưa cô ấy ra bến xe. Cô ấy đi chuyến ô tô lúc 8 giờ 15 đến Nazareth.
- Ông nhìn thấy cô ta đi chứ?
- Có. Tôi rời bến xe cùng lúc ô tô lăn bánh.
Hai nhân viên cảnh sát từ phòng làm việc của tôi trở ra, vác theo những tập hồ sơ bìa giấy. Một nhân viên khác theo ngay sau họ, tay mang chiếc máy vi tính của tôi.
- Họ đang mang hồ sơ của tôi đi.
- Chúng tôi sẽ trả ông sau khi tra cứu.
- Nhưng đó là những tài liệu mật, thông tin về các bệnh nhân của tôi.
- Tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi phải tự mình kiểm tra.
Tôi nghe thấy tiếng các cánh cửa nhà mình rung lên, tiếng các ngăn kéo và các đồ gỗ rền rĩ qua chuỗi âm thanh thô bạo và rin rít.
- Quay lại một chút với vấn đề vợ ông nào, bác sĩ Jaafari.
- Ông đi sai hướng rồi, đại úy ạ. Vợ tôi chẳng liên quan gì đến mấy chuyện ông vừa trách móc cô ấy. Cô ấy có mặt trong nhà hàng đó cũng chỉ như những người khác mà thôi. Sihem không thích nấu nướng khi vừa đi du lịch về. Cô ấy đã lặng lẽ đi ăn một mình... Chỉ đơn giản vậy thôi. Tôi đã sống và chia sẻ cùng cô ấy mọi bí mật từ mười lăm năm nay. Tôi đã học được cách hiểu cô ấy, và nếu cô ấy có giấu giếm tôi điều gì, thì thể nào tôi cũng tìm ra.
- Tôi cũng vậy, tôi cũng từng kết hôn với một phụ nữ tuyệt vời, bác sĩ Jaafari ạ. Cô ấy từng là tất cả niềm tự hào của tôi. Tôi đã phải mất bảy năm mới biết rằng cô ấy vẫn giấu tôi điều quan trọng nhất mà một người đàn ông phải biết về lòng chung thủy.
- Vợ tôi chẳng có lý do gì để lừa dối tôi cả.
Viên đại úy tìm chỗ vứt điếu thuốc. Tôi chỉ cho ông ta cái bàn nhỏ bằng kính phía sau. Ông ta rít hơi cuối, dài hơn những hơi trước, và dụi lấy dụi để đầu lọc trong gạt tàn.
- Bác sĩ Jaafari ạ, một người đàn ông đã từng tổn thương không bao giờ hết hẳn muộn phiền cả. Cuộc sống là một điều khốn kiếp vĩnh cửu, một đường hầm dài đầy cạm bẫy và phân chó. Người ta có nhảy bật dậy hay đứng im trên đất thì cũng chẳng thay đổi được gì. Chỉ có một khả năng duy nhất để vượt qua mọi thử thách: đó là ngày đêm phải chuẩn bị để đương đầu với điều tồi tệ nhất... Vợ ông không đến nhà hàng đó để tiêu diệt cơn đói, mà để tiêu diệt nhà hàng...
- Đủ rồi đấy, - tôi vừa hét lên vừa bật dậy, cùng quẫn... - Cách đây một tiếng, tôi được tin vợ mình bị chết trong một nhà hàng là mục tiêu của một vụ khủng bố. Rồi ngay sau đó, người ta báo cho tôi rằng kẻ đánh bom liều chết là cô ấy. Như vậy là quá nhiều đối với một con người mệt mỏi rồi. Trước hết hãy để tôi được khóc, tiếp đến hãy kết liễu tôi đi, nhưng làm ơn, đừng bắt tôi phải chịu sự xúc động và nỗi sợ hãi cùng một lúc.Truyen8.mobi
- Ông ngồi xuống đi, bác sĩ Jaafari.
Tôi đẩy ông ta ra với vẻ ghê tởm đến mức ông ta suýt ngã lên cái bàn kính kê phía sau.
- Đừng có chạm vào tôi. Tôi cấm ông đặt tay lên người tôi.
Ông ta nhanh chóng bình tâm lại và tìm cách chế ngự tôi.
- Ông Jaafari...
- Vợ tôi chẳng liên quan gì đến vụ giết chóc này cả. Vấn đề là một vụ khủng bố liều chết, mẹ kiếp! chứ không phải một vụ cãi lộn vợ chồng. Vấn đề là vợ tôi. Người đã chết. Đã bị giết trong cái nhà hàng khốn kiếp ấy. Như những người khác. Cùng những người khác. Tôi cấm ông bôi nhọ hình ảnh cô ấy. Đó là một người vợ tốt. Thậm chí là rất tốt. Ngược lại hoàn toàn với những gì ông ngầm hiểu.
- Một nhân chứng...
- Nhân chứng nào? Anh ta thì nhớ được gì chuẩn xác. Nhớ quả bom mà vợ tôi mang hay khuôn mặt cô ấy? Tôi đã sống cùng Sihem hơn mười lăm năm rồi. Tôi biết cô ấy như biết mười đầu ngón tay mình vậy. Tôi biết những gì cô ấy có thể và những gì cô ấy không thể làm. Bàn tay cô ấy trong sạch đến mức tôi không thấy dù chỉ một vết nhơ nhỏ nhất. Không phải vì cô ấy bị nặng nhất mà cô ấy đáng bị nghi ngờ. Nếu giả thuyết của ông là vậy, thì hẳn phải có những giả thuyết khác nữa. Vợ tôi bị nặng nhất vì cô ấy bị nổ mạnh nhất. Khối thuốc nổ không ở trên người cô ấy, nhưng ở gần cô ấy, có thể là được giấu dưới ghế của cô ấy, hoặc dưới gầm bàn chỗ cô ấy ngồi... Theo như tôi biết, không một báo cáo chính thức nào cho phép các ông được quyền kết luận những chuyện nghiêm trọng thế này. Vả lại, những tình tiết điều tra ban đầu không chắc sẽ cho ra kết luận đúng. Chúng ta hãy chờ thông cáo từ phía những kẻ có liên quan. Vụ khủng bố cần phải có người đứng ra nhận trách nhiệm chứ. Có lẽ sẽ có những băng ghi hình làm bằng chứng, đáp ứng mong đợi của các ông và đáp ứng mong đợi của báo giới. Nếu có một kẻ đánh bom liều chết, thì mọi người sẽ nhìn thấy và sẽ nghe thấy hắn ta.
- Không có chuyện dễ đoán như vậy ở những kẻ điên loạn này đâu. Đôi khi, chúng chỉ cần một bức fax hoặc một cú điện thoại là đủ.
- Nhưng đã muốn gây sự chú ý thì sẽ là thế. Mà một phụ nữ đánh bom liều chết, nếu định gây sự chú ý, thì sẽ thành công. Nhất là nếu cô ta mang quốc tịch Isral và kết hôn với một bác sĩ phẫu thuật danh tiếng, người đã luôn làm nên niềm tự hào cho thành phố của mình và luôn là tấm gương hội nhập thành công nhất... Tôi không muốn nghe ông tuôn những lời bỉ ổi về vợ tôi nữa, ông chỉ huy ạ. Vợ tôi là nạn nhân của vụ khủng bố, chứ không phải là người tiến hành. Ông phải đi khỏi đây, ngay tức khắc.
- Ông ngồi xuống ngay! - viên đại úy nổi cáu.
Tiếng quát của ông ta đâm thấu người tôi.
Hai chân tôi nhũn ra và tôi đổ quỵ xuống ghế.
Kiệt sức, tôi đưa hai tay lên ôm lấy đầu và nằm co gập người lại. Tôi mệt mỏi, rã rời, suy sụp; tôi như kẻ chết chìm. Cơn buồn ngủ hành hạ tôi kịch liệt; tôi không muốn lịm đi. Tôi không muốn ngủ. Tôi sợ mình lơ mơ ngủ và sau khi tỉnh khỏi những giấc mơ lại vẫn và vẫn biết rằng người vợ mà tôi thương yêu nhất thế gian này không còn nữa, rằng cô ấy đã chết tan xác trong một vụ khủng bố; tôi sợ mỗi lần tỉnh giấc lại phải chịu cùng thảm họa đó, cùng nỗi bi thương đó... Và cái gã đại úy đang mắng nhiếc tôi ấy, sao gã không tan thành khói bụi cho rồi? Tôi muốn gã biến đi ngay lập tức, tôi muốn những hồn ma đang ám ảnh nhà tôi biến thành gió, tôi muốn một cơn bão tố phá sập các cửa sổ nhà tôi và mang tôi đi xa, thật xa khỏi nỗi ngờ vực đang ngốn ngấu tâm can tôi, làm rối trí tôi và gieo rắc những âu lo nặng nề trong trái tim tôi...