Quỷ Sai Chương 42


Chương 42
Chữ viết dưới đệm

Người dân trong Phượng Dương thành ngoại trừ kiểu tóc và quần áo thay đổi, còn đâu vẫn bình thường như trăm năm về trước, cuộc sống vẫn bộn bề như xưa, ban ngày thì làm, ban đêm thì nghỉ. Hồi Xuân Đường từ khi tôi rời đi thì xây dựng thêm khá nhiều, lúc đầu có hai cửa bây giờ tăng lên tám cửa, bên phải là chỗ khám bệnh, bên trái để điều chế thuốc.

Ở gian nhà chính bày biện lộn xộn, đủ thấy nơi này đã lâu chưa được dọn dẹp, tôi nghe cách xưng hô của mọi người với đại phu, biết y quán này đã qua tay nhiều thế hệ nhà Âu Dương. Người bệnh ở Hồi Xuân Đường rất đông, nên chẳng ai chú ý đến kẻ rảnh rỗi tôi đây, huống hồ người rảnh rỗi ở đây không chỉ có mình tôi.

Bước vào phòng đầu tiên, tôi thấy hai bức tranh cuộn, có đông người đứng vây xem trước bức tranh. Trên tranh là người tôi rất quen thuộc, khuôn mặt người đó đã gắn bó với tôi, tôi đã nhìn ngắm từ nhỏ đến khi trưởng thành.

Bên cạnh là bức tranh cô gái, nhưng tôi không nhận ra ai.

“Tại sao Tô đại phu và Tô tiểu muội lại khác xa nhau thế nhỉ?” Một cô gái đứng ngắm tranh hỏi nha hoàn của mình.

“Tiểu thư, trong thành cũng có nhiều người nói vậy, có lẽ Tô tiểu muội được Tô đại phu nhận làm nghĩa muội cũng nên. Với tấm lòng thương người của Tô đại phu, thì việc này cũng không lạ.”

“Sao triều đại này chẳng có đại phu nào tuấn tú như vậy nhỉ?”

Người bên cạnh cũng gật đầu.

Thì ra cô gái trong bức tranh kia là tôi, tôi nhớ mình từng miêu tả bản thân với Tô Dục.

Tô Dục…Mắt ta không lớn… mắt một mí… mũi hơi tẹt… môi không dày… nhưng cũng không mỏng…Ta không xinh đẹp…ở trong đám người cũng khó nhận ra…thích mặc quần áo màu xanh…đi giày màu trắng…tóc bao giờ cũng cắt dài ngang vai…nếu không thì buộc thành đuôi ngựa…

Người bình thường ngũ quan đều hao hao nhau, chẳng hiểu chàng vẽ ai nữa, bảo sao tôi nhìn mãi cũng chả thấy giống mình. Đôi mắt trong tranh vẽ lên chỉ toàn thấy vẻ cô đơn. Chàng không hiểu tóc đuôi ngựa là thế nào, nên phần tóc vẽ chổng lên đỉnh đầu, trông rất kỳ quái, thảo nào người ta tưởng tôi được chàng nhận nuôi.

Có một cô gái chìa tay chạm vào tranh vẽ Tô Dục, tiểu nhị ở Hồi Xuân Đường vội bước đến ngăn cản, “Tiểu thư à, tranh này đã treo hơn hai trăm năm rồi, ban ngày treo lên, ban đêm gỡ xuống, mới giữ được nguyên vẹn, xin vui lòng xem từ xa không được đụng chạm.”

Cô nàng kia ngượng ngùng rụt tay, đỏ mặt xấu hổ.

“Nếu tiểu thư muốn có tranh vẽ Tô đại phu, thì rẽ trái đi đến cuối phố có một người vẽ tranh, đặt mua ở đó .”

“Ai bảo tiểu thư nhà ta muốn vẽ Tô đại phu, tiểu thư băng thanh ngọc khiết, sở trường thi họa, chỉ muốn xem kỹ thuật của bức tranh này thôi.” Nha hoàn lớn tiếng bênh vực chủ nhân.

Tiểu nhị lịch sự đáp lại: “Bức tranh này là bút tích của Tô đại phu, năm đó ông từng học vẽ hai năm, cuối cùng chỉ vẽ hai bức tranh này để lưu truyền đời sau, khiến chấn động giới hội họa, những thời đại tiếp theo rất nhiều họa sĩ đều phỏng theo tranh ông để sưu tầm. Còn nữa, người ta mua tranh chép của Tô đại phu, đa số để cầu gia đình bình an.”

Học vẽ hai năm? Chàng vẽ tướng mạo mình tuấn tú hoàn hảo, còn tranh tôi treo bên cạnh, tôi nhìn thì nghĩ đó là một người xa lạ, nhưng trong tâm chàng, chắc đấy là tôi.

Đây là tôi trong mắt Tô Dục, mà bức tranh cuộn này ở bên chàng, chẳng biết đã làm bạn bao nhiêu năm.

     *****

Hơn hai trăm năm không gặp, Tử Cấm Thành ngày nào giờ còn nguy nga tráng lệ hơn xưa, Tứ hợp viện trong Thái y viện mà Tô Dục từng ở bay đâu mất rồi, đã phá đi hay xây dựng lại, hoặc bị lửa đạn phá hủy hết, tôi chẳng biết nữa.

Tôi từ kinh đô hơn hai trăm năm sau quay lại nơi này, kinh thành đối với tôi mà nói, nếu không có Tô Dục, thì chỉ là một trạm dịch, nghỉ ngơi xong thì đi.

Quỷ Sai cả đời cứ xuyên qua xuyên lại, nhìn hết tang thương, cho đến một ngày, bản thân cũng trở nên vô cảm vô dục, yên lặng rời đi. Quỷ Đầu đại ca nói với tôi thế, anh ta bảo có một Quỷ Sai đi đầu thai nói, cái việc này nhìn ngoài thì được gần người sống, nhưng người ta chẳng thèm chú ý đến mình, cứ trầm lặng như thế bao nhiêu năm rồi tâm cũng đóng băng hết.

Bây giờ ngẫm lại, tử hồn phải chăng cũng như thế? Vì từ ngày ấy, A Bát lặn mất tăm.

Tôi cứ tưởng mộ Tô Dục chắc chắn ở trong Phượng Dương thành, nhưng tôi đi dạo một vòng, mà chẳng thấy đâu, may mà nghe được người ta nhắc đến trong tửu lâu, tôi mới biết mộ Tô Dục ở kinh thành.

Tại sao lại ở kinh thành?

Quan chức bình thường hay quan lớn dưới chân Thiên tử, sau khi chết đều được mai táng vẻ vang ở phần mộ tổ tiên tại quê nhà. Tuy không biết nguyên quán Tô Dục ở chỗ nào, nhưng khẳng định không phải ở kinh thành, năm ấy chàng làm viện phán, mới là lần đầu tiên đến kinh thành.

Chẳng biết sau khi tôi trở về đây sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng ở kinh thành nơi có ý nghĩa tưởng niệm với tôi bây giờ chỉ có một mà thôi.

Tôi bước từng bước lên thềm đá, đường núi ngày xưa đã được rải phẳng, thềm đá bởi dẫm qua nhiều mà trơn bóng nhẵn nhụi, tuy vậy, đường núi này vẫn rất đông người đi, cầm theo hương nến, trong lòng thành kính, giống như tôi và Tô Dục trăm năm trước…

Miếu Nguyệt lão trước kia dành riêng ra một khu đất trống, ốp gạch đỏ xung quanh, được Hoàng đế đời trước ban lời ca tụng để lập bia và xây cửa. Trong đó dựng một phần mộ đơn giản.

Mộ Tô Dục.

     *****

Chàng được mai táng ở đây sao? Tôi xoa nhẹ lên tấm bia đá.

Tôi chẳng ngờ được dưới tay tôi, là bia mộ của chàng, khi tôi đi, chàng vẫn còn là một thiếu niên năng động.

Tôi không hiểu đoạn chữ ca tụng trên bia đá, là chữ cổ văn thời xưa, nhưng tôi đọc được ngày mất trên đó, ghi chàng chết vào năm ba mươi chín tuổi.

Ba mươi chín tuổi, tuổi xuân phơi phới.

Ba mươi chín tuổi, tôi hẵng còn có thể ở bên cạnh chàng mười bốn năm.

Đảo một vòng, trên bia mộ ngoại trừ ngày giờ sống chết ra, tôi chẳng đọc được gì khác.

Khi tôi đi ra cửa thì mới phát hiện mặt sau lời ca tụng trên bia mộ có khắc chữ, hơn nữa dòng chữ đó rất đơn giản.

“Miếu Nguyệt lão, dưới đệm quỳ.”

Đây là đầu mối Tô Dục lưu lại ư?

Miếu Nguyệt lão đã được tân trang vài lần, còn xây thêm tầng hai, nhìn hương khói dâng lên có thể thấy nơi này đã được viện trợ không ít.

Lúc tôi đi vào, có một người đang quỳ trên đệm, bên cạnh còn có một gã thư sinh, chắc là đang đoán câu đố ở mặt sau lời ca tụng trên bia mộ.

“Chữ ‘Dưới đệm quỳ’ kia hết sức rõ ràng, lí do mộ Tô Dục đặt ở chỗ này có liên quan gì đến chữ đó chăng?”

“Không đâu không đâu, chắc gì đã chỉ miếu Nguyệt lão này. Trên thiên hạ có bao nhiêu cái miếu Nguyệt lão, Tô Dục chỉ ra vẻ huyền bí thế thôi.”

“Liệu có phải muốn mọi người đi tìm không?”

“Nào có ai rảnh rỗi thế.”

“Nghe nói triều Minh có một cô gái si tình chạy khắp các miếu Nguyệt lão trên thiên hạ, chỉ để tìm ý nghĩa chữ đó của Tô Dục đấy.”

“Kết quả thế nào?”

“Ai biết.”

Hai cái thằng này chẳng hiểu là đến cầu duyên hay là rảnh rỗi quá mà cắn răng chém gió cả nửa ngày trời, mới theo khách hành hương rời đi, cả miếu to thế này mà không có ni cô hay hòa thượng nào đến đuổi đi nhỉ.

Tôi quệt quệt bàn thờ, một ngày trôi qua, mà chẳng có lấy một hạt bụi, kiểu này là dùng phép thuật rồi. Ngồi xổm xuống di chuyển miếng đệm quỳ, sàn đá bên dưới bằng phẳng, không có chút vết tích nào, nhưng có thể trong miếu này được phù phép, vậy sàn đá này, cũng chỉ là phép mọn thôi.

Thầm dùng phép thuật khôi phục hình dạng cũ của sàn đá, sàn đá dưới tay tôi trở nên gập ghềnh, sần sần sùi sùi, sau khi mò mẫm tỉ mỉ, tôi hít vào một luồng khí lạnh.

“Tìm được rồi sao?” Tiếng nói A Bát vang lên sau lưng, hơi nũng nịu, “Bố cục này ta đã bài trí hơn hai trăm năm rồi, bây giờ nàng mới đến, khiến ta chờ lâu quá.”

Sau khi chết giọng nói sẽ thay đổi, tôi nhớ rõ, đây là giọng nói của Tô Dục.

“Thật ra không chỉ có mỗi đệm quỳ đâu, toàn bộ nền đát trong miếu này cũng vậy, nàng đừng tìm nữa.” Giọng điệu dần lạnh thêm, vô cùng sắc bén.

Tôi xoay người gọi, “Tô Dục.”

Tô Dục vẫn mang dung nhan tuyệt đẹp kia, nhưng khóe mắt lại không có xíu độ ấm nào.

Trên mặt đất chi chít chỉ có một chữ: Hận.

“Chàng chờ hơn hai trăm, chỉ muốn nói cho ta biết, chàng hận ta ư?”

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/93270


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận