Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Chương 7

Chương 7
Cải táng Stalin.

Tháng 3 năm 1953, sau khi Stalin, người đã lãnh đạo nhà nước và Đảng cầm quyền gần 30 năm, từ trần, thi hài của ông cũng được ướp và đưa vào Lăng Lenin. Ngay trước ngày cử hành tang lễ, phía trên cửa vào Lăng đã xuất hiện các hàng chữ mới:

LENIN

STALIN

Làm sao người ta có thể làm mới bảng tên khắc nhanh như thế?

Vì để thay một khối đá nguyên khối nặng nhiều tấn với hàng chữ LENIN trên đó bằng một khối đá khác khắc tên họ hai người, chắc chắn phải mất vài tháng. Cần phải tìm được một khối đá thích hợp, cùng trong một mỏ đá với khối cũ, đào lên, chuyên chở trên chặng đường dài hàng trăm kilômét về Moskva, gia công và đặt thế vào chỗ khối đá cũ. Vì thế sát ngày cử hành tang lễ Stalin, người ta sơn phủ khối đá nguyên khối đã có sẵn bằng một lớp bả mát tít màu hồng, sau đó sơn đen “giả đá hoa cương” (thậm chí còn vẽ cả những tia vân đá màu xanh giống hệt như trên khối đá labrađo thực sự), rồi trên đó người ta kẻ những chữ cái của hai tên người màu đỏ thắm (giống tông màu của đá thạch anh của vùng Shokshin).

“Mùa hè thì mọi chuyện đều tốt đẹp - đại tá K. A. Moshkov, Tư lệnh Lăng Lenin nhớ lại - Nhưng mùa đông khi thời tiết thay đổi và khối đá phủ đầy một lớp băng đọng thì hàng chữ LENIN cũ lại hiện ra trên mặt đá”.

Mãi bảy năm sau, khối đá nguyên khối cũ mới được thay bằng khối đá mới, được khai thác và gia công cũng ở chính ngay mỏ đá Golovin ở Ukraina. Bằng xe bọc thép người ta chở khối đá nguyên khối nặng 40 tấn đến ga xe lửa Gorbashi, đưa lên bệ xe của ngành đường sắt. Về đến Moskva, những nghệ nhân chế tác đá khắc lên khối đá những chữ LENIN, STALIN và đục các rãnh theo chữ cái để sau đấy ốp vào đó các phiến đá thạch anh màu đỏ thắm.

...Chẳng bao lâu sau, Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ XX (1956), trong các cuộc họp đảng và cuộc họp của những người lao động thảo luận về kết quả đại hội vang lên những ý kiến ngày càng cương quyết hơn cho rằng việc để thi hài Stalin trong Lăng V.I Lenin là “không thể chấp nhận được vì những hành động vô luật pháp mà Stalin đã làm”.

Mùa thu năm 1961 trước thềm Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ XXII, công nhân của hai nhà máy lớn nhất, giàu truyền thống cách mạng ở Leningrad là các nhà máy chế tạo máy Kirov và Neva đề nghị chuyển thi hài Stalin ra chỗ khác. Những người lao động của nhà máy mang tên Vladimir Ilyich ở Moskva cũng nêu ra đề nghị như thế.

Ngày 30 tháng 10 năm 1961, phát biểu tại Đại hội lần thứ XXII của ĐCS Liên Xô, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy (và Thành ủy) Leningrad, I. V. Spiridonov thay mặt đoàn đại biểu Đảng bộ Leningrad và nhân dân thành phố trình bày những kiến nghị của những người công nhân đề nghị đại hội xem xét.

Tổ chức Đảng Leningrad, I. V. Spiridonov nói, đã phải chịu những tổn thất đặc biệt nặng nề, mất đi nhiều cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ của các ngành kinh tế và nhiều lĩnh vực khác vì những đợt thanh trừng không có lý do giáng xuống Leningrad sau khi S. M. Kirov bị giết. Trong vòng bốn năm liền, làn sóng đàn áp không ngừng vùi dập những con người lương thiện vô tội. Nhiều người bị giết chết mà không qua Tòa án và thủ tục tố tụng điều tra, chỉ dựa trên những lời buộc tội giả dối, bịa đặt. Bị đàn áp không chỉ riêng bản thân những cán bộ đó mà còn cả gia đình của họ, thậm chí cả những đứa trẻ trong trắng vô tội nên cuộc đời của chúng đã bị vùi dập ngay từ đầu. Cả những đợt thanh trừng trong những năm 1935-1937 lẫn những đợt thanh trừng sau chiến tranh 1949-1950, diễn giả nói, đều được thực hiện theo chỉ thị trực tiếp của Stalin hay được ông ta tán thành. Đất nước đã chịu tổn thất cực kỳ to lớn do việc giết chóc cán bộ đó!

Đề nghị của Đoàn đại biểu Đảng bộ Leningrad được sự ủng hộ của các đoàn đại biểu Đảng bộ Moskva, Gruzia, Ukraina, Kazakhstan, khu ủy Altai, tỉnh Saratov và nhiều đoàn đại biểu khác. “Ai cũng rõ tổn thất to lớn mà tổ chức Đảng của Gruzia phải gánh chịu, - đại biểu đại hội G. D. Dzhavakhishvili tuyên bố. - Do sự đàn áp lộng quyền đó mà những nhà hoạt động đảng quan trọng đã bị giết như Mamiya Orakhelashvili, Bí thư Khu ủy Ngoại Kavkaz, Mikha Kakhiani, Shalva Eliava, Levan Gogoberidze, Soso Buachidze, Lakoba, Kartvelishvili và nhiều người khác”. Để thi hài Stalin trong Lăng Lenin là một hành động phỉ báng lương tri, - Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva ĐCS Liên Xô P. N. Demichev phát biểu.

“Tội ác to lớn do Stalin gây ra - đại biểu đại hội D. A. Lazurkina, đảng viên ĐCS Liên Xô từ năm 1902, đã trải qua 17 năm tù đầy trong các trại tập trung dưới thời Ezhov và Beria(1), - không chỉ ở việc đã lộng quyền đàn áp, xử bắn không cần đưa ra tòa xét xử hay tống những người vô tội vào tù. Không chỉ có những chuyện đó. Toàn bộ không khí trong Đảng ta vào thời kỳ đó hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của Lenin. Nó thậm chí đi ngược lại tinh thần của Người”.

Theo sự ủy nhiệm của các Đảng bộ Leningrad, Moskva, Gruzia và Ukraina, dự thảo nghị quyết về việc không để quan tài có thi hài Stalin trong Lăng Lenin đã được trình lên Đại hội lần thứ XXII ĐCS Liên Xô xem xét. Đại hội đã quyết nghị: tòa Lăng trên Quảng trường Đỏ được xây dựng để lưu giữ đời đời kỷ niệm về lãnh tụ V. I. Lenin, từ nay trở đi sẽ chỉ mang tên LĂNG VLADMIR ILYICH LENIN. “Những vi phạm nghiêm trọng của Stalin đối với những lời di huấn Lenin để lại, việc ông ta lạm dụng quyền hành, tiến hành thanh trừng đàn áp rộng rãi những người Xô viết lương thiện cùng những hành động khác của ông ta trong thời kỳ sùng bái cá nhân - nghị quyết nói rõ - đã làm cho việc để quan tài có thi hài Stalin trong Lăng V. I. Lenin là không thể được nữa”.

“Vào hai giờ trưa [ngày 31 tháng 10 năm 1961] tôi được gọi đến Kremli - Tư lệnh Lăng Lenin, đại tá K. A. Moshkov nhớ lại. - Trong một cuộc họp với thành phần hạn chế, các ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng đã bàn vấn đề đưa thi hài Stalin đi đâu. Người ta đã nêu ra những địa điểm như Nghĩa trang Novodevichiye, Hàng mộ danh dự ở chân tường thành Kremli...”. Khrushchev (Khơrútsốp) đề nghị đưa về Nghĩa trang Novodevichiye, nơi vợ và những người thân của Stalin an nghỉ. Mukhitdinov nêu lý do rằng thi hài Stalin được đưa vào Lăng theo nghị quyết của Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng nên ông băn khoăn liệu nhân dân có tiếp nhận thoải mái hành động như thế đối với thi hài của người quá cố không. Ông nói thêm: “Theo tập quán của phương Đông chúng tôi, của những người Hồi giáo, làm như thế là một trọng tội”. Mikoyan và Kozlov thực tế ủng hộ Khrushchev. Mukhitdinov nhắc lại là rất khó giải thích cho mọi người về việc lựa chọn Nghĩa trang Novodevichiye và đề nghị chôn cất Stalin phía sau Lăng. Sau một lúc suy nghĩ, Khrushchev đồng ý. Một lý do phụ để ủng hộ việc an táng Stalin ở Hàng mộ danh dự bên tường thành Kremli - đại tá K. A. Moshkov nhớ lại - là e ngại những người ủng hộ Stalin ở Gruzia có thể đào lấy trộm thi hài của Stalin ở Nghĩa trang Novodevichiye đem đi.

Tới 18 giờ, những đội công an đã đuổi hết mọi người ra khỏi Quảng trường Đỏ và phong tỏa mọi lối đến quảng trường với lý do ở đây sắp diễn ra việc diễn tập các khí tài quân sự của quân khu Moskva chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

“Khi trời sập tối - nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn bảo vệ Kremli F. T. Konev nhớ lại, - người ta quây những tấm gỗ dán bao quanh chỗ quyết định đào huyệt và chiếu sáng nó bằng đèn pha. Khoảng gần 21 giờ, các chiến sĩ bắt đầu đào huyệt và khiêng đến 10 tấm bê tông có kích thước 100 × 75 cm. Ở đáy huyệt người ta lấy tám tấm để ghép thành một cỗ quách đặc biệt.

Đúng 21 giờ, các thành viên Ủy ban chính phủ về việc cải táng Stalin đến Lăng(1).

“Trước hết - đại tá K. A Mozhkov tiếp tục nhớ lại - cần phải tháo dỡ cỗ quan quách trong Lăng. Để đẩy nhanh công việc, Tư lệnh Điện Kremli, tướng Vedenin, đề nghị cắt nó ra bằng mỏ hàn sì . Tôi phản đối: làm thế chúng ta sẽ làm cho tường và trần ám khói - mà ngày mai sẽ như thế nào khi mở cửa Lăng cho nhân dân lao động vào viếng? Ủy ban quyết định gọi những công nhân của nhà máy Vô sản đỏ đã chế tạo cỗ quan tài này trước đây đến Lăng và họ đã tháo dỡ nó. Các sĩ quan chuyển thi hài Stalin sang một cỗ áo quan bằng gỗ, lấy vải nhiễu đen và đỏ bọc lại.

Có cảm giác tất cả mọi người đều trong một tâm trạng nặng nề và ưu tư. Shvernik, không ngại rơi nước mắt, đã bật khóc. Lặng yên chia tay với Stalin, ông yêu cầu tôi tháo Huy chương vàng “Búa liềm” Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa khỏi ve áo quân phục của Stalin. Một huân chương cao quý khác là Huy chương “Sao vàng” Anh hùng Liên Xô thì Stalin không bao giờ đeo. Vì thế không thấy nó trên áo quân phục”.

Thi hài được phủ một tấm voan màu sẫm, để hở khuôn mặt và gần nửa bộ ngực. E. F. Shanin - trưởng phân xưởng mộc, người từng chỉ đạo đóng cỗ quan tài ở Arsenal, nhận được lệnh đậy nắp quan tài và đóng đinh.

Shvernik được đội trưởng đội bảo vệ đỡ, đi đầu đoàn người và tất cả đi về phía lối cửa ra Lăng.

22 giờ 10 phút, tám sĩ quan của trung đoàn bảo vệ Kremli khiêng quan tài ra khỏi Lăng. Đi sau họ ba mét là các thành viên Ủy ban chính phủ, không ai nói một lời. 22 giờ 15 phút, quan tài được khiêng tới huyệt mộ và đặt trên các tấm đòn gỗ. Nghỉ ngơi một chút, những người lính thận trọng dùng dây thừng hạ quan tài xuống huyệt. Tư lệnh Lăng đại tá K. A. Moshkov chỉ huy mọi việc.

Theo tục lệ Nga, một vài người trong số có mặt ném những vốc đất xuống và những người lính bắt đầu lấp huyệt.

Trong thời gian đó, trong tiếng nhạc nhà binh, các xe cộ khí tài kỹ thuật bắt đầu diễu qua Quảng trường Đỏ, luyện tập chuẩn bị cho ngày lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Cuộc diễn tập ngoài kế hoạch này được cố ý tổ chức để trên Quảng trường không có người tò mò tụ tập lại, để cho ý chí của Đại hội Đảng được thực hiện suôn sẻ, không bị nhiễu.

Trên mộ Stalin người ta dựng một tấm bia đá hoa cương màu xám trên khắc họ, tên, phụ danh, ngày sinh và ngày mất của ông.

Không một ai trong số họ hàng của Stalin có mặt lúc đó ở Lăng cũng như bên mộ của ông.

Ngày 1 tháng 11 năm 1961 trên các báo đăng thông báo: “Thực hiện nghị quyết của Đại hội lần thứ XXII ĐCS Liên Xô, quan tài có thi hài I. V. Stalin được đưa ra khỏi Lăng Vladimir Ilyich Lenin và chôn ở chân tường thành Kremli”.

Stalin là nhà hoạt động quốc gia duy nhất mà xác được địa táng ở chân tường thành Kremli nhưng không có điếu văn, không có quân nhạc cũng như các loạt súng tiễn biệt.

Thực ra, như viên sĩ quan V. A. Gurkovsky của trung đoàn bảo vệ Kremli nhớ lại, khi trên Quảng trường Đỏ bắt đầu buổi diễn tập duyệt binh - dàn quân nhạc bắt đầu chơi và các xe cộ khí tài quân sự chạy ầm ẩm trong tiếng nhạc, dường như quân đội đã thực hiện nghi lễ quân sự trang trọng cuối cùng tiến biệt vị Tổng tư lệnh tối cao của mình.

...Buổi sáng những tia nắng mặt trời chiếu sáng Lăng, phía trên cổng vào Lăng ánh đỏ mỗi một hàng chữ LENIN. Tấm đá nguyên khối phía trên cửa vào đã được thay thế vào đêm qua.

Hóa ra, vị đại đá K. A. Moshkov vốn cẩn thận lo xa đã giữ gìn khối đá độc đáo như một báu vật lịch sử quý hiếm. Làm điều đó không đơn giản. Chuyện xảy ra hồi đó suýt nữa dẫn tới việc chúng ta sẽ mãi mãi mất đi khối đá đó.

“Khi khối đá ban đầu được thay bằng khối đá khác có khắc hai tên họ, - đại tá K. A. Moshkov nhớ lại, - Tư lệnh Điện Kremli, thủ trưởng trực tiếp của tôi, gọi điện cho tôi:

- Sắp có người từ Sở văn hóa của Xô viết Moskva đến, - ông ta nói. - Hãy chuyển cho họ khối đá nguyên khối ấy.

- Thưa đồng chí thiếu tướng, họ định chở nó đi đâu?

- Tới nghĩa trang Golovinskoye. Họ sẽ xẻ nó ra thành các tấm bia mộ.

Thật khó mà tưởng tượng kẻ nào lại nảy sinh ra các ý nghĩ kỳ quái đó trong đầu!

- Thưa đồng chí thiếu tướng, không thể làm điều đó được. Cần phải giữ gìn khối đá này.

- Hãy làm những gì mà người ta ra lệnh cho anh.

Chiếc xe tải có cẩu tự hành đến. Khi người ta chất khối đá lên xe, tôi nói với người lái xe:

- Hãy trình công lệnh đi đường của anh cho tôi xem.

Anh ta đưa tôi xem. Tôi đọc: Điểm đến: nghĩa trang Golovinskoye. Tôi gấp tờ công lệnh làm đôi và bỏ vào túi của mình. Rồi nói với người lái xe:

- Hãy chở khối đá này đến Vodniki, tới nhà máy chế tác đá.

Người lái xe:

- Tôi được lệnh chở đến nghĩa trang Golovinskoye.

- Hãy chở đến Vodniki. Tôi chịu trách nhiệm mọi việc.

Chiếc xe chuyển bánh đi Vodniki. Tôi lập tức gọi điện thoại cho giám đốc nhà máy chế tác đá (tôi với ông ta có quan hệ rất tốt - ông ta không chỉ một lần thực hiện nhiều công việc cho Lăng Lenin) và nói:

- Người ta sắp chở một khối đá nguyên khối từ Lăng Lenin tới chỗ anh. Xin anh hãy nhận và bảo quản nó.

- Đó là lệnh của ai? - ông ta hỏi.

- Không cần biết lệnh của ai - Tôi trả lời. - Hãy nhận và đảm bảo cho nó nguyên vẹn.

Viên giám đốc đã làm như tôi bảo.

Vài ngày sau thủ trưởng gọi tôi lên và nói:

- Tại sao anh không giao khối đá như tôi bảo? Đó là hành động không thực hiện mệnh lệnh. Vì chuyện đó anh có thể bị đưa ra tòa án quân sự đấy.

Tôi lại phải giải thích vì sao tôi cho rằng cần phải gìn giữ khối đá đó...

Hóa ra chẳng bao lâu sau đó khối đá đó lại có ích. Khi Đại hội lần thứ XXII của Đảng ra nghị quyết đưa thi hài Stalin ra khỏi Lăng, khối đá có ốp tên LENIN đã có sẵn. Nó được bảo quản ở Vodniki. Chúng tôi lại đặt nó vào chỗ trước đây.”

*  *  *

Về việc cải táng Stalin một số người nói đấy là bản án của Lịch sử. Những người khác lại bảo đó là ý chí của đảng. Nhóm thứ ba thì nói đó là sự trả thù của Khrushchev. Nhóm thứ tư lại cho rằng, chỉ có con cháu chúng ta mới có thể đưa ra sự đánh giá chân thực về một nhân vật lịch sử lớn như thế.

Xã hội luôn có những quan điểm khác nhau. Ở đây cũng như vậy.

Chúng tôi xin dẫn một vài ý kiến về Stalin vào cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI.

Nhà biên kịch V. Rozov: “Tôi đã căm thù con người này. Khi ông ta chết, thậm chí tôi đã viết, phải lập một tượng đài đánh dấu cái chết của ông ta. Bởi vì tôi cho rằng: tất cả nỗi khủng khiếp của các trại tập trung cải tạo đều do ông ta mà ra. Mọi sự độc ác, rối ren là ở đấy, nên tôi rất ghét ông ta. Nhưng bây giờ, khi nhìn lại quá khứ, tôi đánh giá cao nhiều điều ông ta làm, coi đó là những công việc vĩ đại. Mặc dù chúng được thực hiện bằng những phương thức tương đối khắc nghiệt. Có lẽ, con người ấy nhìn chung phải nói là một thiên tài. Nhưng lại có những nét tính cách không thuộc về các thiên tài. Giờ đây tôi suy nghĩ như vậy đấy. Như Pushkin viết: “Thiên tài và quỷ dữ là hai khái niệm không dung hòa được với nhau” - Mozart nói(1). Thế nhưng có thể chúng dung hợp với nhau thì sao? Đối với tôi đó là một vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng (báo Cựu chiến binh, số 20 năm 1998).

Nhà văn S. Yesin: “Tôi không phải là tín đồ Stalinist, tôi biết về những mất mát hy sinh mà dân tộc ta phải gánh chịu. Nhưng chẳng lẽ những mất mát hy sinh mà dân tộc sẽ phải gánh chịu vì bạo quyền mang danh tư bản lại ít hơn sao? Thậm chí những tổn thất nhân mạng theo các số liệu chính thức được công bố hiện nay, dù người ta đã giảm bớt đi nhiều, vẫn làm cho mọi người kinh sợ...

Có thể nói về các trại tập trung, có thể nói về bất kỳ điều gì tùy thích, nhưng nguồn gốc sức mạnh kinh tế đem lại những thành tựu vĩ đại nhất của chúng ta vào những thập kỷ 50 và 60 - đó là những năm cuối của thời Stalin. Khả năng sống có sức bật cho tương lai. Nguyên tử, vũ trụ, năng lượng... (báo Sự thật, số ra ngày 6-12 tháng 2 năm 1998).

Hàng tít trên “Báo độc lập”: “Những cải cách cấp tiến của những nhà dân chủ còn đáng sợ hơn công cuộc tập thể hóa của những người Bolshevik” (Báo độc lập-kịch bản, số 6 tháng 6 năm 1998).

Nhà phân tích chính trị S. Kara-Murza: “Nhìn chung chủ nghĩa Stalin không làm què quặt mà lại gìn giữ sự toàn vẹn của con người - chiến tranh đã chứng tỏ rõ ràng điều đó. Còn chủ nghĩa toàn trị của phương Tây dân chủ hoàn toàn “thuần hoá” con người biến họ thành loài gia súc chỉ biết nhai lại. Ở đó thậm chí tình dục chỉ còn là một hiện tượng sinh lý, tuy cường độ tăng lên, nhưng không còn thấy nét bi kịch của tình yêu, của ghen tuông...

Giới trí thức, những người đã gieo vào đầu óc những kẻ cả tin để họ chống lại chính quyền Xô viết như một thực thể nguy hiểm với sự độc ác của nó - bởi vì nguồn gốc của nó là chủ nghĩa Stalin, đã làm một cú đánh tráo, đổi trắng thay đen to lớn. Trong quá trình phát triển đời sống kiểu Nga, những trào lưu độc ác đã qua đi dưới thời Stalin và những hiện tượng đó không lặp lại hai lần theo cùng một quỹ đạo. Phải nói thêm rằng, ở nước Nga thời kỳ đó ít máu chảy hơn hẳn so với ở phương Tây nơi mà người ta thiêu người chỉ tính riêng phụ nữ (bị quy là “phù thủy”) đã lên tới cả triệu người. Rồi còn việc tận diệt những người da đỏ ở châu Mỹ!

Thế còn ở những bước ngoặt cuộc đời, ở những chỗ gãy của quỹ đạo, chúng ta hầu như không thể tránh khỏi phải trải qua những phòng tắm hơi, giống như xảy ra với người Đức, những người đã muốn từ chủ nghĩa cá nhân quay lại với thời quân chủ bằng chế độ phát xít” (báo Nước Nga Xô viết, ngày 2 tháng 7 năm 1994).

Đa số những người tham gia “hội nghị bàn tròn” kỷ niệm 45 năm Đại hội lần thứ XX của ĐCS Liên Xô: “Chủ nghĩa Stalin” và “chủ nghĩa xã hội” là những khái niệm không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau... Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Lenin khác hẳn nhau về nguyên lý... Không phải chủ nghĩa xã hội, chính chủ nghĩa Stalin mới là một biến dạng của chủ nghĩa toàn trị mà sự sụp đổ của nó đã bị lịch sử phán quyết từ trước” (báo Sự thật, ra ngày 24 tháng 2 năm 1996).

Giáo sư L. Klyachko: “Nhược điểm của I. V. Stalin mà V. I. Lenin đã viết, sau này có dịp nở bung thành một chùm hoa độc rực rỡ đem lại vô số tai họa cho những người cộng sản và các dân tộc Liên Xô, cho toàn bộ phong trào cộng sản thế giới” (báo Sự thật, ra ngày 28 tháng 5 năm 1998).

Nhà chính luận L. Onikov khi tranh luận với R. Kosolapov (về những sự kiện bi thảm tháng 8 năm 1991 và từ ngày 21 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10 năm 1993): “...Đảng của Lenin gồm 19 triệu đảng viên cộng sản đã ở đâu, tại sao họ lại lặng thinh một cách hèn hạ, nếu như không muốn nói là đã rơi vào tình trạng tự tê liệt? Tôi xin trả lời: bởi vì rằng nó đã không còn là một Đảng đúng nghĩa Lenin nữa... Theo Lenin, Đảng là liên minh của những người cộng sản bình quyền với nhau. Trước năm 1927 cứ thử xem nếu có ai trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng cho phép mình làm những trò hoa mỹ tương tự như kẻ mất trí Gorbachev đã làm mà xem? Loại người như thế chắc chắn sẽ bị loại trừ ra khỏi hàng ngũ ĐCS (Bolshevik) như một thứ rác rưởi.

Tất cả những gì R. Kosolapov đã viết đã khẳng định một cách rõ ràng không thể chối cãi rằng Đảng Cộng sản Liên Xô cũng không còn là một đảng, nó đã bị Stalin giết chết, thủ tiêu, bị biến thành một tổ chức chính trị hùng mạnh gồm nhiều triệu người trung thực, nhưng chỉ biết nghe lời và chấp hành. Vì thế nó đã yên lặng” (báo Sự thật nước Nga, ra ngày 10 tháng 10 năm 1996).

Nghị quyết Đại hội bất thường lần thứ XXXII của Liên đoàn những Đảng Cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô: “Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XX dựa trên báo cáo của N. S. Khrushchev “Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó” (25-2-1956) và của đại hội lần thứ XXII về Lăng V. I. Lenin (30-10-1961) là các nghị quyết được thông qua khi vi phạm Điều lệ của ĐCS Liên Xô, đã dẫn tới việc làm mất uy tín của hệ tư tưởng vô sản khoa học, của ĐCS và của những nhà lãnh đạo Bolshevik, dẫn tới một chiến dịch vu khống kéo dài nhiều năm nhằm vào chế độ xã hội chủ nghĩa Xô viết và cùng với các hậu quả mang tính chất phản cách mạng rõ ràng, những nghị quyết đó cần phải bãi bỏ” (21-7-2001).

Báo cáo viên L. Kosolapov nói về vấn đề này: Khi đòi bãi bỏ nghị quyết về Lăng V. I. Lenin, “chúng ta sẽ không đòi đưa quan tài của Stalin trở lại Lăng, mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều khác: tuyên bố rằng những đánh giá chính trị trong nội dung nghị quyết đó không còn giá trị. Đó là điều thứ nhất. Còn điều thứ hai, về mặt đạo đức chúng ta lên án hành động đối xử phỉ báng với thi hài của một nhà cách mạng và một nhà yêu nước vĩ đại, lên án chính cái hành động “đào mồ cuốc mả” mà “những kẻ dân chủ” trong những năm gần đây đã trơ tráo sử dụng để kích động các bản năng thấp hèn (tạp chí Công khai, số 6 năm 2001).

*  *  *

Mùa xuân năm 2000, Hội Stalin toàn Gruzia và Đảng Cộng sản thống nhất Gruzia gửi kiến nghị lên Tổng thống E. Shevarnadze yêu cầu đặt vấn đề với Tổng thống Nga V. Putin về việc đưa di cốt I. Stalin về Gruzia, về thành phố quê hương Gori của ông.

Một trong những nhà lãnh đạo của ĐCS thống nhất Gruzia tuyên bố: “Cái hiện nay gọi là nước Nga dân chủ, nước Nga của những kẻ như Khrushchev và Chubais không có gì chung đối với nước Nga của Piotr Đại đế và Lev Tolstoy, vì nó đã nhổ nước bọt lên nấm mồ người con vĩ đại của nhân dân Gruzia, người đã làm biết bao việc cho nước Nga, cho sự vĩ đại và hùng mạnh của nước Nga và đã vì nước Nga hy sinh cả thứ quý giá nhất của mỗi con người - người con trai của ông đã hy sinh anh dũng trong trại tù binh phát xít, trong khi đó thì con trai của Nikita Khrushchev gần đây đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ”.

Nhưng đồng thời ở Gruzia cũng còn có ý kiến khác: Stalin là nhà lãnh đạo của Liên Xô vì vậy ông cần phải được an táng ở Moskva, thủ đô của Liên Xô cũ.

Hàng mộ Danh dự _bên tường thành Kremli

Về cả phía bên trái lẫn phía bên phải của Lăng Lenin, dọc theo bức tường thành Kremli là các hàng cây vân sam cao, xanh tốt. Nơi đó là Hàng mộ Danh dự, nơi an táng hơn 400 người, mà phần lớn trong số đó là niềm tự hào của nước Nga trong thế kỷ XX.

Phía sau hàng vân sam là hai nấm Mộ tập thể dài 75 m. Trên mỗi nấm mộ là một tấm bia đá hoa cương đen với hàng chữ “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG CÁCH MẠNG ĐÃ NGÃ XUỐNG TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN XÔ VIẾT”.

Nhà triết học nổi tiếng N. Berdyae v nói: “Chuyện thường diễn ra là khi trong xã hội không có các lực lượng chính nghĩa, sáng tạo, mang sức mạnh phục sinh, thì lúc đó chắc chắn sẽ xảy ra tòa án phán xét xã hội, lúc đó theo ý Trời nhất thiết sẽ giáng xuống một cuộc cách mạng và Ngày Phán xét sẽ đến để xét xử những sự điên rồ trong hành động của Quỷ dữ nơi địa ngục tăm tối”.

Viên tướng Bạch vệ A. Denikin viết: “Cách mạng tất yếu đã nổ ra. Người ta gọi nó là cuộc cách mạng toàn dân. Định nghĩa đó chỉ đúng trong trường hợp cách mạng là hệ quả của sự bất bình trong tất cả các tầng lớp nhân dân đối với chính quyền cũ... Quyền lực đã tuột khỏi bàn tay yếu ớt của Chính phủ lâm thời, và trên toàn đất nước Nga, ngoài những người Bolshevik, không còn một tổ chức hữu hiệu nào có thể đem các quyền của mình ra vũ trang mọi mặt như một lực lượng thực tế” (Bút ký về thời tao loạn của nước Nga).

Trên các sườn đá của hai ngôi Mộ tập thể có khắc tên họ của các nhà cách mạng. Trên những tấm bia khắc tên, những vòng hoa nguyệt quế bằng đá hoa cương màu hồng thắm như một biểu tượng vinh quang. Phía trên di hài của các chiến sĩ cách mạng, những lá cờ đỏ tạc bằng đá hoa cương nghiêng mình rủ xuống. Mùa hè trên các nấm Mộ tập thể cỏ mọc lên xanh tốt và các bụi cúc uyên minh nở hoa, mùa đông các nấm mộ phủ một lớp khăn tuyết trắng.

Trong thế giới của những nấm mộ không bao giờ tắt lửa

Khu mộ danh dự mọc lên ngày 10 tháng 11 năm 1917. Vào ngày hôm đó những công nhân và binh sĩ chiến thắng trong các trận đánh trên đường phố kéo dài bảy ngày vì chính quyền của các Xô viết, đã mang đến Quảng trường Đỏ đặt ở nơi chân tường thành Điện Kremli 238 chiếc quan tài sơn đỏ có thi hài những đồng chí của mình đã ngã xuống “để cho của cải, chính quyền và tri thức trở thành tài sản chung của mọi người”. Họ khiêng những cỗ quan tài tới khu đất thiêng của dân tộc, nơi trước đây chỉ có những quan chức thuộc chính quyền chuyên chế mới được chôn cất. “Từ nay trở đi - một người dân Moskva nói với phóng viên người Mỹ John Reed - đây là nơi an nghỉ của Sa hoàng mới của chúng ta - đó là nhân dân”.

Suốt ngày - cho tới tận hoàng hôn - trong tiếng nhạc hành khúc đưa tang, Quốc tế ca và các bài hát Nga, người ta lần lượt hạ những cỗ quan tài sơn đỏ từ các nhà máy, công xưởng và trung đoàn quân đội mang đến xuống hai huyệt mộ tập thể lớn. Đội đồng ca của công nhân hát vang:

Thời cơ đã đến và nhân dân đã thức tỉnh,

Nhân dân vĩ đại, hùng mạnh, tự do.

Xin vĩnh biệt, những người anh em,

Các anh đã dũng cảm đi hết

Con đường vinh quang, cao cả của mình.

Những người hy sinh được chôn cất trên Quảng trường Đỏ theo quyết định của Bộ Tham mưu khởi nghĩa của những người chiến thắng - Ủy ban quân sự cách mạng Moskva.

Ngày 7 tháng 11 năm 1918, lễ kỷ niệm đầu tiên Cách mạng Tháng Mười - ở giữa Hàng mộ danh dự, trên tháp Senatskaya của Điện Kremli người ta treo một tấm bia kỷ niệm. Trên đó có hàng chữ: “TƯỞNG NHỚ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ NGÃ XUỐNG TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU VÌ HÒA BÌNH VÀ TÌNH ANH EM GIỮA CÁC DÂN TỘC”. Trong lễ khai mạc, Lenin đã đọc diễn văn. Dàn đồng ca chơi bản nhạc cantata phỏng theo lời thơ của thi sĩ Sergei Yesenin “Hãy yên nghỉ, những người anh em thân yêu, trong thế giới của các nấm mộ không bao giờ tắt lửa”.

Tên của họ được đặt cho những đường phố Moskva: Voytovich, Virzemnik, Morozov, Sapunov, Lyusinovskaya, Sherbakovskaya, chú bé Gavroche(1) của Moskva Pavlik Andreyev, những nhà máy mang tên Voytovich, Baskakov, Erov, xí nghiệp liên hợp Sherbakov... Các phố Samokatnaya và Dvintsev gợi cho chúng ta nhớ đến những người chiến sĩ dũng cảm của các đơn vị quân đội cách mạng.

...Từ thời xa xưa trên Quảng trường Đỏ đã có những nghĩa trang. “Theo truyền thống, cuốn Bách khoa thư Moskva viết, trong thành phố Moskva cổ xưa dân chúng được an táng quanh khu đất của nhà thờ giáo xứ, cả trên những khoảng đất gần các nhà thờ ở trên Quảng trường Đỏ” (trang 359).

Vào thời Vương quốc Moskva cổ, dọc theo tường thành Kremli, chỉ riêng đoạn nằm giữa các cổng thành Spassky và Nikolsky đã có 15 khu mộ địa (bằng đúng số nhà thờ có tại đây). Sau vụ hỏa hoạn lớn vào năm 1493, khi mọi công trình xây dựng bằng gỗ nằm gần Điện Kremli: các nhà thờ, hội quán, cửa hàng, nhà gỗ - đều bị cháy trụi, Sa hoàng Ivan III ra lệnh: sắp tới đây, để đề phòng hỏa hoạn cho Điện Kremli, phải dọn sạch mọi công trình xây dựng quanh tường thành trong khoảng cách 110 xagien(1). Nhiều người thời đó không đồng tình với quyết định này. Chẳng hạn, Tổng giám mục Novgorod là Gennadi đã viết cho Trưởng giáo chủ Zosima: “Giờ đây tai họa lại giáng xuống... Những nhà thờ bị đưa ra khỏi thành phố mãi mãi, các tu viện cũng bị di dời. Di cốt của những người chết phải chuyển đến Dorogomilovo và phải mang xương đi, còn thịt thì ở lại với đất, mồ mả bị xóa sạch và tại những chỗ đó nay người ta trồng vườn hoa... Chúa trời giáng tội, còn con người gây họa (N. Karamzin. Lịch sử nhà nước Nga. Chú thích trong tập VI, chương 11, trang 26).

Nhưng chẳng bao lâu việc chôn cất người chết trên Quảng trường Đỏ lại được tái lập. Ví dụ, năm 1552, Sa hoàng Ivan Hung bạo, các đại quý tộc và tùy tùng của họ đã có mặt trong lễ tang long trọng an táng Chân phước Vasily giả dại tại khu mộ địa của nhà thờ Thánh Ba Ngôi phía trên hào nước bao quanh Kremli (chỗ đó ngày nay là giáo đường Pokrovsky hay nhà thờ Thánh Vasily). Đó cũng là nơi an táng di hài của Ioann Vologodsky (xứ Vologda) giả dại và những bậc tiền bối khác của chúng ta.

Địa điểm gần Giáo đường Pokrovsky và Cổng Spasskaya người ta thường lấy làm nơi hành hình tử tội rồi chôn xác những người bị hành hình ngay dưới các con hào. Gần tòa tháp Konstantino-Eleninskaya - khi đó là tòa tháp chính của thành Kremli - có một nghĩa trang rộng đến 8 sagien tồn tại đến năm 1689.

Năm 1917 việc an táng trên Quảng trường Đỏ 238 chiến sĩ cách mạng - binh lính, công nhân, thủy thủ và các nữ cứu thương hy sinh trong các trận đánh vì chính quyền Xô viết chỉ là tiếp tục tập quán truyền thống đã có từ xưa.

Tháng 9 năm 1918, trên Quảng trường Đỏ 200 thủy thủ đã làm lễ tiễn biệt Aleksandr Kvardakov và Vasily Pogrebitsky hy sinh trong trận chiến chống lại quân can thiệp Anh-Mỹ ở mặt trận miền Bắc. Trước đó ở chân tường thành Kremli cũng đã an táng các chiến sĩ Hồng quân Pyotr Zasukhin, Dmitri Yudichev, Ivan Kotov hy sinh khi đánh trả cuộc tấn công của bọn khủng bố Bạch vệ nhằm vào cuộc diễu hành của quần chúng công nhân; các chiến sĩ bộ binh người Latvia Ivan Smilga và Martyn Draudyn lập chiến công xuất sắc trong các trận đánh với quân phỉ Petlyura, các chiến sĩ quốc tế người Ba Lan Aleksandr Gadomsky và Felix Barasevich hy sinh trong trận đánh tiêu diệt băng nhóm vô chính phủ; Anton Khorak, người Hungary, tham gia trận đánh dẹp tan cuộc nổi loạn của bọn phản động thuộc Đảng cách mạng xã hội chủ nghĩa cánh tả; chủ tịch Xô viết quận Rogozhsky Nikolai Pryamikov, các chiến sĩ công an Semyon Pekalov và Yegor Shvyrkov hy sinh trong các trận đánh tiêu diệt bọn tội phạm cướp bóc dân lành.

Năm tháng trôi qua, khoảng đất ở chân tường thành Kremli cổ kính đã tiếp nhận vào lòng mình nhiều người con dũng cảm như người chiến sĩ pháo binh vinh quang Mark Mokryak mà tướng Bạch vệ Denikin đã đặt giá cho cái đầu của ông đến 10.000 rúp vàng và hai Huân chương Thập tự Georgi cùng một lúc; người sĩ quan chỉ huy Hồng quân Anton Stalkevich, nguyên là một tướng Sa hoàng, bị bọn Bạch vệ bắt làm tù binh và xử treo cổ; người anh hùng phòng thủ Lugansk, chính ủy sư đoàn Inzen huyền thoại Genrịkh Zveynek; chỉ huy lữ đoàn bộ binh số 28 Vitali Kovshov, hy sinh trong trận đánh đập tan bọn phỉ Bulak-Balakhovich; sử gia đầu tiên của Cách mạng Tháng Mười, phóng viên người Mỹ John Reed, chết vì bệnh thương hàn; nhà ngoại giao Vatslav Vorovsky bị quân khủng bố Bạch vệ giết hại; những nhà cách mạng Viktor Nogin, Fedor Artyom, Ivan Rusakov, Ivan Zhilin, Lev Karpov, Inessa Armand; vị bộ trưởng Xô viết đầu tiên được an táng ở chân tường thành Kremli - Dân ủy bưu điện Vadim Podbelsky; một trong những vị chủ tịch đầu tiên của BCHTƯ Liên Xô Nariman Narimanov, người Azerbaijan... Mùa thu năm 1919 ở đây người ta lại an táng Bí thư Thành ủy Moskva thuộc ĐCS Nga (Bolshevik) Vladimir Zagorsky và 10 chiến sĩ cách mạng Moskva, trong đó có 4 phụ nữ, hy sinh do vụ đánh bom của bọn khủng bố ở ngõ Leontievsky.

Trên hai ngôi Mộ tập thể chỉ khắc tên họ của 66 người. Số còn lại (hơn 200 người) là những chiến sĩ cách mạng vô danh. Họ đã chiến đấu và hy sinh không vì tìm kiếm vinh quang mà vì hòa bình và tình hữu nghị của các dân tộc.

Bức tường của những người bất tử

Tấm bia đá hoa cương đầu tiên xuất hiện trên tường thành Kremli ngày 5 tháng 4 năm 1925. Đến lúc người ta đã thấy rõ khoảng đất dành cho Hàng mộ danh dự chạy dài dọc theo chân tường thành pháo đài cổ, giữa hai tòa tháp, không phải là vô tận, vì vậy bình đựng tro di hài Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy toàn Nga M. K. Vladimirov - cựu chiến binh của phong trào cách mạng, người đã tham gia cách mạng Tháng Mười, được gắn vào trong tường thành Kremli. Di hài của một chiến sĩ đã từ trần và hỏa táng ở Italia được mang về và đặt trong hốc tường khoảng giữa các tháp Nikolskaya và Senatskaya. Và như vậy một tập tục an táng trang trọng mới đã phát sinh.

Cuối năm 1926 bức tường thành lại tiếp nhận bình tro di hài thứ hai, - tro xương của vị Đại sứ Xô viết L. B. Krasin được đưa từ London về. Ban tổ chức tang lễ đã ra quyết nghị: “Tấm bia mộ phải làm bằng đá cẩm thạch đen, có hàng chữ cái mạ vàng “Leonid Borisovich Krasin”, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, kích thước tấm bia phải bằng với kích thước tấm bia mộ đồng chí Vladimirov”.

Từ đó trở đi, tất cả các tấm bia mộ trên tường thành Kremli ốp đậy kín các bình tro di hài đều có ghi những dòng ngắn gọn như thế. Tên tuổi của các chiến sĩ cách mạng người nước ngoài thường được ghi bằng hai thứ tiếng. Kích thước tấm bia 45 × 30 cm2. Nhưng thay cho đá cẩm thạch bia được làm bằng đá hoa cương đen.

Những tấm bia mộ gắn trên tường thành Kremli là hình mẫu tượng đài kỷ niệm: với tất cả vẻ khiêm nhường của mình chúng vẫn đồng thời mang tính cách hoành tráng.

Hiện nay sau hàng cây vân sam, trên tường thành Kremli ta có thể thấy 115 tấm bia đá hoa cương đen với dòng chữ vàng khắc tên những nhà hoạt động xuất sắc của nhà nước Xô viết. Đây là bến đỗ cuối cùng của các vị tướng soái hàng đầu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại: các nguyên soái G. K. Zhukov, K. K. Rokossovsky, I. S. Konev, V. D. Sokolovsky, A. M. Vasilevsky, R. Ya. Malinovsky, L. A. Govorov, K. A. Meretskov, F. I. Tolbukhin, I. Kh. Bagramyan, M. V. Zakharov, A. I. Yeremenko, S. K. Timoshenko, S. S. Biriuzov, N. N. Krylov, A. A. Grechko, B. M. Shaposhnikov, I. I. Yakubovsky, các nguyên soái tư lệnh pháo binh N. N. Voronov và M. I. Nedelin, các đại tướng A. I. Antonov và A. V. Khrulev.

Nằm bên cạnh họ là các nguyên soái của ngành công nghiệp quốc phòng, những người rèn đúc vũ khí làm nên chiến thắng: các Dân ủy công nghiệp chế tạo xe tăng V. A. Malyshev, sản xuất đạn dược B. L. Vannikov, vũ khí trang bị D. F. Ustinov, chế tạo máy A. I. Yephremov, luyện kim đen I. F. Tevosyan, công nghiệp khai thác than V. V. Vakhrushev, công nghiệp đóng tàu I. I. Nosenko, phó dân ủy công nghiệp hàng không M. V. Khrunichev (sau chiến tranh là bộ trưởng), những nhà lãnh đạo của các nhà máy và công trường xây dựng lớn nhất trong thời chiến - I. A. Likhachev, A. I. Kuzmin. A. P. Zavenyagin, N. I. Dygai, P. A. Yudin...

Đoàn người chậm bước trước bia mộ của nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Yu. A. Gagarin và “những người anh em trên bầu trời” của anh: V. M. Komarov, G. T. Dobrovolsky, V. N. Volkov và V. I. Patsaev.

Trên các tấm bia mộ có tên tuổi của những viện sĩ hàn lâm nổi tiếng I. V. Kurchatov, S. P. Korolyov, M. V. Keldysh; vị đứng đầu Chính phủ Xô viết A. I. Kosygin (Côxưghin) người đã định tiến hành cuộc cải cách kinh tế đã chín muồi; Bí thư thứ nhất Hội đồng trung ương các công đoàn toàn Nga, sau là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, còn trong những năm 1956-1966 là Chủ tịch Ủy ban ki m tra Trung ương ĐCS Liên Xô N. M. Shvernik, phụ trách công việc khôi phục danh dự cho những nạn nhân của những đợt thanh trừng vô lý.

Tại đây cũng gắn những bình tro đựng di cốt của “những nguyên soái của Ilyich”, theo cách gọi của A. V. Lunacharsky: A. D. Tsyurupa, M. S. Olminsky, M. N. Pokrovsky, S. I. Gusev, I. I. Skvortsov-Stepanov, S. M. Kirov, V. V. Kuybyshev, G. K. Ordzhonikidze, G. I. Petrovsky, S. S. Kamenev, N. K. Krupskaya, G. M. Krzhizhanovsky, và cả A. V. Lunacharsky.... Ở đây có di cốt của Maxim Gorky. Còn đây là tên của những người chinh phục tầng bình lưu - I. D. Usyskin, A. B. Vasenko, P. F. Fedoseenko, đã hy sinh trong chuyến bay cuối cùng lập kỷ lục thế giới về độ cao; những phi công nổi tiếng V. P. Chkalov và A. K. Serov, những nữ Anh hùng Liên Xô đầu tiên P. D. Osipenko và M. M. Raskova, đại tướng không quân; người đầu tiên nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô hai lần G. P. Kravchenko, đã hy sinh trong chiến đấu. Trên các tấm bia còn có tên của vị Chủ tịch đầu tiên của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô A. P. Karpinsky, đã không do dự đứng về phía chính quyền Xô viết, tên của những người đã chỉ huy sản xuất những chiếc máy bay đầu tiên trong nước: P. I. Baranov, chỉ huy sản xuất những chiếc máy kéo đầu tiên trong nước M. S. Mikhailov-Ivanov; người tổ chức đội máy bay dân dụng đầu tiên A. Z. Goltsman. Bên cạnh họ là tên tuổi của các thủ lĩnh công đoàn: ngành chế tạo máy K. O. Kirkizh, ngành luyện kim I. I. Lepse, Bí thư Hội đồng trung ương các công đoàn Liên Xô nhiều năm K. I. Nikolayeva....

Trong Hàng mộ danh dự còn an nghỉ những người bạn nước ngoài của nước Nga Xô viết: John Reed, Charles Ruthenberg và William Haywood (Mỹ), Arthur MacManus và William John Hewlett (Anh), Clara Zetkin, Fritz Heckert, Otto Strupat và Oskar Heilbrich (Đức), Anton Khorak và Jenô Landler (Hungary), Ivan Konstantinov (Bulgaria), Augusta Osen (Na Uy), Vương và Trương (Trung Quốc), Sen Katayama (Nhật Bản)...

Còn đây là một tấm bia với những cái tên nhơ nhuốc: công tố viên chính trên các phiên tòa giả dối vào những năm 1930 ở Moskva A. Ya. Vyshinsky, viên thanh tra khát máu của Hồng quân L. Z. Mekhlis. Những tấm bia mộ đã cào bằng những người con ưu tú của nhân dân, các hiệp sĩ cách mạng với những kẻ đã bôi nhọ cuộc cách mạng. Dành cho những tên tuổi đầu tiên là những bông hoa trên bia đá hoa cương, còn những kẻ loại thứ hai phải hứng chịu những cái nhìn căm thù không tha thứ.

Phía sau Lăng Lenin là 12 bức tượng bán thân. Ở đây là mộ của Ya. M. Sverdlov, F. E. Dzerzhinsky, M. V. Frunze, M. I. Kalinin, A. A. Zhdanov, S. M. Budyonyi, I. V. Stalin, K. E. Voroshilov, M. A. Suslov, L. I. Brezhnev, Yu. V. Andropov, K. U. Chernenko. Những bức tượng bán thân của năm ngôi mộ đầu là tác phẩm của điêu khắc gia S. D. Merkurov, tượng trên mộ K. E. Voroshilov của điêu khắc gia N. I. Bratsun , tượng trên các ngôi mộ của I. V. Stalin và S. M. Budyonnyi của điêu khắc gia N. V. Tomsky, tượng trên các ngôi mộ của M. A. Suslov và L. I. Brezhnev của điêu khắc gia I. M. Rukavishnikov, tượng trên mộ Yu. V. Andropov của điêu khắc gia V. A. Sonin, tượng trên ngôi mộ K. U. Chernenko của điêu khắc gia L. E. Kerbel. Tác giả tạo hình kiến trúc cho Hàng mộ danh dự trong những năm 1946 -1947 là I. A. Frantsuz.

...Năm 1973 những người thợ xây dựng xu ất hiện ở chân tường thành Kremli. Tiếng máy ầm ầm, tiếng búa gõ dập dồn của những người thợ đá. Suốt hai năm liền, đồng thời với việc khởi công phục chế Lăng Lenin không lâu sau đó, những người công nhân đã hoàn thiện và làm đẹp thêm diện mạo hoành tráng của hàng mộ danh dự, tạo nên một kiệt tác trang trọng bằng đá hoa cương. Hình dạng truyền thống của hai nấm mộ chiến sĩ vô danh được bảo tồn nhưng bố cục của chúng được bổ sung thêm bằng những thành tố kiến trúc xây dựng mới: hình những lá cờ đỏ gấp nếp, những cành nguyệt quế hầm tươi và những tấm bia mộ đen với những hàng chữ tôn vinh những chiến sĩ của cách mạng.

Các bức tường thành của Điện Kremli là một bản hùng ca, nhà văn Anatole France đã nói như vậy. Để khai mở quang cảnh bức tường thành Kremli và những tấm bia mộ nhìn từ Quảng trường Đỏ, những người công nhân đã thay thế hàng cây vân sam xanh tươi tốt mọc dày thành một hàng liên tục bằng cách trồng những cây non mới thành từng nhóm riêng biệt, ba cây một nhóm.

Dọc theo tường thành Kremli dưới chân mỗi tấm bia mộ người ta xây trên mặt đất một chậu hoa khiêm tốn bằng đá hoa cương. Tính đến lượng người đến viếng Lăng Lenin và Hàng mộ danh dự ngày càng tăng, những nhà xây dựng đã mở rộng con đường chạy dọc theo tường thành Kremli thêm nửa mét. Tác giả của công trình kỷ niệm này là các kiến trúc sư G. M. Vulfson và V. P. Danilushkin, điêu khắc gia P. I. Bondarenko. Những chi tiết tượng đài hoành tráng trang hoàng cho các nấm Mộ tập thể được những người thợ khắc đá của nhà máy đúc nghệ thuật Mytishin chế tác và lắp đặt dưới sự chỉ huy của đốc công P. A. Nosov. 

Hết chương 7. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t26594-su-that-va-bia-dat-ve-lang-lenin-va-khu-mo-ben-tuong-thanh-kremli-chuong-7.html?...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận