Những lời ghi trên lề biên lai chuyển tiền thật xúc động.
“No pasaran!” - Ông O. Kurilin (thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky) đã ngắn gọn thể hiện tình cảm của mình như vậy bằng cách nhắc lại câu khẩu hiệu nổi tiếng của những chiến sĩ chống phát xít ở Tây Ban Nha năm xưa - “Không cho chúng nó qua!”
“Trong những ngày đen tối của nhân dân Tajikistan, tôi hướng tầm mắt về Moskva, tới Lenin. Tình hữu nghị giữa các dân tộc sẽ tồn tại mãi mãi” (R. Sharifova, thành phố Ura-Tyube(1)).
“Để tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với Lenin, thay mặt cả gia đình chúng tôi - những người đã mất và những người đang sống - tôi gửi 5000 rúp” (A. Kuskova, thành phố Gelendzhik).
“Chúng tôi chưa có dịp viếng Lăng Lenin. Nhưng tất cả những gì gắn với tên tuổi của Ilyich đối với chúng tôi là thân thiết và thiêng liêng”. (V. Kondatyeva, V. Chernikova, tỉnh Chitin).
“Tôi và vợ tôi là Galina Vasilyevna xin gửi vào quỹ Lăng Lenin 500 rúp - tiền thưởng tôi được nhận nhân dịp kỷ niệm 35 năm nhà máy ôtô Volga” (N. F. Reshetnikov, thành phố Tolyatti).
“Hãy nhận số tiền trợ giúp khiêm tốn của tôi - một phần học bổng sinh viên của tôi” (V. Kraineva, Krasnovodsk(1)).
“Chúc mừng ngày lễ 70 năm Lăng Lenin” (N. Nikulin, Moskva).
“Hãy nhận số tiền người ta mừng cho cháu nhân ngày sinh nhật” (Dima Zubov, 12 tuổi, Moskva).
“Vladimir Ulyanov (Lenin) sau vài thế hệ nữa sẽ được xếp vào hàng Thánh như Sergei Radonezhsky” (I. Peresadov, Moskva).
N. Martynova (Liên hiệp sản xuất Gidrotorf) kèm theo giấy chuyển tiền đã viết những dòng thơ của mình:
Tên tuổi Lenin - ngọn đuốc sáng trong đêm.
Làm l quỷ địa ngục cuồng điên.
Nhưng không kẻ thù nào có thể dập tắt
Ánh sáng Lenin tôi giữ trong tim.
Những người muốn nói nhiều hơn thì chia sẻ ý nghĩ và tình cảm của mình trong những bức thư.
“Hầu như tất cả các cư dân ngôi nhà của chúng tôi đều góp tiền, tổng cộng là 5745 rúp, cho Lăng Lenin, - hai cụ về hưu M. A. và R. S. Shebelev (thành phố Yakutsk) viết - Làm sao không đóng góp cho được, mọi người nói. Nikolai Tikholovich Tseev, làm giáo viên ở Yakutia từ năm 1936 nói: “Chính quyền Xô viết đã giúp tôi nuôi nấng và giáo dục sáu đứa con. Giờ đây tất cả chúng đều là cán bộ kỹ thuật và đang làm việc. Thay mặt gia đình tôi đóng góp 1 000 rúp. Tôi muốn các cháu của tôi được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”. Những người sống trong 50 căn hộ của ngôi nhà có 53 hộ đã góp tiền”.
“Tôi chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ ĐCS Liên Xô và về một vài phương diện, còn đối lập với đảng - P. A. Makarychev (thành phố Chelyabinsk) viết - Tôi bắt đầu sáng mắt ra sau khi Liên Xô sụp đổ, sau khi nhiều bí mật của quá trình tư nhân hóa bị lộ ra, sau hiện trạng hỗn loạn của nền kinh tế, và sau khi hơn 90% dân cư lâm vào tình trạng nghèo đói. Tôi xin gửi 500 rúp”.
“Tôi xin đóng vào quỹ Lăng Lenin 10.000 rúp cho hai suất - cho tôi và mẹ tôi là bà Elizaveta Vasilyevna Pchelkina, - Cựu tổng công trình sư Liên hiệp khoa học sản xuất chế tạo máy Yuri Alekseyevich Tretyakov (thành phố Reutovo) viết - Bà là một kế toán viên ngoài đảng. Nhưng nếu mẹ tôi còn sống thì chắc chắn bà sẽ giúp Lăng Vladimir Ilyich”.
“Đọc trên báo và nghe qua đài những lời chỉ trích Lenin nhiều như nấm sau mưa, tôi rất ngạc nhiên - I. Askasov, cựu xạ thủ súng máy (thị trấn Chamzinka, Mordovia). - Nhờ có chính quyền Xô viết các ngài đó được thụ hưởng nền giáo dục không mất tiền, có nghề nghiệp, có việc làm tốt, có được các chức vụ cao. Hãy xem họ cảm ơn tất cả điều đó như thế nào? Giống như nhân vật trong truyện ngụ ngôn của Krylov: “Con lợn dưới cây sồi suốt ngày ăn quả sồi đến lồi cả rốn, lăn kềnh ra... Thế là nó bắt đầu rúc mõm đào rễ cây sồi...”
545 gia đình ở nông trang tập thể Tia lửa Lenin, làng Verkhnie Achaki (Chuvashia) đóng góp mỗi người 10 kg hạt lúa mì, đem bán được 3276 rúp gửi vào quỹ Lăng Lenin.
“Những người tích cực không chỉ bó mình trong việc góp quỹ riêng của bản thân. Ngày 21 tháng 1 năm 1998, ngày kỷ niệm Lenin - báo Lá cờ (thành phố Uzlovaya, tỉnh Tula) thông báo về việc quyên góp tiền của cho Lăng. Trong bài báo của Chủ tịch Hội “Lenin và Tổ quốc chúng ta” I. R. Bryukhanova thông báo rằng mọi người có thể mang tiền quyên góp đến đóng ở Hội cựu chiến binh của thành phố hay bỏ vào hòm quyên góp đặt ở nhà Bảo tàng văn vật địa phương. “Đáp lại lời kêu gọi có 192 người cùng rất nhiều người không muốn nêu tên bỏ tiền vào thùng quyên góp - tờ báo viết. - những khoản tiền lớn được đóng góp là của gia đình nhà Shubchinsky, Bunin, Shamin. Nhưng rất đáng quý là những đồng 10 kopek của các cháu thiếu nhi và những tờ 10 rúp do những người khuyết tật như V. O. Koloskova và G. I. Lukyantseva đóng góp”. Học sinh các trường số 2, 7, 20, 61 và 81 quyên góp được 170 nghìn rúp.
V. Bakhina (thành phố Izhevsk, Udmurtia) đã nói về Quỹ trên tờ báo địa phương, nêu rõ số tài khoản ngân hàng của Quỹ và kêu gọi những người đồng hương không cho phép bọn người xấu bôi nhọ ký ức lịch sử của nhân dân. Kết quả là số lượng tiền quyên góp từ nước cộng hòa đó đã tăng lên.
Những tình nguyện viên trợ giúp quỹ đã tiến hành quyên góp ngay trong các cuộc biểu tình và mít tinh ở nhiều thành phố và làng mạc.
Đa số những người tình nguyện giúp đỡ và gửi tiền đóng góp là những người dân bình thường: công nhân và nông dân, bác sĩ và giáo viên, kỹ sư và người hưu trí, những người từng chiến đấu mặt trận hay lao động tại hậu phương, góp tiền từ đồng lương và trợ cấp hưu trí còm cõi của mình. Đóng góp vào đó còn có các doanh nhân thành đạt, những người không phản bội niềm tin thời tuổi trẻ của mình để xu thời về mặt chính trị, và đảng viên các Đảng Cộng sản và các tổ chức xã hội khác nhau.
* * *
Các nhà bác học tiếp tục làm việc ở Lăng cả trong những ngày bi thảm của tháng 9 và tháng 10 năm 1993, khi chính quyền hành pháp đứng đầu là B. Yeltsin, tác giả của sắc lệnh số 1400 khét tiếng, đã nổi loạn dựa vào các cơ quan đàn áp như quân đội, Bộ Nội vụ và Cơ quan an ninh quốc gia. Bầu trời Moskva vang rền tiếng đạn pháo xe tăng bắn phá trụ sở nghị viện mà trong đó là các đại biểu quốc hội, phụ nữ và trẻ em. Thị trưởng Moskva chuẩn bị dự thảo sắc lệnh của Tổng thống “Về việc khôi phục lại diện mạo lịch sử của Quảng trường Đỏ”, trong đó dự kiến xóa bỏ Lăng Lenin. Ngày 6 tháng 10 Tổng thống bãi bỏ chế độ gác danh dự ở trước cửa Lăng - vị trí gác số 1. Bất chấp nỗi khổ tâm nặng nề, các nhà bác học vẫn không run sợ. “Tôi và các anh - viện sĩ S. Debov nói - không bao giờ phải cảm thấy xấu hổ vì đã làm việc ở Lăng Lenin. Chúng ta tự hào và sẽ còn tự hào về việc đó trước con cháu chúng ta”. Tất cả các thành viên của nhóm bác học ở Lăng đều chung cảm nghĩ như vậy.
Ngày 30 tháng 6, Quỹ phải đăng ký lại và theo Bộ Luật mới về các tổ chức xã hội đã nhận tên gọi mới: Tổ chức xã hội từ thiện cấp vùng nhằm bảo tồn Lăng V. I. Lenin. Tổ chức này, cũng như Quỹ trước kia, cố gắng thỏa mãn yêu cầu về tài chính của các nhà bác học. Không có hiện tượng chậm phát lương như trong các cơ quan hưởng ngân sách. Thực ra các nhà bác học làm công tác bảo trì di hài nhà sáng lập và nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên bang Nga thật xứng đáng không chỉ nhận được tiền thưởng kịp thời mà còn ở mức cao hơn mới phải.
Tiền của được đóng góp từ nước Nga, Belorussia, Ukraina, Kazakhstan, Latvia, Litva, Czech. Tất cả tiền của được sử dụng cho các công việc phúc lợi.
Ngoài Quỹ ra, nhóm bác học ở Lăng tìm được các nguồn ủng hộ tài chính khiêm tốn khác, chẳng hạn như thực hiện các công việc theo h ợp đồng.
Từ năm 1991 nhà nước không cấp một xu nào cho việc tiến hành các công việc bảo dưỡng cơ bản trong Lăng Lenin.
Tuy nhiên, các nhà chính trị không để cho nhóm bác học ở Lăng được yên. Ngày 4 tháng 12 năm 1998 cánh Yabloko (“Quả táo”) trong Đuma quốc gia lại phát biểu đưa ra thêm một ý kiến chống cộng nữa - đề nghị chấm dứt cấp ngân sách quốc gia cho Lăng V. I. Lenin và các cơ quan khoa học phục vụ Lăng, tiền dư ra từ đó sẽ được đem trả lương cho giáo viên tỉnh Ulyanov. Những người trong cánh Yabloko thậm chí không thấy xấu hổ, vì việc chậm trả tiền lương cho các nhà giáo là hệ quả của công cuộc cải cách “dân chủ” do họ và đồng minh âm mưu tiến hành.
Vì lý do đó, ban điều hành của Quỹ từ thiện độc lập “Lăng V. I. Lenin” tuyên bố trên báo chí rằng “không thể chấm dứt cái thực ra là không có. Từ sáu năm trước đây người ta đã chấm dứt cấp ngân sách cho mọi công việc duy tu bảo dưỡng chủ chốt ở Lăng V. I. Lenin”. Nguyên nhân chính trị thầm kín việc chống cộng sản của cánh Yabloko đã rõ, tuyên bố nói, và không cần phải bình luận thêm. Đuma quốc gia đã bác bỏ đề nghị của phe Yabloko đòi đưa nó vào chương trình nghị sự.
Cuối thập kỷ 1990, kẻ phản bội và xu thời, cựu phó giáo sư I. Zbarsky, đã từng làm việc ở Lăng hơn nửa thế kỷ trước, lên giọng tuyên bố rằng Phòng thí nghiệm thuộc Lăng Lenin dường như đang lo ướp xác cho “những bố già của mafia Nga”, hơn nữa với số tiền công rất lớn. I. Zbarsky cam đoan, thị trưởng Moskva là ngài Luzhkov đã có ý tưởng thành lập một “cơ quan thủ tục” để chuyển một phần thu nhập của mình sang tài khoản Phòng thí nghiệm ướp xác trực thuộc Lăng Lenin. Viện sĩ V. A. Bykov, lãnh đạo trung tâm khoa học mà nhóm bác học của Lăng hiện đang nằm trong đó, đã gọi những khẳng định trên là hoàn toàn bịa đặt.
Ai mang lại đau khổ cho nước Nga?
Năm 1997 là năm Tổng thống Yeltsin mở cuộc hành quân chống Lăng Lenin.
Vốn là một kẻ mang bản chất tàn phá, mà trong bản thành tích phá hoại của mình đã có tòa nhà Ipatyev, Nhà nước Liên Xô vĩ đại, Tòa nhà quốc hội bị bắn phá, những khu nhà ở đổ nát của Grozny, ông ta không thể dừng tay và cố làm bằng được điều mà Hitler không làm nổi - đó là tiêu diệt Lăng Lenin.
Ngày 14 tháng 3 năm 1997, Yeltsin tuyên bố: “Cần phải chôn cất ông (tức Lenin, - A. A.) cạnh mẹ ở Saint Petersburg như ông đã di chúc lại. Thượng phụ giáo chủ đã nói với tôi rằng Lenin không được chôn cất đúng với phong tục Cơ Đốc giáo vì không được chôn vào lòng đất mẹ”.
Một tuyên bố kỳ quặc lại do chính vị Tổng thống nói ra trong cuộc gặp gỡ với tổng biên tập các cơ quan báo chí, xuất bản hàng đầu của nước Nga. Đã sáu năm rồi, thậm chí đến các em học sinh cũng biết rằng không có “bản di chúc” nào của Lenin cả.
Chẳng lẽ ngài Tổng thống không đọc báo, không xem truyền hình? Mà cũng không đẹp mặt cho ngài khi nấp sau lưng Thượng phụ giáo chủ. Trong Hiến pháp của đất nước có nói rõ: Nước Nga là một quốc gia thế tục và không có tôn giáo nào có thể áp đặt cho xã hội những tập tục và truyền thống của mình, nhất là khi ta đang nói tới một người vô thần vĩ đại.
Chắc hiểu rằng mình đã lỡ lời nên Yeltsin kết thúc: “Thôi được, có thể chúng ta không cải táng ngay bây giờ. Mà cũng có thể để đến cuối năm nay hay cuối thế kỷ này. Cần phải tiến hành một cuộc điều tra xã hội học để biết ý kiến của mọi người”.
Đó là quả bóng tung ra để thử. Ngay lập tức nổi lên một đợt tấn công mới của những kẻ đào mồ cuốc mả nhằm vào Lăng Lenin.
Ngày 6 tháng 6, hàng triệu khán giả truyền hình có cơ hội được nghe bài phát biểu mới của ngài Tổng thống, khi ông ta, ngược với việc đã nhiều lần kêu gọi để năm nay là “Năm hòa giải và hòa hợp”, lại lên tiếng kêu gọi cải táng Lenin như hồi tháng ba. Yeltsin phát biểu như thế trong phiên họp của Hội đồng Văn hóa và Nghệ thuật ở Saint Petersburg.
Trước đó G. Satarov, trợ lý của tổng thống, đã gửi công văn đến Tổng cục Lưu trữ Liên bang yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ tổng thống giao: tìm một cơ sở nào đó cho cái công việc âm mưu đen tối là cải táng Lenin và hủy bỏ Lăng trên Quảng trường Đỏ. Dĩ nhiên. Từ Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu các văn kiện lịch sử đương đại Nga, viết tắt là RTsKHIDNI (tên gọi trước đây là Cục lưu trữ Trung ương Đảng), nơi giữ những tài liệu về việc bảo quản di hài Lenin, người ta đã chính thức phúc đáp cho G. Satarov rằng, không có một “di chúc” nào của Lenin cả. “Trong RTsKHIDNI - công văn trả lời nói rõ - không có một tài liệu nào của Lenin hay của người thân và những người gần gũi của Lenin nói đến “ý nguyện cuối cùng” của Người là muốn được chôn tại một nghĩa trang nào đó (ở Moskva hay ở Petersburg) của nước Nga”. Cũng trong văn bản trả lời của cơ quan lưu trữ đó có trích dẫn lời của N. K. Krupskaya nói rằng cần phải chôn cất Vladimir cạnh chân tường Điện Kremli, cạnh các đồng chí của mình. Ký công văn phúc đáp là Trưởng phòng Thông tin khoa học, tiến sĩ khoa học lịch sử G. M. Adibekov.
Ngày 11 tháng 6 năm 1997, công văn trả lời của RTsKHIDNI được đăng trên báo Sự thật và vài ngày sau lại được đọc trong chương trình truyền hình “Itogi”của kênh truyền hình NTV. Một lần nữa tất cả mọi người lại được biết rằng không có một “di chúc” nào nhắc đến nghĩa trang Volkovo và việc yên nghỉ “cạnh người mẹ” mà Vladimir Ilyich rất yêu quý, mà ngược lại, theo lời vợ của Người, cần phải mai táng vị lãnh tụ ở Moskva, cạnh chân tường Điện Kremli, bên cạnh những người bạn, người đồng chí cách mạng của Người. Ngày 26 tháng 1 năm 1924 Đại hội Xô viết toàn Liên bang đã ra nghị quyết: “Hầm mộ (lúc đầu người ta gọi Lăng Lenin như thế - A. A.) sẽ xây dựng ở chân tường Điện Kremli trên Quảng trường Đỏ, giữa những nấm mộ của anh em chiến sĩ cách mạng Tháng Mười”.
Nhiệm vụ do tổng thống giao, theo đúng quy định, được thực hiện rất nhanh và công văn trả lời đã được gửi cho G. Satarov.
Trong khi đó, ngày 6 tháng 6, Tổng thống Yeltsin lại một lần nữa làm toàn thế giới sửng sốt vì lời nói dối về việc cần thiết phải thực hiện “di chúc” của Lenin. Tự nhiên phải đặt câu hỏi: G. Satarov có báo cáo Tổng thống kết luận của cơ quan lưu trữ hay che giấu?
Nếu như ông ta che giấu tức là đã chơi xỏ Boris Nikolayevich một vố tệ hại. Nếu như ông ta không che giấu thì có nghĩa là Tổng thống tiếp tục đánh lừa các công dân nước Nga và dư luận quốc tế, khi tung ra một lời thách thức thô bỉ đối với những người được nhân dân bầu ra - các đại biểu Đuma quốc gia - vừa mới thông qua Luật Liên bang “Về quy chế của Quảng trường Đỏ thành phố Moskva”.
Cũng tại kỳ họp ngày 6 tháng 6, Yeltsin không chỉ nhắc lại lời dối trá về “di chúc” của Lenin và một lần nữa phát biểu ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân về Lăng vào mùa thu tới, mà còn lần đầu tiên không núp sau ý kiến của Thượng phụ giáo chủ. Tự mình đưa ra những lời đánh giá Lenin về mặt chính trị, ông ta tuyên bố: “Chúng ta biết rằng, một mặt, Lenin đã đem lại nhiều đau khổ cho nước Nga, mặt khác, đó là lịch sử của chúng ta, không thể trốn tránh nó được”.
Nhà chính luận Vladimir Bushin đã đưa ra những nhận xét sắc sảo đập lại lời tuyên bố hùng hồn, sáo rỗng này:
“Một mặt, chúng ta biết rằng Lenin đem lại nhiều đau khổ cho nước Nga...” - V. Bushin nhắc lại lời của B. Yeltsin và hỏi - Từ đâu mà ông biết được điều đó?... Mới ngày hôm qua ông còn gọi Lenin là “nhà tư tưởng vĩ đại”, “nhà chính trị khôn ngoan”, “thiên tài của nhân loại”. Mới gần đây thôi ông tìm mọi cách để được tặng thưởng Huân chương Lenin, và sau khi đã đạt được nó bằng mọi cách, cả nói thật lẫn không thật, ông đã tuôn trào nước mắt sung sướng...Ngay cả cái kỷ niệm chương phát hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin cũng đã khiến viên Trưởng Ban xây dựng tỉnh ủy Sverdlov(1) rơi vào trạng thái hưng phấn đến mức nốc rượu suốt ba tuần liền...
Và bây giờ cái thứ động vật có vú lông lá rậm rì đó, kẻ đã mang lại cho nước Nga bao nhiêu khổ đau, mà những khổ đau do Bạt Đô(2), quân Ba Lan, Napoléon và Hitler gây ra gộp lại cũng không sánh bằng, lại dám lắp bắp nói đến những tai họa của Lenin!”.(3)
Kẻ bất tài ít học ấy trong suốt hai năm với tất cả sức mạnh của một cường quốc và cả một bầy tướng lĩnh do chính mình dựng lên vẫn không thể thắng được cái xứ Chechnya cỏn con, bị bao vây bốn mặt, cái xứ nhỏ chưa bằng một nửa tỉnh Ryazan, mà ở đó toàn bộ số dân Chechnya kể cả phụ nữ, trẻ con và người già cũng chỉ có gần sáu trăm nghìn người. Chính cái tay khuếch khoác, khoe tài khoe giỏi ở Điện Kremli đó lại dám chê bai Lenin, người lúc đầu bị mất đến 3/4 đất nước, thế mà chỉ sau có ba năm đã tống cổ khỏi đất mẹ thân yêu tất tần tật những đạo quân của Kornilov và Alekseev, của Yudenich và Miller, của Denikin và Wrangel, của Krasnov và Kolchak, của Mamontov và Shkuro, của Semyonov và Ungern-Sternberg(1), quân Áo và quân Phần Lan, quân Czech và quân Cận Baltic, đ ã đập tan và đánh lui ba cuộc hành quân hùng mạnh nhất của khối Đồng minh (Entente), tham gia vào đó không phải là những kẻ tình nguyện, quân du kích, mà là những đội quân chính quy được trang bị rất mạnh của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Italia, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Serbia, lại thêm quân Đức lúc đó đã chiếm Ukraina và Crimea, vươn sát đến Gruzia, rồi sau đó là cả quân Ba Lan mà từ thời Boleslaw Quả cảm (thế kỷ XI) đã không biết bao lần ngự trị ở Kiev...
Có bao nhiêu quân Chechnya chống lại các vị tướng của ông, hỡi vị Tổng Tư lệnh ba hoa? Người ta nói rằng chỉ có chừng 10-15 nghìn quân. Còn Hồng quân vào năm 1918 ở miền Bắc đất nước đã đập tan 35 nghìn quân xâm lược và Bạch vệ. Năm 1919 ở miền Nam, Hồng quân phải chống lại 130 nghìn quân địch, muộn hơn chút nữa ở Viễn Đông và Siberia là 150 nghìn quân địch. Và một lần nữa, lại có tình trạng là lực lượng kẻ địch có quân số lên gần một triệu người, còn trong tay Lenin chỉ có hơn 500 nghìn. Còn hỡi kẻ mạnh mồm đánh nhau, nếu như bây giờ chỉ cần 35 nghìn quân chống lại ông và thậm chí là từ vùng Viễn Đông tiến về thì chắc chắn ngay lập tức ông sẽ chạy vào sứ quán Mỹ xin tỵ nạn chính trị...
Làm thế nào để giải thích rằng Lenin, lúc đầu chịu những thất bại nặng nề, mất đi một phần lớn lãnh thổ, nhưng cuối cùng bằng sức mạnh của những trung đoàn của mình, được huấn luyện sơ sài, trang bị vũ khí nghèo nàn, thiếu ăn thiếu mặc, mà lại có thể đập tan và tống cổ những đội quân hạng nhất của bọn can thiệp và bọn Bạch vệ ra khỏi đất nước, cứu được nước Nga, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của nó, còn ông, người đứng đầu một cường quốc vĩ đại do Lenin để lại cho ông, đã không hề phản đối, mà dâng nộp Crimea (vì việc này mà nữ hoàng Yekaterina(1) Vĩ đại ở thế giới bên kia chắc chắn sẽ vặt của ông cái gì thì chính ông cũng biết), đã làm nước Nga ô nhục bởi thất bại trong cuộc chiến tranh với xứ Chechnya nhỏ xíu (vì việc này đại tướng Yermolov(2) ở thế giới bên kia chắc chắn sẽ ra lệnh treo cổ ông lần thứ hai), và ông lại còn cho khối quân sự thù địch NATO tiến sát gần tới trái tim của đất nước? Tại sao lại có chuyện như thế? Trước tiên tại vì Lenin là một thiên tài, còn ông đã và mãi mãi sẽ chỉ là một viên đốc công của xí nghiệp xây dựng nhà ở. Lenin trao cho nhân dân tư tưởng vĩ đại về công bằng xã hội và tình anh em, còn trong hộp sọ của ông không có một ý tưởng nào, ngoài việc thay hình búa liềm bằng một chú gà rán áp chảo có hai đầu. Đã không có, đang và sẽ không thể có một tư tưởng nào bởi vì cái hộp sọ của ông - bum! bum! - rỗng không! Trống không vì cái thứ chủ nghĩa Marx-Lenin theo cách trình bày của tên yêu ma xấu xa Burbulis(1) đã đánh bật khỏi đó tất cả. Nhân dân lao động yêu quý Lenin, nước ngoài kính trọng Người, còn ông bị nhân dân lao động căm ghét, nước ngoài khinh bỉ, như ở mọi nơi và mọi lúc người ta luôn khinh bỉ những kẻ phản bội tổ quốc mình. Thậm chí Hitler cũng khinh bỉ tên tướng phản quốc Vlasov.
Tuy nhiên, chúng ta hãy quay về với lập luận của Yeltsin tại phiên họp của Hội đồng Văn hóa. Nghĩa là, một mặt, Lenin là nỗi bất hạnh của nước Nga. Còn mặt khác? “Mặt khác, đó là lịch sử của chúng ta, chúng ta không thể trốn tránh được nó”. Đây, điều này thì đúng: ta không thể trốn đi đâu được, bố ạ, không đi đâu được. Lịch sử sẽ tìm được bố ngay cả khi bố nấp dưới gấu váy Naina Iosifovna(2). Sẽ tìm ra và sẽ hỏi tội.
“Lenin phải được chôn vào lòng đất theo như di chúc của mình” - nhà tổ chức vĩ đại của đất Nga tiếp tục nói. Nhưng đó chỉ là nhắc lại những gì mà Yuri Karyakin, một nhân vật hoạt động công đoàn nổi tiếng và một nhà nghiên cứu văn học kém nổi tiếng hơn, người nói ra điều đó đầu tiên ngay từ năm 1989 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân. Tuy nhiên, ông ta đã từ bỏ những lời đó và từ lâu đã công nhận một việc ai cũng rõ: Lenin không để lại một di chúc nào. Thế mà ở đây “kẻ huênh hoang ra vẻ cường quốc” đưa ra đề nghị là mùa thu tới sẽ tiến hành trưng cầu ý dân công khai về vấn đề cải táng Lenin: “Hãy để cho nhân dân quyết định là sẽ chôn Lein theo phong tục Cơ Đốc giáo hay vẫn đề nguyên như hiện nay”. Lạy chúa lòng lành! Ông ta còn ít việc với NATO hay sao mà lại đi lo lắng tới các phong tục Cơ Đốc giáo!
Tuy nhiên, các tín đồ Cơ Đốc giáo Mark Zakharov và Khazanov ngồi ngay bên cạnh vẫn câm như hến. Và kẻ bật dậy ngay lập tức là Luzhkov, một gã dị giáo tiểu nhân đội lốt Chúa: “Phải, phải lắm, cần phải chôn ông ta theo di chúc ở nghĩa trang Volkovo! Giá trị của Lenin chỉ còn là con số không...”. Đấy, ông ta nói như vậy đấy. Toàn bộ bài phát biểu được ông ta nói bằng giọng vui mừng dường như chính bản thân mình đã nằm ở nghĩa trang Volkovo trong một nấm mộ yên ấm đến năm năm rồi. Ngày 11 tháng 6, những Zakharov, Bronevoy, Lazarev, Yankovsky và một số nhân vật trong giới sân khấu và văn học rầm rộ hoan hô Yeltsin, sau khi đã phân phát cho họ các giải thưởng thường kỳ, lại một lần nữa tuyên bố cần phải cải táng Lenin. Rõ ràng là người tung kẻ hứng với nhau.
Rất tiếc, tôi không có mặt trong lễ trao giải thưởng đó, nếu không tôi đã nói: “Này bố ơi, tuổi của bố cũng không phải là ít đâu, tuy giờ đây bố còn múa may và phát biểu trên đài những bài diễn văn được gọt sửa tử tế thì cũng đã đến lúc bố nên nghĩ đến chốn nghỉ ngơi vĩnh hằng cho mình. Vì thế cuộc trưng cầu ý dân do bố đề nghị nên thêm vào những câu hỏi sau: 1. Sẽ mai táng tổng thống Nga như thế nào - trong điệu nhạc của bài Kalinka hay bài Kamarinskaya? 2. Sẽ mai táng ở đâu - trong sân của sứ quán Mỹ, tại nghĩa trang Arlington ở Washington hay nghĩa trang Do Thái ở Vostryakovo? Thật hay, nếu như tự ông ta lựa chọn. Có thể như thế này: phần trên cơ thể thì chôn ở hải ngoại, phần dưới thì trong sân của sứ quán Mỹ, còn trái tim thì ở Vostryakovo” (báo Duel số 15 năm 1997).
Quả thật, ngày 11 tháng 6 năm 1997, trong buổi phát hình trực tiếp lễ trao giải thưởng thường kỳ cho các nhà hoạt động văn hóa Nga, Yeltsin đã phát biểu với lời lẽ buông thả của một tay buôn bán cò con đang say rượu:
- Bây giờ tôi sẽ tung cho các anh một ý tưở ng: đưa Lăng Lenin ra khỏi Quảng trường Đỏ. Các anh sẽ nói thế nào về việc đó?
Và những vị Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa với Huân chương Lenin trên ngực, những người từng nhận Giải thưởng Lenin đang ngồi trong phòng... đã vỗ tay hoan hô! Tâm lý nô tỳ ngoan ngoãn đã đóng vai trò chủ chốt ở đây.
Thực ra, có một nhân vật duy nhất mới nhận được giải thưởng lần đầu là không đồng ý với tổng thống nhưng chỉ để trong bụng. Nét gay cấn của tình huống là ở chỗ anh ta mới nhận được giải thưởng Nhà nước do có một cuốn sách đồ sộ viết về kiến trúc mà trong đó lại có đoạn đánh giá rất cao về Lăng Lenin, coi nó như là một kiệt tác của nền kiến trúc thế giới. “Tôi muốn đi đến chỗ Tổng thống và nói với ông ta rằng, việc “loại bỏ” Lăng là tuyệt đối không thể được - anh ta giải thích hành vi của mình trong một buổi phỏng vấn vài ngày sau đó. - Nhưng vợ tôi đã thuyết phục tôi không nên làm hỏng tâm trạng của Tổng thống và của tất cả mọi người nói chung, không nên làm hỏng buổi lễ - và vì thế tôi đã không nói” (Báo độc lập, số ra ngày 7 tháng 8 năm 1997). Như người ta thường nói, miễn bàn thêm...
Trong khi đó các quan chức Điện Kremli soạn thảo văn bản “Danh sách những công việc cần làm để thực hiện và giám sát kết quả chuyến đi của Tổng thống Liên bang Nga đến Saint Petersburg ngày 6 tháng 6 năm nay” và phân phát nó với tiêu đề “Chỉ sử dụng cho công vụ” đến Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Liên bang, Bộ Văn hóa và Cục Lưu trữ Liên bang. Mục số 21 buộc những người đọc: “nghiên cứu khả năng và thời hạn tiến hành cuộc thảo luận toàn dân (trưng cầu ý dân) về vấn đề cải táng di hài Lenin và di chuyển những nấm mộ nằm trên địa bàn Quảng trường Đỏ”. Thời hạn - ngày 1 tháng 9. Những người chịu trách nhiệm: Yumashev V. B., Sysuev O. N., Ivanchenko A. V.
Tờ giấy kèm theo có ghi: “Yêu cầu tham gia vào việc nghiên cứu khả năng tiến hành trưng cầu ý dân và nêu ý kiến của mình. Sysuev O. N.”.
Chắc là sau ngày 1 tháng 9 Yeltsin sẽ đề nghị thông qua nghị quyết: có tiến hành trưng cầu ý dân hay không. Nếu như quyết định tiến hành, thì ông ta sẽ ban hành sắc lệnh ấn định ngày trưng cầu ý dân là ngày 5 tháng 10 chẳng hạn. Suy đoán theo tất cả mọi điều, Yeltsin dự kiến sẽ đưa Lăng và các nấm mộ ra khỏi Quảng trường Đỏ trước ngày 7 tháng 11, khi nhân dân chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Mười. Hành động của Tổng thống không chỉ là biểu hiện của sự tàn phá văn hóa mà còn là một hành động khiêu khích mà Yeltsin vốn là tay tổ trong công việc này.
Sau đó ít hôm, tờ Báo chung mà tổng biên tập của nó là Ye. Yakovlev, người nằm trong nhóm cận thần của Tổng thống, đã bật mí một bí mật: “Lần đầu tiên Văn phòng Tổng thống nói nghiêm túc về việc cải táng Lenin là vào mùa thu năm 1996. Yeltsin sắp phải trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm mà kết cục của nó không ai đoán trước được. Vì vậy, cần phải nghĩ ra một cái gì đó để đánh lạc hướng sự chú ý của công luận khỏi tình trạng sức khỏe của tổng thống. Tổng thống đã “thuận” cho “dự án mai táng” (Báo chung, 8-14 tháng 7 năm 1999).
Sang năm sau, năm 1997, ý tưởng chôn cất di hài Lenin lại được Nhóm phân tích của Văn phòng Tổng thống đưa ra nhằm mục đích phô trương sự thống nhất quốc gia. Họ đã nghĩ kế hoạch đồng thời cải táng cả di hài Lenin lẫn di hài của Sa hoàng Nikolai II và các thành viên gia đình của ông ta. Nhưng do cuộc khủng khoảng kinh tế xã hội trở nên sâu sắc và việc dân chúng thiếu lòng tin vào chính quyền nên các hành động đó, bất chấp việc đã được chuẩn bị toàn diện về mặt tư tưởng, vẫn buộc phải hoãn lại (xem Báo độc lập-kịch bản số ra ngày 7 tháng 7 năm 1998). Ngay cả Nhà thờ chính giáo Nga cũng nghi ngờ, như Trưởng giáo chủ Kirill nói, liệu “những di cốt tìm thấy ở Yekaterinburg” có phải là của Sa hoàng Nikolai II và gia đình của ông ta hay không.
Chính quyền Kremli đã biến di hài Lenin, số phận của Lăng thành đối tượng mặc cả về chính trị và của việc kích động tuyên truyền đáng xấu hổ.
Hết chương 10. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.