Cám ơn các bạn đã cứu tôi
Những gì chúng ta kiếm được chỉ đủ sống thôi, nhưng những gì chúng ta cho đi lại có thể làm nên cả một cuộc đời.
Arthur Ashe
Những tiếng đì đùng vang dội đã phá tan rạng đông tĩnh lặng. Một buổi sáng tháng giêng năm 1994, chỉ trong vòng có mấy phút, một trong những trận động đất kinh khủng nhất lịch sử nước Mỹ đã phong tỏa cả vùng Los Angeles.
Tại công viên giải trí Diệu Sơn, cách thành phố Los Angeles hai mươi dặm về phía bắc, có ba con cá heo đang khiếp sợ vì không người chăm sóc. Chúng cuống cuồng bơi vòng quanh hồ khi những chiếc cột bằng bê tông nặng hàng tấn đổ sụp xung quanh hồ và hàng đống gạch ngói vỡ vụn rơi xuống nước.
Cách đó 40 dặm về phía nam, một cú dội có sức mạnh như quả đấm của người khổng lồ đã hất tung chàng thanh niên 26 tuổi, Jeff Siegel, ra khỏi giường. Lồm cồm bò đến bên cửa sổ, Jeff nhìn xuống thành phố đang náo loạn và nghĩ ngay đến những con vật mà đối với anh còn quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời. Anh tự nhủ: “Mình phải đến với những con cá heo ngay. Chúng đã cứu mình, và lúc này mình cần phải cứu chúng”.
Những ai quen biết Jeff từ khi anh còn nhỏ đều không thể nghĩ có một người anh hùng thứ hai ngoài Jeff.
Bẩm sinh, Jeff vốn hiếu động, khiếm thính và thiếu khả năng tập trung. Vì không thể nghe được nên Jeff mất dần khả năng nói, khiến không ai có thể hiểu được anh. Cho đến khi chuẩn bị đi học, chú bé nhỏ con tóc hung ấy vẫn bị bạn bè chọc là “thằng khờ”.
Jeff cũng không mấy thoải mái ngay cả khi ở nhà mình. Mẹ Jeff rất lúng túng không biết phải nuôi dạy đứa con trai đặc biệt của mình như thế nào. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình độc đoán và ít thân thiện, bà trở nên nghiêm khắc thái quá và thường dễ nổi giận vì tính cách khác lạ của con trai mình. Bà chỉ mong muốn con mình phải mau chóng bình thường như bao đứa trẻ khác. Cha Jeff là một nhân viên cảnh sát thuộc tầng lớp trung lưu sống ở khu Torrance của thành phố Los Angeles; ông phải làm việc ngoài giờ để kiếm thêm và thường thì phải “cày” 16 tiếng một ngày.
Ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, chú bé năm tuổi Jeff đã leo rào trốn cô giáo chạy về nhà. Tức giận, mẹ Jeff đã lôi con trai trở lại trường và bắt phải xin lỗi cô giáo. Lớp học bỗng chốc trở thành sân khấu. Khi Jeff lắp bắp những lời nói ngô nghê ngọng nghịu, cả lớp lập tức cười ầm lên nhưng vỡ chợ. Để tránh cái thế giới ít thân thiện ấy, Jeff đã tìm đến một góc sân trường vắng vẻ ngồi một mình; còn khi ở nhà Jeff cứ rúc vào trong phòng mơ tưởng một nơi không bị ai trêu cười.
Năm lên lớp 4, Jeff (lúc bấy giờ được 9 tuổi) và các bạn cùng lớp vào thăm công viên Thế giới Đại dương của thành phố Los Angeles. Đến màn cá heo trình diễn, Jeff lập tức bị lôi cuốn bởi sức mạnh và sự thân thiện của những con vật đẹp đẽ. Dường như chúng đang nhìn thẳng vào Jeff và mỉm cưởi, điều mà hiếm khi nào Jeff nhận được trong đời. Chú bé ngồi lặng im trong nỗi xúc động tràn ngập và mơ ước được ở lại mãi bên đàn cá heo.
Vào cuối năm học đó, các giáo viên đã cho rằng Jeff bị chứng bệnh rối loạn cảm xúc và mất khả năng tiếp thu. Nhưng kết quả kiểm tra trẻ thiểu năng tại Trung tâm Swizer ở gần đó cho thấy, Jeff vẫn là một đứa trẻ có khả năng trung bình – khá, mặc dù điểm số kiểm tra môn toán đáng lo ngại vì vượt quá giới hạn chậm phát triển. Thế là Jeff được chuyển qua điều trị tại trung tâm này. Hai năm sau, Jeff đã bớt căng thẳng, và khả năng tiếp thu đã tiến triển một cách khả quan.
Đến năm lớp bảy, Jeff buộc phải trở lại trường trung học. Chỉ số trí tuệ của Jeff nằm trong khoản 130, tức thuộc vào nhóm năng khiếu. Khẳ năng nói của Jeff cũng tiến bộ đáng kể nhờ phương pháp điều trị tại Trung tâm Switzer. Nhưng khi trở về lớp học, Jeff vẫn là một nạn nhân thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Năm học này cũng chính là thời gian tệ nhất trong đời Jeff – mãi cho tới khi được bố dắt vào công viên Thế giới Đại dương ở San Diego. Ngày khi thấy những chú cá heo, cảm giác vui thích đã tràn ngập tâm hồn Jeff. Jeff đứng như chôn chân ở bên hồ, nhìn ngắm những con cá tung tăng bơi lượn qua lại trước mặt mình.
Để hàng năm được đi công viên Thế giới Đại dương gần nhà hơn, Jeff đã phải tự kiếm tiền. Có lần đến công viên một mình, Jeff ngồi trên bức tường thất bao quanh hồ. Các con cá heo, vì đã quen với việc được người cho ăn, bơi đến bên Jeff khiến cậu hết sức ngạc nhiên. Con cá đầu tiên đến gần Jeff là Grid Eye, một nàng cá đầu đàn. Ngà tiên cá nặng 600pound lướt nhè nhẹ đến bên Jeff và nằm im lặng bên hồ cạnh Jeff. Nó có cho mình chạm vào không nhỉ? Jeff tự hỏi và cho tay xuống nước. Khi Jeff gãi nhè nhẹ vào làn da trơn mướt của Grid Eye, cô nàng nhích gần đến Jeff hơn. Đó quả là một khoảnh khắc cực kỳ thích thú đối với một chú bé.
Tôi đã hoàn toàn được đền đáp
Những con cá nhanh chóng trở thành những người bạn bất ngờ. Và vì hồ cá heo nằm hơi khuất trong công viên Thế giới Đại dương, nên Jeff thường ra đó một mình để chơi đùa với những người bạn vui tính này.
Một ngày kia, Sharky, một nàng cá khác, lướt đến bên Jeff cho đến khi cậu sờ được vào đuôi thì ngừng bơi. Nào, chuyện gì nữa đây? Jeff tự hỏi. Bất ngờ, con Sharky lặn xuống nước kéo theo cả bàn tay và cánh tay của cậu bé. Jeff cười và kéo nó lại không cho bơi đi. Con cá lặn sâu hơn khiến Jeff kéo lại mạnh hơn, như thể đang chơi trò kéo co vậy. Khi Sharky trồi lên mặt nước để thở, mặt Jeff và con cá kề nhau chốc lát. Jeff liền cười với Sharky và cô nàng cũng há miệng cười đáp trả. Rồi Sharky lại bơi vòng vòng và đưa đuôi cho Jeff nắm để tiếp tục chơi trò kéo co.
Jeff và những con cá nặng trên trăm kilo thường chơi trò lôi kéo, rượt đuổi nhau quanh hồ. Đó cũng là cơ hội để Jeff chạm vào mình chúng hoặc vỗ tay vào vây như một cách chào hỏi. Những trò chơi này cũng là cách giao tiếp đặc biệt của riêng Jeff với những con vật đáng yêu của đại dương.
Vào mùa hè, khi có khoảng 500 người lúc nào cũng vây quanh hồ, bầy cá kia vẫn có thể nhận ra người bạn của chúng và bơi lại gần Jeff mỗi khi cậu quơ bàn tay của mình trong nước. Tình bạn với bầy cá heo khiến Jeff tự tin hơn, và dần dần tìm được cách thể hiện mình. Jeff ghi tên vào một khóa học tại công viên có bể nuôi cá gần đó và say mê tìm đọc tất cả sách về sinh vật biển. Chẳng mấy chốc, Jeff như một cuốn từ điển sống về cá heo, và làm cho gia đình bất ngờ khi tỏ ý muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, bất chấp khả năng phát âm của mình.
Năm 1983, Jeff mô tả những hiểu biết của mình về bầy cá heo ở công viên Thế giới Đại Dương trong một bài viết gửi cho tập san của Tổ chức Sinh vật biển có vú Hoa Kỳ. Nhưng Jeff đã không lường trước được hậu quả. Bực mình vì có một chú bé tự do chơi đùa với bầy cá heo, bất chấp luật lệ như thế mà ban quản lý công vên không hề hay biết, Ban giám đốc Công viên Thế giới Đại dương quyết định cấm cửa Jeff. Thế là Jeff đành lủi thủi quay về nhà trong nỗi thất vọng não nề.
Nhưng cha mẹ Jeff thì nhẹ cả người vì họ cho rằng chẳng lợi ích gì khi chơi với lũ cá heo kia, cho đến một ngày tháng 6-1984, khi gia đình họ bất ngờ nhận được cú điện thoại đường dài. Buổi chiều hôm đó, mẹ Jeff hỏi con trai: “Gần đây con có tham dự cuộc thi nào không?”.
Rụt rè, Jeff thổ lộ rằng mình đã viết một bài luận để xin tổ chức Earthwatch một học bổng trị giá hơn 2.000 đôla mà cậu hằng ao ước. Người dành được học hổng sẽ được đi Hawai một tháng cùng với những chuyên gia về cá heo. Khi nói ra những điều này với mẹ, Jeff tưởng sẽ bị mắng một trận. Nhưng không, trái lại, mẹ Jeff chỉ nói nhẹ nhàng: “Thế thì, con đã trúng giải rồi”.
Jeff há hốc mồm ngạc nhiên. Trước hết, đó là lần đầu tiên trong đời, cha mẹ Jeff cũng nhận ra rằng con họ cũng có thể đạt đến ước mơ dành trọn tình yêu của mình cho con cá heo.
Jeff đi Hawai 1 tháng, dạy cho cá heo một loạt những mệnh lệnh để thử khả năng ghi nhớ của chúng. Vào mùa thu, Jeff đã đáp ứng được thêm một điều kiện khác của học bổng, bằng một bài diễn thuyết về động vật biển có vú trước các bạn học cùng trường trung học Torrance. Báo cáo của Jeff thể hiện một tình yêu mãnh liệt với đại dương, đến nỗi khán giả phải ghìm nỗi ghen tức mà nể phục diễn giả trẻ tuổi.
Sau khi tốt nghiệp, Jeff cố gắng tìm một việc làm trong ngành nghiên cứu đại dương, và kiếm thêm thu nhập bằng cách làm ngoài giờ ca đêm với mức lương thấp nhất. Cùng lúc đó, anh cũng đã nhận được bằng hội viên sinh vật học.
2-1992, anh xuất hiện tại văn phòng của cô Suzanne Fortier, quản lý chương trình huấn luyện động vật đại dương ở công viên Diệu Sơn. Mặc dù đang làm hai công việc, anh vẫn tình nguyện chăm sóc những con cá heo ở Diệu Sơn vào những ngày nghỉ. Fortier đã cho Jeff một cơ hội và ngay lập tức Jeff khiến họ vô cùng ngạc nhiên. Trong số 200 tình nguyện viên mà Fortier đã huấn luyện trong vòng 10 năm qua, cô chưa từng thấy một ai có khả năng giao cảm đặc biệt với cá heo như Jeff.
Chẳng hạn như sự việc sau đây. Những nhân viên của Fortier muốn chuyển con cá heo Thunder nặng gần 300 kí đến một công viên khác. Con cá phải được chuyển đi trong một cái bể chứa dài gần 2 thước, rộng hơn 1 thước. Trong suốt chuyến đi, Jeff luôn nài nỉ được ở trong thùng xe tải có bể chứa cá heo để cố gắng trấn an con cá đang hoảng loạn. Sau đó, Fortier gọi cho anh để hỏi thăm về tình hình con cá, từ trong buồng lái xe tải, Jeff trả lời: “Nó rất ổn. Tôi đang ru cho nó ngủ đây”. Thật ra Jeff đang ở trong bể chứa với Thunder! Fortier đã nhận biết điều đó. Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, Jeff bềnh bồng trong cái bể chứa lạnh ngắt để ôm con cá trong vòng tay của mình.
Các cộng sự của Jeff càng ngạc nhiên hơn khi thấy anh rất thân thiết với con cá này. Tại công viên Diệu Sơn, Jeff thích nhất nàng cá heo Katie, nặng khoảng 160 kí, 8 tuổi; nó đã chào anh nồng nhiệt và bơi với anh hàng giờ liền. Còn ở công viên Thế giới Đại Dương, Jeff có thể trò chuyện hàng giờ với những cô cá heo và được chúng âu yếm đáp trả. Anh chẳng phải quan tâm đến việc bị người ta thử thách như thế nào.
Khi Jeff cố gắng chạy đến công viên Diệu Sơn vào buổi sáng xảy ra động đất, tất cả các xa lộ đều hư hỏng nặng, và những con đường với vô số rãnh sâu đã khiến anh phải quay ngược lại. Nhưng Jeff vẫn kiên quyết. Không gì có thể ngăn được ta. Cuối cùng khi đến được công viên Diệu Sơn, Jeff thấy mực nước sâu gần 4m trong hồ cá heo chỉ còn lại một nửa, và nước vẫn đang tiếp tục chảy ra ngoài từ vết nứt bên thành hồ. Cả ba con cá – Wally, Teri và Katie – đều đang rất hoảng loạn vì các cơn chấn động. Jeff phải nằm choài xuống một cái gờ cách mặt hồ khoảng hơn một mét để trấn an chúng.
Để làm cho mấy con cá bớt căng thẳng trước những cơn chấn động liên tục, Jeff chơi đùa với chúng, nhưng cũng không thể xoa dịu được sự hốt hoảng. Tệ hơn thế, anh còn buộc lòng phải giảm khẩu phần ăn của chúng, vì hệ thống lọc nước của hồ bị hỏng, nguy cơ ô nhiễm hồ nước do chất thải của chúng rất cao.
Jeff vẫn ở lại với bọn cá suốt đêm đó khi ngoài trời lạnh dưới 0oC. Anh vẫn ở lại đó vào ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, và thêm ngày nữa.
Đến ngày thứ tư, một con đường được khai thông, các nhân viên của công viên Diệu Sơn tìm được một chiếc xe tải để chuyển Wally, Teri và Katie sang cái hồ ở nông trại Berry. Nhưng trước hết, cẩn phải có ai đó đặt chúng vào những cái bồn chứa. Di chuyển một con cá heo là một việc đơn giản, chỉ cần hướng dẫn nó chui vào một đường hầm và sau đó dùng một cái quang bằng vải bạt lớn vớt nó lên. Nhưng hiện giờ mực nước trong đường hầm quá cạn, không đủ cho cá bơi qua, vì thế buộc lòng phải bắt những con cá này khi chúng đang bơi ngoài hồ rồi chuyển sang những cái quang.
Jeff và một nhân viên tên Bob tình nguyện làm việc này. Vì hiểu rõ những con cá nên Jeff biết rằng nếu bắt chúng ngoài hồ như thế này, thế nào cũng bị chúng quật đau hoặc gây thương tích.
Wally thì dễ dàng cho bắt, nhưng Teri và Katie lại dở chứng. Mỗi khi Jeff bà Bob tiến lại gần Katie, con cá to khỏe này lại thủ thế bằng chiếc mõm cứng và mạnh mẽ của nó. Gần bốn mươi phút trôi qua, hai người phải vất vả đánh vật với những cú húc đầu và quật đuôi tự vệ của Katie. Cuối cùng, trước khi được vớt lên cái quang vải bạt, Katie còn cắm những cái răng sắc nhọn như kim vào tay Jeff. Mặc cho vết thương đang rỉ máu, Jeff vẫn tiếp tục bắt nốt Teri bỏ vào bồn chứa.
Khi đến nông trại Berry, con Katie kiệt sức nhưng vẫn còn tỉnh táo. Sau đó, cô Fortier nói cho các đồng nghiệp biết, nhờ có sự can đảm và tài điểu khiển của Jeff mà các cô nàng cá mới đến được nơi ở mới một cách an toàn.
Hiện nay, Jeff là một huấn luyện viên cá heo chuyên nghiệp tại công ty Nuôi dạy động vật biển ở Gulfport, bang Misissippi, nơi anh tổ chức các chương trình giúp các trường huấn luyện khác.
Một hôm trước khi chuẩn bị đi Misissippi, anh tổ chức một buổi thuyết trình cho 60 học sinh ở trung tâm Switzer tại một trong những công viên có bể nuôi cá mà anh đã giảng dạy. Anh để ý thấy có một cậu học sinh tên là Larry lẻn ra ngoài. Nhận thấy Larry là một trường hợp đặc biệt như mình trước đây, anh gọi cậu bé lại đứng kế bên mình. Sau đó Jeff cho cả hai tay vào một bể cá gần đó và vớt lên một con cá mập gai dài khoảng hơn một mét. Mặc dù con cá này không nguy hiểm, nhưng trong nó có vẻ khá dữ dằn. Anh cho phép Larry bế con vật ướt sũng ấy đi khắp phòng một cách hãnh diện trước sự sửng sốt của bọn nhóc.
Sau buổi huấn luyện đó, Jeff nhận được một lá thư cảm ơn. Trong thư viết rằng: “Cảm ơn anh vì những công việc đầy ý nghĩa mà anh đã làm cho học sinh chúng tôi. Trở về nhà, các em rất hớn hở vì đã học được nhiều kinh nghiệm. Nhiều em kể cho chúng tôi nghe chuyện Lary đã được bế một chú cá mập. Đây quả là thời khắc sung sướng nhất và hãnh diện nhất trong đời em ấy. Hơn nữa, việc anh đã từng là một cựu học sinh ở đây góp thêm nhiều ý nghĩa. Anh chính là tấm gương để bọn trẻ noi theo với thông điệp thế nào các em cũng sẽ “làm được” như thế trong đời”. Tác giả lá thư đó chính là Janet Switzer, người sáng lập trung tâm này.
Vào buổi chiều tuyệt vời ấy, Jeff rất hài lòng về những gì đã làm được. Khi đang diễn thuyết, Jeff thấy cha mẹ ngồi trong hàng ghế khán giả và chăm chú nhìn anh. Nhìn nét mặt hai người, Jeff có thể nói rằng, cuối cùng cha mẹ cũng cảm thấy hãnh diện về con trai mình.
Trong đời, Jeff chưa bao giờ kiếm được số tiền nhiều hơn 14.800 đôla một năm, song anh vẫn tự cho mình là người giàu có và là một người may mắn hiếm thấy. Jeff nói: “Tôi đã hoàn toàn được đền đáp, những con cá heo đã cho tôi rất nhiều khi tôi còn là một cậu bé. Chúng đã mang lại cho tôi một tình yêu vô điều kiện. Khi nghĩ về những điều mình còn nợ chúng…”, trong khoảnh khắc giọng anh chùng xuống, và anh lại mỉm cười: “Chúng đã lại cho tôi cuộc sống. Tôi nợ chúng mọi thứ”.
Paulamcdonald
Truyen8.mobi chúc bạn đọc truyện vui vẻ