Tôi Học Đại Học Chương 30

Chương 30
Dòng sông trăng huyền ảo

Những ai từng vinh hạnh được học giáo sư Hoàng Như Mai đều lưu mãi trong tâm khảm bóng hình một người thầy mẫu mực, nhân từ. Giọng thầy lúc nào cùng sang sảng vang ngàn, nồng ấm. Mỏi tiết lên lóp của thầy là mỗi niềm mong đợi, khát khao của người học. Mỗi bài giảng là mỗi kho kiến thức rộng lớn đầy mới mẻ, cuốn hút. Các sinh viên háo hức, tâm đắc, ấn tượng khi học thầy không chỉ vì được hấp thụ những kiến thức quý giá mà còn vì luôn được truyền "lửa" qua mỗi lời giảng.

Thầy còn chinh phục lũ sinh viên chúng tôi bằng sự thân thiện cởi mở không chỉ trong lời giảng mà còn trong từng cử chỉ, trong những xúc cảm phô bày nơi khóe miệng luôn thường trực nụ cười, nơi ánh mắt luôn dạt dào niềm cảm thông trìu mến.

Các giảng viên đại học xưa nay mỗi khi lên lớp chỉ quan tâm việc truyền bá kiến thức chứ rất hiếm ai quan tâm đến học trò. Nhiều thầy dạy cả học phần dài vẫn không hề biết tên một sinh viên nào trong lớp. Với giáo sư Hoàng Như Mai, điều này hoàn toàn ngược lại. Tiếp xúc với thầy khi ngồi học ở lớp hay khi gặp gỡ thường ngày, dù biết sự cách biệt giữa thầy với mình tới 1-2 thế hệ nhưng ai cũng cảm thấy nồng đượm sự trân trọng ấm áp, thân thương, gần gũi như không hề có khoảng cách.

Tiết dạy đầu tiên thầy đến với lớp tôi vào năm học thứ 3 nơi sơ tán giữa một sáng đầu đông năm 1968, khi những đợt gió lạnh đầu mùa vừa tràn về. Gió đông bắc hú từng hồi, quần từ hốc núi phả ra khiến cái lạnh càng như tăng thêm, cứ thế òa vỡ xối xả tràn vào lớp - vốn dĩ là căn nhà đơn sơ, lợp tranh nứa, nên trũng sâu chừng hơn 1 mét, xung quanh có tường đất dày bao quanh trông như một lô cốt đang thu mình dưới chân núi Tràng Dương.

Chiếc bàn của tôi mặc nhiên thấp hơn hẳn so với các bàn khác của lớp, được ưu tiên kề gần cửa ra vào để đón ánh sáng không bị các bàn khác che khuất nên giờ cũng được "ưu tiên" đón luôn những cơn gió lạnh kinh người ấy. Người tôi run lên, co ro theo từng cơn gió phả vào. Tôi cố xoa xoa hai bàn chân vào nhau cho đỡ cóng nhưng khi cầm bút hai ngón chân vẫn cứng đơ, ngượng ngọng.

Tôi mím môi, gò người mong ghi cho trọn những lời giảng quá hay, quá xúc động của thầy mà lần đầu tiên được thụ giáo. Song đôi chân bị cóng lạnh, lại buộc phải tốc ky nên cứ chốc chốc, cây bút luống cuống rơi tách xuống bàn, có khi lăn cả xuống đất, khiến tôi phải cúi tìm đến phát điên. Mấy bạn ngồi cạnh vội giúp tôi truy tìm mới tóm được nó.

Dường như nhận ra điều bất thường đó, vừa giảng được chừng 5 phút, thầy lặng lẽ rời bục giảng, bước nhanh về phía chỗ tôi. Vừa lúc cây bút của tôi rơi xuống đất (có lẽ chân bị có ng lại bất ngờ xúc động mạnh nên sinh luống cuống), thầy vội cúi nhặt, đặt lại vào bàn chân tôi rồi quay ra nói với cả lớp:

-   Có lẽ lớp nên bố trí chuyển bàn cho Ký (cứ như thầy đã biết tôi từ lâu) sang phía bên kia đi. Bên này đối diện với hướng gió. Lạnh quá thê' này, Ký viết không được đâu!

Lời thầy vừa dứt, 4 bạn ngồi cạnh vội nhắc bổng chiếc bàn riêng mà tôi vẫn đang ngồi trên đó chuyển sang vị trí mới nơi cửa phía nam, giữa bao tiếng cười vui và ánh mắt xúc động của cả lớp.

Giờ giải lao hôm đó, thầy gặp riêng tôi hỏi han đủ chuyện. Tôi xúc động, nước mắt cứ chực ứa trào khi thầy nắn nắn, vuốt vuốt hai cánh tay tôi mềm oặt nhỏ thó đang ẩn mình trong ống tay áo lùng thùng. (Dường như sợ tôi chạnh lòng, mặc cảm trước các bạn nên thầy không dám vén tay áo tôi lên).

Khi giảng bài thơ Đồng chí của chính Hữu (trong phần văn học thời kháng chiến chống Pháp), thầy đã dạy chúng tôi bài học sống động về sức mạnh của lý tưởng và tình cảm khiến tôi nhớ mãi: "Đấy các anh chị thấy không, một khi có lý tưởng sống cao đẹp, có tình bạn, tình đồng chí chân chính người ta vẫn có quyền thăng hoa ngay cả những lúc tưởng chừng chỉ có nước mát".

Thầy huơ tay, hào hùng tiếp mạch cảm xúc: "Dường như chính trong gian khó con người trở nên tốt hơn, đẹp hơn, dễ thông cảm, thương yêu gắn bó với nhau hơn. Và dường như cũng trong gian khó con người trở nên lãng mạn hơn, lung linh những giá trị thẩm mỹ kỳ diệu bất ngờ hơn. Cho nên chúng ta không lạ gì khi anh lính trẻ Chính Hữu cùng đồng đội trong đêm đứng gác trên đồi, giữa mênh mông rừng hoang sương muối đã rung động nhận ra một hình ảnh tuyệt đẹp, thật quen mà thật lạ. Đó là hình ảnh "đầu súng trăng treo".

Thầy lén giọng nhấn mạnh: "Vậy là giờ đây, nơi đầu ngọn súng giá băng mà nóng bỏng căm thù của các anh đã có vầng trăng dịu hiền thơ mộng đến làm bạn. Thật chân thực mà lãng mạn biết bao! Thế là từ người chiến sĩ, phút chốc các anh hóa thân thành thi sĩ, thành những sứ giả của hòa bình, của cái đẹp".

Lặng giây lát, thầy hạ giọng trầm ấm xúc động, đôi mắt chớp liên hồi: "Tôi rất mong và rất tin nơi đầu ngọn bút của các anh chị cũng luôn treo những vầng trăng như vậy. Ví như đầu ngọn bút của anh Nguyễn Ngọc Ký, hẳn các anh chị đã rõ, chắc không lúc nào không có một vầng trăng tròn đầy mơ mộng kết thân,luôn thúc giục anh vượt lên chính

mình. Mong cả lớp ta với truyền thống luôn biết "thương nhau tay nắm lấy bàn tay", đặc biệt nắm lấy bàn tay không bình thường của Ký, giúp Ký vượt qua những khó khăn trước mắt để hòa nhập cùng cả lớp đạt đến những đỉnh cao trí thức mới ở một ngày không xa. Song để có được vầng trăng ở đầu ngọn bút cũng như các anh bộ đội Cụ Hồ từng nhận ra ở đầu cây súng của mình thì trước hết, mỗi chúng ta phải luôn có vầng trăng ấy trong trái tim mình".

Tôi có cảm tưởng trong thầy lúc nào cũng thường trực những tình cảm đặc biệt dành cho tôi. Cứ có cơ hội là thầy không bỏ qua, luôn tìm cách biểu hiện nó bằng những việc làm, những lời động viên chân tình sâu đậm, bất ngờ như vậy đó.

Cuối năm thứ 3, tôi làm khóa luận với đề tài “Một số suy nghĩ về thơ viết cho thiếu nhi". Đề tài này tôi tự đề xuất, không có trong kế hoạch chỉ đạo của khoa nên tôi rất lo không được chấp nhận. Khi nghe tôi trình bày, thầy Mai vui vẻ ưng thuận ngay. Thầy cười vỗ vai tôi: "À, được, được. Đây là đề tài mới, rất cần được nghiên cứu mà lâu nay chưa sinh viên nào quan tâm. Ký làm là hợp lắm! Vừa qua thầy đã đọc được một số bài thơ của Ký ở báo Thiếu Niên Tiền Phong. Thầy rất ưng bài "Núi bắt phi công". Ký viết cho thiếu nhi thế là được đấy. Yên chí, thầy đề nghị chắc là ban chủ nhiệm khoa đồng ý thôi".

Thật hạnh phúc! Với sự hướng dẫn chu đáo, tận tình của thầy, khóa luận ấy của tôi đã hoàn tất trong niềm vui được khám phá, sáng tạo những điều mình say mê yêu thích.

Chính thầy đã khơi nguồn, chắp cánh, tạo đường băng để tôi từng bước chập chững tự tin hòa nhập bầu trời văn học thiếu nhi từ đó.

Bước vào năm thứ 4, khi chúng tôi chuẩn bị nhận đề tài luận văn tốt nghiệp thì Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Xúc động trước "muôn vàn tình thương yêu" Bác dành cho dân, cho nước, đặc biệt cho các cháu thiếu niên nhi đồng, cho tuổi thơ đầy kỷ niệm của tôi, tôi quyết định đề xuất viết luận văn với đề tài "Bác Hồ với thiếu nhi qua thơ của Bác, của các tác giả và các em". Lần này, thầy Mai lại là người nhiệt thành ủng hộ và trực tiếp hết lòng hướng dẫn thực hiện. Hôm tôi thuyết trình bảo vệ luận văn, cũng chính thầy tự tay mở giúp từng trang bản tóm tắt luận văn.

(Giáo sư Hoàng Như Mai không chỉ quan tâm, lo lắng, theo sát nâng đỡ từng bước đi của tôi trong suốt 4 năm học đại học mà còn trong suốt những năm sau khi tôi đã ra trường. Chính thầy đã bàn với giáo sư Ngụy Như Kon Tum Ý định giữ tôi lại trường. Chính thầy đã nối nhịp cầu để tôi làm quen với ông Việt Phương (bạn của thầy và là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày ấy), nhờ đó tôi được Thủ tướng mời về gặp tại khu Quảng Bá (Hà Nội), để rồi theo lời khuyên và giúp đỡ của Thủ tướng, tôi trở về gắn bó với quê hương và gặt hái những thành công nhất định trong sự nghiệp giáo dục tuổi thơ qua những bài giảng hay những trang sách nhỏ suốt mấy chục năm qua.

Để giúp tôi vơi bớt những ngày tháng trống trải, thấp thỏm buồn lo sau khi ra trường khá lâu vẫn chưa được phân công tác (trong khi bạn bè hầu hết đã có nơi làm việc ổn định) chính thầy đã liên hệ để Sở Giáo dục Đào tạo Hải Phòng chủ động mời tôi ra giao lưu với học sinh các tnrờng thành phố hoa phượng đỏ ở tất cả các quận, huyện. Trong thời gian khá dài ấy, tâm hồn tôi đầy ắp những kỷ niệm không quên.

Thầy đã về dự lễ cưới của tôi, rồi cũng chính thầy trực tiếp trân trọng chuyển tới vợ chồng tôi bức thư tay vô giá và món qu chất nặng ân tình của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi mừng.

Khi đã chuyển vào Sài Gòn công tác, thầy vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi tình hình sức khỏe và công tác của lôi nơi mảnh đất quê nghèo Hải Hậu. Biếi tôi đang bị bệnh viêm cầu thận chữa hoài chưa dứt, năm 1991 thầy viết thư động viên tôi nên vào thăm TP.HCM để chữa bệnh và cũng là cơ hội để được gặp gỡ, giao lưu theo nguyện vọng của học sinh, sinh viên thành phố. (Sau này tôi mới biết, để chuẩn bị cho chuyến đi của tôi được thuận lợi về mặt tâm lý và dư luận, thầy đã viết bài "Một học sinh có chí" rất công phu và xúc động giới thiệu về tôi, đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng).

Hai năm sau (tháng 3-1993), tôi mới thực hiện được lời thầy khuyên. Theo địa chỉ thầy dặn, vừa đặt chân tới thành phố, tôi đã tìm đến thăm thầy ngay. Thầy ôm chầm lấy tôi thân thiết xúc động như gặp lại đứa con yêu sau 23 năm xa cách.

Ngay chiều hôm đó, thầy dẫn tôi đến giới thiệu và dự buổi họp thường kỳ của Hội Nghiên cứu giảng dạy môn văn của thành phố mà thầy làm Chủ tịch. Sáng hôm sau, qua liên hệ của thầy tôi được khoa Ngữ văn, Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM mời đến giao lưu, mở đầu cho những tháng ngày giao lưu của tôi với các trường liên tục được thực hiện trong niềm trân trọng xúc động trào dâng.

Một thời gian sau, thầy bàn với tôi nên quyết định chuyển hẳn công tác vào TP.HCM. Dù được bác Đồng có Ý kiến song việc này lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn. Thầy lại vào cuộc giúp 

tôi hết lòng. Thầy dẫn tôi trực tiếp đến gặp giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM Cao Minh Thì để đê xuất, thuyết phục. Thầy còn viết thư tay, gọi điện thoại, trao đổi trực tiếp với các vị quan chức lớn của thành phố nhân gặp gỡ ở các diễn đàn, hội nghị để tranh thủ sự đồng tình của họ. Hơn 1 năm sau, thầy mừng lắm khi biết tôi đã đạt nguyện vọng trên cả ước mơ: chẳng những chuyển được biên chế mà còn chuyển được toàn bộ gia đình vào thành phố mang tên Bác để sống và làm việc ổn định.

Từ đó đến nay, mỗi khi có niềm vui lớn, mỗi khi gặp trắc trở, tôi lại đến thăm thầy để tâm sự, giãi bày. Mỗi lần như vậy là mỗi lần tôi lại cảm thấy mình vui thêm, tự tin thêm và khỏe thêm mọi nhẽ. Dù đã ở tuổi 90, mái tóc đã trắng xóa màu mày phấn, bước đi đã chậm chạp song nhiệt huyết của thầy với văn chương, VỚI giáo dục, với cuộc đời tỏa ra nơi ánh mắt, nơi giọng nói đường như vẫn sung sức, trẻ trung, nồng thấm như ngày nào. Thầy vẫn luôn là niềm tự hào, là bài học sống cho chúng tôi, cho cuộc đời hôm qua, hôm nay và mãi mãi).

Khi tôi đang ngồi viết những dòng kỷ niệm không thể quên này về thầy thì ngoài phố có tiếng trẻ ồn ào náo động. Tôi mở cửa sổ nhìn ra mới biết hôm nay là trung thu, các cháu nhỏ trong khu phố đang cùng chơi rước đèn. Tôi bất chợt nhận ra nơi khung trời xanh cao vời vợi kia một vầng trăng tròn vạnh, sáng trong như chưa bao giờ sáng và đẹp đến thế. Tôi lịm đi trong giây lát và miên man với suy nghĩ đang lạc vào giữa dòng sông trăng huyền ảo kia, dòng sông trăng tấm lòng thấy tôi - giáo sư Hoàng Như Mai - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai muôn vàn kính yêu của tôi.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t49211-toi-hoc-dai-hoc-chuong-30.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận