Tôi Học Đại Học Chương 2

Chương 2
Em có thể quạt cho tôi mãi được không

Đầu ngõ nhà bác Hè là một địa chỉ hóng mát thật lý tưởng. Đây là nơi giao nhau giữa hai ngả đường làng và ba con ngõ nhỏ dẫn vào các khu nhà ở san sát phía tây, phía bắc và đông bắc. Riêng phía nam và đông nam xa xa mới có một khu nhà còn lại chủ yếu là mênh mông cánh đồng tít tắp nối dài tới tận con đường quốc lộ 6 đi tỉnh Hòa Bình.

Ở đây có chiếc cột đá không biết tồn tại từ bao giờ và với mục đích gì. Nó nhô cao khỏi mặt đất chừng 70-80 phân theo hướng nghiêng nghiêng về phía bắc chừng 75 độ. Mặt trên của cột đá hình chữ nhật kích thước chừng 15cm X 50cm đã bị gió mưa và thời gian bào mòn nhẵn thín.

Sau này, tôi lân la tìm hiểu qua một số cụ già trong làng, bí mật về chiếc cột đá đã dần được hé lộ. Chuyện kể rằng vào khoảng cuối thế kỷ 18 khi hay tin vua Quang Trung ra Bắc dẹp giặc Thanh, sẵn lòng yêu nước, căm thù giặc lại vốn là đất võ cách Gò Đống Đa chỉ mấy dặm, dân làng La đã cùng nhau tụ hợp các anh tài vò nghệ thành một đạo quân cùng đại binh Tây Sơn làm nên trận đại thắng Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử. Trước khi xuất trận, đoàn nghĩa binh đã dựng chiếc cột đá này làm nơi tụ nghĩa, cùng nhau cắt máu ăn thề, một lòng quyết tử cho non sông sạch bong quân thù, cho mùa hoa đào lại tung bừng thắm nở giữa làng quê xuân sắc này.

Từ đó, chiếc cột đa hiên ngang tồn tại đến ngày nay như một chứng tích hào hùng nói với hậu thế rằng làng La không chỉ là xứ sở của lụa là mềm mại nên thơ mà còn là mảnh đất của võ nghệ cao cường, của nghĩa khí vô song.

Tối tối, dù có trăng hay không, tôi vẫn thường có thú vui một mình ra chiếc cột đá ngồi thả hồn theo những làn gió nồm nam rượi mát, miên man với những nghĩ suy mông lung. Lúc thì lâng lâng mơ màng tưởng tượng vẻ một thời chiến tích. Khi thì bâng khuâng nỗi nhớ quê nhà những đêm thanh bình yên ả, dịu êm hương lúa, hương trăng. Lúc thì bồi hồi hiện về trong tâm tưởng bóng hình một kỷ niệm ngọt ngào nơi con ngõ nhỏ thủa thiếu thời. Lại có khoảnh khắc dưng bỗng dâng trào cảm xúc một tứ thơ bất ngờ xuất hiện.

Một tối kia, đã khuya lắm. Các dong ngõ gần như vắng hẳn bóng người qua lại. Chiếc cột đá ấy lại là nơi tôi ngồi trầm tư thao thiết với ngổn ngang bao dự định về bố cục bài luận văn. Trời không trăng. Lặng gió. Đâu đây ri ri tiếng côn trùng. Đang mơ màng hướng mắt lên một góc trời cao nơi những vì sao xa xăm vẫn thi nhau lặng thầm nhấp nháy bỗng tôi nhận ra thoang thoảng một làn gió nhẹ thổi tới từ phía sau. Thấy lạ, tôi quay lại, giật mình nhận ra Hằng đứng đó từ lúc nào. Tay em cầm chiếc quạt giấy nhỏ đang lặng lẽ vảy gió vào lưng tói.

-   Khuya rồi, sao em lại ra đây? - Tôi hỏi trong tâm trạng ngỡ ngàng.

-   Trời nóng quá. Không ngu được. Em ra đường hóng gió. Thấy có bóng người bên cột đá. Em lang thang đi không chủ đích. Không ngờ tới gần, nhận ra anh, em định quay về nhưng rồi không hiểu sao lại...

-   Lại tiến đến bí mặt quạt cho anh... đúng không?

Đáp lời hỏi thân mật vui vui của tôi, Hằng nhỏ nhẹ nói trong sự ngượng ngùng:

-   Chứ còn gì nữa!

-   Nhưng liệu em có quạt cho tôi được mãi không?

-   Nếu cần em sẵn sàng ngay! - Hằng vừa nói vừa cười vừa vảy quạt mạnh hơn.

Những làn gió từ tay em giờ không thổi đến từ phía sau tôi nữa mà nhẹ nhàng từng lọn mát rượi ngay trước mặt tôi. Tôi vẫn ngồi trên chiếc cột đá. Em liền đến đứng gần bên tôi hơn.

Tôi đứng dậy định nhường chỗ mời em ngồi nhưng em không chịu. Qua chuyện trò, tôi mới hay bố em cũng là người khuyết tật. Mẹ cùng chị và đứa em gái hiện ở Hà Nội. Chỉ mình em ở nhà vừa chăm bố tật nguyền đôi chân vừa theo công điểm hợp tác xã. Phải chăng đó cũng là lý do để lâu nay Hằng có cảm tình với tôi? Biết được điều này, lòng tôi bỗng dưng rung rung xúc động. Một cảm giác thương thương, quý quý dành cho Hằng tự nhiên trào lên trong tôi.

Giữa lúc câu chuyện đang tiếp diễn trong màn đêm tĩnh lặng thì bất ngờ xuất hiện phía ngõ xa một bóng người. Sự tế nhị mách bảo chúng tôi nên dừng cuộc gặp ngẫu nhiên tại đây. Hằng vội chia tay, lặng lẽ rẽ vào con ngõ nhỏ hun hút bóng đêm huyền bí

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t49615-toi-hoc-dai-hoc-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận