Một sáng đầu thu 1969. Hay tin lớp E4 chúng tôi được nghe giáo sư Hoàng Xuân Nhị giảng chuyên đề về Mỹ học trong thơ Hồ Chí Minh, đứa nào cũng háo hức hồi hộp chờ đợi. Lý do thật đơn giản: đây là lần đầu chúng tôi được nghe thầy chủ nhiệm khoa dạy, lại dạy về thơ Bác - một tâm hồn mỹ học cao cả vừa từ biệt chúng ta về với thế giới người hiền trong nỗi tiếc thương vô hạn không chỉ của người Việt mà của cả nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình.
- Đố chúng mày biết thầy Hoàng Xuân Nhị quê ở đâu? - Lê Thành Nghị lên tiếng.
- Nghệ An chứ đâu!
- Sai bét! Quê thầy ở xã Nhân Thọ (nay là Đức Nhân), huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.
- Ố, sao Lê Thành Nghị biết rõ vậy?
- Thầy cùng quê với tao mà!
Giọng đầy tự hào của Nghị khiến cả bọn cùng cười vui. Những lời bàn tán về thầy cứ thế lan truyền từ nhóm này sang nhóm khác, làm xôn sao cả lớp trước giờ tiết học diễn ra.
- Chúng mày đoán xem thầy bao nhiêu tuổi?
Một chủ đề mới về thầy lại được khơi mào.
- Chắc là thầy phải gần 60 rồi!
- Theo tớ có lẽ thầy phải 65, 67 rồi! Trông thầy già lắm. Tóc bạc phơ như tiên ông vậy.
- Chính xác theo tớ biết thầy sinh năm 1914. Vậy là nay thầy mới 55 tuổi. - Dừng một lát anh bạn có dáng dậm chắc Đỗ Sơn Cao đặt câu hỏi:
- Các bạn có biết vì sao thầy già nhanh vậy không?
Không đợi câu trả lời, Sơn Cao tiếp luôn:
- Tớ nghe kể lại ngày du học ở Pháp thầy học chăm lắm, giỏi lắm. Lấy xong bằng cử nhân triết học loại ưu tại Đại học Sorbonne, thầy học luôn cao học và lấy bằng chỉ sau đó một năm (1938). Khi khoa Ngữ văn trường ta chính thức ra đời, việc dạy văn học Xô Viết được đặt ra cấp thiết thầy liền xin được phụ trách. Một vị lãnh đạo khoa liền nói: "Cậu chỉ sành Pháp ngữ chứ biết gì Nga văn mà ti toe!". Bực mình, thầy về cạo trọc đầu tự học tiếng Nga trong 6 tháng. Kết quả, thầy chẳng những đọc và nói thành thạo ngôn ngữ của đất nước Lê Nin mà còn dịch và viết một loạt giáo trình về văn học Nga, văn học Xô Viết mà những năm qua bao thế hệ sinh viên Văn khoa chúng ta được học. Nghe nói sau đợt đó tóc thầy cứ mọc đâu là bạc đấy.
- Ý chí học và làm việc của thầy thật đáng nể. - Lê Huy Hòa tấm tắc tiếp nối chủ đề về thầy. - Nhớ ngày cách đây hơn 1 năm, khi viết khóa luận về văn học Nga, vào một chiều thu, tớ rủ Ký đến thăm thầy ở khu sơ tán Tràng Dương. Hỏi thăm mãi hai thằng mới tìm được chỗ thầy. Thật khó tưởng tượng túp nhà tre nứa đơn sơ chừng hơn chục mét vuông đơn độc nằm chênh vênh bên sườn núi giữa ngút ngàn rừng sim lại là nhà một vị giáo sư danh tiếng. Không ngờ cửa nhà im ỉm khóa. Hai thằng chưng hửng đang ngơ ngác thì bỗng thấy từ sườn núi nơi con đường mòn nhỏ xíu quanh co xuất hiện một cụ già cao lêu nghêu, lưng trần, quần cộc đang vác trên vai một bó củi lớn, lặng lẽ rẽ sim mua dò từng bước xuống núi. Tới nơi, hai thằng mới ngỡ ngàng nhận ra đó là giáo sư Hoàng Xuân Nhị.
- Chúng em kính chào thầy!
- Ồ! Nguyễn Ngọc Ký hả? Nào hai cậu vào nhà đợi thầy lát nhé! - Vừa nói thầy vừa ném phịch bó củi xuống vệ sân, đưa tay gạt vội dòng mồ hôi dang ròng ròng chảy từ hai má.
- Thầy tranh thủ chiều thứ bảy vào rừng tìm ít củi về đun các em ạ!
- Trời ơi! Sao thầy không bảo bọn sinh viên chúng em lấy cho. Mình thầy đun đáng là bao mà phải vất vả vậy!
Thầy hề hề cười:
- Có gì đâu. Lao động là một cách thư giãn đầu óc mà. Đọc sách nhiều, viết nhiều, căng thẳng lắm! Thỉnh thoảng giải lao kiểu này hơi mệt một chút nhưng thoải mái lắm các em à!
Thầy mở cửa mời chúng tớ vào nhà. Thật ngạc nhiên khi thấy ngoài chiếc giường cá nhân, chiếc bàn làm việc và chiếc ghế đều được làm bằng tre nứa cả ngôi nhà của thầy bốn bề chỉ thấy sách và sách. Sách tiếng Việt. Sách tiếng Tàu. Sách Pháp. Sách Nga. Sách bìa thường. Sách bìa cứng. Có cuốn dày cả ngàn trang, nặng tới mấy cân. Sách xếp chồng bên phải, bên trái. Sách xếp đằng trước, đằng sau. Sách ngự trên gác cao. Sách nằm la liệt đầy ắp cả dưới gầm giường. Chúng tớ cảm động nhất khi hỏi thầy về cái phích lạ đặt ở góc nhà. Thầy bảo đó là chiếc phích thầy dùng chứa cơm chứ không phải đựng nước. Nhờ cái phích này mà mỗi ngày, thầy chỉ phải nấu một lần mà vẫn có cơm nóng ăn cả ngày. Thầy nói:
- Cụ Mãn Giác Thiền Sư thời Lý cách đây cả gần ngàn năm từng than thở "Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi". Đúng là tuổi già thấy thời gian cứ trôi vèo vèo. Tiếc lắm! Tranh thủ được phút nào hay phút ấy các em ạ!
Lúc chào ra về thầy giang rộng vòng tay ôm hôn rất tình cảm cả hai rồi tặng mỗi đứa một cuốn "M. Gorki - Đời sống, sự nghiệp" do thầy viết và vở kịch "Dưới đáy"của Gorki do thầy dịch. Thầy còn tặng riêng Ký một chai mật ong do các già làng tặng để Ký bồi dưỡng sức khỏe. Đấy các cậu thấy không, thầy luôn sống đơn giản, tự lực, chân mộc; luôn coi thời gian với sách là vàng ngọc và rất thân thiện, mến thương sinh viêẽn chúng ta như vậy đó.
- Còn một chuyện nữa về thầy có thật một trăm phần trăm mà nghe cứ như huyền thoại. - Lại một giọng ồm ồm chen vào.
- Chuyện gì kể nghe nào? Có phải chuyện "Sơ tán diễn nghĩa" của khóa anh Thắng, anh Trọng không?
- ừ, phải đó! Nghe kể những ngày đầu mới sơ tán về Tràng Dương, mọi thứ đều kham khổ thiếu thốn, hoang vắng lắm. Một hôm thầy Chủ nhiệm khoa có giấy mời đến hiệu bộ họp. Khi đến Suối Đôi, nước lũ dềnh lên quá lớn, thầy băn khoăn không biết sẽ qua bằng cách nào. Bỗng mấy đứa trẻ chăn trâu gần đấy liền chạy đến xin đưa thầy qua. Mừng quá, thầy liền đồng ý ngay. Thế là lần ấy thầy đã vượt qua con Suối Đôi hung dữ bằng một phương tiện đặc biệt: Cưỡi trâu, về sau có thơ rằng:
Đến Tràng Dương Trương Khuê gặp hổ
Qua Suối Đôi Hoàng Xuân Nhị cưỡi trâu.
- Thôi chuyện sơ tán diễn nghĩa về thầy ta tạm dừng ở đây. Bây giờ tớ đố các cậu biết vì sao thầy lại tạm biệt Paris về nước năm 1946 dù khi đó thầy đang có việc làm thuận lợi với thu nhập lý tưởng tại Pháp? - Một câu hỏi mới lại được xướng lên.
- Về chuyện này thì tớ biết. - Nguyên Hương đứng lặng từ lâu giờ khẽ khàng lên tiếng. - Năm 1946 chắc các bạn nhớ
Bác Hồ sang Pháp thay mặt nhà nước non trẻ của chúng ta mới ra đời được mấy tháng để ký bản hiệp định sơ bộ. Xúc động trước sức lay động kỳ lạ của nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm này thầy Hoàng Xuân Nhị đã cùng một loạt nhà trí thức lớn Việt kiều tại Pháp như viện sĩ Trần Đại Nghĩa, giáo sư Nguyễn Văn Huyên... đãả quyết định hồi hương theo lời kêu gọi của Bác.
- Thảo nào nghe các anh chị khóa trước nói lại, cứ mỗi lần giảng về thơ Bác thấy rất hay dừng lại đưa mùi xoa lên chấm mắt. - Tiếng Nguyễn Đức Long đanh chắc góp lời.
- Tớ còn nghe nói hôm nghe tin Bác mất suốt ngày thầy ở trong phòng. Chiếc khăn tay luôn đẫm nước mắt. - Cao Cấp bổ sung.
- Nghe đâu chuyên đề về thơ Bác mà thầy giảng cho lớp ta hôm nay được hoàn tất trong những ngày tang Bác. Không ít trang còn lưu dấu những giọt nước mắt của thầy. - Lê Quang Trang khẳng định.
Tiết giảng của thầy hôm đó thực sự trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong mỗi chúng tôi. Thầy đến với chúng tôi bằng chiếc xe máy bình bịch cũ rích mà như thầy nói vui trong giờ giải lao là nhờ Gorki đấy (tiền nhuận bút từ hai cuốn sách thầy tặng tôi và Hòa). Vừa đến cổng ngôi từ đường họ Phạm nơi giảng đường dã chiến của lớp, thầy dừng xe tắt máy dắt bộ đi vào sân. Lớp trưởng Lưu Quốc Sỹ vội bước ra đón thầy. Cả lớp nghiêm trang đứng lên kính cẩn chào. Thầy vẫy tay hề hề cười:
- Vâng! Chào các anh chị! Xin mời ngồi. Chúng ta bắt đầu tiết học kẻo trễ!
Với thầy, thời gian luôn gấp gáp nên bất cứ ở đâu, lúc nào cũng tranh thủ không thể để phí hoài, thiếu hiệu quả phút giây nào. Chúng tôi lặng lẽ khẩn trương mở vở, cầm bút trực chờ. Th y cầm phấn quay mặt vào tấm bảng đen đã nhạt màu. Chúng tôi cắm cúi ghi theo từng chữ run run từ những ngón tay khô gầy của thầy: "QUAN ĐIỂM MỸ HỌC MÁC LÊ TRONG THƠ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH".
Ai cũng thấy có gì khang khác trong phút mở đầu tiết học khi thầy không nói mà chỉ chăm chắm viết. Nét chữ cũng có gì run run như không phải là nét chữ của một giáo sư bao năm đứng trên các giảng đường từ Âu sang Á. cả lớp bao trùm một khòng khí trầm lắng như thể ai nấy đều nín thở. Vừa viết xong chữ cuối cùng tên chuyên đề lên bảng, thầy quay xuống lớp. Mặt thầy bỗng biến sắc, đỏ rựng. Giọng thầy lạc đi trong tiếng khóc òa vỡ nức nở tuôn trào:
- Tôi viết chuyên đề này với ý định dâng mừng thọ tuổi 80 của Bác. Nào ngờ viết chưa xong Bác đã ra đi... Hô.. hô..ô..ô… tôi đau xót quá!... Đau xót quá... các anh chị ơi!...
Thầy khóc tự nhiên, thảm thiết, như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt thầy giàn giụa lã chã rơi xuống bàn dù thầy liên tục đưa mùi xoa lên lau. Hầu hết chúng tôi lặng đi, cúi mặt, xúc động chia sẻ cùng thầy những tình cảm thiêng liêng quá đỗi lớn lao, sâu nặng mà thầy dành cho Bác.
Bỗng phía cuối lớp khúc khích tiếng cười. Rồi sau đó bật thành tiếng khá to như đã cố kìm nén mà không được. Thầy dừng lại, chỉ tay về phía anh bạn vừa cười lớn, nghiêm giọng:
- Sao tôi khóc mà anh lại cười? Anh về xem lại thái độ của mình đi! Thế là không được đâu nhé!
Rồi thầy đưa khăn lên lau nốt những giọt nước mắt còn lại trên má và bắt đầu tiết giảng. Cả lớp thở phào. Ai cũng tưởng trước tiếng cười vô thức thất lễ kia, thầy sẽ giáo huấn cho anh bạn nọ cũng là cho cả lớp một bài học nhớ đời về lễ độ, về thái độ chính trị, về tình cảm thiêng liêng đối với Bác kính yêu vừa ra đi của một sinh viên Văn khoa sắp tốt nghiệp. Không ngờ thầy chỉ nói có vậy. Cũng chẳng yêu cầu "đối tượng" đứng lên. Cũng chẳng cần biết anh tên gì. Còn anh bạn "lỡ cười" sợ hãi cúm núm, cúi gằm mặt cắt không còn hạt máu.
Cách hành xử của thầy độ lượng, bao dung cao cả quá. Những tâm hồn lớn, trí tuệ lớn, nhân cách lớn bao giờ cũng biết cách đơn giản hóa những việc phức tạp, biết biến đại sự thành tiểu sự; tiểu sự thành vô sự một cách nhẹ nhàng như vậy đó.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!