Lãnh hương oanh biến hồng kiều mộng, mộng giác thành già.
Nguyệt thượng đào hoa, vũ hiết xuân hàn yến tử gia.
không hầu biệt Hậu thùy năng cổ, tràng đoạn thiên nhai.
Ám tổn thiều hoa, nhất lũ trà yên thấu bích sa.
- “Thái tang tử” – Nạp Lan Dung Nhược
(Bài thơ tả tâm trạng đau buồn sau khi người mình yêu thương nhất rời đi.
Hai câu đầu: trong mơ thấy mình ở trên cầu lan can màu đỏ, vây quanh bởi làn hương thơm ngát, làm bạn với nàng, mà sau khi tỉnh lại thì chỉ nghe tiếng than khóc nức nở truyền tới từ ngoài phố. Mưa đã ngừng, ánh trăng hiện ra từ sau đám mây, hoa đào ngoài cửa sổ đang tỏa hương dưới ánh trăng, chim én nhẹ nhàng đậu trên cửa sổ.
Hai câu sau là nỗi nhớ sau khi ly biệt: cây đàn treo không, thấy vật lại nhớ đến người, tâm trạng buồn bã. Khiến người ta buồn đứt ruột không phải là hình ảnh cây đàn không người đánh mà là nỗi nhớ nhung người ấy đã cách xa chân trời. Những năm tốt đẹp đã trôi qua, một đợt khói trà ám vào mành xanh ngọc bích, cảnh đẹp đến đau lòng.)
Đang lúc cười nói náo nhiệt thì Đức tần và Đoan tần tới. Đoan tần vừa vào cửa đã cười nói ngay: “Tỷ tỷ đã khỏe rồi sao? Hôm nay trông sắc mặt tỷ rất tốt.” Mắt nhìn thấy gấm lụa muôn màu muôn vẻ, màu sắc rực rỡ bày la liệt, không khỏi cười đùa: “Mấy cuộn gấm vóc bày hết cả ra đây, vừa nhìn muội còn tưởng là tỷ tỷ sắp mở cửa hàng tơ lụa ấy chứ!”
Đồng quý phi hơi rướn người lên, bình thản đáp: “Đã phiền muội muội phải lo lắng rồi, tỷ đã khỏe hơn một chút. Mấy cuộn gấm này đều là Nội Vụ phủ dâng lên, hoàng thượng phái người đem đến để tỷ chiếu theo lệ mà chia cho lục cung. Các muội đến rất đúng lúc, mau đến chọn đi.”
Đoan tần cười đáp: “Tỷ tỷ sao lại nói như vậy, làm gì có chuyện bọn muội kén cá chọn canh chứ, tỷ chỉ bộ nào muội sẽ lấy bộ đó.”
Đồng quý phi đang muốn đáp lời, không ngờ lại ho một trận. Cung nữ vội đi lên cầm khăn hầu hạ. Đức tần thấy nàng ho đến mức mặt mày đỏ bừng, không nhịn được mà khuyên: “Tỷ tỷ phải giữ gìn sức khỏe. Thời tiết bây giờ cứ chợt nóng rồi chợt lạnh, rất dễ bị nhiễm lạnh.”
Đồng quý phi uống trà xong mới dần đỡ hơn một chút, chỉ tay về phía tràng kỉ: “Theo quy định xưa nay, vị trí tần được một cuộn gấm Hoa Mãng; Chức Kim, Đoạn Khố mỗi loại hai cuộn. Các muội thích hoa văn gì thì tự tới chọn đi.”
Đúng lúc nói chuyện thì có cung nữ bước vào bẩm báo: “Nghi chủ nhân đến thỉnh an chủ nhân ạ.”
Đức tần cảm thán: “Hôm nay thật là trùng hợp, cứ như đã hẹn từ trước vậy.” Nghi tần đã bước vào phòng. Thời tiết ấm áp, nàng mặc một bộ áo dài màu xanh hoa văn chữ phúc, thọ. Bên ngoài khoác một chiếc áo ngắn. Đoan tần cười: “Mọi người nhìn muội ấy thì sẽ càng muốn ăn mặc đẹp hơn.”
Nghi tần cung kính thỉnh an Đồng quý phi rồi hỏi han sức khỏe. Đồng quý phi sai người đỡ nàng đứng dậy, ban cho ngồi. Vì thấy trên chiếc áo ngoài của Nghi tần có một hàng khuy bằng trân châu, từng viên từng viên tròn trịa lấp lánh, Đoan tần không khỏi than lên môt tiếng “ai ôi”: “Mấy hạt đông châu (trân châu vùng Đông Bắc, quý hiếm, dùng trên mũ của hoàng hậu và hoàng thái hậu) trên y phục của muội muội thật là đẹp, là hoàng thượng mới ban thưởng sao?”
Nàng vừa nhắc tới, Đồng quý phi liền ngẩng đầu lên nhìn, Nghi tần đáp: “Đây rõ ràng là trân châu, làm gì phải đông châu. Dù muội có mượn gan hùm cũng chẳng dám dùng đông châu làm khuy áo!”. Đoan tần cười khẽ: “Hóa ra là nhìn không kĩ, mắt cũng không được tinh lắm, nhìn nhầm rồi.” Nghi tần vốn chẳng thích gì Đoan tần nên cũng không đáp lời.
Đồng quý phi lệnh ba người chọn y phục. Hai vị Đức tần, Nghi tần đều không quan tâm lắm đến mấy chuyện này, chỉ có Đoan tần là chọn tỉ mỉ kỹ càng. Chợt nghe Nghi tần bật cười một tiếng. Đức tần hỏi: “Muội muội cười gì vậy?”
Nghi tần đáp: “Muội cười tỷ ấy vừa bảo mắt mũi không còn tinh tường xong, đúng thật là mắt không còn tinh thật. Có mấy bộ này mà nâng lên đặt xuống một hồi vẫn chưa chọn xong.” Đoan tần không khỏi tức giận, nhưng lại e ngại lý lịch Nghi tần, người này còn mới sinh được một vị a ca nữa. Gần đây hoàng đế ngày nào cũng lật thẻ tên nàng, có thể thấy hoàng đế vô cùng sủng ái Nghi tần. Đoan tần không dám đụng vào, đành miễn cưỡng cười cười: “Tỷ nhìn không rõ nên một lúc lâu rồi vẫn chưa chọn xong.”
Biết Đồng quý phi bận bịu nhiều việc nên ba người lại ngồi thêm một lát rồi đứng dậy cáo từ. Đồng quý phi bỗng nói: “Nghi muội muội đợi đã, tỷ vẫn còn việc cần nhờ muội.”
Nghi tần đành ở lại, Đồng quý phi cân nhắc một hồi rồi bảo: “Qua mấy ngày nữa là tết Vạn Thọ rồi, vị chủ nhân ở Trữ Tú cung đó cũng rất đáng thương. Phiền muội muội vậy, muội tiện đường ghé qua đưa cho nàng vài bộ.”
Nghi tần nghĩ một lúc mới hiểu là Đồng quý phi đang nhắc đến Lâm Lang. Tuy chỉ mới gặp qua ở Nam Uyển nhưng Đồng quý phi vừa nhắc đến, nàng đã nhớ ngay người có khuôn mặt trắng như bạch ngọc bên cây bích đào ngày đó, bóng dáng thướt tha mà hờ hừng lạnh nhạt ấy khắc sâu vào lòng người. Nàng đáp vâng rồi sai người cầm mấy cuộn gấm rồi xin cáo từ.
Nàng ở Trường Xuân cung, cách Trữ Tú cung không xa nên đi thẳng tới luôn. Ban đầu Lâm Lang ở góc phía đông nhưng vì nơi đó chật chội nên mới đổi sang noãn các phía tây. Cẩm Thu đang ngồi dưới mái hiên thêu thùa, thấy Nghi tần thì vội bỏ xuống, chạy tới thỉnh an. Nghi tần hỏi: “Chủ nhân của ngươi đâu?”
Cẩm Thu không biết có chuyện gì nên trong lòng hơi bất an, nàng đáp: “Chủ nhân đang đọc sách ở trong phòng ạ.” Vừa nói vừa vén mành.
Nghi tần thấy trong phòng rộng rãi sáng sủa, cực kì sạch sẽ. Về phía nam trước tràng kỉ có đặt một chiếc bàn hoa lê lớn, Lâm Lang mặc bộ áo gấm màu xanh ngọc, hoa văn lá trúc ẩn hiện, trên đầu có cài chiếc trâm bằng ngọc bích, càng làm nổi lên khuôn mặt trẵng nõn yếu ớt. Nàng đang cúi đầu viết chữ, nghe tiếng chân thì ngẩng mặt lên. Lâm Lang thấy là Nghi tần tiến vào thì không hề ngạc nhiên, nàng thong thả buông bút xuống.
Nghi tần sai người đem cuộn gấm lên, Lâm Lang cảm tạ một tiếng rồi sai Cẩm Thu nhận lấy, cũng không có vẻ mặt gì khác thường, dường như mấy cuộn gấm vóc này cũng chỉ là vải lụa trắng đơn thuần trong mắt nàng vậy. Nghi tần nghe người ta nói rằng, nàng được sủng ái lâu dài, được ban cho châu báu quý giá nhiều đến không đếm xuể. Giờ nhìn thấy nàng như thế này hóa ra chẳng giống tưởng tượng, mà ngược lại, thật sự rất bình thường, trong lòng không khỏi kinh ngạc.
Nghi tần nhìn thấy trên giấy viết dày đặc là chữ, cũng chẳng hiểu thế nào là Trâm hoa tiểu giai, chỉ thấy chữ nào chữ nấy ngay ngắn đẹp đẽ mà thôi. Nàng không nhịn được mà hỏi: “Muội viết gì vậy?” Lâm Lang đáp: “Là bài “Xuân phú” của Dữu Tử Sơn.” Biết Nghi tần không hiểu nên nàng dừng một chút rồi nói: “Chính là viết bài thơ về mùa xuân.”
Nghi tần thấy chiếc lư hương trên bàn đang đỏ lửa, khói bay lên nhàn nhạt, luẩn quẩn vấn vít. Vẻ mặt Lâm Lang bình thản, mờ ảo ẩn hiện như khói từ lư hương kia. Giữa tay áo có một mùi hương xa lạ, âm thầm như muốn thấm vào tận xương tủy.
“Muội đốt hương gì vậy? Phòng thơm quá.” Nghi tần hỏi.
“Chỉ là hương Trầm Thủy bình thường thôi.” Ánh mắt nàng nhìn ra xa, vì thấy trăm hoa đua nở phía ngoài mành nên bất giác thở dài một hơi, khe khẽ đọc: “Trì trung thủy ảnh huyền thắng kính, ốc lí y hương bất như hoa.” (Gương không trong bằng nước ngoài hồ, hương trong phòng không thơm bằng hoa.) Thấy Nghi tần chăm chú nhìn mình, Lâm Lang cười cười giải thích: “Câu này chỉ là tả cảnh thôi, không có ý gì khác.”
Nghi tần cảm thấy Lâm Lang là người bình thản yên tĩnh. Dường như cảnh xuân tươi đẹp và muôn hoa cùng đủ loại chim chóc bên ngoài cửa sổ kia đều như vô hình. Nghi tần xưa nay là người cởi mở thẳng thắn, bây giờ đứng đối diện với Lâm Lang cứ như đứng trước hồ nước mùa thu vậy. Hồ yên lặng gợn sóng. Bản thân không hiểu sao bỗng thấy buồn bã.
Từ Trữ Tú cung trở về đến Trường Xuân cung, Nghi tần ngủ thêm một giấc ngủ trưa. Vì trời nắng đẹp nên nàng sai người hầu phơi áo lông áo da ra để chuẩn bị gấp gọn vào trong rương hòm, đợi đến ngày Hạ Chí lại đem ra phơi thêm lần nữa. Đang lúc thu đồ thì cung nữ chợt kêu lên vui mừng: “Chủ nhân, Vạn tuế gia đến.”
Hoàng đế đã đi qua cửa thùy hoa, vây quanh có hơn chục tên thái giám cận vệ. Nghi tần vội tới tiếp giá. Lễ nghi ngày thường chỉ là thỉnh an một cái, miệng nói: “Thỉnh an hoàng thượng.”
Hoàng đế tự mình đỡ nàng đứng dậy, miệng cười, nói: “Ngày dài hơn. Trẫm vừa ngủ trưa dậy nên ra ngoài đi dạo một lúc.” Nghi tần đi theo hắn vào trong điện, hoàng đế ngồi lên tràng kỉ, đã có cung nữ dâng trà lên. Nàng thấy trong điện đều là mùi của y phục từ da nên ra lệnh: “Đốt hương Đàn đi.”
Hoàng đế không khỏi cười nói: “Xưa nay nàng không thích mấy loại hương hỏa đấy, sao hôm nay lại dùng đến vậy?”
Nghi tần đáp: “Vừa rồi mới thu dọn lại y phục từ da, thần thiếp chỉ sợ trong phòng có mùi.”
Vì qua mành cửa, hoàng đế thấy cây đỗ quyên, sơn trà nơi cuối hành lang đang nở hoa rất đẹp, màu sắc rực rỡ, sáng bừng một khoảng, hắn thuận miệng nói: “Trì trung thủy ảnh huyền thắng kính, ốc lí y hương bất như hoa.” Ai ngờ Nghi tần đáp: “Câu này thần thiếp biết, là “Xuân phú” của Dữu gì gì đó Sơn.”
Hoàng đế hơi ngạc nhiên: “Dữu Tử Sơn – Dữu Tín tự Tử Sơn.” Lại hỏi: “Nàng đọc “Xuân phú” của ông ấy?”
Nghi tần cười rất tươi: “Thần thiếp làm gì đọc mấy câu nho nhã như vậy, là vừa nãy có đến Trữ Tú cung, trùng hợp nghe được Vệ thường tại đọc lên câu này……..” Tuy nàng thẳng thắn cởi mở nhưng cũng rất nhanh nhạy, chưa nói hết lời đã biết mình lỡ miệng. Nàng lén nhìn sắc mặt hoàng đế, thấy không có gì kì lạ nên nàng cười cười nói tiếp: “Hoàng thượng từng đồng ý với thần thiếp, là sẽ cùng thần thiếp thả diều. Hoàng thượng lời vàng ý ngọc thế mà lại chẳng cho phép.”
Hoàng đế cười đáp: “Trẫm không cho phép lúc nào?”
Thế là Nghi tần liền sai người đem diều tới. Bọn tiểu thái giám hiếm hoi lắm mới nhận được ý chỉ kiểu này, có thể cười nói tùy thích, vừa chạy vừa reo hò, bắt đầu thả diều từ trong cung điện. Hoàng đế cho phép kẻ trên người dưới trong Trường Xuân cung ngắm diều thỏa thích nên nhất thời có cả đoàn cung nữ vây quanh hắn cùng Nghi tần đứng nơi hành lang. Từng con diều một bay lên, dần dần bay lên cao mãi. Một con diều có cánh như con chim nhạn lớn bay cao nhất, xa nhất. Nhìn lên chỉ thấy một chấm đen đen, hình dạng thì lờ mờ không rõ lắm, trông giống hệt như một chú nhạn thật.
Hoàng đế đứng ở đó, ngửa đầu nhìn con diều. Trời nắng đẹp, bầu trời có lăn tăn vài gợn mây. Nghi tần đứng cạnh vốn là người hay nói hay cười, lúc này đang ầm ĩ reo hò, reo đến chói tai, cứ líu lo liên tục như hạt trân châu rơi liên tiếp xuống khay ngọc, như sơn ca, như oanh vàng ríu rít. Mấy cung nữ thái giám ai ai cũng sáp lại cười nói, ngươi một câu ta một câu, người này bảo chiếc kia bay cao, người kia nói chiếc này bay xa, tranh nhau nói cười vô cùng ồn ã. Nghi tần càng ngày càng vui, chỉ mấy con diều trên trời cho hoàng đế xem, hắn cũng thuận miệng đáp lại vài tiếng, ánh mắt vẫn không chớp một lần, luôn nhìn chăm chú vào con diều bay xa nhất kia.
Trên trời chỉ có mây mỏng, gió vừa thổi vào khiến nó gần tan hết. Ngẩng đầu đã lâu nên có chút chóng mặt. Vào mùa này, làm sao có chim nhạn được chứ? Một con nhạn đơn độc lẻ loi. “Thiên nam đích bắc song phi khách, lão sí kỉ hồi hàn thử? Miểu vạn lí tằng vân thiên sơn mộ tuyết, chích ảnh hướng thùy khứ?”* (Trời Nam đất Bắc song phi nhạn, cổ thụ mấy mùa hàn sương). Lấy lại tinh thần mới nhận ra là con diều. Diều bay cao như vậy, xa như thế cũng bị giữ bởi một cái dây. “Hoan nhạc thú, thương biệt khổ, tựu trung canh hữu si nhân nữ”** (Hoan lạc thú, biệt ly sầu, nỗi khổ chứa đầy tình tương tư). Đến một vật vô tri cũng muốn bay theo tiếng gọi của tự do.
*,**: Trích “Mạc ngư nhi” – Nguyên Hảo Vấn (bài “Hỏi thế gian tình là gì” đó đó)
Bích Lạc thấy nàng đứng nơi đầu gió thì khuyên: “Chủ nhân đứng lâu rồi, vẫn nên quay về phòng nghỉ ngơi thôi.”
Lâm Lang lắc đầu: “Ta không mệt.”
Bích Lạc ngẩng đầu, thấy trên trời cao có mấy con diều đang bay thì cười vui vẻ: “Nếu chủ nhân thích thì chúng ta cũng làm vài chiếc rồi thả… Tiểu Đặng chuyên làm việc nặng làm diều giỏi nhất, dù là người hay chim muông cũng có thể làm giống như thật vậy. Nô tì đi gọi hắn tới làm cho chủ nhân một chiếc.”
Lâm Lang khẽ thở dài: “Cần gì phải khiến người ta ghét chứ?”
Bích Lạc đáp: “Chủ nhân, trong cung này người nhường người ta một lần, người ta sẽ bắt nạt người mười lần. Mấy tên nô tài đó càng phải dẫm lên mũi đạp lên mặt. Bọn chúng chuyên nịnh bề trên, chèn ép kẻ dưới. Lần trước còn dám đem cơm thiu đến nữa, bọn chúng có dám dâng cơm thiu lên cho Nghi chủ nhân không? Vị nào được sủng ái thì bọn chúng liền nịnh hót, xun xoe y như con chó phương tây kia vậy.”
Lâm Lang hơi mỉm cười: “Theo một người chẳng gặp thời như ta đã khiến các ngươi liên lụy nhiều rồi.” Ngừng một lát rồi nói: “Bạc lần trước còn dư một ít, ngươi nhớ cầm cho Tần am đạt ở Nội Vụ phủ, nếu không vải chia tới chỗ chúng ta chỉ sợ là rách hết rồi.”
Một lúc sau, Vinh tần phái người đến gọi Bích Lạc tới giúp nàng thêu túi, thế nên Lâm Lang sai Cẩm Thu lặng lẽ đi một chuyến đến Nội Vụ phủ, tìm Tần thái giám quản lý về y phục trong Quảng Trữ ti. Tên Tần thái giám kia nghe nàng nói xong thì ra vẻ cười cười, cầm lấy thỏi bạc ước lượng rồi nói: “Vô duyên vô cớ, nô tài không dám nhận phần thưởng của chủ nhân.”
Cẩm Thu cười lấy lòng: “Ngày thường công công chiếu cố tới chúng tôi, những ngày sau còn phải nhờ vả công công nhiều, mong người không chê ít.”
Tần thái giám đáp: “Chúng ta là phận nô tài, chủ nhân ban thưởng cho thì nào dám chê nhiều ít. Nhưng mà Vệ chủ nhân là một vị thường tại, mấy tháng trước chúng nô tài còn phụng khẩu dụ của hoàng thượng, cứ theo lệ sắp xếp chi tiêu như vị trí “tần”. Đến nay Nội Vụ phủ trở mặt không chịu phê sổ sách. Số tiền đó chúng nô tài đành phải móc túi bỏ ra, cũng coi như mất trắng hơn nghìn lạng bạc. Trên dưới Quảng Trữ ti có mấy trăm người, tính ra mỗi người phải nộp ra hai tháng tiền lương của mình, ai cũng chửi mắng hết lời. Phần thưởng của Vệ chủ nhân chúng nô tài chẳng dám lĩnh!” Nói xong thì cầm thỏi bạc nhét lại vào tay Cẩm Thu, nghênh ngang bỏ đi.
Cẩm Thu tức đến mức gần bật khóc. Lúc về đến cung thì không dám nói thẳng với Lâm Lang, chỉ bẩm là Tần thái giám không chịu nhận bạc. Lâm Lang nghe xong thì bảo: “Đã làm khó ngươi rồi. Không chịu nhận thì chắc chắn đã nói những lời không lọt tai, liên lụy ngươi phải chịu.”
Cẩm Thu không cam lòng: “Dù gì đi nữa thì chủ nhân vẫn là một vị chủ nhân. Cái đám nô tài đó mới mấy tháng trước mồm mép còn thế nào, ngày ngày đến nịnh hót, ân cần niềm nở, đến hôm nay thì lại thay đổi thái độ như vậy, lẽ nào cho rằng chủ nhân không thể thăng chức chắc?”
Lâm Lang đáp bình thản: “Bọn họ tán tụng người trên cao, giẫm đạp kẻ dưới thấp cũng là chuyện thường tình.” Lại an ủi Cẩm Thu: “Dù hắn nói gì đi nữa thì ngươi đừng để trong lòng là được. Bọn hắn đã có ý làm khó thì chúng ta đành nghĩ cách vậy.”
Cẩm Thu đáp: “Sắp tới tết Vạn Thọ rồi, y phục của chúng ta phải làm sao đây?”
“Trong rương vẫn còn hai cuộn gấm, lấy ra dùng cắt đi. Chúng ta tự may là được.”
“Mấy thứ bọn họ đem tới chẳng dùng được cái nào, đến son phấn chất lượng cũng kém vô cùng. Thứ nào cũng phải tự bỏ tiền ra mua. Tiền tháng này của chủ nhân đã dùng hết sạch từ lâu rồi. Những thứ khác thì không nói, nhưng tết Vạn Thọ sắp đến, một khoản tiền lớn sắp phải bỏ ra như thế, chủ nhân phải tính từ trước mới được.” Lâm Lang chỉ thở dài khe khẽ, không hề đáp lời.
Lâu nay tết Vạn Thọ chưa từng chính thức tổ chức bởi vì hoàng đế còn trẻ, và mấy năm nay triều đình đều bận điều binh dẹp tam phiên, chi tiêu trong cung đình bị cắt giảm triệt để. Tuy là không có quy tắc rõ ràng, nhưng trong hậu cung, tất sẽ có quà mừng thọ từ các cung. Có cung là tiến cống đồ dùng thư phòng, có cung là vật dụng hàng ngày tinh xảo, cũng có y phục tự mình may cho hoàng đế, muôn hình muôn vẻ, còn rất nhiều loại khác nữa.
Bích Lạc thấy mấy ngày gần đây Lâm Lang đều chỉ viết chữ, đọc sách, hoặc là ngồi nhàn rỗi, hoặc đi bộ thong dong trong đình nên lòng nàng cũng dần thấy lo lắng. Hôm nay trời đẹp, ngày xuân ấm áp, hoa thược dược trong đình mới nở, Lâm Lang ngắm hoa một hồi rồi đi vào trong phòng, lại thấy đồ thêu thùa được đặt trên bàn, nàng đứng lại, hỏi: “Lúc này đem thứ đó tới làm gì?”
Bích Lạc cười đáp: “Các cung đều bận rộn chuẩn bị lễ mừng tết Vạn Thọ, nếu chủ nhân không tặng chỉ sợ khiến người ta cảm thấy thất lễ.” Lâm Lang thuận tay cầm lên một chiếc túi nhỏ ở giữa, mới thêu được một nửa, bốn góc của chiếc túi được dùng chỉ đỏ thêu lên ngọn lửa, ở giữa túi có thêu rồng vàng và năm móng vuốt bằng sợi kim tuyến. Tuy chưa thêu xong nhưng đôi mắt rồng thêu bởi chỉ đen đã sáng rực, trông giống như thật. Nàng lại tiện tay đặt xuống, Bích Lạc nói: “Chiếc túi này thật là đẹp, đường thêu tinh tế đến vậy, vì sao chủ nhân không thêu hết đi?”
Lâm Lang lắc lắc đầu: “Nếu như đã sợ thất lễ thì ngươi đi đem chữ mà ta đã viết mấy ngày trước đến đây, ta chọn lấy một bản, ngươi đem tặng tới Càn Thanh cung là được.”
Bích Lạc cười nói: “Tết Vạn Thọ lại chỉ tặng một trang chữ cho Vạn tuế gia, chỉ sợ…” Lâm Lang liếc nhìn nàng một cái, nàng biết tính vị chủ nhân này, đã quyết định thì rất khó thay đổi, thế nên nàng cũng không dám nói nữa mà đi ôm đến tất cả số chữ thư pháp viết mấy ngày nay.
Đúng lúc Lâm Lang đang nhìn ngắm thì Cẩm Thu bước vào từ bên ngoài, thấy sắc mặt nàng ta khác lạ, Lâm Lang chỉ hỏi: “Sao thế?”
Cẩm Thu đáp: “Nghe nói Vạn tuế gia lệnh Nội Vụ phủ ban chiếu, sắc phong Họa Châu làm Ninh quý nhân.”
Vừa nói xong câu này thì Bích Lạc bật hỏi một cách ngạc nhiên: “Họa Châu nào? Họa Châu của Càn Thanh cung?”
“Còn không phải người đó chắc?” Cẩm Thu đáp, “Ai ngờ được chứ, sắc phong làm quý nhân đấy.” Nói xong câu này thì mới nghĩ ra những chuyện như thế không thích hợp bàn luận, đành liếc nhìn sang Lâm Lang một cái.
Theo quy tắc từ trước, cung nữ phong làm phi tần chỉ có thể thăng cấp dần dần từ đáp ứng, thường tại lên. Họa Châu vốn chỉ là một cung nữ ngự tiền, lúc này được sắc phong làm quý nhân đã quá vượt quy định.
“Chắc chắn có lý do.” Bích Lạc nói.
Cẩm Thu đáp: “Nghe người ta nói là vì tân quý nhân có tin vui, thái hậu vô cùng vui mừng nên hoàng thượng mới hạ chỉ đặc biệt như thế.”
Bích Lạc không kìm được mà liếc nhìn Lâm Lang, Lâm Lang dường như chẳng để ý, đóng lại ống đựng giấy rồi nói: “Mấy chữ này đều viết không đẹp, đợi ngày mai ta viết lại một tờ sau.”
Sự sủng ái của hoàng đế đối với Họa Châu càng ngày càng hiện rõ. Mới đầu là ban chỉ dụ vượt quy định sắc phong lên quý nhân, sau đó là thưởng cho nàng Diên Hy cung. Đây là đặc quyền của phi tần từ vị trí tần trở lên mới có. Sự sủng ái như vậy khiến tất cả lục cung tròn mắt ngạc nhiên, đến Đồng quý phi cũng phải để mắt tới, tự mình điều hai cung nữ trong cung đến Diên Hy cung hầu hạ.
Hôm nay cách tết Vạn Thọ không đến mười ngày nữa. Trong cung trên dưới đều đang chuẩn bị cho đại yến hôm đó. Lâm Lang đi thỉnh an Đồng quý phi, mới đi vào cửa điện đã nghe tiếng Nghi tần cười nói lanh lảnh: “Ý này của quý phi tỷ tỷ thật hay. Món ăn mà bếp chúng ta làm ngon hơn gấp ngàn lần Ngự Thiện phòng làm. Đến lúc đó chúng ta sẽ tự mình lo liệu đồ ăn, vừa ngon vừa vui vẻ náo nhiệt.
Đồng quý phi dịu dàng cười, nàng thấy Lâm Lang tiến vào hành lễ thì sai người: “Mời Vệ chủ nhân ngồi.”
Lâm Lang tạ ơn rồi mới ngồi xuống, chợt nghe người hầu bẩm: “Ninh quý nhân của Diên Hy cung và Đoan chủ nhân cùng đến ạ.”
Đoan tần một thân đỏ son còn Họa Châu thì mặc một bộ áo gấm mới tinh màu xanh ngọc có hoa văn trăm bướm, trên đầu cài chiếc trâm hình phượng hoàng bằng vàng ròng, phần cuối có đính ngọc buông xuống, bạch ngọc rồi thanh ngọc, đúng là châu báu ngọc ngà đầy đầu. Bởi vì thân phận của hai người cao nên Lâm Lang đứng dậy chào đón. Họa Châu cùng Đoan tần đều thỉnh an Đồng quý phi, xong đến Nghi tần, Đức tần, An tần rồi mới ngồi xuống.
Họa Châu khen y phục của Đồng quý phi. Đức tần là người thành thật nói: “Tỷ thấy bộ y phục này của muội hình như là hàng dệt kim Giang Ninh mới cống thì phải.”
Họa Châu đáp: “Là hôm kia mới được Vạn tuế gia ban thưởng cho ạ. Muội sai người may gấp. Suy cho cùng là vì làm gấp quá nên đường may không được tỉ mỉ lắm.”
Đoan tần liền nói: “Bộ của muội còn đẹp đấy. Muội nhìn bộ của ta đây này, tuy cũng là may vội nhưng còn cẩu thả hơn đường may của muội nhiều.” Nói xong thì kéo ống tay áo ra cho mọi người cùng nhìn. Đang lúc nói chuyện thì bà vú bế Ngũ a ca đến. Đồng quý phi cười: “Nào, đến đây cho ta bế một chút.” Nàng đỡ lấy, Nghi tần tự nhiên đến gần mấy bước ngắm nhi tử. Đức tần vốn là người thích trẻ con nên cũng đến chơi với đứa bé.
Dận Ký mới được trăm ngày, đang ngủ say sưa. Chiếc áo ngủ bằng gấm được bọc ngoài bởi tã, nó ngủ đến mức mặt đỏ bừng, khiến người ta muốn tới sờ nắn khuôn mặt nhỏ xíu trắng ngần đó. Lâm Lang cười nhẹ nhàng. Bỗng nghe Họa Châu nói: “Nghi tỷ tỷ thật là có phúc, Ngũ a ca sinh ra tròn trịa thế này, lớn lên chắc chắn rất có triển vọng.”
Đoan tần cười nói theo: “Muội cũng không cần phải gấp quá, đợi đến mùa đông năm nay nhất định muội sẽ sinh thêm cho Vạn tuế gia một vị tiểu a ca nữa.”
Khuôn mặt xinh đẹp của Họa Châu hơi ửng hồng, nàng khẽ bĩu môi với Đoan tần. Lâm Lang bất chợt nhìn đến phần thắt lưng của Họa Châu, quần áo rộng không bó nên không nhận ra gì cả. Nàng thấy như có kim chích trong tim, đành quay mặt đi, không muốn nhìn đến nơi đó nữa.
Tết Vạn Thọ đến gần, cung cấm bận rộn, các vị tổng quản đ 56a6 ến xin ý chỉ của Đồng quý phi hết việc này đến việc kia, vì vậy các nàng chỉ ngồi thêm một lát rồi đứng dậy cáo từ. Lâm Lang đi sau cùng, Họa Châu lại dừng bước đợi phía xa xa, cười cười với nàng: “Đã lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau, cùng đi dạo hoa viên một lát đi.”
Lâm Lang đáp: “Lâm Lang ở chỗ xa, lại không tiện đường nên lần khác Lâm Lang sẽ đi dạo cùng quý nhân tỷ tỷ sau.”
Mắt Họa Châu dần đỏ lên, hỏi: “Lâm Lang, muội đang trách tỷ?”
Nàng khẽ lắc đầu, Họa Châu nhìn vào trong mắt nàng, ánh mắt hơi xao động, có vẻ muốn cười. Lâm Lang đáp: “Sao muội có thể trách tỷ được.”
Họa Châu vội vội vàng vàng nói: “Năm đó chúng ta tiến cung cùng lúc, sau này hoàng thượng đối xử với muội như vậy, thật sự tỷ không có bất kì ý nghĩ nào khác. Thật đấy! Nhưng mà sau đó……. Là hoàng thượng, người……. đến nay muội lại muốn coi tỷ như người xa lạ sao?”
Lâm Lang chợt thở dài: “Muội phải về rồi.” Họa Châu chẳng biết phải làm sao, đành nhìn theo bóng nàng càng đi càng xa. Nắng mùa xuân tươi đẹp, bức tường ngang dài vô tận của cung cấm đỏ thẫm, gió nhẹ phả vào mặt từ tứ phía nhưng chẳng thấy chút lạnh nào.
Bóng râm cạnh tường mát mẻ như mùa thu. Không lâu sau, Nghi tần đi từ phía sau đến, thấy Lâm Lang liền cười nói: “Sao giờ muội mới đi đến đây? Tỷ và Đức tỷ tỷ cùng nói chuyện được một lúc lâu rồi đấy.” Mấy ngày nay Nghi tần thường tới Trữ Tú cung nói chuyện phiếm, Lâm Lang biết tính tình nàng cởi mở rộng rãi nên cũng đối xử với nàng không giống với người khác. Hai người cùng đi về, vừa đi vừa nói vài chuyện trong cung, tất nhiên chủ đề của Nghi tần luôn xoay quanh Ngũ a ca. Cả một đường về Lâm Lang chỉ yên lặng nghe nàng nói, miệng khẽ cười.
Bích Lạc thấy Lâm Lang về, cơm nước xong thì hầu hạ nàng ngủ trưa. Thấy nàng đã nhắm mắt ngủ nên vén các góc chăn cho nàng, đang định lui ra thì bỗng nghe Lâm Lang nói một câu khe khẽ: “Ta muốn có một đứa con.”
Bích Lạc giật mình. Lâm Lang nhẹ nhàng mở mắt, dưới hàng lông mi như cánh bướm là đôi mắt sâu thẳm. Bích Lạc đáp: “Chủ nhân vẫn còn trẻ, ngày sau còn dài, nhất định sẽ sinh thêm cho Vạn tuế gia rất nhiều vị a ca, cách cách.”
Nàng “ừ” một tiếng, dường như đang tự nói với chính mình: “Ngày sau còn dài……..” rồi lại nhắm mắt. Sau đó rất lâu Bích Lạc cũng không thấy nàng nói gì nữa, tưởng nàng ngủ rồi nên mới khe khẽ đứng dậy, lại nghe giọng nàng nho nhỏ: “Ta biết hy vọng đó quá xa vời, chỉ có thể là mơ thôi.”
Trong lòng Bích Lạc chợt thấy chua xót, đành khuyên nàng vài câu.
Lâm Lang ngủ trưa dậy thì sai Cẩm Thu mang bút mực tới, tỉ mẩn viết một trang chữ, sau đó đặt chỗ cửa sổ để gió thổi làm mực dần khô lại, tự mình cuộn từ từ thành một cuộn tròn.
Bích Lạc thấy Lâm Lang cuộn lại, cuối cùng cuộn gọn ghẽ lại xong thì ngẩn ngơ một hồi rồi mới quay người đưa cho nàng: “Thứ này đem đến Càn Thanh cung, nói với Lương am đạt rằng đây là quà mừng thọ cho Vạn tuế gia, xin hắn nhất định phải trình lên.” Nghĩ nghĩ một lúc rồi lại mở ngăn tủ, Bích Lạc nhìn thấy một chiếc túi nhỏ màu vàng có thêu hoa sen, biết ngay là vật dụng của hoàng đế. Lâm Lang cầm một nắm vàng từ trong túi, đưa cho Bích Lạc: “Chỉ sợ khó mà gặp được Lương am đạt. Ngươi cầm lấy chỗ này đưa cho Tiểu Phong Tử ở Càn Thanh cung, bảo hắn đi gọi Lương am đạt đến.” Đưa luôn chiếc túi nhỏ cho Bích Lạc: “Túi này ngươi giơ ra cho Lương am đạt xem, cứ bảo là ta xin hắn giúp lần này.” Trên mặt hiện lên một nụ cười thê lương.
Bích Lạc vâng lời đi, quả nhiên gặp được Lương Cửu Công. Lương Cửu Công nhận lấy bức thư pháp, không biết viết gì bên trong nên cảm thấy hơi hơi bất an. Hắn ngẫm nghĩ một hồi, đồng thời cầm lấy chiếc túi vàng giơ gần đến nhìn kĩ. Hắn bất chợt hiểu ra, trong lòng không khỏi vui mừng hân hoan.
Buổi tối liếc trộm thấy hoàng đế đang rảnh, hắn liền nói: “Chủ nhân các cung đều tặng quà tới, Vạn tuế gia có muốn xem qua không ạ?”
Hoàng đế lắc lắc đầu: “Mệt rồi, không xem.”
Lương Cửu Công ngẫm nghĩ trong chốc lát, hắn cười giả lả: “Thứ Nghi chủ nhân tặng tới rất mới lạ độc đáo, là một chiếc đàn nhỏ của phương tây.”
Hoàng đế thuận miệng đáp: “Vậy đem đến đây cho trẫm xem.”
Lương Cửu Công vỗ nhẹ hai tay, tiểu thái giám dâng lên mấy chiếc khay lớn. Hoàng đế thờ ơ liếc qua, bỗng thấy trong đám đồ tặng đến xếp trên khay lại có một cuộn thư pháp. Hắn hỏi Lương Cửu Công: “Chẳng lẽ lại có người tặng trẫm tranh hay chữ sao? Là ai tặng thế?”
Lương Cửu Công cười cười: “Chủ nhân các cung hết người này đến người kia phái người đến tặng, nô tài cũng không nhớ rõ thứ này là vị chủ nhân nào tặng đến nữa. Xin Vạn tuế gia trách tội.”
Hoàng đế “ồ” một tiếng: “Ngươi càng ngày càng biết hầu hạ rồi đấy.” Lương Cửu Công bị dọa sợ đến mức quỳ sụp xuống: “Nô tài không dám.”
Hoàng đế cũng không nghĩ nhiều, cứ tưởng là tranh chữ của danh nhân mà vị phi tần nào đó khó lắm mới sưu tầm được, thế là ra ý sai tên thái giám mở ra.
Vừa mở ra, hoàng đế ngẩn người ngay lập tức. Lương Cửu Công lén dò xét sắc mặt hắn, không có lấy một biểu lộ gì. Vẻ mặt hoàng đế vô cùng bình tĩnh. Hắn hầu hạ ngự tiền nhiều năm, biết rõ rằng đằng sau cái vẻ hết sức bình thản ấy, chỉ sợ là mưa gió bão bùng. Trong lòng sợ hãi, run lập cập, không khỏi ngầm hối hận.
Ánh mắt hoàng đế vẫn dán chặt vào những chữ nọ, ánh mắt như muốn xuyên thủng lớp giấy kia thành ngàn lỗ nhỏ, lại như có một ngọn lửa trong mắt, muốn đốt trang giấy thành tro bụi.
Hoàng đế từ từ ngồi xuống tràng kỉ, ra ý bảo thái giám cuộn giấy lại cất đi, vẫy vẫy tay bảo bọn họ đều lui hết xuống, từ đầu tới cuối chẳng nói câu nào. Lương Cửu Công ra ngoài sắp xếp mọi việc đâu vào đó. Hôm nay là ngày hắn phải trực ở buồng ngủ nên đứng yên lặng cách mành trướng của ngự sạp (giường vua) vài trượng.
Con người đến nửa đêm cực kì buồn ngủ. Hắn đang trong lúc làm việc, chỉ tập trung nghe ngóng tiếng động bên trong mành, đồng hồ báo giờ phương tây ở gian ngoài vừa báo đã tới 12 giờ. Bỗng nghe tiếng hoàng đế trở mình, hỏi hắn: “Nàng phái ai đem tới?”
Lương Cửu Công giật mình, cứ tưởng hoàng đế đang nói mơ. Sau một lúc mới nhận ra là đang hỏi mình, bèn đáp: “Là sai Bích Lạc mang đến ạ.”
Hoàng đế lại hỏi: “Bích Lạc nói gì?”
“Bích Lạc không nói gì, chỉ nói là Vệ chủ nhân sai nàng mang đến, là lễ mừng thọ tặng Vạn tuế gia.” Lương Cửu Công đáp.
Trong lòng hắn chất đầy tâm sự, hắn lại trở mình. Phía xa ngoài mành có đốt một cây nến, ánh sáng chiếu qua chiếc mành thành một quầng màu vàng vàng. Hắn thấy khó chịu, cổ họng khát khô, thế là ngồi dậy sai Lương Cửu Công đem trà tới. Uống cả một tách trà nóng, lại nằm xuống, vẫn chẳng thấy buồn ngủ chút nào.
“Khứ khứ phục khứ khứ, thê trắc môn tiền lộ.
Hành hành trọng hành hành, triển chuyển do hàm tình.
Hàm tình nhất hồi thủ, kiến ngã song tiền liễu.
Liễu bắc thị cao lâu, châu liêm bán thượng câu.
Tạc vi lâu thượng nữ, liêm hạ điều anh vũ.
Kim vi tường ngoại nhân, hồng lệ triêm la cân.
Tường ngoại dữ lâu thượng, tương khứ vô thập trượng.
Vân hà chỉ xích gian, như cách thiên trọng sơn?
Bi tai lưỡng quyết tuyệt, tòng thử chung thiên biệt.
Biệt hạc không bồi hồi, thùy niệm minh thanh ai!
Bồi hồi nhật dục vãn, quyết ý đầu thân phản.
Thủ liệt tương quần cư, khấp kí cảo châm thư.
Khả liên bạch nhất xích, tự tự huyết ngân xích.
Nhất tự nhất toan ngâm, cựu ái khiên nhân tâm.
Quân như thu phúc thủy, thiếp tội cam tiên chủy.
Bất nhiên tử quân tiền, chung thắng sinh quyên khí.
Tử diệc vô biệt ngữ, nguyện táng quân gia thổ.
Thảng hóa đoạn tràng hoa, do đắc sinh quân gia”*
* Bài “Lý phương thụ thứ huyết thi” (Không rõ tác giả)
Là một bài thơ trữ tình vô cùng hay mà cũng bết sức bi thương. Bài thơ nói về một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ (nói như hiện đại là ly hôn.) Sau khi người vợ bị chồng bỏ lại không hề có chút oán hận nào, chỉ thể hiện tình yêu chung thủy của mình vẫn không đổi, thậm chí quyết tâm dùng cái chết để biểu lộ sự si tình của mình với chồng.
Bài thơ có 18 câu, có thể chia ra làm hai phần, 10 câu đầu là tâm trạng bồi hồi, đau khổ của người vợ khi đứng trước cửa nhà chồng. Trên đường đi, nàng cứ đi rồi lại ngừng, đi được một đoạn lại quay lại, dù bất hạnh bị bỏ rơi nhưng vẫn rất yêu chồng, không muốn chia xa. Từ đó, nàng cứ bước một bước lại quay đầu, nhìn vào từng cảnh vật của ngôi nhà, nhớ lại quá khứ. Tuy trong bài nhà thơ không nhắc đến lý do bị bỏ nhưng có thể khẳng định lỗi không ở nàng. Tám câu cuối là ý chí kiên định của nàng, nàng không buông xuôi mà cố chấp theo đuổi. Vì muốn đạt được mục đích mà sẵn sàng lấy máu ra thề. Nàng bồi hồi đến, bồi hồi đi nhưng chẳng có ai đồng tình hay thương tiếc, đành phải dựa vào chính mình. Nàng quyết định trở về, xé vạt áo xuống, dùng máu viết chữ, hy vọng chồng sẽ thay đổi quyết định giữ nàng lại. Nếu như gương vỡ lại lành thì dù có bị đánh bao nhiêu roi nàng cũng đồng ý, nếu không thì sẽ chết trước nhà chồng, chôn theo nhà chồng.
Chữ của nàng có phong cách của tiểu thư khuê các, trong chữ mang theo đôi chút ý ung dung của thể chữ kiểu đài các, thế nhưng bức thư pháp này trông yếu ớt vô cùng, vài chỗ còn có nét bút đứt quãng. Hắn tự hỏi không biết lúc nàng viết những chữ này thì đau lòng đến bao nhiêu, cố gắng đến mức nào, mà tới việc cầm bút viết dường như cũng không có sức lực nữa. Đáy lòng hắn cuộn trào cảm xúc, chợt tỉnh ngộ hoàn toàn, hóa ra đã nghĩ oan cho nàng, hóa ra tình cảm của nàng cũng vậy, hóa ra nàng………. Suy nghĩ này vừa xuất hiện thì cứ như không đè xuống được, giống như thở dài một hơi nhẹ nhõm cả người. Nàng nên như thế, nàng không phụ hắn. Hắn biết rõ là không bình thường, nhưng lại không muốn đi gỡ cái nút thắt này, hắn chỉ sợ đáp án khiến hắn không chịu đựng nổi. Đến nay, đến nay cuối cùng thì nàng đã biểu lộ tình cảm trong lòng, tình cảm của nàng đối với hắn hệt như của hắn đối với nàng.
Vốn dĩ nơi mềm yếu nhất trong tim hắn là một mảng tối tăm buồn bã thì giờ bất chợt bốc cháy sáng như ngọn đuốc, giống như năm đó đi săn ở Tây Uyển bất chợt có bão tuyết, chỉ có ngự tiền thị vệ theo hộ tống, lác đác hơn mười con ngựa đi giữa đêm tuyết đen kịt rất lâu, rất lâu, cuối cùng cũng nhìn thấy hành cung. Lại cũng giống như năm đó khi bắt được Ngao Bái, hắn đi thỉnh an thái hoàng thái hậu, từ xa nhìn thấy nụ cười hiền hòa của Tô Mạt Nhĩ ma ma đứng trước Từ Ninh cung. Cảm thấy như chẳng muốn lo nghĩ mọi chuyện nữa, tất cả đều có thể buông xuống được rồi.
Mỗi ngày Lâm Lang đều đến Từ Ninh cung thỉnh an thái hoàng thái hậu. Thái hoàng thái hậu đang lệnh cho Tô Mạt Nhĩ kiểm lại cống phẩm ngày xuân, thấy nàng tới liền cười nói: “Ta đang muốn ăn nên gọi lên vài món điểm tâm, con đến đây thử giúp ta xem món nào ngon.” Lâm Lang nghe thái hoàng thái hậu nói như thế thì tạ ơn trước, sau đó mới thử ở mỗi món một chút. Thái hoàng thái hậu lại thưởng cho trà, rồi cho phép nàng ngồi xuống thay người chép lại danh sách vật cống.
Lâm Lang mới cầm bút được một lúc thì có cung nữ vào bẩm báo: “Thái hoàng thái hậu, Vạn tuế gia đến ạ.”
Nàng hơi hơi run, nét mác kia đã kéo ra quá dài. Nàng gác bút, đứng lên theo quy củ. Thái giám cận vệ theo sau hoàng đế đi vào. Vì thời tiết ấm áp nên hoàng đế chỉ mặc một bộ áo xanh lam ngọc, trên đầu đội chiếc mũ gấm cũng màu xanh ngọc. Hắn thỉnh an thái hoàng thái hậu xong mới đứng lên. Lâm Lang quỳ xuống thỉnh an, giọng nói nho nhỏ: “Lâm Lang thỉnh an hoàng thượng.” Nghe hắn “ừ” một tiếng nàng mới từ từ đứng dậy. Đã mấy tháng liền nàng không gặp hoàng đế, lúc này ngẫu nhiên gặp nhau, chỉ thấy dường như hắn đã gầy đi một chút, hoặc có thể là vì thời tiết ấm áp, mặc ít quần áo nên dáng người cao gầy mới lộ rõ.
Thái hoàng thái hậu cười bảo: “Nhìn mồ hôi trên trán hoàng thượng liền biết ngay ngoài trời nắng to.” Gọi Lâm Lang: “Đi vắt một cái khăn nóng cho Vạn tuế gia của các ngươi.” Lâm Lang vâng lời đi. Thái hoàng thái hậu lại hỏi hoàng đế: “Sao hôm nay lại đến sớm vậy?”
Hoàng đế đáp: “Bài giảng* hôm nay xong sớm hơn nên tôn nhi qua đây thỉnh an hoàng tổ mẫu.”
* Nghe giảng về thư kinh, kinh thư, văn sử…
Thái hoàng thái hậu cười: “Con cũng thật biết chọn giờ.” Ngừng một lát rồi nói: “Vừa hay ta mới truyền điểm tâm, có cả món thịt ngan rán xốp giòn mà hoàng thượng thích nhất đấy.”
“Tạ thái hoàng thái hậu.” Hoàng đế đáp xong thì gắp lấy một miếng thịt ngan đưa lên miệng, từ từ nếm thử hương vị. Thái hoàng thái hậu khẽ cười: “Không phải lần trước hoàng thượng ghét ăn đồ ngấy sao?”
Hoàng đế điềm nhiên đáp: “Bây giờ tôn nhi lại muốn ăn.”
Thái hoàng thái hậu cười nói: “Ta biết ngay là con không bỏ được mà.”
Lâm Lang vắt khăn nóng đem lên, hầu hạ hoàng đế lau mặt. Lúc này hắn mới liếc nhìn nàng được một cái, chỉ thấy nàng còn gầy hơn lúc bị ốm. Sắc mặt vẫn trắng trong như ngọc, chỉ có điều cái eo càng nhỏ, không vừa một tay. Hắn nhớ lại những chuyện quá khứ, trong lòng có đủ vị đắng cay mặn ngọt cùng trộn lẫn.
Hoàng đế nói chuyện với thái hoàng thái hậu một lúc lâu mới đứng dậy cáo từ. Lâm Lang tiến lên chép danh sách vật cống như vừa nãy. Thái hoàng thái hậu dường như chợt nhớ ra một chuyện, nói với nàng: “Đi truyền tới hoàng thượng, ngày kia là tết Vạn Thọ rồi. Ngày đó có lễ lớn rồi tiệc mừng, nhất định sẽ rất bận rộn, bảo hoàng thượng không cần tới thỉnh an vào buổi sáng nữa.” Lâm Lang đáp một tiếng vâng. Thái hoàng thái hậu lại nói: “Lúc này ngự giá nhất định chưa đi xa, con mau đi đi.”
Lâm Lang bèn hành lễ lui xuống, quả nhiên thấy ngự giá vây quanh bởi thái giám mới vừa ra khỏi cửa thùy hoa. Nàng bước nhẹ nhàng lên trước, truyền ý chỉ của thái hoàng thái hậu. Hoàng đế quay mặt nói với Lương Cửu Công: “Ngươi đi bẩm với thái hoàng thái hậu, bảo là trẫm tạ hoàng tổ mẫu quan tâm.”
Lương Cửu Công vâng lệnh đi, hoàng đế vẫn đi thong dong về phía trước. Mấy người cung nữ thái giám ngự tiền cầm đủ loại đồ đạc theo sau. Không lâu sau đó thì Lương Cửu Công quay lại. Hoàng đế như đang đi dạo, rẽ về phía đông cũng chính là đường về Càn Thanh cung. Đến trước Dưỡng Tâm điện thì chợt dừng lại, hắn nói: “Trẫm mệt rồi, vào đây nghỉ một lúc.”
Dưỡng Tâm điện vốn là cung điện để trống, không có phi tần nào ở cả. Ngày thường chỉ dùng làm nơi chứa các vật dụng của hoàng đế. Trong điện được quét dọn rất sạch sẽ. Hoàng đế bước qua cửa điện, quay đầu nhìn Lương Cửu Công một cái, Lương Cửu Công liền vỗ nhẹ hai tay, lệnh cho tất cả lui ra đợi ngoài cửa viện, còn hắn thì ngồi xuống ngay bậc thềm canh cửa viện.
Lâm Lang chần chừ một chút rồi lặng lẽ bước qua ngưỡng cửa. Trong điện tối tăm, mành cửa đều được buông hết xuống. Ánh sáng ảm đạm. Nàng đi đến gần mới nhìn thấy hoàng đế từ từ vươn tay ra. Nàng nhẹ nhàng đưa tay đặt vào tay hắn. Vừa chạm vào đã bị hắn nắm chặt lấy, nghe hắn hỏi khe khẽ: “Thanh như ý…”
“Thanh như ý là do Đoan chủ nhân sai người tặng tới cho thần thiếp.” Mắt nàng long lanh lệ dưới ánh sáng âm u nặng nề. Giọt lệ lăn qua khuôn mặt rất nhanh, hoàng đế nói nhỏ: “Nàng đừng khóc, chỉ cần nàng nói thì trẫm sẽ tin.”
Hắn đã nói như thế, đôi mắt nàng lại càng rơi lệ nhiều hơn. Hắn lặng lẽ ôm lấy nàng vào lòng, chỉ thấy nàng khẽ nức nở, từng giọt, từng giọt nước mắt thấm dần vào áo hắn. Lòng hắn chợt thông suốt, giống như người ngạt thở đã lâu bỗng hít vào được một luồng không khí trong lành tươi mát vậy. Trong lòng ngoài vui mừng còn có chút bi thương dần hiện ra nhưng hắn cũng chẳng muốn nghĩ nữa.