Những lúc ngồi một mình có hai thứ mà ta thường lấy ra xem, một là chiếc khóa bình an bằng bạch ngọc, vật kia là chiếc nhẫn ngọc. Khóa bình an là thứ hồi nhỏ ngạch nương đeo lên người cho ta, từ sau khi ngạch nương qua đời, ta sợ mình bất cẩn làm hỏng nó bèn lấy xuống cất vào trong hộp gấm, những lúc nhớ ngạch nương sẽ lấy ra xem. Nhẫn ngọc đặt bên cạnh khóa bình an, ta thường chỉ nhìn nó, chứ không cầm lên tay, nhẫn là của Bạch La.
Nàng là Bạch La, cũng là Nhan Tử La, giống ngạch nương mình, ta quen gọi nàng là Bạch La, mặc dù thân phận Bạch La này do nàng nhất thời cao hứng tạo ra mà thôi.
Lão Cửu nói nàng ăn nói cay nghiệt, lão Thập khen nàng gan to bằng trời, lão Thập tứ nói nàng khó nắm bắt, thực ra nàng vẫn luôn là một người rất đơn giản, sống nghiêm túc. Ta thường nghĩ, nếu không có sự xuất hiện của Bạch La ở Lan Quế phường, Nhan Tử La sẽ mãi mãi sống vui vẻ ở biệt viện của lão Tứ cho tới già, giống như nàng chưa từng đến thế giới này vậy. Nhưng số phận là thế, nàng xuất hiện đầy bất ngờ.
Khi nàng xuất hiện, chỉ để lộ đôi mắt, một đôi mắt vô cùng trong sáng thoải mái. Người ở những nơi như Lan Quế phường không thể có được ánh mắt ấy, vậy nên ta mới lưu tâm nhìn nàng mấy lần. Tiếng ca của nàng đánh gục lão Thập và cũng khiến ta phải nhìn nàng thêm vài lần nữa. Khi Đại a ca hỏi My Liễm Diễm tên họ nàng, ta lại có chút chờ đợi, có chút tò mò muốn biết người con gái này mang một cái tên như thế nào. My Liễm Diễm nói nàng là Bạch La, không ai tin, nhưng ta cảm thấy cái tên này thật ra rất hợp với nàng. Vô tình ta nhìn thấy ánh mắt Tứ ca sáng lên rất nhanh.
Nàng không phải Bạch La, nàng lại tạo ra một người tên Cát Tường.
Cuối cùng nàng không phải Bạch La, cũng không phải Cát Tường, nàng là Nhan Tử La. Một Nhan Tử La lặng lẽ sống và nuôi con một mình suốt năm năm trời nơi biệt viện xa xôi của lão Tứ. Khi nàng là Nhan Tử La, kiến giá Hoàng thượng với bộ dạng rất chân phương, ánh mắt nàng sợ thì ít mà bất lực thì nhiều. Thời khắc ấy ta không kìm được mà suy đoán, liệu có phải nàng không thích bị bại lộ thân phận không? Đứa bé mà nàng đang cầm tay kia tựa như bản sao của nàng, giống từ diện mạo giống đi, chỉ có điều ánh mắt nó điềm tĩnh hơn nàng nhiều. Con gái nàng là Bảo bối Khuynh Thành.
Tùy giá ra khỏi biệt viện, các huynh đệ đều to nhỏ thì thầm vì ngưỡng mộ Tứ ca, người con gái mà Đại a ca hao tâm tổn trí muốn có được lại là Cách cách danh chính ngôn thuận của Tứ ca.
Khi gặp lại, nàng đã trở thành Trắc phúc tấn.
Từ sau khi nàng thành Trắc phúc tấn, lão Thập, lão Thập tứ thường thích nhắc tới nàng. Lão Thập nói nàng lợi hại, đã khiến quận chúa Cao Ly thuần tính hơn nhiều, hắn không phải đau đầu nữa. Lão Thập tứ nói, trước đó có tới biệt viện để truyền khẩu dụ cho Mẫn Chỉ, nàng cùng Mẫn Chỉ và Khuynh Thành làm bánh ga tô chúc mừng sinh nhật Mẫn Chỉ, mặt đầy kem như con mèo hoa vậy, do đó khi hắn gặp Bạch La, mới không nhận ra là nàng.
Từ sau khi nàng thành Trắc phúc tấn, thỉnh thoảng ta liếc nhìn Tứ ca, đôi lúc cũng bắt gặp sự vui thích và khóe miệng nhếch lên cười mỉm của huynh ấy.
Nhưng nàng không về ở với Tứ ca, nàng vẫn sống một mình tại biệt viện. Mười lăm tháng Tám năm đó ở biệt viện của Tứ ca, nàng và My Liễm Diễm uống say khướt, nàng nói mình đã lén lút sống tiêu dao được vài năm, nói mình là cô hồn dã quỷ, khiến lòng ta thoáng xót xa.
Cuối cùng nàng bị Tứ ca đón về phủ, bố trí cho ở trong một tiểu viện mà theo lời của Tứ ca thì bọn người ở phải mất rất nhiều ngày dọn dẹp. Trở thành một trong các thê thiếp của Tứ ca, sau này chúng ta ít có tin tức của nàng hơn, ta đoán nàng nhất định đã trở thành người sống thận trọng. Sau đó nàng vào cung với Mẫn Chỉ, đi nhầm thế nào lại lạc vào viện tử của ngạch nương ta, ngạch nương là một người rất dễ chịu, đối với ai cũng tốt, nên có nhiều người yêu mến. Có điều, ngạch nương lại chỉ quý nàng, ngạch nương nghe lời nàng không còn tỉa lá tỉa cành nữa mà thường mang ghế dài ra ngồi ngắm hoa nở hoa tàn. Ngạch nương nói nàng là người được sủng mà không màng, tấm lòng cởi mở. Thế là ta biết tại sao ngạch nương lại thích nàng, bởi vì nàng giống bà. Chỉ có điều, sự điềm đạm của ngạch nương không những ở trong khí chất của bà mà còn toát cả ra hành động cử chỉ. Còn sự điềm đạm của nàng lại chỉ ở khí chất mà thôi. Thứ mà nàng để người khác nhìn thấy là biểu hiện tùy tiện, thích thay đổi của mình.
Mẫn Chỉ bị thương, nàng lo lắng quát mắng thái y, không tiếc thân mình thử thuốc độc, sau đó ngất đi cùng Mẫn Chỉ. Thông minh mà cũng ngốc. Câu đầu tiên nàng nói khi tỉnh dậy là: “Đói!”. Nàng thích ăn cháo trong phủ của ta, từ đó về sau ta cũng thích ăn cháo. Vết thương lành, nàng được Tứ ca đón về, Tứ ca chưa bao giờ bế người phụ nữ nào trước mặt người khác, nàng là đầu tiên. Ta cũng chưa bao giờ bế phụ nữ trước mặt người khác, nàng cũng là người đầu tiên, chỉ có điều đấy là vì cứu Mẫn Chỉ.
Nàng vẫn ở bên cạnh Mẫn Chỉ, nàng vui vẻ kể chuyện cười cho bọn cung nữ, Cách cách nghe, nhưng sắc mặt Tứ ca lại không vui. Mẫn Chỉ xuất giá, nàng quay về, lão Thập tứ nói cuối cùng nàng cũng vượt qua được Niên thị, trở thành người phụ nữ được Tứ ca sủng ái nhất. Tứ ca rung động rồi, còn nàng? Nàng hi hi ha ha tiếp nhận sự sủng ái của Tứ ca, sau đó cũng sẽ một lòng một dạ yêu thương Tứ ca chứ? Ta không biết, cũng không muốn biết. Ta cưới My Liễm Diễm về phủ, thực ra ngạch nương nói đúng, nên lấy thêm mấy người vợ để có thêm con. Thứ mình muốn đã không có được, lấy ai, lấy bao nhiêu cũng chẳng bận tâm. Thế là ta lại đồng ý lấy em gái nàng, cô bé mới mười bốn tuổi, có vẻ khá giống nàng. Nhưng ta không ngờ Tứ ca lại không phản đối, đồng ý cưới người em gái còn lại của nàng về phủ, khi đó ta thật sự không hiểu Tứ ca nghĩ gì, chỉ lo lắng nàng sẽ ra sao.
Nàng trang điểm rực rỡ phong tình đăng đài trong lễ vạn thọ, ánh mắt say đắm phiêu du trong không trung, ta lại thấy thực ra trong mắt nàng chẳng có gì, sự say đắm đó chẳng qua chỉ là giả. Khi nàng và My Liễm Diễm đi ngang qua ta để tới tạ ơn, ta thấy Tứ ca siết chặt nắm tay, nếu đã không muốn nàng thể hiện bản thân trước mặt người khác, tại sao còn làm tổn thương nàng? Lòng thầm thấy nàng làm vậy không đáng.
Nàng sẩy thai, mất trí nhớ. Ta vừa buồn lại vừa vui, cuối cùng nàng cũng không còn nhớ lý do khiến mình đau lòng nữa rồi.
Mặc dù bệnh của nàng mới bước đầu có tiến triển, nhưng vẫn hăng hái tùy giá ra tái ngoại. Nàng xuống nước bắt cá, nàng hào hứng cổ vũ gào thét trong cuộc thi võ, nàng đập vỡ quả dưa hấu rồi cầm từng miếng gặm, nàng và Kỳ Mộc Cách đối đầu với nhau, sau đó nở nụ cười thắng lợi nhìn Kỳ Mộc Cách tức tới tím mặt. Ta biết nàng đang muốn xả giận thay cho Liễm Diễm.
Thập bát đệ ốm, nàng chăm sóc đệ ấy như chăm sóc chính con mình, đưa đệ ấy đi bắt đom đóm, kể chuyện đom đóm, làm đèn lồng đom đóm cho đệ ấy. Ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn lồng đom đóm chiếu lên mặt nàng khiến khuôn mặt nàng thật dịu dàng, nhưng phủ một lớp u buồn mỏng. Có điều nàng vẫn cười và tận tình ở bên Thập bát đệ.
Đột nhiên tới một ngày, nụ cười trên môi nàng biến mất, dáng đi phiêu diêu, giống như một du hồn. Nàng bước tới căn lều đặt linh cữu của Thập bát đệ, vừa khóc vừa hát, u buồn nói chuyện với đệ ấy. Nàng đau lòng như thế cũng không hẳn chỉ vì cái chết của Thập bát đệ. Nàng muốn Thập bát đệ mãi mãi rời xa nơi này, dường như nàng đang nói cho chính mình nghe, trái tim nàng đã bị Tứ ca làm tổn thương quá nhiều rồi.
Sau khi hồi kinh, đột nhiên xảy ra rất nhiều biến cố, Hoàng a ma tước mọi tước vị của ta, giao ta cho Nghị chính sở xử lý. Ta không quan tâm, chỉ lo ngạch nương không chịu nổi, mấy năm nay bà đã phải gánh chịu quá nhiều những thứ không đáng rồi. Tối muộn hôm đó, người trong cung của ngạch nương lén truyền tin tức cho ta, ngạch nương vô sự, bởi vì có nàng. Thế là ta yên tâm hơn.
Đến cuối tháng Mười, Hoàng a ma khôi phục lại tước vị và trả ta về phủ, Cửu đệ, Thập đệ, Thập tứ đệ mở tiệc chúc mừng. Trong bữa tiệc, thỉnh thoảng nghe họ nhắc tới nàng, cả mấy đệ đệ của ta đều có chút buồn bã. Cửu đệ nói nàng thất sủng rồi, Thập đệ nói nàng găng với Tứ ca, Thập tứ đệ nói chưa từng thấy người phụ nữ nào dám đấu võ miệng với Tứ ca cả. Bàn tay cầm chén rượu của ta khẽ run run, cuối cùng nàng cũng đã yêu Tứ ca rồi, cho nên mới chán nản, mới buồn bã.
Tháng Mười một, My Liễm Diễm tới thăm nàng, khi quay về như vô tình như hữu ý nói với ta rằng nàng đang khổ tu. Đã yêu rồi tại sao không thỏa hiệp? Sống trong phủ đệ tại sao không học cách khom lưng cúi đầu, tại sao vẫn còn quật cường như thế.
Đột nhiên một hôm, lão Thập tam mời huynh đệ ta tới phủ thưởng tuyết, nhàn nhã nói rằng học của nàng, lòng ta bỗng nhẹ nhõm hơn nhiều, dù có khổ tu, nàng vẫn ngoan ngoãn sống cuộc sống của mình, thế mới là nàng chứ.
Trong bữa tiệc, sắc mặt Tứ ca không được tốt lắm, lại càng thêm trầm ngâm ít nói, trên mặt cứ như dính đá lạnh vậy. Đột nhiên nghĩ ra, Tứ ca cũng đang găng với nàng sao?
Sau Tết con gái nàng được phong làm Hòa Thạc công chúa, một bước lên trời. Nhưng nàng lại rời khỏi phủ Tứ ca chuyển về biệt viện phía Tây ngoại ô. Từ đó về sau không có bất kì tin tức nào của nàng nữa, ta thường nghĩ liệu nàng có quay lại được cuộc sống vui vẻ trước kia của mình không, trái tim nàng còn có thể giống trước kia không có bất kì ràng buộc nào không? Cũng có thể nàng sXୠđược như thế, bởi vì nàng là Bạch La vô tư mà.
Gặp lại nàng là ở trong hoàng cung, nàng bị gẫy đế guốc, ngồi bệt dưới đất, chau mày nhăn mặt. Ta bước nhanh tới đỡ nàng dậy, nàng từ chối, tự mình cố gắng đứng lên, dù lảo đảo nhưng cũng vẫn kiên cường như thế. Nhìn theo bóng Tứ ca bế nàng đi xa dần, ta quay người định bỏ đi, Kỳ Mộc Cách đứng bên cạnh nói: “Người đó là Tứ gia phải không?”. Đúng thế, đấy có thật là Tứ ca không?
Khoảng tháng Hai, Liễm Diễm đi thăm nàng, nói nàng bị ngã gẫy chân. Kỳ Mộc Cách bị nàng thuần phục rồi, còn bóc cam cho nàng ăn. Ta nghe mà phì cười, con người nàng dường như sinh ra đã có tật thích ức hiếp công chúa, quận chúa. Nhưng nàng đúng là vẫn rất vui vẻ, rất nghiêm túc sống. Tứ ca chuyển về biệt viện, mưa gió cũng không thể ngăn trở. Không lâu sau, nàng bị gọi là hồ ly. Danh xưng này khiến lão Cửu, lão Thập, lão Thập tứ phá lên cười ha hả, bọn họ nói chưa từng gặp một hồ ly tinh nào thiếu dáng vẻ phong trần đến thế. Ta mỉm cười, trong mắt người yêu nàng, sự phong tình, phong trần của nàng còn vượt qua cả hồ ly. Tứ ca từ chối sự chỉ hôn của Hoàng thượng trước mặt mọi người, vì nàng. Tứ ca nói nàng nhảy lầu gẫy chân, khiến tất cả huynh đệ có mặt khi ấy đều kinh ngạc vô cùng, còn ta luôn biết, người như nàng vĩnh viễn không bao giờ dùng cái chết để uy hiếp người khác. Bởi vì cho dù có gặp phải bất cứ chuyện gì nàng cũng vẫn mỉm cười và sống tiếp. Bởi vì nàng quật cường, cười cho người khác thấy, cũng là cười cho mình thấy.
Ta tới biệt viện của Tứ ca đón Liễm Diễm. Vốn không định đích thân đi, nhưng không thể kiềm chế được ý nghĩ muốn nhìn thấy nàng, thế là bèn đi. Sau đó ta thường xuyên hối hận tại sao khi ấy mình lại tới đó, nếu không đi, ta sẽ không nghe thấy những lời tâm sự của nàng, sẽ không biết rằng trái tim nàng chỉ có một mình Tứ ca mà thôi, như thế, ta có thể tiếp tục tự lừa dối mình. Đáng tiếc, mọi chuyện đều không còn đường lui nữa rồi.
Nàng trở thành đố phụ, vào lễ Vạn Thọ, nàng vào cung tố khổ với ngạch nương, không cẩn thận làm vỡ bộ chén mà ngạch nương thích nhất. Khi ngạch nương khẽ nói muốn nhìn bộ dạng bọn ta bị phụ nữ đánh, chén trà trên tay lão Thập rơi xuống vỡ tan, chén trà trên tay ta cũng khẽ nghiêng sánh ra một ít nước. Ngạch nương nói nàng nghĩ không thông, đang tự khép mình. Vào giây phút ấy ta lại hi vọng nàng mãi mãi không nghĩ thông. Một người như ta không nên có suy nghĩ ấy, ta là người ôn hòa và lương thiện, không nên có suy nghĩ bất lương như thế. Cũng có thể ta thật sự là tên khốn đúng như nàng từng nói, chỉ là bản thân ta không biết mà thôi.
Dù gì nàng cũng là người thông minh, mặc dù phải mất tới nửa năm, nhưng nàng vẫn hiểu ra, trước những ánh mắt trợn trừng của mọi người, khi nàng nói với Tứ ca “kiếp sau”, hớp rượu trong họng ta như nghẹn cứng lại. Đương nhiên nàng sẽ không biết những chuyện này, trong mắt nàng, trong tim nàng chỉ có tên khốn đó. Nhìn bộ mặt đầy ý cười của Tứ ca, ta thấy thật nhức mắt.
Mẫn Chỉ qua đời, nàng mặc tang phục, vẻ mặt bình tĩnh nhưng không giấu nổi nỗi bi thương đang dâng tràn trong mắt. Tứ ca cùng nàng đi tái ngoại, ta thường xuyên nhìn thấy bóng nàng và Tứ ca ngồi bên nhau hoặc đứng hoặc đi cùng nhau. Ta xoay lưng, không muốn nhìn nữa, nhưng vẫn muốn biết nỗi đau lòng của nàng có bớt chút nào không.
Liễm Diễm đi rồi, nói là đi để suy nghĩ cho kĩ. Liễm Diễm biết hết, nhưng thông minh nên không nói dù chỉ một câu. Nghĩ kĩ? Ta nghĩ rất kĩ rồi, nhưng lại không đủ sức cầm chiếc nhẫn ấy lên để vứt đi. Liễm Diễm từng viết cho ta một đoạn thế này, chỉ đọc một lần mà khắc sâu trong lòng.
“Làm thế nào để chàng gặp thiếp vào lúc thiếp xinh đẹp mĩ lệ nhất. Vì việc này, thiếp đã quỳ trước Phật cầu xin năm trăm năm, cầu người cho chúng ta kết một đoạn trần duyên. Phật bèn hóa thân thiếp thành một cái cây, mọc bên đường chàng thường đi qua. Dưới ánh mặt trời, cái cây đó nở đầy hoa, từng bông từng bông đều là niềm hi vọng của thiếp ở kiếp trước. Khi chàng tới gần, xin chàng hãy nghe cho kĩ: Những chiếc lá đang run rẩy kia là nhiệt tình của sự chờ đợi. Và khi chàng đi qua với vẻ vô tình, lá sẽ rụng đầy dưới đất sau lưng chàng. Chàng ơi, đấy không phải là cánh hoa... mà là trái tim đã chết của thiếp.”
Liễm Diễm là cái cây đó, nhưng ta lực bất tòng tâm, bởi vì ta cũng giống như Liễm Diễm, cũng mọc nơi ven đường mà người kia thường đi qua. Người đi ngang qua ta là người con gái có tên Bạch La. Khi nàng đi lướt qua, chỉ rớt lại một tiếng ca uyển chuyển, nhưng nàng chưa từng quay đầu lại nhìn dù chỉ một giây.