So với hai đứa lớn, Hiểu Thu được ở với mẹ nhiều hơn. Nó ngủ với mẹ, ngủ trên cái giường lớn tầng ba. Lúc này, trong nhà có thêm vài thứ đồ gỗ kê kín chỗ, nhưng đều là đồ gỗ nhẹ, kiểu cách cũng đơn giản, nước sơn mới, tỏ rõ gia cảnh sa sút. Cây ngô đồng ngoài cửa sổ đã rất um tùm, mẹ lại thích kéo kín rèm che ánh sáng, nên trong phòng có cái vẻ tối mờ, kín đáo. Buổi sáng nó nằm trong chăn nhìn mẹ dậy. Đầu tiên, mẹ khoác lên người cái áo lụa thêu hoa, tóc vẫn cuộn lô, ngồi trước bàn phấn, hút thuốc. Khói thuốc tan dần vào ánh nắng ban mai xuyên qua lớp rèm cửa sổ trông như trong suốt. Hút hết điếu thuốc, mẹ đứng dậy, đến bên cái giá đặt chậu nước rửa mặt, rồi ngồi lại bên bàn phấn, gỡ những quả lô trên tóc. Minh Minh uốn tóc ngắn, lượn sóng trước trán, rẽ ngang, tóc hơi mỏng, buông xuống tai, nhìn đằng trước như vấn tóc, ngọn tóc hơi quăn, cuộn vào phía dưới tai. Đôi hoa tai ngọc trai thay cho ngọc phỉ thúy. Minh Minh thoa một lớp phấn mỏng lên mặt, kẻ mắt, tô chút son môi, ngắm mình trong gương, sau đấy đứng dậy thay đồ. Cô cởi cái áo khoác lụa, trút bỏ chiếc áo ngủ cũng bằng lụa lên giường, đống áo sáng một vùng. Trên người, nịt vú và quần lót trễ tràng. Minh Minh có vóc người đầy đặn, đang ở vào thời kỳ chuyển hóa, từng tấc cơ thể đều mang dấu ấn của tuổi trẻ và tuổi già giao hòa, tỏa sức sống căng đầy kỳ lạ. Cô cẩn thận cài nịt bụng, rồi đi đôi tất tơ. Phải cẩn thận đừng để móc vào sợi tơ, cẩn thận không để tất chệch khỏi gót. Sau đấy, nhẹ nhàng mở tủ lấy áo quần, tính xem nên mặc bộ nào. Lúc này Minh Minh quấn trong lớp tơ lụa trong suốt, giống như một cái kén khổng lồ, trông rất lạ. Cuối cùng thì chị cũng chọn được một chiếc, lấy ra, mặc lên người, đứng đối diện với khoảng tối của cái tủ đang mở, thong thả cài cúc, bắt đầu từ nách cài xuống, rồi từ nách cài lên trên, sau cùng là cúc cổ. Lúc này trông Minh Minh có phần duyên dáng yểu điệu, đi vào đôi giày cao gót, soi vào gương trước bàn phấn, hơi khom người, cài lên cổ áo một cái ghim hình bầu dục màu hổ phách có vân gỗ. Trên tay quàng chiếc áo khoác len cashmere mỏng, tay kia cầm ví đầm gắn những hạt kim cương lóng lánh, rồi chị bước ra khỏi căn phòng mờ tối.
Hiểu Thu vẫn nằm trên giường, nó ngửi cái mùi từ nhà bên cạnh bay sang, mùi khói lẫn mùi son phấn. Nó không cảm thấy lợm giọng, ngược lại thấy dễ chịu, cái mùi ngầy ngậy trẻ con thèm ăn. Nó muốn ngủ thêm một giấc nữa, đến lúc tỉnh dậy, nắng đã tràn lên tấm rèm cửa sổ, từ màu tím đỏ chuyển sang màu vàng rực rỡ. Bên ngoài cửa sổ ồn ào hơn, tiếng tàu điện chạy qua, tiếng những nhân viên bán hàng đang tập thể dục buổi sáng trên vỉa hè, học sinh tiểu học ở một trường gần đấy ra chơi sau tiết học thứ nhất, đang đùa vui trong vườn hoa. Chị giúp việc lên gác, chị đã thu dọn cho hai đứa lớn, ra chợ mua thức ăn, ngâm áo quần cần giặt giũ. Chị đẩy cửa bước vào, lập tức cau mày, thậm chí đưa tay lên bịt mũi, bước nhanh đến mở rèm cửa sổ. Những mảnh nắng từ tán lá ngô đồng tràn vào, căn phòng bừng sáng, những vết bẩn trên gối: nước dãi trẻ con, mồ hôi đầu người lớn, khăn trải giường nhăn nhúm, chăn dồn thành đống, lại cả đống áo ngủ bằng lụa dưới ánh nắng cũng mất đi cái vẻ óng ánh của lụa. Bé Thu chừng như không mở nổi mắt, nó chớp chớp nhanh, trông thấy một phụ nữ đang dọn phòng. Chị đem đổ chậu nước rửa mặt, đóng cửa tủ, treo đồ ngủ lên mắc áo, rồi giục bé Thu dậy mặc nhanh áo quần, để chị thu dọn chăn đệm trên giường. Mặt chị đăm đăm, môi bĩu ra. Chị Diêu giúp việc có quan niệm rất kỳ lạ về đạo đức, chị chấp nhận sai lầm của người đàn ông, rất thông cảm với anh, nhưng với đàn bà thì lại không thế. Chị cho rằng, phụ nữ sống không nghiêm túc đã là phạm sai lầm lớn, vậy mà giữa ban ngày ban mặt còn sinh ra một đứa trẻ không biết bố nó là ai. Chị rất thô bạo với đứa bé, tỏ thái độ khinh thường ngay trước mặt mẹ nó. Rất may, bé Thu không ngủ cùng, chị tránh phải tiếp xúc với da thịt nó. Sở dĩ chị còn ở lại mà không bỏ đi là vì hai đứa trẻ lớn kia, chị nuôi nấng chúng khôn lớn, vào lúc gia đình khấm khá, đứa trẻ được hưởng phúc, tất nhiên tạo nên nhiều đức tính tốt đẹp. Chị rất bằng lòng. Hai đứa trẻ giống bố, khuôn mặt xinh xắn, cặp mắt thanh tú, da trắng, tính tình cũng dễ chịu, dịu dàng. Biến cố gia đình hình như không ảnh hưởng gì đến chúng, vì trước kia chúng không ở với bố mẹ. Chúng ở với chị giúp việc, cuộc sống không mấy thay đổi. Với đứa em gái, xem ra chúng không thích mà cũng không có gì tỏ ra ghét bỏ, chúng vẫn chơi những trò chơi trước kia, vẫn sống như trước kia. Cậu con trai rất thích đồ chơi, lúc gia cảnh khấm khá, bố mẹ mua cho nó nhiều đồ chơi, chủ yếu là tàu thủy các loại. Cô con gái có sở thích khác, thích truyện tranh, chưa biết chữ nhưng đầy một tủ truyện tranh. Ý thích của hai đứa không làm phiền gì đến người lớn, đấy cũng là một trong những nguyên nhân chị quý chúng. Vào lúc này vẫn chưa nhìn ra, đằng sau sự thản nhiên quá mức của chúng trước những biến động, phải chăng đang ẩn giấu một tính cách lạnh lùng? Tính cách ấy có bao nhiêu phần di truyền tính cô độc của người bố và có bao nhiêu phần được tạo nên bởi chúng không được bố mẹ chăm sóc chu đáo?
Hiểu Thu không giống anh chị, chừng mực nào đấy nó giống mẹ, vầng trán, khuôn mặt và đôi mắt. Mắt nó cũng hơi cong lên nhưng không dài, mà là hình hạnh nhân, mí mắt dày, giống như mắt Thánh mẫu trong những bức tranh nghệ thuật thời Phục Hưng, to, tròn, hơi lồi, nhưng đuôi mắt hơi vểnh lên, tạo thành đường cong. Khuôn mặt cũng đầy đặn như mặt mẹ, làn môi rất nét, môi trên hơi cong, nhưng không mỏng, mà hơi dày. Tóm lại, bộ phận nào cũng giống, nhưng không hoàn toàn giống mẹ, không giống ở chỗ tất cả như đậm đà hơn, đẹp hơn. Ngoài ra, không giống ở chỗ, nó có mái tóc quăn tự nhiên. Tóc ấy thường khô và ngả vàng, nếu không chải cẩn thận sẽ bị rối. Các đường nét trên khuôn mặt đều rõ ràng, phần nhiều lặp lại của mẹ. Nước da màu vàng cát, thoáng nhìn không mịn, không giống gương mặt non tơ trẻ con. Lúc này nó bị chị giúp việc đuổi xuống giường, đang đứng mặc áo quần trong góc nhà, cái áo nhung tăm mặc ngoài áo kẻ ô, quần ka ki màu xanh đeo dải. Thật thương, nó không làm sao với được dải quần ra phía trước một cách thẳng thắn, nếu không bị chéo thì cũng bị xoắn lại, hoặc không phải vòng qua vai mà từ nách luồn lên. Nó vừa bận với việc của mình, vừa phải đối đáp với chị giúp việc. Nó không thể hiểu nổi những người và việc trước khi nó ra đời, nhưng qua những lời càu nhàu của chị giúp việc, nó biết chị không bằng lòng: không bằng lòng với không khí trong căn phòng, chiếc áo ngủ treo lên mắc lại bị tuột xuống, đầu mẩu thuốc không bỏ vào gạt tàn mà vứt trên sàn nhà, chậu rửa mặt thì cáu bẩn. Bé Thu phản kích rất chính xác: mùi không khí trong phòng là do bác thở ra, cái áo rơi xuống chỉ trách bác treo không cẩn thận, đầu mẩu thuốc trên sàn nhà thì nhặt lên, chậu rửa mặt cáu bẩn ... vậy cần bác làm gì? Những câu nói ấy tuy đều là nó nghe mẹ vẫn trách chị giúp việc, nhưng một đứa trẻ chưa đi học mà biết đối đáp như vậy cũng đáng nể lắm. Có lúc chị Diêu quên mất tuổi tác của mình, cãi nhau với một đứa bé quả là rất bực mình, chị phải tìm cơ hội trả thù. Ví dụ, khi chải đầu chị làm đau da đầu nó. Tất nhiên, chải cho mái tóc của nó suôn thẳng cũng không dễ. Nhưng bé Thu cố chịu đau, biết rằng mình đang ở trong tay người khác thì không thể muốn thế nào cũng được. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong bàn tay người giúp việc khó tính, hay cáu gắt.
Cuối cùng thì mái tóc quăn cũng đã được tết gọn, buộc chặt, làm cho đuôi mắt vốn dĩ hơi vểnh lên lại càng vểnh cao hơn, chân tóc có những chấm đỏ. Lúc rửa mặt, cái khăn mặt suýt nữa thì bóc mất một lớp da, sau đấy nó ăn cháo, tay cầm nửa cái quẩy, chạy vội xuống nhà, ra phía sau ngõ chơi.
Mặt tiền tầng dưới dãy nhà trong ngõ, là cửa hàng, từ cửa sau có thể trông thấy bên trong quầy hàng. Điều ấy giống như nhìn trộm, đám trẻ trong ngõ rất thích như thế. Để giữ đặc quyền, chúng không cho trẻ con ngõ bên cạnh sang đây chơi. Bé Thu có cái may mắn không những được trông thấy phía sau quầy hàng, lại còn có thể vào đấy đứng một lúc. Thật ra, nếu đứa trẻ nào mạnh dạn như nó thì cũng chẳng khó, nhưng đa số trẻ con, nhất là ở cái tuổi nhỏ như nó đều rụt rè và bẽn lẽn, gặp ánh mắt người lớn ngăn cản sẽ không dám mạnh dạn tay chân. Nhưng bé Thu thì không. Người lớn nhìn nó, nó nhìn lại. Ánh mắt người lớn tỏ ra nghiêm khắc, nó cười. Nụ cười của nó rất khác thường, đúng là có gì đó khác thường, làm thay đổi bộ mặt u uẩn, những đường nét rối rắm thoắt cái trở nên có trật tự, biến thành một đóa hoa. Ánh mắt người lớn dịu lại, nó bước vào. Những cửa hiệu này nhìn phía trước chẳng có gì đặc biệt, chỉ bán giày dép, chiếu cói, vật dụng thường ngày, vải vóc, trong đó còn có hàng bán sách cũ. Cửa hiệu sát mặt đường, bộ mặt già nua cũ kỹ, song rất ngăn nắp tề chỉnh. Nhưng ở phía sau mới thấy mỗi cái một vẻ. Gian trong sau quầy thường là chỗ để hàng, cùng một loại hàng hóa chất đống, tỏa mùi nặng nề, giày dép mùi da, chiếu thì mùi tanh của cói, vải vóc mùi hồ, quầy bách hóa nói chung không có mùi gì khác thường, nhưng nhân viên bán hàng đem cơm trưa đi, nên có mùi thức ăn. Thức ăn đựng trong cặp lồng nhôm hoặc bát sứ, để trên giá ngăn gian sau. Những gian nhỏ này không chỉ chất hàng hóa, mà còn là phòng cho nhân viên bán hàng để đồ, thay áo, nghỉ giải lao. Gần trưa, những cặp lồng hoặc bát sứ đựng cơm sẽ do một nhân viên bán hàng đưa sang hấp nhờ bếp tập thể của một trường tiểu học ở hẻm gần đấy, rồi đem về. Cũng có nhân viên ăn nhờ ở bếp trường học, đến giờ ăn thay nhau đi ăn. Chừng như người của mỗi cửa hiệu đều có cách ăn riêng. Người bán ở quầy bách hóa thì đem cơm đi, người bán vải thì ăn nhờ bếp tập thể, còn người ở hàng bán chiếu thì sao? Họ sang bên kia đường cùng ăn với những nhân viên ở cửa hàng bán bát đĩa. Cái quầy bán sách cũ, bình thường chỉ có một bác già, bác đốt một nắm than quả bàng trong cái lò nhỏ, tự nấu lấy. Gọi là nấu thật ra chỉ đun nước, nước sôi, cho cơm nguội vào quấy đều, sôi một trào, coi như được món cháo trắng. Nhà gần đấy có bếp lò chuyên nấu nước sôi bán cho bác nấu nhờ, nhưng bác cứ nhất định nhóm lò của mình. Mặt trước là cửa hiệu, đằng sau quầy hàng tựa như từng nhà, nhà nào có nếp sống và vẻ riêng biệt của nhà ấy, hơn nữa, chính xác là, người từ mỗi cửa hiệu bước ra, giống hệt như người trong một nhà. Người hàng bán chiếu nói tiếng Ninh Ba, nữ nhân viên thì chanh chua, vẻ mặt lạnh nhạt. Nhân viên bán giày dép trông có vẻ mốt, nam chải đầu rẽ ngôi giữa, nữ uốn tóc. Người bán vải thì lớn tuổi hơn. Ông già bán sách một mình một cõi, lặng lẽ đi lại.
Bé Thu chạy từ nhà này sang nhà khác. Nhân viên bán hàng biết chuyện về nó qua những câu chuyện của hàng xóm ở gần đấy, đó cũng là nguyên nhân họ cho nó vào trong quầy chơi. Nói chung, con người rất thích chuyện lạ. Họ nhìn bé Thu, nghĩ đến cuộc đời kỳ diệu của nó, rồi đưa ra đủ thứ phỏng đoán. Chỉ vì kinh nghiệm có hạn, họ cũng không đoán ra được điều gì. Họ đem những chuyện không liên quan ra hỏi nó: Mẹ đi diễn kịch có đưa cháu đi không? Mẹ trang điểm có đẹp không? Cái áo mới này mẹ may cho từ lúc nào? Họ không đề cập đến chuyện nhạy cảm, đó là tấm lòng đôn hậu, hiểu biết, đứa bé có chuyện lạ đang ở trước mặt đã là điều hạnh ngộ của con người rồi. Hơn nữa, nó thật đáng yêu, hỏi đâu trả lời đấy, không làm ai thất vọng, tất cả đều vui. Các cô bán hàng rất thích nói chuyện với nó, kết quả đã luyện cho lời ăn tiếng nói của nó thêm sắc sảo. Nó có cái giọng hơi khàn của mẹ, nhưng không được đến mức như mẹ, cho nên nếu học ca kịch cũng sẽ khó khăn, ai cũng bảo thế. Nhưng điều ấy không trở ngại đến mồm miệng lém lỉnh của nó, nhả chữ rõ ràng, người nào cũng bảo nó biết nói trước khi biết ăn. Mọi người cũng thích cái vẻ hoạt bát của nó, nó chạy nhảy lăng xăng, tay chân chuyển động nhịp nhàng, trông rất đáng yêu. Rõ ràng nó học được ở mẹ, trông nó bước lên mấy bậc thềm cũng rất ra dáng. Thậm chí, bị trượt chân, chao nghiêng, người ngả về phía sau thành hình vòng cung mềm mại, nó gượng ngay lên, đứng thẳng, nét mặt vẫn bình thản. Trong con mắt nhỏ bé, nó biết mọi người quý nó, cho nên nó phải trả ơn mọi người. Nó có gì để trả ơn? Chỉ có những lời lẽ đáng yêu và những trò vui gây bất ngờ cho mọi người. Có khi, nhân viên bán hàng đưa nó sang nhà ăn trường tiểu học đi hấp cơm. Trường tiểu học này ở trong một con hẻm chỉ cách đấy vài số nhà, thật ra đi trong ngõ cũng được. Nó theo nhân viên bán hàng bưng một khay đầy hộp cơm, chạy lon ton trên con đường rải sỏi, qua một khoảng đất trống, rẽ vào con hẻm chỉ vừa một người đi. Con hẻm chật hẹp, nhiều người ngại ra vào, vang lên tiếng chân hai người một lớn một nhỏ. Dưới con mắt của nó, tường hai bên hẻm rất cao, cao đến trời. Cuối cùng thì cũng qua hết con hẻm, đã nghe thấy tiếng hô tập thể dục của học sinh. Thoáng nghe, tưởng như có thiên binh vạn mã, vừa rồi trái tim bị dồn nén, lúc này lại chấn động cả lên. Đúng là một chuyến đi xa trập trùng gian khó! Nhà bếp tập thể của trường học mờ mịt khói trắng, cái bếp lò ốp gạch sứ cao hơn đầu nó, hơi nước mù mịt, nên tiếng nói chuyện nghe cứ oang oang. Có người hỏi nhân viên bán hàng nó có phải là người nhà không, trả lời không phải, lại có người nói tại sao giống nhau? Mọi người cùng cười. Có bàn tay cho vào lồng hấp, lấy ra một cái bánh bao đưa cho nó, sợ nó bỏng tay, cái bánh được xiên vào một chiếc đũa. Nó vô cùng cảm kích, mới lớn bằng này mà đã được quà biếu, nó ra về rất vui. Cho dù đang lúc vui vẻ, chỉ cần anh hay chị nó bước vào ngõ, nó lập tức xịu lại. Anh chị nó đều phải đeo kính cận, đều là học sinh ngoan, chuyện này thì khác với bố chúng. Chúng có cái vẻ lạnh lùng của người có học. Chúng vào ngõ, không nhìn ngang nhìn ngửa, đi thẳng lên gác. Chỉ cần anh chị nó đi như thế, lập tức nó im lặng, tiu nghỉu, rõ ràng nó sợ anh sợ chị. Lúc nó nghịch hơi quá, có ai đó kêu lên: anh đến kìa, chị đến kìa, tuy chỉ là dọa, nhưng cũng làm nó cụt hứng, không đùa nghịch nữa. Nhất là với chị Diêu giúp việc, chị nói: bác mách anh mày nhé! Nó lập tức bĩu môi, tưởng chừng như bật khóc, đứng chắp hai tay sau lưng dựa tường, trông ỉu xìu.
Tất nhiên nó đã bị anh đánh. Chẳng qua chỉ là cái tát hoặc thụi. Ở nhà người khác, đứa lớn đánh đứa bé còn dữ hơn. Nhưng kiểu đánh như anh nó, khiến người ta phải lạnh gáy. Mặt tỉnh bơ, mắt không ngước lên, không nhìn đi chỗ khác, đánh nó một cái. Có lúc tát vào mặt, có lúc đánh vào đầu, có lúc đấm vào ngực. Cú đánh không quá nặng, nhưng rất ác. Vì vậy nó rất sợ anh, nó cũng biết chị giống anh, cho nên sợ cả chị. Hơn nữa, nó cũng biết, chuyện này không giống với việc cãi nhau với bác Diêu, chắc chắn không được mẹ giúp đỡ. Đã có lần, chị giúp việc mách với mẹ nó: hôm nay không ngoan, bị anh đánh. Vậy là, người bị mẹ đánh là nó chứ không phải là anh. Câu trả lời của mẹ là, cho đánh. Mẹ đánh, nó không sợ. Tuy mỗi lần như thế, mẹ đều rất giận, không nhẹ tay. Nhưng cũng lạ, chưa bao giờ mẹ đụng ngón tay vào anh chị nó. Nó không thân với anh chị, nhưng anh chị lớn lên, nó lại rất tôn trọng, lễ phép. Anh chị thì lạnh như băng, khiến nó nhìn anh chị rất cao, cao hơn nó. Giống như những người làm nghệ thuật, mẹ nó khiêm tốn có phần tự ti. Nhưng với đứa nhỏ này thì mẹ nó đánh mắng nhiều. Dường như, cũng không có nguyên nhân nào đặc biệt, so với hai đứa lớn thậm chí mẹ nó còn không thích nó nhiều hơn. Mẹ không thích cái lém lỉnh nhanh mồm nhanh miệng của nó, không thích cái tính hoạt bát vui vẻ, không thích dáng người cân đối mềm mại của nó, không thích nó cười quá tươi. Mẹ rất hay đánh mắng, ở một mức độ nào đấy, nó là chỗ để mẹ trút giận. Mỗi lần sự việc đến nước cùng, bị mẹ đánh, nó khóc nức nở. Mẹ mặc kệ, một mình nằm hoặc ngồi hút thuốc, khói thuốc ngột ngạt căn phòng. Nó hít hít, cảm thấy dễ chịu, rồi không khóc nữa. Chờ cho mẹ nằm xuống, quay lưng lại, nó chỉ dám chạm nhẹ đến tà áo mẹ. Cái áo lụa trơn bóng, lành lạnh cũng làm cho nó cảm thấy dễ chịu. Vậy là, nó yên tâm lại, dần dần còn cảm thấy hạnh phúc. Trong phòng tắt đèn, đèn ngoài đường phố in bóng lá ngô đồng lên tấm rèm cửa sổ, bóng lá đan chéo lộn xộn, khiến nó cảm thấy vui vui. Hai mẹ con cùng chìm vào giấc ngủ.
Có lúc nó được mẹ đưa đến nhà hát. Hai mẹ con ăn cơm sớm, ba bốn giờ chiều đã đi rồi. Ngõ vẫn ngập nắng. Nó được trang điểm, được mẹ dắt tay, hai mẹ con vui vẻ ra khỏi ngõ, đi xe buýt. Mẹ con đi qua cửa hiệu tầng dưới, các cô nhân viên bán hàng trông thấy. Nắng chiều chênh chếch, trang phục tươi màu, trông rất đẹp. Một cô bé đi với mẹ, rất có cảm giác yên bình, nó không nhìn ngang nhìn ngửa, tưởng như xưa nay không quen biết dãy cửa hiệu này và các cô nhân viên bán hàng ở đây. Lúc này cũng là giờ tan học của học sinh tiểu học, từng tốp học sinh trên đường về nhà, nhưng hai mẹ con lúc này mới ra ngoài. Xe chạy dưới tán lá ngô đồng, một lần nữa nó trông thấy cái cửa sổ quay ra phố của nhà mình, cả cái cửa hiệu kia nữa, thậm chí thấy một nhân viên bán hàng đang nhìn ra đường, tưởng đâu nó có thể gọi tên người kia. Nhưng, tâm trạng kiêu hãnh giữ lấy nó. Xe từ từ chạy khỏi cái nơi quen thuộc vào một khu phố xa lạ. Vài lần nó nhìn sang bên, chỉ thấy bóng nghiêng của mẹ. Nó quay nhìn ra ngoài cửa xe, hình như giống nó, mẹ cũng bị phong cảnh bên ngoài thu hút, lại vừa như hoàn toàn lơ đễnh. Theo nó, chuyến xe này chạy khá lâu. Lúc xuống xe, đứng lại bên đường, xem ra ở đây náo nhiệt hơn nơi xuất phát, người và xe chen nhau, nắng đỡ chói chang hơn. Đường phố ở đây khá hẹp, bị nhà cửa hai bên kẹp chặt, dây điện chằng chịt trên đầu, từng đàn bồ câu bay lượn, đông đúc, ồn ào. Hai mẹ con đi một quãng, rẽ vào con phố chật hơn, đẩy một cánh cửa khép hờ, bước vào phía sau sân khấu nhà hát.
Một luồng hơi lạnh ập vào mặt, trước mắt bỗng tối om, có tiếng chào hai mẹ con. Nó nghe thấy tiếng mẹ trả lời, giọng mẹ nhẹ nhàng, lời nói thân tình. Nó quay lại nhìn người vừa chào hỏi. Lúc này hai mẹ con đã vào đến phòng hóa trang, phòng có đèn nê ông. Một căn phòng lớn, dãy bàn phấn chia cắt thành những lối đi. Chưa đông lắm, nhưng cũng đã có đến một nửa hoặc hai phần ba số người. Tất cả còn chưa hóa trang, chỉ ngồi nghỉ hoặc đi lại. Có người bày một bữa tiệc nhỏ trước bàn phấn, giấy dầu, nắp hộp cơm đựng cá rán, xúc xích, thịt gà, rượu màu đựng trong hộp cơm, đèn cồn đốt lên, hơi nóng nghi ngút. Người kia đưa cho nó một khúc lạp xường, nó vừa ăn, vừa đi lại giữa các bàn phấn, nhìn những hộp phấn son, lọ vaseline, dây buộc tóc, cuộn tóc giả... để trên mặt bàn. Mẹ để nó tự do đi lại, không trách móc gì. Đến đây, tâm trạng mẹ trở nên thoải mái, thậm chí vui vẻ. Mẹ ngồi trên cái ghế xếp trước bàn gương, chân bắt chéo, hút thuốc, thỉnh thoảng lại nhón chút thức ăn ở bàn bên, cho vào miệng nếm thử, rồi khen hoặc chê, hoặc quảng cáo cho một nhà hàng bán đồ ăn chín ở đường phố nào đấy. Mẹ nghiêng đầu tránh thức ăn trên mặt bàn, nhả khói vào không trung, động tác có phần nghịch ngợm, chưa từng thấy ở nhà. Một người đến đùa vui, bảo người đang mở tiệc uống ít rượu thôi, đừng để vướng cái lưỡi. Mẹ nói: tuyệt lắm, đọc thêm đoạn vè líu lưỡi. Có người nói: không phải líu lưỡi, mà là nói lắp... Mẹ rất vui, mẹ được mọi người hoan nghênh. Mẹ hút hết điếu thuốc thì bữa ăn ở bàn bên cạnh cũng đã xong, có thêm mấy người nữa đến. Mẹ đứng dậy, đến trước mặt một người, đặt cả cây thuốc lên mặt bàn, nói: thầy Hà, xin biếu thầy. Thầy Hà tỏ ra hăng hái nhiệt tình, lấy ra một bao ngửi ngửi, rồi để xuống, soạn sửa cây nhị, bôi nhựa thông lên cần nhị. Mẹ trở về trước bàn, bắt đầu hóa trang. Nó thấy mẹ trong gương, nét mặt mẹ rất có thần thái, mắt long lanh, hai má đỏ hồng. Nhưng khuôn mặt nhanh chóng bị một lớp phấn che phủ, trở thành mặt nạ. Có người dạy nó một câu hát, nó học rất nhanh, ai cũng bảo, để nó học, bảo đảm sẽ biết diễn. Mẹ nói, cái giọng khàn khàn, hát không lên nổi. Có người nói: giọng chị khàn, chả tốt là gì? Mẹ nói: tớ khàn, nhưng có thủy âm, nó không có. Đang tỏ ra đắc ý, mẹ lại nói thêm: tớ thì tốt lành gì? Giọng thoáng buồn, nhưng vẫn hiên ngang. Cho dù giọng nó khàn hay không, với một đứa trẻ không sợ lạ, dạy là biết, mọi người vẫn thích. Cho nên, có một vở diễn, cần có vai trẻ con, nó tự nhiên được lên diễn.
Nó không biết tên vở diễn, diễn tình tiết nào, nó chỉ khoác cái áo trắng, trong túi áo nhét đầy bỏng rang, đứng ở góc sân khấu, sau đấy mẹ vỗ lên vai nó, nó vừa nhét đầy một mồm bỏng rang, vừa bật khóc to, ra sân khấu, đi qua, vào phía bên kia cánh gà, coi như xong vai diễn. Tuy đơn giản, nhưng dưới kia người xem đông đúc, đừng nói gì trẻ con, người lớn lần đầu ra sân khấu cũng phải run. Cho dù có diễn hay không nó vẫn thích đến nhà hát. Thích ở đấy đông người, ồn ào, mẹ vui vẻ, có thể coi là người mẹ dịu hiền. Tan buổi diễn, mẹ tẩy trang, hai mẹ con lại ra về. Tuy mẹ không hoạt bát như ban nãy, mà trầm lắng, song có thể nhận ra mẹ đang rất bình tâm. Mẹ bình tâm khiến nó giữ được niềm vui vừa rồi. Mẹ đưa nó vào một con hẻm, ăn mì vằn thắn trong một hàng ăn nhỏ. Nhà hàng chật chội, thật ra đã lấn chiếm một khoảng trống của con hẻm vốn đã rất hẹp, chỉ kê được ba cái bàn nhỏ, bếp lò để sau cửa, lửa lò hắt ánh đỏ lên tường. Trong ánh lửa đỏ, mẹ ngồi hút thuốc, khói thuốc cũng trở nên đỏ, một màu đỏ nhòe nhoẹt. Mẹ hút xong điếu thuốc, mì không nóng lắm nữa, nó đã ăn hết nửa tô mì, mẹ ăn xong rất nhanh, phải chờ nó húp nốt nước mì hầm xương cho thêm trứng và hành hoa. Mẹ gọi nó một tiếng rồi đi ngay. Để có thể húp hết nước mì, nó phải học cách ăn nóng. Nó thường ngủ gật trên xe buýt, mẹ phải đánh thức để xuống xe, lôi nó đi một quãng đường từ bến xe về nhà, lên gác, vào phòng, cuối cùng cũng nhìn thấy căn phòng trong ánh đèn vàng rồi mới ngủ tiếp.
Nó diễn kịch cho đến năm lớp bốn tiểu học. Lúc nó bắt đầu đi học, gặp những hôm phải diễn, mẹ cho nó hai hào, coi như tiền xe buýt và tiền ăn bữa tối. Hồi ấy, mẹ hưởng ứng lời kêu gọi tự nguyện giảm tiền lương của chính phủ nhân dân, nâng thân phận bèo bọt lên địa vị chủ nhân. Nghệ sĩ đều là những người trọng nghĩa, cái gọi là “giọt nước tri ân, lấy dòng suối đền đáp”, chỉ cần chính phủ hô hào một tiếng, không bao giờ họ từ chối. Thế nên, chi tiêu trong gia đình không khỏi eo hẹp. Mẹ không phải là người biết tính toán, nhưng là người biết giật gấu vá vai. Mẹ thôi nuôi người giúp việc, trong hai đứa con, thằng lớn thi được vào trường trung học nội trú, đứa con gái dù sao dễ chăm nom hơn. Đứa bé nhất đã lớn, không thích ngủ với mẹ, từ trên tầng ba dọn xuống tầng hai, ngủ cùng giường với chị, vốn là nơi chị giúp việc ngủ. Cái giường của anh vẫn để nguyên, thứ Bảy Chủ nhật anh về ngủ. Chị đối với em không khác gì thái độ của chị giúp việc, lúc nào cũng nằm quay lưng với em. Đứa nhỏ muốn được chị vui, rất cẩn thận, nhận việc thu xếp chăn đệm và quét nhà. Hơn một năm sau, được lên lớp hai, nấu cơm cũng đến tay nó. Thậm chí, áo quần của chị cũng do nó giặt. Nó không kêu ca phàn nàn, trong thâm tâm, cũng lạ, nó xem trọng anh chị giống như đối với mẹ. Hình như, được làm những công việc cho chị là một vinh dự. Nhưng nó rất vui vào những hôm được diễn kịch, sau lúc tan học, nó đi thẳng từ trường đến rạp hát. Hình như nó không gặp may, không được học ở trường tiểu học nơi nó từng theo người nhân viên bán hàng đến hấp nhờ cơm, có cái nhà ăn rất to và sân tập rất rộng, mà phải học trường dân lập. Trường lớp phân tán trong nhà dân, tập thể dục ngay trong ngõ. Nó ra khỏi lớp học - thật ra đấy là gian phòng khách của một nhà kho. Nó đã quen với con ngõ chằng chịt phức tạp này rồi. Nó nhớ phải từ đâu đi xuyên đến đâu, khỏi phải đi đường vòng. Nó thuộc cả quang cảnh hai bên lối đi. Tất cả không làm nó mất hứng thú, nó đi, ngắm nhìn không biết chán. Nó đi xuyên qua các hẻm nhỏ, tuy mỏi chân một chút, nhưng tiết kiệm được ba xu trong bảy xu vé xe buýt, khiến việc chi tiêu của nó cũng rộng hơn. Nó quen một nhà ăn hợp tác, ở đấy có thể ăn được hai lạng mì xào, một tô mì thịt bò. Miệng nó gọi cô, bác ngọt xớt, các cô các bác bán hàng dần dần quen nó, tô mì của nó cũng đầy hơn, có thêm vài miếng thịt bò mỏng dính. Nhưng nó cũng không ngồi ăn đàng hoàng, như vậy hình như lãng phí, kể cả là tiền lẫn tự do. Cho nên, nó thường đổi tiền lẻ để mua cái ăn dọc đường. Cái ăn không phải chỉ có trái cây mà nó còn mua cả kem que. Tháng Chạp cuối năm rét buốt nhưng trẻ con vẫn thích ăn kem. Có lần, nó ăn kem lạnh quá, miệng đóng băng phải gỡ từng mảnh nhỏ, chảy không biết bao nhiêu máu, lúc hóa trang cũng khá phiền hà, bị mẹ tát cho một cái, nhưng được các cô khuyên can. Lần ấy nó được một bài học, từ đấy về sau rất cẩn thận với kem. Dọc đường nó ăn kem, mứt đào, kẹo, kẹo có nhân hạt thông những hai xu một chiếc, hơi đắt nên nó ít ăn, ăn hạt móng hổ, hạt dẻ cười, dưa, thậm chí là một túi bỏng. Nó còn phát hiện ra vài cách ăn khác thường, vừa nhai kẹo sữa mềm, vừa ăn lạc rang, tạo thành thứ kẹo lạc sữa, hoặc kẹp cây kem vào bánh mì, ăn như ăn kem. Tóm lại, khoản tiền bữa tối nó ăn đủ thứ. Có lần nó đi bộ đến nhà hát, để dành tiền xe buýt. Tất nhiên là đến muộn, nhưng cũng không muộn lắm, vì đến màn ba nó mới phải ra sân khấu. Nó thấy mấy diễn viên lớn tuổi cũng vậy, ngoài kia mở màn rồi nhưng trong này họ mới thong thả son phấn hóa trang, mặc áo quần. Nó vào hậu đài bị mẹ cho một cái tát. Không ai can, mà nói cô bé này phải dạy bảo. Nó đã thấy một diễn viên trẻ mới tuyển vào đoàn, đã học hai năm bậc trung học cơ sở, hơi kiêu, cho rằng mình không như lớp diễn viên lớn tuổi, lúc nào cũng đến muộn, kết quả bị lãnh đạo và sư phụ mắng đến phát khóc, lúc hóa trang thay đồ mắt đỏ mọng, lên sân khấu không thể hiện nổi tình cảm. Cho nên, từ đấy về sau nó không dám đến muộn. Dọc đường nó vừa ăn vừa đi đến nhà hát, vào thẳng hậu đài. Nó rất thích khoảng thời gian ấy trong ngày, cảm thấy mọi người đều nhìn mình, một đứa trẻ con mà có đặc quyền như vậy. Tuy ra vào nhà hát từ nhỏ, nhưng nó vẫn có tình cảm thiêng liêng đối với nhà hát. Nó cảm thấy ở đây thế giới chia làm hai, một trên sân khấu, một ở dưới, không nghi ngờ gì nửa trên sân khấu rất tuyệt vời, xúc động con tim.
Trên sân khấu có lúc nó chỉ đi qua, có lúc phải diễn suốt một màn, tuy chỉ làm một việc là nhảy dây; cũng có lúc phải nói vài câu: chú ơi, chú đánh rơi ví! Hoặc: bà ơi, qua đường phải cẩn thận! Nhưng vai diễn và lời thoại ấy là không thể thiếu. Có những hôm phải diễn thêm suất ban ngày hoặc đi diễn ở huyện ngoại thành, hai giờ chiều đã phải tập trung đông đủ, nó đành xin phép nghỉ học hai buổi. Tất nhiên nhà trường rất ủng hộ. Cái trường tiểu học dân lập này thấp hơn các trường khác một bậc, so với trường tiểu học ở gần đấy lại càng thấp. Bởi vậy, nhà trường rất coi trọng hoạt động nghệ thuật của cô học sinh này. Nhà trường còn cử cô giáo dạy bù những buổi nó buộc phải nghỉ học. Thầy giáo, cô giáo trường dân lập có thành phần phức tạp, phần lớn được tuyển chọn ngoài xã hội, có người là nội trợ gia đình, có người là thanh niên, có người làm việc ở các ngành khác nhưng vì ốm mà phải nghỉ việc, trình độ thường không cao, hoặc đã học sư phạm nhưng không phải là sư phạm tiểu học dạy học sinh nhỏ tuổi. Nói chung, những gia đình coi trọng sự học đều không muốn cho con vào các trường dân lập, thậm chí chấp nhận học chậm một năm để vào trường công. Học sinh của các trường dân lập phần đông là con em các gia đình bình dân, việc học của con cái thế nào cũng được. Thầy trò là vậy, không khí dạy và học cũng không nghiêm túc, các thầy trường chính quy đến dự lớp phải bật cười. Nhưng họ không cảm thấy như thế có gì là không tốt, ngược lại rất tự do, học sinh không bị sức ép nặng nề như ở các trường công. Thầy giáo đến dạy bù rất thích nghe nó nói chuyện nhà hát và diễn kịch, mà nó lại giỏi kể chuyện, bình thường nó vẫn nói chuyện với bạn học, thầy giáo nghe, nó phải kể hay hơn, vất vả hơn, để sinh hoạt ấy được hình dung có màu sắc, có âm thanh. Thầy giáo nghe rất hứng thú, rất muốn lập ra một ban kịch. Nhưng diễn kịch là việc khó, nên chỉ khuôn vào ca múa. Tất nhiên nó là vai chính kiêm đạo diễn. Nó học được ở phòng tập nhà hát mấy chiêu có thể đem ra dọa, thêm vào đấy chân và cơ thể được tập nhiều, các thầy tiến cử nó vào trường thể dục thể thao ngoài giờ dành cho thiếu nhi, nó được gọi vào học. Những sinh hoạt ngoài giờ của nó rất phong phú, hơn nữa, nó là nhân vật vô cùng quan trọng. Ở một chừng mực nào đó, đã cân bằng lại với cuộc sống nặng nề trong gia đình, khiến nó không trở nên rụt rè và thiếu cá tính. Những cư xử thô bạo rèn cho nó thêm cứng rắn, có thể chống chọi lại những ngang trái bất thường trong cuộc sống.
Bây giờ, nó cao hơn mẹ, khuôn mặt và đường nét ngũ quan cũng sáng hơn, sắc thái tươi tỉnh. Cái cơ thể và tay chân bé nhỏ của nó đã có da có thịt, càng tỏ ra mềm mại và cân đối hơn. Mái tóc nó cũng hình như mềm và suôn thẳng hơn, được tết chặt thành hai bím ngắn, bím tóc và tóc trên đầu có những ngọn xoăn ngắn dưới nắng trông như đội vầng hào quang rực rỡ. Không biết có phải được tôn thêm hay do tự nhiên, lông mày, lông mi, con ngươi của mắt và cả lớp lông tơ trên má, đều nổi ánh vàng ngả nâu. Nó mặc toàn áo quần cũ của chị mặc chật thải ra, nhưng không rách, đó là áo quần của chị khi gia đình còn dư dật. Cái áo nỉ màu xanh đậm, cái cổ lá sen đã sờn, một nếp nhăn trước ngực áo, cổ áo có hai cúc. Quần ka ki, túi đắp, mép túi viền đỏ trắng, ống quần có nẹp trắng đỏ như mép túi. Áo sơ mi trắng cổ lá sen, váy ngắn vải kẻ ô đeo dải, giày da cài ngang. Nó mặc những áo quần ấy không giống chị. Chị thì trắng trẻo, có phong cách thanh cao từ nhỏ, tóc cắt ngang tai, bồng bềnh đen bóng, không để xõa xuống trán, một bên cài cái cặp tóc màu đen, khuôn mặt sáng sủa; trang phục dù là kiểu nào khi mặc lên người đều rất trang nhã, đàng hoàng. Chị ngoan ngoãn lặng lẽ theo anh trai. Anh trai mặc quần soóc đeo dải, áo sơ mi trắng, tất cao đến đầu gối, giày da nâu, tóc dài bảy phân, chải gọn, để lộ vầng trán giống bố như đúc, tay cầm mũ lưỡi trai. Hai anh em ngồi xích lô đi xem phim. Trông hai anh em không như người từ một ngôi nhà trong ngõ áp mặt phố bước ra, mà giống như cậu ấm, cô chiêu con nhà tư sản. Mẹ chúng đã soạn sửa cho chúng đúng kiểu con nhà trung lưu, rất đáng yêu. Nhưng cũng để lộ chút gì đó khoa trương như đóng kịch. Cũng có lúc chúng đi xem mẹ diễn kịch, suốt buổi diễn chúng đều cau mày, không cười, chừng như không thích. Chúng tỏ ra không thích không khí phía sau hậu đài, chỉ ngồi một chỗ, có người đi tới nhìn chúng rồi nói, đấy là hai Hoa kiều hoặc hai người Nhật Bản. Có người sờ đầu chúng, chúng né tránh. Chúng rất ghét những hành động thô bỉ của cánh nghệ sĩ. Với lại, cũng ghét cả cái vẻ lăng xăng của mẹ giữa đám người kia. Thực tế thì chúng cũng ghét mẹ. Khi đã lớn hơn một chút, chúng không đến rạp hát của mẹ nữa, tính cách của chúng không hợp với nhà hát.
Hiểu Thu dáng bình dân, mặc áo của chị trông có phần diêm dúa. Nó đi, ngực hơi ưỡn ra trước, bụng thon lại, mông hơi cong, đầu ngón chân mạnh mẽ, dáng đi nhẹ nhàng. Vì người nó đậm đà săn chắc hơn chị, cho nên áo quần của chị ở độ tuổi nó đều hơi chật. Váy thì ngắn trên đầu gối hai ba phân, xòe như cái ô, áo thì ngắn ngang thắt lưng. Áo hở cổ tay, quần hở mắt cá chân. Cũng may, hồi ấy người nó chưa phát dục, vẫn còn hình dáng trẻ con, nếu không thì xấu lắm. Lúc này trông nó đầy đặn tươi tỉnh, lại hoạt bát nhiệt tình, ai cũng muốn nhìn, thấy nó xinh xắn, rất khác lạ, rất thú vị. Ở trường thể dục thể thao ngoài giờ của thiếu nhi, có thể nó hơi lớn và hơi nặng, nhưng lại rất mềm mại, chạy nhảy tốt, hơn nữa, có sức bật tốt, huấn luyện viên không nỡ loại. Nó mặc bộ đồ thể thao màu đen ôm sát người cũng đã nổi đường cong. Đứng trong hàng, những bạn khác trông như gà con mà nó thì đủ lông đủ cánh. Mẹ là người đầu tiên thấy nó trưởng thành. Lúc ấy, nó trong vai một đội viên thiếu niên tiền phong, một vai diễn có tên có họ, có cả lời thoại. Ra sân khấu nhiều hơn, nhưng nhiệm vụ vẫn đơn giản, vẫn là nhảy dây hoặc nhảy nhót một chỗ, hoặc vừa chạy vừa nhảy, vừa nhảy vừa chạy vào hậu đài, trong lúc nhảy có vài ba câu đài từ. Một hôm, nó đang nhảy dây ra sân khấu như thường lệ, mẹ đứng bên cánh gà, vừa thấy nó liền tát một cái, mắng: không biết xấu! Nó bị mẹ đánh quen, nhưng lần này thì nó ngớ ra. Nó không hiểu lời mẹ mắng, chỉ theo bản năng cảm thấy bị sỉ nhục, nước mắt trào ra. Mẹ lại mắng: mày còn khóc nữa à! Nó không kịp lau nước mắt, quay người tươi cười bước ra sân khấu. Nước mắt vẫn trên khuôn mặt, một giọt nước mắt chảy vào miệng, cảm thấy mằn mặn. Nó hết bực, thậm chí đồng tình với mẹ, ngồi trong bóng tối, người xem mờ ảo mơ hồ trước mặt. Nó diễn xong rất nhanh, nó biết, trong thế gian có một cuộc đời khác, hoàn toàn không giống với hiện thực.
Đó là vai diễn cuối cùng của nó ở đoàn kịch của mẹ, nó chỉ mới hơn mười tuổi mà người đã thoát khỏi hình dáng nhi đồng, không còn thích hợp trong những vai trẻ con trên sân khấu. Lúc này mọi người đã nhận ra, đằng sau cái cơ thể của nó đang dần hiện lên những nét đặc trưng giới tính. Ở một mức độ nào đấy, những nét đặc trưng ấy càng bị mẹ để ý săm soi. Có lúc mẹ vào ngõ, bắt gặp nó đang chơi với bạn học hoặc trẻ con hàng xóm, nhảy dây giơ cao chân về phía sau để ngoắc sợi dây chun bạn giơ cao tận đầu. Vì chân giơ cao, eo thót lại, ngực ưỡn ra. Mẹ tuy không mắng, nhưng nó biết mẹ sẽ mắng thế nào. Cho nên nó vội thu sợi dây chun, đi về nhà. Hình như mẹ rất ghét nó lớn lên, mà nó lại lớn vượt hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi. Cái giới tính chín sớm và nổi trội nếu ở một đứa trẻ khác có lẽ không gây sự chú ý, nhưng điều ấy khiến mọi người liên tưởng đến bản thân nó, một đứa trẻ không cha, con một nữ diễn viên. Thật ra thì hai điều ấy chẳng liên quan gì với nhau, nhưng trong cuộc sống của đám thị dân nghèo và tầm thường, liệu còn gì kích thích tưởng tượng chuyện trai gái hơn thế? Với lại, cũng đừng xem thường kinh nghiệm cuộc đời của họ, biết đâu hai chuyện ấy có liên quan với nhau. Cứ theo lý thuyết dân gian, cái tính trăng gió cũng là một thứ di truyền. Mà cái đứa trẻ này sớm hiện rõ giới tính, nên mọi người dùng hai chữ “trăng gió” để gọi tên.
Điều bí mật về thân thế của nó vào lúc này lại được mọi người nhắc đến. Trước đấy họ dường như đã bỏ qua. Vào đầu những năm năm mươi, sinh con không phải chuyện gì to tát, vẫn thường thấy là, bỗng nhà ai đó có tiếng khóc của trẻ con. Lại bỗng trong ngõ có thêm một người đàn ông to béo ra ra vào vào. Lúc này mọi người mới nhớ đến hoàn cảnh đứa bé ra đời: khoảng tháng Bảy, tháng Tám, mùa nước to, chị giúp việc xắn quần luồn sang ngõ bên cạnh, đến một phòng mạch tư nhân gọi bác sĩ đi đỡ đẻ. Vào lúc này mọi người mới phán đoán theo mấy mốc lịch sử. Chồng chị diễn viên vào tù năm 1951 khi phong trào “ba chống” bắt đầu, mà đứa trẻ này sinh sau đấy hai năm, tức là năm 1953, phòng mạch tư nhân đã giao cho nhà nước, vui mừng đóng cửa! Cho nên, họ khẳng định, hai năm sau ngày người mẹ ly hôn đứa trẻ này mới ra đời, vậy cha nó là ai? Nhìn nó, cái nửa không thuộc người mẹ quá rõ, hình như mang bóng dáng một ai đó. Những phỏng đoán ấy, thông qua cái nhìn của họ, thậm chí trực tiếp qua lời nói, truyền đến tai nó. Lúc bấy giờ, người lớn đối với trẻ con không có quan niệm bình đẳng, đứa bé lại luôn bị mẹ tát trước mặt người khác, càng mất đi sự che chở, mọi người không hề kiêng dè gì. Chưa bao giờ nó nghĩ đến bố, và anh chị nó cũng không có bố, cho nên cảm thấy không cần có bố. Lớn lên không có bố cũng không thấy thiếu, có bố, biết đâu có thêm người đánh nó. Trong con mắt nó, mọi người tồn tại là để dạy bảo nó. Bây giờ có người nhắc đến, buộc nó phải nghĩ, nhưng cũng không buồn nhiều. Những đứa trẻ lớn lên trong đám tiểu thị dân, đều có sức đề kháng đối với những lời bàn tán của mọi người, bởi vì xung quanh cứ râm ran, toàn những lời hạ thấp. Nói thì cứ nói, nhưng vươn mình thì vẫn vươn mình. Chẳng qua từ đấy nó tức vì câu chửi của chúng bạn: cái đồ không có bố mẹ dạy dỗ! Đây là câu chửi khá quen thuộc, có sức công kích bình thường, nhưng lúc này nghe như chĩa thẳng vào nó. Gặp những lúc như vậy, nó lập tức bỏ về. Nhưng chuyện xích mích trẻ con liệu kéo dài bao lâu? Chỉ mười lăm phút sau, hết bực, cái đứa vừa chửi lại đứng ở cầu thang gọi tên nó, nó vội chạy xuống.
Nhưng cũng có lúc, tất nhiên, nó cũng phải suy nghĩ: nếu có bố thì sao nhỉ? Bố của anh và chị đã xuất hiện. Một buổi tối thứ Bảy, nó đang rửa bát ở vòi nước, mẹ ở trong nhà nói chuyện với anh chị, anh chị không nói gì, một lúc sau mới nghe anh nói: con không biết người ấy! Mẹ đập bàn, nổi giận, nhưng rồi thôi ngay, mẹ hạ giọng: đấy là bố của các con! Chỉ nghe tiếng đụng ghế, anh bỏ ra cửa, vụt qua người nó như cơn gió rồi xuống dưới nhà. Anh vừa từ trường học về lúc chập tối, lúc này lại vào trường. Anh mặc không giống hồi nhỏ, cắt tóc ngắn kiểu học sinh, mặc đồ Tôn Trung Sơn màu xanh, trước ngực đeo huy hiệu Đoàn, đeo kính cận thị gọng nhựa trong, chỉ có đôi giày da đen là mô đen tàn dư của năm tháng cũ. Nhưng ít lâu sau, vì bị gắn biệt danh “giày của bố”, anh cởi bỏ đôi giày, quanh năm đi giày vải đen mõm tròn, đảo ngược truyền thống “canh độc” của dòng họ Úc. Sau mấy lần nói chuyện không đi đến kết quả nào, cuối cùng, anh dứt khoát không về nhà. Không còn cách nào khác, mẹ đưa chị và nó đi thăm người kia. Mẹ đưa nó đi hơi thừa, nó với người kia có quan hệ gì? Có khi có hay không có nó, người kia chưa chắc đã biết. Nó ở đó sẽ còn làm người kia khó xử. Chị đã là thiếu nữ, cũng mặc áo ka ki xanh, kiểu rất già, quần cũng cùng một loại vải, chân đi giày da lợn kiểu chữ đinh. Chị vốn ít nói từ nhỏ, lúc này càng tỏ ra nghiêm nghị. Tay chị cầm cuốn sách cuộn tròn, không phải để tỏ ra khác người, đó là mốt của nữ sinh thời bấy giờ, giống như tất cả cánh con gái xấu hổ khi đi với mẹ, chị đi lên phía trước. Mẹ dắt tay nó đi sau.
Địa điểm hẹn gặp là cổng sau một công viên rất xa nhà. Cổng sau công viên ở một con phố vắng vẻ, hai bên đường là những biệt thự kiểu Tây, trong đó cũng có những nhà cũ của những người có tên tuổi thời cận đại, cửa lớn cửa sổ đóng kín, nhà ẩn sau những lùm cây xanh. Cổng sau này ít người ra vào, thậm chí không giống cổng công viên, mà như lối vào khu vườn lạnh lẽo vô chủ. Dưới chân bức tường xây là vài cành lá rơi rụng, một đôi nam nữ đứng dưới bóng râm, người đàn ông là người chờ gặp họ. Buổi gặp mặt diễn ra trong những vòng đi bộ quanh thảm cỏ. Mẹ, chị và người ấy đi trước, nó và người phụ nữ kia đi sau. Nó và người phụ nữ là hai người ngoài không liên quan gì đến cuộc gặp mặt, nhưng lại là sự cân bằng tuyệt diệu cho mối quan hệ kia, có thể đấy là lý do để mẹ đưa nó đi. Người phụ nữ kia định dắt tay nó, nhưng nó né tránh, mà người phụ nữ kia hình như cũng vui vì không phải tiếp xúc với nó, chị ta mua cho nó cây kem rồi thôi không hỏi chuyện nữa. Người đàn ông kia thì không ngó ngàng gì đến nó, tỏ thái độ bình thản về sự xuất hiện của nó, thậm chí, với chị nó, đứa con gái của mình, cũng không tỏ ra vui mừng cần thiết. Tất nhiên, lần cuối cùng chị nó thấy mặt người kia là năm bốn tuổi. Thật ra, người ấy chỉ chú ý đến một việc, ấy là gặp người phụ nữ cùng sống hồi xưa. Còn mẹ, sở dĩ nhiều lần giục con gái đến gặp bố, cũng là muốn được gặp người đàn ông. Thoạt tiên, chị nó đi giữa, sau đấy đi bên cạnh, bước trên hàng gạch xếp thành hình răng cưa bên lối đi, tưởng như không liên quan gì đến hai người. Trông chị như người đi trên dây, hai tay dang ra để giữ thăng bằng, trông giống một bé gái, có gì đó đáng yêu, có gì đó cô đơn. Có hai lần, hai người bỗng đứng lại, quay mặt vào nhau, lời lẽ gay gắt, chờ hai người phía sau đi lên rồi mới đi tiếp. Còn chị thì cố đi lên trước, bỏ họ lại phía sau. Cứ vậy họ đi quanh thảm cỏ mấy vòng, chừng một tiếng đồng hồ, nó chỉ thấy bóng người đàn ông kia, gầy, mảnh mai, đáng lẽ trông mềm yếu, nhưng vì được rèn luyện trong lao động, xem ra gân cốt cứng cáp. Đến khi kết thúc cuộc gặp mặt, năm người đến gần nhau, không biết vì bối rối hay cố ý, người kia nắm tay chị phụ nữ, lại thành nắm nhầm tay mẹ, mẹ gạt ra. Nó thấy những thớ thịt trên mặt người đàn ông co giật, cảm thấy người ấy thật đáng thương. Đi gặp bố của anh và chị, nó càng cảm thấy có bố hay không đều không quan trọng.
Nhìn chung quanh, nếu để được chọn bố, thì ý nó sẽ chọn một người mà mẹ vẫn gọi là “thầy Hà”, một người kéo đàn đã lớn tuổi. Người này không như những người khác hay đùa vui với nó, mà tỏ ra rất nghiêm. Một hôm, ông gọi nó đến hát, đầu tiên hát một đoạn “Than Hoàng”, rồi hát một đoạn “Kim Lăng tháp”, hát xong, ông treo cần đàn lên, nói một câu: cháu phải chăm học nhé! Ý muốn nói đứa trẻ này không hát kịch được, tốt nhất là đi học đi! Nó cảm thấy bố phải là người ít nói, không xem thường nó, hơn nữa phải được mẹ tôn trọng. Vậy nên, suy cho cùng, nó vẫn không có khái niệm về bố. Vậy là, đối với những lời bàn tán về bố nó chỉ biết nghe và chịu đựng. Mà những lời bàn tán ấy sau một thời gian cũng lặng đi. Thứ nhất, chẳng có thêm gì mới để nói; thứ hai, sức dung nạp to lớn của cuộc sống thực tại. Những người bàn tán vẫn ở trước mắt, vẫn ra ra vào vào, những chuyện vặt vãnh hàng ngày cũng mất đi tính chất ly kỳ, biến thành một người lẫn trong số đông. Cho nên, câu đố về thân phận của nó tuy là bí mật công khai, ai cũng biết, nhưng trên thực tế thì không vì thế mà nó bị kỳ thị, bản thân nó cũng không vì thế mà cảm thấy bất hạnh hơn người khác. Trong đám thị dân hỗn tạp thật ra cũng có nhiều khoảng trống để cho những nhân tố không bình thường dung thân. Nhưng mật độ bình quân của đám thị dân tương đối cao, đủ ảnh hưởng đến những thành phần mới trong khoảng trống, khiến nó trở thành một bộ phận. Vậy là, những lệch chuẩn đạo đức lại được điều chỉnh. Những thành phần mới ấy, không vì thế mà hoàn toàn im hơi kín tiếng, có lúc nó chuyển hóa thành hình thức, thay đổi bộ mặt tầm thường của đường phố. Đúng là sự thay đổi thần bí, không ai biết hoa rụng vào nhà ai?
Không biết do hoàn cảnh tạo nên hay tự thân có sẵn, tinh thần đứa trẻ này rất sung mãn, cứ nhìn vào đôi mắt nó cũng đủ thấy. Nhãn cầu màu nâu của nó rất sáng, khiến mắt nó có nhiều màu sắc. Như trên đã nói, mắt nó hình hạnh nhân, đuôi mắt dài hơi vểnh lên, khi đồng tử chầm chậm nhích lên phía trên, nom rất yêu kiều, vẻ yêu kiều chỉ có ở trẻ con, nét quyến rũ hoàn toàn không tự biết, một vẻ lẳng lơ ngây thơ. Nó vẫn không có cái khuôn mặt non tơ của trẻ con, mà hơi thô. Theo sự suy thoái của gia đình, người nó lại cao lớn hơn, không thể mặc áo quần của chị, màu áo quần mỗi ngày một tối tăm, nhưng nó lại không giống những trường hợp bình thường. Bước vào ngõ, giữa đám trẻ con đang chơi đùa, có thể nhận ngay ra nó. Đi qua, quay lại nhìn, vẫn thấy nó. Đứa trẻ này như biết hớp hồn mọi người, nó tự nhiên cười một cái, là trông đã rạng rỡ vô cùng. Trò chơi của nó với lũ trẻ cũng hết sức ly kỳ, chúng chơi trò nhào lộn, mấy trò nó học được ở trường thể dục thể thao thiếu nhi. Nó chỉ huy lũ trẻ dựa vào tường trồng cây chuối, tay chống lên nền ximăng thô ráp, chân chổng ngược tựa vào tường, chúng xếp thành hàng dài. Nó đi kiểm tra cẩn thận tư thế của từng đứa, rồi nhẹ nhàng lộn ngược ở cuối hàng, giống như người làm mẫu. Tập xong động tác cơ bản rồi bắt đầu tập nhào lộn. Nó lộn nghiêng hoặc lộn thẳng, thậm chí tung người ra phía sau, nó làm người bảo vệ cho lũ trẻ. Những động tác ấy làm trên nền xi măng rất nguy hiểm, nhưng chúng không để ý, người lớn cũng phải phục, họ đứng ở cửa xem. Xem lũ chúng xếp thành hàng, lần lượt lộn qua cánh tay nó. Cũng có đứa ngã, nhưng rồi đứng dậy phủi bụi đất, lại tiếp tục nhập vào hàng ngũ. Lũ trẻ tập rất nghiêm túc, nhất mực nghe theo sự chỉ huy của nó. Nó làm động tác mẫu học được ở trường thể dục thể thao thiếu nhi, lớn tiếng hô khẩu lệnh. Áo quần nó mặc thế này: áo cho vào trong quần thể thao bó ống, thắt đai đen to bản, cái đai trông rất chuyên nghiệp. Hai bím tóc kẹp cao lên đỉnh đầu, mồ hôi làm mấy sợi tóc dính bết vào trán. Lũ học trò tập xong, đến lượt nó làm sư phụ biểu diễn. Người nó nhẹ như cánh én, tư thế khỏe mạnh, tung hoành dọc ngang, làm đủ động tác đẹp trên khoảng đất trống. Người xem đứng sát tường, reo hò khen ngợi, làm cho nó cảm thấy vinh dự lắm. Hiếm thấy một đứa trẻ nào không tỏ ra kiêu ngạo như nó, mọi sung sướng, vinh dự hão đều dạt dào tuôn chảy.
Ngõ của chúng nó có thêm một cô bạn từ nơi khác đến. Nhà cô bé này ở trong một khu chung cư cùng phố, đến mua hàng ở cửa hiệu phía trước, bị thu hút bởi không khí vui vẻ trong ngõ phía sau, rồi vào tham gia. Cô bé này cũng rất hoạt bát, đầu tiên là xem, sau đấy học theo và nhập hội, trở thành thành viên, cùng tập với lũ trẻ trong ngõ. Cô bé rõ ràng kém năng khiếu, người cứng, tay chân vụng về, áo quần không hợp với việc khổ luyện ngoài trời. Áo quần của cô vừa vặn, không giống với lũ trẻ trong ngõ, vì là mặc thừa của nhau, cho nên không rộng thì chật, hoặc chắp vá. Áo ngắn khoác ngoài kiểu cách mới lạ, len mỏng màu ghi, ống tay rộng, thắt eo, trông như một quả chuông, bên trong là áo nhung kẻ màu hồng mà tiếng Anh gọi là Dirty Pink, màu hồng ngả xám nhạt. Váy ngắn len kẻ, tất trắng dài, thắt lưng da. Lũ trẻ trong ngõ, giống như bố mẹ chúng, có chút thói học làm sang, đồng thời cũng có phẩm chất khiêm nhường, cho nên khắc phục được tâm lý bài trừ, không đuổi cô bé đến từ khu chung cư. Ngược lại, rất hoan nghênh. Lũ chúng tranh nhau cho mượn áo quần giày dép để cô bé kia thay, thủ lĩnh của lũ trẻ thậm chí còn cho mượn sợi dây lưng trông rất chuyên nghiệp. Về sau, có ít nhất bốn năm vòng tay ôm, giữ, kiệu, nâng cô bé trồng cây chuối lên tường, cô bé không chống nổi, lũ trẻ tranh nhau đỡ. Cái ngõ nhà cô bé ở là một con ngõ yên tĩnh, sạch sẽ, hàng xóm láng giềng ít qua lại chuyện trò, trẻ con đứa nào biết đứa ấy. Lẽ ra, đứa trẻ này bị quản lý chặt chẽ, nhưng không hiểu tại sao lại trốn được người lớn chạy sang đây chơi. Cô bé học ở trường tiểu học trọng điểm, cái trường có sân tập lớn và bếp ăn tập thể rộng, cho nên có thể đi qua vài hẻm đến đây. Trẻ con đều biết luồn lách trong các hẻm, thông tường mọi đường ngang ngõ tắt chằng chịt mạng nhện. Rõ ràng cô bé kia chưa từng có đông bạn chơi đến thế, hơn nữa lại rất chân thành, cuộc sống ở đây cũng làm cô cảm thấy mới lạ: lén nhìn những bí mật bên trong cửa hàng, trẻ con và các cô bán hàng đối đáp không phân biệt lớn nhỏ, cả chuyện bưng bát cơm đứng tựa cửa để ăn. Lớn lên, có thể cô sẽ rất ghét cuộc sống không che đậy, lộ liễu, nhìn thấy hết mọi chuyện thô lậu bên trong. Nhưng lúc này cô bé chưa lớn. Tức là chưa được dạy biết phiến diện. Cô rất thích thú, thích thú cái vui của lũ trẻ trong ngõ, vui nổ trời, không bị gò bó. Trên tất cả, cô bé thích đến mức sùng bái cái đứa bạn kia, đứa bạn học trường tiểu học dân lập, cái trường phân tán trong nhà dân, đã có lần tầng trên vỡ ống nước, dột xuống cả lớp học, buộc phải mượn trường của cô. Bọn chúng xếp hàng rất quy củ, trật tự, thầy giáo cô giáo hướng dẫn vào lớp, hết giờ lại xếp hàng về. Có mấy học sinh nam ngang bướng không muốn cho mượn lớp, lấy gạch đá ném chúng. Có đứa ném trả, bị thầy giáo mắng, bị đuổi khỏi lớp học. Nhưng ai ngờ được, ở cái trường học tối tăm ảm đạm kia lại có những sinh hoạt sống động, có đội văn nghệ biểu diễn ca múa, có học sinh học ở trường thể dục thể thao thiếu niên, thầy trò trong lớp tranh luận với nhau, sau đấy lại tâm sự với nhau. Mà đứa kia chính là trung tâm của mọi sinh hoạt. Kiến thức của đứa trẻ kia khiến cô bé bất ngờ, nhất là việc nó diễn kịch trên sân khấu. Sau khi tập luyện, chúng lại đứng với nhau, nghe đứa kia nói chuyện. Đứa bạn rất có tài kể chuyện, kể chuyện gì cũng hấp dẫn. Khẩu hình của nó vốn có đường cong, lúc nói càng sinh động, khiến cô bé mê ngay khi nhìn miệng bạn. Về sau, cô bé đưa bạn sang cái ngõ nhà chung cư của mình.
Con ngõ này rất rộng, rất thẳng, không thông với bất cứ hẻm nào. Đầu ngõ quay hướng Nam, chạy thẳng về hướng Bắc, phân cách hai dãy nhà tầng hai bên Đông và Tây, nhà bốn tầng, vì mỗi tầng lầu đều cao và rộng, cho nên nhìn vào như nhà năm sáu tầng. Phía trên của mỗi cặp nhà hai bên Đông-Tây đều được nối với nhau bởi một cây cầu bê tông vắt qua khoảng không của ngõ, chừng như để cố định những ngôi nhà lại. Tường đá rửa màu kem có dây thường xuân bám vào, giữa đám dây thường xuân là những ban công có lan can sắt uốn hoa nhô ra ngoài, cửa sổ song sắt uốn hoa cao hẹp, mang phong cách kiến trúc châu Âu thời thực dân. Mỗi tầng lầu có hai hoặc ba căn hộ, mỗi căn lớn nhỏ khác nhau. Nhà cô bé kia ở một căn hộ lớn, nhưng lại chung với một hộ khác. Cô đưa Hiểu Thu vào nhà, chủ yếu là để anh trai biết mặt. Anh trai lớn hơn cô ba tuổi, đang học trung học cơ sở, có vẻ giống người anh trai của đứa bạn, cũng khuôn mặt dài và trắng t 380f rẻo, đường nét thanh tú, trầm mặc ít nói. Nhưng nhìn kỹ thì không giống, anh kia nghiêm nghị hơn, còn anh này có vẻ đẹp ngọt ngào, thậm chí trông con gái hơn so với cô em có khuôn mặt nhái, cái miệng móm. Nhưng cả hai anh em đều có nước da trắng mịn, đôi mắt đen láy, là những đứa trẻ có cuộc sống sung sướng. Rõ ràng, hai anh em rất ít bạn bè. Nói chung, anh chị em trong một nhà đều thành cặp bù trừ, người hoạt bát sôi nổi cùng người trầm mặc ít nói, rồi người hoạt bát sôi nổi mở rộng quan hệ xã hội. Rõ ràng cô em gái đảm trách nhiệm vụ có tính khai mở, người anh phải chờ em gái lớn lên, trải qua mấy năm nhàn rỗi, tạo cho mình tính cách hướng nội. Khi cô em đưa người bạn nhỏ vào nhà, anh đang ngồi làm bài bên cái bàn lót kính, vội đứng dậy, vẻ rất căng thẳng, bối rối. Nói chung các cậu thiếu niên ở độ tuổi mới lớn, bởi tâm lý chưa cân bằng nên hay tỏ ra lỗ mãng và gượng cứng, nhưng tính cách của cậu ta rất dịu dàng, vì vậy chỉ ngượng thôi. Cậu ta ngượng ngùng đứng giây lát, rồi tránh vào một góc bàn, tiếp tục làm bài tập. Nhưng tai lại căng lên, nghe ngóng hai cô bé nói chuyện. Cô em tỏ ra hiểu anh trai, không ép anh cùng tham gia câu chuyện, mà chỉ cổ vũ cô bạn thuật lại những chuyện đã nghe đã thấy, thỉnh thoảng xen vào vài câu để bạn nói chi tiết hơn. Nó cũng biết vậy, nên nói kỹ hơn, rất sinh động. Người nghe thì tán thưởng vượt mức, tỏ ra kinh ngạc và cười to. Cả hai đều cố tỏ vẻ, đó là sự hào hứng và sùng bái của các cô bé đối với anh trai lớn, mong anh trai đừng băn khoăn lo lắng, đừng làm bộ ta đây để cùng hưởng niềm vui. Quả nhiên, câu chuyện đến đoạn cao trào, hết sức bi thảm: một diễn viên nhào lộn, sơ ý bị ngã, đâm thẳng xuống đất, đầu tụt xuống bả vai, phải dùng máy kéo ra. Nhiều lúc trẻ con thích thú những chuyện tàn khốc, hình như những chuyện ấy có sức kích thích trí tưởng tượng phát triển. Nó đang nói đến đoạn gay cấn, sợ hãi nhất, chợt cậu thiếu niên kia lên tiếng: không thể thế được, vì đầu người có cái cổ đỡ, xương cổ có từng đốt, làm sao tụt sâu vào? Cô em gái cuồng nhiệt giải thích: nhưng, xương cổ gãy nát cơ mà! Anh nói: vậy thì gãy cổ! Cậu ta đứng dậy, lấy một cuốn sách trong chồng sách để trên bàn, lật giở vài trang, nói các em xem đây. Hai cô bé mồ hôi nhễ nhại đi tới, xem trang sách in hình giải phẫu người. Cậu thiếu niên chỉ cho hai cô xem lưng, cổ của người. Cả hai cô cùng im lặng.
Đây là gia đình một bác sĩ, đi làm giờ nào hai đứa trẻ ở nhà đều nắm được quy luật. Khi người lớn không có nhà, chúng đem bạn ở ngõ bên vào chơi, khi người lớn sắp về, chúng bảo bạn về đi. Anh trai luôn luôn ở nhà, cậu ta thuộc loại ngoan, hễ tan học là về nhà ngay, vì tính tính dịu dàng kín đáo nên không quen chơi với con trai, vì thế rất hợp với hai cô bé này. Hai anh em rất hợp tính nhau, trong một thời gian dài, cô em gái là bạn duy nhất của anh trai. Những người trầm tĩnh như cậu ta rất cần một cô em gái hoạt bát. Cậu ta rất quý cô em, cho nên cô em cũng rất thoải mái. Tình cảm của hai anh em khiến bạn mới đến cảm thấy rất cảm động. Anh trai của nó chỉ khiến nó nể sợ, hàng xóm cũng có những cặp anh em tốt với nhau, nhưng ở ngõ của nó tình cảm thường rất thô thiển, lại hay làm tổn thương nhau bởi sự thô thiển ấy. Sở dĩ nó thân ngay với cô bạn mới, hễ gọi là đi ngay, thật ra là vì sự hòa thuận của hai anh em đã hấp dẫn nó. Để đáp lại tình thân của hai anh em, thậm chí nó còn có một cuộc trình diễn khá nguy hiểm dành cho chúng. Cả bọn nhắc tới cây cầu nối giữa hai dãy nhà, vốn rất hẹp, chỉ có thể một người qua lại. Có lan can, lan can cao ngang thắt lưng một đứa nhỏ. Trẻ con trong ngõ vẫn nói đến sự nguy hiểm của cây cầu nối này, chưa bao giờ có đứa nào dám mạo hiểm đi qua. Chỉ thấy vài đứa trẻ co ro nơi đầu cầu, nhìn phía bên kia đã phải run lên. Những đứa trẻ mạnh mồm, nhưng khi lên cầu thì chân cũng nhũn ra, rồi phải bỏ cuộc. Nó nói với hai anh em kia, nó có thể đi qua. Thoạt đầu chúng không tin, nói đấy là bạn chưa lên sân thượng, hễ lên rồi chắc chắn không dám đi qua. Rồi khuyên nó đừng đi, nếu đã đi ra giữa sẽ muốn tiến không được, muốn lui không xong, không ai cứu nổi. Thái độ khuyên ngăn của hai anh em rất khẩn thiết, nhưng không lung lay nổi quyết tâm của nó. Về sau, thấy khuyên can không nổi, chúng đề nghị nó đeo dây an toàn. Tức là lấy một sợi dây thừng buộc ngang người, ít ra cũng làm vững thêm tâm lý. Nó cười, cười vì buộc dây chỉ thêm rối việc. Hai anh em tìm một sợi dây ba lô, cầm ở tay đi lên lầu.
Đầu tiên chúng đưa nó đến chân cầu thang nhà bên kia, nhìn nó đi lên, rồi về bên nhà mình, lên sân thượng. Chúng đi đi lại lại tỏ ra căng thẳng, đám trẻ chung quanh bị thu hút, biết chúng đang làm trò gì, liền cùng lên sân thượng để xem. Đây rõ ràng là trò chơi đỉnh cao, vì chưa ai làm được nên càng thêm kích thích. Đám trẻ này bình thường ít chơi với nhau, lúc này không nói gì, chỉ lặng lẽ kéo nhau lên sân thượng. Trên sân thượng gió to, thổi tung áo quần của chúng. Trong con mắt chúng, sân thượng rộng lớn mênh mông. Đường phố này ít có nhà cao như ở đây, đằng xa kia cũng có mấy nhà, nhưng đều thấp hơn, thành ra cái nhà đứng chơ vơ một mình. Vì không có gì che chắn nên bầu trời cũng rộng lớn hơn. Những đứa trẻ đơn độc bước đi, chúng đi xa nhau, trông rất xa cách. Chúng đã trông thấy cô bạn nhỏ từ ngõ khác đến đang đứng ở bể nước trên sân thượng nhà bên kia. Hiểu Thu ra sức vẫy tay, phía sau nó cũng có vài ba đứa trẻ khác. Ở bên dưới, khoảng cách giữa hai ngôi nhà chỉ chừng mấy bước chân, lúc này lại như rất xa, như đôi bờ Ngân hà thăm thẳm. Hai anh em đến đầu cầu, chỉ nghé mắt nhìn dưới kia sâu hun hút, chợt cảm thấy tuyệt vọng, vòng dây đeo ba lô trong tay cô em chẳng có tác dụng gì. Cô bé khum hai bàn tay lên miệng, gọi sang phía bên kia: Đừng sang! Gió xua tan tiếng nói, nước mắt cô trào ra. Hiểu Thu bên kia bước lên cầu, trông nó bé nhỏ, đi rất chậm. Đám trẻ con ở hai bên bất giác rụt cổ, có đứa đưa tay bịt miệng để không bật tiếng kêu, cô bạn gái của nó đang thút thít. Phía dưới cầu mọi người vẫn lại qua, cũng có vài người đứng lại nói chuyện, hoàn toàn không biết phía trên đang diễn ra chuyện gì. Đường phố phía trước con ngõ xe cộ vẫn qua lại, ba bốn giờ chiều đông vui tấp nập, ai nấy đều mang vẻ nhàn tản, mệt mỏi kết thúc một ngày làm việc, họ cũng không biết trên kia đang có chuyện gì. Lúc nó ra đến giữa cầu, có mấy đứa trẻ nhát gan phải nhắm tịt mắt lại, bạn gái của nó khóc rất thương tâm, sự việc không thể thay đổi nữa rồi. Khi bạn đi được quá nửa, gần về phía bên này, cô bé mới không khóc nữa. Cô thấy bạn tươi cười, vẻ mặt tự nhiên, hai tay vịn lan can bêtông, lan can bêtông còn thấp hơn thắt lưng bạn. Nó nhìn quanh, hình như từ đây xuống dưới kia không sâu hơn chục mét, chỉ là cái cầu nhỏ qua con suối cạn trong công viên. Nó đến gần hơn, vẻ tươi cười càng rạng rỡ, vì sắp về giữa bạn bè, ngỡ như bạn bè xa nhau lâu lắm rồi. Nó tăng tốc, chạy nhanh, gió thổi tung những sợi tóc trước trán, tưởng đâu nó nhảy qua lan can. Cuối cùng, nó từ cầu nối bước xuống sân thượng, làm động tác thăng bằng, hai tay giơ lên, chân đứng thẳng, vươn người, hạ cánh an toàn.
Anh trai cô bạn từ xa đi tới. Cậu ta đứng trong đám trẻ con có vẻ cao hơn, không tương xứng. Nét mặt cậu ta không chút biểu cảm, nhưng trong lòng lại rất xúc động. Mấy lần phải quay mặt đi, không dám nhìn cái cô học sinh bé nhỏ đang đi trên cao. Trong mắt là bầu trời xanh thẳm, có mấy chấm đen đang bay lượn, không biết đấy là chim hay ai đó đang thả diều, lòng những bâng khuâng, xa vời. Cậu thiếu niên vốn yên tĩnh như mặt nước, trong con người đang sôi động chất kích thích trưởng thành. Bởi cuộc sống bên ngoài đơn điệu, nên nội tâm càng phong phú. Cậu ta có cảm tình đối với cô học sinh từ ngõ khác đến. Cậu ta yêu. Cô gái nhỏ này tính tình giống em gái. Rất nhiều tình yêu trai gái nảy sinh từ tình cảm dành cho anh trai hay em gái. Nhưng Hiểu Thu lại không thế. Sự hoạt bát, nhiệt tình của nó chừng như càng hấp dẫn hơn. Tim cậu thiếu niên đập rộn ràng như nhịp trống rung. Cậu ta thấy mình cũng chóng mặt như cô bé đang đi trên cầu, dưới chân là vực thẳm. Ở cái độ tuổi này, chênh nhau ba, bốn tuổi là một khoảng cách xa lắm, mà cậu ta coi cô em gái của mình còn bé bỏng. Cho nên, cậu quyết tâm chờ cô gái kia lớn lên, lớn lên đến độ có thể làm bạn với nhau. Cô em cảm giác rất nhanh rằng, anh trai tham gia những trò chơi của mình có phần nhiều lên, những trò chơi không thích hợp với một học sinh nam. Chúng chơi trò của con gái, anh trai cũng muốn tham gia, điều ấy làm cô em ngượng. Thế rồi, cô em gái phát hiện, chính vì có cô bạn mới. Con gái thường nhỏ nhen, hơn nữa, lại nhỏ nhen với bạn thân, vì phải chia sẻ với bạn thân. Cô không vui, vì không vui nên không bằng lòng với cô bạn mới này. Vậy là, những gì đã từng cuốn hút cô, bỗng trở thành chất kích thích lòng ghen tị. Cô phải tìm ra chỗ khiếm khuyết của bạn, rất dễ nhận ra, ấy là xuất thân của bạn. Thật ra, cô chưa chắc đã hiểu thân thế của bạn, nhưng trong mắt cô, những người ở trong cái ngõ bên kia đều thấp hèn. Thật ra, cô cũng chưa chắc có thành kiến như cô tự nghĩ, nhưng lúc này chẳng phải cô đang không vui là gì? Chừng một tuần lễ, cô không sang cái ngõ nhỏ bên kia chơi với bạn hoặc gọi bạn đi chơi. Đang thắm thiết với nhau, bỗng gián đoạn, có gì đó không bình thường. Một hôm, cô bạn không mời mà Hiểu Thu tự động đến chơi. Cô bạn đứng ở ban công thấy Thu vào ngõ, đi đến nhà mình, dáng đi của Thu thẳng đơ không bình thường, đường cong ngực và mông nổi rõ, trông như một thiếu nữ. Chợt thấy ác cảm, tại sao mình làm bạn với đứa con gái này? Làm bạn với nó khiến mình hèn kém. Cô nghe thấy tiếng gõ cửa, thoạt đầu cô mặc kệ, cứ để người gõ cửa phải bỏ đi, nhưng tiếng gõ cửa rất kiên nhẫn, cứ từng hồi vang lên. Không đừng được, cô hé cửa, nói khẽ: mẹ tớ ở nhà đấy! Nói xong, cô lập tức khép chặt cửa lại.
Hiểu Thu đứng trước cái cửa đóng chặt, cảm thấy bên trong cửa cũng có người đang đứng. Bạn gái thường như vậy, không cần biết có mối hiềm khích gì, giận là giận. Hiểu Thu không đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, chỉ cảm thấy thất vọng. Nó đứng một lúc rồi đi xuống, ra khỏi ngõ. Đường phố vẫn sáng sủa, nắng chiều chênh chếch trên ngọn ngô đồng, nhưng lòng u ám. Lần đầu tiên nó nếm thử vị lạnh lùng của nhân tình thế thái, lạnh lùng này vẫn chưa phải là lạnh lùng, căn bản không rõ nội tình. Nó không biết có một người đang yêu nó, một học sinh nam có gì đó giống với tính cách con gái, thật ra vẫn chưa lọt vào mắt nó. Cũng chỉ là anh trai của người bạn gái mà nó trung thành, khi chúng chơi với nhau, cậu ta vẫn lảng tránh sang một bên, lặng lẽ bao phủ tình yêu của tuổi học trò lên người nó. Người với người là vậy, có người suốt đời bình thản lặng lẽ, có người, rất ít, lại có thể tỏa hào quang trên sân khấu. Đó cũng là tư chất trời cho, trời cho anh hoặc chị tính cách mạnh mẽ, ngay từ nhỏ đã mở màn, bước vào tình tiết của một vở kịch.