Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 28

Chương 28
Lần rung lắc đầu tiên trên bàn cờ

Thời niên thiếu, chúng ta thích nói đến ước mơ, thích vạch ra những kế hoạch, cho rằng chỉ cần chúng ta đủ thông minh, cố gắng hơn nữa, thì có thể thực hiện được những ước mơ, kế hoạch đó, nhưng lại không biết rằng, chúng ta chỉ là một quân cờ nhỏ bé trên bàn cờ số mệnh mà không gian là kinh độ, thời gian là vĩ độ, chỉ cần một sự rung lắc nhẹ trên bàn cờ, chúng ta sẽ đi chệch khỏi quỹ đạo đã vạch ra.

Thành tích học tập của Hiểu Phi tiếp tục trượt dốc, thi giữa kỳ, cô ấy đứng thứ mười mấy trong lớp, chỉ cần cô ấy “cố gắng” hơn chút nữa là có thể xếp ngang hàng với tôi rồi.

Tôi đã nhắc nhở bóng gió vài lần, nhưng cô ấy nhất quyết không tiếp lời, im lặng phớt lờ tôi, dường như đến việc giả bộ sống vui vẻ cũng không muốn diễn nữa. Thái độ của cô ấy dành cho đám con trai càng ngày càng tồi tệ, có lúc, nhìn thấy cô ấy mắng họ mà tôi thật sự lo lắng bọn họ sẽ xấu hổ quá hóa giận, nhưng không, họ lưu luyến vẻ đẹp của cô ấy, cho dù hôm nay có bỏ đi, nhưng ngày mai lại vẫn đến.

Tôi thắc mắc không sao giải thích được, tại sao tinh thần Hiểu Phi càng ngày càng sa sút như thế. Chị Xinh Đẹp nói với tôi, mấy tuần trước Vương Chinh đã mang theo bộ trống của mình rời thành phố, đi Quảng Châu rồi, thậm chí anh ta còn không buồn gặp Hiểu Phi để chào từ biệt, chỉ như thế, trong nháy mắt, hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của Hiểu Phi.

Tôi không biết nên vui hay nên buồn nữa, Vương Chinh bỏ đi không lời từ biệt, có lẽ lại một lần nữa khiến Hiểu Phi bị tổn thương, nhưng sau khi nỗi đau đớn lớn lao đó qua đi, có lẽ sẽ là quá trình để vết thương liền miệng.

Tôi suy nghĩ rất lâu, quyết định phải nói chuyện nghiêm túc với Hiểu Phi một lần, tôi muốn nói với cô ấy rằng không chỉ một mình cô ấy thất tình, và chúng tôi không thể chỉ vì đối phương không yêu mình mà tự bỏ mặc chính bản thân mình.

Đang định tìm cô ấy, thì cô ấy đột nhiên biến mất trong trường học, tôi hỏi lớp trưởng lớp Hiểu Phi thì được biết mẹ Hiểu Phi đã đến xin cho cô ấy nghỉ dưỡng bệnh một thời gian dài.

Hiểu Phi ốm ư?

Tôi tìm đến nhà thăm cô ấy, mẹ cô ấy đứng ở cửa, khách sáo nói: “Hiểu Phi đang dưỡng bệnh, không tiện gặp bạn bè.”

Lòng tôi phiền muộn, không hiểu là mắc bệnh gì mà đến nỗi không thể gặp được bạn bè như thế, tôi lo lắng hỏi: “Cô ơi, bệnh tình của Hiểu Phi có nghiêm trọng không ạ?”

Mẹ cô ấy rất gầy, cũng rất tiều tụy, nhưng giọng nói rất kiên định: “Không nghiêm trọng, một thời gian nữa là sẽ đi học lại thôi.”

< p style="text-align: justify;">Người ta không cho vào, tôi đành quay về. Nhưng tôi không cam tâm, vì thế quyết định áp dụng phương pháp đeo bám dai dẳng, cứ cách năm ba ngày tôi lại tìm đến nhà cô ấy. Thái độ của mẹ cô ấy thay đổi rất thú vị, ban đầu, vì tôi đến nhiều quá, mẹ Hiểu Phi tỏ ra thiếu kiên nhẫn, nói hai ba câu, rồi vội vàng đóng cửa, nhưng dần dần, lại trở nên ôn hòa, buồn phiền hỏi tôi: “Sắp thi cuối kỳ rồi phải không? Cháu không bận học sao?”

Tôi ngoan ngoãn cười: “Bận thì bận, nhưng cũng vẫn phải dành thời gian để đến thăm Hiểu Phi ạ.”

Mẹ cô ấy hỏi: “Cháu và Hiểu Phi rất thân nhau à?”

Tôi bắt đầu khơi gợi tình cảm: “Cô, cô không nhớ sao? Khi còn nhỏ Hiểu Phi đã từng ngủ lại ở nhà cháu, lần đó, cô và chú nửa đêm tìm đến nhà cháu, đã gặp bố mẹ cháu.”

“Hả? Chính là cháu à! Sau đó nhà cháu chuyển đi, Hiểu Phi đã khóc rất lâu, không ngờ giờ hai đứa lại học chung một trường rồi, Hiểu Phi không kể gì với cô cả.”

Tôi im lặng không nói gì. Mẹ Hiểu Phi cũng im lặng, dường như đang suy nghĩ, rất lâu sau mới nói: “Bao giờ thi cuối kỳ xong cháu hãy đến thăm Hiểu Phi.”

Tôi vội đáp: “Cháu cảm ơn cô”. Được hẹn ngày, tôi không đến quấy rầy mẹ cô ấy nữa.

Quay về trường, tâm trạng vẫn hoang mang, chẳng mấy chốc, chúng tôi sắp lên lớp 9 rồi.

Đừng tưởng thời gian hai năm chẳng là gì, học sinh cấp hai lại là độ tuổi dễ xảy ra chuyện nhất. Hồi tiểu học, chúng ta biết sợ thầy cô giáo và bố mẹ, nên khá nghe lời, nhưng lên cấp hai, đột nhiên chúng ta bắt đầu phớt lờ họ, nhưng chính mình lại không chắc chắn về mình, chúng ta hầu như không biết sợ, hăng hái nếm thử tất cả những điều mới mẻ trong cuộc sống, từ yêu đương, hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, đến việc ra vào vũ trường, quán karaoke, chơi bời với đám bạn xấu, việc gì cũng dám làm.

Đám người từng lưu lạc trên giang hồ đều biết rằng, khi đánh nhanh, kẻ ra tay tàn nhẫn nhất, thực ra không phải bọn lưu manh đã trưởng thành, mà chính là đám thiếu niên dại dột thiếu hiểu biết. Bởi vì bọn họ đã biết đến cảm giác sợ hãi, còn chúng ta thì chẳng biết gì, nên cũng chẳng sợ gì, thậm chí chỉ vì vài câu nói không thuận tai mà sẵn sàng cầm đá ném thẳng vào đầu đối phương.

Những người may mắn, khoảng thời gian phản nghịch mù mờ này sẽ trở thành một ký ức thú vị và có phần cay đắng trên con đường trưởng thành, nhưng với những người không may, thì sẽ phải trả một cái giá vô cùng đắt mà ngay chính bản thân họ cũng không ngờ được.

Qua hai năm học tập, có những người thành tích học tập khi mới vào học không được tốt lắm, giờ cũng đã tiến bộ, nhưng cũng có những người khi vào trường học rất giỏi, giờ đang trượt dốc không phanh. Mặc dù là trường điểm cấp hai, nhưng những học sinh kém do không để tâm học hành cũng chẳng khác gì những học sinh kém ở các trường cơ sở bình thường khác.

Để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp ba sang năm, nhà trường sẽ căn cứ vào thành tích thi cuối kỳ của năm lớp 8 để chia lại lớp, chia thành lớp chọn và lớp bình thường, nói cách khác là lớp trọng điểm và lớp phi trọng điểm.

Bạn bè xung quanh tôi đều rất căng thẳng, người nào người nấy ra sức học hành, chỉ sợ không cẩn thận sẽ bị phân vào lớp bình thường.

Những ngày tháng vô lo vô nghĩ của chúng tôi đã kết thúc, gánh nặng của việc học hành bắt đầu đè lên đôi vai của mỗi người. Đến bố mẹ tôi mỗi khi ngồi ăn cơm cũng gắp cho tôi rất nhiều thức ăn, nói nhiều ngụ ý, rằng: “Ăn nhiều một chút, học hành càng ngày càng vất vả”. Thành tích của tôi rất thú vị, vừa có thể sẽ được phân vào lớp chọn để làm một học sinh kém, mà cũng có thể bị phân vào lớp bình thường để làm một học sinh giỏi. Tâm lý con người thật kỳ quái, dù bị phân vào lớp chọn làm học sinh kém, cũng phải vào lớp chọn. Bố mẹ tôi đương nhiên cũng nghĩ như thế, cứ như chỉ cần tôi vào được lớp chọn thì tôi nhất định sẽ vào được trường điểm cấp ba vậy.

Tôi thì lại ở trong trạng thái lơ mơ như không phải việc của mình, thời gian rảnh, trong khi các bạn lấy bài vở ra ôn tập, tôi đọc tiểu thuyết, tập vẽ. Tôi thích vẽ hoa sen, thời gian hoạt động tự do giữa giờ tôi thường ngồi bên hồ nhân tạo trong trường để ngắm hoa sen, vẽ hoa sen. Đối với tôi chúng là loài hoa đẹp nhất, có dành tất cả những lời khen ngợi hay nhất cho chúng cũng chưa chắc đã đủ.

Một hôm, vừa hết tiết tiếng Anh, thầy Chậu Của Cải đi đến chỗ của Lâm Lam, vô cùng buồn bã nói với cô ấy, Trần Tùng Thanh không tham gia thi cuối kỳ, cậu ấy sắp chia tay lớp, thầy muốn Lâm Lam tổ chức một buổi liên hoan nhỏ để chia tay Trần Tùng Thanh.

Tôi rất kinh ngạc, vểnh tai lên nghe lén, tôi nghe thấy Lâm Lam cũng kinh ngạc hỏi: “Tại sao ạ?”

“Bạn ấy phải thi vào trường kỹ thuật.”

“Tại sao cậu ấy không học cấp ba? Trường kỹ thuật chẳng phải học hết cấp hai mới được thi sao ạ?”

Liên quan đến chuyện gia đình nhà người khác, thầy Chậu Của Cải không muốn giải thích nhiều, chỉ nói: “Hình như kinh tế gia đình cậu ấy gặp khó khăn, bố cậu ấy muốn cậu ấy đi làm sớm. Với khả năng của Trần Tùng Thanh, bây giờ thi, cậu ấy vẫn đỗ như thường.”

Lâm Lam kinh ngạc mở to mắt, dường như lần đầu tiên cô ấy nhận ra rằng trên thế giới này lại có người không đủ điều kiện kinh tế để theo học hết cấp, mặc dù số tiền học phí đó cũng chỉ đủ để cô ấy mua hai cái váy.

Tin tức Trần Tùng Thanh sắp chia tay lớp nhanh chóng lan truyền, ai ai cũng biết. Mặc dù cảm thấy bất ngờ, nhưng thật sự buồn thì chẳng có mấy người, dù sao vốn dĩ Trần Tùng Thanh cũng không hòa đồng với lớp, thường đi về một mình, những gì các bạn biết về cậu ta cũng chỉ dừng lại ở mức cậu ta là người học giỏi nhất lớp mà thôi.

Lâm Lam lại rất để tâm, thật sự coi đây là một việc nghiêm túc, không tiếc thời gian và công sức tổ chức một buổi liên hoan để chia tay Trần Tùng Thanh. Thơ từ ca vũ đều có cả. Cô ấy còn dùng sức ảnh hưởng của mình, đề nghị tất cả các bạn trong lớp góp tiền mua tặng Trần Tùng Thanh một chiếc bút máy đắt tiền, một quyển sổ nhật ký được thiết kế tinh xảo, làm quà chia tay.

Năm xưa tôi từ chối góp tiền mua quà tặng Trần Kình, lần này, tôi lại góp tất cả số tiền tiêu vặt mà mình có trong tay.

Ngoài mặt, Trần Tùng Thanh trầm mặc tới mức đờ ra như khúc gỗ, nhưng tôi nghĩ trong lòng cậu ấy rất cảm kích Lâm Lam. Thời niên thiếu của cậu ấy đã bị ép chín quá sớm, nhưng Lâm Lam đã cố gắng hết sức để đặt vẽ một dấu chấm câu mặc dù nhợt nhạt nhưng rất đẹp cho cậu ấy.

Tôi tỏ ra hờ hững đứng từ xa quan sát tất cả những việc đang xảy ra, nhưng trong lòng tôi, từng con sóng lớn đang dâng trào, không hoàn toàn là vì Trần Tùng Thanh, cũng có thể chỉ là vì chính cuộc sống này, lại một lần nữa tôi cảm nhận được sự tàn khốc và bất lực của cuộc sống. Rất nhiều người không chịu học hành, hằng ngày chỉ thích hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, lấy trộm tiền của bố mẹ đi chơi game, nhuộm tóc, coi những hành động ngỗ ngược, phản nghịch kia là điều tự hào, bố mẹ họ lại chỉ mong con mình học hành đến nơi đến chốn, còn Trần Tùng Thanh thật sự đam mê việc học, chăm chỉ, cần cù, lần nào cũng đứng nhất lớp, thì cuộc sống lại không cho cậu ấy được học tiếp.

Đấy chính là cuộc sống, dường như luôn là bạn cần thứ gì, nó sẽ không cho bạn được toại nguyện.

Ngày Trần Tùng Thanh rời khỏi trường, trời mưa nhỏ.

Từ nhỏ tới lớn, tôi rất thích mưa, khi trời mưa, tôi cũng ít khi mở ô, tôi thích cảm giác hạt mưa rơi xuống mặt.

Tôi ngồi trên ghế đá trong trường, nhìn làn mưa nhỏ như giăng tơ khắp trời mà ngẩn ngơ, không vui cũng chẳng buồn, tâm trạng của tôi thường xuyên ở trạng thái trống trải.

Một người đi đến trước mặt tôi, đứng lại.

Tôi nhìn lên, hóa ra là Trần Tùng Thanh. Cậu ấy đeo chiếc cặp xách bằng vải canvas màu xanh thẫm, tay cầm chiếc ô màu đen bạc thếch, im lặng đứng đó.

Cả hai chúng tôi đều là những người ít nói, cùng im lặng hồi lâu, vẫn không ai chịu lên tiếng trước.

Đột nhiên cậu ấy nói: “Ngày mai mình không đi học nữa.”

“Mình biết.”

Bên chân cậu ấy, có một hõm đất trũng, nước mưa tích lại thành một vũng nước nhỏ, cậu ấy dùng chân đá nước mưa.

Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in sự kiên cường giả tạo, thái độ thờ ơ không quan tâm tới bất kỳ điều gì đó của cậu ấy, từng mảng vết bẩn trên đôi giày cũ và dây giày như sắp tuột ra.

Cậu ấy hỏi: “Cậu ôn tập thế nào rồi?”

“Chẳng thế nào cả.”

Trần Tùng Thanh vẫn dùng chân đá nước mưa trong vũng nước tr ên mặt đất. Những giọt nước bắn lên thấm ống quần của cậu ấy, nhưng cậu ấy hoàn toàn không để ý.

“Mình vốn định thi cuối kỳ xong mới đi, nhưng bố mình không đồng ý, bố nói thời gian ấy, dành để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi vào trường kỹ thuật còn hơn, cố gắng thi vào khoa tốt, sau này có thể vào làm ở một đơn vị mạnh, lương cũng cao hơn.”

Tôi im lặng, không biết có thể nói gì, đột nhiên cậu ấy lại nói: “Mình có thể nhờ cậu một việc được không?”

“Được.” Tôi đến hỏi cũng không buồn hỏi xem cậu ấy nhờ mình việc gì, lập tức đồng ý ngay.

Cậu ấy cười cười nói: “Cậu có thể chăm chỉ ôn tập, dốc toàn lực để vượt lên trong kỳ thi cuối kỳ này không?”

Tôi nhìn Trần Tùng Thanh với ánh mắt khó hiểu, không biết cậu ấy lấy đâu ra một yêu cầu kỳ lạ như thế, nhưng, tôi đã nhận lời với cậu ấy rồi, vì vậy tôi phải giữ lời hứa của mình.

Thực ra, cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không biết vì sao Trần Tùng Thanh lại đưa ra yêu cầu đó.

“Được, mình sẽ chăm chỉ ôn tập, thi thố nghiêm túc.”

Cậu ấy cười, vẫn đá qua đá lại nước mưa trong vũng. Tôi im lặng nhìn những giọt nước bị cậu ấy đá bắn lên.

Giày của cậy ấy đã ướt hết, sau khi đứng cùng tôi rất lâu, liền nói: “Mình đi đây, tạm biệt!”

Tôi vẫn ngồi trên ghế đá, không nhúc nhích: “Tạm biệt!”

Cậu ấy xốc lại cặp sách, quay lưng bỏ đi, thân hình vừa cao vừa gầy dần dần mất hút trong làn mưa mù mịt.

Tôi ngồi lại một mình rất lâu, ngồi lâu tới mức cả mông lạnh toát, chiếc bóng ướt đẫm, rồi cũng đeo cặp sách lên về nhà.

Đấy là lần cuối cùng tôi gặp Trần Tùng Thanh trong cuộc đời mình, từ đó, tôi không còn gặp lại cậu ấy thêm lần nào nữa, thậm chí không cả nghe được bất kỳ tin tức nào về cậu ấy. Cậu ấy có thi đỗ vào trường kỹ thuật hay không, học chuyên ngành gì, tôi đều không biết.

Có điều, tôi biết là cậu ấy sẽ biết điểm thi cuối kỳ của tôi, vì vậy tôi thực hiện lời hứa của mình, chăm chỉ trong ôn tập, nghiêm túc trong thi cử, suốt hơn hai tuần, tôi không làm gì cả, chỉ đọc sách, đọc từ sáng sớm khi tỉnh dậy cho tới khi tối muộn, đến giờ phải đi ngủ. Cậu ấy nói muốn tôi dốc toàn sức vượt lên, thực ra tôi không rõ lắm thế nào là dốc toàn sức vượt lên, nhưng tôi đọc thuộc làu làu hết sách địa lý, lịch sử, chính trị, đến ngay cả môn Anh văn mà tôi ghét cay ghét đắng, tôi cũng ép mình phải ăn sống nuốt tươi, học thuộc lòng một mớ từ vựng và ngữ pháp.

Kết quả thi cuối kỳ đã có, tôi là người có thành tích cao nhất lớp 8 (1). Ngoài điểm tiếng Anh không tốt lắm ra, đại số, vật lý, hình học gần như đều đạt điểm tối đa, những môn khác như môn địa lý hoàn toàn dựa vào khả năng ghi nhớ học thuộc lòng thì điểm số của tôi gần như cao nhất lớp, vì tôi có mấy môn đạt điểm cao nhất trong lớp, nên dù có người muốn nói tôi gian lận trong kỳ thi cũng khó. Các bạn trong lớp chỉ còn biết dùng ánh mắt kinh ngạc để đối diện với điều bất ngờ này.

Bố mẹ tôi xúc động tới mức không biết phải làm thế nào, trong cuộc họp phụ huynh thiếu điều muốn dập đầu để tạ ơn thầy Chậu Của Cải. Thầy Chậu Của Cải lại rất thản nhiên, bình tĩnh nói: “Môn tôi dạy là tiếng Anh, thì điểm thi môn tiếng Anh của em ấy là kém nhất, sự tiến bộ của em ấy không liên quan gì đến tôi.”

Sắp phải chia tay, nên tôi và thầy Chậu Của Cải chung sống khá hòa bình, mặc dù cuộc tranh đấu giữa tôi và thầy khiến chúng tôi khó có thể quan hệ tốt trở lại, mặc dù rõ ràng là thầy thiên vị học sinh giỏi và những người có tính cách hoạt bát, năng động, nhưng bình tâm lại mà suy xét, thầy và cô Triệu hoàn toàn không giống nhau. Thầy khéo léo quan tâm đến Lâm Lam, làm mọi cách để níu giữ Trần Tùng Thanh. Thầy toàn tâm toàn ý trong việc dạy học. Tất cả những gì mà mắt tôi nhìn thấy, đủ để tôi tha thứ cho sự đau khổ mà thầy gây ra cho tôi.

Thực ra, thầy Chậu Của Cải là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, lớn hơn chúng tôi có chín tuổi, bản thân thầy cũng chưa phải là người đã hoàn toàn trưởng thành. Tôi tin, chúng tôi là lớp học sinh đầu tiên trong đời dạy học của thầy, chắc chắn không bao giờ thầy có thể quên được, cũng giống như tôi không bao giờ quên được rằng thầy là thầy giáo chủ nhiệm lớp. Bởi vì, thầy đã để lại dấu ấn trên con đường đang trưởng thành của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã lưu lại dấu ấn trên con đường trưởng thành đang dần hoàn thiện của thầy.

Sau khi kỳ thi cuối kỳ kết thúc, tôi đi thăm Hiểu Phi, mẹ cô ấy giữ lời hứa, cho tôi gặp cô ấy.

Khi tôi gặp Hiểu Phi, cô ấy đang nằm trên giường đọc sách, mái tóc dài và đẹp của cô ấy đã bị cắt ngắn, giống hệt một thằng con trai.

Thấy tôi, cô ấy buông sách và nhìn tôi cười.

Cảm giác của tôi rất lạ, tôi không giải thích được, ở cô ấy có điểm gì khác lạ, nhưng đúng là cô ấy rất khác, đôi mắt cô ấy vẫn sáng như thế, nhưng sự nhiệt tình, bay bổng trong mắt không còn nữa, chỉ là một ánh mắt mờ nhạt, một nụ cười mờ nhạt, cuộc sống của cô ấy giống như… giống như… đang là mùa xuân tươi đẹp đột ngột chuyển sang mùa thu ảm đạm vậy.

Tôi thấy cô ấy đang đọc sách tiếng Anh nên cũng yên tâm hơn, ngồi xuống bên cạnh cô ấy rồi hỏi: “Bệnh của cậu khỏi chưa?”

Cô ấy gật gật đầu: “Khỏi rồi, cậu thi thế nào?”

“Đứng thứ nhất trong lớp, thứ tự trong khối thì chưa biết, chắc phải đến học kỳ sau khi phân lại lớp mới biết.”

Hiểu Phi tỏ vẻ kinh ngạc, nhưng cũng rất vui mừng: “Mình phải cố gắng thôi, nếu không bị cậu bỏ lại đằng sau mất.”

Tôi chưa bao giờ thấy vui mừng trước kết quả thi của mình, bởi vì trong lòng tôi luôn có cảm giác hoang mang, nhưng lúc này, ngay lập tức, tôi trở nên hào hứng, xúc động nói: “Được, chờ tới học kỳ sau, chúng ta cùng thi, xem ai giỏi hơn nhé.”

Hiểu Phi cười: “Được!”

Tôi giơ ngón tay ra muốn ngoắc tay với cô ấy: “Hứa nhé?”

“Hứa!”

Chúng tôi ngoắc tay, khẳng định lời hứa của mình. Mẹ cô ấy hình như vẫn đứng ngoài nghe lén, nghe thấy tôi nói điểm tôi cao nhất lớp, rồi lại thấy cả hai chúng tôi ngoắc tay nhau cùng thi đua học hành, chắc mới yên tâm, mang vào phòng cho chúng tôi một đĩa nho, đồng thời nói ý nói tứ với Hiểu Phi: “Sau này con nên chơi với những người bạn như La Kỳ Kỳ nhiều hơn.” Rồi quay sang nhìn tôi với ánh mắt thân thiện, nói tiếp: “Mong cháu sau này đến chơi với Hiểu Phi thường xuyên hơn nhé.”

Tôi cố gắng nở một nụ cười ngoan hiền nhất, nếu mẹ cô ấy thật sự biết tôi là người thế nào, không biết liệu có nói với tôi những lời dịu dàng như thế không. Có điều, lần đầu tiên tôi ý thức được rằng, con ngoan trò giỏi, thì ra lại có nhiều lợi thế như vậy, trở thành người mà tất cả các bậc phụ huynh đều tin tưởng, yên tâm.

Hiểu Phi im lặng cúi đầu. Mẹ cô hình như cảm thấy có gì đó bất an, vội vàng đi ra ngoài: “Hai đứa bàn việc học đi, cô ra ngoài đã.”

Đợi mẹ đi rồi, Hiểu Phi nháy mắt với tôi, tôi chạy ra cửa phòng liếc mắt nhìn, rồi quay sang lắc đầu với cô ấy.

Cô ấy ra hiệu cho tôi đến ngồi bên cạnh mình, im lặng một lúc mới nói: “Thực ra mình chẳng mắc bệnh gì cả, mà là có thai.”

Khả năng thể hiện tâm trạng qua nét mặt của tôi vô cùng nghèo nàn, vì vậy lúc này tôi chỉ nghệt mặt ra mà nhìn cô ấy. Trong mắt người ngoài, có lẽ biểu hiện của tôi vô cùng bình tĩnh, nhưng trong lòng lại đang chấn động tới mức không biết phải phản ứng như thế nào.

Hiểu Phi cười: “Kỳ Kỳ, chuyện gì mới có thể khiến cậu sợ hãi đây? Sao lúc nào cậu cũng tỏ ra bình tĩnh như thế?”

Tôi không biết phải giải thích thế nào, đành hỏi: “Cậu làm thế nào?”

Cô ấy chầm chậm đáp: “Đã đến bệnh viện giải quyết rồi, đợi đến học kỳ tới, mình sẽ bắt đầu lại từ đầu như chưa từng có chuyện gì xảy ra.”

Tôi lắp bắp hỏi: “Cậu… cậu… chuyện gì thế? Kẻ nào bắt nạt cậu?”

Hiểu Phi rất bình thản nói: “Quá trình không quan trọng, quan trọng là chuyện đã xảy ra rồi, giờ ngồi lật tìm nguyên nhân, cũng chẳng để làm gì. Mấy ngày đầu khi mới biết chuyện, ngày nào mình cũng khóc, nguyền rủa sự ngu dại của bản thân, nhưng nước mắt đâu có thể kéo thời gian quay trở lại, cũng không thể gột sạch lỗi lầm mình phạm phải. Kỳ Kỳ, đây là lần đầu tiên mình kể với cậu chuyện này, cũng là lần cuối cùng, sau này, mình sẽ không bao giờ nhắc lại nữa, mình chỉ muốn quên hết đi, cậu giúp mình cùng quên đi nhé, được không?”

Tôi gật đầu: “Được!”

Chúng tôi không nhắc lại chuyện cô ấy có thai rồi phá thai nữa, tiếp tục thảo luận những thứ liên quan đến việc học. Tôi kể cho Hiểu Phi nghe những thay đổi ở trường trong thời gian cô ấy nghỉ, những tin tức ngồi lê đôi mách mà mình biết được.

Học sinh cấp hai mang thai rồi phá thai chắc chắn là chuyện rất nghiêm trọng, nhưng cũng có thể do thái độ quá ư bình thản của Hiểu Phi, nên trong lòng tôi lại ngộ thêm được một điều rằng, đây có lẽ chẳng phải chuyện gì quá ghê gớm, đơn giản giống như một lần bị cảm nặng, chỉ cần qua khỏi rồi, tất cả sẽ lại như chưa từng xảy ra.

Tôi và Hiểu Phi cùng lên kế hoạch cho những việc chúng tôi sẽ làm sau khi học kỳ mới bắt đầu, hy vọng chúng tôi sẽ được phân vào cùng một lớp, như thế chúng tôi có thể ngồi cùng bàn, cùng đi học, cùng làm bài tập, rồi về cùng nhau, thậm chí chúng tôi còn bàn với nhau về chuyện sau khi lên cấp ba, nên học lớp xã hội hay lớp tự nhiên, có cần cùng nhau học một trường đại học hay không. Cô ấy cười nói mình thích Bắc Kinh, nên muốn đến Bắc Kinh học đại học, không phải Bắc Đại, thì sẽ là Thanh Hoa.

Cô ấy còn vỗ vỗ đầu tôi nói: “Nếu cậu muốn học cùng trường với mình thì phải chăm chỉ học hành đi, đừng suốt ngày ham chơi, ham đọc tiểu thuyết như thế nữa.” Thấy vẻ mặt tự ti của tôi, cô ấy vội vàng cười, an ủi nói: “Đừng sợ, mình sẽ đôn đốc cậu trong chuyện học hành.”

Hiểu Phi vô cùng tin tưởng vào tương lai, tôi không hề nghi ngờ việc cô ấy sẽ thực hiện được giấc mơ của mình, bởi vì giai đoạn lo lắng, hoảng loạn của cô ấy đã qua. Hiểu Phi đã chuẩn bị sẵn sàng cho khởi đầu mới của mình, và lần này, cô ấy nhất định sẽ không mắc phải bất kỳ sai lầm ngu xuẩn nào nữa.

Nguồn: truyen8.mobi/t66713-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-28.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận