Lục soát hơn một giờ sau, chỉ còn thiếu cuốc cả đất lên tìm nhưng nào có thấy Kiều Phong đâu? Mọi người ai nấy tặc lưỡi luôn mồm, thật là kỳ quái, có người buột mồm chửi rủa mấy câu, khiến cho điều "ác ngữ" trong mười điều giới của nhà Phật không sao giữ được. Lúc đó mới khiêng di thể Huyền Khổ đại sư vào Xá Lợi Viện để thiêu, còn thủ luật tăng thì đưa xuống Dược Vương Viện điều trị. Quần tăng ủ rũ lặng thinh ai nấy đều cảm thấy kỳ này chùa Thiếu Lâm quả là mất mặt. Chùa Thiếu Lâm cao thủ đông như kiến, lại có cả mươi vị cao tăng võ công thanh vọng hơn người, người nào trong võ lâm tên tuổi cũng đều vang dội, vậy mà để cho Kiều Phong tay không vào ra như chỗ không người, chẳng nói gì việc giết hay bắt được ông ta, đến đào tẩu cách nào cũng chẳng ai đoán ra được.
Thì ra Kiều Phong đã liệu rằng một khi biến cố xảy ra, các nhà sư sẽ chạy ra truy tìm tứ phía, còn ngay ở trong nhà thì lại lơ là. Do đó khi ông vừa đánh bật thủ luật tăng đi rồi, lập tức co người lại, chui tọt xuống dưới gầm giường nơi Huyền Khổ đại sư vẫn thường nằm, mười ngón tay bấu lên các thang giường, thân hình ép sát vào dưới đáy. Mặc dầu cũng có người cúi xuống xét qua dưới gầm giường nhưng làm sao thấy ông ta được. Ðến khi pháp thể của Huyền Khổ đưa đi rồi, chấp sự tăng liền đóng cửa Chứng Ðạo Viện lại không cho ai vào nữa.
Kiều Phong nằm dưới gầm giường tai nghe tiếng các nhà sư xục xạo một hồi lâu rồi tiếng người lặng dần, nghĩ thầm: "Ðợi đến khi trời sáng thì thoát thân không phải là dễ, lúc này không chạy đi thì còn lúc nào?" Từ dưới gầm giường ông len lén chui ra, đẩy cửa phòng, chuyển thân nấp đằng sau gốc cây.
Ông nghĩ bụng mặc dù tiếng người đã yên nhưng tăng chúng chùa Thiếu Lâm chưa thể nào bỏ cuộc mà lơ là phòng bị. Chứng Ðạo Viện ở tại phía cực tây của chùa Thiếu Lâm, nếu chạy về hướng tây sẽ vào ngay trong núi. Một khi đã ra khỏi chùa Thiếu Lâm rồi, các nhà sư sẽ phải trải rộng ra, dẫu có gặp nhau thì cũng không thể nào ngăn chặn ông được. Thế nhưng ông không muốn động thủ với các nhà sư Thiếu Lâm, chỉ mong sau này bắt được hung thủ, dẫn đến chùa nói cho rõ đầu đuôi. Hôm nay nếu như giao đấu với thêm một nhà sư, thì lại kết thêm một mối oán thù, giả sử như mình lỡ tay đánh người bị thương hoặc chết thì lại thêm một mối lo.
Ông mất tăm mất tích ở phía tây chùa, quần tăng ắt sẽ canh chừng nghiêm mật các đường nẻo thông qua núi về hướng tây. Ông suy tính một chút, nghĩ bụng cách ổn thỏa nhất là đi ngược lại về hướng đông xuyên qua chùa mà ra.
Nghĩ vậy ông bèn khom người lần theo các gốc cây che cho mình, qua bốn tòa viện xá, nấp dưới gốc một cây bồ đề, bỗng thấy đằng sau một cái cây ở trước mặt có hai nhà sư nằm phục nơi đó. Hai nhà sư đó không nhúc nhích chút nào, trong bóng đêm thật khó mà phát giác, có điều ông nhãn quang sắc bén nên nhìn thấy ánh sáng lấp lánh của thanh giới đao một nhà sư cầm trong tay, nghĩ thầm: "Nguy hiểm thực! Nếu như ta cốt chạy cho nhanh, hành tàng thể nào cũng bại lộ." Ông ngồi chờ ở phía sau gốc cây thêm một lát, hai nhà sư kia vẫn không động đậy, cái kế "ôm cây đợi thỏ, há miệng chờ sung" kia quả là ghê gớm, nếu như mình chỉ hơi cử động là bị hai người đó nhìn thấy ngay nhưng cũng không thể nào cứ ngồi đó mãi.
Ông hơi trầm ngâm, nhặt một viên đá nhỏ, giơ ngón tay búng ra. Kình lực ông sử dụng thật khéo, lúc đầu thì chậm nhưng sau thì nhanh, lúc mới bắn ra không có chút thanh âm nào nhưng được bảy tám trượng rồi mới rít lên thật mạnh, lao thẳng vào gốc cây nghe cạch một tiếng gây ra một tiếng động lạ.
Hai nhà sư kia vội khom lưng chạy tới. Kiều Phong đợi cho hai nhà sư đó qua khỏi mình rồi mới tung mình nhảy lên, lẻn luôn vào căn nhà ở bên cạnh, dưới ánh trăng nhìn rõ biển ngạch viết ba chữ Bồ Ðề Viện. Ông biết rằng hai nhà sư kia không thấy gì khác lạ thể nào cũng quay trở về, thành thử không ngừng mà lại chạy thẳng ra phía sau, xuyên qua tiền đường chạy vào hậu điện.
Chỉ trong chớp mắt đã thấy một bóng người cao lớn nhanh nhẹn dị thường ở phía sau chạy vụt qua, thân pháp trên đời ít gặp. Kiều Phong kinh hãi nghĩ thầm: "Hảo thân thủ, người đó là ai đây?" Ông thu chưởng về hộ vệ thân thể, quay đầu nhìn lại, không khỏi bật cười, thấy trước mặt là một đại hán giơ một tay lên thủ thế, khom người nép mình, giữ miếng đằng trước mặt, khí thế trịnh trọng như hòn núi. Thì ra trước mặt pho tượng trong hậu điện là một chiếc bình phong, trên tấm bình phong có gắn một chiếc gương đồng cực lớn, chùi sáng bóng lộn, tấm kính chiếu rõ thân mình, trên tấm gương có khắc bốn hàng kinh, trước tượng Phật là hai ngọn đèn dầu, dưới ánh sáng lờ mờ vẫn còn đọc được:
Nhất thiết hữu vi pháp, truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như lộ diệc như điện,
Ðương tác như thị quan.(18.7)
Những gì có tướng có hình,
Khác gì bóng nước phập phồng chơi vơi.
Mong manh hạt móc giữa trời,
Thấy kia thoắt đó đã rời thế gian.
Kiều Phong mỉm cười quay đầu lại, đang toan cất bước, bỗng dưng tưởng như bị ai đánh mạnh vào đầu, lập tức ngẩn ngơ, chỉ trong một chớp mắt ông dường như nghĩ đến một việc cực kỳ trọng yếu nhưng việc đó là việc gì thì mơ mơ hồ hồ không tìm ra.
Ngẩn người ra một lát, vô ý lại nhìn vào trong chiếc gương đồng, thấy bóng sau lưng của mình mới chợt tỉnh ngộ: "Mới rồi ta vừa nhìn thấy bóng sau lưng mình vậy là ở đâu ra? Ta cũng chưa từng thấy chiếc gương nào lớn đến thế này thì cách nào mà lại nhìn thấy bóng sau lưng mình được?" Ông còn đang xuất thần bỗng nghe bên ngoài có tiếng chân người, vài người đi vào trong điện.
Còn đang hoang mang chưa biết trốn chỗ nào, thấy trên bàn thờ có ba pho tượng Phật, vội vàng lẻn lên nép vào sau lưng pho tượng thứ ba. Nghe tiếng chân cả thảy sáu người, chia thành hai hàng, song song đi vào hậu điện mỗi người ngồi trên một chiếc bồ đoàn. Kiều Phong từ sau pho tượng nhìn ra, thấy cả sáu nhà sư đều tuổi trung niên, nghĩ thầm: "Nếu như lúc này mình lẻn ra ngoài hậu điện, sáu nhà sư võ công chỉ bình thường thì không thể nào biết được, thế nhưng nếu chỉ có một người nội công cao thâm, mắt tinh tai thính thì sẽ phát giác ngay. Chi bằng chờ đây thêm một chút nữa rồi hãy tính."
Bỗng nghe nhà sư đầu tiên mé phải nói:
- Sư huynh, Bồ Ðề Viện trống không như thế sao lại có kinh thư là thế nào? Sao sư phụ lại sai chúng ta đến trông chừng đề phòng địch nhân đến ăn trộm?
Nhà sư bên trái mỉm cười nói:
- Ðây là chỗ bí mật của Bồ Ðề Viện, không nên nói nhiều.
Nhà sư bên phải lại tiếp:
- Hừ, tiểu đệ xem chừng sư huynh cũng không biết nốt.
Nhà sư phía bên phải bị khích chịu không nổi bèn nói:
- Ta không biết thật chăng? "Nhất mộng như thị"…
Y mới nói nửa chừng chợt nhớ phải cảnh giác lập tức ngưng bặt. Nhà sư bên phải lại hỏi:
- Cái gì mà lại "nhất mộng như thị?"
Nhà sư ngồi hàng thứ hai liền nói:
- Chỉ Thanh sư đệ, bình thời ngươi đâu có lắm mồm lắm miệng, sao hôm nay lại cứ nhì nhằng hỏi mãi thế? Nếu ngươi muốn biết bí mật của Bồ Ðề Viện sao không đi hỏi sư phụ của ngươi đi?
Nhà sư tên Chỉ Thanh kia không dám hỏi thêm nữa, một lát sau mới nói:
- Ðể tôi ra sau đi giải một chút.
Y nói xong liền đứng lên. Y từ phía phải đi về phía cửa hông bên trái, vừa đến sau lưng người thứ năm, đột nhiên giơ chân phải lên, đá trúng ngay huyệt Huyền Khu ở sau lưng. Huyệt Huyền Khu ở vào vị trí bên dưới đốt xương sống thứ mười ba. Nhà sư đó đang ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, huyệt Huyền Khu nằm ngay sát mép chiếu, bị đầu ngón chân của Chỉ Thanh đá trúng, thân hình liền từ từ ngã xuống bên phải. Gã Chỉ Thanh kia ra tay thật nhanh, lại nhẹ nhàng không có chút động tịnh gì, tiếp theo liền đá vào huyệt Huyền Khu của nhà sư thứ tư, rồi kế đó nhà sư thứ ba, chỉ trong nháy mắt đã đánh ngã liền ba người.
Kiều Phong ngồi đằng sau tượng Phật nhìn thấy rõ ràng, trong bụng kỳ lạ, không hiểu vì lý do gì mà nhà sư kia lại giở trò tấn công đồng bọn. Lại thấy gã Chỉ Thanh giơ chân lên đá vào nhà sư thứ hai ở bên trái, đầu mũi chân vừa đụng vào huyệt đạo y thì hai trong số ba nhà sư bị điểm huyệt liền từ bồ đoàn ngã lăn ra, đầu đụng vào gạch lát trên điện nghe lịch bịch. Nhà sư bên trái giật mình, vội đứng bật dậy xem thế nào, vừa kịp thấy Chỉ Thanh giơ chân đá ngã người ngồi bên hữu, lại càng kinh hãi quát lên:
- Chỉ Thanh, ngươi làm gì thế?
Chỉ Thanh giơ tay chỉ ra ngoài nói:
- Xem kìa, ai đến thế kia?
Nhà sư kia quay đầu nhìn ra, Chỉ Thanh liền tung chân bên phải, đá mạnh vào sau lưng y. Cú đá đó cực kỳ nhanh, thể nào cũng trúng mới phải, thế nhưng chiếc gương đồng ở phía trước chiếu rõ ràng ngón đòn đánh lén kia, nhà sư liền nghiêng người tránh qua, đánh trả lại một chưởng, kêu lên:
- Ngươi có điên không?
Chỉ Thanh xuất chưởng nhanh như gió, đấu đến chiêu thứ tám thì nhà sư kia bị trúng một quyền vào bụng dưới, tiếp theo lại bị bồi thêm một cú đá. Kiều Phong thấy Chỉ Thanh ra chiêu âm nhu độc địa, xem chừng không phải gia số của phái Thiếu Lâm, trong lòng càng thêm lạ lùng.
Nhà sư kia biết mình không địch lại, vội kêu lên:
- Có gian tế, có gian tế…
Chỉ Thanh nhảy vụt tới, tả quyền đấm luôn vào ngực y, nhà sư đó lập tức lăn ra bất tỉnh. Chỉ Thanh vội chạy tới trước chiếc gương đồng, giơ ngón tay trỏ bên phải, vặn vào chữ "nhất" ở hàng kinh văn đầu tiên một cái. Kiều Phong lại thấy y mò xuống xoay chữ "mộng" ở hàng thứ hai, nghĩ thầm: "Nhà sư kia nói bí mật là "nhất mộng như thị", nhưng trên tấm gương có đến bốn chữ như, không biết y xoay chữ như nào?"
Chỉ thấy Chỉ Thanh giơ ngón tay vặn chữ "như" đầu tiên ở hàng thứ ba, rồi tiếp theo vặn chữ "thị" ở hàng thứ tư. Tay y chưa rời khỏi tấm gương đã nghe tiếng kẹt kẹt, tấm gương đồng chầm chậm ngả ra.
Nếu như lúc này Kiều Phong muốn trốn đi thì quả là dịp bằng vàng nhưng ông nổi dạ hiếu kỳ, muốn biết vì lý do gì mà nhà sư Thiếu Lâm kia lại làm hại đồng môn, sau tấm gương đồng có cái gì không chừng có thể liên quan đến việc Huyền Khổ đại sư bị hại.
Nhà sư phía bên trái khi bị Chỉ Thanh đánh ngã đã kêu toáng lên, chùa Thiếu Lâm vốn dĩ có hơn một trăm nhà sư đang đi tuần ở phía tây núi, vừa nghe tiếng vội vàng lục tục chạy đến, bốn bề đông tây nam bắc của Bồ Ðề Viện chỗ nào cũng có tiếng chân rầm rập.
Kiều Phong trong bụng chần chừ: "Không thể để cho bọn họ thấy được tung tích của ta." Thế nhưng các nhà sư đã kéo đến rồi, mọi người ai ai cũng chăm chăm nhìn Chỉ Thanh, cơ hội thoát thân vẫn còn rất nhiều, chẳng việc gì phải vội vàng đào tẩu. Ông thấy Chỉ Thanh giơ tay mò mò trong một cái lỗ hổng phía sau tấm gương nhưng không lấy được gì cả. Vừa ngay lúc đó, tiếng chân người từ phương bắc chạy đến đã ngừng ngay trước cửa Bồ Ðề Viện.
Chỉ Thanh dậm chân, xem ra cực kỳ thất vọng, đang định xoay mình bỏ đi, đột nhiên khom mình thò đầu vào phía sau chiếc gương, vui mừng nói:
- Ở đây rồi!
Y giơ tay cầm lấy một chiếc bao nhỏ bỏ vào túi rồi toan tìm đường chạy, thế nhưng khi đó bốn phía đã có rất đông sư sãi bao vây, không còn đường nào nữa. Chỉ Thanh nhìn quanh quất rồi chạy ra lối cửa trước của Bồ Ðề Viện. Kiều Phong nghĩ thầm: "Gã này bỏ chạy ra thể nào cũng bị bắt ngay." Ngay lúc đó, bỗng thấy có hơi gió ập tới, có người đã xông vào chỗ ông đang ẩn mình. Kiều Phong nghe gió biện hình, tay trái vươn ra đã chộp ngay được cổ tay địch nhân, tay phải liền thò ra đè luôn vào huyệt Thần Ðạo trên lưng y, nội lực nhả ra gã kia liền toàn thân mềm nhũn không còn động đậy gì được nữa.
Kiều Phong bắt được kẻ địch rồi, chăm chú nhìn kỹ tướng mạo y, tưởng ai hóa ra Chỉ Thanh. Ông ngạc nhiên một chút lập tức hiểu ra: "Thì ra là thế! Gã này cũng tính toán như ta, chui vào đằng sau tượng Phật để trốn, khéo làm sao lại đúng ngay pho tượng thứ ba, chắc là vì pho tượng này to hơn cả. Vì cớ gì lúc đầu y chạy ra cửa trước, rồi lại len lén quay trở vào đây? Ồ, dưới đất có năm nhà sư nằm đó, nếu người khác chạy vào hỏi, cả năm người đều nói là y đã chạy ra cửa trước rồi, mọi người sẽ không ai tra xét gì Bồ Ðề Viện nữa. Ôi, người này quả là lắm mưu mẹo."
Kiều Phong trong bụng nghĩ thầm không thể nào thả Chỉ Thanh ra, bèn ghé vào tai y nói nhỏ: "Nếu ngươi há mồm kêu, ta sẽ một chưởng đánh chết ngươi ngay, có biết không?" Chỉ Thanh gật đầu.
Ngay lúc đó từ cửa cái bảy tám nhà sư chạy vào, trong đó có ba người cầm đuốc, đại điên liền sáng bừng lên. Chúng tăng nhìn thấy trong đại điện có năm nhà sư ngã lăn nơi đó, lập tức xôn xao lên:
- Gã ác tặc Kiều Phong kia lại hạ độc thủ rồi!
- Ồ, Chỉ Trầm, Chỉ Uyên sư huynh đây mà!
- Ôi chao! Không xong rồi! Chiếc gương đồng này sao bị đẩy ra? Kiều Phong ăn cắp kinh thư ở Bồ Ðề Viện rồi!
- Mau mau bẩm báo phương trượng.
Kiều Phong nghe mấy người đó lao xao bàn tán, chỉ đành gượng cười: "Cái món nợ này lại đổ lên đầu ta." Chỉ trong giây lát, số nhà sư chạy vào điện mỗi lúc một đông. Kiều Phong thấy Chỉ Thanh giãy giụa toan đào tẩu thoát thân liền rõ ngay ý định: "Lúc này quần tăng tụ tập ở trên điện, Chỉ Trầm, Chỉ Uyên cả bọn chưa tỉnh, chính là cơ hội tốt để Chỉ Thanh bỏ đi, y cứ việc tự nhiên chạy ra ngoài không ai nghi ngờ vì người nào cũng đổ riệt cho ta là hung thủ." Ông lại lập tức nghĩ ngay: "Gã Chỉ Thanh này cũng chưa phải là tinh khôn cho lắm chứ lúc nãy y việc gì phải trốn vào đây? Y từ trong điện đi ra, đâu có ai hỏi han gì mà sợ?"
Ðột nhiên trong điện tất cả mọi người đều im bặt, không còn ai mở miệng nói một lời nào, kế đó chúng tăng đồng thanh nói:
- Tham kiến phương trượng, tham kiến thủ tọa Ðạt Ma Viện, tham kiến thủ tọa Long Thụ Viện.
Chỉ nghe lốp bốp mấy tiếng nhẹ, ai đó đã xuất chưởng vỗ bọn năm nhà sư Chỉ Trầm, Chỉ Uyên tỉnh lại, rồi có người hỏi:
- Lại do Kiều Phong ra tay hay sao? Làm sao y biết được bí mật của tấm gương đồng?
Chỉ Trầm đáp:
- Không phải Kiều Phong mà là Chỉ Thanh…
Ðột nhiên y tung mình nhảy lên chửi:
- Giỏi nhỉ, vì cớ gì ngươi ra tay ám toán đồng môn?
Kiều Phong nấp ở sau lưng pho tượng không thể đoán được y đang chửi ai. Chỉ nghe tiếng một người kinh hãi kêu lên:
- Chỉ Trầm sư huynh, sao sư huynh lại nắm tôi?
Chỉ Trầm giận dữ đáp:
- Ngươi đá ngã năm người chúng ta, ăn trộm kinh thư, thật là lớn mật. Bẩm cáo phương trượng, phản tặc Chỉ Thanh lén mở đồng kính trong Bồ Ðề Viện ăn trộm kinh thư dấu trong đó.
Người kia kêu lên:
- Cái gì? Cái gì? Tôi từ nãy vẫn ở bên cạnh phương trượng, làm sao có thể ăn trộm kinh được?
Một giọng nói già nua khàn khàn nói:
- Hãy đóng chiếc gương đồng lại đã rồi kể lại tình hình xem ra thế nào?