Thiên Long Bát Bộ Hồi 9

Chàng thưởng ngoạn hoa trà một hồi rồi đi đến bên bờ hồ, vốc lên uống vài ngụm. Nước trong vắt, vào đến miệng ngon ngọt lạ thường, mát rượi chạy tuột thẳng vào trong bụng. Chàng định thần đi men theo bờ hồ tìm lối ra khỏi vực sâu.

Cái hồ đó hình bầu dục quá nửa nằm ẩn trong những bụi hoa, tàn cây, chàng đi từ tây sang đông, lại từ đông sang tây đi giáp một vòng, phải đến ba dặm, phía đông nam và tây bắc là hai bên vách đá dựng đứng, không có lối nào ra, chỉ có chỗ chàng rơi xuống là tương đối thoai thoải còn nơi khác không cách nào có thể leo lên được.

Chàng ngửng đầu nhìn lên thấy mây mù che phủ miệng hang, đi xuống đã thấy biết bao gian nan, nghĩ đến việc trèo lên lại càng ngán ngẩm, nghĩ thầm: "Dù có là người võ công tuyệt đính cũng chưa chắc đã lên được. Có hay không có võ công thì cũng thế thôi."

Khi đó trời đã hửng sáng nhưng trong thâm cốc vẫn lặng như tờ, không thấy vết tích con người ngay vết chân thú cũng không thấy có, chỉ có tiếng chim kêu ríu rít, đối đáp lẫn nhau. Chàng thấy tình cảnh như thế trong bụng buồn rầu, nghĩ thầm mình có chết đói nơi đây cũng không sao nhưng làm lụy tới cả Chung cô nương thì thật không phải chút nào, còn cha mẹ mình sẽ ngày đêm khắc khoải nhớ thương.

Chàng ngồi phịch xuống bên bờ hồ rầu rĩ, trong bụng chưa biết tính sao. Trong khi thất vọng lòng nảy ra một huyễn tưởng: "Giá như mình biến thành con cá, theo thác nước mà bơi ngược lên thì mới may ra thoát khỏi được vách đá dựng đứng này." Chàng đưa mắt nhìn theo dòng nước từ dưới đi lên, thấy bên phía phải của dòng thác có một vách đá nhẵn bóng, sáng loáng như ngọc, nghĩ thầm muôn ngàn năm trước chắc dòng thác lớn hơn bây giờ nhiều, qua không biết bao nhiêu thời gian mới mài cho nửa bên vách đá thành nhẵn nhụi đến thế, về sau lượng nước giảm ít mới lộ ra phiến đá lưu ly khiến cho vách núi trong như hình một mặt gương.

Ngay lúc đó chàng nhớ lại những lời mà Can Quang Hào và Cát sư muội của y nói chuyện, nghĩ thầm: "Xem ra đây chính là cái mà họ nói là Vô Lượng Ngọc Bích rồi. Họ kể lại năm xưa các chưởng môn Đông Tông, Tây Tông của Vô Lượng Kiếm thường nhìn thấy trong những đêm trăng thấy trên vách núi này bóng các vị tiên hiện ra. Ngọc bích này dựng đứng bên cạnh cái hồ, nếu có chiếu lên thì phải ở trên mặt hồ còn không thì phải ở bờ hồ phía đông mà múa kiếm thì bóng mới chiếu lên trên đó được. Thế nhưng phía đông cũng lại là vách đá thẳng tắp phản chiếu ánh sáng, nếu không có ánh trăng thì không thể có bóng người. A, đúng rồi, chắc tại mặt hồ có chim bay qua lượn lại, bóng nó chiếu lên trên sơn bích, nhìn xa thấp thoáng thì thấy thân pháp linh động, vừa nhanh nhẹn, vừa kỳ lạ. Bọn họ trong đầu đã có chủ ý nên tưởng là tiên đang múa kiếm, mờ mờ tỏ tỏ không nhìn thấy rõ vì sao nên phải đi vào ma đạo."

Chàng nghĩ ra rồi không khỏi bật cười. Từ lúc ăn uống ở trong Kiếm Hồ Cung tới giờ cũng đã bảy tám giờ(2.1) nên bụng đói meo, thấy bên bờ hồ có một lùm cây đầy trái xanh xanh đỏ đỏ nên đến hái một chùm, cho vào miệng nhai thử thấy trái chua lè nhưng đang đói nên cũng không coi vào đâu, ăn luôn một hơi đến hơn chục chùm mới lưng lửng dạ, thấy toàn thân xương cốt mỏi nhừ nên lăn ra cỏ nằm thiu thiu ngủ.

Chàng ngủ một giấc thật say, đến khi tỉnh dậy mặt trời đã ngả về phương tây, mặt hồ hiện ra một hình cầu vồng, đẹp không thể tả được. Đoàn Dự biết rằng hơi nơi thác nước xông lên gặp ánh mặt trời chiếu vào nên hiện ra hình cầu vồng, nghĩ thầm mình sắp chết đến nơi nhưng được thưởng thức mỹ cảnh, phúc lộc quả không phải nhỏ, lại được chết dưới bóng hoa nơi bờ hồ thật phong lưu biết bao, ánh hồ sáng loáng diễm lệ, chỉ hiềm hoa trà không phải là giai chủng nên có phần mỹ trung bất túc.

Chàng ngủ được một giấc rồi tinh thần phấn chấn, nghĩ thầm: "Không chừng sơn cốc có lối ra, ẩn sau cây cối nham thạch, đêm qua trời tối mình lật đật vội vã nên không thấy chăng." Chàng lại cất tiếng hát véo von, cao hứng đi vòng quanh hồ tìm lần nữa. Lần này chàng chăm chú tìm kiếm ở những nơi kín đáo, thế nhưng phía sau những tùm cây hoa cỏ chỉ toàn là nham thạch cứng chắc, tảng nào cũng liền với bức vách núi cao vút tận mây, chẳng nói gì đường đi ra mà ngay cả hang thỏ lỗ rắn cũng chẳng có.

Tiếng hát của chàng càng lúc càng nhỏ dần, trong lòng càng lúc càng uể oải, đến lúc quay lại chỗ nằm ngủ hồi nãy thì chân đã mỏi nhừ, ngồi phịch xuống nghĩ thầm: "Chung cô nương vì cứu ta mà đâm ra chết oan."

Nghĩ đến Chung Linh, chàng thò tay vào túi lấy đôi giày hoa ra ngắm nghía, hình dung đôi chân bé nhỏ, khuôn mặt xinh xắn của nàng, nhịn không nổi đưa đôi giày lên miệng hôn mấy cái rồi lại bỏ vào bọc nghĩ thầm: "Phen này ta chắc không thoát chết được rồi, Chung cô nương cũng bỏ mạng. Giá như nàng cũng ở nơi đây, hai đứa chết chung nơi bờ hồ này thì quả thật đẹp biết bao. Chỉ tiếc nàng giờ đây lại ở bên cạnh lão râu dê Tư Không Huyền thật là chán ngắt. Giờ đây ta đang nghĩ đến nàng chắc hẳn nàng cũng đang nghĩ đến ta."

Chàng không có việc gì làm đành đi hái mấy quả chua kia ăn tạm, bỗng nghĩ ra: "Chỗ nào mình cũng tìm hết rồi, chỉ còn chỗ này chưa mò đến, không chừng cột nhà không nhìn nhìn trôn kim sờ sờ trước mắt mà không thấy." Chàng liền vạch bụi cây ra lập tức lắc đầu. Đằng sau cái cây chỉ là một vách núi trơ trơ, bám đầy dây leo, làm gì có lối nào ra? Thế nhưng phiến thạch bích đó phẳng lạ thường, chẳng khác gì một tấm gương đồng nhưng so với vách đá bên phía tây hồ nước thì nhỏ hơn nhiều, trong lòng chợt động: "Hay đây mới thực là Vô Lượng Ngọc Bích!" Chàng bèn gỡ hết các dây leo bám trên phiến đá, nhưng chỉ thấy đó là một bản đá phẳng lì tuyệt nhiên không có gì khác lạ. Chàng nghĩ bụng: "Ta chết nơi thâm cốc này vĩnh viễn không ai hay biết, chi bằng khắc vài chữ trên phiến đá này, à, khắc tám chữ "Đại Lý Đoàn Dự chết tại nơi đây" xem ra cũng thú."

Chàng bèn dọn sạch các dây leo bám trên mặt đá, cởi trường bào ra, xuống dưới hồ nhúng nước, đem lên rửa thật sạch cho hết rong rêu khiến phiến đá đó trở nên trắng bóng như ngọc. Chàng nhặt một hòn đá nhọn lên vẽ chữ lên trên thạch bích, thế nhưng vách đá cứng rắn lạ thường, một hồi lâu mới xong một chữ Đoàn vừa nông vừa méo xẹo, chẳng ra trò trống gì, nghĩ thầm: "Người sau nhìn thấy sẽ cho rằng Đoàn Dự chữ không biết viết, viết tám chữ này có khác nào để tiếng xấu đến muôn đời." Chàng thấy cổ tay mỏi nhừ, đau nhức nên liệng hòn đá đi không viết nữa.

Đến khi trời tối, chàng lại ăn thêm ít trái cây dại rồi nằm xuống ngủ. Trong giấc mơ chàng thấy một đôi giày bay qua lượn lại trước mắt, vải xanh thêu hoa vàng, chính là đôi giày của Chung Linh, vội vươn tay ra cầm lấy nhưng đôi giày chẳng khác gì bướm dại, chập chờn lên xuống, không sao bắt được. Một lúc sau, đôi giày hoa mỗi lúc một cao, Đoàn Dự kêu lên:

- Giày kia đừng bay nữa.

Chàng bàng hoàng tỉnh dậy thì mới hay là một giấc mộng, giơ tay dụi mắt, đưa tay ra sờ, đôi giày hoa vẫn còn trong túi bèn đứng lên ngửng đầu thấy mặt trăng tròn văng vặc, chiếu xuống chẳng khác gì tráng lên một lớp bằng bạc lên mặt hồ, đưa mắt nhìn khắp nơi đột nhiên giật mình thấy ở bức vách bên kia quả nhiên có một bóng người.

Chàng kinh hãi không để đâu cho hết, nhưng cũng xiết đỗi vui mừng, kêu lên:

- Các vị tiên ơi! Cứu tôi với! Các vị tiên ơi! Cứu tôi với!

Hình người kia hơi rung động nhưng không trả lời. Đoàn Dự định thần, chăm chú xem lại cho kỹ nhưng bóng người kia không rõ ràng, chỉ thấy áo dài, khăn nho sinh quả là một người đàn ông.

Chàng vội vàng tiến lên mấy bước đã đến bên cạnh hồ kêu to:

- Vị tiên ơi! Cứu tôi với!

Bóng người trên vách ngọc lắc lư mấy cái, lớn thêm lên nhiều. Đoàn Dự vội đứng lại, cái bóng đó cũng không di chuyển nữa. Chàng ngạc nhiên lập tức hiểu ra: "Thì ra đó là bóng của chính mình!" Chàng nghiêng qua bên trái, cái bóng đó cũng nghiêng qua bên trái, chàng bước qua bên phải cái bóng trên vách núi cũng qua bên phải, không còn hoài nghi gì nữa nhưng vẫn còn điều chưa hiểu được: "Vầng trăng từ tây nam chiếu qua làm sao lại chiếu được bóng ta lên bức tường trước mặt nhỉ?"

Chàng quay đầu lại thấy chữ Đoàn chàng khắc lúc ban ngày cũng có một cái bóng in lên trên thạch bích, nhưng chữ đó bé và đâm nét hơn nhiều. Chàng nghĩ ra ngay: "Thì ra bóng trăng chiếu bóng của ta lên trên phiến đá trước, sau đó mới rọi lên trên vách núi chẳng khác gì mình đứng giữa hai tấm gương, tấm gương lớn phản ảnh hình của ta trên tấm gương nhỏ."

Chàng suy nghĩ thêm một chút, hiểu ra ngay cái si mê "ngọc bích tiên ảnh" của Vô Lượng Kiếm mấy chục năm qua chẳng có gì thần kỳ: "Năm xưa quả có ai đó đứng nơi đây múa kiếm, bóng chiếu lên trên bức vách đá. Đầu tiên có một nam một nữ, sau đó người đàn ông bỏ đi đâu hay chết rồi không biết, chỉ còn lại người đàn bà ở lại u cốc này tịch mịch cô đơn, hai năm sau cũng từ trần."

Chàng nghĩ đến giai nhân lẻ bạn, sống vò võ nơi hang sâu, uất hận mà chết không khỏi ngậm ngùi. Thế nhưng sau khi hiểu được lý lẽ đó rồi, nỗi vui mừng biến mất không còn tăm hơi đâu nữa. Nỗi buồn kéo đến khiến chàng giơ tay múa chân, tay đấm chân đá, nghĩ thầm: "Giá như Tả Tử Mục, Song Thanh hai người đang ở trên mỏm núi kia bỗng thấy ngọc bích có hình bóng tiên hiện hiện ra, chắc tưởng là đang biểu diễn võ công thần kỳ, thể nào chẳng hết sức cố gắng học, vùi đầu nghiên cứu để truyền cho hậu thế, ha ha, ha ha!" Chàng càng nghĩ càng khoái chí, nhịn không nổi cười lên sằng sặc.

Cười chán chê rồi, chàng bỗng nghĩ ra một việc: "Hai vị tiền bối kia ngày xưa thường thường cùng nhau múa kiếm, nếu như không ở ngay dưới đáy vực này thì cũng phải có đường đi ra đi vào. Dù cho hai người võ công cao đến đâu nhưng leo lên leo xuống để múa kiếm thì thật là phiền nhiễu hết sức, một hai lần thì được chứ ngày nào cũng làm thì xem ra không ổn."

Chàng bỗng thấy một tia hi vọng trước mắt, nghĩ thầm: "Ngày mai mình sẽ cố gắng tìm đường ra. Gã Can Quang Hào đã chẳng nói: Có chí thì nên đấy ư? Ha ha! Ha ha! Y lập chí quyết lấy cho bằng được Cát sư muội làm vợ, còn ta lập chí nhất định phải thoát khỏi nơi đây."

Chàng ngồi ôm gối, thản nhiên nhìn ánh trăng trên mặt hồ, bốn bề thanh tĩnh nghĩ thầm: "Có chí thì nên, câu đó tuy không phải là sai nhưng Khổng phu tử có nói: "Người biết không bằng người hiền, người hiền không bằng người vui."(2.2) Câu này xem ra hợp với bụng ta hơn.

Cha mẹ ta vẫn bảo ta là "si nhi," từ thuở bé đã thích cái gì là mê mẩn như điên như cuồng. Năm ta bảy tuổi, ta mê một cây hoa trà Thập Bát Học Sĩ, từ sáng đến tối, đến nửa đêm còn len lén trở dậy nhìn ngơ ngẩn, bỏ ăn bỏ uống, quên cả học hành đến khi hoa tàn khóc mấy ngày chưa thôi. Lúc ta học đánh cờ cũng không ăn không ngủ, suốt ngày suốt đêm chỉ nghĩ đến bàn cờ, chẳng còn thiết gì khác.

Một hôm kia gia gia bảo ta luyện võ, thế nhưng lúc đó ta đang nghiên cứu Dịch Kinh, ngay cả khi ăn cơm giơ đũa ra gắp đồ ăn cũng nghĩ phương vị chiếc đũa bên này là Đại Hữu hay là Đồng Nhân.(2.3) Ta không chịu học võ, không hiểu vì không muốn bỏ Kinh Dịch qua một bên hay thực sự không thích cái môn đánh nhau giết người này? Cha ta bảo ta "cưỡng từ đoạt lý" chắc hẳn quả ta có cãi chầy cãi cối thật không chừng. Mẹ ta hiểu bụng dạ tính nết ta lắm mới khuyên gia gia: "Thằng con si này một mai thích học võ rồi, ông có bảo nó bớt luyện đi một chút, nó cũng chẳng nghe đâu. Bây giờ nó không chịu học, cứng đầu không chịu có ép cũng không xong." Ôi! Bảo ta lập chí làm điều gì quả là khó, nếu như một ngày nào đó ta mê luyện võ thì gia gia, má má, bá phụ hẳn sung sướng biết bao nhiêu. Ta luyện võ cho giỏi rồi, không đánh ai cũng chẳng giết ai, luyện võ đâu phải chỉ là để giết người. Bá phụ võ công cao cường biết bao nhưng tính tình nhân từ, e rằng xưa nay chưa từng giết qua một người nào. Có điều nếu như ông ấy muốn giết ai đâu có cần phải tự mình ra tay."

Chàng ngồi bên bờ hồ, đầu óc suy nghĩ miên man không biết thời giờ trôi qua, bỗng chợt thấy vách đá bên cạnh dường như có ánh sáng đủ màu di động, vội chăm chú nhìn thấy bên dưới chữ Đoàn chàng khắc có bóng một thanh kiếm, hình ảnh rõ ràng lạ thường, có cả cán, cả vòn che tay, thân kiếm, mũi kiếm mọi thứ đều đâu ra đấy. Mũi kiếm nghiêng nghiêng chỉ xuống còn thanh kiếm có màu cầu vồng tỏa ra, lấp loáng chuyển động không ngừng. Chàng lấy làm lạ tự hỏi: "Sao bóng thanh kiếm lại hiện màu cầu vồng!" Chàng ngửng đầu lên nhìn nhưng không thấy vầng trăng đâu thì ra bóng nguyệt đã chìm về phương tây, ẩn ở đằng sau vách núi rồi. Thế nhưng vách núi đó có một lỗ hổng, ánh trăng chiếu theo đó mà rọi xuống, trong cái hang đó có ánh sáng lấp lánh mới vỡ lẽ ra: "Đúng rồi! Thì ra trên vách núi kia có treo một thanh kiếm, trên thanh kiếm này có nạm các loại bảo thạch đủ màu, ánh trăng chiếu vào in hình thanh kiếm và các loại châu báu thành đủ màu sắc thành ra mới rực rỡ đến thế."

Chàng nghĩ tiếp: "Như thế ắt phải đục được lưỡi kiếm ra rồi nạm bảo thạch cho ánh trăng chiếu qua được thành hình đủ màu. Còn như không đục được lưỡi kiếm thì ánh trăng đâu có thể chiếu xuyên qua bảo thạch. Người chế tạo ra chiếc kiếm quái lạ này thật là tốn nhiều công sức."

Chàng thấy cái hang đó cách mặt đất đến mấy chục trượng không cách nào có thể trèo tới mà xem cho kỹ được, từ dưới trông lên, chỉ thấp thoáng thấy ánh sáng của mấy viên đá quí chiếu lên thạch bích vừa huyền ảo, vừa đẹp đẽ, nhìn mà mê mẩn tâm thần.

Chàng chỉ mới xem được một lát chừng thời gian uống một chén trà, ánh trăng đã di động, cái bóng đó mờ dần rồi biến mất, vách đá chỉ còn một màu trắng bệch. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Thanh bảo kiếm này chắc là của hai vị cao nhân kia để trên đó. Sơn cốc thâm hiểm thế này, người của phái Vô Lượng Kiếm chẳng một ai dám mạo hiểm trèo xuống xem xét, cứ đứng trên đỉnh núi thì đâu có thấy được tiểu thạch bích, cũng không nhìn thấy cái hang trên bức vách bên kia có treo một thanh kiếm, thành ra phái Vô Lượng Kiếm có đứng trên đầu núi ngơ ngẩn một trăm năm nữa thì cũng không sao thấy được cái bí mật này. Thế nhưng lấy được thanh bảo kiếm kia thì có ích lợi gì!" Chàng nghĩ ngợi một hồi rồi ngủ thiếp đi.

Trong giấc ngủ đột nhiên chàng choàng tỉnh dậy, nghĩ thầm: "Để có thể treo được thanh kiếm trên bức tường đá kia quả là một việc thực khó khăn, dẫu võ công có cao cường cũng không dễ gì làm được. Xếp đặt mất nhiều công lao như thế, phải có thâm ý gì. Hẳn là trong cái hang này còn cất dấu võ học bí cập chi đó." Chàng nghĩ đến võ công thấy không còn gì hứng thú: "Võ công bí cập kia người của Vô Lượng Kiếm coi là quí giá chứ còn như ta, dù có để ngay trước mặt ta cũng chẳng thèm liếc mắt đến làm gì."

Hôm sau chàng lại đi men theo chung quanh hồ, tính ra từ hôm rơi vào cái vực này đã đến ngày thứ ba, nghĩ thầm chỉ còn bốn ngày nữa, chất kịch độc của đoạn trường tán trong ruột phát tác, lúc đó có tìm được lối ra cũng thành vô dụng.

Đêm hôm đó chàng ngủ đến nửa đêm liền tỉnh dậy, đợi cho bóng trăng chìm về phương tây. Đến khoảng canh tư, ánh trăng chiếu vào cái hang núi, lại chiếu lên trên thạch bích hình thanh kiếm đủ màu. Chỉ thấy thanh kiếm trên bức vách xéo vào hướng bắc, mũi kiếm chỉ đúng vào một khối đá lớn, Đoàn Dự trong lòng chợt động: "Không lẽ khối nham thạch này có gì khác thường?"

Chàng đi đến bên tảng đá đẩy thử, tay chạm vào rêu xanh trơn tuồn tuột nhưng khối đá dường như hơi lắc lư. Chàng ra sức đẩy hai tay, lại thấy tảng đá rung rinh. Khối đá đó cao đến ngực, không hai nghìn cũng phải một nghìn cân, đúng ra không thể nào nhúc nhích được. Chàng đưa tay mò dưới đáy khối đá, thì ra tảng đá này không sát đất mà để ở trên một tảng đá nhỏ hơn, không biết trời sinh như thế hay là do người sắp đặt. Tim chàng đập thình thình nghĩ thầm: "Khối đá này quả có điều gì khác lạ!"

Chàng dùng hai tay đẩy phía bên phải tảng đá, hòn đá lại lắc lư nhưng rồi lại trở về, nghe như có tiếng dây leo bị nghiến đứt biết là có các loại cây cỏ quấn chặt hai tảng đá với nhau. Lúc bấy giờ ánh trăng đã lặn, chàng chỉ thấy mờ mờ, nghĩ bụng: "Tối thế này nhìn không rõ, để đến sáng mai mình xem kỹ thử coi thế nào."

Chàng nằm xuống bên cạnh tảng đá chợp mắt một lúc, đến khi sáng rõ mới trở dậy xem kỹ chung quanh rồi cúi xuống gỡ sạch các dây leo, cỏ dại quấn giữa hai tảng đá, lại vét cả đất cát ra sau đó mới giơ tay đẩy lần nữa, quả nhiên khối nham thạch từ từ chuyển động chẳng khác gì một cái cánh cửa lớn, xê dịch mới một nửa đã thấy để lộ ra một cái hang cao chừng ba thước.

Chàng mừng lắm, không kịp nghĩ xem trong động có gì nguy hiểm, liền khom lưng chui vào, đi được mươi bước thì cái hang đã tối om không còn chút ánh sáng nào. Chàng đành giơ hai tay ra, mỗi bước lại mò thử xem có gì không nhưng thấy dưới chân vững chãi chẳng khác gì đi trên một con đường đá, hẳn là hang này do tay người tu sửa nên càng mừng hơn. Thế nhưng cái hang đi xeo xéo xuống dưới, càng lúc càng thấp. Đột nhiên tay chàng sờ phải một vật gì hình tròn lạnh ngắt, vội buông ra nghe keng một tiếng, âm thanh trong trẻo, đưa tay ra mò lại lần nữa thì ra là một cái vòng cửa.

Đã có vòng cửa ắt là cửa lớn, chàng hai tay sờ thấy đến hơn một chục cái đinh đồng to bắng cái bát, trong lòng vừa sợ vừa mừng: "Nếu bên trong cửa này có người ở thì thật là kỳ quái." Chàng cầm môn hoàn gõ mạnh ba cái keng keng keng, đợi một lát thấy không có ai trả lời, chàng lại gõ thêm ba cái nữa, rồi mới đưa tay đẩy cửa. Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m

Cái cửa đó dường như đúc bằng đồng bằng sắt, rất nặng nề nhưng bên trong không cài then, chàng vừa ra sức đẩy cánh cửa đã từ từ mở ra. Chàng lớn tiếng gọi:

- Tại hạ Đoàn Dự, không được mời mà đến tự tiện xông vào quí phủ, mong được chủ nhân thứ tội.

Chàng đợi một lúc, không thấy bên trong có âm hao gì, liền cất bước tiến vào. Mặc dù chàng mở mắt trừng trừng nhưng không nhìn thấy gì cả, chỉ thấy mùi ẩm mốc xông vào mũi dường như nơi đây đã lâu không có người ở. Chàng đi tiếp về phía trước, đột nhiên bình một tiếng, trán đã đụng phải vật gì. Cũng may chàng đi rất chậm nên cũng không đau mấy, giơ tay sờ thử thì ra nơi đây lại có một cái cửa khác. Chàng vận sức vào tay từ từ đẩy cửa mở ra, thấy bên trong là một thạch thất hình tròn, ánh sáng từ bên trái chiếu qua nhưng chỉ mờ mờ không phải ánh sáng mặt trời.

Chàng đi đến chỗ có ánh sáng, bỗng thấy có một con tôm lớn bơi ngoài cửa sổ. Chàng lấy làm lạ, đi thêm mấy bước nữa, lại thấy một con cá chép hoa vằn vện bơi qua. Chàng nhìn kỹ cái cửa sổ đó thì ra là một khối thủy tinh lớn nạm vào trong đá, to phải bằng cái mâm, ánh sáng chính là từ khối thủy tinh đó chiếu vào.

Chàng ghé mắt nhìn qua khối thủy tinh ra ngoài thấy nước xanh biếc cuồn cuộn chảy qua, các loài cá tôm thủy tộc bơi qua bơi lại, nhìn tới cùng cũng không thấy đâu là bờ là bến. Chàng hiểu ngay, thì ra nơi chàng đang đứng là dưới đáy hồ, năm xưa người kiến tạo thạch thất này hao tốn không biết bao nhiêu công sức mới đem được ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào, khối thủy tinh này là một bảo vật thật khó kiếm.

Chàng định thần suy nghĩ bỗng dưng kêu khổ thầm: "Chết rồi, chết rồi! Ta chạy vào dưới đáy hồ, đường đi chỉ toàn giơ tay lần mò không biết qua bao nhiêu chỗ quẹo, chui xuống đây rồi làm thế nào mà trở ra!"

Chàng quay đầu lại, chỉ thấy trong gian phòng này có để một chiếc bàn đá, đằng trước có một chiếc ghế con, trên bàn là một chiếc gương đồng,(2.4) bên cạnh còn để lược, thoa các loại, xem ra là nơi ở của người khuê các. Chiếc gương đồng đã hoen rỉ xanh lè, trên bàn cũng đóng bụi dầy cả tấc, không biết đã bao lâu chưa hề có người lui tới.

Chàng thấy tình cảnh đó không khỏi sững sờ, nghĩ thầm: "Nhiều năm trước hẳn là có một người đàn bà ở chốn hẻo lánh này, không hiểu vì sao mà lại đau lòng rời xa nhân gian lui về ở ẩn. Ôi! Chắc hẳn là người đàn bà đứng múa kiếm bên vách đá kia." Chàng nghĩ ngợi một hồi, coi kỹ lại thấy trong gian phòng hai phía đông tây treo đầy những gương đồng, đếm lại có đến hơn ba mươi tấm. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Chắc hẳn người đàn bà này là một giai nhân tuyệt thế, bạn tình chết đi rồi, sống lẻ loi vò võ ở chốn phòng khuê, ngày ngày chỉ còn biết cùng hình bóng của chính mình than thở. Tình cảnh đó thật là đau lòng xót dạ."

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-9/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận