Từ trên cao nhìn xuống, những ngõ nhỏ của Thượng Hải trông thật đẹp, chúng tạo nên bối cảnh của thành phố. Những đường phố và những toà nhà cao tầng nổi lên như những nét chấm phá kín đầy khoảng trắng trong bức tranh Trung Quốc. Về đêm, khi thành phố lên đèn, những nét chấm phá kia tràn ngập ánh điện, tạo nên một vầng sáng, để lại phía sau một vùng tối tăm, ấy là những ngõ nhỏ của Thượng Hải. Vùng tối như những đợt sóng cố sức đẩy lùi ánh sáng. Ngõ nhỏ là một mảng lớn để những nét chấm phá nổi lên, chia cắt; là những dấu chấm ngắt câu, ngắt dòng trong văn chương. Vùng tối như vực thẳm, giá như ném cả một quả núi vào đó thì quả núi cũng lặng lẽ chìm tận đáy sâu. Vùng tối ấy còn ẩn chứa không biết bao nhiêu đá ngầm, nếu không cẩn thận sẽ bị lật thuyền. ánh sáng của Thượng Hải được những vùng tối nâng đỡ hàng chục năm. Đó làParishoa lệ của phương Đông phủ chụp lên nền tối tăm kia hàng chục năm trời. Ngày nay, tất cả đã cũ, dần dần lộ rõ những dấu vết thật của nó. ánh sáng ban mai toả rạng, ánh đèn tắt dần. Trước hết là lớp sương mù mỏng manh, ánh sáng chiếu thẳng tạo nên những đường viền tinh tế. Trong sương mù buổi sáng, hiện ra trước tiên là những cửa sổ tò vò có hình thù kỳ lạ trên mái nhà của các ngõ nhỏ, những cánh cửa kính làm rất khéo, ngói lợp thẳng tăm tắp, chậu hoa hồng bày trên cửa sổ được chăm sóc cẩn thận... Những ban công hiện ra, áo xống phơi qua đêm cũng yên tĩnh như tranh vẽ; lớp vữa trên ban công lở lói, để lộ những viên gạch đỏ giống như những nét bút của một bức tranh. Tường hồi nứt nẻ, rêu phong, có cảm giác man mát khi chạm vào. Tia sáng đầu tiên trên tường hồi quả là bức tranh tuyệt mỹ, rực rỡ nhưng rất hoang lương, mới lạ nhưng lại có năm tháng. Lúc này, nền đường xi-măng trong ngõ vẫn còn che phủ trong sương mù, sương mù nơi cuối ngõ càng dày đặc hơn. Nắng đã toả trên các sân thượng có lan can sắt trong các ngõ kiểu mới, những ô cửa sổ phản chiếu ánh nắng. Đó là những ngọn bút sắc nhọn rạch đôi đêm và ngày. Cuối cùng, ánh nắng cũng xua tan mây mù, tất cả được tô đậm, những đám rêu có màu đen, những khung cửa sổ cũng trở nên đen, lan can sắt trên sân thượng hiện rõ màu gỉ vàng, cỏ xanh trong các kẽ nứt trên tường hồi, bồ câu trắng bay lượn trên bầu trời cũng trở thành bồ câu màu xám.
Ngõ hẻm ở Thượng Hải lắm hình nhiều vẻ, muôn ngàn sắc màu, chúng có lúc thế này, có lúc lại thế khác, không giống nhau. Dù có trăm biến vạn hoá, chúng cũng không mất đi cái vốn dĩ nguyên sơ, hình hài thay đổi nhưng thần thái không đổi, quanh đi quẩn lại vẫn thế, ngàn con người ngàn khuôn mặt, nhưng vạn người một lòng. Những ngõ nhỏ có cổng đá ở Thượng Hải là những ngõ quyền lực thanh thế, mang di truyền của các bậc đại gia, có khuôn mặt các dinh thự, thâm nghiêm kín cổng cao tường. Mở cửa bước vào, bên trong là khoảng sân hẹp, các gian phòng cũng nông choẹt, chỉ đi vài ba bước là khắp lượt, cầu thang gỗ lên tận mái nhà. Cầu thang không lượn vòng, khuê phòng ở cuối, cửa sổ trên tầng hai hững hờ quay ra phố. Những ngõ mới ở phía đông Thượng Hải rất có dáng, cổng sắt hoa văn uốn lượn, tầng hai có những cửa sổ nhô ra lại còn thêm ban công nghỉ chân để ngắm cảnh phố phường. Những cành trúc đào vươn ra ngoài tường không giữ nổi xuân sắc. Phía trong vẫn phải đề phòng kẻ gian, khoá cổng là thứ khoá của Đức chế tạo, cửa sổ tầng dưới có song sắt, trên cánh cửa sắt là những góc sắc nhọn, giếng trời ở giữa nhà, vào được nhưng không ra nổi. Nhà trong các ngõ nhỏ phía tây thành phố lại rất nghiêm mật, các căn phòng khép kín, cửa đóng chặt, một người đóng trăm người khó mở, tường cách âm, không còn nghe thấy tiếng chó sủa gà kêu. Nhà nọ cách nhà kia một khoảng rộng, không ai biết mặt ai. Nhưng cũng chỉ là chống kẻ gian dân chủ, cách như bên Âu Mỹ, bảo vệ tự do của con người, kỳ thực là muốn làm gì thì làm, không ai ngăn cản. Ngõ tạp lều lán là kiểu mở toàn diện, mái lợp giấy dầu dột nát, phên vách không để chắn gió, cửa không đóng chặt. Trong hẻm, nhà cửa chen chúc chật chội, đèn như đom đóm, tuy yếu ớt nhưng lại rất nhiều, bát nháo lộn xộn như một nồi cháo. Những ngõ hẻm này như một dòng sông lớn có nhiều chi lưu, như một cây lớn không biết có bao nhiêu cành. Đường ngang ngõ tắt chằng chịt tựa một tấm lưới khổng lồ. Bề ngoài của chúng thì rộng mở, nhưng lại rất bí ẩn kín đáo, nội tâm uẩn khúc. Khi hoàng hôn xuống, đàn bồ câu bay lượn trên bầu trời Thượng Hải để tìm về tổ. Mái nhà nhấp nhô trông như đồi núi chập chùng. Từ trên cao nhìn xuống chúng liền một mảng, không thấy đâu là bờ, không còn phân biệt đông tây nam bắc. Chúng như dòng nước cuộn chảy, tràn ngập mọi ngóc ngách, tưởng như rối loạn nhưng thực tế đan xen nhau. Chúng vừa rộng vừa dày đặc, tựa như ruộng lúa của người nông dân gieo hạt để rồi gặt hái, lại giống như cánh rừng nguyên thủy tự sinh tự diệt. Kỳ thực, chúng tạo nên cảnh đẹp.
Ngõ nhỏ Thượng Hải rất tình cảm, thân thiết như ruột thịt. Cảm giác ấm lạnh, có thể nhận biết, suy tư. Những cửa sổ nhà bếp dính đầy dầu mỡ là để các bà người trong người ngoài chuyện trò đỡ buồn; cửa sau là để các cô gái cắp sách đến trường và hẹn hò với bạn trai; cửa lớn phía trước hiếm khi mở, mỗi khi mở là nhà có việc lớn, là cửa để khách quý vào ra, dành cho các đám cưới hỏi. Chúng có những niềm vui không thể kiềm chế, khấp khởi, lôi thôi. Sân thượng, ban công và bên cửa sổ còn lưu lại những lời thì thầm, về đêm tiếng gõ cửa lúc tỏ lúc mờ. Hãy tìm một góc độ tốt trên cao: những cây sào phơi áo ngang dọc cũng có những tâm tình riêng tư; hoa phượng tiên, hoa bảo thạch và hành tỏi trồng trong chậu cảnh đều có tình riêng; chuồng chim bồ câu trống không trên mái nhà là trái tim hoang vắng; những mảnh ngói vỡ lộn xộn cũng tượng trưng cho trái tim và cơ thể. Mặt đường trong ngõ tựa như khe rãnh, nơi lát xi-măng, nơi thì rải đá. Đường lát xi-măng ngăn dạ cách lòng, đường rải đá có cảm giác máu thịt thân thiết. Hai loại ngõ thì tiếng chân cũng hai loại, loại trước tiếng vang giòn, loại sau chìm lắng, buồn tận đáy lòng; loại trước nói năng khách sáo, loại sau là những lời trong tâm can, cả hai không phải là văn chương quan cách, đều nói lời thông thường hàng ngày. Nơi tận cùng ngõ hẻm Thượng Hải dễ đi sâu vào lòng người hơn, ở đó mặt đường được trang trí bằng những vết nứt nẻ, cống rãnh ngập nước vẩy cá, cuống rau nổi lều bều, khói mùi dầu mỡ từ các bếp bay ra. Nơi này bẩn thỉu, bừa bãi, để lộ ra những thứ sâu kín nhất, không còn gì gọi là nền nếp. Bởi thế, nó càng âm u hơn. Phải ba tiếng đồng hồ sau chính ngọ ánh nắng mới lọt vào ngõ, nhưng cũng chỉ trong chốc lát. Một chút nắng phủ sắc màu ấm áp, tường nhuốm vàng, lồi lõm, lạo xạo. Kính trên những ô cửa sổ cũng nhuốm vàng, nhiều vết bẩn, hoa cả mắt. ánh nắng chiếu lâu cảm thấy mệt mỏi, chiếu những tia cuối cùng xuống tận cùng hẻm, trong tia nắng chứa nhiều trầm tích, nhớp nháp, bẩn thỉu. Chim bồ câu lượn ở phía trước, phía sau ngõ là bụi bay trong nắng, mèo hoang bắt đầu ẩn hiện. Tất cả đã ăn sâu vào da thịt, không còn nói thân sơ, ngược lại đã bắt đầu chán ngấy, ngấm ngầm ghê sợ nhưng lại cảm động đến tận cốt tuỷ.
Nét cảm động của các ngõ hẻm Thượng Hải đến từ những tình cảnh thường ngày, cảm động không như mây bay nước chảy mà tích tụ từng ly từng tí. Cảm động bởi khói lửa tình người. Từng hàng, từng dãy ngõ hẻm tràn đầy những điều không hề nghĩ tới nhưng lại có tình có lý. Không phải là những gì to tát, chỉ bé nhỏ vụn vặt, tích tiểu thành đại. Toàn là những điều không liên quan gì đến khái niệm lịch sử, ngay cả dã sử cũng không, chỉ có thể gọi đó là chuyện đồn đại. Chuyện đồn đại cũng là một cảnh quan trong các ngõ hẻm Thượng Hải, tưởng chừng có thể trông thấy, nhìn thấy, thoát ra từ các cửa sổ, cửa sau. Lời đồn đại thoát ra từ các cửa trước, các ban công mặt tiền thường nghiêm chỉnh hơn, nhưng vẫn là chuyện đồn đại. Lời đồn đại tuy không phải là lịch sử nhưng cũng có hình thái thời gian, tuần tự tiệm tiến, có nhân có quả. Những câu chuyện đồn đại ấy dính vào da vào thịt, không lạnh nhạt cứng nhắc trên đống giấy cũ, tuy sai nhiều, nhưng là những điều sai có thể cảm nhận. Khi đèn thành phố rực sáng thì trong ngõ chỉ một ngọn ở chỗ ngoặt, chao đèn thuộc loại thông thường nhất, gỉ đen, bám đầy bụi bẩn, ánh sáng vàng vọt, phía dưới như sương mù đeo bám, đó là thời gian ấp ủ những chuyện đồn đại. Đó là thời khắc tối tăm, không rõ ràng, nhưng thương tổn lòng người. Bồ câu gù trong chuồng, chừng như đang thổ lộ tâm tình. Ngoài phố là ánh sáng đàng hoàng, đáng tiếc khi vào hẻm đều bị bóng tối nuốt chửng. Những chuyện đồn đại từ những nhà có phòng khách phía trước và phòng xép hai bên phải trái, thường đượm mùi cỏ khô, là chuyện theo phái cũ; còn chuyện đồn đại của những ngõ nhà có gác xép và cầu thang uốn lượn thuộc phái mới, có hương thơm của long não. Dù là cũ hay mới đều thành tâm, có thể gọi là chân tình. Tất cả đều vốc nước bằng tay, vốc một nửa chảy một nửa nhưng cũng vốc được đầy bể, chim én tha rác làm tổ, tha một nửa rơi vãi một nửa nhưng rồi cũng xây được tổ, không hề lười biếng và dối trá. Ngõ hẻm Thượng Hải không thể nào nhìn thấy tình cảnh, như rêu xanh trong bóng râm, kỳ thực như những vết thương kín miệng, như những vết đau được thời gian xoa dịu. Bởi không danh chính ngôn thuận, đều lớn lên trong bóng tối, nhiều năm không thấy ánh mặt trời. Dây thường xuân vốn là chính đáng nhưng được bức màn thời gian che đậy. Khi đàn chim bay lượn, nhìn mái nhà lô xô của các ngõ hẻm, lòng quặn đau từng cơn. Mặt trời hiện dần trên mái nhà, gập ghềnh, gập ghềnh, ánh nắng bị cắt xén; đó là những cảnh đẹp được gom góp bởi vô số cái nhỏ bé vụn vặt, là sức mạnh to lớn được tập hợp bởi lòng kiên nhẫn.
Hết chương 1. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.