Trường Hận Ca Chương 2


Chương 2
6. Xưởng phim. 7. Bấm máy. 8. Chụp ảnh 9. Người đẹp Thượng Hải. 10. Hoa hậu thượng Hải. 11. Á hậu.

Xưởng phim

Câu chuyện của năm 40 bắt đầu từ ngày đến xưởng phim.

Ngô Bội Trân hứa sẽ đưa Vương Kỳ Dao đến xưởng phim chơi. Bội Trân là người con gái vô tâm. Lẽ ra cô phải tự ti vì xấu, nhưng gia đình khá giả, được chiều chuộng, tạo nên cá tính rộng lượng, cô biến tự ti thành tính khiêm tốn, trong khiêm tốn ấy lại mang tinh thần thực sự cầu thị. Xuất phát từ tính khiêm tốn, Bội Trân thường phóng đại những ưu điểm của người khác một cách vô tư, tôn sùng một cách trung thực, lúc nào cũng sẵn sàng dâng hiến nhiệt tình của mình. Kỳ Dao không có gì phải đề phòng lòng ghen tị của Bội Trân, mà cũng chẳng cần ghen tị gì Bội Trân, ngược lại, còn đồng cảm bởi Bội Trân xấu. Sự đồng cảm khiến cho Kỳ Dao trở nên khảng khái, tất nhiên khảng khái chỉ dành riêng cho Bội Trân. Kỳ thực Bội Trân cũng chẳng để ý đến tính vô tâm của mình. Kỳ Dao cũng rộng lượng, càng tốt hơn, dường như để cảm ơn Bội Trân. Hai người qua lại thường xuyên và trở nên đôi bạn tâm tình, tưởng chừng muốn nhường mình cho bạn. Sắc đẹp của  Kỳ Dao làm nổi nét xấu của Bội Trân; sự tinh tế của Kỳ Dao làm nổi bật tính bộc tuệch của bạn, Bội Trân rất cảm ơn, như mang nợ bởi tính khảng khái của bạn. Bội Trân thì vẫn chịu được, bởi cuộc sống của cô không nặng nề như Kỳ Dao, được sao biết vậy, không tính toán so bì, sống thanh thản, có ý như chia sẻ gánh nặng với Kỳ Dao. Chia sẻ như thế khiến hai đầu gánh của mình trở nên thăng bằng, tình cảm ngày một sâu nặng.

Ngô Bội Trân có người anh họ phụ trách ánh sáng ở xưởng phim, thỉnh thoảng đến chơi, anh mặc đồ kaki vàng, đính cúc đồng, trông thật oách. Trân chẳng để ý gì ông anh họ, chẳng qua cũng chỉ vì Kỳ Dao. Xưởng phim vốn là nơi các cô nữ sinh rất ngưỡng mộ, nơi sản sinh những mối tình lãng mạn(4) trên màn bạc mà ai cũng biết, nơi sản sinh ra những chuyện đồn đại về các minh tinh phía sau màn ảnh. Việc trên là giả nhưng giống như thật; việc dưới là thật nhưng giống như giả. Ôi, cuộc sống của những người ở xưởng phim, hai cuộc đời trong một con người. Cứ như Bội Trân, người con gái ăn ngon ngủ yên, ít mơ mộng, chỉ có anh em, không có chị em, từ nhỏ vẫn chơi trò chơi của con trai, không biết gì về những diệu kế của con gái. Nhưng từ sau khi làm bạn với Kỳ Dao thì tính tình trở nên khéo léo, tinh tế hơn. Bội Trân muốn lấy xưởng phim để làm quà tặng bạn. Bội Trân có dụng ý và sắp đặt cẩn thận, định ngày giờ rồi mới báo cho Kỳ Dao biết. Không ngờ Kỳ Dao cảm thấy có gì đó hơi miễn cưỡng, nói hôm ấy có việc, đành xin lỗi ông anh Bội Trân. Thế là Bội Trân kể cho Kỳ Dao nghe những chuyện lý thú trong xưởng phim, kể cả những chuyện mà ông anh họ thường ba hoa cộng thêm sự tưởng tượng của mình. Sự việc lại ngược lại, việc đi xưởng phim là để chiều ý Bội Trân. Kỳ Dao quyết định dứt khoát ngày giờ, khiến Bội Trân tưởng mình vừa được hàm ơn, liền vui mừng báo ngay cho ông anh biết. Thật ra Kỳ Dao không bận gì mà cũng không phải không thích đến xưởng phim, chẳng qua đấy là cách xử thế của cô, phàm là những việc thích thú cô đều dè dặt, phải chăng để giữ mình, cũng có ý để cho sự việc thật chắc chắn? Dẫu sao không phải không có lý. Bội Trân chưa thể học được cách xử thế đó. Trên đường đi tìm ông anh, Bội Trân vô cùng cảm kích, thấy Kỳ Dao làm rạng mặt mình.

Ông anh họ này là con ông cậu. Ông cậu làm ăn bị phá sản, sau khi bán sạch cơ ngơi tằm tơ ở Hàng Châu rồi bỏ nhà đi, không biết đi đâu. Mẹ Bội Trân xưa nay rất sợ họ hàng nhà ấy, hễ đến nếu không hỏi xin tiền thì cũng xin gạo, một đôi lần bị nặng lời hoặc bị từ chối thẳng thừng, dần dần không đến và cắt đứt quan hệ. Bỗng một hôm, ông anh họ ấy đến chơi, mặc đồ kaki vàng có đính cúc đồng, lại biếu hai hộp bánh, tưởng như muốn tuyên bố gì đấy. Từ đó, cứ vài tháng anh ta lại đến một lần, kể những chuyện lý thú ở xưởng phim, mọi người cũng lạnh nhạt, duy chỉ có Bội Trân chú ý. Theo địa chỉ, cô đến bến Triệu Gia tìm anh họ, giữa một khu nhà lá, rẽ phải, rồi rẽ trái, như một mê cung. Biết cô là một khách lạ, mọi người ở đây đều nhìn theo, chờ cho cô hỏi đường, ánh mắt mọi người mới thôi nhìn. Tìm được nhà thì ông anh đi vắng, ở cùng anh là một thanh niên đeo kính trắng, áo quần lao động may bằng một thứ vải thô, mời cô vào nhà chờ. Bội Trân lúng túng, chỉ đứng ở cửa càng gợi ánh mắt tò mò của mọi người. Trời sắp tối mới thấy ông anh tất tưởi trở về, trong tay cầm một gói giấy đầy mỡ màng, có lẽ là gói thịt lợn. Bội Trân về đến nhà  thì cả nhà đã ăn cơm tối, cô phải tìm  mọi cách để nói dối bố mẹ. Nhưng cô chẳng oán trách ân hận gì, ngay cả khi rửa chân thấy chân phồng dộp cũng cho là rất xứng đáng. Đêm ấy, Bội Trân nằm mơ thấy xưởng phim, mơ thấy một cô gái trang phục rất đẹp dưới ánh đèn thuỷ ngân, quay lại cười thì ra đó là Kỳ Dao, bất giác cô rất xúc động và tỉnh giấc. Tình cảm của Bội Trân đối với Kỳ Dao như tình cảm của một thiếu niên đối với một thiếu nữ, một tình yêu không dục vọng, sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Bội Trân mở to mắt trong căn buồng tối om, nghĩ bụng xưởng phim là nơi nào?

Đúng hẹn, trên đường đến xưởng phim Bội Trân còn vui hơn Kỳ Dao, niềm vui không ngăn nổi. Có bạn hỏi hai người đi đâu, Bội Trân vừa trả lời không đi đâu vừa bấm vào cánh tay Kỳ Dao, kéo Kỳ Dao đi nhanh hơn, sợ bạn kia đuổi theo chia sẻ mất niềm vui. Dọc đường, Bội Trân nói chuyện oang oang làm nhiều người quay đầu lại nhìn, Kỳ Dao phải nhắc bạn nhưng Bội Trân vẫn ồn ào như thế. Cuối cùng Kỳ Dao đứng lại, bảo không đi nữa, chưa đến xưởng phim đã làm trò cười cho mọi người rồi, ngượng lắm. Lúc này Bội Trân mới thôi. Hai người lên xe, chuyển xe, cuối cùng cũng đến xưởng phim. Ông anh họ đứng đón ở cửa, đưa cho mỗi người một phù hiệu để đeo vào ngực chứng tỏ người của xưởng, có thể đi lại mọi nơi. Hai người đeo phù hiệu lên rồi theo ông anh vào xưởng. Trước hết đi qua khu đất trống, ở đấy ngổn ngang những tấm gỗ, vải cũ, ngói vỡ trông như một bãi rác hoặc như một công trường. Những người đi tới thì cúi đầu, bước vội vã. Ông anh cũng đi nhanh như có việc gấp lắm. Hai cô cứ tụt lại phía sau, kéo tay nhau cố đuổi theo. ánh nắng ba bốn giờ chiều như sắp tắt, gió thổi tung tà áo. Hai cô cảm thấy nhạt nhẽo, Bội Trân thì im lặng không nói. Ba người đi độ vài trăm bước đã thấy như vừa qua hàng vạn dặm, hai cô theo sau không còn kiên nhẫn được nữa. Ông anh họ đi chậm lại, kể chuyện linh tinh, không đâu vào đâu của xưởng phim. Những chuyện ấy bên ngoài là chuyện thật, nhưng trong xưởng nghe lại như những tin đồn, không đáng tin, hai cô đâm ra ngơ ngác. Sau đó, họ đi vào ngôi nhà lớn như kho hàng, ở đấy toàn là những người mặc đồng phục đi đi lại lại, leo lên tụt xuống, nói oang oang như quát nạt. Không ai giống minh tinh. Cả hai đi lung tung theo ông anh, chốc lại bảo cẩn thận trên đầu, chốc lại nhắc cẩn thận dưới chân, không còn nhận ra đâu vào đâu nữa. Trên đầu dưới chân lằng nhằng dây rợ, đèn thì chỗ tối, chỗ sáng. Họ tưởng như quên mất mục đích, cứ đi miết không biết đi đâu. Lại như vừa qua vạn dặm khác ông anh mới dừng lại, để hai cô đứng xem còn anh ta đi làm việc.

Nơi các cô đứng có phần náo nhiệt, mọi người đều bận rộn, cứ đi đi lại lại. Các cô cảm thấy đang làm vướng chân mọi người, tránh sang một bên cũng vướng người. Nhưng cũng chưa thấy ai giống minh tinh cả. Các cô nghĩ rằng mình đã nhầm chỗ chăng. Bội Trân càng bối rối, không dám nhìn bạn. Lúc này đèn bật sáng, tưởng đâu có cả chục mặt trời cùng chiếu vào, sáng đến nhức mắt. Hai cô trông thấy phía trước bài trí cảnh nửa gian phòng. Nhìn kỹ thì ba phía tường của gian phòng là cảnh trí, đồ đạc trong gian phòng cũng thật quen thuộc, chăn trên giường cũng gần như mới, trên gạt tàn đầy đầu mẩu thuốc, chiếc khăn tay vo tròn để ở tủ đầu giường, như có người đang sống ở đấy, nhưng tường lại bị dỡ mất một bức như phô ra cho mọi người xem. Xem rất thích nhưng bắt đầu chán. Bởi hai cô đứng quá xa, không nghe thấy người trong kia nói gì, chỉ thấy một cô gái mặc áo ngủ đang nằm trên giường, lúc nằm nghiêng, lúc nằm ngửa, có lúc nửa nằm nửa ngồi, một nửa người dưới đất. áo ngủ mỏng tang trông rõ cả cơ thể, trên giường thì chăn gối nhàu nát, chán chường. Đèn tối rồi lại sáng. Cuối cùng cô gái nằm bất động, đèn tối lại. Rồi đèn bật sáng trông không giống lần vừa rồi. Những lần trước đèn sáng rực, không có gì che chắn. Lần này, ánh sáng như chuyên dụng, thể hiện bên ngoài là lúc nửa đêm, trời tối, trong nhà thì sáng. Cảnh căn phòng kia như lùi xa hơn, sinh động hơn, tưởng như rất quen. Kỳ Dao chú ý đến ngọn đèn trong cảnh trí toả ánh sáng rất thật, chao đèn hình hoa sen, in bóng lên ba bức tường. Trông như cảnh cũ được tái hiện, nhưng không nghĩ ra cảnh ở đâu. Kỳ Dao lại nhìn người con gái đang nằm dưới đèn và chợt nhận ra người con gái kia đang đóng vai người chết, không rõ tự sát hay bị người khác giết. Nhưng kỳ lạ là cảnh ấy không có gì là thảm thương sợ hãi mà quen thuộc đến phát ngấy. Kỳ Dao không nhìn rõ mặt người con gái, chỉ thấy tóc cô ta rối bời ở phía chân giường, bởi cô ta nằm ngược, đầu quay xuống phía chân giường, đôi dép thì mỗi nơi một chiếc. Trong xưởng phim ồn ào như ngoài bến tàu, tiếng hô “bấm máy”, “OK” lúc to lúc nhỏ, duy chỉ người con gái nằm bất động, ngàn năm lay gọi không tỉnh. Bội Trân sốt ruột lắm rồi, cô mạnh dạn kéo Kỳ Dao đi chỗ khác.

ở một chỗ khác đang diễn tả cảnh đánh nhau, trong một nhà hàng ăn cũng chỉ có ba bức tường, khách khứa ăn mặc sang trọng, bỗng có một người đàn ông nghèo xông vào tát chủ nhà. Cảnh diễn rất khôi hài, tát cũng là tát vào tay mình được áp lên má người khác nhưng diễn thật khéo. Bội Trân rất thích xem, xem đi xem lại không chán. Kỳ Dao thì sốt ruột, bảo cảnh vừa rồi hay hơn, không như cảnh hài hước gây cười, như khỉ làm trò này. Hai người lại đến chỗ vừa nãy, không ngờ ở đấy đã xong, giường cũng đưa đi, chỉ còn mấy người đang thu dọn hiện trường. Hai cô cho rằng mình nhầm, đi tìm lần nữa, vừa lúc có tiếng ông anh gọi, thì ra anh ta đang trong số những người thu dọn ở kia và bảo hai cô chờ một lát rồi đưa đi xem quay cảnh đặc biệt. Hai cô đành phải đứng chờ. Có người hỏi anh ta ai kia, anh trả lời, lại hỏi hai người học trường nào, anh ta không trả lời được, Bội Trân trả lời hộ, người kia cười để lộ hàm răng trắng bóng. Lát sau ông anh bảo với hai cô đó là một đạo diễn, vừa học ở nước ngoài về, đạo diễn này còn có khả năng biên kịch, cảnh vừa rồi là ông tự đạo diễn kịch bản của mình. Rồi anh đưa hai cô đi xem cảnh quay kỹ xảo đặc biệt, có lửa cháy, có ma quỷ. ở đấy cũng chỉ có công nhân đang làm những việc chuẩn bị cho diễn viên. Làm trong nháy mắt là xong.  Bội Trân đòi anh đưa đi xem minh tinh màn bạc, anh ta tỏ vẻ lúng túng, bảo hôm nay các minh tinh không diễn, không phải ngày nào cũng quay cảnh có minh tinh, mà cũng không phải muốn quay ngày nào cũng được, còn tuỳ ý thích của các minh tinh nữa. Bội Trân liền nói:

- Anh chẳng bảo ngày nào muốn xem ai cũng được đó thôi?

Kỳ Dao thấy ông anh Bội Trân có vẻ ngượng, vội đỡ lời:

- Thôi, lần sau đến xem, bây giờ cũng tối rồi, ở nhà đang chờ đấy!

Ông anh Bội Trân đưa hai người ra cổng, dọc đường gặp ông đạo diễn vừa rồi, ông đạo diễn vẫn nhớ, gọi các cô là nữ sinh trường nọ trường kia, rất dí dỏm, làm hai cô ngượng đỏ mặt.

Trên tàu điện về nhà cả hai đều uể oải không muốn nói chuyện, chỉ ngồi nghe tiếng tàu điện leng keng. Tàu vắng khách, người hết giờ làm việc đã về hết, những người đi chơi đêm thì chưa đến giờ. Những gì ở xưởng phim cũng thật bất ngờ, không thể nói là mất hứng hay thích thú, tóm lại là mệt mỏi. Bội Trân không biết gì nhiều về công việc ở xưởng phim, chẳng qua vì Kỳ Dao, Bội Trân những mong xưởng phim có nhiều cái hay, nhưng hay thế nào thì cũng không biết, bởi thế cô phải xem thái độ của Kỳ Dao rồi mới quyết định ý kiến của mình. Cảm tưởng của Kỳ Dao đối với xưởng phim có phần phức tạp. Xưởng phim không thần kỳ như Kỳ Dao tưởng, bởi nó rất bình thường cho nên cô có ấn tượng dễ dàng, chẳng có gì ghê gớm lắm. Chẳng có gì ghê gớm là thế nào? Kỳ Dao cũng chẳng biết nữa. Những gì chờ đợi, trông ngóng đều bị hụt hẫng, thế nhưng vẫn khuây khoả nỗi hồi hộp mong chờ. ở xưởng phim về mấy hôm sau Kỳ Dao vẫn không tỏ thái độ, làm Bội Trân buồn, cô cho rằng Kỳ Dao không thích xưởng phim, đến xưởng phim là chuyện vô tích sự. Một hôm, với vẻ hối hận, Bội Trân nói với bạn, ông anh họ lại mời đến xưởng phim chơi nữa, nhưng cô đã từ chối. Kỳ Dao quay lại, nói:

- Sao cậu ngốc thế, anh ấy mời rất chân tình.

Bội Trân tròn xoe mắt, nhìn bạn với vẻ không tin. Kỳ Dao thấy bạn nhìn có vẻ khác thường, nói:

- ý mình là đừng để mất lòng anh ấy, anh ấy là họ hàng của cậu cơ mà.

Lúc này Bội Trân mới hiểu Kỳ Dao muốn đi nhưng không nói, cô thấy bạn không những không giả vờ mà thật lòng, nghĩ bụng mình là người lớn nhưng lại như trẻ con! Lúc này tình cảm của Bội Trân đối với Kỳ Dao như mẹ đối với con, bao dung tất cả.

Từ đấy, xưởng phim là nơi hai người thường lui tới, biết nhiều kỹ xảo điện ảnh, biết rằng quay một bộ phim không phải cứ tuần tự theo tình tiết, mà quay từng cảnh từng cảnh một, cuối cùng mới dựng lại. Hiện trường dù có lộn xộn đến đâu đi nữa nhưng khi bấm máy thì vẫn rất đẹp, đâu vào đấy. Các cô cũng đã một đôi lần được gặp những ngôi sao điện ảnh tầm cỡ, họ đứng trước ống kính thì cũng như những đạo cụ, chẳng có gì hơn. Trong điện ảnh có thể thay đổi tùy ý, người chết sống lại trong nháy mắt. Các cô vào tận hậu trường phim ảnh nắm bắt mọi bí mật, bởi thế trong lòng cũng có những thay đổi. Những thu lượm ở xưởng phim không bình thường, nó mang ý nghĩa đời người. Nhất là ở độ tuổi các cô chưa phân biệt được thật giả, chân chính hay ngụy tạo, nhất là trong thời đại điện ảnh trở thành bộ phận của cuộc sống mỗi người.

Bấm máy

Vương Kỳ Dao biết, bấm máy là giây phút quan trọng nhất trong quay phim, trước đó chỉ là công việc chuẩn bị, còn sau đó? Sẽ kết thúc vĩnh viễn. Cô nghe tiếng hô “bấm máy” với ý nghĩa khác, cơ hồ như được tiếp cận với đỉnh cao nhất. Có lúc ông đạo diễn kia cho hai cô nhìn vào ống kính, trong ống kính mọi cảnh đều rất đẹp, những gì lộn xộn, bừa bãi đều được gạn lọc loại bỏ, những gì mờ nhạt đều nổi rõ. Thế giới trong ống kính là một thế giới khác đã được sửa sang và sáng tạo, đậm chất tinh hoa. Nhà đạo diễn kia đã trở thành người quen, gặp ông ta hai cô không còn đỏ mặt nữa. Một vài lần ông anh không có ở xưởng, các cô trực tiếp tìm nhà đạo diễn. Ông gọi một người là Trân Trân, một người nữa là Dao Dao, như thể các cô là nhân vật trong phim của ông vậy. Trong xưởng, ông nói với mọi người rằng, Trân Trân là một cô gái không đẹp, một chị cả ngốc nghếch; Dao Dao lại là một tiểu thư, tiểu thư nhà viên ngoại, kiểu như Chúc Anh Đài. Ông coi Bội Trân như trẻ con, thích trêu đùa; hứa sẽ thử ống kính đối với Kỳ Dao, bởi cô có đôi mắt giống mắt Nguyễn Linh Ngọc(5), nhân dịp mọi người tưởng nhớ Nguyễn Linh Ngọc, biết đâu lại phát hiện ra một minh tinh, tuy nói đùa nhưng có ẩn ý khác. Tất nhiên Kỳ Dao không cho là thật, nhưng thích mình giống Nguyễn Linh Ngọc. Một hôm đạo diễn gọi điện thoại đến nhà mời Kỳ Dao đến thử ống kính. Kỳ Dao hồi hộp lắm, lòng bàn tay lạnh toát, cô không biết có phải đây là một dịp may hay không, lẽ nào dịp may lại dễ dàng đến thế? Cô không tin, nhưng lại không muốn không tin, lòng rối bời. Kỳ Dao định không nói với Bội Trân, một mình lặng lẽ đi rồi lặng lẽ về, không đạt kết quả thì cũng chỉ một mình mình biết, cứ coi như không có chuyện gì. Nhưng sắp đến ngày ấy, Kỳ Dao bảo Bội Trân đi cùng để thêm mạnh dạn. Tối hôm ấy cô không ngủ được, mắt thâm quầng, cằm cũng nhọn ra. Tất nhiên Bội Trân rất vui, rất nhiều cảm nghĩ, trong chốc lát đã dự định mở cuộc họp báo cho Kỳ Dao. Bội Trân làm ồn lên khiến Kỳ Dao cảm thấy hối hận vì đã nói cho Bội Trân biết. Hôm đó, chưa hết buổi học, cả hai cô không còn tâm trí nào nữa. Vừa tan học, hai cô thốc ra cổng trường, nhảy ngay lên xe điện. Lúc này, trên xe điện phần lớn là các bà nội trợ, tay xách túi vải, áo ngoài nhàu nát, giày tất xộc xệch, đầu tóc hoặc rối bù hoặc vừa ở hiệu uốn tóc ra, trông như đội mũ sắt, vẻ mặt cũng ngây thuỗn, không còn quan tâm đến việc gì khác, không để ý đến cả tiếng bánh xe điện nghiến ken két trên đường ray. Hai cô chẳng thèm để ý gì đến không khí ồn ào chung quanh, tuy không nói chuyện, thế nhưng như đang trù liệu cho việc lớn trăm năm. Đường phố ba giờ chiều dáng vẻ mệt mỏi, tâm lý như đang chuẩn bị kết thúc công việc và đổi ca. Mặt trời vàng vọt nóng bức đang ngả về tây. Giống như hôm đầu, các cô đang nóng lòng chờ đợi.

Ông đạo diễn đưa hai cô vào phòng hoá trang nhờ chuyên viên hoá trang giúp Kỳ Dao. Nhìn vào gương, Kỳ Dao có cảm giác mặt mình như bé lại, năm giác quan thật giản đơn, sẽ không xảy ra chuyện gì đặc biệt, bất giác cảm thấy mất hứng. Kỳ Dao cứ mặc cho chuyên viên hoá trang tha hồ vần vũ, có lúc cô nhắm mắt lại, không nhìn vào gương nữa. Kỳ Dao thấy khó chịu, cứ mong cho tất cả sớm chấm dứt; thần kinh cô cũng quá nhạy cảm cho rằng chuyên viên hoá trang cũng mong nhanh chóng xong việc, động tác tỏ ra vội vã và thô bạo. Kỳ Dao mở mắt, nhìn vào gương, trong gương mình là mình gượng gạo, mắt mũi với vẻ bất đắc dĩ. ánh sáng trong phòng hoá trang đầy đủ và trải đều, không bị sáng tối, không cầu kỳ. Kỳ Dao không tin ở mình, ngược lại bất chấp tất cả, mở to mắt nhìn cách hoá trang của nhà chuyên môn, thấy mình dần dần không còn là mình, trở thành một người xa lạ. Lúc này Kỳ Dao đã bình tĩnh trở lại, thanh thản hơn, chờ cho người hoá trang xong công việc đi ra, cô còn nói đùa với Bội Trân. Bội Trân khen Kỳ Dao như Hằng Nga giáng thế, nhưng là Hằng Nga trên nắp hộp bánh Trung Thu, thế là cả hai cùng cười. Kỳ Dao cười, vẻ mặt trông thư giãn, màu phấn hồng có thêm sinh khí, sống động hơn. Nhìn lại người đẹp trong gương cũng không đến nỗi cách bức xa lạ. Lát sau, đạo diễn cho người đến gọi, tất nhiên Bội Trân đi theo. Trong phòng, đèn đã chuẩn bị xong xuôi, ông anh Bội Trân đứng trên cao cười nhìn Kỳ Dao, đạo diễn lúc này tỏ ra rất nghiêm túc, tưởng chừng không còn nhận ra ai là người thân nữa, ông bảo Kỳ Dao ngồi lên giường, giường kiểu Tây, có màn cao, khung giường trổ hoa, khảm gương, đẹp kiểu quê mùa. Đạo diễn nói cô đang sắm vai cô dâu trong một đám cưới theo lối cũ, phải che mặt bằng tấm khăn đỏ, sau đó chú rể đến bỏ khăn, khuôn mặt lộ ra dần dần. Đạo diễn yêu cầu cô phải tỏ ra e lệ, thẹn thùng, mong muốn nhưng lại hồi hộp lo sợ, ông nói tất cả những hình dung từ ra với Kỳ Dao, tất cả phải được thể hiện trên khuôn mặt. Kỳ Dao gật đầu đấy nhưng trong lòng lại rất lơ mơ, không biết bắt đầu từ đâu. Lúc này cô bất chấp tất cả, rất bình tĩnh, chú ý đến chung quanh, nghe thấy có tiếng hô “bấm máy” ở gian bên cạnh.

Tiếp theo, một tấm khăn đỏ trùm kín đầu, trước mắt bỗng tối sầm lại. Lúc này trống ngực cô đánh thùm thụp. Cô hiểu giây phút ấy đã đến, thấy sợ, đầu gối run lên. Đèn bật sáng, bóng tối trước mặt bỗng thành màu đỏ, tuy có ánh sáng đấy nhưng là ánh sáng không rõ ràng. Kỳ Dao như lên cơn sốt, cơn ớn lạnh từ đầu gối lan dần lên, hai hàm răng đánh cầm cập. Mọi kỳ diệu của xưởng phim đều tụ hội dưới ánh đèn và chờ đợi. Có người đi tới chỉnh lại trang phục cho Kỳ Dao, rồi lại đi, một luồng gió nhẹ, tấm khăn trùm lay động, nâng khuôn mặt Kỳ Dao, là sự mềm mại ấm áp của buổi chiều nay căng thẳng. Kỳ Dao nghe thấy chung quanh liên tiếp có tiếng hô “OK”, theo tuần tự, có phần gấp, tất cả theo một mục tiêu, cuối cùng là tiếng hô “bấm máy”. Kỳ Dao nín thở, nghẹn lại, nghe rõ tiếng phim chạy bao trùm tất cả, cô quên hết những điều phải làm. Khi có bàn tay vén tấm khăn đỏ lên làm cô giật mình, lùi lại sau một tỵ, đạo diễn ra lệnh ngừng. Đèn tối lại, tấm khăn đỏ lại được phủ lên và làm lại từ đầu.

Làm lại có những cái không còn giống nữa. Nhiều cảnh không tái hiện, có cái gì đó giống ảo giác. Kỳ Dao tỉnh lại, hết run, tim đập bình thường, quen với ánh sáng trong tấm khăn đỏ, đã có thể phân biệt được bóng người. Đèn sáng lên, công việc lại tuần tự diễn ra, một loạt tiếng hô “OK”, tiếng hô “bấm máy” tuy là công việc nhưng có tính quyền uy, chấn động như cũ. Kỳ Dao chuẩn bị thể hiện trên nét mặt những điều đạo diễn dặn, nhưng không biết làm thế nào để xấu hổ, làm thế nào để tươi tỉnh đáng yêu, làm thế nào để tỏ ra trông đợi nhưng lại lo lắng, vui buồn giận dỗi vốn không có ký hiệu, ngay cả để làm theo cũng không có hình mẫu để theo. Khi tấm khăn đỏ được mở ra, mặt Kỳ Dao cứ ngây đuỗn, ngay cả nét đẹp thường ngày của cô trông cũng ngây ngô. Qua ống kính, nhà đạo diễn biết rằng mình đã sai lầm, cái đẹp của Kỳ Dao không phải là cái đẹp của giới văn nghệ, cái đẹp của cô là chỉ để thưởng thức trong nhà, trong phòng khách, là dáng điệu thường ngày. Cái đẹp của Kỳ Dao không gây nên sóng gió, cái đẹp chỉ giữ riêng cho mình. Cái đẹp của Kỳ Dao thiếu chất thơ nhưng lại rất chân thành, thật thà. Cái đẹp của Kỳ Dao không phải là cái đẹp của sân khấu, mà chỉ là để người ta chú ý trong cuộc sống hoặc gặp trên đường, cái đẹp trong tủ kính hiệu ảnh. Khi nhìn trong ống kính máy quay phim thì cái đẹp của Kỳ Dao rất nhạt nhẽo. Nhà đạo diễn bất giác thất vọng, có phần thất vọng cho Kỳ Dao, ông nghĩ, cái đẹp của Kỳ Dao đang bị mai một. Sau đó, để bù lại, nhà đạo diễn nhờ một người bạn làm nghề chụp ảnh chụp cho Kỳ Dao mấy kiểu ảnh sinh hoạt, quả nhiên những tấm ảnh đó khác xa, trong đó một tấm ảnh được đăng trong chuyên mục Người đẹp Thượng Hải trên trang bìa hai của tạp chí Đời sống Thượng Hải.

Chuyện thử ống kính kết thúc, âu cũng là chuyện vặt của xưởng phim. Từ ấy Kỳ Dao không đến xưởng phim nữa, cô muốn quên chuyện ấy đi, tốt nhất coi như chưa hề xảy ra. Thế nhưng tấm khăn đỏ trùm đầu và ánh đèn chói chang thì vẫn xuất hiện mỗi khi nhắm mắt. Cảnh tượng ấy vẫn làm Kỳ Dao hồi hộp khó hiểu, là phút giây đầy kịch tính trong đời. Phút giây ấy nhanh chóng qua đi và để lại trong cô sắc màu buồn thương.  Có lúc trên đường đi học về, bất chợt có điều gì đó gợi lại buổi chiều thử ống kính kia. Năm ấy Kỳ Dao mười sáu tuổi, sự việc làm cô cảm thấy như đã trải qua nhiều biến đổi lớn lao, cảm thấy mình không còn là mười sáu tuổi nữa. Kỳ Dao còn có ý tránh mặt Bội Trân, làm như Bội Trân thấy rõ mọi điều thầm kín của mình. Sau buổi học Bội Trân rủ đi đâu thì mười cuộc cô tìm lý do từ chối đến chín. Mấy lần Bội Trân đến tận nhà rủ đi chơi, cô cũng bảo với mẹ nói dối không có nhà. Bội Trân nhận thấy Kỳ Dao tránh mặt, bản thân cũng không thoải mái. Nhưng Bội Trân không mất lòng tin, cho rằng chỉ ít hôm bạn lại về với mình. Tình cảm của cô trở thành nỗi niềm mong đợi, cô không đi tìm bạn mới, bởi không muốn ai chiếm vị trí của Kỳ Dao. Cô thoáng nhận ra nguyên nhân khiến Kỳ Dao tránh mặt là bởi lần thử ống kính không thành công kia, Bội Trân cũng không đến xưởng phim, hơn thế cô không còn đi lại với ông anh họ nữa. Lần thử ống kính ấy trở thành chuyện buồn của hai người, cả hai đều có cảm giác thất bại. Về sau, cả hai trở nên ít nói, gặp nhau cũng thấy lúng túng rồi vội vã bỏ đi. Trong lớp học, Kỳ Dao và Bội Trân ngồi hai góc, tuy không đối diện nhưng mỗi người đều nhận ra sự tồn tại của người kia, giữa hai người là bầu không khí đồng cảm. Chuyện đến xưởng phim đã kết thúc ở tiếng hô “bấm máy”, trong điện ảnh gọi đó là hiệu quả định hình, tuy không trở lại nhưng còn mãi trong ký ức. Lúc này, mọi sinh hoạt ngoài giờ học đã trở lại như xưa, nhưng trong cái như xưa tưởng chừng có gì đó bị mất đi, lòng bị thương tổn, nhưng thương tổn ở đâu thì không rõ. Trường nữ sinh vốn nhìn gió ra mưa, việc Kỳ Dao thử ống k 10000 ính được giấu kín, tuyệt nhiên không ai biết. Hai người không ai dặn ai nhưng đều lặng lẽ không hé răng. Thực ra, nữ sinh nếu được đạo diễn mời đến thử ống kính là vinh dự lắm rồi, còn thành công lại là chuyện quá ước mong trong quá ước mong. ấy là ý nghĩ của Kỳ Dao, nhưng một khi đến nước này thì tình thế không còn như cũ, người cũng không phải là người cũ, đã trả giá và phải chịu tổn thất. Nếu Bội Trân không phải là người bạn thân thiết thì không thể hiểu nổi tâm trạng ấy.

8  Chụp ảnh

Một tháng sau, để chụp ảnh, ông đạo diễn đã gọi điện cho Kỳ Dao. Nghe điện, giọng nói của Kỳ Dao trở nên khô khan không tự chủ, còn pha chút châm biếm, cô hỏi lại có cần thiết phải phiền hà thế không. Đạo diễn nói có một người bạn tên là Trình, làm nghề chụp ảnh, muốn chụp ảnh Kỳ Dao. Kỳ Dao nói mình không “ăn ảnh”, để anh Trình tìm người khác! Ông đạo diễn cười: “Dao Dao giận rồi!” Kỳ Dao ngượng, lại từ chối một lần nữa. ít hôm sau, Trình gọi điện, hẹn thời gian và địa điểm. Đúng hẹn và theo lời dặn, Kỳ Dao đem theo vài tấm áo xường xám, vài cái váy, tìm đến đúng địa chỉ. Trình ở trên tầng thượng sát mái của một toà nhà cao tầng ngoài bãi sông, căn phòng vừa mới ngăn, có gian chụp ảnh, được kéo ri-đô, vài ba tấm phông cảnh, cảnh thành phố cổ châu Âu, có cảnh đình đài, lầu son gác tía. Bên trong là buồng tối và phòng trang điểm. Trình là một thanh niên hai mươi sáu tuổi, đeo kính cận thị gọng vàng, áo sơ-mi trắng bỏ trong quần đeo dải, dáng vẻ mẫn cán, thành thạo. Anh mời Kỳ Dao vào phòng trang điểm còn mình thì ở ngoài chuẩn bị đèn. Kỳ Dao từ cửa sổ của phòng trang điểm trông thấy cảnh bãi ngoài tạo nên một dải trắng. Buổi sáng chủ nhật nắng tuyệt đẹp. Đồng hồ trên nóc nhà Hải quan đổ chuông, âm thanh lan toả không gian nghe mênh mang xa vời. Người đi bên bờ sông chỉ nhỏ như hạt đỗ, lấp loáng di động. Kỳ Dao không nhìn ngoài cửa sổ nữa, chợt như không hiểu, không hiểu tại sao mình đến đây? Niềm hy vọng vô tình bị ức chế, Kỳ Dao đã một lần va vấp, không khỏi nản lòng, không muốn niềm hy vọng lớn lên và lan rộng. Kỳ thực cô cũng vô tình thưởng thức chút tro tàn hy vọng của mình để rồi thương thân trách phận. Đến với Trình cũng là việc nể mặt nhà đạo diễn, làm công không cho người khác, còn mình thì sao cũng được. Kỳ Dao hờ hững nhìn gương, tô chút son, lười không thay đồ và cứ thế ra khỏi phòng trang điểm.

Trình đã bố trí xong xuôi, bối cảnh là một tấm phông màu da cam, phía trước đặt chiếc bàn nhỏ, trên bàn là bình sen trắng. Anh mời Kỳ Dao đứng bên cạnh bàn, ngắm nghía, bảo nhích lên rồi lùi lại. Kỳ Dao để mặc cho Trình ngắm nghía, không tỏ ra ngượng, cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng “tự nhiên” ngây thơ, có phần cố ý. Con mắt của Trình không giống con mắt của nhà đạo diễn, đạo diễn yêu cầu tính cách, còn anh chỉ cần đẹp. Tính cách thì phải tạo ra, đẹp  không có nhiệm vụ đó. Trình không đòi hỏi gì thêm ở Kỳ Dao, cô là người đẹp tiêu chuẩn rồi, góc độ nào cũng có cái đẹp riêng. Kỳ Dao cũng không có thói điệu đà của những người đã quen chụp ảnh. Đang là trang giấy trắng, muốn vẽ gì lên thì vẽ. Cô cũng không phải là người không cởi mở, thiếu tự nhiên. Sự cởi mở của Kỳ Dao đã qua lần thử ống kính điện ảnh, cũng có thể coi là được rèn luyện, được rèn luyện qua thất bại nên nét cởi mở của Kỳ Dao trở nên khiêm tốn và bẽn lẽn, gây xúc động thật sự. Trình rất hài lòng bởi sự giới thiệu của anh bạn đạo diễn. Đã có không biết bao nhiêu người đẹp đến phòng chụp của anh rồi, tất cả đều được trình thức hoá, như đã hoàn thành việc chụp ảnh, anh chỉ còn làm công việc phục chế mà thôi. Lúc này, anh rất xúc động, tình cảm ấy tưởng như lây lan sang Kỳ Dao, khi đèn bật sáng thì cô cũng thoáng chút hy vọng không tên. Niềm hy vọng bùng lên sau một bước lùi. Tất nhiên phòng chụp của Trình không thể nào so sánh với xưởng phim, nó nhỏ bé, không khí vắng lặng, nhưng chân tình, thành thật ngay từ những việc nhỏ, phấn chấn, khiến người khác bằng lòng hợp tác. Bất giác Kỳ Dao không còn tỏ ra hờ hững, thế nào cũng xong, cô trở nên vui vẻ, nhiệt tình. 

Với một cô gái tự biết mình xinh đẹp như Kỳ Dao cho dù thật thà đến đâu cũng không tránh khỏi làm dáng. ở tuổi này làm dáng sẽ là không khôn khéo, hoặc quá mức, hoặc thiếu chừng mực, kết quả sẽ làm mất vẻ đẹp. Kỳ Dao là trường hợp ngoại lệ không phạm sai lầm. Cô tương đối thông minh, vốn dĩ tỉnh táo, những gì thấy ở xưởng phim đều làm hiểu biết thêm. Điều đó khiến cô trở nên kín đáo và trầm lắng. Nếu nói điệu bộ thì Kỳ Dao cũng có, ấy là điệu bộ không điệu bộ, biết kiềm chế, rất hợp với cách thể hiện khi chụp ảnh. Trình không đừng được, anh cứ chụp liên tiếp kiểu nọ đến kiểu kia, còn Kỳ Dao thì như cá được nước. Cô hơi nóng, mắt long lanh, vẻ mặt rất tươi. Cô lần lượt mặc những áo váy đem theo, còn Trình thì lần lượt thay hết phông cảnh này đến phông cảnh khác, Kỳ Dao lúc thành cô gái nước ngoài, lúc lại là tiểu thư Trung Hoa. Chụp xong, cô vào phòng thay đồ thì đã trưa. Sông Hoàng Phố lấp lánh, mặt nước ánh vàng, những cánh chim chao lượn trên mặt sông. Ô tô chạy ra bờ sông rồi chạy vào những đường phố rợp bóng mát, đường phố thẳng tắp dưới những dãy nhà cao tầng trông như dòng sông chảy giữa hai vách núi. Kỳ Dao mặc áo quần chỉnh tề, thu gọn những thứ còn lại. Lòng cô thanh thản, chụp ảnh xong không còn vướng bận ý nghĩ gì, coi như một việc không kết quả. Cô xách đồ ra khỏi phòng trang điểm, nghĩ bụng ô cửa sổ quay ra phía bờ sông thật tuyệt vời. Cửa sổ ở góc nhà, đúng góc phố bờ sông và một phố nhỏ, lại ở trên cao, có thể nhìn thấy những phố khác. Kỳ Dao chào Trình rồi đi ra hành lang, bấm nút thang máy. Thang máy nhẹ nhàng lên, cô bước vào, lúc quay lại còn thấy Trình đứng ở cửa với ánh mắt lưu luyến.

Tạp chí Đời sống Thượng Hải đăng trên bìa hai tấm ảnh Kỳ Dao mặc xường xám hoa, ngồi trên ghế đá cạnh tấm bàn đá, khuôn mặt hơi nghiêng tưởng như đang nói chuyện với người ngoài bức ảnh, người khác nói và người trong ảnh thì đang chăm chú nghe. Phía sau là ô cửa sổ tròn có hình dây hoa, nhìn kỹ đó là cảnh của tấm phông, ánh sáng là ánh sáng nhân tạo trong phòng. Tư thế của Kỳ Dao trong ảnh có thể coi là đang nói chuyện cũng là để nói chuyện trong triển lãm. Thật ra đó chỉ là tấm ảnh rất bình thường, bất cứ trong tủ kính của hiệu ảnh nào cũng có, không có gì đặc sắc, đẹp thì cũng không đẹp hết mức. Nhưng hình ảnh Kỳ Dao đi vào lòng người thì chỉ có thể hình dung bằng từ đáng yêu. Cái đáng yêu như được lấy ra từ trái tim, có thể là tim con trai, có thể là tim con gái. Các giác quan của Kỳ Dao đáng yêu, dáng vẻ đáng yêu, những bông hoa xinh xắn trên áo của Kỳ Dao thật đáng yêu, những bông hoa xinh xắn như muốn kết bạn với mọi người. Cảnh là cảnh giả, ánh sáng giả, tư thế giả, nói cho cùng bản thân tấm ảnh là giả, chính vì tất cả đều giả cho nên con người trong ảnh trở thành con người thật. Con người này không hoà hợp với sự giả tạo đóng kịch như thật để lừa dối mọi người, mà là thực sự giả, chân thực, hết mức, thẳng thắn nói ra. Kỳ Dao trong ảnh không phải là đẹp mà là xinh. Đẹp là cái nghiêm túc, hàm ý chối bỏ và bị giày vò; xinh hàm nghĩa dịu dàng, phúc hậu, thiện cảm. Trông cô thật dễ thương, ánh mắt thân thiết tưởng như có thể gọi được tên.  Các minh tinh, người mẫu quả là rực rỡ nhưng họ là họ, Kỳ Dao là Kỳ Dao, hai bên không có mối liên hệ nào. Kỳ Dao đi vào tâm tư mọi người. ánh sáng trên ảnh cũng rất tinh tế gần gũi, Kỳ Dao trông rất sống động, ánh mắt như có bóng người, nếp áo như đang lay động. Tấm ảnh được cất giữ trong tập ảnh gia đình chứ không phải để lồng trong khung kính treo trên tường làm thần tượng. Nếu tấm ảnh được dùng cho quảng cáo thì đó là quảng cáo cho bột ngọt, cho bột giặt, không phải là nước hoa Đêm Paris hoặc đồng hồ Longines của phụ nữ. Tấm ảnh có dáng dấp thực dụng, không có vẻ xa hoa; tươi đẹp, nhưng là tươi đẹp thông thường, dư vị ngọt ngào, chỉ là vị ngọt ngào của cháo hoa quế. Nó không phải là tai mắt của người tỉnh táo, thoáng nhìn là nhớ mãi, nhìn một lượt rồi không nghĩ đến nữa, nhìn lại cũng rất thích thú, nhìn không chán, không thể không bỏ đi được. Tóm lại, nó rất vừa độ, ung dung, vô hại. Tạp chí Đời sống Thượng Hải chọn đăng trên trang bìa hai trông thật độc đáo. Tấm ảnh hết sức phù hợp với tên gọi Đời sống Thượng Hải, tưởng như trời sinh ra thế, như lời chú giải cho tờ báo. Có thể nói là cốt lõi của đời sống Thượng Hải, ăn mặc dè xẻn tằn tiện, sát hợp không còn gì sát hợp hơn.

Kỳ Dao không biết tại sao lại đăng tấm ảnh ấy, tại sao không chọn đăng những tấm ảnh được dày công bố trí, được chăm chút hết mức. Thậm chí Kỳ Dao không nhớ nổi tấm ảnh ấy đã được chụp như thế nào, tóm lại không phải là tấm ảnh được chú ý nhiều. Bản thân trên tấm ảnh không phải là bản thân mà Kỳ Dao thích, có chút quê mùa, có chút hẹp hòi nhỏ nhặt, không giống như trong tưởng tượng, cô hết sức thất vọng và như bị day dứt. Tuy là việc vui nhưng tinh thần lại xuống thấp. Kỳ Dao nghĩ, chẳng nhẽ mình lại không qua được bước thử thách ấy sao? Kỳ Dao nghĩ, một lần thử ống kính như thế rồi, thêm lần chụp ảnh này cũng thế, tất cả đều không vừa ý! Tờ tạp chí Đời sống Thượng Hải bị cô nhét xuống dưới gối, không muốn xem. Kỳ Dao vô cùng chán nản, tưởng đâu để lộ cái xấu ra. Cô không hiểu rốt cuộc mình như thế nào, nản lòng, thảng thốt không yên. Ngồi trước gương khác nào phải thay đổi thái độ, phải thẩm định lại mình. Cô nghĩ tấm ảnh đã lột trần, làm tan biến con người rồi tụ hợp lại. Cuối cùng “bấm máy” là gì, trong đó có còn một đời sống khác không? Kỳ Dao cảm thấy xót xa thương cảm. Tạp chí Đời sống Thượng Hải đăng ảnh nhưng không làm cô vui, có gì đó lúng túng, tâm tư rối bời, não lòng.

Lần này thì không còn giấu được nữa, cả trường biết, cả những nữ sinh trường khác cũng đến xem mặt Kỳ Dao. Kỳ Dao đi đến đâu cũng có người ngoái nhìn theo. Nữ sinh thường không tin vào mắt mình, nhất định phải có người khác nói mới thật tin. Có những người trước kia không chú ý đến Kỳ Dao thì nay cũng tỏ ra thán phục; những người trước kia khẳng định Kỳ Dao thì nay ngược lại, tỏ ra không phục, buông lời dèm pha. Thế là sinh chuyện đồn đại, bảo rằng ông anh họ của Kỳ Dao làm ở tạp chí Đời sống Thượng Hải mới được đăng ảnh. Cho dù với con mắt hâm mộ hoặc là chuyện thêu dệt đồn đại thì Vương Kỳ Dao đều không để ý, bởi theo kinh nghiệm, theo sự hiểu biết, Kỳ Dao đều cao hơn những người kia một bậc, mọi lời bàn tán đều vô căn cứ. Kỳ Dao không phải là con người như thế. Tạp chí Đời sống Thượng Hải biến Kỳ Dao thành người nổi tiếng của trường nữ sinh, thầy giáo, học sinh đều biết, nhưng Kỳ Dao thì không tìm thấy mình, tấm ảnh tưởng đâu đã cướp đi khuôn mặt vốn có, thay vào đó là cái không tương xứng không do Kỳ Dao định đoạt.

9  “Người đẹp Thượng Hải”

Cái tên “Người đẹp Thượng Hải” được gắn cho Vương Kỳ Dao. Cô không phải là minh tinh màn bạc hoặc sân khấu, cũng không phải là con nhà danh môn đài các, cũng không phải là bông hoa giao tế nghiêng nước nghiêng thành, nhưng muốn có một vị trí trên vũ đài xã hội phải có một tên gọi, tên gọi ấy là “Người đẹp Thượng Hải”. Tên gọi ấy mang ý nghĩa chung của mọi người, không thiên kiến, ai cũng có chút quyền lợi, được mọi người tín nhiệm, kỳ vọng. Hoa trên xường xám Kỳ Dao trở thành kiểu hoa thịnh hành; kiểu tóc uốn ngắn của Kỳ Dao trở thành kiểu tóc ngắn thịnh hành, Kỳ Dao đã tạo nên biểu tượng cho cái tên “Người đẹp Thượng Hải”. “Người đẹp Thượng Hải” là chút danh hão trong tâm lý bình thường, có chút nổi trội của người an phận thủ thường, nó như một nghĩa cử, trao tặng mỗi người một ít ảo tưởng. Thượng Hải cuối năm 1945 là một Thượng Hải rực rỡ hân hoan, đêm nào cũng rộn ràng múa hát bởi tin Nhật Bản đầu hàng. Thật ra việc múa hát không liên quan gì đến thời cuộc mà chỉ là sự vui vẻ trời sinh. Những bộ thời trang trong tủ, những tiểu thuyết đăng dài kỳ trên báo, đèn nê-ông, báo điện ảnh, những quảng cáo đại hạ giá, những lẵng hoa chúc mừng khai trương, tất cả ngập tràn tiếng hát, thành phố tưng bừng khó tả. “Người đẹp Thượng Hải” là chương nhạc vui, là điệu múa bình thường của cánh con gái, nó nói với mọi người rằng, thành phố này không quên bất cứ ai, mỗi một con người đều có con đường dẫn đến vinh quang. Thượng Hải còn là thành phố tạo nên những vinh quang, không gò bó một chiều, tự do tưởng tượng. Thượng Hải sợ không đủ phồn hoa, sợ không đủ vinh quang, như người gieo trồng vinh quang, đúng là phồn hoa gấm vóc. Cái tên “Người đẹp Thượng Hải” mang hình ảnh “trăng trên biển”, biển là biển người, trăng vốn là mặt trăng bình thường của mọi người.

Từ đấy, một vài hiệu ảnh khác cũng đến xin chụp ảnh Kỳ Dao. Chụp vào buổi tối, sau khi đóng cửa, mẹ bảo chị vú nuôi cùng đi, đem theo túi áo quần, ngồi xích lô. Phòng chụp này đàng hoàng hơn phòng chụp của Trình, đèn nhiều hơn, có người chuyên phụ trách ánh sáng và bài trí phông cảnh, lại có người giúp thay đồ, hoá trang, ba bốn người xoay quanh phục vụ Kỳ Dao, cứ như muôn sao chầu nguyệt. Lúc này cửa hàng ở tầng dưới đã đóng, thật yên tĩnh, ngoài đường cũng yên tĩnh, mấy vòng yên tĩnh vây quanh, một không khí trang nghiêm bao trùm phòng chụp. Tiếng rao “cẩn thận đèn lửa” ở dưới ngõ lọt qua của sổ phía sau có ri-đô đang được cuộn lên, nghe như từ một thế giới khác vọng tới. ánh sáng đèn nóng như lò sấy, tưởng đâu mình có thể nhìn được ánh mắt của mình. Bốn phía đều tối, thế giới trong tối cũng là một thế giới khác. ảnh trưng bày trong tủ kính kia cũng rất đẹp, tưởng như những người đang đi dự dạ hội. Nhưng là cái đẹp đã được đại chúng hoá, như áo cưới cho thuê, mỗi người một tâm tư. Ai cũng biết đó là cái đẹp giả tạo, không có điều gì phải lừa dối. Cái đẹp trưng bày trong tủ kính hiệu ảnh cũng chứa đựng giấc mơ chưa trọn, giấc mơ người đẹp, mơ ước giành lấy, giành lấy danh hiệu người đẹp. Kỳ Dao trên trang báo Đời sống Thượng Hải là người đẹp trong đời thường, Kỳ Dao trong tủ kính kia là người đẹp ảo tưởng, cả hai đều là người thật. Người trên đi vào lòng người, người dưới làm loá mắt, mỗi người đều có vị thế riêng. Kỳ Dao trong tủ kính giấu kín nét đáng yêu vào lòng, trưng bày vẻ mất tự nhiên lên khuôn mặt, đứng cao hơn thế giới. Nét mặt cô lạnh lùng, trong lòng thì ấm nóng, những mong được mọi người thích thú. Đó là bản thân mà Kỳ Dao thích thú, rất hợp khẩu vị và tự tin. Kỳ Dao không đi qua tủ kính có trưng bày ảnh mình, đó cũng là điều câu thúc, mất tự nhiên. Dưới tấm ảnh được phóng to là dòng chú thích “Vương Kỳ Dao người đẹp Thượng Hải”, tên cô theo gió bay đi.

Kỳ Dao vẫn là mình. Buổi tối đi chụp ảnh về muộn, hôm sau vẫn dậy đi học đúng giờ. Nhà trường tổ chức gặp mặt những thầy giáo và học sinh cũ của trường, bảo Kỳ Dao lên tặng hoa, cô đẩy cho bạn khác. Một vài bạn hiếu kỳ hỏi Kỳ Dao về chuyện chụp ảnh, cô trả lời thật thà, không huyênh hoang thổi phồng mà cũng không cố tỏ ra huyền bí cao xa. Đối với người và việc cô vẫn như xưa, không chơi trội và cũng không chịu lạc hậu, giữ mức trung bình khiến những bạn gái sinh lòng ghen tị cũng bỏ dần thành kiến, hoà hảo với nhau. Tuy tất cả như cũ nhưng tâm tư lại khác. Trong sự an phận trước kia có điều ấm ức, giận dỗi, nay thì bằng lòng an phận. Kỳ Dao cũng ung dung hơn, ung dung là cơ sở cho thành công. Bởi có thu hoạch, cho nên bảo Kỳ Dao nhượng bộ thế nào cũng bằng lòng. Cái đêm “muôn sao chầu nguyệt” ở hiệu ảnh cũng đủ để soi sáng bao nhiêu ngày bình thường, có tấm ảnh trưng bày công khai trong tủ kính dù không tiếng vang cũng trở nên có tiếng vang.  Đó là chỗ Kỳ Dao đứng cao hơn các bạn học, nhiều hơn mọi người một tấm lòng, đúng là điển hình cho người đẹp. Kỳ Dao vẫn yên tĩnh, cái yên tĩnh trước kia có phần bất đắc dĩ, nay thì hy vọng nắm trong tay, yên tĩnh trước kia và nay đều là lòng kiên nhẫn. Kỳ Dao rất kiên nhẫn, đó là sự kiên nhẫn của tấm lòng hơn người. Kiên nhẫn là cái không thể lay chuyển, dù được dù mất cũng đều được việc. Mềm yếu như Kỳ Dao ngoài lòng kiên nhẫn ra còn lấy gì làm vũ khí? Dù thắng dù bại thì kiên nhẫn vẫn không có gì sai trái, là điều ít hy sinh nhất. Yên tĩnh cũng là phong thái của người đẹp. Kỳ Dao vẫn như ngày xưa, duy chỉ có điều ngày xưa không trở lại, đó là tình bạn của Bội Trân. Hai người xa nhau còn hơn cả người xa lạ, người xa lạ không cần phải tránh mặt nhau, nhưng họ luôn tránh mặt nhau. Khi qua hiệu ảnh có ảnh của Kỳ Dao, Bội Trân thể nào cũng phải đi vòng đường khác, ngay cả Kỳ Dao trên ảnh cũng không muốn nhìn. Cả hai đều có những điều buồn phiền, nghĩ lại không khỏi xót xa.

Bây giờ đã có nhiều bạn học thay thế vị trí của Bội Trân, có bạn đến nhà rủ Kỳ Dao đi học, có bạn rủ đi xem chiếu bóng sau giờ học. Đối với các bạn, Kỳ Dao nhất nhất không xa không gần, không trọng không khinh. Đến với nhau vài lần các bạn đâm mất hứng, đành lui về. Một hôm, Kỳ Dao phát hiện trong vở có một bì thư, thì ra đó là một thiếp mời kèm theo một mảnh giấy, chữ của một bạn học, bày tỏ cảm tình đối với Kỳ Dao, rất chân tình mời Kỳ Dao đến dự sinh nhật, ký tên Tưởng Lệ Lợi. Xưa nay Lệ Lợi không tiếp xúc, cơ hồ không phải là bạn thân thiết đặc biệt. Cô xuất thân trong một gia đình bố là chủ xưởng, là một trong những học sinh gia đình khá giả nhất lớp. Học hành cũng thường nhưng lại rất thích đọc truyện ngay trong giờ học, hệ quả mắt bị cận thị, đeo kính dày như đít chai, càng như thế càng cận nặng. Bởi ảnh hưởng của tiểu thuyết nên câu chữ trong các bài tập làm văn của Lệ Lợi rất mùi mẫn, là phiên bản của tiểu thuyết ái tình. Kỳ Dao nhận lời đến dự sinh nhật, thứ nhất không muốn phụ lòng tốt của Lệ Lợi, thứ hai cũng là hiếu kỳ.  Hiếu kỳ cũng chia đôi, một nửa cho Lệ Lợi, một nửa cho buổi họp mặt. Các bạn học thường đồn rằng nhà Lệ Lợi phô trương xa xỉ, Lệ Lợi không đưa bạn đến nhà bao giờ lại càng làm tăng phần bí ẩn. ấy là chuyện cũ, dù hiếu kỳ đến đâu đối với Kỳ Dao cũng có cách, đó là từ chối, Kỳ Dao không bao giờ muốn góp phần vào những cuộc hội họp ồn ào. Thế nhưng, bây giờ khác rồi, hơn nữa, ai biết được?  Nói cho cùng, biết đâu sự vui vẻ ồn ào của các bạn lại là dành cho cô. Kỳ Dao muốn nói với Lệ Lợi rằng mình sẽ đến dự buổi mừng sinh nhật, nhưng Lệ Lợi có ý tránh mặt, hễ hết tiết học là vội vội vàng vàng ra khỏi lớp, trên mặt bàn chỉ để ngỏ một cuốn sách, trên cuốn sách để ngỏ có kẹp một tờ giấy gửi Kỳ Dao như muốn nói điều gì. Kỳ Dao không muốn dò tìm ý muốn của Lệ Lợi làm gì, cô cũng chẳng lý thú gì trò chơi mang tính văn nghệ này, chữ nghĩa trong thư làm cô có cảm giác buồn nôn. Lệ Lợi về lớp tỏ ra thất vọng không thấy tờ thư đâu, còn Kỳ Dao thì mừng thầm. Tan học, Lệ Lợi chạy ra khỏi lớp trước tiên và cứ thế đi thẳng, Kỳ Dao đuổi theo gọi lại. Lệ Lợi đỏ mặt, bối rối và cũng rất kiên quyết như sẵn sàng nhận sự tấn công. Không ngờ Kỳ Dao nói hôm ấy sẽ đến chúc mừng sinh nhật và cảm ơn lời mời của Lệ Lợi. Mặt Lệ Lợi càng đỏ hơn, mắt mờ ảo, long lanh như ướt nước. Hôm sau, Kỳ Dao lại thấy trong sách kẹp một lá thư viết trên giấy xanh nhạt, góc in hoa, lời thư như những câu thơ, ca ngợi ánh trăng đêm hôm qua. Kỳ Dao thấy chán ngán.

Buổi tối mừng sinh nhật đã đến. Kỳ Dao chuẩn bị hai dải lụa buộc tóc để làm tặng phẩm, cô khoác măng-tô mùa thu may bằng dạ mỏng, tóc kẹp nơ đỏ trông đẹp hơn nhiều. Mãi đến tận tám giờ Kỳ Dao mới đi, mà cũng chỉ định đi trong chốc lát. Sắp đến ngày đó, bỗng cô cảm thấy trống trải, không rõ việc gì đang đợi mình. Kỳ Dao với Lệ Lợi không thân nhau lắm, giá như có Bội Trân cùng đi thì hay biết mấy. Bội Trân đã xa lắm rồi, nghĩ lại càng buồn hơn. Kỳ Dao ngồi ở phòng phía bắc chờ cho đến tám giờ, lúc này trong ngõ đã yên tĩnh, mọi âm thanh đều là âm thanh của đêm, tiếng nước chảy nơi giếng trời, tiếng chuông báo giờ, nhạc đêm khuya của đài phát thanh. Khoảnh khắc yên tĩnh này dễ làm lòng người cô quạnh, buồn tẻ và mệt mỏi, đã cuối ngày nhưng vẫn chưa hoàn tất. Tám giờ, Kỳ Dao ra đi, đèn trong ngõ không sáng mà toả màu đêm. Đèn ngoài phố dường như không đủ sáng để xua tan bóng tối từ các hẻm nhỏ tràn ra, ánh đèn nê-ông như những đám mây trôi trong trời đêm, người như cái bóng. Nhà Lệ Lợi ở một phố vắng, trong một ngõ rộng, hai bên là nhà hai tầng, có vườn hoa và ga-ra ô tô, vẫn là tối và tĩnh mịch, nhưng tối và tĩnh mịch khác hẳn. Cửa sổ nhà Lệ Lợi đều che rèm, ánh sáng trên rèm sống động hơn ánh sáng của các nhà khác. Kỳ Dao nghĩ mình đến muộn, thế nhưng vẫn có những chiếc ô tô vượt lên và dừng lại ở cổng nhà Lệ Lợi, cổng mở sẵn sàng đón khách.

Kỳ Dao vào, cởi áo khoác ngoài treo lên mắc áo ở tiền sảnh, tay cầm túi và tặng phẩm. Người trong phòng khách không nhiều, tất cả đang nói chuyện riêng. Bánh và trái cây được bày lên một bàn dài, bánh sinh nhật sẽ được bày ở giữa, có thể bánh đang trên đường về. Lệ Lợi ngồi một mình nơi góc phòng uể oải chơi dương cầm, vẫn mặc như bình thường, nét mặt không quan tâm, tưởng đâu như sinh nhật người khác. Trông thấy Kỳ Dao, khuôn mặt Lệ Lợi bỗng sáng lên một nụ cười. Cô rời đàn đứng dậy, đến kéo tay Kỳ Dao. Kỳ Dao thoáng xúc động, Lệ Lợi là người quen duy nhất trong buổi tối hôm nay và cũng là người thân thiết nhất, thế là cô cũng nắm lấy tay Lệ Lợi. Lệ Lợi kéo Kỳ Dao ra ngoài, đi thẳng lên gác, vào buồng riêng của mình. Ri-đô màu phấn hồng, khăn trải giường màu phấn hồng, màn che trước bàn gương cũng màu phấn hồng, khiến căn phòng của Lệ Lợi cũ kỹ tối tăm. Nhưng Lệ Lợi lại như muốn phá phách, trên bàn, trên giường đầy những sách, bìa sách thì cũ nát; trong đáy ly đóng cặn màu nâu; đĩa hát nứt vỡ, áo quần chỉ hai màu đen và xám vứt bừa bãi. Kỳ Dao không dám lên tiếng chê trách căn phòng. Căn phòng tưởng như chứa đầy tức giận hoặc có điều gì khó chịu, uẩn ức. Lệ Lợi đưa Kỳ Dao vào phòng rồi ngồi xuống giường, mắt nhìn xuống đất, im lặng hồi lâu. Kỳ Dao đâm ra lúng túng, không biết việc gì, cũng rất khó xử. Bỗng dưới phòng khách ồn ào, kinh ngạc, có lẽ đã đem bánh sinh nhật về, người cũng đã đông hơn. Kỳ Dao muốn khuyên Lệ Lợi đi xuống phòng khách, nhưng cô phát hiện Lệ Lợi đang khóc, nước mắt ướt cả kính. Kỳ Dao hỏi:

- Cậu sao thế, hôm nay sinh nhật, cậu là chủ kia mà, sao lại buồn?

Nước mắt Lệ Lợi trào ra nhiều hơn, cô lắc đầu:

- Kỳ Dao, cậu không biết đâu!

Kỳ Dao nói:

- Bảo với tớ đi, tớ chẳng hiểu gì hết!

Lệ Lợi không nói, vẫn khóc và lắc đầu như nũng nịu. Kỳ Dao thì sốt ruột, nhưng đành vậy và khuyên Lệ Lợi đi xuống phòng khách, Lệ Lợi càng không chịu xuống. Cuối cùng Kỳ Dao phải đi xuống một mình, đi được một quãng thì nghe phía sau có tiếng chân bước theo, Lệ Lợi đi xuống, mắt vẫn ướt nước. Trong lòng có gì đó buồn cười, phiền muộn, lại có chút cảm động, bất đắc dĩ, như buộc phải cảm động, Kỳ Dao quay lại nói với Lệ Lợi:

- Cậu không thay đồ, không trang điểm thì ít ra cũng phải rửa mặt chứ!

Lời nói thân tình, thân tình bất đắc dĩ. Lệ Lợi nghe lời và vào phòng rửa mặt, khi ra nước mắt đã khô. Lệ Lợi nhận hộp tặng phẩm, xúc động nói:

- Tặng mình đây à?

Kỳ Dao đi nhanh vào phòng khách, để Lệ Lợi đi sau, bạn bè thân thích vây quanh cô.

Suốt buổi tối Lệ Lợi cứ kéo tay Kỳ Dao đi hết nơi này đến nơi khác. Có người nhận ra Kỳ Dao, họ thì thầm với nhau, rồi cười chào nói chuyện với Kỳ Dao như đã quen. Kỳ Dao cũng dần dần tự nhiên và vui  hơn,  thế nhưng vẫn không rút tay ra khỏi tay Lệ Lợi, tưởng như bị khoá chặt. Lệ Lợi thì chốc chốc lại siết chặt tay Kỳ Dao như có điều bí mật hai người biết với nhau. Sự thân mật đột ngột ấy khiến Kỳ Dao lúng túng, thế nhưng cô không để lộ ra nét mặt mà vẫn làm như tri kỷ. Kỳ Dao lấy làm lạ thấy Lệ Lợi khác hẳn lúc ở trường, không thể nghĩ ra bởi đang bận với người và việc trước mắt. Người và việc cứ qua lại như mắc cửi, không thể có ấn tượng gì, tất cả đều rực rỡ gấm hoa, cảnh tượng đẹp mắt. Hết người này đến người khác gõ, phím dương cầm ở góc nhà liên tiếp vang lên tiếng tinh tang, cũng là những âm thanh đẹp. Càng về sau phòng khách càng nóng lên, một cánh cửa được mở ra, bên ngoài là hành lang lát gạch hoa. Đèn ở ngoài bật sáng, trong vườn thấp thoáng những cành hoa đinh hương, hoa và lá đã rụng hết. Lệ Lợi kéo Kỳ Dao ra hành lang, cả hai vẫn im lặng nhìn vào khoảng tối vườn hoa. Kỳ Dao thấy có gì đó kỳ dị liền nói mình hơi lạnh, nên đi vào, thế là cả hai cùng vào phòng khách. Phòng khách ồn ào, một đôi trai gái đang bị vây lấy đòi ăn kẹo cưới, bánh sinh nhật đã cắt ăn nham nhở, phần còn lại vẫn nằm dưới ngọn đèn chùm. Ly cà-phê chỉ còn cặn cũng mỗi nơi một cái. Tối vui dường như sắp kết thúc, đang ở vào cao trào cuối cùng, mọi người tản ra dần. Một thanh niên chạy đến bên Kỳ Dao, xun xoe như diễn kịch làm Kỳ Dao ngượng đỏ mặt không biết phải thế nào. Lệ Lợi thì sa sầm nét mặt, kéo Kỳ Dao đi chỗ khác làm cho anh chàng kia bị tưng hửng. Có người cáo từ ra về trước, tiếp theo như đàn ong vỡ tổ, mọi người cùng cáo từ, nơi để mũ áo trở nên lộn xộn. Lệ Lợi mặc kệ mọi người, chỉ bận chia tay với Kỳ Dao, cô bảo đêm mừng sinh nhật này là của chung hai người, nói xong buông tay Kỳ Dao, quay lên gác với vẻ âu lo. Kỳ Dao bất giác thở dài như vừa được buông tha. Nơi treo mũ áo người đã ít dần, chỉ còn vài ba vị khách lớn tuổi đang nói chuyện với mẹ Lệ Lợi. Khi Kỳ Dao lấy được áo khoác của mình thì bà mẹ Lệ Lợi quay lại cảm ơn, nói hôm nay Lệ Lợi rất vui và mời Kỳ Dao có dịp đến chơi. Bà tiễn Kỳ Dao ra tận cửa ngoài, Kỳ Dao đã đi một quãng xa vẫn còn thấy bóng bà đứng dưới ánh đèn.

Từ tối hôm đó Kỳ Dao và Lệ Lợi làm bạn với nhau. Tuy vậy, hai người ở trường học vẫn thế, gặp nhau vẫn rất bình thường. Hai người không giống những bạn khác, lúc nào cũng quấn quýt ra vào, ríu ra ríu rít tưởng đâu không nói hết tâm sự, như Kỳ Dao và Bội Trân trước đây. Họ không như thế cũng có lý do. Kỳ Dao thì không muốn để lại ấn tượng sâu sắc cho ai khác, trong thâm tâm đang có những điều băn khoăn khó nghĩ đối với Bội Trân, tuy rằng không muốn thừa nhận; về phía Lệ Lợi cũng khác mọi người, bất cứ việc gì cũng khác người, nguyên tắc làm người và hành xử công việc thật giản đơn, đó là công thức. Điều hứng thú để hai người kết thân với nhau cũng khác với các bạn nữ, đều tự cho mình không dễ hiểu, Kỳ Dao bởi sự từng trải, nguồn cơn của Lệ Lợi từ tiểu thuyết, Kỳ Dao có hơi hướng người lớn, còn Lệ Lợi mang màu sắc văn nghệ, cả hai đều không đúng nhưng may mắn có kết quả, có gì đó chênh lệch, tự dối mình, khác lối nhưng về cùng đích. Trong lớp thì mỗi người một ngả, nhưng khi ở ngoài trường học lại như hình với bóng. Lệ Lợi làm gì cũng kéo Kỳ Dao theo, Kỳ Dao thì được mẹ Lệ Lợi mời nên không nỡ chối từ. Kỳ Dao tưởng đâu trở thành thành viên trong gia đình Lệ Lợi, đi đâu cũng không rời. Bạn bè thân thích bên nhà Lệ Lợi cũng nhanh chóng quen với Kỳ Dao, như thân thích bè bạn của mình vậy. Bởi Kỳ Dao có chút tiếng tăm, bởi cô hiểu biết và lễ phép, nhiệt tình của mọi người dành cho cô còn hơn đối với Lệ Lợi. Về sau, không phải vì Lệ Lợi để mời Kỳ Dao, ngược lại vì Kỳ Dao mà kéo theo Lệ Lợi. Rõ ràng cô được chiều chuộng, nhưng không vì thế mà đắc ý, cô có phần chăm chút quan tâm đến Lệ Lợi hơn.  

Từ sau buổi tối mừng sinh nhật hôm ấy, dạ hội được liên tiếp tổ chức. Mọi cuộc dạ hội đều có duyên phận, quan hệ chằng chịt với nhau. Những người đến dự càng quen nhau nhiều hơn, tưởng như một nhà. Trong số khách dự có đủ loại, làm đủ nghề, nhưng đều quen mặt. Các buổi dạ hội phần lớn giống nhau, cùng một công thức, Kỳ Dao cũng nhanh chóng hiểu được thực chất của các buổi dạ hội. Kỳ Dao hiểu các buổi dạ hội đều náo nhiệt cho nên phải lấy quạnh quẽ để làm nổi bật; Kỳ Dao hiểu mọi dạ hội đều rực rỡ ánh đèn và sóng sánh rượu màu nên phải tô điểm bằng những nét thanh tao nhã nhặn; Kỳ Dao còn biết những người dự dạ hội đều nhiệt tâm, ơn nghĩa trăm năm ngàn đời không kể hết, cho nên phải lấy tấm lòng chân thành bình dị để đổi lại. Kỳ Dao hiểu tiếng đàn càng cao thì dây càng dễ đứt, cô còn tự biết không đủ sức leo cao thì phải lấy trầm đối bổng, lấy ít thắng nhiều. Hiệu quả tuy không rõ ràng nhưng tích tiểu thành đại, dần dần sẽ được lòng người. Kỳ Dao là một chấm trắng như đóa thược dược trong muôn hồng ngàn tía; là khúc thanh ca trong trẻo giữa tiếng nhạc ồn ào; là sự im lặng giữa cuộc tranh luận cao xa. Kỳ Dao đem đến cho dạ hội một chút mới mẻ, mới mẻ có tính sáng tạo, trong đó có quyết tâm chiến thắng, có cả bình tĩnh để nhận rõ nhân tình thế sự.  Trong buổi dạ hội Kỳ Dao có ý nghĩ bất cứ chuyện gì cũng phải dựa vào mình. Dạ hội người khác là chủ, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Chỉ có mình là khách, đến đi đều không tự chủ. Kỳ Dao vẫn nhớ có lần Lệ Lợi nói, trong buổi dạ hội cô là người thân duy nhất, Lệ Lợi đi đến đâu cũng nắm tay cô. Lệ Lợi vốn rất ghét dạ hội, nhưng muốn được cùng với Kỳ Dao nên phải hy sinh ý thích của mình. Cả hai trở thành khách thường xuyên của các buổi dạ hội, buổi nào cũng có mặt. Có vài buổi hai cô vắng mặt thì mọi người ai cũng hỏi thăm, tên của hai cô được nhắc đi nhắc lại trong phòng khách. Vắng mặt âu cũng là một phần lấy trầm để đối cao, là phần tương đối cực đoan.

Đêm Thượng Hải lấy dạ hội làm sinh mệnh, cái mà người Thượng Hải gọi là “thôi thúc”. ánh đèn nê-ông và vũ trường là thân xác của thành phố không đêm mà các buổi dạ hội là trái tim. Dạ hội diễn ra nơi sâu thẳm của thành phố, phía sau những đường phố yên tĩnh rợp bóng cây, trong các phòng khách kiểu Tây, đó là niềm vui được giấu kín trong tim. ánh đèn các buổi dạ hội thường tối hơn, đổ bóng là lời trái tim, lời trái tim mang sắc thái châu Âu, thuộc trường phái lãng mạn cổ điển. Dạ hội của Thượng Hải lấy người đẹp làm sinh mệnh, người đẹp là trái tim của các dạ hội, ngàn vạn mối tình đều trong im lặng, là vẻ đẹp từ trong cốt tuỷ. Sau năm bốn mươi không còn nghĩ ra, không còn nhận ra những tình yêu đẹp đẽ. Tình yêu đẹp là vương triều của một thời, vinh quang hiển hách là vương triều trên trời cao. Bầu trời Thượng Hải đang thổ lộ nỗi niềm thương đau, thương đau của những tình cảm và vẻ đẹp. Gió Thượng Hải đùa bỡn, nước là son đỏ không màu. Kỳ Dao là chút tình yêu đẹp ấy, không phải là điểm để mọi người chú ý, mà là nơi tận cùng trái tim. Kỳ Dao như trái tim trong trái tim được giấu kín. Nếu như không có Kỳ Dao thì dạ hội sẽ là dạ hội trống rỗng, là hình bóng thoảng qua. Kỳ Dao là tình yêu đẹp có ý nghĩa nhất, là khát vọng, nếu như không có nó thì tình yêu không cội nguồn, vẻ đẹp cũng là vẻ đẹp không cội nguồn. Cho đến nay thì tình yêu kia có cội nguồn, nó nhuốm màu tình yêu thành phố, mỗi cảnh mỗi vật đều biết nói, nói còn hay hơn hát. Kỳ Dao đi vào đêm Thượng Hải, đêm Thượng Hải lấy ánh sáng mờ nhạt trong các ngõ nhỏ và đèn trước phông cảnh của các hiệu ảnh làm bối cảnh, đêm không phải là một khoảng chật hẹp như tấm ảnh mà là có đầu có cuối, không phải là tĩnh mà là động. Động cũng không phải như bấm máy ở xưởng phim, động trong bấm máy là câu chuyện của người khác, cái động trong đêm là của mình, mình được và mình mất. Được mất nói là của mình đấy, nhưng không hoàn toàn, nó là mảnh trời Thượng Hải phía trên ánh đèn, trên cả ánh sao, bao trùm toàn thành phố, ngày sáng đêm tối, xoay chuyển theo ngày tháng. Mảnh trời ấy bị những toà cao ốc che khuất, bị ánh đèn che khuất, có cách che mắt, nhưng sét đánh không lay chuyển, mặc sức điên đảo, tóm lại là vùng mênh mông trên đầu.

10  “Hoa hậu Thượng Hải”

Không khí hoà bình của năm 1946  tưởng như thiên niên vạn đại, tin vui lan truyền, tin buồn là để dẫn đến tin vui. Thành phố này là thành phố lạc quan, việc gì cũng nhìn từ góc độ tốt đẹp, việc xấu cũng trở thành việc tốt. Nó còn là thành phố vui vẻ, một ngày không vui không thể sống nổi. Lụt lội ở tỉnh Hà Nam, kêu gọi các nơi cứu trợ, thành phố này quyên góp toàn là tình cảm và vẻ đẹp, quyên góp bằng việc tổ chức thi Hoa hậu. Tin này lan nhanh như gió, chỉ trong chốc lát mọi người, mọi nhà đều biết. Thượng Hải là đại từ của “mốt”, “Hoa hậu Thượng Hải” càng là đại từ của “mốt”, ở Thượng Hải còn có gì “mốt” hơn Hoa hậu? Sự việc làm lay động lòng người, ở đây liệu còn ai không tôn sùng “mốt”? Ngay cả tiếng chuông đồng hồ cũng là tiếng chân của “mốt”. Tin thi hoa hậu còn được mọi người quan tâm hơn việc bầu Thị trưởng, Thị trưởng có quan hệ gì với mọi người đâu! Hoa hậu Thượng Hải còn được ngắm nhìn, ai cũng có phần. Tờ báo đăng tin thi hoa hậu chỉ một tiếng đồng hồ sau là bán hết sạch, in thêm cũng không kịp, chỉ còn nước cắt mây trên trời xuống mà bán. Tàu điện leng keng cũng loan tin. Thật là một thiên diễm tình! Cảnh đẹp trong mơ nay đã thành sự thật. Giống như tiết tấu nhanh của điệu valse làm mọi người ngồi không yên phải đứng dậy mà nhảy theo. ánh đèn cũng trở nên chói sáng, loá mắt. Liệu còn việc gì được lòng thành phố này hơn là thi hoa hậu? Ngây thơ như một đứa trẻ, ham vui không biết chán. Mọi người sẽ đi bỏ phiếu, đóng góp ý kiến vô tư, trên phiếu ghi tên người đẹp.

Người đầu tiên gợi ý Kỳ Dao dự thi hoa hậu là Trình, người thợ ảnh. Sau lần đầu, Trình còn hai lần chụp ảnh Kỳ Dao ở ngoài trời. Hai lần ấy Kỳ Dao tỏ ra quen lắm rồi, thế nhưng không gây được tiếng vang. Kỳ Dao cũng đoán được ý của Trình, Trình nghĩ được thì Kỳ Dao làm được. Cái đẹp của Kỳ Dao được tích luỹ từng ly từng tý, không giảm, chỉ tăng thêm, cuối cùng, trong mắt Trình, Kỳ Dao đẹp như một nàng tiên, trên đời này không còn người thứ hai. Anh thành thật khuyên Kỳ Dao dự thi hoa hậu Thượng Hải, anh cứ nghĩ cuộc thi này là để dành riêng cho Kỳ Dao. Giá như Trình không đề nghị thì Kỳ Dao cũng không ghi tên dự thi, bởi cô không tin như Trình đã tin; hơn nữa cô không phải là người ngoài cuộc như Trình, Kỳ Dao đã từng được và mất, được mất đều để lại dấu ấn trong lòng, cô không dám khinh suất hành động. Trình thực sự làm Kỳ Dao xúc động. Từ ngày đi dự dạ hội cũng đã khá lâu rồi, Kỳ Dao trở nên lưỡng lự, không biết mình đi đâu về đâu. Đề nghị của Trình làm lòng Kỳ Dao sáng lên, tuy thế vẫn còn mông lung lắm.

Tối hôm ấy, trong bữa tiệc cưới bà chị họ xa của Lệ Lợi, đột nhiên Lệ Lợi tuyên bố đề nghị kia của Trình. Thật là một tiết mục không hợp với hôn lễ, mang ý nghĩa tầm gửi lấn cành, khách soán ngôi chủ. Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía Kỳ Dao, cô bực mình nhưng không dám tỏ thái độ. Thế nhưng sự việc diễn ra trong bữa tiệc cưới lại cho cô điềm lành, tuy đèn lồng đỏ không chiếu rọi vào cô, song không khí vui vẻ lại như vừa có chủ vừa không có chủ. Đôi tân uyên ương kia là điềm lành, ngày đẹp thành đôi là điềm lành, rượu trong ly, hoa cẩm chướng trong lòng, đều là điềm lành. Đèn trên đường rực rỡ tươi vui, hình ảnh người đẹp trong đèn lồng quảng cáo cũng tươi thắm hơn. Trong lòng Kỳ Dao không hẳn trách Lệ Lợi mà còn tỏ ra cảm kích, cô nghĩ có thể đây là cơ may chăng? Ai biết được! Thế là Kỳ Dao dự thi hoa hậu.

Lệ Lợi cứ như mình dự thi, việc chưa đâu vào đâu nhưng đã rối cả lên. Mẹ cô cũng được động viên vào cuộc, bà phải may cho Kỳ Dao một tấm xường xám để mặc trong hôm chung kết. Lệ Lợi kéo Kỳ Dao đi dự hết dạ hội này đến dạ hội khác cứ như triển lãm lưu động vậy. Cô chẳng cần phải lời lẽ uyển chuyển tế nhị, hễ nói là bàn ngay đến chuyện bỏ phiếu, bất kể người ta có biết Kỳ Dao hay không, mà cũng không cần biết Kỳ Dao có khó chịu hay không. Cô cứ làm theo ý mình và chẳng cần lôi thôi dài dòng. Lệ Lợi làm cứ như hoa hậu trong nhà mình, Kỳ Dao là người nhà mình, mà cô thì có quyền một tay thâu tóm quán xuyến. Vẻ chân thành hiện lên nét mặt Lệ Lợi, tưởng không thế sẽ hỏng việc. Lệ Lợi thật sự cho rằng Kỳ Dao đẹp, cần phải tuyên truyền rộng rãi cái đẹp này trong xã hội. Làm bạn với Kỳ Dao xinh đẹp khiến lòng Lệ Lợi cũng trở nên đẹp hơn. Với Lệ Lợi, danh hiệu “Hoa hậu Thượng Hải” không quan trọng, Kỳ Dao mới quan trọng hơn. Cô muốn Kỳ Dao được vui lòng. Nỗi niềm ấy có chút gì thật đáng thương. Cô đối xử với bố mẹ anh em như người ngoài, chỉ dốc hết tình cảm cho Kỳ Dao, tưởng như tìm được mục tiêu cho tình yêu của mình. Tình yêu ấy không những là của mình, thêm vào đó là những điều đọc được trong các tiểu thuyết, Kỳ Dao càng khó mà chống đỡ nổi. Kỳ Dao thấy thương Lệ Lợi, cảm thấy cái Lệ Lợi có thì không cần, cái cần thì không có, giày vò vô cớ bản thân và người khác. Bởi thế Kỳ Dao không thể không nói khi thấy Lệ Lợi làm có phần quá đáng. Lúc ấy, nét mặt Lệ Lợi tỏ ra sợ hãi và hoảng hốt thấy mình như đứa trẻ không biết lỗi của mình ở đâu. Tuy vậy vẫn không cam chịu. Có lần Kỳ Dao bực lên, Lệ Lợi vặn vẹo hai bàn tay vào nhau, nói:

- Kỳ Dao, tớ không biết làm thế nào để cậu vui!

Câu nói khiến Kỳ Dao nhớ đến Bội Trân, bất giác lòng thoáng buồn. Kỳ Dao nghĩ Bội Trân không bao giờ nói những câu chán như thế, nhưng ở đâu và bất cứ lúc nào cô cũng làm thế. Bây giờ Kỳ Dao với Bội Trân tuy cách nhau gang tấc nhưng mỗi người một phương.

Sự việc đang sôi lên, ảnh của Kỳ Dao vừa gửi đi. Kỳ Dao không quan tâm đến tấm ảnh vừa gửi đi, cô không coi đã có chuyện đó, nhưng làm sao có thể cưỡng lại những lời quảng cáo cổ vũ của Lệ Lợi, lại còn Trình ngày nào cũng nhắc đến vài ba lượt. Trình có nhiều người quen làm việc ở các báo, thi hoa hậu đang là chủ đề được các báo bàn tán sôi nổi, phiếu bầu cũng do các báo phân phát. Nhưng Trình không thân với những người làm việc ở các báo, bởi vậy những thông tin do Trình đem về không tránh khỏi lẫn lộn thật giả. Kỳ Dao còn khá, Lệ Lợi thì bị những tin tức ấy làm điên đảo, có lúc Trình nói ông chủ nhà máy này được mệnh danh là vua này vua nọ có con gái cũng tham gia thi hoa hậu đã ủng hộ cho Ban tổ chức cứu trợ đồng bào bị lũ lụt một khoản tiền lớn. Vậy là Lệ Lợi lập tức bỏ tiền quyên góp. Có lúc Trình lại nói, một nhân vật tiếng tăm trong chính giới đang cổ vũ cho một người đẹp nào đó, đã bỏ tiền ra mở tiệc chiêu đãi ở khách sạn Quốc Tế, nhiều người danh tiếng trong xã hội được mời dự tiệc. Thế là Lệ Lợi cũng mở tiệc chiêu đãi. Kỳ Dao không thể không bị ảnh hưởng, cũng rối óc, không thể không nghĩ ngợi; những ngày gần đây luôn hồi hộp, ngày nào cũng mong ngóng kết quả. Kết quả như việc cá độ, có sức cũng không làm gì nổi, đành theo ý trời. Vậy là Lệ Lợi đi cầu trời khấn Phật phù hộ, lời cầu xin của Lệ Lợi mùi mẫn như một bài tuỳ bút trữ tình. Kỳ Dao rất nóng lòng, thấy Lệ Lợi làm sôi lên thì càng nóng lòng gấp bội, rồi đâm chán nản, mặc Lệ Lợi muốn làm gì thì làm. Còn Lệ Lợi thì cho là mình làm vẫn chưa đủ, càng làm nhiều hơn, Kỳ Dao không biết thế nào cho phải. Kỳ Dao biết Lệ Lợi tốt với mình, nhưng làm như cưỡng bức, xâm phạm tự do, buộc phải lên tiếng phản đối. Điều này giống như lấy tốt để lừa dối người, như quyền lực trong cái tốt. Sự việc chưa ra sao nhưng đã ồn cả thành phố, tưởng như ai ai cũng  biết. Kỳ Dao chỉ hận một nỗi không nơi trốn tránh, để không thấy ai. Cũng hận một nỗi không giả câm giả điếc để khỏi phải trả lời các câu hỏi. Cũng may, hồi này các cô đã tốt nghiệp, không phải đến trường nữa. Nếu còn đi học thì trăm con mắt đổ dồn vào nhìn, khiến Kỳ Dao không dám nghĩ tới điều đó. Tuy là ở nhà, tất cả đều là người nhà và họ hàng, cũng đủ để Kỳ Dao phải ứng phó. Bởi thế cô không thể không thường  xuyên ở nhà Lệ Lợi, nhà Lệ Lợi có ồn ào bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là một người, nếu ở ngoài thì hàng chục, hàng trăm. Kỳ Dao đến ở hẳn nhà Lệ Lợi.

Lệ Lợi bảo Kỳ Dao đến ở chung từ lâu, nhưng Kỳ Dao chưa đồng ý, bây giờ dọn đến ở chung làm Lệ Lợi vui lắm, từ ba hôm trước đã chuẩn bị phòng. Thấy con gái vui, mẹ cũng tích cực, dặn dò người ở mọi việc như sắp đón khách quý. Nhà Lệ Lợi chỉ có mẹ và cậu em trai. Bố thì hồi trước chiến tranh di chuyển xưởng máy vào sâu trong lục địa, chiến tranh kết thúc vẫn không về, ông đã lấy vợ bé ở đó, Tết cũng không về, mỗi năm chỉ về hai bận nhân dịp sinh nhật con gái và con trai, gọi là tình cảm. Em trai Lệ Lợi đang học trung học phổ thông, đi học thì năm ngày ba lần trốn, trốn học không đi đâu, chỉ ở nhà đóng cửa lại nghe đài, nghe đài suốt từ sáng đến tối, đóng cửa nghe, chỉ ba bữa ăn mới ra khỏi phòng. Nhà Lệ Lợi mỗi người một tính cách kỳ lạ, ngay cả chị người ở cũng vậy. Con cái đối với bố mẹ không chút tôn ti lễ phép, mẹ thì nịnh nọt con cái; chi tiêu hàng ngày thì tính từng xu, nhưng tốn hàng trăm lại chẳng xem vào đâu; chủ nhà thì chán làm chủ mà muốn làm người ở để chị người ở được thể lên mặt. Sau khi Kỳ Dao đến, cơ hồ không thể thoái thác được vai trò một nửa chủ nhà, còn một nửa nữa là chị người ở. Thức ăn hôm sau, hỏi Kỳ Dao; đồ dùng cất đâu Kỳ Dao đều biết; hàng ngày chị giúp việc tính tiền chợ cũng phải do Kỳ Dao ghi chép tính toán. Sau khi Kỳ Dao đến, chị giúp việc có người quản lý, bàn mạt chược buổi tối ở nhà dưới bị giải tán; cấm không được giữ khách ăn cơm; đi đâu bao lâu đều phải xin phép; sáng phải chải đầu, ăn mặc gọn gàng, giày dép tươm tất, không được suốt ngày lộc cộc đôi guốc mộc. Thế là, dần dần Kỳ Dao thâu tóm luôn phần nửa chủ nhà kia. Kỳ Dao đến ở nhà Tưởng Lệ Lợi khiến cuộc sống Lệ Lợi trở nên cân bằng. Kỳ Dao vẫn thân thiết với Lệ Lợi, cô cũng là người khống chế quyền lực. Như thế không ai nợ ai, không ai cao hơn ai. Đó cũng là lúc Kỳ Dao nhận được giấy báo tham gia sơ tuyển.

Người đẹp dự vòng sơ tuyển nhiều như mây nước, bao nhiêu người đẹp của thành phố tụ họp một chỗ. Phóng viên các báo lớn báo nhỏ vừa tranh giành tin tức vừa được ngắm nhìn no mắt. Mắt hoa, tin tức cũng vẽ thêm hoa. Xích lô, xe ô tô con đi lại như mắc cửi trước khách sạn tổ chức sơ tuyển. Các cô gái đều đem theo người giúp việc hoặc em gái, người nhà; thợ may, thợ làm đầu cũng kéo đến. Người đẹp Thượng Hải không giống mọi người, các cô và phụ huynh của các cô như nhau, tất cả đều mong hơn người, hám lợi, hành động tích cực, không phải chỉ nói không làm. Thậm chí các cô còn tỏ ra dũng cảm, kiên nhẫn, không sợ thất bại hoặc bị chê cười. ít nhất một nửa phồn hoa của thành phố này phải dựa vào sự hám lợi của các cô, nếu không có sự hám lợi đó thì ít nhất một nửa số cửa hàng, cửa hiệu phải đóng cửa. Phồn hoa của Thượng Hải mang phong thái con gái, mùi nước hoa của các cô lan toả trong gió, trang phục nữ bày trong tủ kính nhiều hơn trang phục nam. Bóng cây ngô đồng Tây là tính cách con gái, hoa trúc đào và đinh hương trong vườn kia cũng tượng trưng cho con gái. Gió ẩm mùa mưa phùn là con gái làm nũng; giọng nói Thượng Hải cũng là để dành riêng cho các cô. Bản thân thành phố này tựa như người con gái lớn, hát múa tưng bừng, rắc vàng rắc bạc lên bầu trời, mây ngũ sắc là xiêm áo con gái tung bay trên không trung.

Đó là ngày không bình thường, là ngày của các cô gái đẹp. Mặt trời cũng mọc vì các cô, chiếu sáng ngàn vạn nhà để các cô ra đi. Hoa trong các cửa hiệu bán hết vì các cô, mọi người vây quanh chúc mừng các cô. Các cô khoác lên mình những tấm áo đẹp nhất, những kiểu trang điểm nào đẹp nhất đều được thể hiện trên khuôn mặt các cô, kiểu tóc nào mới nhất cũng được làm lên đầu các cô. Giống như một cuộc triển lãm lớn về thời trang phụ nữ mà các cô là người mẫu, trăm người chọn một. Nếu đứng riêng, cô nào cũng có thể đoạt vương miện; nếu so sánh thì người này sẽ hơn người kia; nếu hợp nhau lại cái đẹp này có thể dời non lấp biển. Các cô là tinh hoa, là linh hồn của thành phố. Ngày thường, sắc đẹp của các cô hoà trong không khí, phân chia đều, nhưng hôm nay là ngày đặc biệt, tinh hoa được gom lại, cái đẹp sinh ra từ cái đẹp, vẽ nên bức tranh đẹp của thành phố.

Dự vòng sơ tuyển Kỳ Dao cũng yên tâm hơn, được trao đổi thăm hỏi các mặt, đối với mình cũng được hiểu thêm. Được vào vòng hai lại có thêm những niềm vui bất ngờ. Đến vòng này thì Kỳ Dao mới bắt đầu nghiêm túc, còn trước đó cô như để vui lòng Lệ Lợi, vui lòng Trình. Kỳ Dao không thật sự nghiêm túc cũng là tạo cho mình một vỏ bọc, bên trong vỏ bọc đó là lòng tự trọng.  Vẻ nghiêm túc của Lệ Lợi và Trình những ngày gần đây đã đánh vào lòng tự trọng của Kỳ Dao, bởi vậy cô chỉ có cách tỏ ra không nghiêm túc mới giữ cho mình không bị tổn thương. Những ngày vừa qua thật sự là những ngày khó chịu. Hy vọng và cố gắng của Lệ Lợi và Trình nói cho cùng là để Kỳ Dao có trách nhiệm hơn với mình. Thành bại của hai người không phải vì mình mà là vì Kỳ Dao. Cách thức hành động của hai người có gì đó giống như làm chủ thay cho người khác, áp đặt ý muốn của mình cho người khác. Nếu Kỳ Dao thật sự nghiêm túc nhất định làm cho hai người bực mình, thậm chí chuyển bạn thành thù. Không nghiêm túc đã cứu tình bạn giữa Kỳ Dao với Lệ Lợi và Trình. Bây giờ thì tốt rồi, lọt vào vòng hai cả Lệ Lợi và Trình đều thoả mãn.

Kỳ Dao và Lệ Lợi lại xuất hiện ở các buổi dạ hội, mỗi buổi dạ hội như một buổi họp báo, các câu hỏi được nêu ra tới tấp, ai hỏi gì Kỳ Dao đều trả lời gãy gọn. Còn Lệ Lợi lại tỏ ra dè dặt, hỏi mười câu chỉ trả lời một. Trình lại chụp ảnh cho Kỳ Dao, mượn phòng chụp của người bạn để chụp đặc tả, phóng thật lớn cho mọi người có thể nhớ rõ mặt cô. Anh đi nhờ bạn bè ở các toà báo đăng ảnh Kỳ Dao vào góc trang. Không phải là báo lớn nhưng một bài viết đăng kèm ảnh khác nào quảng cáo. Chuyện đến nước này Kỳ Dao không khỏi tỏ ra sợ hãi. Cô cảm thấy sự việc diễn ra suôn sẻ, suôn sẻ tưởng đâu như cạm bẫy đang chờ ở phía trước, cô thì tin vào điều vẫn thường nói là già néo đứt dây. Cho đến lúc này Kỳ Dao thật sự hy vọng. Kỳ Dao suy nghĩ rất cao xa nhưng bị hiện thực hạn chế, cô cứ phải thỉnh thoảng dội nước lạnh cho mình. Kỳ Dao biết, ở đời này có quá nhiều việc, càng muốn càng không được, không như những gì đã nắm chắc trong tay, được tý gì hay tý ấy, biết đâu ngược lại, cho nên càng không mong lại càng được. Lúc này thì bất ngờ đã tới ngay trước mắt, không nghĩ cũng phải nghĩ. Đúng là những ngày khó xử. Phải “đề phòng” cái khó xử phía trước, nhưng cái khó xử đang “tiến tới”. Trong những ngày chờ đợi thi vòng hai Kỳ Dao trông có phần tiều tuỵ.

Kỳ Dao ở một phòng tầng dưới, nguyên là phòng đọc sách nay để làm phòng ngủ cho cô. Cửa sổ trông ra vườn hoa, ánh trăng lay động. Có lúc Kỳ Dao nghĩ, ánh trăng ở đây cũng khác với ánh trăng ở nhà mình, ánh trăng ở nhà như bị ám khói bếp; còn ánh trăng ở đây là ánh trăng của tiểu thuyết có gió động bóng hoa. Những đêm mất ngủ Kỳ Dao lại nhìn ra cửa sổ, cửa sổ buông rèm lụa. Cô lắng nghe tiếng đêm, những tiếng động không tên cũng không giống tiếng động có họ có tên ở nhà mình; trẻ nhà ai khóc, tiếng mẹ ru con; tiếng chuột rúc dưới sàn; tiếng nước chảy trong nhà vệ sinh. ở đây chỉ có một tiếng động có tên gọi, tiếng động đầu tiên của vạn tiếng động, đó là tiếng chuông đồng hồ. Nó vượt lên mọi âm thanh, còn nữa đều trở thành dư âm, là nét mảnh nhất của âm thanh, là tiếng thì thầm của đêm. Tiếng đêm có sức nâng, nâng nổi con người bồng bềnh trên mặt nước. Con người nổi lâu sẽ cảm thấy trống rỗng từ trong ra ngoài, để tiếng đêm thẩm thấu. Tiếng đêm ở đây mang tính xâm thực, nó xâm thực tình cảm con người để thay thế ảo giác. Màu đêm ở đây trong vắt không giống màu đêm ngoài cửa sổ nhà Kỳ Dao có tạp chất, lộn xộn, màu đêm ở đây con người có thể soi bóng, soi rõ từng sợi tóc. Màu đêm có thể lọt qua kẽ tay, không để lại hạt nhỏ nào trên mặt sàng. Vòm đêm đè lên đầu cũng không thấy nặng, nhẹ như cánh ve, chỉ có một thứ là có hình, mà cũng là thứ dẫn đầu, đó là ánh trăng, màu đêm trong suốt làm nền cho ánh trăng, ánh trăng cũng là nét mảnh nhất của màu đêm, là làn da của đêm. Màu đêm này có thể luồn lách qua vạn vật, không kẽ hở nào không lọt vào, cuối cùng, vạn vật trở nên không hình hài, không sắc màu. Màu đêm có sức hoà tan, nó hoà tan mọi vật thể thay vì vô hình. Tóm lại đêm ở đây có ma thuật, nó đảo lộn những gì mắt thấy tai nghe, khiến người và vật không còn.

Danh sách những người vào vòng hai được đăng lên báo, tuy chưa quyết định thắng thua nhưng mọi người đều biết, cũng là vinh dự lắm rồi. Mọi người đều biết Kỳ Dao ở nhà Lệ Lợi, nhưng nhà cô người qua kẻ lại nườm nượp. Miễn là biết đều đến chơi, hỏi han chuyện trò không dứt. Kỳ Dao cũng trở thành niềm vinh dự cho nhà Lệ Lợi. Mẹ con Lệ Lợi suốt ngày phải đưa đón khách khứa, chuẩn bị trà nước, bận tíu tít, chỉ có cậu em là đóng cửa ở trong phòng, đài thì rào rào tạp âm không còn biết đang hát hay đang nói. Cứ sáng dậy, ba người lại ăn mặc tề chỉnh, ngồi ở phòng khách chờ chuông reo sẵn sàng ra đón khách. Mọi người đều hiểu sự việc đến gần phút quyết định, không thể sơ suất. Một phóng viên của tờ báo buổi chiều đến phỏng vấn và viết rằng Kỳ Dao và Lệ Lợi là chị em nuôi, bởi thế làm gia tăng thanh danh cho công việc làm ăn buôn bán của nhà Lệ Lợi. Thật ra mẹ Lệ Lợi xem Kỳ Dao thân thiết hơn con đẻ. Cô con gái thì việc gì cũng cãi mẹ, còn Kỳ Dao thì ngược lại, việc gì cũng chiều lòng bà. Bà còn viết thư cho chồng ở Trùng Khánh bảo phải góp một số tiền cho Ban cứu trợ thiên tai để tăng thêm sức nặng cho Kỳ Dao tranh tuyển trong vòng hai. Bình thường hai mẹ con chẳng hề quan tâm đúng sai gì, bây giờ hai mẹ con bận vào việc này, lại cùng một mục tiêu, thế l 8000 à không còn mâu thuẫn, thậm chí còn đồng tâm hiệp lực. Tuy phải mấy hôm nữa mới thi vòng hai, nhưng mọi người đều tính toán cả rồi. Nhiều người đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có người cầm chắc sẽ vào chung kết, chẳng qua vòng hai chỉ là lấy lệ. Nhưng một số khác lại đứng giữa hai số này, vừa không chuẩn bị, nhưng lại xác định chắc chắn. Kỳ Dao là một trong số những người còn chờ đợi. Việc thi kỳ thực do những người này gánh vác, có thể coi đó là trụ cột của Hoa hậu Thượng Hải, đúng với nghĩa Hoa hậu Thượng Hải. Thực tế các cô sẽ sắm vai chính trong màn kịch thi chọn, từng vòng thử thách đến với họ, so sánh hơn thua đến với họ. Ai vượt qua được thử thách sẽ là vàng mười của Hoa hậu Thượng Hải.

Trong số những người đến thăm hỏi có một người mà Kỳ Dao không ngờ, đó là Bội Trân. Trông thấy Bội Trân bỗng Kỳ Dao sững sờ, Bội Trân cũng có chút bối rối, mắt nhìn đi chỗ khác, tay không biết để vào đâu. Hai người đứng ngây ra một lúc rồi Bội Trân lấy từ trong túi ra một phong thư đưa cho Kỳ Dao. Kỳ Dao đọc đi đọc lại mà tưởng như chưa hiểu, chỉ mơ hồ biết đó là thiếp mời của nhà đạo diễn ở xưởng phim. Bội Trân nói phải cho biết ngay có nhận lời hay không. Kỳ Dao không kịp suy nghĩ, cứ thế trả lời có. Bội Trân không cáo từ, quay đi ngay. Kỳ Dao đi theo ra đến tận cửa. Bội Trân bước chậm lại, hai người sánh vai nhau, ra ngõ, đi thêm một quãng nữa, đến bên thùng thư. Bội Trân nói:

- Đằng ấy về đi, không phải tiễn nữa!

Kỳ Dao nói:

 - Để tớ tiễn một đoạn, tớ cũng không bận gì!

Hai người dừng bước, không ai nhìn ai. Bội Trân lại nói:

- Tớ định bỏ thư vào thùng đấy, nhưng rồi...

Kỳ Dao nhìn thùng thư, không nói gì. Lát sau cả hai cùng khóc. Cả hai không biết mình khóc gì, có điều gì đáng khóc, trong lòng chỉ cảm thấy buồn vì không thể cứu vãn nổi. ánh nắng mười giờ lọt qua kẽ lá ngô đồng trải trên người họ, như thuỷ tinh, như thuỷ ngân, những ngọn lá rụng quấn chân, xào xạc trên mặt đường. Nước mắt ướt đầm khăn tay nhưng vẫn không nói nên lời, vẫn buồn. Cuộc sống khuê phòng trong trắng vô tư tưởng như đã mất, quan hệ hai người trở nên phức tạp. Một chiếc xe ô tô từ phía sau lặng lẽ vượt lên, ánh nắng phản chiếu trên vỏ xe long lanh như những giọt thuỷ ngân. Hai người lại khóc, Bội Trân từ từ quay đi, lau nước mắt. Kỳ Dao nhìn theo bóng bạn, nước mắt khô dần, mắt sưng mọng, chói nắng, da mặt căng lên. Kỳ Dao cũng từ từ quay về.

Đạo diễn mời Kỳ Dao ăn cơm ở nhà hàng Tân á, Kỳ Dao nghĩ bụng thể nào Bội Trân cũng dự. Kỳ Dao không nói cho Lệ Lợi biết, sợ Lệ Lợi đi theo, chỉ nói dối phải về nhà lấy thêm áo quần. Nhưng Bội Trân không dự, chỉ có một mình ông đạo diễn. Vừa trông thấy, nhà đạo diễn liền gọi “Dao Dao” làm cô nhớ lại hôm ở xưởng phim, tưởng đâu xa cách lắm rồi. Ông đạo diễn nói:

- Dao Dao lớn lắm rồi!

Câu nói như của người anh cả làm Kỳ Dao cảm động rơi nước mắt. Cô cười, nói:

- Còn chú thì càng ngày càng trẻ ra!

Ông đạo diễn giật mình, không ngờ Kỳ Dao lại trả lời như thế. Im lặng giây lát rồi Kỳ Dao hỏi:

- Chú cho gọi cháu đến có việc gì không ạ?

Ông đạo diễn miệng nói không có việc gì nhưng trong lòng hồi hộp, cứ tiếc là đã không chuẩn bị, Kỳ Dao không còn như trước nữa. Người hầu bàn đưa thực đơn đến, ông đạo diễn để Kỳ Dao gọi món, cô khẽ từ chối nhưng rồi cũng gọi vài món, chân vịt muối và miến xào Dương Châu, không đắt cũng không rẻ, chủ không quá tốn kém, cũng không khó xử mà trông cũng không đến nỗi nào. Bàn gần cửa sổ, ánh đèn nê-ông hắt màu lên kính, bầu trời như có pháo hoa. Trong phòng ăn chỉ có vài ngọn đèn, bàn ăn thắp nến, ánh nến lung lay, mặt hai người lúc tối lúc sáng, lòng ngẩn ngơ, không biết người ngồi trước mặt đây là ai, có việc gì mà lại ngồi với nhau. Ông đạo diễn đã nói không có việc gì nên cũng không thể nói gì hơn ngoài những chuyện vặt vãnh linh tinh. Kỳ Dao thì không nghĩ ông ta lại không có việc gì, chẳng qua là chưa biết việc gì đó thôi. Cả hai đều thấy nóng lòng nhưng miệng thì nói toàn chuyện cũ, chuyện mới, những chuyện không đâu vào đâu, cuối cùng nói đến chuyện hoa hậu Thượng Hải, bỗng cả hai cùng im lặng.

Thức ăn đã đưa lên. Nhà đạo diễn nói mấy lời khách sáo rồi cúi xuống đánh tỳ tỳ, bắt đầu ăn là quên hết mọi chuyện, ăn một mạch. Lúc này Kỳ Dao trông thấy ống tay áo của nhà đạo diễn đã sờn rách, một lớp biến thành hai, móng tay dài cũng không cắt, cảm thấy lợm giọng, cô đặt đũa xuống. Đến khi các đĩa thức ăn đã vơi đi một nửa nhà đạo diễn mới buông đũa, mặt mày rạng rỡ. Ông mời Kỳ Dao hút thuốc, chỉnh lại cách cư xử, Kỳ Dao không hút nhưng cô châm lửa giúp, động tác ấy khiến nhà đạo diễn thực sự cảm động. Ông nói:

- Dao Dao, cô đang tuổi học, phải để tâm học hành, đi thi hoa hậu làm gì?

Kỳ Dao nói:

- Cháu không định thi, nhưng nước lên đẩy thuyền, không có nước thì thuyền cũng chẳng làm gì.

Ông đạo diễn nói:

- Dao Dao, cô được học hành, nên hiểu giải phóng phụ nữ là thế nào, phải có lý tưởng, thi hoa hậu chẳng qua là trò chơi đàn bà con gái của các bậc quyền quý, sao có thể gọi là nhờ nước đẩy thuyền được?

Kỳ Dao nói:

- Cháu lại nghĩ khác, thi Hoa hậu Thượng Hải là tiêu chí giải phóng phụ nữ, là trao địa vị xã hội cho phụ nữ, nếu nói là trò chơi cho các bậc quyền quý thì không đúng, bởi có cả con gái nhà quyền quý cùng thi, lẽ nào họ để con cái họ như vậy?

Ông đạo diễn nói:

- Đúng thế, thi hoa hậu thực sự để cho các cô con nhà quyền quý, “Hoa hậu Thượng Hải” là tặng phẩm sinh nhật của các cô và tình nhân, người khác chỉ làm nền, là trò chơi trong các trò chơi.

Mặt Kỳ Dao biến sắc khi nghe thấy thế, cô cười nhạt, nói:

- Cháu không nghĩ như vậy, ở nhà là con gái, ra ngoài cũng là con gái, tại sao họ được mà cháu lại không, nếu nói như chú, cháu có muốn rút lui cũng không xong, đành phải đua đến cùng.

Thấy Kỳ Dao cứng rắn và đầy đủ lý lẽ, bất giác nhà đạo diễn cũng lúng túng, không biết nói gì hơn. Ông đạo diễn quanh co ấp úng nào là nam nữ bình đẳng, phụ nữ độc lập chỉ là câu chuyện để mọi người bàn tán, nói đặc giọng văn chương nghe như lời trong phim; ông còn nói nào là hy vọng và lý tưởng của thanh niên phải lấy sự hưng vong của đất nước làm nghĩa vụ, tương lai tiền đồ của Trung Quốc rất mờ mịt, bị người Mỹ hạ nhục, nội chiến sắp bùng nổ... Vẫn là giọng văn chương, là lời của điện ảnh phái tả. Kỳ Dao im lặng để mặc nhà đạo diễn kia nói. Chờ cho ông ta nói xong một thôi dài Kỳ Dao đứng dậy cáo từ ra về. Ông đạo diễn không kịp trở tay cũng đứng dậy, định nói gì đó nhưng Kỳ Dao nói trước:

- Chú ạ, thật ra việc cháu dự thi hoa hậu chú cũng có phần, nếu hồi nọ chú không bảo anh Trình chụp ảnh cho cháu rồi đăng lên tạp chí Đời sống Thượng Hải thì sự việc đâu có như thế này. Cháu dự thi hoa hậu cũng là do anh Trình gợi ý đấy. Nói xong cô cười châm biếm, cái cười đã kích thích ông đạo diễn, khiến ông linh cảm điều gì rồi nói:

- Dao Dao, à quên, cô Dao ạ, Vương miện “Hoa hậu Thượng Hải” như đám mây trôi, ngắm nhìn thì đẹp đấy, nhưng chỉ trong nháy mắt, kỳ thật nó chỉ là mây khói trôi nổi, không để lại cảnh đẹp nào, như múc nước bằng rổ thưa, nó làm mê mẩn cặp mắt của cô, nhưng khi cô mở mắt ra thì không còn gì. Tôi ở xưởng phim bao nhiêu năm đã thấy nhiều vinh quang, chỉ là đám mây của một trận mưa rào, là gió cấp 12, cuối cùng chỉ là tấm phim trong suốt đảo ngược trắng đen, cần nhiều hư vô có nhiều hư vô, điều ấy được gọi là hư vinh... 

Kỳ Dao không nghe ông đạo diễn nói hết, cô quay đi để ông ta đứng lại nói một mình. Dưới nhà có tiệc cưới của ai đó, pháo nổ, tiếng pháo át tiếng ông đạo diễn. Với sứ mệnh lịch sử ông đạo diễn đến thuyết phục Kỳ Dao rút khỏi cuộc thi hoa hậu, phê phán và đả kích cuộc thi Hoa hậu Thượng Hải. Giới điện ảnh năm 1946 là giới tiến bộ của Thượng Hải, lực lượng cách mạng đã có xu thế mạnh mẽ. Những lời thuyết giáo về giải phóng phụ nữ, thanh niên tiến bộ, tiêu diệt hủ bại... nhà đạo diễn đã đọc được trong sách lý luận; còn những lời tiếp theo được rút ra từ kinh nghiệm của bản thân, chứa đựng sự trải nghiệm của đời người, trải nghiệm ấy là cái giá của nỗi đau và tình yêu chí cốt, có thể coi là lời tâm can thẳng thắn. Nhà đạo diễn đứng nhìn Kỳ Dao đi xa dần, không quay đầu lại, tỏ ra kiên định, càng cảm thấy tương lai của Kỳ Dao thật mông lung mịt mù, muốn giúp cũng không xong. Tiếng pháo cưới kéo dài, ánh đèn xanh đỏ tím vàng in trên kính cửa sổ. Đêm của thành phố này có cả âm thanh và màu sắc!

11  á hậu

Kỳ Dao coi lời nhà đạo diễn như gió thoảng ngoài tai, nhưng với Bội Trân cô lại có cảm giác không còn gặp lại. Với ý nghĩa nào đó thì không còn gặp lại, mà phải nhanh chóng làm rõ tương lai để bồi hoàn cái giá phải trả. Vào lúc này cái giá phải trả cũng chưa biết, tương lai cũng chưa biết, nhưng Kỳ Dao lại rất yên lòng. Cô là con người nghĩ ít làm nhiều, nhưng bị ảnh hưởng của cảnh ngộ, buồn phiền, cảm thương đều là vật thừa vô dụng, như thêm vào gánh nặng. Kỳ Dao thuộc loại người có chí tiến thủ nên đã loại được chúng. Vượt qua vòng hai để vào chung kết là điều đã lường trước, cô không mấy bất ngờ vui mừng, tưởng đâu mình đủ tư cách vào chung kết chứ không phải ai cho mình. Cô không tin vào kỳ tích mà chỉ tin chính mình. Mỗi cô gái vào vòng chung kết đều cho đó là điều tất nhiên. Các vòng đua tranh đã loại bỏ tâm lý may mắn, còn lại chỉ là chuyện mưu sự tại nhân, thành sự tại nhân. Đây cũng là điều khác giữa hoa hậu Thượng Hải và hoa hậu các nơi, họ nắm quyền chủ động trong tay, tin ở chính mình. Thật ra vào đến vòng chung kết cũng đã thành công một nửa, là một nửa danh nhân. Nhiều cửa hiệu may lâu đời, nhà may nổi tiếng đến may áo quần miễn phí cho Kỳ Dao. Cùng với việc công bố danh sách những người vào chung kết cũng đồng thời công bố thể lệ ba vòng trình diễn: thứ nhất, xường xám dân tộc, thứ hai, âu phục và thứ ba áo cưới. Mặc áo cưới trông cô nào cũng như sắp đi lấy chồng, thế là trong dư luận ồn lên các cô người đẹp này đều là hoa đã có người hái, đã có nơi có chốn cả rồi. Trước ngày chung kết, nhà Lệ Lợi đóng cửa không tiếp khách, ngoại trừ Trình, anh là liên lạc giữa gia đình và bên ngoài. Bởi vậy, mọi người ngồi nhà nhưng chuyện gì trong thiên hạ cũng biết.

Kỳ Dao và mẹ con Lệ Lợi thêm Trình, bốn người bàn bạc với nhau về trang phục của ba vòng trình diễn chung kết. Trình cho rằng trình diễn áo cưới chiếm vị trí quan trọng được mọi người chú ý, có kiến thức thật sự. Bởi trang phục áo cưới phần lớn giống nhau, ảnh các cô dâu bày trong tủ kính hiệu ảnh trông cô nào cũng giống cô nào, thường quá. Nhưng áo cưới thì trong trắng cao quý, nhất trong các loại trang phục, trang nhã sẽ là tinh hoa của áo cưới thì lần trình diễn này có ý nghĩa lửa thử vàng. Nghe Trình nói chuyện cả ba người cùng ngây ra. Anh hiểu, trang phục của cô gái này ai khoác lên cũng sẽ nghĩ đến anh. Anh nói tiếp:

- Đối với áo cưới tuy không biết bắt đầu từ đâu nhưng không phải tất cả đều bó tay, có hai điểm có thể làm: thứ nhất, lợi dụng sự so sánh, các vòng trình diễn thứ nhất và thứ hai sẽ mở đường, làm nền cho vòng trình diễn thứ ba. áo cưới trắng, trước đó phải rực rỡ; áo cưới thuần khiết trinh bạch thì trước đó phải tươi đẹp; áo cưới giống như tiên cảnh thì trước đó phải có cảm giác ấm lạnh nhân gian, cái trước phải có tiếng vang và sau đó là hồi âm; điểm thứ hai, Kỳ Dao mặc loại áo cưới đơn giản nhất, thường thấy nhất, loại vẫn thấy ở ảnh các cô dâu được bày trong tủ kính hiệu ảnh, ra gần cuối, khoảng cách càng xa càng tốt, hiệu quả càng mạnh mẽ, cái khó là hai bộ trước có cách nào để tỏ ra ồn ào, điều này phải nghe ý kiến phụ nữ.    

Ba người chẳng ai dám có ý kiến gì, chỉ thấy xấu hổ bởi những điều lẽ ra phụ nữ phải biết rõ lại để cho con trai nói. Kỳ Dao đưa ra ý kiến của mình, bảo được Trình gợi ý, cô quyết định mặc màu đỏ và màu xanh lá cây để làm nổi bật màu trắng. Trình biết Kỳ Dao hiểu ý mình nhưng còn chưa đồng ý với sắc độ hai màu đỏ và xanh lá cây, anh nói:

- Đỏ và xanh lá cây là các màu đẹp, thế nhưng phải xem trong trường hợp nào, cái đẹp của Kỳ Dao là cái đẹp kín đáo, phải bình tĩnh và kỹ càng ngắm nhìn, mà màu đỏ và xanh lá cây là các màu mạnh, không chấp nhận những suy nghĩ sâu sắc, ánh mắt người ta phải làm việc gấp gáp; màu sắc mạnh quá cũng dễ hỏng việc, dễ che mất nét duyên dáng của Kỳ Dao, có thể làm tan biến những nét đẹp thanh tao, màu sắc mạnh cũng chưa đến cực điểm, nếu giảm bớt sắc độ, khiêm tốn hơn thì có thể hài hoà với con người Kỳ Dao, bên hô bên ứng, cùng dìu nhau, hỗ trợ cho nhau, có lẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Trình đề nghị nên là màu phấn hồng cùng với vẻ nhu mì đáng yêu của Kỳ Dao sẽ tạo nên sự mềm mại về màu sắc; phải là màu xanh vỏ táo, tuy có chút quê, nếu xanh Tây cũng sẽ bị lấn át, màu xanh vỏ táo cùng với nét trẻ trung của Kỳ Dao sẽ tạo nên sự sinh động của màu sắc. Ba người nghe không còn nói thêm được gì hơn. Vậy là màu sắc của ba vòng trình diễn đã được xác định.

Hồi này trong xã hội đang lan truyền dư luận ba danh hiệu Hoa hậu Thượng Hải đã ngã giá, thứ nhất là thục nữ của một ông chủ lớn, thứ hai là nhân tình của một vị yếu nhân trong giới quân đội, thứ ba là một tiểu thư của giới xã giao. Tuy là tin đồn nhưng các tờ báo lá cải đều đăng những tiểu phẩm châm biếm, nói bình chọn Hoa hậu Thượng Hải thành ra cuộc bình chọn “Phu nhân Thượng Hải”. Lại có tờ báo đăng bài giải thích danh hiệu hài hước “Phu nhân Thượng Hải” thành mọi người đều có thể có chồng. Bài thứ ba đính chính những tin đồn, nói bình tuyển hoa hậu theo cách bỏ phiếu, không thể bỏ tiền ra mua được. Bài thứ tư bác lại bài đính chính tin đồn: mua ấy là mua phiếu, chức tước trong chính phủ dân quốc, danh hiệu Nghĩa sĩ dân tộc chống Nhật còn mua được, vậy Hoa hậu Thượng Hải có là gì mà không mua được? Chuyện này ám chỉ một quan chức ở Trùng Khánh nhận hối lộ. Các báo nói đủ thứ chuyện, tung hoả mù, đưa chuyện giật gân về vòng chung kết, khiến không khí của vòng này thêm căng thẳng.

Trình ra vào nhà Lệ Lợi nhiều hơn, sáng đến tối về, không khí như sắp lâm trận. Thợ may ở liền trong nhà, cơm bưng nước rót như khách quý, lại như người làm công, thuê hẳn mấy tay thợ giỏi. Tất nhiên Trình là người dẫn đầu, Lệ Lợi cũng trong số đó. Còn Kỳ Dao thì tỉ mỉ, không được phép sai một ly. Kỳ Dao tỏ ra kỹ tính, trong lòng ấm ức khó chịu, lẽ nào đây lại là cuộc sống của mình? Mọi suy tư nhỏ nhất, trong tận cùng ngóc ngách đều được tận dụng. Kỳ Dao biết tay nghề của những người thợ may này không ai bằng, nhưng lại cố ý vạch lá tìm sâu, nhìn người thợ may bối rối, điều mình khó chịu chẳng những không giảm mà còn gia tăng vì sự khó xử của người khác. Hoa thêu trên gấm của tấm áo dài màu phấn hồng khiến lòng Kỳ Dao ấm lên, đường kim mũi chỉ là niềm hy vọng của cô, những đường viền cũng là mong muốn, nhìn vào phải rơi nước mắt, dù việc không thành cũng chẳng thể trách. Chiếc váy kiểu Âu màu xanh táo trông dáng tự nhiên, loại hàng cashmere đằm màu, làm vững lòng. áo cưới trắng với những cảm xúc khác nhau, có ngàn vạn lời nhưng không thể diễn tả nổi, thật ra ai cũng biết, trời biết và đất cũng biết, là điều dễ hiểu trong mọi điều dễ hiểu. Những áo quần này sẽ cùng Kỳ Dao đi lên, là bạn của Kỳ Dao trong cô đơn. Kỳ Dao và những thứ đó thân thiết như thịt da, như lòng sát lòng. Điều này cũng khiến cho có người bối rối, nước đến chân không ai có thể giúp đỡ, bỏ mặc một mình cô. Sát ngày chung kết, ở nhờ nhà người cũng làm cho Kỳ Dao khó nghĩ, báo chí đưa tin vịt càng làm cô khó nghĩ, lòng tốt của mẹ con Lệ Lợi và cả Trình khiến cô thêm khó nghĩ. Kỳ Dao cứ phải nín nhịn, bề ngoài vẫn bình thường, không ai trông thấy, vẫn bận rộn và hồi hộp, khó tránh khỏi bối rối, Kỳ Dao cố trấn tĩnh trong sự bấn loạn. Những chuyện trên báo lá cải, màu hồng và xanh non của trang phục, những nỗi niềm trong lòng, ngày chung kết đến gần, tất cả từng phút từng giây đến gần.

Phương thức bỏ phiếu cũng là nét bút đẹp, rất phong lưu tài tử. Phía trước sân khấu là một dãy những lẵng hoa có ghi danh thơm người đẹp, người bầu thích ai thì bỏ một bông cẩm chướng vào lẵng hoa có tên người đó. Cẩm chướng đỏ và trắng được để ở ngay tiền sảnh, một trăm đồng một bông, tiền bán hoa thu được sẽ để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở tỉnh Hà Nam. Tất cả cẩm chướng của thành phố cơ hồ được dồn về trước vườn hoa Rừng Tiên Mới, cẩm chướng như một vũ trường. Đỏ và trắng đều là màu tình cảm, hương thơm của hoa càng tình cảm hơn. Đêm nay những vì sao trên trời cũng biến thành cẩm chướng và cũng đang rải hương thơm xuống trần gian. Đèn hôm nay ơi! Thật tuyệt vời, đèn đang thổ lộ nỗi lòng, lòng người dập dềnh không sao nói ra được. Những cây ngô đồng dưới ánh đèn cũng có nỗi niềm nhưng không nói ra. Đội cổ động ngựa xe rầm rập qua lại không ngớt, không cho con người ngơi nghỉ. Thành phố náo nhiệt vô cùng, không biết sự đời, không biết buồn, lập chí phải tận hưởng mọi thú vui ở đời. Đèn trước cửa vườn hoa Rừng Tiên Mới toả mù, cẩm chướng cũng toả mù, chầm chậm lan toả, tụ thành đám mây, đèn của các tay nhiếp ảnh loe loé như chớp giật lúc trời sắp mưa. Xe của các tiểu thư đã đến, từng chiếc một, lúc bước ra khỏi xe là lúc đẹp nhất. Mắt không kịp nhìn, tiếng reo vui dội lên như sóng trào. Lúc này, như một trận mưa ngũ sắc, bay tung, quấn lấy mọi người, các cô sợ hãi vội nhìn rồi đi thật nhanh. Trước cửa Rừng Tiên Mới người đông lố nhố, tự nguyện làm diễn viên chạy cờ, tôn bầu không khí. Bên trong là một dãy dài những người bán cẩm chướng, cẩm chướng hái đi rồi lại như tự nở, bán mãi vẫn không thấy vợi, chỉ trong nháy mắt tay mỗi người đều cầm một bó, trong nhà vẫn là một vũ trường cẩm chướng, tối nay như dạ hội cẩm chướng vậy. Là ngày cẩm chướng dồn tụ, tung nở rực rỡ, vô cùng kiều diễm. Một cảnh đẹp tuyệt vời! Dư âm phồn hoa mãi bốn chục năm sau vẫn còn đó, giấc mộng bốn mươi năm.

Buổi chung kết có múa hát, nhiều tiết mục hát, múa và kinh kịch làm lời dẫn xen kẽ giữa những màn trình diễn của các cô. Trong không khí náo nhiệt của hát, múa và kinh kịch, các cô dự thi sẽ ra trình diễn trong im lặng để giữ cho nghiêm túc, để tất cả tập trung chú ý, không bị sơ suất. Sau mỗi màn ca múa, cũng chọn hoa hậu hát, hoa hậu múa, hoa hậu kinh kịch để mở đầu cho các thí sinh dự thi hoa hậu trình diễn, là Hoàng hậu của Hoàng hậu. Vinh quang đang chờ họ, vinh quang của đất trời được quyết định, lúc này là thời khắc nào? Những lẵng hoa trước sân khấu bắt đầu có hoa, một bông hai bông, ba bông bốn bông, thành tâm thành ý, hết lòng hết dạ. Hoa trong làn tô điểm cho Kỳ Dao từ lúc nào không biết. Những bông cẩm chướng đỏ và trắng làm tôn màu hồng và xanh vỏ táo của cô, bằng không hai màu kia không đủ sức nặng, tưởng như sắp bay đi, toả rộng, hai màu đỏ và trắng giữ chúng lại. Giữa hai màu đỏ và trắng Kỳ Dao như nhị hoa, dịu dàng đáng yêu vô cùng. Trên sàn diễn Kỳ Dao không phải là tiêu điểm thu hút ánh mắt, cô không chạy theo giành giật mạnh mẽ, mà là từng giọt, từng ít một, như góp nhặt từng bông thóc trên cánh đồng sau mùa gặt, có lời tốt đẹp bàn bạc cân nhắc, cô như tỉ tê tâm sự, tranh thủ sự đồng tình của mọi người. Trong làn của Kỳ Dao cũng có hoa, hoa không như mưa như gió, mà từng bông từng bông liên tiếp, dòng nhỏ chảy lâu, cuối cùng cũng đầy một làn. Kỳ Dao không phải là cô gái đẹp nhất, chói lọi nhất trên sàn diễn mà là người có duyên nhất, ba vòng trình diễn như dành suy tư cho Kỳ Dao, cho Kỳ Dao thời gian để nhận biết và ghi vào lòng. Kỳ Dao trình diễn lần sau kết quả hơn lần trước, hy vọng đoạt giải trọn vẹn trong lần trình diễn cuối cùng.

Bắt đầu trình diễn áo cưới trắng, màu trắng của cẩm chướng lùi về làm nền, màu đỏ sống động ánh lên tấm áo cưới trắng tinh. Kỳ Dao không là Hoàng hậu của Thượng Hải mà trước hết là Hoàng hậu của hoa cẩm chướng. áo cưới của Vương Kỳ Dao đơn giản nhất, phổ thông nhất, nhường bước cho những tấm áo cưới tân kỳ diêm dúa khác. Những người khác là biểu diễn áo cưới, là người mẫu của áo cưới, chỉ có Kỳ Dao là cô dâu. Lần trình diễn này trên sàn diễn ngập tơ lụa gấm vóc, chỉ có một người có máu có thịt, đó là Kỳ Dao. Cô vừa đáng yêu, vừa e lệ, thoáng vẻ oán trách khi xuất giá. Đây là màn trình diễn cuối cùng, mọi sự tranh thủ đã hết, hy vọng cũng đã hết, tất cả, tất cả chú ý và cố gắng đều chấm dứt. Giây phút huy hoàng này thoáng nỗi đau hoài niệm, có thể trông thấy ngày mai hoa rơi nước chảy. Vương Kỳ Dao khoác lên mình tấm áo cưới thân thiết tâm tình, áo cưới và cô có ý nghĩa cuối cùng, chút vui, chút buồn, thêm chút u uẩn. Bộ đồ trình diễn dường như dành riêng cho Kỳ Dao, tưởng như hiểu lòng cô. Kỳ Dao mặc áo cưới có cảm giác bi kịch, bồi hồi giã biệt, đây không phải là người đẹp đơn thuần, mà là con người trong hoàn cảnh. Những bông hoa bỏ vào làn của Kỳ Dao như những giọt mưa, Kỳ Dao không kịp nhìn, mắt cô hoa lên, lòng rối bời, cô như bị cô lập không người cứu viện, như bó tay chờ chết, muốn cố gắng cũng không biết theo hướng nào, chỉ còn tấm áo cưới trên mình là chỗ dựa của cuộc đời. Kỳ Dao như muốn bật khóc bởi không biết số phận ra sao. Cô nghĩ đến lần ở xưởng phim, trước giây bấm máy cũng tâm trạng này, thậm chí cả trang phục cũng như thế, cũng là áo cưới, hôm ấy là áo cưới đỏ, hôm nay là áo cưới trắng, dự báo điều gì? Lẽ nào mặc áo cưới sẽ là trống rỗng, áo cưới kỳ thực là áo tang! Kỳ Dao đã nản lòng, nước mắt đang tràn bờ mi. Vào giây phút cuối, trong hội trường như một trận mưa hoa, không nhìn rõ ai bỏ cho ai, cũng có thể bỏ nhầm vào làn khác. Đó là đỉnh cao, tiếp theo là kết quả thắng thua, vui buồn lẫn lộn. Tất cả các cô đều trầm lặng, hồi hộp chờ đợi. Cơn mưa hoa đã dứt, nhạc đã ngừng, ngay cả nhịp tim cũng thôi đập, là giây phút bừng tỉnh của giấc mơ.

Im lặng quá, im lặng có thể nghe được tiếng mõ rao bán cháo đường ở ngoài phố, đó là sợi khói nhân gian trong khung cảnh kỳ ảo. Lòng người chìm lắng, gợn lên chút bụi trần. Có cánh hoa mỏng manh không nơi trở về đang nhảy múa dưới ánh đèn khiến lòng buồn thương. Tiếng chuông ẩn hiện như số phận, giống như tiệc vui đến lúc tàn. Phút giây này tĩnh lặng không còn tĩnh lặng hơn, nghe rõ cả tiếng váy áo xột xoạt, tiếng lòng nén chặt. Đây là phút tĩnh lặng nhất, nơi tĩnh lặng nhất của thành phố không đêm, mọi tĩnh lặng đều ngưng đọng tại một điểm, được sức lực nắm giữ, ngăn cấm mọi âm thanh của vạn vật. Hoa cẩm chướng trong phòng, trong mỗi làn đều đã nở hết mức cũng ngăn lại mọi âm thanh. Đèn trên cao phủ chụp tất cả; phía dưới sân khấu tối như vực không đáy. Mọi chao đảo của thành phố đã đến cực điểm, tĩnh lặng cũng đến cực điểm. Mắt nhìn tĩnh lặng cũng đã đến tận cùng, sắp có những xao động mới. Tim đã nhảy ra đến ven bờ, dây cung căng đến mức sắp đứt. Bỗng tiếng vỗ tay vang lên như sấm, đèn bừng sáng, sáng cả phía dưới sân khấu. Đã chọn được Hoa hậu, đầu đội vương miện lóng lánh vàng, chói ngời, áp đảo cái đẹp cao quý của mọi người con gái.  Những sợi vàng sợi bạc quấn lấy mái tóc, Hoa hậu của trời, đẹp nhất thế gian không còn nghi ngờ. Vương miện là dành cho cô, không thể cho ai khác, lẵng hoa của cô tưởng như lớn hơn, đã biết trước, những cành hoa tràn cả ra ngoài, chứa không hết. á hậu thì đẹp lẳng lơ, rất thích hợp với á miện. Trong làn hoa trắng nhiều, hoa đỏ ít như chỉ để dành cho á hậu. Mắt cô chao đảo, đung đưa gợi tình, như ngàn vạn điều lẳng lơ trong một con người, là linh vật trần gian. Tiếng vỗ tay kéo dài, ánh đèn lại bừng sáng soi tỏ mọi góc. Sắp đến lúc màn hạ người về, rồi đêm nay là đêm nay của mọi người, sáng mai cũng là sáng mai của mọi người. Giữa lúc này, Kỳ Dao chợt nhận thấy có một bàn tay dắt cô ra giữa sân khấu, một vòng hoa đặt lên đầu cô, bên tai cô chỉ còn tiếng vỗ tay, không còn nghe nói gì. Vương miện của hoa hậu, á miện cho á hậu thứ nhất làm loá mắt Kỳ Dao không còn nhìn thấy gì. Kỳ Dao đứng ngây ra, rồi cô được đưa đến bên Hoa hậu, cô định thần nhìn vào lẵng hoa của mình, trong làn cẩm chướng đỏ trắng mỗi thứ một nửa, cũng chất thành đống, đó là mùa xuân hoa nở, mùa thu gặt hái.

Kỳ Dao được xếp thứ ba, thường gọi là á hậu thứ hai. Đó cũng là tên gọi dành cho Kỳ Dao. Nhan sắc và tình cảm của Kỳ Dao không đủ để giành danh hiệu Hoa hậu nhưng đủ để hưởng dụng, phù hợp với danh hiệu á hậu thứ hai. Danh hiệu á hậu thứ hai không thể thiếu được, Kỳ Dao là để đối nội, cho hậu phương, là bên trong của huy hoàng, tuyệt nhiên không thua kém về nội tâm. Có thể nói, cô thật sự đại diện cho tuyệt đại đa số, đa số im lặng, nhưng là nguyên tố cơ bản nhất cho sắc tình của thành phố phong lưu này. Trên đường toàn là á hậu thứ hai. Hoa hậu và á hậu thứ nhất là bề ngoài, là phụ trách sự vụ ngoại giao của các cô gái, chúng ta hiếm khi thấy họ, ngoại trừ những đại hội. Họ là một bộ phận của những đại hội. Nhưng còn á hậu thứ hai là cảnh sắc thường ngày, là những bức hoạ quen mắt, quen lòng, làm trái tim ấm lên khi nhìn những tấm xường xám của họ. á hậu thứ hai thể hiện ý dân nhất. Hoa hậu và á hậu thứ nhất là thần tượng, là lý tưởng và tín ngưỡng, á hậu thứ hai lại liên quan chặt chẽ đến đời thường, khiến chúng ta nghĩ đến những nhân vật mang khái niệm hôn nhân, cuộc sống, gia đình.

Hết chương 2. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26169


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận