Trình
Trình học chuyên ngành đường sắt nhưng rất thích chụp ảnh. Ban ngày anh làm việc cho một sở Tây, buổi tối về hoặc chụp, hoặc tráng phim, in ảnh. Anh rất thích chụp ảnh các cô gái, cho rằng các cô gái là bức tranh đẹp nhất thế gian. Anh chịu khó nghiên cứu về con gái, cho rằng thời kỳ đẹp nhất của con gái là ở độ tuổi mười sáu đến hai mươi ba, đó là thời kỳ đẹp mềm mại và chín nhất. Tiền lương viên chức của Trình đều dành cho chụp ảnh, ngoài ra anh chẳng hứng thú gì, ngay cả bạn gái cũng không. Trình chưa có ý trung nhân, ý trung nhân của anh trong ống kính dưới ánh đèn thủy ngân, tất cả đều đảo ngược. ý trung nhân còn trong thuốc hiện hình nơi buồng tối được phủ ánh đèn đỏ, nét phù dung trong nước, in hình lên giấy. Niềm vui của Trình là được thấy nhiều người đẹp. Những người đẹp đều cách ngăn bằng ống kính mà anh yêu thích, buộc anh phải lùi về chỗ của mình. Hình như Trình chưa bao giờ nghĩ đến lấy vợ. Bố mẹ ở Hàng Châu có lần viết thư nhắc chuyện vợ con, anh xem thư rồi cũng nhanh chóng quên đi, chưa bao giờ để tâm. Tất cả tình cảm đều dồn cho chụp ảnh. Một mình Trình cứ cặm cụi trong phòng chụp rồi tự nhiên thấy yêu thích. Mỗi một dụng cụ chụp ảnh như có chuyện nói với anh, biết đau và biết ấm lòng.
Những năm bốn mươi, chụp ảnh còn là một trò chơi thời thượng, dĩ nhiên Trình là một thanh niên thời thượng, nhưng là một thanh niên già hai mươi sáu tuổi. Hồi còn trẻ hơn, Trình rất thích những thú chơi thời thượng, ở Thượng Hải rộ lên trò chơi gì anh đều thử cả. Anh đã từng thích máy hát, thích quần vợt, cũng đã thích phim Hollywood, như những thanh niên khác, ham những điều lạ để thay đổi suy nghĩ của mình, thích mới nới cũ. Thế nhưng từ sau khi thích máy ảnh, Trình bỏ tất cả mọi thứ, thề lập chí với nghề. Đúng là vì thời thượng mà bị máy ảnh thu hút, mà một khi bị thu hút anh không còn chạy theo thời thượng nữa. Anh mê máy ảnh như mê ý trung nhân, bỗng phát hiện ra trước kia là sai lầm, vô vị, lãng phí. Trình không còn là một thanh niên đua đòi thời thượng nữa, và cũng dần dần qua cái tuổi đua đòi, những cái tân kỳ không còn hấp dẫn, anh cần một chút yêu thật sự. Lòng Trình cũng không còn phiêu bồng mà nhận ra sự trống rỗng và phù phiếm cần phải được lấp đầy, neo đậu, nhiếp ảnh là việc anh yêu. Tuy vậy, nhìn bề ngoài, Trình vẫn rất thời thượng, tóc chải rẽ giữa, đeo kính gọng vàng, diện com-lê, giày bóng lộn, thạo tiếng Anh, kể vanh vách tên các minh tinh Hollywood, thế nhưng không còn trái tim thời thượng nữa. Điều này khiến các cô gái thời thượng chạy theo Trình cũng không hiểu nổi, đó là nguyên nhân làm các cô thất vọng.
Thật ra Trình cũng rất đáng được theo đuổi. Anh là đối tượng của các cô gái lãng mạn trong độ tuổi hôn nhân và sự chú ý của cha mẹ các cô, anh có nghề nghiệp tử tế và đồng lương không đến nỗi nào, lại có niềm say mê hứng thú. Thật đáng tiếc, khi các cô ngồi trước ống kính, ánh mắt đưa tình, nhưng chỉ nhìn vào máy, lạnh lùng, không tình cảm. Không phải Trình không hiểu, nhưng chỉ vì không hứng thú. Trong mắt anh, những cô gái đến phòng chụp đều là người giả, không thật, mỗi nụ cười đều hướng về máy ảnh, không liên quan gì đến Trình. Không phải Trình không biết thưởng thức nét đẹp của các cô gái, thế nhưng nét đẹp ấy không liên quan gì đến anh. Người hai mươi sáu tuổi dễ gì chấp nhận mọi thứ, không như tuổi mười bảy, cái gì cũng vơ lấy được, cho dù ngày mai bị lột trần cũng không tiếc. Trái tim hai mươi sáu tuổi đã bắt đầu có vỏ cứng, vỏ có kẽ hở, đến năm ba mươi sáu tuổi thì kẽ hở cũng không còn. Ai có thể lọt vào kẽ hở trái tim Trình? Cuối cùng có một người, đó là Vương Kỳ Dao. Buổi sáng chủ nhật ấy, Kỳ Dao vào phòng chụp của Trình, thoạt đầu cũng không có gì đáng chú ý lắm, bởi hơi tối, nhưng là bóng tối dịu dàng, có thể không đáng chú ý nên Trình không đề phòng, có gì đó buồn lắng. Đầu tiên anh chưa phấn khởi, cảm thấy Kỳ Dao chỉ là một trong số đông trên đường phố, không có linh cảm thức tỉnh không khí sáng tạo. Thế nhưng mỗi lần anh chụp xong một kiểu thấy như vừa phát hiện điều gì mới dành cho kiểu ảnh tiếp theo, vậy là anh chụp hết kiểu nọ đến kiểu kia. Với Trình, điều đó chỉ có ý nghĩa dư vị. Chợt Trình cảm thấy điều đáng tiếc nhất của chụp ảnh là chỉ lưu lại hình ảnh nơi chốn hiện thời, “dư vị” thì bất lực. Anh cũng nhận ra rằng, mình hiểu về cái đẹp còn hạn chế. Khi Kỳ Dao ra về, anh không kìm giữ nổi phải đẩy cửa ra nhìn theo, vừa lúc cô vào thang máy, chỉ kịp thấy bóng dáng Kỳ Dao trong thang máy, thật sự mông lung. Chiều hôm ấy Trình tráng phim, in ảnh Kỳ Dao quên cả thời gian, chuông đồng hồ trên tòa nhà Hải quan cũng không thức tỉnh được anh. Với cái nóng lòng của người mới biết chụp ảnh, chờ cho khuôn mặt Kỳ Dao rõ dần trong thuốc hiện hình, nhưng bây giờ anh nóng lòng ở kỹ thuật chụp, nóng lòng vì một người. ảnh hiện dần trên giấy, từ nhạt đến đậm, tưởng đâu Kỳ Dao đang đi đến với mình, chợt nhói lòng.
Kỳ Dao đến chia sẻ nỗi lòng với Trình. Kỳ Dao không những là cô gái thống trị máy ảnh của Trình, là người có ý nghĩa ngoài ống kính máy ảnh, phải có thủ pháp khác để nắm bắt. Trình không muốn nắm bắt điều gì, chỉ thấy trong lòng đang thiếu vắng trống trải, cần phải kiếm tìm. Anh muốn làm một việc nào đó, là sự giành giật mù quáng, nguyên nhân và kết quả không rõ ràng. Anh gửi ảnh Vương Kỳ Dao cho tạp chí Đời sống Thượng Hải không nghĩ toà soạn sẽ đăng, anh nóng lòng gọi điện cho Kỳ Dao biết. Như để báo công. Khi anh thấy số báo có đăng ảnh Kỳ Dao trên các sạp báo và trong hiệu sách, được mọi người cầm lên đọc, chợt không có cảm giác gì, tìm không thấy, như vừa đánh mất. Đó là tấm ảnh Trình thích nhất, lúc này lại không thích nữa. Anh chỉ một lần đi qua tủ kính hiệu ảnh trưng bày ảnh Kỳ Dao, đi vào buổi tối. Người xe thưa thớt, ánh sáng tàn tạ, buổi chiếu phim thứ tư đã tan. Anh đứng trước tủ ảnh, con người trong kia vừa gần vừa xa, một cảm giác không diễn tả nổi. Bóng Trình phản chiếu trên tủ kính, khuôn mặt buồn dưới vành mũ. Hai tay anh cho vào túi quần, đứng trên đường phố sáng đèn, vắng vẻ, cảm thấy buồn tẻ. Trong thành phố không có đêm này cần phải náo nhiệt, nếu không sẽ buồn tẻ trong buồn tẻ. Sau đó, anh chụp ảnh cho Kỳ Dao hai lần nữa, cảm thấy rất rõ đây không phải là việc muốn làm, nhưng vấn đề là, ngoài chụp ảnh ra, Trình còn biết làm gì khác? Hai lần ấy cũng không tìm được những gì bù đắp hẫng hụt. Kỳ thực, với Kỳ Dao đối diện không phải là ống kính của Trình, mà là những cặp mắt của mọi người: hoặc cau mày hoặc cười tươi đều để chuẩn bị lên bìa báo hoặc vào trang trong, là vẫy gọi mọi người. Từ đấy, Trình không nói gì đến chuyện chụp ảnh nữa.
Trình muốn hẹn gặp, nhưng không làm sao nói ra được. Một lần, vé xem phim đã mua rồi, điện thoại cũng đã thông, nhưng khi Kỳ Dao cầm máy lại nói sang chuyện khác, hoàn toàn không liên quan gì đến xem phim. Tuy đã hai mươi sáu tuổi, Trình cũng quen nhiều người đẹp, nhưng chỉ là cách sông nhìn lửa cháy, thực ra không bằng năm mười sáu tuổi. Năm mười sáu tuổi ít ra còn dũng cảm, bây giờ thì dũng cảm không còn mà kinh nghiệm cũng không bao nhiêu, có thể nói hai bàn tay trắng. Phải chờ đến khi Kỳ Dao làm bạn với Lệ Lợi mới thực hiện được mong muốn gặp mặt. Chỉ khi gặp hai người, Trình mới có thể nói chuyện. Trình hẹn gặp, Kỳ Dao bằng lòng nhưng không biểu lộ trên nét mặt. Nhưng không phải là có cảm tình với Trình, mà chỉ để cân bằng với Lệ Lợi. Kỳ Dao kết bạn với Lệ Lợi, suốt ngày chỉ chơi với Lệ Lợi, không còn ai khác, Trình là người lấp chỗ trống. Hôm ấy, Trình mời hai người đi xem phim Mỹ nguyên bản. Anh đến trước đứng chờ ở của rạp chiếu phim Quốc Thái, hai cô học sinh từ xa đi tới, trong ánh nắng dưới cây ngô đồng trông rất thú vị. Bầu trời trong sáng lang thang mấy gợn mây, bóng đổ trên tường như tranh, động đấy, tĩnh đấy. Một người con trai hẹn gặp hai cô gái thật là kỳ diệu, trịnh trọng, trang nghiêm, e lệ, ngổn ngang tâm sự. Có những buổi chiều chỉ dành cho hẹn hò, nó vờ ấm áp, vờ ngây ngô, khờ khạo. Đó là những buổi chiều tưởng chừng ngây thơ nhưng rất hữu tình.
Lệ Lợi biết Trình nhưng đây là lần gặp đầu tiên, Kỳ Dao giới thiệu để hai người làm quen rồi cả ba cùng vào rạp xem phim. Kỳ Dao và Trình ngồi hai bên, Lệ Lợi ngồi giữa. Ngồi hai bên bao giờ cũng là những người có quan hệ, ngồi giữa tuy cạnh hai người, thực sự thì chẳng dính dáng gì, ngăn cách nhưng cũng là cầu nối. Kỳ Dao mời Trình ăn chà là, do Lệ Lợi đưa; Trình phiên dịch phụ đề trên phim cho Lệ Lợi, rồi Lệ Lợi chuyển cho Kỳ Dao. Trong lúc xem phim, tay Kỳ Dao nắm chặt lấy tay Lệ Lợi, như liên kết để cô lập Trình; Trình thì chia đôi ân cần cho mỗi người một nửa, đối xử như nhau. Lệ Lợi còn là bình phong che mắt. Trong rạp chiếu phim tối om, chỉ có luồng sáng phát ra từ cửa máy chiếu cứ chuyển động qua lại trên đầu, thật là một thế giới thần kỳ. Buổi chiều, rạp thường không kín chỗ, từng nhóm vài ba người, có gì đó như sốt ruột, tưởng đâu mỗi người một tâm tư. Tiếng nói trong phim cũng luẩn quẩn trên đầu, vang đến nhói tai. Ba người ngồi cụm lại tưởng như có điều gì đang đe doạ. Lệ Lợi có thể nghe được hơi thở của cả hai người, nhịp tim cũng gần trong gang tấc. Lệ Lợi không hiểu chuyện phim, chỉ làm nhiệm vụ chuyển lời cho hai người. Trình áp sát má Lệ Lợi để nói thật khẽ, tuy nói cho Kỳ Dao nhưng lại vào tai Lệ Lợi trước. Ra khỏi rạp cùng đi trên đường phố đầy nắng, trông Trình rõ ràng đã thay đổi. Họ đi uống cà phê, ba người ngồi như trên tàu hoả, hai cô gái ngồi bên nhau, Trình ngồi đối diện. Trình vẫn nói chuyện với Kỳ Dao nhưng mắt lại nhìn Lệ Lợi, Kỳ Dao vẫn im lặng để Lệ Lợi nói hộ. Cũng chẳng có chuyện gì hệ trọng, chỉ là chuyện phiếm, ai trả lời cũng thế. Dần dần Lệ Lợi cũng có chuyện để nói, nói nỗi niềm riêng tư. Rõ ràng Trình hỏi chuyện hai người, nhưng Lệ Lợi chỉ trả lời phần mình, Kỳ Dao vẫn im lặng, Trình bị sai cũng chẳng hề hấn gì. Cuối cùng hai người tâm sự với nhau tựa như bạn lâu năm, còn Kỳ Dao thì ngồi nhìn. Lòng Trình dồn cả cho Kỳ Dao, nhưng đáng tiếc không dám chia lời và cũng không dám đưa mắt nhìn. Lệ Lợi thì nói như nước chảy, nói toàn những chuyện trong tiểu thuyết, khiến Trình không nỡ nhìn đi chỗ khác, đành nhìn xuống, trông vào đáy ly cà-phê, đáy ly có bóng Kỳ Dao, vẫn im lặng. Lúc này Lệ Lợi mới thôi không nói nữa, mắt cũng nhìn xuống đáy ly cà-phê, đáy ly là bóng Trình, mắt nhìn xuống, không nói.
Từ đó Trình trở thành người trong các dạ hội của Lệ Lợi và Kỳ Dao, như vị thần hộ vệ lúc nào cũng theo sát phía sau, đi đến cùng, đưa về tận nhà. Trình có phẩn lơ là với việc chụp ảnh, máy ảnh phủ một lớp bụi mỏng, buồng tối bốc mùi ẩm ướt, anh vào, lòng trào lên nỗi thương cảm ngậm ngùi vô cớ. Niềm yêu thích của anh dường như đã đổi máu, lạnh đổi thành nóng, hư chuyển thành thực. Kỳ Dao là người nóng và thực. Trước kia Trình cũng là phần tử tích cực của các cuộc dạ hội, dạ hội bù đắp cho nhiều đêm cô đơn. Với dạ hội anh chưa đến độ chán ngấy, vẫn còn có thể tiếp tục một thời gian nữa, nhưng cái ngày chán ngấy cùng Kỳ Dao tham dự dạ hội đến sớm hơn. Dự dạ hội là để được gần Kỳ Dao, nhưng Kỳ Dao lại xa cách. Thật ra, trong dạ hội Kỳ Dao nói chuyện với anh nhiều hơn, cử chỉ cũng thân mật hơn, nhưng để tránh vướng bận, Trình trở nên ít nói, những điều nói ra miệng lại không phải của mình, là lời nói của mọi người. Tất cả những gì trong dạ hội đều thuộc sở hữu chung, cười mọi người cùng cười, náo nhiệt mọi người cùng náo nhiệt, mọi người cùng tụ tập và cùng giải tán. Dạ hội là nơi không có tự do cá nhân, dạ hội là nơi không có tâm tư riêng, Trình với tâm tư riêng đến dạ hội tất yếu phải thất vọng. Thế nhưng anh không thể không đến, dù Kỳ Dao chỉ là cái bóng thì anh vẫn theo đuổi; cái bóng ấy bị gió xua tan anh vẫn đến nơi bóng tan để kiếm tìm. Trong các buổi dạ hội, anh đứng ở góc tường, ly rượu trên tay, từ đầu đến cuối. Kỳ Dao phảng phất trong không gian, đợi anh đến, nhưng chẳng thấy gì. Đó là những buổi tối buồn, cảnh náo nhiệt bên mình như đang trào lộng, châm biếm anh, nhưng anh vẫn không thoái lui.
Trình trong dạ hội, dưới con mắt Lệ Lợi cũng trở thành cái bóng, là cái bóng phiêu diêu. Lệ Lợi muốn gọi anh về, nhưng rồi chỉ nói chuyện này chuyện nọ. Bên tai anh là sự yên tĩnh bất đắc dĩ, nỗi buồn được nhân lên. Nhưng tính tình anh hoà nhã, không bao giờ muốn làm mất lòng người khác, đành miễn cưỡng chịu đựng. Bởi mệt mỏi vì miễn cưỡng, nỗi buồn nhân lên gấp bội. Trông vẻ mặt rầu rĩ của Trình, Lệ Lợi muốn làm khuây khoả lòng anh. Không phải Lệ Lợi không thấy, mà không muốn thấy vẻ tiều tụy của Trình, cô nghĩ: Trình như một tảng băng, mình sẽ dùng trái tim cháy bỏng của mình để làm tan tảng băng đó. Những tiểu thuyết Lệ Lợi đã đọc nay đang giúp cô, dạy bảo cô dịu dàng, dạy bảo cô lời ăn tiếng nói, dạy cô biết phân tích tình huống, nhưng đáng tiếc cô sắm không đúng vai, lời thoại đầu tiên sai sẽ sai tất cả. Niềm tin sai, hy vọng cũng sai. Trình đến dạ hội là do cô sắp đặt, thế nào cũng xong, tuy linh hồn rời xa thể xác, chỉ còn vỏ bọc Lệ Lợi vẫn rất bằng lòng, vỏ vỡ, Lệ Lợi nhặt từng mảnh vỡ. Lệ Lợi đến các buổi dạ hội nói là vì Kỳ Dao, kỳ thực vì Trình, cô như người ngoài cuộc, đứng bên góc tường. Không phải Lệ Lợi muốn làm người ngoài cuộc, vì Trình cô không thể không làm người ngoài cuộc. Trình buồn, Lệ Lợi không thể không buồn, tất cả tấm lòng Lệ Lợi buồn theo. Đáng tiếc Trình không hề nhìn ra, chỉ một lòng với Kỳ Dao. Dạ hội hằng đêm chỉ có hai người ấy là thật, còn ngoài ra, tất cả đều đeo mặt nạ. Cũng chỉ có hai trái tim chân thật, còn những trái tim khác không thể coi là thật được. Đáng tiếc, hai trái tim ấy lại không đi một đường, càng chân thật càng không gặp nhau.
Gợi ý tham gia thi hoa hậu Thượng Hải là sự ân cần của Trình dâng hiến Kỳ Dao, Lệ Lợi nhiệt tình phụ hoạ, một nửa cho Kỳ Dao, một nửa cho Trình. Trong những ngày ấy Kỳ Dao thật khó xử, nhưng lại là thời gian tốt của Trình và Lệ Lợi. Cứ cách một ngày ba người lại gặp nhau, hễ gặp nhau là nói không hết chuyện. Cho đến hôm Kỳ Dao đến ở nhà Lệ Lợi thì Trình mới đến nhà, ngay cả bà mẹ Lệ Lợi cũng rất vui. Khách nhà Lệ Lợi nhiều lắm, lúc nào cũng ồn ào, nhưng có lúc lại rất lạnh lẽo thê lương. Trình là khách thường xuyên đã hoà trộn náo nhiệt và lạnh lùng, là sắc màu dịu dàng, tuy là khách nhưng lại mang không khí gia đình. Đàn ông nhà Lệ Lợi quanh năm vắng bóng, cậu con trai vị thành niên thì không quan tâm gì hết, Trình còn là người đưa ra những ý kiến giúp gia đình, dù không có ý kiến gì anh vẫn ngồi ở phòng khách, thì bản thân chính là sự cân nhắc. Những hôm thi, trái tim mê mẩn của Trình và Lệ Lợi được tạm thời giải thoát và chuyển dịch, tâm tình đều vui vẻ. Bởi cùng chung một mục tiêu, hai người có chung tiếng nói, Kỳ Dao lại không cùng địa vị, đành hát lời ngược lại, hát lời của trái tim uẩn khúc không thuận lòng, không thể không hát. Hai người kia đoàn kết nhất trí, càng muốn làm Kỳ Dao thích thú, càng đi ngược chiều Kỳ Dao. Ba người thành hai phái, một mình Kỳ Dao đối phó lại với hai người, trong lòng hiểu rằng cả hai đang giúp mình, đáng yêu và rộng mở, cần sự cam kết của cả hai để kiên định lòng tin. Bởi vậy, ba người hai phái nhưng chỉ một lòng, tấm lòng ấy có cả tình yêu không gặp nhau, có cả dụng ý đã sai để sai luôn thể.
Một người con trai hai cô gái là nhóm tình yêu thường thấy hồi 1946, bi kịch và hài kịch đều bắt đầu từ đây, chân lý và những điều đơm đặt cũng từ đây ra. Bóng cây nhảy múa trên mặt đường, hai cô gái cùng ngồi trên một xích lô, xe sau là một chàng trai, khởi nguồn câu chuyện là thế, chuyện sẽ lan đến đâu chẳng ai hay.
Gần đến ngày chung kết, Kỳ Dao thật sự mong muốn Trình đến chơi. Trong khi mọi chuyện chưa biết ra sao thì Trình là đáp số đã biết, tuy ít ỏi, âu cũng an tâm chút ít, là chỗ dựa trong lúc chênh vênh. Chỗ dựa nào của số phận, Kỳ Dao không nghĩ kỹ, mà cũng không nghĩ tới. Nhưng có thể Kỳ Dao cho rằng, nhân nhượng vạn bước thì cuối cùng vẫn còn có Trình; vạn sự không thành thì cuối cùng vẫn còn Trình. Tóm lại, Trình là chỗ dựa. ở nhà Lệ Lợi có trăm ngàn cái hay, nhưng chẳng cái nào là của mình. Tuy sống những ngày đẹp, nhưng là những ngày của người khác, sống bên bờ ngày tháng của người khác. Tưởng chừng đem toàn bộ năm tháng của mình ra làm những mẩu thừa của năm tháng người khác. Trở về nhà mình tuy tất cả là của mình, nhưng chẳng ra gì, dù trong hay ngoài cũng đều không bằng một góc của người khác. Thế nhưng vẫn không cam lòng. Mà Trình là tất cả của góc đó. Thôi đành lòng vậy, cầm lòng vậy! Khi trong lòng có điều không vui, Kỳ Dao cũng đi chơi với Trình một đôi lần, Trình đưa Kỳ Dao về nhà lấy đồ. Trình không vào ngõ mà ngồi chờ ở một quán cà-phê nào đó. Qua cửa kính nhìn người xe qua lại trên đường phố, Trình tự nhủ: sau cô gái này sẽ là Kỳ Dao, hoặc sau anh thanh niên này Kỳ Dao sẽ đến. Cà-phê trong ly đã nguội lạnh mà anh không hay biết. Tàu điện leng keng là tiếng nhạc yên ổn ngày đêm, ánh nắng trong kẽ lá ngô đồng như đang nổi nhạc, âm thanh tựa tiếng chuông bạc. Kỳ Dao đến là bức tranh đẹp, ánh sáng xuyên suốt người cô, cô như hoà tan trong không khí, khiến người khác phải lao cả tinh thần và sức lực vào cứu vớt. Chợt Trình bị kích động, sống mũi cay nồng. Bụi trong phòng chụp của anh mỗi ngày một dày thêm, chậu thuốc hiện trong buồng tối cũng biến màu, đã lâu anh không vào đấy. Trình thấy buồn, tưởng đâu con đường phía sau đã bị cắt đứt, chỉ còn tiến về phía trước, anh cảm nhận được vị lạnh của cà-phê. Kỳ Dao đã đứng trước mặt. Thấy Kỳ Dao, tự nhiên mọi nỗi buồn trong anh đều tiêu tan, thay vào đó là sự thoả mãn. Kỳ Dao không ngồi, định đi ngay, nếu ngồi có nghĩa là đáp ứng điều gì đó. Tuy hiểu đây là tận cùng sự việc, sự vật, nhưng xét cho cùng, xa không phải là thoái lui, chẳng qua tương lai mờ mịt, chỉ cần vững lòng là được. Vẫn còn một tầng nữa, đó là vì Lệ Lợi.
Dĩ nhiên Kỳ Dao hiểu lòng Lệ Lợi. Như Kỳ Dao một con người thông minh, cẩn thận, hơn nữa không có gì có thể che mắt, liệu còn gì không thấy? Thậm chí Kỳ Dao còn nhìn rõ cả nỗi lòng bà mẹ Lệ Lợi. Người phụ nữ bất lực này, trước đây mọi chuyện lớn nhỏ đều do Kỳ Dao, bây giờ là Trình. Một lần, một người trong họ cưới mời bà đi dự tiệc, bà lấy cớ Kỳ Dao mệt không đi được, muốn Trình cùng đi với hai mẹ con bà, dụng ý thô thiển này bị lộ khiến Kỳ Dao vừa buồn cười vừa cảm thấy đáng thương. Gặp những trường hợp đó Kỳ Dao chủ động thoái thác để tiện cho gia đình. Nhưng Kỳ Dao không đi Trình cũng không đi. Cuối cùng vì thể diện của hai mẹ con Lệ Lợi, cả bốn người cùng đi. Buổi tối, Kỳ Dao luôn ngồi cạnh bà mẹ Lệ Lợi, còn Lệ Lợi phải ngồi vào vị trí bên cạnh Trình. Kỳ Dao vun vào cho Lệ Lợi và Trình cũng là nghĩ đến con đường thoát thân sau này, vừa chiếu cố đến mẹ con Lệ Lợi, vừa để xem chuyện buồn cười. Kỳ Dao biết rất rõ trái tim của Trình gửi gấm ở mình, đó cũng là điều làm cô kiêu hãnh. Thấy Lệ Lợi không gặp may, tuy không đành lòng, nhưng cũng giải toả phần nào nỗi buồn. Trình thì không thể nào hiểu được Kỳ Dao, trái tim ấy thật phức tạp, cảnh ngộ tạo nên phức tạp, và cũng đẩy anh vào cảnh ngộ phức tạp. Anh không tự chủ nổi, cứ phải đến với Kỳ Dao, kết quả là vào tay Lệ Lợi, như vào mê hồn trận. Lòng dạ Trình ngay thẳng, không lắt léo, chỉ cảm thấy Lệ Lợi nhiệt tình, bà mẹ cũng nhiệt tình, tuy hơi quá nhưng không có gì đáng ngờ, anh cũng đáp lại bằng nhiệt tình, không ngờ lại rẽ ngang.
Vì Trình, Lệ Lợi khóc không biết bao nhiêu lần. Còn Trình thì như vừa để ý, như vừa thờ ơ, đều là lý do để Lệ Lợi vào khóc ở phòng riêng. Căn phòng ấy đã thu dọn, sách vở được sắp xếp gọn gàng. Ngày nào cũng rửa ly cốc, đĩa hát được thay đổi luôn, những dạ khúc cực kỳ lãng mạn, đầu giường treo túi thơm, do Kỳ Dao thêu; trong tủ có thêm những áo quần màu sắc tươi tắn hợp mắt Trình. Không khí vui tươi bao trùm căn phòng, tính tình hoà nhã, tâm trạng nhìn lên. Lệ Lợi viết nhiều trang không cho ai xem, sổ nhật ký được bọc bằng lụa đỏ. Lệ Lợi không nhìn rõ sự thật, bởi yêu làm mơ hồ, mặt khác nghĩ rằng đó là quyền của mình. Lệ Lợi có quyền với Kỳ Dao, cũng có quyền như thế với bạn của Kỳ Dao. Lệ Lợi mơ hồ về những quyền đó, không nhận rõ đâu là danh, đâu là thực, phần nào thuộc về mình, phần nào là tiền đề giao dịch công bằng. Điều này cũng bởi được tự do phóng khoáng từ thuở bé, rốt cuộc chỉ chịu thiệt. Lệ Lợi khi bị những tình cảm kia giày vò cùng cực lại đi thổ lộ với Kỳ Dao. Thổ lộ kiểu như trong tiểu thuyết. Trong đó, những chỗ nào câu trên không liền với câu dưới, chữ không rõ nghĩa mới là tình cảm thật. Kỳ Dao rất buồn vì những tình cảm thật ấy, không biết nói gì hơn. Dội nước lạnh vào Lệ Lợi là không đúng, cổ vũ càng không đúng, không thể phân tích nổi tình huống, mà cũng không tiện nói sự thật. Kỳ Dao không bày tỏ thái độ, cứ để tuỳ Lệ Lợi. Thế nhưng không chịu đựng nổi việc Lệ Lợi cứ truy hỏi, Kỳ Dao đành nói Trình là người tốt, hỏi nữa, bất đắc dĩ phải nói thêm: nhưng con người ngờ nghệch. Lệ Lợi nói: không phải là ngờ nghệch mà phải gọi là khó hiểu. Kỳ Dao thấy Lệ Lợi mê mẩn không tỉnh ngộ, có lúc phải dùng lời lẽ để ám chỉ, nói mọi việc phải tuỳ vào duyên số, nếu không có duyên số thì có cố mấy cũng bằng không. Lệ Lợi nghe nói vậy, bất giác hớn hở ra mặt, nói:
- Đúng thế, mình cứ nghĩ mọi việc đều gặp may, mình gặp may có cậu là bạn tốt, cậu lại đưa Trình đến, đúng là duyên số.
Kỳ Dao ngầm thở dài, cảm thấy mình đã hết trách nhiệm, còn nữa không liên can gì.
Hôm vào chung kết giống như cái đích của mọi việc, đến ngày, mọi việc đều rõ ràng. Cho nên, tất cả đều một lòng hướng về đó. Đến nơi, ngước đầu lên, thì ra mọi việc đều không như thế. Thế nhưng cái ngước đầu ấy, là chuyện của mấy năm, thậm chí mấy chục năm được nói trong nháy mắt. Vẫn còn phải bưng bít trong một thời gian. Tối hôm ấy, ba người, một trên sân khấu, hai ngồi dưới, bao nhiêu ngày cố gắng và nóng lòng chờ đợi, cuối cùng phải chờ số trời định đoạt, vừa buồn thương, vừa cảm động. Trên sân khấu rất nhiều cô gái đẹp, ở dưới hai người chỉ nhìn một. Do cơ sở nhận thức và cái giá phải trả, thật khó mà so sánh, khó mà phán đoán. Cả ba đành bó tay bất lực, chờ đợi số phận đưa đẩy. Đến màn trình diễn thứ ba, nhìn Kỳ Dao mặc áo cưới, bỗng nước mắt Trình trào ra. Đây là màn anh phải dày công suy nghĩ, là giấc mơ. Lệ Lợi cũng nước mắt tràn mi, bên trong tấm áo cưới không phải là Kỳ Dao mà là chính mình. Lệ Lợi không mộng tưởng mà coi là mình trong tương lai. Giờ phút này, người trên sân khấu, người ngồi dưới đều nước mắt dàn dụa, mỗi người một suy tư. Vào phút cuối cùng, không nén nổi, bất giác Lệ Lợi nắm lấy tay Trình, Trình không từ chối cũng không hưởng ứng, tập trung chú ý sân khấu, cơ thể đờ đẫn nói chi tay. Đến khi công bố Vương giành danh hiệu á hậu thứ hai thì Trình cũng không nén nổi, bật đứng dậy, nắm lấy tay Lệ Lợi, rồi rụt lại, điên cuồng vỗ tay. Lệ Lợi cũng vỗ tay, ngực như đánh trống, mặt đỏ lựng. Đó là một buổi tối vui vô cùng. Tuy không đoạt ngôi thứ nhất, nhưng ngôi thứ ba càng vững chắc hơn, hai người có tình cảm với nhau thì trông thấy niềm hy vọng như ánh sáng ban mai. Tối hôm ấy, Kỳ Dao cùng những người đẹp khác chụp ảnh, trả lời phỏng vấn trên sân khấu, Trình và Lệ Lợi chờ ở tiền sảnh. Hoa cẩm chướng trong sảnh đã héo, không còn tươi màu đỏ và trắng nữa, lá cũng bắt đầu rụng, vương vãi khắp nơi, đúng là cảnh tan hội. Đèn lửa trước sảnh là cảnh huy hoàng cuối cùng, không khí tàn cuộc. Xe cộ thưa dần, gánh hàng mỳ vằn thắn lặng lẽ xuất hiện bên đường, cảnh đêm yên tĩnh.
Sáng hôm sau, Trình rửa mặt, áo quần chỉnh tề đến nhà Lệ Lợi. Kỳ Dao và Lệ Lợi cũng đã trang điểm xong, đang ngồi ở phòng khách. Ba người đều mất ngủ, mắt hằn tia máu, sưng húp. ánh nắng nhớp nháp chiếu lên sàn nhà đánh xi, xi cũng tưởng như chảy ra. Bà mẹ Lệ Lợi tự tay chuẩn bị trà nước, bà cũng mặc áo mới. Giống như buổi sáng mồng một Tết, một đêm giao thừa ào ạt qua đi, xác pháo vừa dọn sạch, tuy năm mới bắt đầu nhưng đã tỏ ra mệt mỏi. Tưởng 8000 đâu bầu không khí vui mừng khó mà bao trùm cả năm. Họ cùng nhớ lại buổi tối hôm qua, mỗi người một câu, bổ sung và đính chính cho nhau, như muốn dựng lại diễn biến cuộc thi. Dưới ánh nắng ban mai, ánh đèn và hoa cẩm chướng tỏ ra không xác thực, mơ hồ, không rõ rệt. Họ tiếp tục nhớ để gợi lại buổi tối hôm qua. Buổi sáng qua đi, câu chuyện kéo dài đến tận bàn ăn. Thức ăn trên bàn như bữa ăn ngày Tết, khăn bàn mới, bát đũa đều là thứ dành cho dịp lễ tết, không khí ồn ào ở bàn ăn đã mất đi một ít, nửa ngày đã qua, sự việc không có thêm gì mới. Buổi chiều vẫn mệt mỏi, uể oải, xiêu đổ. Bụi trong nắng ngưng trệ, ánh sáng giảm bớt. Đang ngồi im lặng, Lệ Lợi đứng dậy đi về phía góc phòng chơi dương cầm, tiếng đàn như nước chảy, như thôi thúc, cổ vũ. Như để tìm một việc gì đó, Trình cũng đứng dậy, đến dựa vào dương cầm, hỏi Lệ Lợi có biết chơi bài này bài nọ không. Lệ Lợi trả lời Trình bằng tiếng đàn, không biết hết, chỉ biết vài câu, có yêu cầu, có đáp lại, hai người vui hẳn lên. Bên đàn, một trai một gái, người ngồi người đứng, cảnh tượng rất hài hoà với phòng khách này. Kỳ Dao ngồi một góc sofa nhìn hai người, chợt phát hiện đã qua rồi những ngày mình sắm vai chính. Ôi, vinh quang của ngày qua! Có gì đó như dời non lấp biển. Tiếng đàn xoáy vào tai Kỳ Dao, dội vào tim, như cốt để Kỳ Dao không chịu đựng nổi. Vẻ mặt Lệ Lợi ngồi bên đàn vẫn bình thản, nhưng rất tao nhã, vô hình trung kéo dài khoảng cách hai người, với Trình cũng có một khoảng cách. Kỳ Dao thoáng buồn, đó là tâm trạng thường thấy sau ngày vui. Ngày vui ấy không khỏi là sự phô trương, mong mỏi quá mức. Kỳ Dao ngắm nhìn vườn hoa mùa đông ngoài cửa sổ, những cánh hoa đinh hương đã khép lại, không còn nở ra nữa. ánh nắng bắt đầu rực rỡ, không khí thoáng đãng, không còn nghĩ gì đến việc đêm qua, thật thoải mái, trống trải. Sự việc ở bến Thượng Hải là thế, dù có ồn ào náo nhiệt hơn thế thì cũng chỉ trong thoáng chốc. Kỳ Dao nghĩ đến ngày trở về nhà mình. Lúc này Trình quay lại, nói:
- Kỳ Dao, hát một bài đi!
Bỗng Kỳ Dao bực lên, mặt đỏ, nhưng lại cười, nói:
- Em không phải là nhân tài nghệ thuật như Lệ Lợi, đâu biết hát hò gì!
Lệ Lợi vẫn vừa đàn vừa hát, Trình thì tỏ ra không yên tâm, đi đến bên Vương Kỳ Dao, hỏi:
- Chúng mình đi xem phim nhé?
Kỳ Dao vẫn bực, đáp:
- Không đi!
Trình lại nói:
- Tôi mời hai bạn đi nhà hàng ăn Tây vậy.
Kỳ Dao vẫn nói không đi, quay mặt giấu dòng nước mắt. Trình an ủi nhưng đụng đến chỗ đau của Kỳ Dao. Hai người im lặng, tiếng đàn của Lệ Lợi không còn xoáy vào tai nữa mà trở nên dịu dàng, âu lo.
Từ sau hôm ấy, Kỳ Dao bắt đầu đi chơi với Trình. Kỳ Dao nói với Lệ Lợi rằng mình về nhà, nhưng ra khỏi ngõ thì đi phía khác. Có hai lần, xem phim về đêm đã khuya, chưa vào đến cửa đã nghe thấy tiếng đàn của Lệ Lợi, giữa không gian của đêm, tiếng đàn như lời thì thầm tâm sự. Những hôm gần đây, Lệ Lợi ôn lại những bài tập đàn, cuối cùng đã tìm thấy niềm vui của Trình và cũng là để nói lên tiếng lòng. Kỳ Dao nhẹ nhàng lên cầu thang nhưng vẫn bị Lệ Lợi gọi lại để nói những cảm nhận của riêng mình. Lệ Lợi tìm Kỳ Dao làm bạn lòng, Kỳ Dao thì không thể thoái thác. Kỳ Dao đã nói đến chuyện về nhà, Lệ Lợi không chờ nghe hết lời bạn, liền nói Kỳ Dao về thì cô cũng theo về bên ấy, dẫu sao cũng không thể xa nhau được. Tình cảm của Lệ Lợi có phần khoa trương nhưng không giả dối, Kỳ Dao không thể không chấp nhận sự thật. Kỳ Dao nghĩ, mình không cam kết với Trình điều gì, thế nhưng đã chiếm mất cơ hội của Lệ Lợi, nếu không biết tâm ý Lệ Lợi còn khá, đằng này Kỳ Dao là người đầu tiên được Lệ Lợi thổ lộ. Tình cảm của Kỳ Dao không phải lấy ra từ tiểu thuyết, không đẹp như thế, nhưng là nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, có đi có lại, giữ tín trọng nghĩa. Kỳ Dao rất ngượng với Lệ Lợi, trong hành động đối với Lệ Lợi thì tỏ ra tốt hơn trước, xem Lệ Lợi như chị em ruột thịt. Có lần Lệ Lợi nhắc, lâu lắm không thấy Trình đến, hình như có điều gì không nên không phải, khiến Kỳ Dao phải từ chối lời mời của Trình, sau đó Trình lại đến. Lệ Lợi khấp khởi vui mừng, Kỳ Dao biết mình từ chối như thế là độc ác, không còn cách nào khác, chỉ còn cách không cam kết gì với Trình để xoa dịu lòng Lệ Lợi. Kỳ Dao không cam kết để giữ thăng bằng đôi bên. Không cam kết là sợi dây thép nhỏ, Kỳ Dao đi thăng bằng trên sợi dây đó, khéo léo phải là số một, giữ thật bình tĩnh cũng là số một.
Hôm ấy, Trình tỏ ra rất ngượng và rất hồi hộp mời Kỳ Dao đến chụp ảnh. Trong lời mời hàm ý nếu vờ không hiểu cũng có thể cho qua; nếu từ chối, lại là điều rõ ràng, mọi sự sáng tỏ. Điều mà Kỳ Dao cần, ấy là sự mơ hồ, kết luận gì cũng sẽ quá sớm. Những mong đợi bắt đầu trỗi dậy, có những điều mong đợi rất cao xa, nếu nói ra sẽ được lòng mê đắm của Trình chiều chuộng. Lòng mê đắm của Trình cũng như của mọi người, không biết đâu là cùng, đã nâng trái tim Kỳ Dao lên cao. Đến chụp ảnh ở nhà Trình vẫn là một ngày chủ nhật. Từ hôm trước Trình đã thu dọn gọn gàng, quét bụi, trên bàn phấn là một lọ hoa với hai bông hồng, góc bên kia là tấm ảnh Kỳ Dao. Tấm ảnh chụp lần trước, trông trẻ hơn bây giờ đến mấy tuổi, ngây thơ, thật ra cũng chỉ mới năm kia. Ngoài khung cửa sổ vẫn là cảnh sắc năm xưa. Thời gian của hai năm vừa rồi tưởng đâu chỉ lưu lại trên người Kỳ Dao, còn nữa đều qua đi không để lại dấu vết. Hoa và tấm ảnh như để chào đón. Nhất là tấm ảnh kia, không cần giải thích, mang ý nghĩa không đến cũng như đến, là dụng tâm của con người thật thà. Kỳ Dao vờ như không trông thấy. Cô xoa nhẹ một lớp phấn rồi đi ra ngồi trước máy, đèn bật sáng. Cả hai cùng nhớ lại chủ nhật năm xưa, cũng ánh đèn này, người lại là người xa lại qua đường, là hai con người chưa hề quen nhau trong đoàn người đông như kiến ở dưới đường kia. Ngày mai chưa rõ ràng, nhưng đã có một vài điểm đồng tâm, ở đời này cũng khó mà được như thế. Lâu lắm hai người không chụp ảnh cho nhau. Nhưng không vì thế mà quên, chỉ ôn lại một tị là quen tay ngay, chụp bên này một kiểu, chụp bên kia một kiểu... Buổi sáng thật ngắn ngủi, thời gian qua nhanh sau tấm rèm cửa sổ, ánh đèn trong phòng vẫn bình thường. Hai người không cảm thấy đói, không cảm thấy đủ. Vừa chụp ảnh vừa nói chuyện, nhiều chuyện ngay lúc bấy giờ không cảm thấy hứng thú, qua rồi nghĩ lại thấy vui. Đầu tiên, hai người nói những chuyện cùng biết, tiếp sau nói những chuyện riêng, người nói người nghe, mải nghe chuyện, quên cả chụp ảnh. Hai người ngồi trên bậc kệ trước tấm phông phong cảnh, một người cao một người thấp, đèn tắt, ánh nắng lọt vào phòng qua tấm rèm cửa sổ dày. Trình kể chuyện anh học Trường đường sắt ở Trường Sa, nghe tin Nhật ném bom vùng Hạp Bắc liền vội về ngay Thượng Hải gặp gia đình. Đi đường thật vất vả, không ngờ cả nhà đã về Hàng Châu, phải đi Hàng Châu, nhưng Thượng Hải lại yên tĩnh, bắt đầu thời kỳ cô đảo, thế là ở lại, thoáng đã tám năm, cho đến ngày gặp Kỳ Dao. Kỳ Dao kể chuyện bà ngoại của mình ở Tô Châu, trước nhà có cây hoa bạch lan, biết gói bánh chưng vừa chặt vừa rền, đi lễ ở Đông Sơn, hội đền có bán ấm trà, chén trà bằng gỗ chỉ lớn bằng móng tay có thể đựng được một giọt nước, lần cuối cùng Kỳ Dao đi Tô Châu đúng một năm trước ngày gặp Trình.
Hai người nói chuyện, thời gian như vó câu qua cửa. Chuyện trò làm quên thời gian, quên trách nhiệm, chỉ còn biết thoải mái. Tiếp đó, Trình kể lại ấn tượng lần đầu tiên gặp Kỳ Dao, câu chuyện mang ý bộc bạch, nhưng hai người lại không nghĩ thế, một người thản nhiên nói, một người thản nhiên nghe, như đã biết hết. Trình nói, nếu anh có một cô em gái, để anh chọn, cô em gái ấy giống như Kỳ Dao. Kỳ Dao bảo, nếu bố có con trai thì người ấy giống như Trình, lời nói hàm ý mượn cớ để từ chối, cả hai đều không đi sâu vào tình cảm, một người tùy ý nói, một người tùy ý nghe. Thế rồi hai người đứng dậy, mắt sáng lên, đứng sát vào nhau, bốn mắt nhìn nhau trong phút chốc, rồi lại rời nhau ra. Trình kéo tấm rèm cửa sổ, ánh nắng tràn vào, bụi lấm tấm nhảy múa trong nắng, chói chang như không mở được mắt. Nhìn bờ sông phía dưới cửa sổ, ở đó có những con tàu nước ngoài đang cập bến, phất phới cờ ngũ sắc. Người dưới đường như đàn kiến, cụm lại rồi tản ra, nhưng có nhân có quả, có thuỷ có chung. Dòng sông Hoàng Phố mênh mang đến, mênh mang đi, cả hai đầu đều mất hút ở phía chân trời. Hai người đứng trước cửa sổ, chuông đồng hồ trên nóc nhà Hải quan dội lại hai tiếng, đã là buổi chiều, là thời khắc để hai trái tim in bóng vào nhau, thời khắc này không mục đích vụ lợi, không có việc gì thành đạt. Trong nhân thế bận rộn, thời khắc ấy trở nên xa xỉ, là chút nhàn tản trong cả cuộc đời bôn ba vất vả, có thể bỏ lỡ sự nghiệp, nhưng là thời khắc khó quên, khó có của đời người.
Hôm sau, ảnh đã in rửa xong. Những tấm ảnh hoàn toàn phá vỡ khuôn thức, bởi vừa nói chuyện vừa chụp, tất nhiên không phải ảnh nào cũng đẹp, nhưng thần thái khó mà có được như thế, vẻ mặt vừa nghe vừa nói, nói những chuyện trong tâm can, không nói với người ngoài, ảnh cho chính mình, không để triển lãm. Hai người xem ảnh trong quán cà-phê, xem ảnh nào cũng vui, cảnh và những câu chuyện lúc này sẽ là lịch sử, Trình nói:
- Xem em này!
Kỳ Dao cười:
- Sao lại thế này nhỉ? - Rồi nhớ ra, nói - Đúng thế đấy!
Mỗi tấm ảnh là một tình tiết, là những tình tiết rời rạc không logic, cuối cùng thành câu chuyện không thành chuyện, thật khó nói. Kỳ Dao xem từng tấm ảnh một, Trình bảo Kỳ Dao lật xem phía sau, tấm ảnh nào phía sau cũng đều có chữ. Có tấm là một câu thơ cổ, có tấm là câu thơ mới, nhiều nhất là những tấm ảnh có những câu không tưởng của Trình. Anh vẽ nên hình ảnh của Kỳ Dao và gửi vào đó tiếng lòng mình. Kỳ Dao xúc động nhưng không lộ ra mặt, cố ý nói lảng sang chuyện khác bằng một câu đùa:
- Xem, đúng là văn phái Tưởng Lệ Lợi!
Hai người nhớ đến Lệ Lợi, chợt lặng đi, mất tự nhiên. Lát sau, Trình hỏi:
- Kỳ Dao, em không định ở mãi nhà Lệ Lợi chứ?
Câu hỏi đúng là để thăm dò vì mục đích riêng nhưng lại đụng vào nỗi đau của Kỳ Dao, mặt cô biến sắc, cười nhạt, nói:
- Nhà ngày nào cũng gọi điện bảo em về, nhưng Lệ Lợi không cho về, nói nhà bạn ấy cũng là nhà em. Lệ Lợi thì không hiểu, nhưng em làm sao có thể không hiểu, em ở nhà Lệ Lợi làm gì, là người ở hay là cô hầu tiểu thư? Suốt cả đời ở đấy sao? Em chờ một dịp nào đấy sẽ dọn về, nhưng không để Lệ Lợi buồn.
Thấy Kỳ Dao bực, Trình trách mình nói năng thiếu tế nhị, tỏ ra không hiểu Kỳ Dao, thật buồn, cốc nước đổ ra nhà rồi không thể nào lấy lại được. Kỳ Dao thấy Trình bối rối cũng nghĩ rằng mình quá nóng, liền dịu giọng, hai người lại nói chuyện rồi chia tay.
Mấy hôm sau, dịp may để Kỳ Dao dọn về nhà mình đã đến, có điều không như mong muốn, mọi người đều buồn. Một tối, Kỳ Dao không có nhà, Lệ Lợi vào buồng Kỳ Dao tìm cuốn truyện cho Kỳ Dao mượn. Truyện không tìm thấy nhưng lại thấy những tấm ảnh vừa chụp để bên gối cùng những dòng chữ phía sau. Những ý tình của Trình đối với Kỳ Dao lâu nay Lệ Lợi nhìn mà không thấy thì những tấm ảnh kia đã hé mở để Lệ Lợi thấy rõ sự thật. Kỳ thực, đó là những nghi ngờ âm ỷ trong lòng bấy lâu, có đột phá khẩu, mọi chuyện đã rõ. Sự thật ấy đã bóp nát tình yêu cũng đồng thời bóp nát tình bạn của Lệ Lợi. Tình yêu và tình bạn đều từ đáy lòng Lệ Lợi dành cho hai người. Bởi chỉ là nguyện vọng riêng, nên những gì bỏ ra đều nhiều gấp bội, không ngờ kết quả lại thế.
13 Ông Lý
Kỳ Dao nhận được thiếp mời cắt băng khai trương một cửa hiệu đúng hôm rời nhà Lệ Lợi về nhà mình. Kỳ Dao đã ngồi lên xích lô rồi chị người ở mới đưa. Nhìn vẻ vui mừng không giấu nổi hiện lên nét mặt người phụ nữ Quảng Đông này, Kỳ Dao biết mình về là đúng với mong muốn của chị ta. Kỳ Dao nghĩ, việc gì mình phải làm cái đinh trong mắt người, vô cớ đi gây thù gây oán! Gia đình Lệ Lợi không ai tiễn Kỳ Dao, một người mượn cớ đi ghi tên học đại học, một người mượn cớ đau đầu, điều này khiến Kỳ Dao cảm thấy mình đang bỏ chạy. Kỳ Dao mặc xường xám lụa trắng ngà, một lá quạt che nắng cuối hạ đầu thu, tiếng ve kêu rả rích, lá cây trên đường đã ngả màu thu. Lòng cô hoang mang, không còn hứng thú bóc xem tấm thiếp cầm trong tay. Kỳ Dao không nói cho Trình biết đã xảy ra việc gì, chuyện cũng thật khó nói. Cô hơi giận, cố tình đặt mình trong buồn thảm, tưởng như thế sẽ thoát khỏi nỗi hận. Xe ra khỏi ngõ rộng, những cành đinh hương trên tường như toả sương, phảng phất hương thơm, đường phố trước ngõ vắng vẻ, yên tĩnh. Kỳ Dao bóc phong thư trong tay, một cửa hiệu bách hoá mời cô đến cắt băng khai trương. Tin này không làm cô phấn khởi, ngược lại chỉ là chuyện hiếm có và kỳ lạ đối với cô. Kỳ Dao nghĩ, mình là á hậu sắm vai phụ, liệu có tăng thêm màu mè gì cho buổi khai trương? Với lại, cửa hàng bách hoá thuộc loại tầm tầm, không mời được Hoa hậu hoặc á hậu thứ nhất, đành mời cô đến phô diễn lấy lệ. Hôm nay là một ngày buồn, chấm dứt một giai đoạn, sự việc khép lại, nhưng còn nhiều việc phải làm tiếp. Tâm tư xế chiều.
Về đến nhà đúng bữa cơm trưa, Kỳ Dao bảo ăn rồi và lên gác xép đọc sách. Căn gác xép xám xịt, được tẩy rửa bằng soude trở nên loang lổ, tường và nền nhà đều xám. Lòng Kỳ Dao vô cùng yên tĩnh, ngồi yên đọc sách suốt buổi chiều. Buổi tối, nghe hai cú điện thoại. Một của Trình, hỏi tại sao đột ngột về, anh đến nhà Lệ Lợi mới biết. Kỳ Dao nói nhà có việc, phải về. Trình hỏi việc gì, có cần anh giúp không. Kỳ Dao cười, nói không có việc gì lớn, chẳng qua mượn cớ thế thôi. Trình nhẹ người, lát sau lại hỏi, phải chăng không bằng lòng điều mà anh nói hôm ấy mới quyết định đột ngột như thế. Kỳ Dao hỏi lại điều gì không bằng lòng, tại sao mình không biết. Trình ngập ngừng giây lát rồi nói sẽ đến chơi. Kỳ Dao bảo vừa về, còn bận nhiều việc linh tinh, vài hôm nữa hãy đến, thế rồi đặt máy xuống. Cú điện thoại thứ hai là của cửa hiệu bách hoá kia, mời cô hôm ấy nhất định phải đến, sẽ có xe đón, sau lễ khai trương mời dự tiệc, sẽ có xe đưa về. Người nói chuyện hết sức cung kính và cũng rất bức xúc, sợ cô không đến. Nghe xong hai cú điện thoại Kỳ Dao rất bình tâm, có gì đó như vừa lắng xuống lại quẫy lên ngay. Ban đầu Kỳ Dao định không ăn cơm tối, nhưng lại ăn, ăn xong cùng mẹ ngồi thông tâm sen rồi mới lên gác đi ngủ, ngủ một giấc đến sáng.
Ngày cắt băng, Kỳ Dao mặc bộ đồ trình diễn màn đầu tiên hôm chung kết thi hoa hậu, xường xám màu phấn hồng, tóc hơi dài cũng không cắt, không uốn mà đến hiệu búi lên, trông hơi già. Cô làm qua loa, miễn cưỡng đối phó như phản ứng với sự lạnh lùng bấy lâu. Kỳ Dao nghĩ, tại sao họ lại nhớ đến á hậu mà ngay cô cũng sắp quên. Không trang điểm nhiều lại là thành công của Kỳ Dao, màu phấn hồng mềm mại, tươi tắn, phù hợp với cô; búi tóc lúc này rất hợp với tâm trạng, chút tang thương trong vẻ xinh tươi, nhưng không che được nét trẻ trung của tuổi mười chín. Đôi giày da trắng mới mua, gót cao nhọn, nâng cơ thể Kỳ Dao lên, dáng ngọc đón xuân. Kỳ Dao lên ô tô ngay cửa, nhiều cặp mắt trong các cửa sổ nhìn theo, không giấu nổi ánh mắt xoi mói. Kỳ Dao hơi buồn, cô ngồi vào xe nhìn phố xá, vẫn tiếng leng keng vĩnh cửu của xe điện. Kỳ Dao nhìn lơ đãng, mặc tất cả, nhưng là vẻ lơ đãng thách thức, bằng bất cứ giá nào, quyết tâm cùng số phận đi đến cùng. Đến nơi, Kỳ Dao thấy kinh ngạc, thì ra cửa hiệu bách hoá này mấy hôm nay báo chí và đài phát thanh đã quảng cáo rùm beng, buổi lễ rất long trọng, có đến mấy chục lẵng hoa xếp thành hàng ở trước cửa, lúc này Kỳ Dao cảm thấy hối vì mình tỏ ra sơ sài quá, nhưng cô lập tức trấn tĩnh lại và còn buồn cười cho mình, dù có huy hoàng long trọng bao nhiêu đi nữa thì chẳng phải là lượn một vòng rồi trở lại chỗ cũ sao? Kỳ Dao rất hiểu, thế nhưng, điều hiểu biết ấy không bảo cô từ bỏ cố gắng của mình, ngược lại, phải nhận rõ tình thế, biết mình biết người, chuẩn bị cho mọi cố gắng. Cô kiểm tra những thứ đem theo trong hộp phấn son, rồi xuống xe.
Tham dự buổi lễ có nhiều nhân vật quan trọng, có những vị đã quen mặt, đã từng thấy ảnh trên mặt báo, có điều thời sự và chính trị cách xa Kỳ Dao quá, chỉ là văn chương trên giấy, là văn chương trên mây, cho nên cô trở thành ngây ngô. Buổi lễ đầy những diễn văn dài dòng, Kỳ Dao chỉ đứng yên chờ lưỡi kéo của mình. Tuy là lần đầu, thế nhưng Kỳ Dao cũng đã thấy trên phim, trên mặt báo, cho nên đến hiện trường cũng giảm phần ý nghĩa, như một công vụ mang tính hình thức. Kỳ Dao vừa thấy tiếc đã không trang điểm cẩn thận hơn, cứ mong cho chóng xong, chóng về. Cho đến lúc cầm kéo lòng thoáng chút hồi hộp. Trăm ngàn con mắt đổ dồn vào vai chính của Kỳ Dao, nhưng cũng chỉ giây lát. Tiếp theo là yến tiệc, phần lớn các vị chức sắc quan trọng đã về vì công vụ, còn lại số ít, trong đó có ông Chủ nhiệm Lý, ông ta ngồi ngay cạnh Kỳ Dao. Trông ông có vẻ như một quân nhân, lưng ngay đuỗn, nói cười thận trọng. Những người chung quanh nói năng tỏ ra bợ đỡ, nịnh nọt, khúm núm, không khí có phần căng thẳng. Nhưng Kỳ Dao thì không để ý đến chung quanh, cô nói chuyện tự nhiên, ngây thơ, làm không khí trở nên sống động. Kỳ Dao nghĩ, ông Lý là chủ cửa hiệu này, liền hỏi ông về các loại mỹ phẩm, thấy ông ta cười mới biết mình nhầm, ngượng quá, đành cứ thế cúi xuống ăn. Thấy Kỳ Dao đỏ mặt, ông Lý nở nụ cười. Về sau Kỳ Dao mới biết ông là một nhân vật cỡ bự trong giới quân nhân, cũng là một cổ đông của cửa hiệu bách hoá này. Ông là người đề xướng mời Kỳ Dao đến cắt băng khai trương cửa hiệu.
Ông Lý biết Kỳ Dao trong buổi chung kết cuộc thi Hoa hậu Thượng Hải. Ông ta đến để cổ vũ cho á hậu thứ nhất, nhưng bông hoa trong tay lại bỏ vào làn của Kỳ Dao. Kỳ Dao gợi dậy ở ông ta không phải là tình yêu cái đẹp mà là tiếc cái đẹp. Nỗi tiếc nuối của đàn ông ở tuổi bốn mươi kỳ thực là vì mình, rồi từ đấy phản hồi lại. Người bốn mươi tuổi có ai không mang thương tích trong tim? Chỉ riêng về thời gian cũng đã để lại những vạch ngang, vạch dọc. Hơn nữa trong thời ly loạn này, ông Lý là bậc tai to mặt lớn trong xã hội, người ta chỉ biết ông là nhân vật chức trọng quyền cao, nhưng không biết cao đến mức nào. Bao nhiêu mâu thuẫn trên người ông ta, tầng tầng lớp lớp chồng chất lên nhau. Tầng ngoài là mâu thuẫn quốc gia với quốc gia, tầng trong là mâu thuẫn đảng này với đảng nọ, một tầng khác nữa là mâu thuẫn giữa phái này với phái kia; trong cốt lõi là mâu thuẫn cá nhân với cá nhân. Mỗi một cử động tay chân của ông đều như sợi tóc làm lay động ngàn cân. Người ta chỉ biết ông Lý là nhân vật quan trọng mà không biết ông quan trọng đến thế, mọi người đều biến ông thành tấm bia để nhắm vào đấy. Trên vũ đài, ông Lý là một con người, ấy là vũ đài chính trị, điên đảo đảo điên, sáng đấy tối đấy, trên vũ đài hoặc dưới vũ đài đều phải đề phòng. Ông Lý là một cỗ máy chính trị, một phút một giây cũng không buông lỏng. Chỉ có cùng với đàn bà ông ta mới chứng tỏ mình là con người bằng da bằng thịt.
Đàn bà con gái không hề có chính trị, cho dù đó là những đấu sĩ thì cũng chỉ như trò đùa, là trẻ con, là thú tiêu khiển của người đời. Mọi hiểm hoạ của phụ nữ đều xuất phát từ yêu, càng yêu nhiều thì càng lắm đa đoan, hiểm hoạ. Yêu là yêu bền vững, không thay đổi. Đàn bà con gái chẳng chút quan trọng, cho người đời thanh thản tâm tư, không liên quan gì đến chìm nổi sống chết, là phong cảnh của cuộc đời. Đàn bà con gái cũng là thứ để ông Lý yêu thực sự. Nhưng yêu không phải là việc lớn trong đời ông, ngay như phò trợ cũng không đúng, mà chỉ có ý nghĩa một chút xa xỉ. Nhưng ông Lý có thực lực thì có thể xa xỉ lắm. Bà cả của ông Lý ở quê, là người mà bố mẹ mối lái, đặt đâu ngồi đấy. Ngoài ra ông còn hai bà bé, một ở Bắc Kinh, một ở Thượng Hải. ấy là chưa kể những cô không chính thức. Ông Lý cũng là người hiểu cái đẹp của con gái, trong cuộc thi Hoa hậu Thượng Hải ông là một trong những Ủy viên hội đồng giám khảo. ở cái tuổi của ông không dùng con mắt để thẩm định con gái mà dùng tâm tình để đo đếm. Hồi còn trẻ, ông mê đắm những cô gái có cặp mắt long lanh, hàm răng như ngọc, ai đó nói “sắc đẹp có thể ăn được” thì ông là người “có thể ăn”, là sự thoả mãn về cảm giác. Thế rồi theo năm tháng, ông cũng được thoả mãn về cảm giác, nhu cầu của ông bắt đầu thay đổi. Ông muốn được âu yếm chiều chuộng. Ông đã đi nhiều nơi, thấy con gái ở nhiều nơi, cái đẹp của con gái Bắc Kinh rất chân chất, nhưng đầy đặn quá, không có đất trống cho dư vị; cái đẹp của con gái Thượng Hải có dư vị đấy, nhưng giả dối, mơ hồ mờ sương, cũng khó gần. Nhưng do trào lưu thời thượng, con gái hai nơi ấy đều chạy theo thời thượng, có khuôn mặt của nghìn người, cho dù thay đổi, trăm biến vạn hoá vẫn không mất gốc, cuối cùng rơi vào cạm bẫy. Không ưng mắt, lòng lại càng không ưng. Những năm gần đây, dường như ông có phần lạnh nhạt với con gái, thực ra ông nghiêm khắc hơn, thực tình cũng khó tìm.
Kỳ Dao đã lay động trái tim ông Lý. Ông vốn không thích màu phấn hồng, màu hồng nặng nề đối với nhân khí con gái, khiến cả những nét yêu kiều đều hiện lên nét mặt, mọi tình cảm đều bộc lộ ra ngoài. Nhưng Kỳ Dao mặc màu hồng lại biến những gì gọi là xấu thành thần kỳ, mang một khuôn mặt mới. Màu phấn hồng kia vẫn nổi nét đáng yêu, nhưng tình cảm lại thẳng thắn, thật thà. Những bông hoa thêu trên áo cho người ta cảm giác cẩn thận, tỉ mỷ. Ông nhận ra rằng mình đã trách nhầm màu sắc, màu này mang tính cách con gái, gió vẫn thổi, nước vẫn trôi, có trách ấy là trách những người con gái ngoài đường ngoài phố kia đã làm hỏng màu sắc, thợ may cũng là hung thủ làm hỏng màu hồng. Màu hồng thật đẹp đẽ, cao sang! Nhưng ông Lý nhìn con gái đã nhiều, mắt không khỏi hoa, mỗi lần xét đoán đều tỏ ra thận trọng đắn đo. Tuy bỏ hoa vào làn của Kỳ Dao nhưng không quên, công việc ám ảnh ông, con gái cũng ám ảnh ông, chưa tìm được dịp nào để lôi kéo Kỳ Dao vào cuộc. May thay, đúng vào dịp cửa hiệu khai trương, mời ông tham gia, tiện thể ông hỏi sẽ mời ai đến cắt băng, trả lời chưa quyết định, có lẽ mời một người con gái, một minh tinh màn bạc cũng được, bởi ông Lý cũng đã có thời quen biết các minh tinh. Nghe thấy vậy, ông Lý liền nói, tốt nhất là mời á hậu thứ hai! Thế là Kỳ Dao được mời và đang ngồi cạnh ông đây. Cái áo dài màu phấn hồng xem ra cũng mềm mại, cũng được đấy chứ, đầu tóc mới làm thì đúng là trẻ giả già, cũng hiểu biết và tỏ ra ngoan ngoãn. Cho đến lúc Kỳ Dao hỏi ông ta về mỹ phẩm, ông bất giác mỉm cười cũng chẳng có gì là kỳ lạ, mà còn đúng với ý ông, ý ông là thế. Ông thấy Kỳ Dao im lặng vì biết đã nhầm, bất giác cảm thấy thương, ông thầm quyết tâm.
Với những việc của con gái, ông Lý không bỏ lỡ thời cơ, cũng không vòng vo, mà trực tiếp xáp vô. Quyền lực phải thế, cũng là cho bớt lôi thôi. Sau bữa tiệc, ông bảo với Kỳ Dao ông sẽ đưa về. Kỳ Dao thật khó nghĩ, tiệc tan, mọi người kéo nhau ra về, họ dồn đẩy hai người ra cửa. Kỳ Dao nhận ra ánh mắt cung kính của mọi người, tuy biết rằng cáo mượn oai hùm, nhưng cũng thấy đắc ý vì được làm quen với ông Chủ nhiệm Lý. Kỳ Dao lên xe, ông Lý đích thân mở và đóng cửa xe khiến cô vui mừng vu vơ. Ông lên xe ngồi cạnh Kỳ Dao, ông không cao lớn nhưng bệ vệ, khiến người khác phải kính nể. Ông Lý là tượng trưng cho quyền lực, ý chí kiên định, nói một là một, hai là hai, chỉ có phục tùng vâng lệnh. Dọc đường ông không nói chuyện, cửa xe rèm buông kín, ánh đèn loang loáng trên những tấm rèm. Kỳ Dao bất giác nghĩ: ông Lý đang nghĩ gì nhỉ? Nửa ngày hôm nay cho đến lúc này, Kỳ Dao mới nảy ra những hiếu kỳ tựa như hy vọng, cô nghĩ: ngày hôm nay sẽ kết thúc ra sao đây? Xe vẫn chạy nhanh trên đường, ánh đèn kéo thành vệt dài trên tấm rèm lụa cửa xe. Cái thành phố không đêm này như một câu đố, chưa phải lúc thì chưa đoán biết được. Bao giờ mới phải lúc? Có ai mà biết nổi! Kỳ Dao vẫn lo lắng. Thôi, cứ mặc số trời. Cô có cảm giác như một việc gì đó đã được định đoạt, có nghĩ cũng vô ích. Đây là ông Lý chứ không phải Trình. Ông Lý sẽ quyết tất cả, còn Trình phải để người khác quyết định hộ. Xe đã về đến nhà, ông Lý quay sang nói với Kỳ Dao:
- Ngày mai tôi mời cô Dao ăn cơm, cô có vui lòng cho phép?
Tuy là những lời khách khí, nhưng ông Lý nói thì đó là những lời đầy quyền lực, để cô quyết định nhưng không phải do cô quyết định. Kỳ Dao vội gật đầu, ông lại dặn ngày mai bảy giờ s 5b0c đến đón, thế rồi ông đưa tay ra mở cửa xe cho Kỳ Dao.
Kỳ Dao đứng ở cửa nhìn chiếc xe vút nhanh ra khỏi ngõ như một giấc mơ. Tuy là lần đầu gặp ông Lý, nhưng ông tỏ ra nắm vững mình, ông ta là ai nhỉ? Thế giới của Kỳ Dao hết sức nhỏ bé, là thế giới đàn bà, chỉ có áo quần và phấn son, vinh quang cũng chỉ là vinh quang phấn son áo quần, trên bầu trời của thế giới lớn chỉ có những đám mây trôi nổi. Trình tuy là một người con trai, nhưng tính tình ôn tồn, rất hợp với Kỳ Dao, cuối cùng cũng trở thành một người con gái, là tù binh trong thế giới nhỏ bé của Kỳ Dao. Ông Lý là con người của thế giới to lớn, cái thế giới lớn ấy Kỳ Dao không thể hiểu nổi, nhưng cô biết thế giới to lớn ấy là chúa tể của thế giới nhỏ bé, thế giới lớn là nền móng, là chỗ đứng chân. Kỳ Dao nhẹ nhàng đẩy cửa vào nhà, phòng khách dưới nhà tối om, có mùi thức ăn, trong bếp vẫn sáng đèn, mấy chị người ở đang tụ tập chuyện trò, đua nhau nói xấu gia chủ. Kỳ Dao lên gác vào phòng của mình, nằm mãi không ngủ được lại phải ngồi lên, nhìn ra ngoài cửa sổ. Đối diện là cửa sổ nhà bên, chỉ cách một tầm với, tuy có rèm che, nhưng trong nhà làm gì đều có thể thấy rõ mồn một, không có gì lạ. Kỳ Dao nghĩ đến buổi tối mai và mơ hồ trông chờ. Chuyện ngày qua đã qua đi rất lâu rồi, không còn nhớ nữa. Kỳ Dao tính toán ngay mai mặc áo gì, đi giày gì, lại còn đầu tóc nữa! Cô linh cảm thấy ông Lý có ý gì đó với mình, nhưng chẳng hiểu là ý gì, mà cũng chẳng biết phải đối xử ra sao. Kỳ Dao nghĩ, phàm không phải là ép buộc thì mình tự định đoạt, cô cũng hiểu đạo lý làm người là phải cố gắng. Bởi làm gì cũng phải có đất lùi để phòng thân. Mà muốn làm cả bảy phần cần phải cẩn thận, không thể cẩu thả qua chuyện được.
Hôm sau, Kỳ Dao vẫn kiểu tóc cũ, mặc xường xám trắng có viền đăng ten, trông vừa giản dị, vừa khách khí. Phấn son đậm hơn, đều đỏ tươi nhưng không đến nỗi làm mất hứng thú. Trên vai hờ hững một tấm khăn len Cashmere không nhằm quàng mà để hài hoà màu sắc. Xe dừng trước cửa, người lái xe gõ vào cánh cửa hai tiếng không mạnh và cũng không nhẹ quá như đã được dặn trước. Kỳ Dao đi ra hơi hồi hộp, tuy mới gặp ông Lý tối hôm qua, chưa biết ông ta là người thế nào, sự việc đến có phần bất ngờ. Kỳ Dao ngồi vào xe, đón nhận nụ cười của ông Lý như bạn cũ. Tuy chưa nói chuyện nhiều nhưng vừa gặp đã thân ngay, tựa hồ thân thiết lắm. Xe chạy được một quãng, ông Lý cúi xuồng nhìn cái ví để trên đầu gối Kỳ Dao, chỉ vào viên ngọc trai trên đó và hỏi:
- Đây là cái gì?
Kỳ Dao thật thà trả lời:
- Viên ngọc trai!
Ông Lý như bừng tỉnh:
- ồ, ra thế!
Lúc này Kỳ Dao mới biết ông Lý đùa, liền lấy ngón tay day lên chiếc nhẫn trên tay ông, nói:
- Còn đây là cái gì?
Ông Lý không nói, chỉ cầm lấy tay Kỳ Dao rồi lồng cái nhẫn của mình vào tay Kỳ Dao. Cô bối rối, nghĩ rằng cách đùa vừa rồi thiếu tế nhị, không nói thêm được gì, mà cũng không rụt tay lại được. May mà chiếc nhẫn rộng quá không làm sao vừa, ông Lý đành lấy lại, nói:
- Ngày mai tôi sẽ đưa em đi mua chiếc khác!
Xe vừa đến nơi, nhà hàng Công Viên. Những người trước cửa hầu như đều biết ông, nói:
- Ông Lý, mời ông vào!
Thang máy đưa hai người lên tầng mười một, ở đấy đã có người chờ sẵn dẫn vào phòng riêng, bàn ăn đặt sát cửa sổ, ngoài cửa sổ phía dưới là một biển đèn.
Ông Lý không hỏi Kỳ Dao dùng gì nhưng thức ăn ông gọi cô đều thích, đúng là ông rất hiểu khẩu vị con gái. Trong lúc chờ dọn thức ăn, ông Lý hỏi Kỳ Dao năm nay bao nhiêu tuổi, đọc những sách gì, ông thân sinh làm việc ở đâu. Kỳ Dao trả lời rành mạch, nghĩ bụng: đúng như kiểm tra hộ khẩu, cô cũng hỏi lại ông những điều như thế. Kỳ Dao không nghĩ là ông sẽ trả lời mà chỉ đùa ông ta tý thôi, không ngờ ông trả lời đầy đủ, còn hỏi cảm tưởng của cô. Kỳ Dao không biết làm gì khác, đành cúi xuống uống trà. Ông Lý nhìn cô một lát rồi hỏi:
- Em có muốn tiếp tục học nữa không?
Kỳ Dao ngước lên, trả lời:
- Thế nào cũng được, cháu không muốn làm nữ tiến sĩ, điều ấy dành cho Lệ Lợi!
Ông Lý lại hỏi Lệ Lợi là ai. Kỳ Dao trả lời là bạn học, nói ra ông cũng không biết đâu. Ông Lý nói:
- Không biết mới phải hỏi chứ!
Kỳ Dao bất đắc dĩ phải trả lời, cô nói toàn chuyện linh tinh vụn vặt, rời rạc, đến khi không còn chuyện gì, cô nói:
- Có nói thì chú cũng không biết đấy là ai.
Ông Lý nắm lấy tay Kỳ Dao, nói:
- Nếu ngày nào em cũng nói chẳng nhẽ tôi không hiểu?
Tim Kỳ Dao như bật lên cổ họng, mặt đỏ bừng, mắt ướt nước, tỏ ra lúng túng. Ông Lý buông tay, khẽ nói:
- Thật là trẻ con!
Kỳ Dao bất giác ngước mắt lên, ông Lý đang nhìn ra ngoài cửa sổ, ngoài kia trời đầy sương mù, đây là điểm cao nhất của thành phố. Thức ăn đã bày lên bàn, Kỳ Dao bình tĩnh dần, nghĩ lại những gì vừa diễn ra, tự cười mình kỳ lạ, một người đã trải việc, lại được Trình rèn luyện, tại sao đến nỗi này? Cô chỉnh lại trang phục, tìm chuyện nói với ông Lý. Cô làm như mình rất thạo đời, nhưng kỳ thực lại như trẻ con. Ông Lý không bắt bẻ, cứ thế trả lời từng câu một. Kỳ Dao hỏi ông mỗi ngày phải xem bao nhiêu công văn giấy tờ, phải viết bao nhiêu công văn, rồi cô nghĩ, những công văn ấy thường do thư ký viết, ông chỉ ký thôi, vậy là cô hỏi mỗi ngày ông ký bao nhiêu công văn. Ông Lý cầm lấy cái ví của Kỳ Dao, lấy thỏi son ra, tô một tị lên mu bàn tay Kỳ Dao và nói, đây là một công văn quan trọng mà ông phải ký.
Đến hôm thứ ba, ông Lý lại mời Kỳ Dao ăn cơm, nhưng mời vào buổi trưa. Sau bữa ăn đưa cô đến hiệu kim hoàn Phượng Tường mua nhẫn, thực hiện lời hứa hôm trước. Mua nhẫn xong ông đưa Kỳ Dao về nhà. Đi ô tô chỉ trong chốc lát, Kỳ Dao cảm thấy buồn. Ông Lý bảo đến là đến, bảo đi là đi, đến đi không do mình mà do ông ta, Kỳ Dao biết rõ như thế rồi còn trông chờ gì, mà cũng không còn lòng tin để trông chờ, là người bị động hoàn toàn. Mấy hôm sau, chẳng có tin gì của ông Lý nữa, tưởng như con người này chưa từng đến. Nhưng chiếc nhẫn mặt đá kia là sự thật, ngày nào cũng ở trên tay. Kỳ Dao không nghĩ đến ông ta, mà ông ta cũng không phải là người để ai nghĩ, nhưng Kỳ Dao đã bị ông nắm chặt, ông ta nói thế này phải thế này, không nói thế này thì không thế. Những ngày này Kỳ Dao không ra khỏi cửa, từ chối cả gặp Trình. Không phải Kỳ Dao có ý nghĩ gì để tránh mặt mà muốn được yên tĩnh. Những lúc yên tĩnh thì vẻ mặt ông Lý lại hiện lên, nét mặt mơ hồ, cúi đầu nhìn lấm lét. Kỳ Dao không yêu ông ta, còn ông Lý cũng không nhận tình yêu của ai, ông ta chỉ nhận về mình số phận người khác. Ông ta nắm vận mệnh người khác trong tay, chịu trách nhiệm khác nhau. Kỳ Dao cần trách nhiệm đó. Mấy hôm nay, người nhà muốn Kỳ Dao thận trọng hơn, muốn hỏi nhưng không dám hỏi. Số xe ô tô của ông Lý thuộc loại xe quan chức ở Thượng Hải, vào ra ngõ vài lần đủ cho dư luận bàn tán. Kỳ Dao đóng cửa ở nhà cũng vì lý do đó. Các bậc cha mẹ trong các ngõ nhỏ Thượng Hải đều là những người cởi mở, nhất là đối với những người con gái như Kỳ Dao, không tuỳ theo mà cũng tuỳ theo các cô, tuy chưa lấy chồng cũng là nửa khách của gia đình. Ngày nào cũng phải có thức ăn ngon cho bữa ăn, còn được chiều chuộng nữa. Làm mẹ phải đứng bên cửa sổ mong ngóng ô tô đến, vừa trông đợi vừa sợ, tiếng chuông điện thoại cũng vừa trông mong vừa sợ. Cả nhà đếm ngày đếm tháng nhưng có điều chẳng ai nói với ai. Mấy hôm, Kỳ Dao có chuyện giận dỗi muốn gọi điện thoại cho Trình, nhưng cầm máy lên lại đặt máy xuống, cảm thấy không thể nào giận dỗi nổi. Giận dỗi là chuyện của trẻ con, làm sao lại giận dỗi ông Lý được? Giận ông Lý thì chỉ thiệt thôi. Kỳ Dao biết được rằng mình phải vâng lệnh, không thể khác được. Thế là cô trấn tĩnh lại, không thể khác được, cũng là sự nghênh chiến. Kỳ Dao chỉ còn biết tin ở tự nhiên, tin rằng đâu sẽ vào đấy, chỉ cần chờ đợi. Đó là sự chờ đợi không hay biết cộng thêm không hay biết. Chờ được hay không chờ được đều không thể biết, chờ gì cũng chẳng biết nữa. Nhưng ngoài chờ đợi ra còn biết làm gì khác?
Một tháng sau, ông Lý lại xuất hiện. Kỳ Dao đã nản, không mong đợi gì. Ông Lý bảo lái xe đến đón Kỳ Dao, lái xe ngồi chờ ở phòng khách dưới nhà, Kỳ Dao vội vã trang điểm trên gác xép, mặc xường xám rồi đi xuống. áo mới may, hơi rộng, không kịp chữa. Mấy hôm trước vừa cắt tóc, không uốn, chỉ dùng kẹp nóng cuộn lại. Người gầy đi, mắt trông to hơn, trũng sâu, có vẻ hờn dỗi. Kỳ Dao đến nhà hàng ăn ở phố Tứ Xuyên, cũng rất sang trọng, ông Lý đã chờ sẵn. Ông đứng lên cầm tay Kỳ Dao, lập tức nước mắt cô trào ra, lòng ấm ức lắm. Ông Lý kéo Kỳ Dao ngồi xuống cạnh mình, ôm vào lòng, hai người cùng im lặng, hiểu nhau. Ông Lý đi rồi lại về, tưởng như bị giày vò nhiều lắm, tóc mai có nhiều sợi bạc. Nhưng không phải là sự giày vò này, mà chỉ là trái tim chà đi xát lại, như ngàn cân đè nặng, mỗi vòng quay đều dẫn đến hiểm hoạ và hung dữ làm tan xương nát thịt. Cả hai cùng cần được an ủi, Kỳ Dao thì mong được an ủi tất cả, hưởng lợi suốt đời; ông Lý thì mong được an ủi một điểm. Mỗi người có một yêu cầu riêng, năng lượng cũng không giống nhau, ông Lý chỉ yêu cầu một điểm, cũng chính là tất cả của Kỳ Dao; tất cả của Kỳ Dao cũng chính là một điểm của ông Lý, bởi thế hai bên gặp nhau.
Kỳ Dao tựa vào lòng ông Lý, trái tim như rơi xuống đất với một cảm giác chân thực. ý chí sắt đá của ông Lý lúc này cũng đang tan ra nước. Ông ta nghĩ, ôi con gái, chỉ là âm thanh trong trẻo duy nhất trong trần thế ồn ào náo loạn! Còn Kỳ Dao thì không nghĩ gì, có ông Lý là có tất cả. Hai người ôm nhau một lúc rồi ông Lý đẩy cô ra, nâng cằm cô lên nhìn thẳng vào mặt, khuôn mặt thật giống trẻ con, thần thái tỏ ra phó thác và ỷ lại, giống như đứa trẻ ngoan ngoãn. Ông Lý đã từng nhìn thấy nhiều đàn bà, con gái, ở đâu cũng có, có trong mọi tình huống, nhưng ở độ tuổi trung niên nhiều cạm bẫy như ông, gặp một người con gái một lòng một dạ tin tưởng gửi gấm không rõ ràng, gợi dậy những tình cảm đắng cay, ngọt ngào, đều có sức chinh phục khác thường. Một lần nữa ông Lý lại ôm Kỳ Dao vào lòng hỏi mấy hôm nay ở nhà làm gì. Kỳ Dao trả lời ở nhà tính đốt ngón tay. Lại hỏi tính đốt ngón tay làm gì. Kỳ Dao nói:
- Tính xem anh đi bao giờ trở lại!
Ông Lý ghì chặt Kỳ Dao, lòng thở than: em bé bỏng lắm! Những gì mà người con gái biết, Kỳ Dao đều biết. Im lặng trong giây lát Kỳ Dao cũng hỏi lại ông Lý những ngày vừa qua làm gì, ông Lý trả lời:
- Ký công văn giấy tờ!
Cả hai cùng cười. Kỳ Dao nghĩ ông Lý còn nhớ câu đùa hôm ấy, chứng tỏ trong lòng ông vẫn còn bóng mình.
Đêm trên đường Tứ Xuyên bình thường và thật tuyệt vời, ánh đèn chiếu sáng từng nơi, ánh đèn như ban ngày. Cơm ở nhà hàng này cũng là cơm bình thường, mùi hành mỡ nhiều hơn nhưng rất hợp khẩu vị. Trên kính cửa sổ ám hơi nước, mờ ảo. Trong cửa sổ tỏ ra ấm cúng, được mọi thứ đồng tình, phụ hoạ. Ông Lý buông Kỳ Dao ra, để cô ngồi về chỗ, nói ông đã nhờ người đi thuê một căn hộ riêng ở khu chung cư cho Kỳ Dao đến ở. Ông sẽ thường xuyên đến thăm, nếu buồn có thể thỉnh thoảng đón mẹ đến, dĩ nhiên ông sẽ thuê cho Kỳ Dao một chị giúp việc. Nếu muốn, Kỳ Dao có thể đi học đại học, không học cũng không sao, dù sao cũng không làm nữ tiến sĩ. Nói đến đây hai người cùng cười, nghĩ lại những gì vừa rồi. Kỳ Dao nghe ông Lý nói thật kín kẽ, không tìm đâu ra sơ suất, thế nhưng không thể đồng ý ngay được. Kỳ Dao suy nghĩ giây lát rồi nói để về hỏi bố mẹ xem sao. Câu nói đầy chất học trò làm ông Lý bật cười, ông đưa tay xoa đầu Kỳ Dao, nói:
- Anh là bố mẹ của em đây!
Câu nói làm Kỳ Dao xót xa, nước mắt trào ra, chỉ một lúc là đã ướt đẫm ngực áo. Ông Lý trầm mặc, hiểu được nguyên do xót xa của Kỳ Dao từ đâu. Không biết bao nhiêu lần ông thấy những giọt nước mắt như thế này, tuy chỉ chốc lát, nhưng đều lắng đọng, có cơ sở, gợn lên những con sóng nhỏ. Hồi ông còn trai trẻ, cái gì ông cũng bóp nát được. Năm tháng từng trải đã làm thay đổi, ông rõ dù sao cũng không thể không xem ai ra gì, con người đều bị nắm trong bàn tay khổng lồ, bất cứ lúc nào cũng có thể nát vụn, bàn tay khổng lồ ấy được gọi là số phận. Bởi thế, nước mắt Kỳ Dao như chảy vì ông, làm xúc động lòng ông. Kỳ Dao khóc một lúc rồi lau nước mắt, mắt đỏ, con ngươi trong vắt có thể nhìn tận đáy, phản chiếu bóng người. Vẻ mặt Kỳ Dao thoải mái hơn, cũng kiên quyết hơn, tưởng như vừa hoàn thành nghi thức cáo biệt, từ đây sẽ bắt đầu một giai đoạn mới, nhẹ nhàng xung trận. Kỳ Dao hỏi:
- Bao giờ có thể đến ở được?
Câu hỏi làm ông Lý bất ngờ, cứ nghĩ rằng Kỳ Dao còn phải băn khoăn, không ngờ lại dứt khoát nhanh chóng đến thế. Ông ngập ngừng nói lúc nào cũng được. Vương Kỳ Dao liền nói:
- Ngày mai nhé!
Ông Lý bị động thật sự, bởi nhà mới nói thế thôi, chưa đi thuê, ông đành nói phải chậm lại ít hôm nữa.
Mấy hôm sau, chừng như ngày nào ông Lý cũng cùng với Kỳ Dao, hoặc ăn uống hoặc xem Kinh kịch. Ông Lý tuy là người miền nam, nhưng ở Bắc Kinh lâu ngày và mê luôn Kinh kịch, không thích Việt kịch của quê nhà, nghe là chán ngay, ông cũng chán cả phim ảnh. Trong Kinh kịch thích nhất vai đào, chỉ thích đào nam giả nữ, không thích đào nữ, ông cho rằng nam giả nữ còn nữ hơn cả nữ(6). Bởi nam hiểu nữ hơn, nữ không hiểu nữ, diễn viên nữ sắm vai nữ là hình hài nữ, nam diễn viên sắm vai nữ mới nổi thần thái nữ. Cũng là điều mình không hiểu nổi bộ mặt thật của mình, cũng là đạo lý người ngoài mới hiểu được sự việc. Ông ghét phim ảnh, nhất là phim Hollywood, ghét cả các vai nữ trong phim, đó là điều mình tự coi mình là nữ, phô bày tất cả những gì nông cạn của người phụ nữ, làm sao có thể so sánh với sự sâu sắc trong các vai nam giả nữ của Kinh kịch được! Có lúc ông nghĩ, nếu ông sắm vai nữ, thì có thể tạo nên một nhân vật nữ đẹp nhất thế gian. Cái đẹp của nữ tuyệt nhiên không phải là những điểm mà nữ cho là đẹp, là những điều mà nữ không cảm thấy, thậm chí còn cho là xấu. Nam diễn viên thể hiện nữ kỳ thực không phải là nữ mà là lý tưởng hoá nữ, mỗi động tác động và tĩnh, cau mày hoặc tươi cười đều nhằm giải thích phụ nữ, như sách giáo khoa là để học tập. Ông Lý thích Kinh kịch cũng là do bản tính ông thích phụ nữ; mà ông thích phụ nữ thì phải như nữ trong Kinh kịch, là một hoạt động thẩm mỹ. Còn Kỳ Dao lại là lớp người được Hollywood bồi dưỡng, nghe tiếng trống, chiêng, não bạt... của Kinh kịch là đau đầu. Nhưng bây giờ Kỳ Dao cũng học được cách hạn chế thú vui của mình để cùng ông Lý đi xem Kinh kịch, lâu dần cũng thấy hứng thú, học được mấy câu nói rất địa phương có thể đối thoại được với ông Lý.
Sau một tuần, ông Lý đưa Kỳ Dao đi xem nhà.
Gần chùa Tĩnh An, trong một ngõ cạn của một phố hẻo lánh, chếch với Bách Lạc Môn, có mấy dãy chung cư nhiều tầng, gọi là chung cư Alice. Ông Lý thuê căn hộ tầng một, có phòng khách rất lớn, hai phòng nhỏ ở phía nam có thể làm phòng ngủ hoặc phòng đọc sách, còn phòng ở phía bắc có thể dành cho chị giúp việc. Sàn lát gỗ đánh xi bóng loáng. Đồ gỗ kiểu châu Âu, toàn bằng gỗ lát hoa. Rèm cửa sổ đã treo sẵn; còn một vài thứ lặt vặt như khăn bàn, khăn trải sofa, lọ hoa ... chờ Kỳ Dao rỗi rãi mới đi mua sắm. Như dành một phần niềm vui cho Kỳ Dao. Tủ quần áo cũng chưa có gì, để Kỳ Dao sắm từng chiếc, từng chiếc cho đầy tủ, mà cũng để lấp đầy khoảng trống thời gian. Hộp nữ trang trống không, là nơi để đầy tiền của ông Lý. Kỳ Dao thấy căn hộ lớn và trống trải, đi lại trong nhà cảm thấy mình nhỏ bé và chông chênh, không chỗ dựa, tưởng như không thật, nhưng chẳng nhẽ là giả sao? Bởi là tầng một, lại buông rèm cửa sổ, thêm vào đó gặp ngày trời không có nắng, khu chung cư trở nên âm u, nhìn không rõ, bật đèn lại là ánh sáng của buổi tối. Kỳ Dao vào phòng ngủ, ở đấy đã kê một chiếc giường đôi, trên trần là một ngọn đèn, cảnh tượng như đã thấy ở đâu rồi, có cảm giác như sự việc xưa cũ. Kỳ Dao quay sang phòng khác, nhưng không đi nổi. Ông Lý đứng ngay sau lưng, ôm lấy Kỳ Dao, bế xốc cô đi về phía giường. Kỳ Dao khẽ vùng vẫy, rồi nằm lên giường. Trong phòng tối om, chỉ có tiếng gà kêu ở ngoài cửa sổ như nói rằng, lúc này là buổi chiều. Ông Lý làm đầu tóc Kỳ Dao rối tung, phấn son trên mặt cũng nhoè nhoẹt, ông bắt đầu cởi cúc áo của Kỳ Dao. Kỳ Dao nằm yên để mặc ông, đồng thời giúp ông cởi tay áo. Kỳ Dao nghĩ, khoảnh khắc này sớm muộn gì cũng phải đến. Mình đã mười chín tuổi, thế này cũng là chuyện chính đáng, cảm thấy khoảnh khắc này không ai có quyền hơn ông Lý, trao cho ai cũng không bằng trao cho ông Lý. Khỏi cần phải suy nghĩ, hoài nghi. Mùi vôi trên tường kích thích cảm giác mát lạnh trong mũi Kỳ Dao. Trước khoảnh khắc cuối cùng chính thức đến, Kỳ Dao còn kịp cảm thấy một chút hối tiếc, mình đã hai lần mặc áo cưới, một lần ở xưởng phim, một lần trên sàn thi hoa hậu, nhưng lần cần mặc áo cưới nhất thì không mặc.
Hết chương 3. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.